Những hình ảnh cuối cùng trên đảo Hoàng Sa

Nguyễn Văn Giác

Tạp chí Xưa&Nay, số 570, tháng 12 năm 2024

Cầu tàu bị hủy hoại trên đảo Hoàng Sa
Cầu tàu bị hủy hoại trên đảo Hoàng Sa

Dẫn nhập

Từ sau Hiệp định Genève, tại quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) nói chung, đảo Hoàng Sa (Pattle Island) nói riêng, việc quản lý và thực thi chủ quyền biển đảo của các chính thể Việt Nam hiện đại được tiến hành thông qua sự chiếm đóng thường trực của lực lượng quân sự đồn trú và sự hiện diện của đội ngũ nhân viên dân sự khí tượng thủy văn. Bởi vậy, hệ thống cơ sở vật chất – kỹ thuật tương quan trên đảo cũng thường xuyên hoặc định kỳ được tu bổ nhằm đáp ứng kịp thời và hiệu năng các nhiệm vụ chuyên biệt. Ít nhất đã từng có hai lần tu chỉnh được ghi nhận trong văn khố lưu trữ quốc gia đương thời. Nếu như lần đầu thực hiện vào giữa năm 1955, thuộc thời kỳ chính thể Quốc gia Việt Nam, với chiết trù công tác dành cho công thự chính của Ty Khí tượng được duyệt y 22.000$ bởi Bộ Tài chánh(1), thì lần cuối cùng được lập kế hoạch cho một cuộc tu bổ lớn bao gồm nhiều công trình từ giữa năm 1972 dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa, trong đó có công trình đã hoàn tất, có công trình tu chỉnh tạm thời, có công trình cần đòi hỏi dài hạn bởi sự đáp ứng về ngân sách và nghiên cứu kỹ thuật.

Đó chính là hoạt động tu bổ có quy mô lớn nhất trước nay đối với hệ thống phòng thủ, quan trắc và tiếp vận quần đảo nói chung, dành cho cả hoạt động quân sự lẫn dân sự trên đảo Hoàng Sa nói riêng và những hình ảnh liên quan cuối cùng trong hồ sơ mang tiêu đề Về việc đại tu bổ Ty Khí tượng và sửa chữa cầu tàu tại đảo Hoàng Sa năm 1973, lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II(2).

Nội dung

Trước khi bắt đầu dự án đại tu bổ đối với trụ sở Ty Khí tượng, cầu tàu và các đồn bót cho quân đội trên đảo Hoàng Sa trong năm 1973, có hai công tác đã được cải tạo và hoàn thành với các mức độ khác nhau vào nửa sau năm 1972. Văn thư từ Đổng lý Văn phòng thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa chuyển đến Tổng Thư ký Bộ Giao thông và Bưu điện đề ngày 06-12-1972 cho biết một cách cụ thể hai công tác này như sau:

“1. Công tác sửa chữa hầm nước ngọt tại đảo Hoàng Sa đã được Liên đoàn 8 Công binh Kiến tạo khởi công từ ngày 28-5-1972 và hoàn tất ngày 29-6-1972 gồm có:

– Trám những đường nứt chung quanh hầm chứa nước và một lỗ thủng xuyên vách đường kính 30cm.

– Đổ thêm một lớp hồ dưới đáy dày 5cm, rộng 80cm, dài 18m.

– Đúc thêm 2 bức thành chắn miệng hầm nước 80cm x 80cm x 10cm.

2. Riêng việc sửa chữa cầu tàu đòi hỏi thời gian lâu và các loại vật liệu như cừ gỗ 70 feet, hiện kho Công binh không có. Tuy nhiên, cầu tàu cũng đã được toán Công binh sửa chữa tạm và hiện có thể xử [sử] dụng tạm cho các loại tàu nhỏ cập bến tiếp tế thực phẩm và đồ nhẹ cho đảo”(3).

Có thể nhận thấy công tác tu bổ hầm chứa nước ngọt trên đảo Hoàng Sa đã kết thúc, trong khi công tác sửa chữa cầu tàu dừng lại ở phương án xử lý tạm thời nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp tế thiết yếu. Tuy nhiên, hiện trạng cũng chỉ có thể kéo dài đến giữa năm sau, đến lúc cầu tàu đã trở nên không còn hữu dụng. Từ đó, mọi công tác dành cho một cuộc đại tu bổ đối với Ty Khí tượng buộc phải dời sang ngân sách năm 1974; riêng hai hạng mục chung mang tính cách cấp bách của đảo, bao gồm cầu tàu và đồn binh, được ưu tiên đặc cách giải quyết trước mắt. Văn thư có đề mục Đại tu bổ Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa đề ngày 02-6-1973, từ Tổng Thư ký Bộ Giao thông và Bưu điện Hoàng Ngọc Thân gởi đến Giám đốc Nha Khí tượng cho biết:

“… xin tin quý Nha rõ ông Tổng trưởng chỉ thị nên ghi ngân khoản cần thiết vào Ngân sách Quốc gia 1974 sắp được soạn thảo vì đề nghị quá trễ không thể tìm hoặc xin thêm kinh phí được nữa.

Riêng về việc sửa chữa cầu tàu và đồn Địa phương quân, yêu cầu quý Nha lập dự thảo công văn để Bộ ký gởi can thiệp với Bộ Quốc phòng”(4).

Bởi tính cách thiết yếu của công tác sửa chữa cầu tàu đối với hoạt động tiếp vận không chỉ cho Ty Khí tượng mà còn quan trọng hơn cho sự phòng thủ của quân đội, do đó yêu cầu đặt ra từ Bộ Quốc phòng sẽ có thể giúp sự vụ được giải quyết khẩn trương và hiệu lực. Toàn bộ hiện trạng, lý do, đề xuất, dự toán đã được Nha Khí tượng phúc trình rõ trong chuyển văn tiếp theo gởi đến Tổng Thư ký Bộ Giao thông và Bưu điện đề ngày 08-6-1973 như sau:

“… cầu tàu đảo Hoàng Sa trải qua bao năm sóng gió bị hư hại nặng nề như thiểm Nha đã đệ trình Bộ bằng hình ảnh mới chụp ngày 05-5-1973… Vì tại đảo chỉ có một cầu tàu duy nhứt dùng cho cả binh sĩ đồn trú lẫn nhân viên Ty Khí tượng nên tình trạng sụp lở quan trọng hiện tại gây rất nhiều khó khăn cực nhọc cho việc chuyển vận các thùng vật dụng và thực phẩm lên hay xuống tàu, lại còn có thể xảy ra nguy hiểm đến tính mạng nhân viên phụ trách khuân vác.

Các tòa nhà bị hư hại của Ty Khí tượng Hoàng Sa
Các tòa nhà bị hư hại của Ty Khí tượng Hoàng Sa

Vậy, trân trọng kính xin ông Tổng Thư ký vui lòng tái can thiệp với Bộ Quốc phòng sớm cho sửa chữa cầu tàu nêu trên hầu có phương tiện điều hành việc chuyển vận vật dụng từ đảo ra tàu hoặc ngược lại, đồng thời tính mạng của nhân viên phụ trách được đảm bảo hơn.

Thiểm Nha sẽ ghi một ngân khoản là VN$ 5.000.000 vào dự thảo Ngân sách niên khóa 1974 để thực hiện công tác đại tu bổ Ty Khí tượng, còn bên đồn Địa phương quân sẽ do Bộ Quốc phòng quyết định”(5).

Ngay sau đó, Tổng Thư ký Bộ Giao thông và Bưu điện đã có văn thư gởi đến Đổng lý Văn phòng Bộ Quốc phòng hối thúc công tác sửa chữa cầu tàu trên đảo Hoàng Sa. Văn thư có đề mục V/v sửa chữa cầu tàu tại đảo Hoàng Sa đề ngày 21-6-1973 vừa nêu tái lưu ý các nội dung và yêu cầu của Nha Khí tượng trước đó rằng:

“Hiện nay cầu tàu tại đảo Hoàng Sa đã bị hư hại quá nặng nề. Theo 2 tấm hình đính hậu mới chụp ngày 05-5-1973, chiếc cầu bằng đá dài khoảng 150 mét này bị sụp lở và đứt đoạn thành những khúc ngắn, không còn sử dụng được, khiến nhân viên phải khiêng hay vác các thùng vật dụng băng qua bãi cát để lên đảo. Sự kiện xảy ra gây lắm trở ngại cho công việc chuyển vận và còn có thể nguy hiểm đến tính mạng người phụ trách.

Vậy, trân trọng xin quý Bộ vui lòng sớm cho sửa chữa lại cầu tàu nêu trên hầu có phương tiện lên xuống vật dụng dễ dàng mỗi khi tàu cập bến, tiết kiệm sức lao động khó nhọc cho nhân viên quân [sự] cũng như dân sự, đồng thời giảm thiểu sự nguy hiểm cho tính mạng người phụ trách khuân vác, chuyển vận”(6).

Được biết, Phiếu Kính gởi đề ngày 28-6-1973 trình lên Bộ Tổng Tham mưu từ Đổng lý Văn phòng Bộ Quốc phòng, gồm có văn thư vừa nêu và đính kèm 2 bức ảnh chụp cầu tàu đảo Hoàng Sa, với nội dung ghi chú rằng: “Để chỉ thị cơ quan trực thuộc khẩn cho sửa chữa cầu tàu nêu trên, đồng thời trình Bộ kết quả và trở ngại nếu có”(7).

Cho đến cuối tháng 9-1973, Bộ Quốc phòng mới có kết quả khảo sát và đưa ra phương án giải quyết về việc sửa chữa cầu tàu đảo Hoàng Sa. Chuyển văn từ Đổng lý Văn phòng Bộ Quốc phòng Tôn Thất Chước đến Tổng Thư ký Bộ Giao thông và Bưu điện đề ngày 27-9-1973 như sau:

“Theo phúc trình của đơn vị Công binh có trách nhiệm thám sát cầu tàu tại đảo Hoàng Sa, Bộ Quốc phòng được biết:

– Cầu tàu dài 190m, hư hỏng 65%.

– Tàu phải đậu cách bờ từ 2 đến 3km vì khu vực cầu tàu bị cát và san hô lấp đến mặt cầu.

Để việc sửa chữa cầu tàu phù hợp với những phương tiện và khả năng hiện có, Bộ Quốc phòng đã chỉ thị cho Cục Công binh nghiên cứu để thi hành giải pháp dùng chất nổ để phá san hô dọc theo cầu tàu và làm một lạch sâu từ nơi tàu đậu hiện nay đến cầu tàu.

Bộ Quốc phòng sẽ thông báo quý Bộ kết quả thi hành giải pháp trên”(8).

Đây cũng là tờ văn bản cuối cùng trong bộ hồ sơ tư liệu liên quan đến công tác đại tu bổ Ty Khí tượng và sửa chữa cầu tàu trên đảo Hoàng Sa. Với thông tin từ Bộ Quốc phòng nêu trên, có thể nhận thấy công tác sửa chữa cầu tàu chỉ vừa mới trải qua công đoạn thám sát và đang tiếp tục triển khai giải pháp dùng mìn phá san hô để khơi vét một lạch sâu, tạo lối đi cho tàu có thể tiến sâu vào bến đậu và tiếp cận với cầu tàu, trong khi chưa đề cập gì đến công đoạn thi công xây dựng cầu tàu. Rõ ràng, với khoảng thời gian 3 tháng mùa đông còn lại trong năm 1973, diễn tiến công tác sửa chữa không thể gấp rút hoàn thành. Trong khi đó, toàn bộ công tác đại tu bổ Ty Khí tượng đều phải chuyển sang năm 1974, với tổng kinh phí dự toán bởi Nha Khí tượng là 5.000.000$.

Kết luận

Như đã thấy, trận thủy hải chiến Hoàng Sa diễn ra ngày 19-01-1974 giữa Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Giải phóng quân Nhân dân Trung Hoa đã mang lại thất bại chung cục cho phía Việt Nam, đưa tới sự cưỡng đoạt một bộ phận lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc gia trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa bởi đối phương xâm lược. Được biết, không tính lực lượng hải quân Việt Nam Cộng hòa trực tiếp tham chiến trên bốn chiến hạm với nhiều tổn thất nặng nề, trong số 49 binh lính và sĩ quan bị Trung Quốc bắt làm tù binh trên đảo Hoàng Sa và các đảo lân cận, có 5 nhân viên dân sự thuộc Ty Khí tượng(9); nghĩa là vào thời điểm đầu năm 1974, công tác xây dựng cầu tàu trên đảo cho dù đặt ra hết sức cấp thiết song vẫn chưa được khởi công, chưa kể cuộc đại tu bổ Ty Khí tượng với dự trù ngân khoản được cấp phát ngay trong năm tài khóa này.

Đặc biệt, hồ sơ lưu trữ nói trên trong khi đề cập đến 2 bức hình đính kèm về cầu tàu Hoàng Sa bị hủy hoại được sao chụp tại thời điểm 05-5-1973, còn có bốn ảnh chụp khác liên quan mà phân nửa trong số đó là hình ảnh trực diện về các tòa nhà bị hư hại theo thời gian thuộc Ty Khí tượng. Nếu như trang ảnh này được chú dẫn bởi tiêu đề rằng “Hình ảnh mới nhất về Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa” thì có lẽ đó cũng chính là những hình ảnh hiếm cuối cùng về các thực thể chủ quyền lãnh thổ sống động của quần đảo Hoàng Sa đương thời.

Trở ngại trong việc chuyển vận từ tàu lên đảo Hoàng Sa
Văn thư từ Bộ Quốc phòng gởi đến Bộ Giao thông và Bưu điện, đề ngày 27-9-1973.

Chú thích

1. “Giới thiệu bộ hồ sơ ‘Ty Khí tượng tại đảo Hoàng Sa’ vừa phát hiện tại tỉnh Thừa Thiên – Huế”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (81)-2010, tr.67-80.

2. TTLTQG II, Hồ sơ về việc đại tu bổ Ty Khí tượng và sửa chữa cầu tàu tại đảo Hoàng Sa năm 1973, hồ sơ số 1356, phông Bộ Giao thông và Bưu điện (1969-1973).

3. Hạ Trung Tín [Hà Trọng Tín – TG], V/v tu bổ hầm chứa nước ngọt và sửa chữa cầu tàu tại đảo Hoàng Sa, văn thư số 13786/QP/HCTV/TV/TLĐO, ngày 06-12-1972, hồ sơ số 1356, phông Bộ Giao thông và Bưu điện (1969-1973), TTLTQG II, TP. HCM.

4. Hoàng Ngọc Thân, Đại tu bổ Ty Khí tượng đảo Hoàng Sa, văn thư số 4391/GTBĐ/TTK/NS1, ngày 02-6-1972, hồ sơ số 1356, phông Bộ Giao thông và Bưu điện (1969-1973), TTLTQG II, TP. HCM.

5. Đặng Phúc Đỉnh, V/v sửa chữa cầu tàu tại đảo Hoàng Sa, văn thư số 635/SHC/VLKT, ngày 08-6-1972, hồ sơ số 1356, phông Bộ Giao thông và Bưu điện (1969-1973), TTLTQG II, TP. HCM.

6. Hoàng Ngọc Thân, V/v sửa chữa cầu tàu tại đảo Hoàng Sa, văn thư số 4855/GTBĐ/TTK/NS1, ngày 21-6-1972, hồ sơ số 1356, phông Bộ Giao thông và Bưu điện (1969-1973), TTLTQG II, TP. HCM.

7. Hà Trọng Tín, Phiếu Kính gởi Bộ Tổng Tham mưu/VP. Tham mưu trưởng, văn thư số 07280-QP/HCTV/TV/TLĐO, ngày 06-12-1972, hồ sơ số 1356, phông Bộ Giao thông và Bưu điện (1969-1973), TTLTQG II, TP. HCM.

8. Tôn Thất Chước, V/v sửa chữa cầu tàu tại đảo Hoàng Sa, văn thư số 11798-QP/HCTV/TV/CV, ngày 27-9-1973, hồ sơ số 1356, phông Bộ Giao thông và Bưu điện (1969-1973), TTLTQG II, TP. HCM. 9. Vũ Kiều (Tổng hợp), “Hải chiến Hoàng Sa: Ký ức những ngày bị Trung Quốc bắt làm tù binh”, Một Thế Giới Online, http://motthegioi.vn/quoc-te/hai-chien-hoang-sa-ky-uc-nhung-ngay-bi-trung-quoc-bat-lam-tu-binh-37466.html, cập nhật ngày 09-01-2014.

Bài liên quan

Bài đăng mới