Những bức thư của Nam Phương Hoàng hậu

Phạm Hy Tùng (giới thiệu)

Tạp chí Xưa&Nay, số 349+350, tháng 2 năm 2010

Ông Phạm Hy Tùng còn lưu giữ hơn một trăm bức thư viết tay bằng Pháp ngữ của Nam Phương Hoàng hậu và 5 người con là các hoàng tử, công chúa… viết tại Pháp và Ma-rốc trong khoảng thời gian từ 1947 đến đầu năm  1955 gửi về Việt Nam cho cựu hoàng Bảo Đại; một số thư của các nhân vật có quan hệ với gia đình ông ta và vài chục bức ảnh về hoạt động của cựu hoàng (trước 1955). Tất cả các tư liệu này từ trước đến nay chưa được công bố. Tạp chí Xưa & Nay lần lượt giới thiệu những bức thư trên

Những bức thư mà Nam Phương Hoàng hậu đã viết từ Pháp gửi về cho vua Bảo Đại vào năm 1949. Nguồn: Sưu tầm

Cannes, ngày 10 tháng tám năm 1949

Mình yêu quý của em

Mấy ngày hôm nay, em bị mệt vì thời tiết quá nóng và em lại phải liên tục đi đi về trên chặng đường Valberg – Monaco – Cannes. Bọn nhóc vẫn đang còn ở Valberg, đến cuối tuần, em mới đón các con về nhà.

Baixino[1] rất khá. Cá tính của con ngày càng định hình rõ rệt. Con vẫn rất ham đọc sách, nhưng cũng đã biết nô đùa với các em nhiều hơn. Em đã mua cho các con một ca-nô bằng cao su với một bàn cờ. Tối nào các con cũng chơi cờ, hễ đụng đến quân “hậu” là kêu khẽ lên: “Bà ngoại”[2].

Binette vẫn thanh mảnh và bắt đầu ra dáng một cô gái xinh đẹp, tinh nghịch, rất thông minh và tỏ ra có năng khiếu về dương cầm. Em đã thuê một giáo sư âm nhạc, mỗi tuần đến nhà mình hai buổi dạy con về xướng âm và chơi piano. Binna đã biết tự bảo vệ nhưng luôn gặp rủi ro. Chiều nào cả ba chị em cũng học chữ Quốc ngữ[3] cùng với anh

Mấy gia nhân từ Valberg về đây báo với em là Bédung[4] đang bình phục và háu ăn. Còn Vicky vẫn mất tích từ ngày 24, tức là hôm nó chạy khỏi Cannes, mặc dù trên vòng dây đeo cổ của nó ghi rõ tên nhưng không ai bắt gặp. Nó là con chó hiền lành, có lẽ vì thế mà không thể tự tìm đường về nhà.

Bà Catroux[5] muốn em là thành viên của ban phụ nữ đón tiếp khách mời nhân dịp liên hoan phim quốc tế tại đây từ ngày 2 đến 17 tháng 9 sắp tới. Mình nghĩ thế nào? Nếu nhận lời thì em phải đi Carlton làm các việc chuẩn bị như chụp ảnh, vân… vân… mà em thì vẫn có thói quen không thích phô diễn. Mình có đồng ý với em không? Tướng Catroux vừa hoàn thành cuốn sách đồ sộ về trận chiến ở vùng biển Địa Trung Hải. Cả hai vợ chồng sẽ đến đây vào ngày 20 tháng 8. Tướng Carpentier[6] là người bạn thân của họ trong đạo quân tiến đánh vào Italy[7]. Quả là không một sự hợp tác nào  tốt hơn.

Ở bên đó, Mình đã nếm qua những trái sầu riêng ngon lành chưa? Ở đây đã đến mùa dưa nhưng thời tiết quá nóng nên khó có thể gửi dưa sang cho mình vì đường xa. Em sẽ nếm thử mùa này dưa có ngon không?

Em vẫn thường nghĩ đến nhiệm vụ nặng nề mà Mình sẽ phải đảm nhiệm khi thành lập chính phủ[8] vào lúc này. Mong Mình cố gắng kiến tạo sự chính trực, tinh thần hăng say công tác cho từng thành viên, đó chính là chìa khóa đảm bảo cho sự thành công, sự nghiệp chấn hưng đất nước. Sẽ gay go đấy… Em tin là Mình sẽ thành công.

Mình hãy dũng cảm lên nhé! Em luôn nghĩ đến Mình. Em và các con âu yếm ôm hôn Mình.

Mariette


Cannes, 26 tháng tư[9] 1949

Mình yêu quý.

Các con rất buồn vì không được báo trước lúc nào máy bay của mình bay qua bầu trời trên mái nhà mình. Nhưng khi Bambinette[10] tình cờ nhìn qua cửa sổ cũng là lúc có tiếng động cơ máy bay. Em thấy con vừa khóc vừa quay mặt vào nhà. Tất cả mấy mẹ con chúng em đều chung nỗi buồn nặng trĩu. Các con đòi em đưa đi nhà thờ cầu an cho mình vào buổi lễ 11 giờ. Không có Mình bên cạnh, ngôi nhà đối với mẹ con em trở nên trống trải, rộng lớn vô cùng. Sau bữa cơm chiều, em đưa các con đi xem chiếu phim. Bà C. bất ngờ đến chơi thăm hỏi ân cần. Chỉ khoảng 15 phút thôi nhưng em đã cảm nhận hết sự động viên xuất phát từ tình bạn sâu nặng của bà ấy. Đến 9 rưỡi tối, tất cả mấy mẹ con em đều ra trước thềm nhà xem bắn pháo hoa, thật là rực rỡ…

Hôm qua, em bị sốt cao, tới 3906. Suốt ngày không ăn uống gì được nhưng sáng nay đã hết sốt. Lát nữa, em sẽ đến nhà Tholance.

Mãi tới sáng 25, em mới nhận được bức điện tín của Bửu Lộc[11]. Tối 24 (…), báo tin cuộc họp của hội đồng xứ Nam kỳ. Em đã cho gửi tiếp bức điện đó tới Colombo.

Hôm Mình đi, Vicky[12] chẳng chịu ăn gì hết, nó đi lang thang suốt ngày.

Sau hôm Mình rời khỏi nhà[13], em nhận tới tấp một loạt hóa đơn đòi thanh toán các khoản tiền thuê gara để ô tô, tiền chụp ảnh, tiền thuê phòng nhà nghỉ,… vân… vân… nhiều lắm. Cả những giấy tờ liên quan đến tai nạn do Vui[14] gây ra ở Grenoble nữa. Vui là người có lỗi vì trực tiếp gây ra tai nạn nhưng người ta cũng ghi cả tên Mình là chủ sỡ hữu xe ô tô để cùng chịu trách nhiệm nộp phạt 100.000 Francs và nhiều khoản khác nữa. Em đã cho chuyển những giấy tờ đó đến Rochoir, dặn anh ta phải làm mọi cách để báo chí khỏi nêu tên Mình ở Paris vào thời điểm vớ vẩn đó và tìm một luật sư đại diện cho Mình.

Em mong mỏi tại Đông Dương những cộng sự gần gũi với Mình sẽ nhận thức được rằng thời đại của những trò đùa chính trị đã qua rồi, phải làm việc bên nhau một cách nghiêm túc.

Bích[15] vừa mang đến chiếc chìa khóa chiếc tủ Mình kê trong phòng. Anh ta dán lên tủ mảnh giấy ghi rõ: “Những hồ sơ lưu trữ của Hoàng đế”. Em đang cần gian phòng này. Có lẽ Bích phải xin em một chiếc hòm để đựng các tài liệu của Mình thì tốt hơn!

Em ôm hôn Mình với tất cả trái tim và giây phút nào cũng cầu nguyện cho Mình bằng tất cả tình cảm mặn nồng của em. Cầu mong Thượng đế luôn phù hộ cho Mình, nhưng bản thân Mình cần phải vững vàng và cẩn thận mới được. Em chỉ sống vì Mình và các con mà thôi!

Mariette


[1] Baxino: Có thể là tên gọi thân mật khác của Bảo Long (Bino).

[2] Hai chữ Quốc ngữ” được viết bằng tiếng Việt.

[3] “Bà ngoại”: Hai chữ này được viết bằng tiếng Việt, để chỉ bà Marie Lê Thị Bình – thân mẫu của Nam Phương Hoàng hậu.

[4] Bédung: Viết liền nhau, âm Pháp đọc là bê-đung, nhưng nếu đọc theo tiếng Việt là bé Dung, tức đây là cách chơi chữ. Thư này bà Nam Phương viết khi Bédung học xa nhà.

[5]  Catroux: Nguyên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương.

[6] Carpentier: Nguyên tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương, năm 1949 đề ra phương án rút bỏ một số vị trí của Pháp dọc đường số 4 biên giới Việt – Trung dẫn đến thảm họa cho Pháp tại khu vực chiến lược này.

[7] Ý nói đến hồi Thế chiến II, Pháp trong phe Đồng minh còn Ý trong phe Trục (P.H.T).

[8] Lúc này cựu hoàng đã ký với Pháp một thỏa hiệp nhận lời đứng đầu một chính quyền thân Pháp với danh nghĩa “Quốc trưởng Cộng hòa Việt Nam”.

[9] Những thư nào các tác giả dùng chữ số để chỉ tháng thì người dịch để nguyên văn, nếu tác giả dùng từ ngữ để chỉ tháng thì người dịch mới chuyển từ ngữ đó sang tiếng Việt (Septembre chuyển thành tháng chín chứ không ghi tháng 9).

[10] Tên gọi trong nhà của công chúa Phương Liên, nhưng cũng có khi gọi tắt là Binette.

[11] Như đã nói, khi chuyển ngữ, người dịch để Nam Phương gọi cựu hoàng là “Mình”, nhưng chủ ý viết hoa (nhấn mạnh) để tránh hiểu sai ý từ của tác giả thư. Ví dụ “Em chỉ sống vì Mình…” nghĩa là Nam Phương tỏ ý chỉ sống vì chồng, chứ không phải “Em chỉ sống vì mình…” (chữ mình viết thường) có thể gây ra hiểu lầm Nam Phương tỏ ý chỉ sống vì/cho bản thân mà thôi.

[12] Bửu Lộc: Là người trong hoàng tộc, vốn học luật ở Pháp. Tháng 3-1949, được cựu hoàng cắt cử làm Đổng lý văn phòng (P.H.T)

[13] Vicky: Tên một con chó trong đàn chó của gia đình cựu hoàng chứ không phải là “… người tình lăng nhăng…” của ông như một số nghiên cứu đã viết.

[14] Ngày 08-3-1949, tại Paris, cựu hoàng ký thỏa thuận với Tổng thống Pháp là Vincent Auriol. Một nội dung quan trọng có trong thỏa thuận này là kết quả của việc cựu hoàng gây sức ép với Pháp, để sau đó, vào ngày 23-4-1949, “quốc hội” của xứ Nam kỳ tự trị họp bỏ phiếu với đa số phiếu tán thành Nam bộ thuộc về Việt Nam chứ không còn nằm trong Liên hiệp Pháp. Sự kiện này đồng nghĩa với việc Hiệp ước 1884 mà triều đình Huế trao Nam kỳ cho Pháp đã trở thành vô giá trị. Trong thời gian này, cựu hoàng đang ở Pháp, được chính phủ Pháp cấp riêng một máy bay DC-4. Trước diễn biến nhanh chóng của tình hình, ngày 23-4-1949, ông rời Cannes lên Paris; sau đó, bay về Đà Lạt vào ngày 26-4. Thư này bà Nam Phương viết ngày 26-4-1949, nghĩa là ba ngày sau khi cựu hoàng tạm biệt vợ con trở lại Paris. Bà Nam Phương và các con biết ngày bay của cựu hoàng là 26-4, nhưng không biết giờ bay cụ thể nên mới xảy ra tình huống “…Bambinette tình cờ nhìn qua cửa sổ cũng là lúc có tiếng động cơ máy bay…” (P.H.T).

[15] Bích: Rất có thể là Phạm Bích – con trai của học giả Phạm Quỳnh (Bộ trưởng Bộ Lại khi cựu hoàng còn tại vị). Ngày 23-4-1945, Thượng Chi Phạm Quỳnh bị bắt tại Huế, sau đó hai tuần, cụ bị giết cùng với Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân. Vì vậy, sau này, Phạm Bích được cựu hoàng nâng đỡ, cho gần gũi. Nếu nhân vật Bích bà Nam Phương nhắc trong thư đúng là Phạm Bích thì chứng tỏ cặp mắt xét đoán tính cách con người của bà là vô cùng sắc sảo. Thư này bà Nam Phương viết tháng 4-1949, nhưng chúng tôi có trong tay một số tài liệu chứng tỏ vào thời điểm cuối 1954 đầu 1955 bà Nam Phương ở Pháp và cựu hoàng ở Việt Nam đang trong tâm trạng bất an thì Phạm Bích (đang làm việc trong văn phòng cựu hoàng ở Đà Lạt) có cuộc sống xa hoa (P.H.T).

Bài liên quan

Bài đăng mới