Nguồn tư liệu của các giáo sĩ Kito về Việt Nam (khảo sát  tác giả và tác phẩm)

Nguyễn Thừa Hỷ

Tạp chí Xưa&Nay, số 572, tháng 2 năm 2025

(Tiếp theo kỳ trước)

Thế kỷ XVIII

Lettres édifiantes et curieuses

Trong lịch sử Công giáo, bộ ấn phẩm Lettres édifiantes et curieuses (Những bức thư khuyến thiện và kỳ thú) là một tư liệu văn tự đặc biệt. Nó là ấn phẩm chính thức của giáo đoàn Dòng Tên (Compagnie de Jésus), được xuất bản bằng tiếng Pháp tại Paris và Toulouse (sau có một số phiên bản tiếng Anh) liên tục từ đầu thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX, ở những thập niên cuối mang tên Nouvelles lettres édifiantes (Những bức thư thiện chính mới). Những người điều hành và biên tập Lettres édifiantes được nhiều người biết đến là Jean-Baptiste du Halde, Patouillet và Louis-Aimé Martin.

Lettres édifiantes tập hợp những thư từ, báo cáo, bản tường trình của các giáo sĩ Dòng Tên đi truyền đạo Thiên Chúa trong các quốc gia trên tất cả mọi châu lục thế giới, trong đó một phần quan trọng là châu Á. Trong các bức thư viết tại chỗ, ngoài tin cá nhân, người ta còn thông tin cho các Bề trên cũng như gia đình về tình hình truyền đạo, cộng đồng giáo dân cùng ghi chép lại tất cả những điều quan sát, chứng kiến về những điều mắt thấy tai nghe trong những vùng và những xứ mà họ sống.

(Trái) “Đàn ông và phụ nữ Đàng trong”. Tranh khắc của Lachaussé trẻ, theo Jacques Grasset – Saint – Sauveur. Trích từ Chuyến đi đẹp như tranh ở hai phần thế giới, của Grasset – Saint – Sauveur. Paris, bà góa Hocquart, 1806. (Phải)”Huế, phụ nữ Đàng Trong”, khắc bởi Choubard, theo L. Massard. Trích từ Chuyến đi của Filayson.

Những tập của ấn phẩm chứa đựng nhiều thông tin của hai miền Đại Việt (Đàng Ngoài và Đàng Trong) là những tập xuất bản trong các năm: 1758, 1810, 1819, 1821, 1823, 1843,… Tập 1821 hầu như toàn bộ đăng các thông tin về Đại Việt, các chuyên luận về Đàng Trong và Đàng Ngoài, nhiều thư từ trao đổi của các giáo sĩ: Reydellet, Bricart, Sérard, Céram, Blandin, Gabale, Piagel, Pigneau, Halbout, Labartette,… Tập 1823 hầu như một chuyên khảo về giai đoạn 1787-1795 với những thông tin khá chi tiết về thời cuối Lê, Tây Sơn và Nguyễn Ánh ở hai miền Nam, Bắc với kỷ lục số lượng thư từ của các giáo sĩ: Labartette, Longer, Céram, Le Roy, Le Breton, La Mothe, Le Labousse, Sérard, Le Pavec, Guerard, Girard, Boisserand, Tessier và một bài hịch của vua Quang Trung gửi toàn thể các quan lại, quân sĩ và dân chúng hai tỉnh Quảng Ngãi và Quy Nhơn,…Tập 1843, đề tên Louis-Aimé Martin biên tập, có khá nhiều thông tin bổ ích: Các chuyên luận tổng quát và lịch sử về Đàng Ngoài, Đàng Trong, đặc biệt là tình hình ngoại thương và buôn bán của hai miền, tình hình truyền đạo và các vụ bách hại, những thư từ trao đổi của các giáo sĩ trong thế kỷ XVIII như: Royer, Chanseaume, Houx, Horta, Cibot, Faure,… Ngoài ra còn có những tập minh họa đặc biệt, trong đó có những bản đồ và tranh khắc về Đàng Ngoài và Đàng Trong vào thế kỷ XVIII.

– Adriano di St. Thecla (1667-1765)

Đây là một giáo sĩ đặc biệt đã từng đến và sống ở Việt Nam lâu năm, đã để lại một tư liệu Công giáo cũng đặc biệt. Trước hết, Adriano di St. Thecla là một giáo sĩ đặc biệt, vì ông không thuộc đa số các giáo sĩ khác đến Việt Nam đã thuộc các giáo phái Dòng Tên, Hội Thừa sai, Dòng Franciscains hay Dòng Dominicains, mà thuộc về một dòng đạo thiểu số rất ít người biết, là Dòng Augustins Chân đất (Augustins déchaux, Discalced Augustinians). Theo ấn phẩm Lettres édifiantes et curieuses (T. VI, 1821), thì trong lịch sử truyền giáo ở Tây Đàng Ngoài, chỉ “duy nhất có một giáo sĩ thuộc dòng đạo Augustins Chân đất”. Thứ đến, trong các danh mục văn bản tư liệu Công giáo ở Việt Nam, hầu như người ta không nhắc đến tên ông, mặc dù ông đã đến Đàng Ngoài từ năm 1738 và liên tục sống ở đó gần 30 năm cho đến lúc mất (1765). Sau cùng, công trình của ông để lại cũng là một tư liệu đặc biệt, vì ông là người Ý lại viết hoàn toàn bằng tiếng Latinh, chú trọng nhiều đến tín ngưỡng bản địa dân gian. Hơn nữa, đây chỉ là một bản thảo viết tay, chưa hề được ấn hành hoặc xuất bản.

Cuốn sách dưới dạng bản thảo về tín ngưỡng tôn giáo Đàng Ngoài của tác giả Adriano Thecla có nhan đề Latinh là Opusculum de sectis apud Sinenses et Tunkineses (Tiểu luận về các giáo phái của người Trung Hoa và người Đàng Ngoài), bảo quản trong kho lưu trữ của Hội Truyền giáo Đối ngoại Paris. Không hẳn đúng như chủ đề, ông nói đến tín ngưỡng tôn giáo Trung Hoa khá ngắn gọn và chỉ là một phần dẫn nhập để nói đến tín ngưỡng tôn giáo Đàng Ngoài. Khi nói đến tín ngưỡng tôn giáo Đàng Ngoài, ông cũng trình bày toàn diện và cân đối các tín ngưỡng dân gian, Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo và đạo Thiên Chúa. Ngay cả đối với phần đạo Kitô, ông cũng bình tĩnh diễn giải, không dùng đến giọng điệu lộng ngôn cực đoan của một giáo sĩ cuồng tín. Ngoài phần tín ngưỡng tôn giáo, rất tiếc là không có những thông tin về các mặt khác của đời sống Việt trong thời đoạn lịch sử này.

Bản thảo nằm lâu trong kho lưu trữ. Thế kỷ XIX, tạp chí Journal Asiatique có giới thiệu và trích dịch một số chương đoạn, đăng trong các tập II (1823) và tập VI (1825), dưới nhan đề “Traité des Sectes religieuses chez les
Chinois et les Tonquinois, par le frère Adrien de Sainte-Thècle, missionnaire au Tonquin” (Luận về các giáo phái của người Trung Quốc và người Đàng Ngoài, do thầy Adrien de Sainte-Thècle soạn thảo). [Chú ý đến từ được dùng ở đây: Frère (thầy tu, thầy trợ tá) mà không phải là “père” (cha cố, linh mục)]. Tác giả Ngô Đình Nhu đã tham khảo và trích dẫn Opusculum của Adriano St. Thecla trong khóa luận tốt nghiệp trường Văn khố Quốc gia Paris năm 1938 của mình về những phong tục tập quán của người An Nam ở Đàng Ngoài trong thế kỷ XVII.

Jean Dupuis (1829 – 1912), trong trang phục Trung Hoa, bên cạnh một viên quan tùy tùng, một người lính Vân Nam và những người Bắc kỳ. Tranh khắc trích từ Vòng quanh thế giới, 1877, tập II, trang 289.

Năm 2002, Đại học Cornell, New York cho xuất bản bản dịch tiếng Anh với nhan đề A small treatise on the sects among the Chinese and the Tonkinese – A study of religion in China and North Vietnam in the 18th century by father Adriano di St. Thecla (Tiểu luận về các giáo phái ở người Trung Quốc và người Đàng Ngoài – Nghiên cứu tôn giáo ở Trung Hoa và Bắc Việt Nam thế kỷ XVIII, của cha
Adriano St. Thecla). Olgar Dror dịch chú, với sự hợp tác chuyển ngữ Latinh của Mariya Berezovska và lời tựa của K. W. Taylor. Năm 2017, nhà xuất bản Thế giới cho xuất bản bản dịch tiếng Việt nhan đề Luận về các phái của người Trung Hoa và Đàng Ngoài, do Nguyễn Thanh Xuân dịch và Võ Minh Tuấn hiệu đính.

Tam giáo chư vọng

Trong một bản thảo chữ Quốc ngữ soạn năm 1752 thời Cảnh Hưng, được phiên âm sang chữ Nôm khoảng thời Gia Long, có nhan đề Tam giáo chư vọng, lưu trữ tại Văn khố Hội Truyền giáo đối ngoại Paris (AMEP), một giáo sĩ phương Tây (ghi là Tây sĩ) đã tranh luận và phê phán mạnh mẽ một cách thiên vị về “những sai lầm của Tam giáo” Nho – Đạo – Phật với một Nho sĩ (ghi là Đông sĩ).

Đứng trên lập trường đạo Kitô, tác giả bênh vực công khai cho tôn giáo này. Tuy nhiên, trong khi tường thuật cuộc bút chiến, cuốn sách đã ghi lại được nhiều thông tin độc đáo về tình hình thực tế của ba tôn giáo truyền thống Phật – Đạo – Nho (Tam giáo), cũng như đạo Thiên Chúa ở Đàng Ngoài thế kỷ XVIII.

Bản thảo không ghi tên tác giả, nhưng theo những nghiên cứu của mình, GS Trần Văn Toàn cho là: “Ta có lý mà đoán rằng sách Tam giáo chư vọng nếu không phải là do Adriano viết thì là do Giám mục Hilario de Jesus căn cứ theo cuốn sách của Adriano mà viết ra tiếng Việt. Vị này tới Đàng Ngoài vào năm 1724, có tiếng là rất thạo tiếng Việt và đã viết nhiều sách đạo bằng tiếng Việt. Năm 1736, Hilario được cử làm Giám mục hiệu tòa”.

Một tác giả Việt Nam định cư tại Hoa Kỳ là Trần Quốc Anh năm 2011 đã bảo vệ luận án tiến sĩ của mình tại Georgetown University (Washington D.C.) với nhan đề The errors of the Three Religions, trong đó có sao lục toàn văn cuốn Tam giáo chư vọng nguyên bản bằng chữ Quốc ngữ đương thời cùng phiên bản chữ Nôm.

– Richard & Saint Phalle

Giám mục Jérome Richard thuộc Hội Truyền giáo đối ngoại Paris (MEP) là người đứng tên, nhưng thực chất chỉ là người biên tập và Linh mục Charles Thomas de Saint Phalle ẩn tên, nhưng chính lại là tác giả bản thảo của một bộ sách hai tập Histoire naturelle, civile et politique du Tonkin (Lịch sử tự nhiên, dân sự và chính trị của xứ Đàng Ngoài), xuất bản ở Paris năm 1778.

Trong khi hầu như không có thông tin về tác giả biên soạn cuốn sách là Jérome Richard, chúng ta lại biết khá rõ là người đã dày công sưu tập những tư liệu thực địa quý giá của nó là Charles Thomas de Saint Phalle. Ông sinh khoảng những năm 1700-1703 trong một gia đình tầng lớp quý tộc cũ, đến giáo phận miền Tây Đàng Ngoài năm 1732 như một giáo sĩ thừa sai. Tốt nghiệp khoa Thần học ở Paris, ông đến Đàng Ngoài và ở lại trong tám năm, đi sâu vào dân chúng, thông thạo tiếng Việt. Vì xa cách các Bề trên và mâu thuẫn về giáo lý, Charles Thomas de Saint Phalle đã từ bỏ Hội Truyền giáo đối ngoại Paris năm 1739 và trở về Pháp năm 1741. Năm 1753, ông lại gửi lên Chưởng ấn quan Dupleix một bản ghi nhớ, trình bày sự phong phú về tài nguyên và những thuận lợi trong công việc buôn bán, nhằm thúc đẩy nối lại những quan hệ buôn bán với Đàng Ngoài và mở thương điếm, nhưng không được chính quyền Pháp chấp thuận. Charles Thomas de Saint Phalle mất ở Paris năm 1766. Có lẽ vì hoàn cảnh đặc biệt như vậy, Saint Phalle đã không được ghi tên trong cuốn sách xuất bản năm 1778, hơn 10 năm sau khi ông mất.

Ngay năm sau (1779), cuốn sách đã được Heinrich
August Ottokar Reichard dịch sang tiếng Đức và xuất bản với tiêu đề Sittliche und natürliche geschichte von Tunkin (Lịch sử tự nhiên và phong tục Đàng Ngoài). Bản dịch tiếng Anh với tiêu đề History of Tonquin (Lịch sử xứ Đàng Ngoài) chỉ dịch quyển 1 và có thu gọn, lược bỏ một số đoạn và ghép lại một chương được đăng trong bộ Voyages and travels (Du hành và du lịch) của John Pinkerton xuất bản ở London năm 1811. Bản dịch tiếng Đức tái bản lần gần đây nhất năm 2007 với đầu đề mới Das alte Vietnam: Auf den Spuren des Abbé Charles Thomas de Saint Phalle in Tunkin (Nước Việt Nam xưa: Dõi theo dấu tích của Linh mục Charles Thomas de Saint Phalle ở Đàng Ngoài) do cặp vợ chồng Đức – Việt là Andreas Reinecke và Nguyễn Thị Thanh Luyến biên tập.

Trong lời tựa, tác giả đã nêu ra những cơ sở tư liệu để viết cuốn sách. Lõi cốt là những bản thảo không được xuất bản của Linh mục Charles Thomas de Saint Phalle, một số những ghi chép và thư từ của các giáo sĩ thừa sai khác của Hội Truyền giáo đối ngoại Paris, được lưu trữ ở Lưu trữ Hội Thừa sai, tập hợp và ấn hành trong nhiều tập dưới tiêu đề chung là Lettres édifiantes et curieuses (Những bức thư khuyến thiện và kỳ thú). Trong lời tựa, Jérome Richard cũng nói đến một cuốn sách gần như là cơ sở lý luận để biên soạn, đó là cuốn De l’esprit des loix (Tinh thần của pháp luật) của nhà khai sáng nổi tiếng người Pháp Charles Louis de Secondat, baron de La Brède et de Montesquieu (thường viết tắt là Ch.
Montesquieu), với nhiều đoạn trích dẫn dài. Điều nghịch lý thú vị ở đây là một giáo sĩ Gia Tô chính thống lại rất tán dương, ca tụng những luận điểm, tư tưởng đề cao dân chủ tự do chống lại nền chuyên chế quân chủ và thống trị giáo hội của một nhà khai sáng lớn đã mở đường về mặt tư tưởng cho cuộc cách mạng dân chủ tư sản Pháp. Tập I bộ sách trình bày chủ yếu về tự nhiên, chính trị, xã hội, phong tục tập quán và tín ngưỡng tôn giáo của Đàng Ngoài thế kỷ XVIII. Tập II trình bày chủ yếu tình hình diễn biến về công cuộc truyền bá đạo Thiên Chúa ở Đàng Ngoài.

– Moyriac de Mailla

Joseph Anne Marie Moyriac de Mailla (1669-1748) là một giáo sĩ Dòng Tên người Pháp, một nhà toán học, sử gia, dịch giả và nhà họa đồ nổi tiếng. Sang Trung Quốc năm 34 tuổi, ở lại đó 45 năm cho đến khi mất (79 tuổi), phục vụ gần gũi Hoàng đế Khang Hy nhà Thanh. Ông là tổng chủ biên bộ
Histoire générale de la Chine (Thông sử Trung Quốc) đồ sộ gồm 13 tập, mỗi tập trên dưới 1.000 trang khổ lớn, xuất bản ở Paris 30 năm sau khi ông mất. Trong bộ sử này, Moyriac de Mailla đã công phu sưu tập và tổng hợp nhiều bộ chính sử Trung Hoa, các công trình nghiên cứu của các giáo sĩ phương Tây và các tư liệu thực địa.

Các tư liệu về Việt Nam được trình bày trong hai tập 12 và 13 của bộ sử này, trong mục “Các nước phiên thuộc” của Trung Quốc. Tập 12 do Le Roux Deshauterayes biên tập, xuất bản ở Paris năm 1783. Tập 13 do Giám mục Grosier biên tập, xuất bản ở Paris năm 1785. Những tư liệu này chứa đựng những thông tin có nguồn xuất xứ từ những giáo sĩ phương Tây từng sống ở Việt Nam, kết hợp với những thông tin từ những sử sách Trung Quốc.

Trong tập 12, có hai bài nghiên cứu của cha Gaubil: Notice historique sur la Cochinchine (Ghi chép lịch sử về xứ Đàng Trong) và Mémoire historique sur le Tongking (Tường thuật lịch sử về xứ Đàng Ngoài). Tập 13 có hai chương tổng hợp Du Tong-king (Về xứ Đàng Ngoài) và De la Cochinchine (Về xứ Đàng Trong). Giá trị của những tư liệu này là nó có một số thông tin bổ sung mới lạ, độc đáo mà không tìm thấy được trong các bộ chính sử Việt Nam cũng như ở các nguồn tư liệu khác.  

(xem tiếp kỳ sau)

Nguồn: Nguyễn Thừa Hỷ, Việt Nam thế kỷ XVII – XIX qua các nguồn tư liệu phương Tây, trang 413-422, MaiHabook, Nxb. KHXH, 2020.

Bài liên quan

Bài đăng mới