Thế kỷ XIX
– Annales de la propagation de la foi
Ấn phẩm định kỳ Annales de la propagation de la foi (Biên niên truyền bá đức tin) là một nguồn tư liệu Công giáo quan trọng của Pháp, trong đó có nhiều thông tin bổ ích về Việt Nam thế kỷ XIX. Nó mang nhiều tên gọi khác nhau, trong đó tên gọi trên là từ năm 1834 đến 1974 (năm ấn phẩm đình bản). Giai đoạn trước đó, từ năm 1822 đến 1833, nó mang tên Annales de l’Association de la propagation de la foi (Biên niên của Hiệp hội Truyền bá đức tin).
Ấn phẩm Annales được ấn hành số đầu tại nhà in Rusand, Lyon (Pháp), do Pauline Jaricot phụ trách. Thời gian sau có in thêm ở Paris. Theo lời giới thiệu, nó là “vựng tập định kỳ những thư tín của các giám mục và các giáo sĩ ở hai thế giới (cựu thế giới và tân thế giới) và tất cả những tài liệu liên quan đến các giáo hội”. Ấn phẩm tự nhận là người kế tục của bộ Lettres édifiantes et curieuses ấn hành trong thế kỷ XVIII, xuất bản độ hai, ba tháng một số. Vì nó là ấn phẩm phục vụ cho các cộng đồng giáo dân không chỉ ở Pháp mà còn trên toàn thế giới, nên mỗi kỳ phát hành tới 10.000 rồi 40.000 bản, một số lượng rất lớn vào thời kỳ đó. Trong thế kỷ XIX, Annales được xuất bản liên tục và thường xuyên.
Những thông tin về Việt Nam truyền thống trong Annales khá phong phú qua nội dung những bức thư của các giáo sĩ MEP. Thời điểm phản ánh tập trung vào nửa đầu thế kỷ XIX và nội dung chủ yếu đến công cuộc truyền đạo, chính sách tôn giáo của nhà nước phong kiến và một số sự kiện trong nội tình triều đình dưới các thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Thí dụ trong 224 trang của tập II (1826), có đến 71 trang là nội dung các bức thư của các giáo sĩ đang sống tại Việt Nam như: Jeantet, Ollivier, Longer, Masson, Eyot, Taberd, Régéreau,… Hay như trong tập V (1831), có những bức thư của các giáo sĩ: Havard,
Masson, Jeantet, Marrette, Pouderoux, Taberd, Gagelin,… Tuy nhiên, mặt hạn chế của Annales so với Lettres édifiantes là có phần ít những thông tin hơn về các mặt đời sống của các tầng lớp quần chúng bình dân. Cuốn sách La Cochinchine et le Tonkin của Eugène Veuillot (Paris, 1861) đã dẫn rất nhiều trích đoạn từ Annales.
– Bissachère (1764-1830)
Pierre Jacques Lemonnier de La Bissachère, tác giả đứng tên bộ sách hai tập có nhan đề État actuel du Tunkin, de la Cochinchine et des royaumes de Camboge, Laos et Lactho (Hiện tình các xứ Tunkin, Cochinchine và những vương quốc Cam Bốt, Lạc Thổ), là giáo sĩ người Pháp sinh tại Angers (thuộc vùng Loire, miền Tây nước Pháp). Ông theo học tại chủng viện Hội Truyền giáo đối ngoại Paris (M.E.P). Năm 1790, ông được cử sang Đàng Ngoài (lúc đó gọi là Bắc Hà), làm trợ lý đắc lực cho Giám mục Longer, phụ trách giáo phận miền Tây Đàng Ngoài. P. J. L. de La Bissachère sống ở xứ Bắc Hà suốt thời gian nội chiến giữa Nguyễn Quang Toản – Cảnh Thịnh và Nguyễn Ánh – Gia Long, có thời kỳ được bình an, nhưng cũng nhiều lần bị truy nã, phải lẩn trốn tại vùng Nghệ An.
Tháng 7-1802, khi Nguyễn Ánh tiến quân qua vùng Nghệ An ra Bắc Hà, P. J. L. de La Bissachère đã cùng Giám mục Castorie ra trình và được Nguyễn Ánh tiếp kiến. Những năm đầu triều Gia Long, để trả nghĩa cho Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine, Giám mục Adran), những giáo sĩ người Pháp trong đó có P. J. L. de La Bissachère được sinh sống tương đối yên ổn. Năm 1806, P. J. L. de La Bissachère bị ốm và đến 1807 thì phải rời Bắc Hà đi Ma Cao (Trung Quốc). Khoảng năm 1808, ông trở về châu Âu, lưu trú tại Anh khoảng 6, 7 năm. Sau đó, năm 1815, khi nhà vua Louis XVIII dựng nền Phục tích (Restauration), ông trở lại Pháp, định cư tại Paris cho đến lúc mất vào năm 1830.

Quá trình biên soạn, biên tập và xuất bản cuốn du khảo khá phức tạp. Học giả người Pháp Charles B. Maybon trong cuốn sách La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr de La Bissachère (1807) (Bản tường trình về xứ Tonkin và Cochinchine của ngài de La Bissachère (1807)) đã phân tích kỹ về vấn đề này. Theo đó, P. J. L. de La Bissachère chưa bao giờ tự mình xuất bản sách, mà chỉ viết những bản thảo. Trong thời gian P. J. L. de La Bissachère ở Anh, năm 1810, một bộ sách ba tập đã được xuất bản ở Paris mang tên Voyage commercial et politique aux Indes Orientales… (Du hành thương mại và chính trị đến các xứ vùng Đông Ấn) của tác giả Félix Renouard de Sainte-Croix, trong đó có phụ đề “Des notions sur la Cochinchine et le Tonquin” (Những khái niệm về các xứ Cochinchine và Tunquin), được trình bày trong lá thư 53 của tập 3, đề từ Touran ngày 25-12-1807. Thực ra, đây là một chuyện bịa đặt và mang tính đạo văn. F. R. de Saint-Croix chưa bao giờ đến Việt Nam (ông ta chỉ ở Philippines và Ấn Độ) và chỉ gặp P. J. L. de La Bissachère ở Ma Cao năm 1807 và được nghe vị giáo sĩ kể lại những thông tin hiểu biết về xứ sở này, mà không hề nói đến nguồn gốc của những thông tin đó trong cuốn sách của mình.
Người thứ hai có nhiều duyên nợ với P. J. L. de La Bissachère là Bá tước Antoine de Montyon. Bá tước nổi tiếng là một nhà quý tộc từ thiện, đã giúp nhiều cho việc xuất bản những công trình học thuật. Tại London (Anh), P. J. L. de La Bissachère đã gặp A. de Montyon, trao đổi bản thảo và có thể dự trù kế hoạch xuất bản. Người ta không rõ tình hình sau đó diễn ra thế nào, nhưng năm 1811 đã ra đời ở London bộ sách hai tập Exposé statistique du Tonkin, de la Cochinchine, du Camboge, du Tsiampa, du Laos, du Lactho par M. M-N sur la relation de M. de La Bissachère (Bản tường trình thống kê về xứ Tunkin, Cochinchina, Cam Bốt, Tsiampa, Lào, Lạc Thổ của ô. M-N về du ký của ô. de La Bissachère) có ghi tên tác giả M. M-N và phụ đề “Về Du ký của ngài de La Bissachère, giáo sĩ ở xứ Tunkin”. Đến năm sau (1812), bộ sách này được in lại với tên mới hơi khác chút ít là État actuel du Tunkin, de la Cochinchine et des royaumes de Camboge, Laos et Lactho (Hiện tình các xứ Tunkin, Cochinchine và những vương quốc Cam Bốt, Lạc Thổ) như chúng ta đã thấy. Không còn tên tác giả M-N, thay vào chỉ có tên M. de La Bissachère, với phụ đề là “Missionnaire qui a résidé 18 ans dans ces contrées” (Giáo sĩ đã từng ở các xứ này trong 18 năm), và một phụ đề khác là “Traduit d’après les relations originales de ce voyageur” (Được dịch từ những du ký của nhà du hành này). Bộ sách hai tập État actuel du Tunkin, de la Cochinchine et des royaumes de Camboge, Laos et Lactho (Hiện tình các xứ Tunkin, Cochinchine và những vương quốc Cam Bốt, Lạc Thổ) của giáo sĩ người Pháp Pierre Jacques Lemonnier de La Bissachère, do thu quán Galignani ở Paris xuất bản năm 1812.
Học giả Ch. B. Maybon đặt vấn đề nghi ngờ và cho rằng có nhiều khả năng P. J. L. de La Bissachère không tham gia vào việc biên tập cuốn sách, thậm chí cũng không biết đến việc xuất bản nó (lúc này ông vẫn đang ở Anh). Chứng cứ rõ nhất là đoạn phụ đề phi lý khi cho rằng nó đã “được dịch từ nguyên bản”, nghĩa là được dịch “từ tiếng Pháp sang tiếng Pháp”? Có lẽ nhà xuất bản cố tình hàm ý mập mờ rằng du ký của P. J. L. de La Bissachère còn được dựa theo nhiều du ký khác của những người ngoại quốc chăng? Thực ra, cũng có thể nói cuốn du ký của P. J. L. de La Bissachère là cuốn sách thuộc thể loại du ký cuối cùng của các tác giả phương Tây viết về xứ Đàng Ngoài và Thăng Long – Hà Nội, trong đó có kế thừa sử dụng nhiều thông tin của các cuốn trước đó như của Alexandre de Rhodes, Samuel Baron, Jérome Richard, cùng các tác giả gần thời gian đó như John
Barrow, Jean-Marie Dayot, Laurent Barisy, chưa kể đến những bộ hồi ký biên niên của Giáo hội như Lettres édifiantes et curieuses (Những bức thư kỳ thú và khuyến thiện), Annales de la propagation de la foi (Biên niên truyền bá đức tin)… Tất nhiên, vào thời đó, chưa có lệ ghi chú dẫn nguồn xuất xứ, nên trong nội dung cuốn sách của P. J. L. de La Bissachère, như Ch. B. Maybon nhận xét, đã “có một sự pha trộn khá đủ liều lượng giữa những khái niệm chính xác với những thông tin bắt nguồn từ một trí tưởng tượng phong phú. Tuy nhiên, cuốn sách đã được dư luận hoan nghênh rộng rãi. Ngay năm sau (1813), nó được chuyển dịch sang tiếng Đức và in lại nhiều lần, gần nhất là bản chụp lại và được in ở Anh và Tây Đức năm 1971 cùng ấn bản điện tử trên mạng Amazon.com.
Nhà xuất bản Galignani giới thiệu về cuốn sách: “Không có lĩnh vực quan trọng nào mà lại bị tác giả bỏ qua không quan sát. Hình thức chính quyền, luật pháp, tôn giáo, lực lượng quân đội của quốc gia, đất đai, trồng trọt, kỹ nghệ, phong tục tập quán, tính cách người dân, nghệ thuật, khoa học, văn chương, ngôn ngữ, việc thiết lập những quan hệ thương mại, tất cả những thứ gì có thể kích thích tính hiếu kỳ của những người châu Âu đều đã lần lượt là đối tượng của một sự khảo sát sâu sắc và vô tư”. Không gian miêu tả cũng rất rộng, hầu như toàn bộ bán đảo Đông Dương: Các xứ Tunkin, Cochinchine, Lào, Cam Bốt (Campuchia) và Lạc Thổ [một tiểu vương quốc bán tự trị của bộ tộc người Gia Rai ở Tây Nguyên từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, thường được gọi là Thủy Xá – Hỏa Xá]. Cũng nên nói thêm, hai xứ Tunkin và Cochinchine được P. J. L. de La Bissachère dùng trong cuối thế kỷ XVIII – đầu XIX không còn là Đàng Ngoài và Đàng Trong, cũng chưa phải là Bắc kỳ và Nam kỳ. Thuật ngữ Bắc Hà và Nam Hà có thể gần nghĩa nhất, tuy chưa thật đúng. Bắc kỳ lúc này được tác giả gọi là Haut-Tunkin, còn Nam kỳ là Basse-Cochinchine.
Đây là cuốn du ký mới nhất và kỹ nhất trong số những du ký của các giáo sĩ phương Tây nói về Đàng Ngoài, trong đó có Thăng Long – Kẻ Chợ. Một điều nghịch lý khó giải thích là một giáo sĩ thuộc phái thủ cựu bảo hoàng như P. J. L. de La Bissachère lại có những tư tưởng và quan điểm rất tân tiến về tự do dân chủ như một học giả cấp tiến ngày nay, điều mà chúng ta có thể thấy trong các chương nói và bình luận về thiết chế chính trị – hệ tư tưởng của xã hội Việt Nam truyền thống.
– Taberd, Jean-Louis (1794-1840)
J. L. Taberd là giáo sĩ thừa sai Paris người Pháp. Thụ phong linh mục năm 1817, rời nước Pháp sang Nam kỳ truyền đạo năm 1820. Năm 1827, được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa ở Lái Thiêu (Bình Dương), thường gọi là Cố Từ và đến năm 1830, được phong Giám mục hiệu tòa Isauropolis. Có thời kỳ vua Minh Mạng đã giữ Taberd ở triều đình Huế dịch sách, tìm hiểu văn hóa văn minh phương Tây, cũng là một hình thức quản chế. Sau những vụ bách hại đạo Thiên Chúa, năm 1834, Taberd phải rời khỏi Việt Nam, lánh sang Siam, Penang (Mã Lai), rồi tới Calcutta (Ấn Độ) làm Đại diện Tông tòa xứ Bengal cho đến lúc mất khi 46 tuổi.
Giám mục J. L. Taberd còn là một nhà ngôn ngữ học và nhà soạn từ điển xuất sắc, một phần để phục vụ công việc truyền giáo của mình. Công trình nổi tiếng của ông là bộ từ điển gồm hai tập, thường gọi tên chung là Từ điển Taberd, in lần đầu tiên tại Sérampore (Tây Bengal) và được tái bản một số lần.

Từ điển Taberd gồm hai cuốn: Dictionarium Anamitico-Latinum (Từ điển Annam – Latinh, còn gọi là Nam Việt – Dương Hiệp tự vị) và cuốn Dictionarium Latino-Anamiticum (Từ điển Latinh – Annam). Tiếng Annam ở đây, được ghi bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Bản mới nhất do nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội ấn hành năm 2004.
Thực ra, J. L. Taberd đã thừa hưởng được khá nhiều công lao của những người đi trước như những cuốn từ điển của A. de Rhodes, đặc biệt là bản thảo viết tay cuốn từ điển Annam – Latinh của Giám mục Pigneau de Béhaine, évêque d’Adran (Bá Đa Lộc) soạn năm 1773. Theo nhà nghiên cứu ngôn ngữ Nguyễn Phú Phong, Taberd đã sử dụng đến 90% các mục từ của Pigneau. Tuy nhiên, Taberd đã bổ sung thêm nhiều trang về ngữ âm, ngữ pháp, phần phụ lục với nhiều bảng biểu về chữ Hán – Nôm, chữ Quốc ngữ, lịch pháp, đo lường và cả một danh mục các loại thảo dược Đàng Trong bằng tiếng Latinh và chữ Quốc ngữ. So với cuốn từ điển Việt – Bồ – La của A. de Rhodes, từ điển Taberd phong phú, chi tiết hơn, tuy có ít từ thông tục, bình dân hơn. Một đặc điểm khác của từ điển Taberd là dùng nhiều phương ngữ miền Nam hơn những phương ngữ miền Bắc. Trong lần xuất bản đầu, từ điển Taberd có in kèm tấm bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ thời Minh Mạng có ghi quần đảo Hoàng Sa.
– Montezon & Estève
Cuốn sách của hai giáo sĩ Dòng Tên người Pháp này có thể nói là tư liệu văn bản Công giáo cuối cùng viết về Việt Nam thời kỳ tiền thuộc địa. Nó được ấn hành tại nhà xuất bản Charles Douniol ở Paris năm 1858, ngay trước khi liên quân Pháp – Tây Ban Nha mở cuộc tấn công vào Đà Nẵng. Thực ra, cuốn sách là một tập hợp những tư liệu Công giáo trước đó mang tính tổng kết và cập nhật, với một chương bổ sung: “Những sự kiện chính diễn ra cho đến ngày nay (1857). Vì vậy, nó được coi là tư liệu văn bản Công giáo thế kỷ XIX nói về Việt Nam. Cuốn sách được mang tên Mission de la Cochinchine et du Tonkin (Giáo hội Đàng Trong và Đàng Ngoài), được coi là tập II của bộ sách Voyages et travaux des missonnaires de la Compagnie de Jesus publiés par des pères de la même Compagnie (Các chuyến du hành và những công tích của các giáo sĩ Dòng Tên được công bố bởi các cha của cùng dòng đạo đó).
Ba nguồn tư liệu chính được các tác giả sử dụng để biên soạn công trình này là: Cuốn du ký của cha Tissanier, các du ký và du khảo của cha Alexandre de Rhodes và những bức thư được chọn lọc ra từ bộ Lettres édifiantes et curieuses (Những bức thư thiện chính và kỳ thú). Các cuốn du khảo của Tissanier đã được viết ra từ hai thế kỷ trước, đến cuốn sách này mới được in lại. Các bức thư khuyến thiện riêng lẻ của các giáo sĩ viết trong thế kỷ XVIII đã được hai tác giả hệ thống lại và trình bày kết nối trong một dòng mạch liên tục các sự kiện.
Phần Dẫn luận của cuốn sách được viết trong tháng 5 năm 1858, ngoài việc tóm lược quá trình truyền bá đạo Kitô vào Việt Nam trong ba thế kỷ, có một tiểu luận quý giá, mang tên: “Géographie de la Cochinchine et du Tonkin, ou de l’empire d’Annam” (Địa dư các xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài, hay đế quốc Annam), đúc kết những ghi chép thực địa qua từng thế kỷ, tạo thành một chuyên khảo về địa lý lịch sử và những biến đổi hành chính. Ngoài nội dung chính, sách còn có thêm phần phụ lục và những văn bản xác minh (Pièces justificatives), trong đó có những danh mục, bảng biểu và một số tư liệu độc đáo như lá thư của giáo dân Đàng Ngoài gửi Giáo hoàng Urbain VIII, tấm bằng sắc của vua Lê chúa Trịnh cấp cho cha đạo Félix Morelli công nhận làm nghĩa tử, với tên gọi Phucon (Phúc ông, Phúc công?).
Cuốn sách được viết vào giữa thế kỷ XIX, nên thể thức biên soạn cũng đã có phần tiến bộ. Bước đầu đã sử dụng những chú thích dẫn nguồn xuất xứ. Tuy nhiên, trong sách đã có những trang ít nhiều mang tính tuyên truyền, bút chiến cực đoan không cần thiết, với tinh thần “tử vì đạo”. Phải chăng đây chính là một bản nhạc dạo đầu, chuẩn bị tâm lý để biện minh cho cuộc gây hấn quân sự của nước Pháp vào Việt Nam sẽ được thực hiện ngay sau đó?
– Veuillot, Eugène (1818-1905)
Eugène Veuillot không phải là một giáo sĩ truyền đạo tại Việt Nam, cũng không phải là một tu sĩ linh mục, mà chỉ là một nhà báo Công giáo Pháp nhiệt thành, đã cùng người anh trai và các con điều hành tờ báo Công giáo l’Univers trong nhiều năm. Có thể coi Veuillot là tác giả Công giáo cuối cùng trong thời kỳ tiền thuộc địa có tác phẩm nghiên cứu về Việt Nam được xếp loại trong các tư liệu Công giáo.
Cuốn sách La Cochinchine et le Tonquin – Le pays, l’histoire et les missions (Xứ Bắc kỳ và xứ Nam kỳ – Đất nước, lịch sử và các giáo đoàn truyền đạo) được ấn hành đúng ngay sau khi cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp bùng nổ. Nó được nhà xuất bản Gaume Frères & J. Duprey ở Paris in ấn hai lần (1859 và 1861). Nó không còn ở dạng một cuốn du khảo các miền đất lạ, mà là một công trình biên soạn cẩn thận với gần 500 trang sách, kết cấu chặt chẽ rõ ràng: Lời dẫn luận, 22 chương sách, phần phụ lục với khá nhiều tư liệu gốc, có các chú thích dẫn nguồn xuất xứ. Trọng tâm nội dung trình bày các thông tin về Việt Nam dưới các triều đại đầu nhà Nguyễn trước cuộc chinh phục của Pháp.
Tư liệu để tác giả Veuillot biên soạn cuốn sách có thể là sự tổng hợp các dữ liệu thông tin của các cuốn du ký từ các thế kỷ trước, có tham khảo nhiều qua bộ biên niên Công giáo Annales de la propagation de la foi thế kỷ XIX, được ấn hành ở Lyon. Sáu chương đầu trình bày tổng hợp về xã hội Việt Nam truyền thống một cách khá toàn diện, trên các lĩnh vực địa lý tự nhiên (vị trí, khí hậu, sông ngòi, các tài nguyên,…), lược sử quốc gia, thể chế chính trị (hành chính, luật pháp, quân đội), kinh tế, xã hội (hệ thống quan lại, gia đình, phong tục), văn hóa giáo dục (đời sống văn hóa vật chất, khoa cử, nghệ thuật), tín ngưỡng tôn giáo (tam giáo, tục thờ cúng, mê tín dị đoan,…). Bảy chương tiếp theo trình bày cặn kẽ tuy có phần hơi dài về quá trình du nhập đạo Thiên Chúa vào Việt Nam, hoạt động của các giáo sĩ, chính sách cấm đạo và bách hại Kitô của các vua chúa. Chín chương cuối nói về tình hình chính trị thời sự của các vua triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, quan hệ Pháp – Việt và quá trình dẫn đến sự can thiệp vũ trang của Pháp với cuộc tấn công Đà Nẵng. Văn phong cuốn sách dễ hiểu, sáng sủa, tỏ ra cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của một nhà báo năng động kiêm một nhà nghiên cứu nghiệp dư.
– Hội đồng Tứ giáo (1867)
Đây là cuốn sách đạo được khắc in bằng cả chữ Nôm lẫn chữ Hán cho các tín đồ Thiên Chúa, nói về cuộc tranh luận của đại diện bốn tôn giáo: Tam giáo Phật-Đạo-Nho và đạo Thiên Chúa, được cho rằng diễn ra trong ba ngày trong một nhà ngục dưới thời chúa Trịnh Sâm (nửa sau thế kỷ XVIII). Nội dung cũng tương tự như cuốn Tam giáo chư vọng, gồm những biện giải và biện luận của các vị Tây sĩ và các hòa thượng, pháp sư và Nho sĩ, với những thông tin bổ ích về đời sống tâm linh truyền thống của người Việt cũng như những quan điểm bênh vực thiên lệch cho đạo Kitô của các giáo sĩ (đại diện là các linh mục Dòng Dominicains/Đa Minh), trong có ba người là người phương Tây và một là người Việt Nam.
Sách được khắc in lần đầu năm 1867 ở giáo phận Quy Nhơn và sau đó nhiều lần tái bản ở các nhà thờ Phú Nhai (Bùi Chu) và Tân Định (Sài Gòn), có bản dịch sang tiếng Tây Ban Nha in năm 1903. Một ấn bản Hội đồng tứ giáo bằng chữ Nôm hiện nay cũng được lưu trữ tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.
Nguồn: Nguyễn Thừa Hỷ, Việt Nam thế kỷ XVII – XIX
qua các nguồn tư liệu phương Tây, trang 413-422,
MaiHabook, Nxb. KHXH, 2020.