Nguyễn Hoàng có mười người con, dĩ nhiên không cùng cha cùng mẹ. Theo Đại Nam Liệt truyện Tiền biên (ĐNLTTB) con trưởng là Hà, mẹ là Đoan quốc thái, mất năm 1576. Con thứ hai là Hãn, mẹ ruột không rõ, mất tại trận sau 1593. Con thứ ba là Thành mẹ ruột không rõ, mất năm 17 tuổi, không có con trai. Con thứ tư là Diễn, mẹ ruột không rõ, mất ở trận sau 1597. Con thứ năm là Hải, mẹ ruột không rõ, sau 1600, chúa để lại đất Bắc làm con tin. Hoàng tử thứ sáu là Nguyễn Phúc Nguyên, mẹ là Minh Đức Ý Cung Gia dụ hoàng hậu. Chỉ có mẹ của thế tử mới được ghi trong chính sử. Con thứ bảy và thứ tám là Hiệp và Trạch[i], làm phản bị bắt tù và chết vào năm 1620. Nên biết, các hoàng tử được ghi trong quyển Hoàng tử Liệt truyện, còn Hiệp và Trạch được ghi trong quyển Phụ: Nghịch thần Gian thần liệt truyện. Con thứ chín là Dương, mẹ ruột không rõ. Con thứ mười là Khê, mẹ là Minh Đức Vương Thái Phi[ii].
Như vậy, chỉ có bà Minh Đức Ý Cung Gia Dụ, mẹ Nguyễn Phúc Nguyên là Hoàng hậu được ghi trong chính sử. Còn bà Minh Đức Vương Thái Phi, thứ phi, mẹ hoàng tử Tôn Thất Khê, được ghi trong ĐNLTTB, vì ông này rất có công, trải qua ba triều nhà Nguyễn: Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên và Nguyễn Phúc Lan.
ĐNLTTB ghi vắn tắt sự nghiệp của Khê, nhưng Đại Nam Thực Lục nói chi tiết hơn. Năm 1626, Nguyễn Phúc Nguyên, tuổi cao, nên trao mọi việc trong nước cho Khê (Sd tr.52). Năm 1635, trong lời trối trăng, nhà chúa đã cậy nhờ Khê giúp đỡ hoàng tử lúc này còn chưa đủ lịch duyệt cai trị nước. Khê cúi đầu vâng lệnh (Sd tr.66).
Nguyễn Phúc Lan lên ngôi năm 1635, nhưng trấn thủ Quảng Nam tên Anh, con thứ ba của Hy Tông Hoàng đế (Nguyễn Phúc Nguyên) âm mưu làm phản. Nguyễn Phúc Lan, con thứ hai của Hy Tông, vừa chán nản vừa lo sợ, cho vời Khê vào và ngỏ ý muốn nhường ngôi cho chú, nhưng Khê không nhận. Khê nhất định cho bất Anh giết đi (Sd tr.69). Việc Khê chối không nhận ngai vàng và thanh toán được âm mưu phản loạn, đã được đánh giá rất cao. Vì thế nhà chúa thưởng cho ông một cỗ kiệu son then và một quả ấn đồng (Sd.tr.70). Năm 1646, tổng trấn Tôn Thất Khê mất. Sử có lời phê rất xác đáng như sau: “Khê là người họ thân của chúa, giúp việc sau 41 năm, trải qua ba triều, đức lớn công to, làm chỗ dựa quan trọng của đương thời, khi mất thọ 58 tuổi. Chúa thương tiếc lắm, tặng Tá lý tôn thần bình chương quân quốc đại sự Tường quận công, thụy là Trung nghị (năm Gia Long thứ 5 cho tòng tự ở Thái miếu; năm Minh Mệnh thứ 12 phong Nghĩa hưng quận vương)”. (Sd.tr.74).
Theo Gia phả họ Nguyễn, người ta cho biết: Khê được mai táng ở xã Hiền Sĩ, phủ Thừa Thiên và đền thờ ông được xây ở xã Nam Phố. Theo sắc vua Gia Long, một người trong dòng họ, ở mỗi hệ, đều được tước đội trưởng. Để sửa lăng tẩm, còn được 15 sào ruộng và phục dịch.
Nếu ông mất năm 1646 và thọ 58 tuổi, thì ông sinh năm 1588, lúc Nguyễn Hoàng 64 tuổi. Một vị chúa lấy vợ mọn vào tuổi này là việc thông thường.
Về bà Minh Đức Vương thái phi mẹ hoàng tử Khê này, như đã nói, chính sử không đề cập tới. Trái lại, trong tác phẩm các giáo sĩ ngoại quốc đến truyền giáo ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 17 này, người ta thấy nói tới bà khá nhiều.
Người thứ nhất khám phá ra danh tánh bà là giáo sĩ Léopold Cadière. Ông đã viết một bài đăng trong Tạp chí Những Người Bạn Cố Đô Huế (Bulletin des Amis du Vieux Huế, BAVH) với nhan đề Một bà công chúa theo Kitô giáo trong triều những ông chúa nhà Nguyễn tiên khởi (Une princesse chétienne à la Cour des pre- miers Nguyễn). Thực ra L. Cadière đã làm được việc này bởi vì một đàng ông đọc sách giáo sĩ Tây phương đến truyền giáo ở Việt Nam thế kỷ 17, tỉ như A. de Rhodes. Saccano và đàng khác ông tinh thông chữ Hán và đọc nguyên văn các tác phẩm như Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Liệt Truyện Tiền biên, vào đầu thế kỷ 20 này, chưa được dịch ra Việt ngữ. Kết luận, hình ảnh bà Minh Đức Vương Thái Phi vương phi chúa Nguyễn Hoàng, thân mẫu Hoàng tử Tôn Thất Khê, hiện lên rất rõ ràng và trong sáng. Trong các sách viết bằng tiếng Pháp của các giáo sĩ này, không bao giờ nổi rõ tên bà. Thường chỉ viết thí dụ là bà thứ phi của chúa Nguyễn quá cố (F.Cardim, 1646) bà hoàng có họ gần với nhà chúa (A.de Rhodes, Hành trình và Truyền giáo, 1652). Bà dì của nhà chúa (Nguyễn Phúc Lan), bà thân mẫu của chú nhà chúa (Nguyễn Phúc Lan)… Tên thật của bà không được nhắc tới trong các văn bản này. Chỉ thấy nói tới bà dưới tên “pháp danh” là bà Marie, hoặc Marie Madeleine, nhưng sau cùng chữ Marie được sử dụng nhiều hơn và chính xác hơn.
Trong Hành trình và Truyền giáo, 1652, nhất là trong Truyền giáo ở Đàng Trong, 1652, A.de Rhodes nói nhiều tới bà Vương Phi theo Kitô giáo này. Năm 1624, khi Rhodes tới Đàng Trong, ông đã theo giáo sĩ De Pina tới Huế thăm bà Vương phi do chính De Pina rửa tội. Rồi sau nhiều sự cố, ông ra Bắc Hà 1627-1630, trở về Macao 1630-1640, ông được phái vào Đàng Trong 1640-1645. Trong năm năm này, ông có nhiều dịp tới thăm bà Vương phi theo Kitô giáo. Bà này có nhà nguyện trong tư gia, con bà là hoàng tử Khê. Các giáo sĩ cũng như thương gia ngoại quốc cũng thường lui tới nhà bà. Các nghi lễ phụng tự cũng thường được cử hành tại nhà bà. Cho tới một hôm, chúa Nguyễn Phúc Lan tỏ ý không bằng lòng. Ông cho người nhắn nhủ Khê bảo cho bà biết nếu bà muốn thực hành đạo thì nên làm kín đáo hơn. Do đó, để bảo tồn chữ “trung” Khê đã hy sinh chữ “hiếu”, ông này cho triệt phá nhà thờ Kitô giáo trong tư thất ông. Việc này làm cho bà Vương phi như điên như dại, bà đã bỏ nhà ra đi mấy ngày. Được De Rhodes khuyên dụ, bà mới trở về nhà.
Trong Hành trình và Truyền giáo, có tích truyện một tàu Tây Ban Nha bị bão đưa vào bờ biển Hội An. Trên tàu có mấy nữ tu người Tây Ban Nha bị nhà cầm quyền Macao thuộc Bồ Đào Nha trục xuất. Thế là đã có cơ hội cho bà Vương phi tới thăm, phục dịch và đàm đạo. Bà đã kín đáo tới chứ không công khai lộ liễu. Đó là vào năm 1645.
Ngày 22 tháng 8 năm 1646, hoàng tử Khê con bà mất. Tới 19 tháng 3 năm 1648, cháu và dưỡng tử của bà là Nguyễn Phúc Lan cũng mất. Còn bà thì vào cuối năm 1648 hoặc đầu 1649. Saccano viết khá cảm động về bà. Cái chết của bà là một tang lớn cho giáo đoàn và một mất mát khôn lường. Bà là cột trụ cho giáo đoàn và giáo dân nương tựa. Có bản văn nói bà mất năm 76 tuổi thọ, nhưng cũng có thể, theo L.Cadière, là 70 thì chính xác hơn chăng.
Phần mộ của Nguyễn Hoàng được xây ở làng Thạch Hãn sau cải táng bà đem về xã Lai Khê, huyện Hương Trà. Hoàng tử Khê có phần mộ ở xã Hiền Sĩ xa nội thành Huế chừng 15 cây số về phía bắc. Còn phần mộ bà Minh Đức Vương Thái Phi hoặc ở cạnh mộ Nguyễn Hoàng hay nằm nữ cạnh hoàng tử Khê? Không ai biết.
Trong quốc sử, bà không được nhắc tới, trừ trong Gia phả họ Nguyễn và trong Liệt Truyện. Nhưng trong giáo sử, bà có địa vị lớn trong lịch sử Kitô giáo ở Việt Nam, đúng hơn ở Đàng Trong đầu thế kỷ 17.
Theo vết chân L.Cadière, nhà văn Phạm Đình Khiêm đã viết lại tiểu sử bà Minh Đức Vương Thái Phi, Sài Gòn, 1958 (?) và có đề cập tới bà trong tác phẩm Người Chứng thứ nhất Sài Gòn, 1959.
Phần chúng tôi, chúng tôi cũng làm lại công việc của các bậc đàn anh và kiểm điểm lại các sự cố trong bản dịch và chú giải Tường trình về Đàng Trong 1645, của A.de Rhodes, California, 1993.
Mới đây, trong Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, trong Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 56, tháng 8 năm 1999, tác giả chỉ nhắc rất sơ lược tới nhân vật chúng tôi cho là rất đặc biệt này, Sd tr.105-106. Bài then chốt của L.Cadière và tác phẩm của Phạm Đình Khiêm cũng không được nhắc tới. Chúng tôi thiết nghĩ bà Minh Đức Vương Thái Phi, thứ phi của chúa Nguyễn Hoàng (1525-1613), thân mẫu của hoàng tử Tôn Thất Khê (1588- 1646) mà sử nhà Nguyễn rất trân trọng ghi chép, phải được nhắc nhở đầy đủ hơn trong lịch sử Truyền giáo ở Việt Nam.