Trên địa bàn của tỉnh Khánh Hòa có các di tích liên quan đến vua Gia Long khi chưa lên ngôi (giai đoạn từ 1775-1801). Đó là lăng Bà Vú, lăng Ông thuộc thị xã Ninh Hòa và miếu Vọng Các tướng quân ở huyện Diên Khánh.
Lăng Bà Vú
Lăng Bà Vú thuộc địa bàn làng Mỹ Hiệp, huyện Tân Định, phủ Ninh Hòa (Địa bạ Gia Long năm 1811 gọi là xã Toàn Thạnh, sau đổi thành Mỹ Thạnh, rồi Mỹ Hiệp. Nay là xóm Rượu, tổ 9, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa). Lâu nay chỉ nghe truyền khẩu chứ không có một văn bản xưa nào để lại cho biết chủ nhân nằm trong lăng mộ tên là gì. Theo lời truyền khẩu thịnh hành nhất: Nguyễn Phúc Ánh trong một trận giao tranh với quân Tây Sơn bị thất bại phải kéo tàn quân bỏ chạy, khi đến làng Mỹ Hiệp thì lương thực cạn kiệt và được một người phụ nữ trong làng đem lương thực ra cứu giúp. Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long, nhà vua nghĩ đến công ơn của người phụ nữ ấy, nên cho người đến làng Toàn Thạnh (Mỹ Hiệp) để báo đáp công ơn nhưng khi đến nơi thì bà đã mất. Vua Gia Long đã ban cho bà danh hiệu là “Nhũ mẫu” (Vú nuôi), truyền lệnh xây lăng mộ cho bà và lăng mộ được khởi công năm 1802 đến năm 1804 mới hoàn thành và cứ đến ngày giỗ của bà, triều đình cử quan địa phương đến cúng giỗ cho bà.

Theo Đại Nam thực lục vào tháng 5 năm Quý Sửu (1793), lần đầu tiên Nguyễn Phúc Ánh lợi dụng gió mùa, đích thân dẫn quân ra đánh với quân Tây Sơn trên đất dinh Bình Khang (Khánh Hòa): “Thuyền vua tiến đóng ở cửa biển Nha Trang…”⁽¹⁾ sai quân đánh bảo Hoa Bông và chiếm lại được phủ Diên Khánh. Sau đó “thuyền vua tiến đóng ở vụng Hòn Khói [Yên Cương]. Quân giặc nghe tin, không đánh tự vỡ…Lấy lại được phủ Bình Khang”⁽²⁾. Sau khi lấy được phủ Diên Khánh và phủ Bình Khang, Nguyễn Phúc Ánh đặt quan công đường coi sóc dinh Bình Khang. Và đến tháng 9 năm Quý Sửu cho đắp thành Diên Khánh⁽³⁾. Như vậy sau khi Nguyễn Phúc Ánh lần đầu tiên đem binh ra chiếm đất Bình Khang thì đất Bình Khang xem như thuộc về quyền kiểm soát của quân Nguyễn Phúc Ánh, cho nên nói việc Nguyễn Phúc Ánh trốn chạy khi giao tranh với quân Tây Sơn ở vùng đất phủ Bình Khang (Ninh Hòa) là không có lý. Vậy Nguyễn Phúc Ánh được người phụ nữ giúp đỡ vào thời điểm nào?
Theo Đại Nam thực lục vào tháng 2 năm Ất Mùi (1775), chúa Nguyễn Phúc Thuần rời khỏi Phú Xuân (Huế) chạy trốn vào Nam: “ngày Canh Dần, thuyền chúa đi biển, gặp gió to, thuyền đi theo của Tôn Thất Kính và Nguyễn Cửu Dật đều đắm mất. Bấy giờ Thế tổ Cao hoàng đế (14 tuổi) cùng chúa ngồi một thuyền, chỉ thuyền này không việc gì. Đến Bình Khang thì bọn Tống Phước Hiệp, Nguyễn Khoa Thuyên tự Yên Cương [Hòn Khói] đến nghinh giá”⁽⁴⁾. Khi đến Hòn Khói, chúa Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Ánh chắc chắn sẽ lưu lại vùng đất phủ Bình Khang (Ninh Hoà) một hai hôm. Sau đó chúa Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Ánh được Nguyễn Khoa Thuyên và Chưởng cơ Trương Phúc Thận theo giá vào Nam. Và “ngày Nhâm Dần, thuyền chúa đến Gia Định”⁽⁵⁾. Sau khi đặt chân lên đất Hòn Khói thì 12 ngày sau (từ ngày Canh Dần đến ngày Nhâm Dần) chúa Nguyễn Phúc Thuần có mặt ở đất Bến Nghé.
Chúng ta có thể kết luận là Nguyễn Phúc Ánh được người phụ nữ tốt bụng giúp đỡ khi chạy trốn Tây Sơn vào năm Ất Mùi (1775) lúc 14 tuổi chứ không phải vào thời kỳ giao chiến với quân Tây Sơn từ năm Quý Sửu (1793) về sau.
Trong các bài viết liên quan đến lăng Bà Vú đã được công bố đều cho rằng vua Gia Long đã sắc phong cho người phụ nữ ở vùng đất Ninh Hòa là Nhũ Mẫu (Vú nuôi) và lăng được xây từ năm 1802-1804. Những chi tiết ấy không biết các tác giả đã dựa vào tài liệu nào? Trước đây khoảng 60 năm, người dân vùng đất Ninh Hòa có thói quen gọi cha mẹ của mình là “Chủ- Vú” (phát âm theo tiếng địa phương là “Dú”). Như vậy Bà Vú có nghĩa là Bà Mẹ.
Quách Tấn có nhận xét về kiến trúc lăng Bà Vú: “Tuy không nguy nga tráng lệ bằng lăng vua, nhưng ở miền Nam Trung Việt không thấy ngôi mộ nào có thể sánh về quy mô cũng như về kiến trúc”⁽⁶⁾.
Lăng Bà Vú sau khi được trùng tu đã gia trát xi măng và sơn phết lòe loẹt cho nên không còn vẻ cổ kính như xưa nữa!
Lăng Ông làng Lệ Cam
Nói đến lăng Ông, nhiều người liên tưởng đến lăng thờ cá voi. Nhưng không phải vậy, lăng Ông ở thôn Lệ Cam⁽⁷⁾ là nơi thờ một người giàu có đã chiêu mộ quân giúp Nguyễn Phúc Ánh chống lại quân Tây Sơn.
Lăng Ông Lệ Cam nằm bên bờ đầm Nha Phu, thuộc thôn Lệ Cam, xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa. Lăng được bao bọc bởi một bờ tường xây bằng đá núi có 4 lối ra vào đối xứng và giống nhau. Lăng nhìn về hướng nam (xa xa bên kia đầm là đèo Rọ Tượng trên Quốc lộ I). Diện tích khu vực lăng khoảng 2000 mét vuông. Sau khi bước qua lối vào phía nam, ta sẽ gặp bức bình phong xây bằng đá núi, kế đến là tam cấp trụ cờ. Vào chính giữa vòng thành theo lời các cụ cao niên là trước năm 1954 có một ngôi miếu thờ rất lớn nhưng do chiến tranh bị sụp đổ, nay chỉ còn vài ba cây cột bằng gỗ căm xe còn nằm trên nền miếu. Ngay lối vào khu vực miếu có một tấm bia đá cao hơn 1 mét 50 khắc 10 dòng chữ Hán chân phương (có đôi ba chữ khắc hơi thảo một chút), mỗi dòng là 24 chữ, riêng dòng thứ 10 (dòng cuối) chỉ có 21 chữ. Tổng cộng trên bia có 237 chữ. Mặt bia quay về hướng bắc, lưng xoay về hướng nam. Điều đặc biệt là tấm bia không có chân đế mà chỉ gắn vào tường, cho nên sau lưng tấm bia có 3 đường gờ nổi để gắn vào tường. Tấm bia bị gãy đôi và có vài vết đạn bắn thủng bia. Nội dung bia xin được phiên âm:
“Anh kiệt chi sanh, chung khí quang nhạc, thị khí chi quy sơn hà, thị tác thiên địa vân lôi đại tiết kiến yên. Thị tiết chi trứ nhật nguyệt, thị huyền. Duy ngã tiên thế kỳ khánh ký đốc, kỵ ngã tiên khảo ích đại. Ngã tộc trung nghĩa trí dũng. Thiên thực kỳ tư tàng khí ư thân phát chi. Dĩ thời ứng hịch hiệu chúng huy qua phó địch, điểu tán phong mĩ, ưng dương lôi kích. Phiên địa Cầu Giang thả thủ thả công. Ngã tăng kỳ nhuệ, hiệu khảm kỳ phong. Hải giá khoản Tây nhung binh, nãi Bắc tặc, vi tứ hiệp giao chiến, ích lực tinh vẫn vi thạch nhận dược vi long. Anh khí bất tán, thần vật quy không. Thiên giới hoàn danh chúa tư. Kim tiết thiên sơn thảm thương vạn tuyền. Ô hô! Tử dã bất tiêu, tảo thị nhung ma thống tai. Hiểm nan tử độc bất tùy trượng vương linh sủng tịch phụ dư liệt. Quốc thù ký viên gia sỉ diệc tuyết hoàng ân vũ lộ tồn một triêm vinh. Phụ cư kỳ gian, tử hậu kỳ thành. Hải khoát sơn cao nhật du nguyệt mại, túc dạ tư thiểm Xuân Thu, phục khái bất vong hồ. Tâm như kiến hồ tiền. Linh sảng tại miếu trung tinh hành thiên. Gia Long bát niên Kỷ Tỵ quý đông cát nhật bái thư”.
Kề bên dưới dòng lạc khoản là 2 dấu chữ triện. Riêng dấu chữ triện thứ 2 là ba chữ “Chính tâm thị”.
Văn bia này được khắc vào năm Gia Long bát niên, Kỷ Tỵ quý đông (Cuối đông năm Kỷ Tỵ, tức năm 1809).
Văn bia không hề nhắc đến danh tánh, chức tước của người được nói đến trong văn bia cũng như người soạn văn bia. Với những từ ngữ trong văn bia như: “Ngã tiên thế” (các bậc đời trước của ta); “ngã tiên khảo” (cha ta); “ngã tộc”(tộc họ ta) cho chúng ta biết đây là văn bia của một người con ca ngợi công đức của người cha. Văn bia khắc năm 1809 cho chúng ta biết là người cha đã hưởng ứng lời kêu gọi của Nguyễn Phúc Ánh huy động dân chúng cầm giáo chống lại quân Tây Sơn (Dĩ thời ứng hịch hiệu chúng huy qua phó địch). Do ủng hộ Nguyễn Phúc Ánh nên người viết văn bia đã gọi quân Tây Sơn là “Tây nhung binh”; “Bắc tặc”. Trong văn bia có nêu địa danh Cầu Giang (Sông Cầu) là đất “phiên địa”. Phía tây của huyện Diên Khánh có địa danh Sông Cầu là vùng thượng đạo ngày xưa. Văn bia cũng cho biết mùa gió nồm là Nguyễn Phúc Ánh từ Gia Định đã ngự giá đường biển ra đánh Tây Sơn để thu phục lại giang sơn (Hải giá khoản Tây nhung binh, nãi Bắc tặc…). Tháng 5 năm Quý Sửu, thuyền của Nguyễn vương Phúc Ánh đã tiến vào cửa biển Nha Trang và vụng Hòn Khói thu phục lại được đất dinh Bình Khang (sau đổi thành Bình Hòa, rồi Khánh Hòa).
Gọi là lăng Ông, nhưng trong khu vực vòng thành không thấy ngôi mộ nào cả, chỉ có nền miếu bị đổ nát mà thôi. Theo lời các cụ cao niên nói là mộ chôn bên dưới nền miếu!
Giới nghiên cứu cần phải làm sáng tỏ nội dung văn bia ở lăng Ông Lệ Cam để biết danh tánh của người đã từng
“ứng hịch hiệu chúng huy qua phó địch”.
Miếu Vọng Các tướng quân
Trên đường Nha Trang – Thành khi lên gần đến Cây Dầu Đôi về bên tay trái có trường Tiểu học Diên An (trước năm 1954 gọi là trường Phủ, bởi phủ lỵ Diên Khánh nằm kế bên. Nay là Ủy ban xã Diên An). Kế bên vách sau của trường có ngôi miếu quay về hướng bắc, dân gọi là miếu Vọng Các tướng quân hay còn gọi là lăng Ông Võ (lăng Ông tướng võ). Trước sân miếu có 2 nấm mộ của vợ chồng một vị quan võ thời Nguyễn Phúc Ánh.

Gian giữa của miếu có 4 đại tự chữ Hán: “Vọng Các tướng quân”. Do không hiểu nguyên gốc của 2 chữ “Vọng Các” nên có một người đọc thông viết thạo chữ Hán trong vùng đã giải thích như sau: Vọng= trông lên/ Các= cái gác, cái lầu. Như vậy Vọng Các tướng quân = Trông lên gác của tướng quân. Sự thật vị tướng quân nằm dưới mộ trước miếu là một vị tướng đã từng chạy theo Nguyễn Phúc Ánh sang tá túc bên Bangkok (âm Hán Việt gọi Bangkok là Vọng Các). Do đó những người chạy theo Nguyễn Phúc Ánh sang Bangkok được gọi là Vọng Các tướng quân hoặc Vọng Các công thần.
Vị tướng nằm dưới mộ trước miếu là ông Nguyễn
Thoan (chữ Thoan còn có thể đọc là Suyền, do đó có sách phiên âm là Nguyễn Suyền, có sách phiên âm là Nguyễn Thoan) từng theo Nguyễn Phúc Ánh sang trú ngụ bên Bangkok. Ông theo Nguyễn Phúc Ánh chinh chiến chống lại quân Tây Sơn và được thăng nhiều chức vụ. Tháng 5 năm Quý Sửu (1793) sau khi Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại đất dinh Bình Khang nên đã đặt quan công đường dinh Bình Khang “lấy quản Hậu thủy dinh là Nguyễn Thoan làm lưu thủ, hình bộ Tham tri Lê Đăng Khoa làm Cai bạ, Hàn lâm viện Đặng Hữu Đào làm Ký lục”⁽⁸⁾. Đây là bộ 3 đứng đầu dinh Bình Khang. Trong thời gian giữ chức lưu thủ, Nguyễn Thoan còn coi giữ kho lương Cù Huân và trưng gọi hương binh 2 phủ Diên Khánh và Bình Khang chia nhau phòng thủ để chống giữ⁽⁹⁾. Tháng 9 năm Kỷ Mùi (1799), “Lưu thủ Bình Khang Nguyễn Thoan chết, cho 200 quan tiền”⁽¹⁰⁾. Tháng giêng năm Đinh Mão (1807) định 5 bậc công thần Vọng các chết trận và chết bệnh. Về hàng võ, Lưu thủ Nguyễn Thoan thuộc bậc 2⁽¹¹⁾. Tháng giêng năm Canh Ngọ (1810) định vị thứ những công thần khai quốc, công thần trung tiết và công thần trung hưng và Tổng nhung Cai cơ hành Bình Hòa lưu thủ tặng Chưởng cơ Nguyễn Thoan được xếp vào 1 trong 258 công thần trung hưng⁽¹²⁾. Trong sắc phong Gia Long cửu niên, lục nguyệt, thập ngũ nhật, vua Gia Long đã gia tặng cho Nguyễn Thoan là:“Dực vận công thần Chiêu nghị tướng quân thượng hộ quân Thoan chính hầu”.
Sau khi mất, ông được chôn cất và lập miếu thờ tại quê hương của ông là xã Phú Lộc Tây, huyện Hoa Châu, phủ Diên Khánh (nay là xứ Phật Tỉnh, thôn Phú Ân Nam, xã Diên An, huyện Diên Khánh). Vợ ông họ Lê chết cũng được chôn cạnh bên ông. Hai ông bà không có con. Bia mộ ghi: “Việt cố Tổng nhung Cai cơ hành Bình Khang Lưu thủ Nguyễn công hòa phu nhân Lê thị chánh thất chi mộ”. dòng lạc khoản ghi “Khải Định nhất niên nhị nguyệt cát nhật”.
Năm Khải Định thứ nhất (1916), miếu được trùng tu. Nhờ những bức ảnh còn lưu lại ở Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH), chúng ta mới biết ngôi miếu rất đẹp và chung quanh hai nấm mộ cũng có vòng thành và nhà bia. Trong miếu có bức hoành với 3 đại tự chữ Hán “Tiền quân miếu”, sau đó một thời gian được thay bằng 3 đại tự chữ Hán “Tướng quân miếu”. Trong miếu có một cây đao của Nguyễn Thoan cùng cái tráp chứa nhiều tờ quân lệnh cùng sắc phong của ông. Nay bức hoành, cây đao và những tờ quân lệnh cũng như sắc phong bị mất không còn nữa chỉ còn hình ảnh lưu giữ trong tập Bulletin des Amis du Vieux Huế ⁽¹³⁾.
Sau khi chế độ phong kiến cáo chung, không ai bảo quản miếu nên miếu xuống cấp, sụp đổ. Năm 1956, dân trong vùng cất lại một ngôi miếu đơn sơ gồm một gian hai chái. Sau năm 1975, ruộng tự điền trước miếu sung vào hợp tác xã nông nghiệp. Do Nguyễn Thoan là công thần của vua Gia Long nên miếu không được các cấp chính quyền quan tâm, đất xung quanh miếu bị bươi chải dần sát vào tận chân mộ, tường thành bao xung quanh hai ngôi mộ bị sụp đổ không còn dấu vết. Năm 2018, miếu được trùng tu theo kiểu thức ngôi miếu trước đó và chung quanh hai ngôi mộ được xây vòng thành nhưng do nâng đất mặt bằng chung quanh ngôi miếu nên hiện nay hai ngôi mộ được nằm, sâu cách mặt đất khoảng 1 mét.
Công tác bảo tồn ba di tích
Trong 3 di tích nêu trên chỉ có lăng Bà Vú là được Bộ Văn hóa-Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 1999. Di tích miếu Vọng Các tướng quân thì được người dân địa phương đóng góp trùng tu. Riêng di tích lăng Ông Lệ Cam không một cơ quan nào chiếu cố nên bia đá, tường thành ngày càng xuống cấp. Đã là di tích thì Trung tâm Bảo tồn Di tích của tỉnh có nhiệm vụ đề đạt lên các cấp có thẩm quyền để có chính sách bảo vệ, đừng phân biệt đó là di tích của những người theo vua Gia Long!
Chú thích:
(1); (2); (3); (4);(5)- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 293;293;299; 183; 183.
– Ngô Giáp Đậu, Hoàng Việt long hưng chí (Ngô Đức Thọ-Mai Xuân Hải – Nguyễn Văn Nguyên dịch), Nxb Hồng Bàng, tr. 51.
(6)- Quách tấn, Xứ trầm hương, Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa, tr. 222.
(7)- Theo địa bạ Gia long năm 1811 làng Lệ Cam có tên là thôn Suối Nước. Năm 1824, vua Minh Mạng ra lệnh tất cả những tổng, xã, thôn có tên Nôm phải đổi thành tên đọc theo âm Hán Việt. Do đó thôn Suối Nước đổi thành thôn Lễ Tuyền (suối nước ngọt). Năm 1841, kỵ húy tên vua Thiệu Trị nên đổi thành thôn Lễ Cam (Lễ= nước ngọt từ suối chảy ra / Cam=ngọt). Theo thời gian người dân phát âm Lễ Cam thành Lệ Cam. Người Pháp lại viết thành Lai Cam (ở Lệ Cam có hai bi ký Chăm được người Pháp gọi là bi ký Lai Cam I và Lai Cam II. Xem Đại Nam thực lục chính biên đệ thất kỷ , Nxb Văn hóa -Văn nghệ,tr.513). Hiện nay có 2 thôn Lệ Cam: một ở quê gốc thuộc xã Ninh Phú; một tại xã Ninh Lộc, phía bắc đèo Rọ Tượng nằm sát thôn Tân Thủy. Trước năm 1975 do thôn Lệ Cam xã Ninh Phú mất an ninh, nên dân đến tạm cư và lập làng tại đây. Sau năm 1975 một số người không về lại quê cũ và định cư luôn ở đây.
(8); (9); (10); (11); (12)- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 293; 383; 397; 688; 776. (13)- Bulletin des Amis du Vieux Huế, Những người bạn cố đô Huế, tập XIII, năm 1926,tr. 239-355.