Trong thời gian đầu cuộc chiến tranh phục hưng của nhà Nguyễn, một số người Pháp đã từng có mặt dưới trướng của Nguyễn Ánh, trong số đó có người được tuyên dương công trạng, được đưa vào thờ ở điện Hiển Trung như Mạn Hòe và cũng có người ít được biết đến như nhân vật tên Gioang. Nhưng trên hết vẫn là Giám mục Bá Đa Lộc, tức P. Pigneau de Béhaine, thường được gọi là Giám mục xứ Adran (Évêque d’Adran), nhà truyền giáo thuộc Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris, người có vai trò đặc biệt từ khi Nguyễn Ánh còn bôn ba vùng bán đảo Cà Mau. Tuy nhiên, đến hôm nay vẫn còn rất nhiều điều còn gây tranh cãi về thời gian, bối cảnh mà hai người đã quen biết và gắn kết với nhau, cũng như về vai trò của Bá Đa Lộc trong cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn. Có hai khuynh hướng trái ngược nhau: Một số người muốn đề cao công trạng của ông và qua đó nhấn mạnh vai trò của người Pháp trong công cuộc giành lại ngai vàng của Gia Long và một số khác thì đã lờ đi những đóng góp của ông trong cuộc chiến ấy, vì muốn xóa bỏ hình ảnh của ông trong ký ức của dân tộc, hoặc muốn đánh đồng sự hợp tác của ông với cuộc xâm lược của thực dân Pháp vào nửa sau thế kỷ XIX. Cả hai khuynh hướng này bị tác động bởi ý thức chính trị, hoặc bởi tình cảm yêu – ghét đời thường, hoàn toàn đi ngược lại tinh thần khách quan khoa học trong việc tìm hiểu sự thật lịch sử. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung tìm hiểu hành trạng của những người Pháp đã cộng tác với Nguyễn Ánh từ cuối năm 1784 trở về trước, khi mà Nguyễn Ánh giao Hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc đi Pháp cầu viện ngay trước khi quân Xiêm đại bại ở Rạch Gầm – Xoài Mút. Trong giai đoạn này, người ta chỉ thấy ba cái tên được nhắc đến với mức độ nhiều ít khác nhau tùy theo tài liệu: Bá Đa Lộc, Mạn Hòe và Gioang.
1. Tài liệu Việt viết về những cộng tác đầu tiên của người Pháp
Sau khi Minh Mạng “xuống chiếu chỉ tìm sách cũ” năm 1820, Trịnh Hoài Đức lúc ấy đang giữ chức Thượng thư đã nộp cho triều đình bộ sách Gia Định thông chí ⁽¹⁾ gồm 3 quyển (Quốc sử quán, 1993, tr. 192; 2007, tr. 63). Đây là tài liệu đầu tiên do người Việt biên soạn có nhiều phần nói về giai đoạn Nguyễn Ánh dựng lại cơ đồ từ tay nhà Tây Sơn. Tài liệu này không có một dòng nào nói về Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh, mặc dù Trịnh Hoài Đức đã từng là Đông cung thị giảng, từng đóng quân ở thành Diên Khánh chung với Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh. Tài liệu chỉ đề cập đến việc một người Pháp tên là Man Hòe tham gia chiến đấu dưới trướng Nguyễn Ánh trong mấy dòng ngắn: “Man-hoè là người nước Lang-sa Tây-dương giúp sức với bản triều…” (Trịnh Hoài Đức, 1972, tr. 96).



Còn bộ sách Đại Nam thực lục chính biên, Kỷ thứ nhất (được biên soạn từ 1821 đến 1847) và Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập (được biên soạn từ 1852 đến 1889) chỉ nhắc đến Bá Đa Lộc qua các sự kiện sau đây trong giai đoạn đang được khảo sát:
– Năm Canh Tý (1780), Thế Tổ Cao Hoàng đế lên ngôi Vương ở Gia Định, Đa Lộc đến yết kiến xin cố sức giúp việc, vua nhận lời (Quốc sử quán, 1993, tr. 476).
– Năm Nhâm Dần (1782), hoàng thái hậu và cung quyến sang Chân Lạp lánh nạn Tây Sơn, được tin có âm mưu làm phản, Bá Đa Lộc bày kế giúp từ giá và cung quyến chạy thoát về Tam Phụ (Quốc sử quán, 1993, tr. 476).
– Năm Quý Mão (1783), Bá Đa Lộc theo vua chạy ra các đảo ngoài biển, rồi sang nước Xiêm trước cầu viện trợ. Nghe tin Bá Đa Lộc đang ở Chantabun bên Xiêm, vua sai người đến mời: “Khanh có thể vì ta đi sứ sang Đại Tây, nhờ đem quân sang giúp ta được không?” (Quốc sử quán, 2002, tr. 218).
– Mùa thu năm Đinh Thìn⁽²⁾ (1784), quân Xiêm bị đánh bại, vua lại sắp chạy sang Xiêm, bèn triệu Bá Đa Lộc mang Hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện (Quốc sử quán, 1993, tr. 476). Hoặc: “Tháng 12 […], Chiêu Tăng và Chiêu Sương thua to bỏ chạy […]. Vua đi Trấn Giang […]. Phạm Văn Nhân và Nguyễn Văn Liêm cùng Bá Đa Lộc đem Hoàng cả Cảnh sang Tây” (Quốc sử quán, 2002, tr. 223).
Ngoài ra Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện chỉ nhắc tới Màn Hòe trong trận thủy chiến năm Nhâm Dần (1782), chứ không có dòng nào về Gioang: “Một mình Cai cơ là Màn Hòe (tức là Emmanuel) đi tàu tây cố sức đánh rất lâu. Giặc đổ quân bao vây bốn mặt, ném hỏa khí đốt tàu, Màn Hòe bị chết”, với chú thích: “Màn Hòe là người Phú Lãng Sa (Pháp), Bá Đa Lộc giới thiệu là người dùng được, vua trao cho chức Khâm sai Cai cơ, coi đội Trung Khuông, sau được tặng là Hiệu nghĩa công thần phụ quốc thượng tướng quân” (Quốc sử quán, 2002, tr. 211-212).
Sách Sử ký Đại Nam Việt Quấc triều (1885) ghi lại nhiều hoạt động của ba người Pháp giúp Nguyễn Ánh, đó là Đức Thầy Vê-rô, tức Bá Đa Lộc, người thứ hai tên là Gioang và người còn lại là Ma-no-e (Emmanuel). Nhân vật Gioang chỉ xuất hiện ngắn trong Sử ký qua miêu tả ông là người có kỹ năng chế tạo trái phá và sau đó tham gia trận đánh Long Hồ, mà Quốc sử quán ghi là đã diễn ra vào năm Đinh Dậu (1777). Còn nhân vật Ma-no-e (Emmanuel) mà Trịnh Hoài Đức ghi là Man-hòe (Quốc sử quán ghi là Màn Hòe) được Sử ký (Khuyết danh, 1885, tr. 21) cho là đã tham gia trận đánh thu phục xứ Trà Vinh (Quốc sử quán ghi là do Đỗ Thanh Nhơn chỉ huy vào tháng 4 năm Canh Tý (1780)) và trận năm 1782 khiến ông chết tan xác cùng với thuyền. Cả hai nhân vật này đều được Bá Đa Lộc tiến cử cho Nguyễn Ánh và họ chỉ cộng tác được trong một thời gian ngắn rồi tử trận. Chỉ có Bá Đa Lộc là có quá trình cộng tác lâu dài nhất với Nguyễn Ánh, nên tài liệu này đã dành nhiều trang để nói về ông. Kể lại khoảnh khắc Nguyễn Ánh được cứu, Sử ký cho biết khá chi tiết như sau:
“Ông ấy [Nguyễn Ánh] tuy khỏi chết, song đã phải túng cực lắm vì chẳng còn của gì [hành lý], chẳng còn ai giúp cũng chẳng biết tin ai nữa. May còn một đứa nhà trò có lòng trung tính, ban đêm đã kiếm đặng một chiếc thuyền nhỏ, thì hai thầy tớ liền đem nhau vào rừng lau mà trốn. Tình cờ lại gặp thuyền ông Phao-lồ [Paul] là thầy cả bổn quốc, cũng đang chạy giặc. Bấy giờ ông Nguyễn-anh [sic!] tuy chưa quen biết thầy Phao-lồ, song đã biết là thầy đạo, thì xưng mình là người nọ người kia [xưng danh tánh] và xin thầy Phao-lồ cứu. Thầy Phao-lồ liền chịu và đem qua giấu trong thuyền mình và chèo thẳng về Hà Tiên giao người cho Đức Thầy Vê-rô [Pedro, tức Bá Đa Lộc]” (Khuyết danh, 1885, tr. 17).
Sách Quốc triều chính biên toát yếu do Cao Xuân Dục chủ trì việc biên soạn năm 1920 cũng chỉ dành mấy dòng nói về Bá Đa Lộc: “Ngài sai người mời ông Bách Đa Lộc tại Chân Bôn (tên đất nước Xiêm). Ông là người nước Pháp, thường qua lại giảng đạo ở Chân Lạp, Gia Định; đã vào yết kiến xin hiệu dụng, Ngài lấy lễ khách mà đãi; đến lúc này đòi vào” (Cao Xuân Dục, 1998, tr. 17). Sách này cũng không nói đến nhân vật tên Gioang, mà chỉ nhắc đến Mạn Hòe: “Chánh Cơ là Mạn Hòe (người Đại Pháp) đi tàu tây, hết sức chống cự, giặc bỏ lửa đốt tàu, ông Mạn Hòe chết” (Cao Xuân Dục, 1998, tr. 14).

Stanislas Lefebvre, ngày 25-10-1798. Lưu trữ của gia đình Lefebvre de Béhaine.
Nhìn chung, các tài liệu chính thức hay bán chính thức của triều Nguyễn ghi chép rất sơ sài những người Pháp đầu tiên tham gia vào cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Phải chăng đó là sai sót thường thấy của Quốc sử quán trong việc tái hiện lịch sử đã xảy ra nhiều thập niên trước khi biên soạn tài liệu, hay đó là những tính toán xuất phát từ một động cơ nào đó, như Nguyễn Duy Chính đã chỉ ra: “Ngay chính những người giúp đỡ triều đình – nói đúng hơn giúp cho chúa Nguyễn khôi phục vương vị – cũng không được nhắc đến một cách chính xác” (Nguyễn Duy Chính, 2011, tr. 31). Trong khi ấy, Sử ký lại ghi nhận sự tiếp xúc của hai người ngay vào lúc bôn ba đến tận Hà Tiên và Phú Quốc. Để tìm hiểu giai đoạn lịch sử này, chúng tôi thấy không thể không khảo sát thêm nguồn tài liệu phương Tây, mặc dù biết rằng sẽ phải thận trọng với nhiều thông tin lệ thuộc nhiều lăng kính hoàn toàn khác với lăng kính của Quốc sử quán.
2. Thông tin trên sách báo phương Tây
Vì Đại Việt nằm trên tuyến đường hàng hải từ châu Âu đi Trung Hoa và Nhật Bản nên thông tin về tình hình Đại Việt xuất hiện ngày càng nhiều trên sách báo đại chúng phương Tây, đặc biệt là từ khi nổ ra cuộc nổi dậy Tây Sơn. Tài liệu sớm nhất về kế hoạch sử dụng người phương Tây của Nguyễn Ánh mà thế giới biết đến được các thuyền trưởng người Anh tường thuật trong quyển 4 của bộ sách A voyage to the Pacific Ocean, xuất bản năm 1784 với tên tác giả là J. Cook & J. King, sau khi họ tình cờ khám phá ra người của Bá Đa Lộc đang chờ thuyền Pháp ở Côn Đảo. Đoàn thuyền đi vòng quanh thế giới của Anh gồm chiếc HMS Resolution và chiếc HMS Discovery⁽³⁾ của J. Cook trên đường về châu Âu đã ghé lại Côn Đảo để tìm kiếm lương thực và nước ngọt. Ở đó, họ đã gặp người của Bá Đa Lộc vào ngày 21 tháng 1 năm 1780 (nhằm ngày 15 tháng Chạp năm Kỷ Hợi), đang làm nhiệm vụ tiền tiêu trên Côn Đảo (xem thêm tại: Trần Thanh Ái, 2020). Đây là thông tin “người thật việc thật” do nhân chứng tận mắt viết ra, nên độ tin cậy cao, khó mà phủ nhận được ⁽⁴⁾.
Mấy năm sau đó, độc giả tiếp tục đọc được tin nói về chuyến đi Pháp của Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh được đăng trên báo Gazette de Cologne. Trong số ra ngày 15 tháng 2 năm 1787, báo này đã đăng mẩu tin ngắn về sự kiện này, được viết từ Paris đề ngày 9 tháng 2 năm 1787, nghĩa là bốn ngày sau khi Bá Đa Lộc và đoàn sứ giả đến cảng L’Orient ⁽⁵⁾(Pháp). Bài báo cho biết, theo nguồn tin từ Pondichéry gởi về thì chiếc thuyền Malabare của thuyền trưởng Pignatel có chở một vị giám mục cùng với con trai của vua xứ Đàng Trong đến Pháp để xin vua nước Pháp gửi 1.200 quân và vài khinh hạm để đánh đuổi anh em nhà Tây Sơn. Đổi lại, vua Đàng Trong sẽ trao độc quyền buôn bán cho nước Pháp, một món hời mà người Anh cũng rất thèm muốn.

Năm 1797, Staunton xuất bản bộ hồi ký về chuyến công cán của người Anh đến Trung Hoa tên là An authentic
account of the embassy cũng đã nói đến sự hiện diện của Bá Đa Lộc trong guồng máy của Nguyễn Ánh với vài thông tin sơ sài: “Vị đứng đầu các nhà truyền giáo [Bá Đa Lộc], người đã được Giáo hoàng phong chức Giám mục, đã được vua Đàng Trong cử làm sứ giả đến triều đình Pháp. Ở đó, vị hoàng tử nhỏ của xứ ấy mà giám mục dẫn theo đã được quan tâm đặc biệt” (Staunton, G., 1797, tr. 329).
Tài liệu khá chi tiết đầu tiên nói về sự hiện diện của người châu Âu trong đội quân của Nguyễn Ánh có lẽ là quyển A voyage tο Cochinchinа, in the years 1792 and 1793 của J. Barrow, được xuất bản năm 1806 tại Luân Đôn. Đó là những ghi chép trong và sau chuyến đi công cán tại Đàng Trong của tác giả trong phái bộ Macartney vào hai năm 1792 và 1793. Trong phần tường thuật trận đánh Quy Nhơn bằng thủy binh, J. Barrow có nói về sự tham dự trực tiếp của người Bồ Đào Nha bên cạnh một người Pháp tên là Manuel (Màn Hòe)⁽⁶⁾. J. Barrow viết: “Lúc ấy [sau khi Nguyễn Ánh xưng vương năm 1780], tại Sài Gòn, một thuyền có vũ trang⁽⁷⁾ do một người Pháp tên là Manuel chỉ huy, bảy chiếc thuyền buôn Bồ Đào Nha và vô số thuyền mành và thuyền chèo đang thả neo. Với sự cố vấn của Bá Đa Lộc, hạm đội này được bí mật vũ trang để tấn công bất ngờ hạm đội của Tây Sơn tại cảng Quy Nhơn” (Barrow, J., 1806, tr. 256).
Những tình tiết trong sách này được Barrow ghi lại theo lời kể của những người sống và làm việc tại nhiều nơi khác nhau ở Đàng Trong, thuộc nhiều giới chức và quốc tịch khác nhau. Tác giả này cho biết cách thu thập dữ liệu như sau: “Phần lớn phác họa mà tôi vừa trình bày, cũng như phần tiếp nối sau đây là nội dung của một tập tài liệu viết tay của ông Barissy [sic!], một sĩ quan Pháp thông minh, chỉ huy một khinh thuyền phục vụ Nguyễn Ánh. Phần đầu hoàn toàn phù hợp với những gì tôi biết được ở vịnh Đà Nẵng từ viên thư ký người Trung Hoa làm việc cho chính quyền sở tại⁽⁸⁾, được viên thông ngôn của tôi dịch lại và với những tường trình của các nhà truyền giáo sống tại đó, nên tôi không do dự đặt niềm tin hoàn toàn vào phần cuối. Vả lại, hai người Anh có mặt ở Sài Gòn năm 1799 và 1800 cũng đã xác nhận những sự kiện chủ yếu này” (Barrow, J., 1806, tr. 271).
Chính vì thế mà quyển sách của Barrow mang tất cả những đặc điểm của tài liệu tổng hợp các thông tin được thu thập từ những nguồn truyền khẩu và ghi chép khác nhau, nên cần phải được thẩm định kỹ càng độ tin cậy.
3. Đối chiếu tài liệu và những thông tin cần điều chỉnh, bổ khuyết
Những thông tin trên đây không tránh khỏi nhiều thiếu sót, vì được biên soạn dựa trên ghi chép của người cùng một phía, hoặc được thu thập trong điều kiện thiếu tài liệu tham khảo hay phương tiện để kiểm chứng. Vì thế việc đối chiếu giữa các tài liệu để điều chỉnh và bổ khuyết là rất cần thiết. Ngày nay, việc đối chiếu này rất thuận lợi so với vài chục năm trở về trước, vì việc tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu được số hóa và phổ biến trên mạng chưa bao giờ dễ như ngày nay. Trên tinh thần khoa học, nhà nghiên cứu cần phải ghi nhận những tài liệu ấy như là những nguồn thông tin có thể dẫn đến nhiều giả thuyết thú vị và công việc kiểm chứng sẽ cung cấp cho độc giả nhiều thông tin mới.
3.1. Quan hệ giữa Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh
Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc gặp nhau lúc nào? Mức độ sâu đậm của mối quan hệ này đến đâu? Những ghi chép của các sử quan triều Nguyễn đã phản ánh đầy đủ mối quan hệ này hay chưa? Đây là một số vấn đề mà giới nghiên cứu đã không tìm được tiếng nói chung, chẳng hạn như về thời điểm hai người gặp nhau, Ngô Anh Lân đã chỉ ra sự khác biệt khá lớn, “từ vài tháng cho đến tám năm” (2022, tr. 152). Ngay cả những tác giả của Hội Truyền giáo Hải ngoại ở Paris cũng không thể xác định chính xác ngày tháng Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh gặp nhau lần đầu và trong tình huống nào. Từ đầu thế kỷ XX đến nay, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Bá Đa Lộc gặp và làm quen với Nguyễn Ánh vào khoảng tháng 9 và tháng 10 năm 1777 khi ông che giấu và nuôi dưỡng thành viên cuối cùng trong dòng họ chúa Nguyễn, nhưng không tài liệu nào cung cấp bằng chứng thuyết phục. Thậm chí có người lại cho rằng cuộc gặp gỡ ấy mãi đến năm 1782 mới diễn ra (Trần Mỹ-Vân, 2005, tr. 12) nhưng cũng không nêu ra bằng chứng nào, khiến độc giả chỉ có thể nghĩ rằng đó là do sao chép bất cẩn một tác giả nào đó mà không khảo sát kỹ những tài liệu đã công bố.
Lần dò theo thư từ của các nhà truyền giáo Đàng Trong và các giáo đoàn thuộc các vương quốc lân cận như
Campuchia và Xiêm, chúng ta có thể biết được phần nào diễn biến chiến tranh giữa quân Tây Sơn và nhà Nguyễn và qua đó có thể xác định được một số sự thật lịch sử.
3.1.1. Tình hình Đàng Trong
Trong một bức thư đề ngày 26 tháng 7 năm 1776 gửi về các cha bề trên ở Paris, nhà truyền giáo Le Clerc cho biết: “Chiến tranh ở Đàng Trong đã làm rung chuyển cả
Campuchia. Vì không thể chống cự được quân nổi dậy nên vị vua cũ Đàng Trong vừa đến lánh nạn tại nhà vị tổng trấn Hà Tiên [Nguyên văn: “Se réfugier chez le gouverneur de Cancao”]. Quân trộm cướp đã chiếm giữ các nẻo đường đến Bãi Xàu và cướp sạch tất cả những gì đi ngang qua” (MEP, 1821, tr. 300). Dựa vào bức thư này mà Cl. E. Maître đã đưa ra giả thuyết là ngay từ năm 1776, Bá Đa Lộc đã làm quen với cả ba người là vua Duệ Tông, Đỗ Thanh Nhơn và Nguyễn Ánh tại Hà Tiên (Maître, Cl. E., 1913, tr. 343), có lẽ bởi vì cụm từ “se réfugier chez le gouverneur de Cancao” cũng còn có thể được hiểu là “tại lãnh địa của tổng trấn Hà Tiên”. Thế mà theo Quốc sử quán, năm 1776, Duệ Tông và Nguyễn Ánh về lánh nạn tại Trấn Giang, tức Cần Thơ ngày nay và Mạc Thiên Tứ cũng về đóng quân ở đây từ khi quân Xiêm chiếm Hà Tiên năm 1771. Vì vậy phải hiểu câu của Le Clerc như thế nào? Có phải Le Clerc muốn nói là vua Duệ Tông “lánh nạn tại nhà vị tổng trấn Hà Tiên” tại Hà Tiên, hay là lánh nạn tại nơi ở mới của Mạc Thiên Tứ, tức Trấn Giang? Hay là còn cách hiểu nào khác? Mặt khác,nói là sau khi quân Xiêm rút khỏi Hà Tiên, Mạc Thiên Tứ ở lại Trấn Giang và Mạc Tử Hoàng về Hà Tiên lãnh chức Tổng trấn (Vũ Thế Dinh, 2002, tr. 40). Nếu Vũ Thế Dinh ghi đúng, thì phải hiểu Le Clerc muốn nói là vua Duệ Tông đến Hà Tiên lánh nạn tại Mạc Tử Hoàng!
Vả lại, theo những điều Bá Đa Lộc viết trong thư thì tình trạng của Mạc Thiên Tứ không bi đát như Quốc sử quán đã viết: Năm 1776, Bá Đa Lộc đã rời Campuchia để về lại Hà Tiên theo lời mời khẩn khoản của tổng trấn Hà Tiên, mà theo ông, đó là một người có thế lực hùng mạnh ở Đàng Trong và Campuchia và ngày nay ông chính là người phò giá chủ yếu vua Đàng Trong và cũng có thể một ngày nào đó sẽ đưa nhà vua trở lại ngai vàng” (MEP, 1821, tr. 296).
3.1.2. Ai đã cứu Nguyễn Ánh?
Có lẽ câu hỏi này không còn đáng để mất thời gian cho những cuộc tranh cãi, vì từ hơn 80 năm nay đã có không ít bằng chứng khá rõ và thuyết phục, nhà nghiên cứu chỉ cần chịu khó tìm và đọc thì sẽ có ngay câu trả lời. Trước đó, vì chưa có nhiều tài liệu và điều kiện tiếp cận các tài liệu đã công bố cũng vô cùng khó, nên các nhà nghiên cứu phải dựa vào những ghi chép đủ loại, có mức độ đáng tin cậy rất khác nhau, kể cả những tài liệu thuộc loại “tam sao thất bản”, khiến thông tin bị nhiễu loạn. Ngay cả những nhà nghiên cứu đầu tiên về lịch sử Việt Nam hiện đại như
P. Cultru, Ch. B. Maybon cũng có lúc vẫn phải dựa vào loại tài liệu này để từng bước lần theo dấu vết của quá khứ.
Trong thư gửi Descourvières đề ngày 25 tháng 4 năm 1780, nhà truyền giáo Faulet đã dành một đoạn ngắn ghi lại tình huống cuộc giải cứu Nguyễn Ánh: “Chính cha Paul là người đã nuôi ăn và che giấu vị vua trẻ trong chiếc thuyền nhỏ của ông, đã giới thiệu [cho vị vua trẻ biết] về giám mục và sự thánh khiết của tôn giáo chúng ta”⁽⁹⁾ (Launay, A., 1925, tr. 70). Rất tiếc là Faulet không ghi ngày tháng và địa điểm đã diễn ra việc cứu giúp ấy, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng đó là lúc Nguyễn Ánh vừa thoát khỏi mẻ lưới mà quân Tây Sơn đã giăng ra ở đạo Long Xuyên (nay thuộc bán đảo Cà Mau) mà Quốc sử quán ghi là vào năm Đinh Dậu (1777). Sau đó mấy năm, chính ngòi bút của Bá Đa Lộc đã xác nhận thông tin này: Qua lời đáp lại Giám mục Pottier, đại diện tông tòa ở Tứ Xuyên (Trung Hoa), phê bình ông đã nhúng tay vào những chuyện của các vua chúa, thì Bá Đa Lộc cho biết thêm nguồn gốc của sự gắn bó của nhà vua với “một nhà truyền giáo người bản xứ” dưới quyền ông, người đã cứu nhà vua tương lai thoát nạn và giáo dân ở đây nuôi ăn hơn một tháng (Taboulet, G., 1940, tr. 18). Bá Đa Lộc cũng không nói đến thời gian Nguyễn Ánh nhận được sự cứu giúp của “nhà truyền giáo người bản xứ” ấy, tức Linh mục Hồ Văn Nghị, mà tài liệu phương Tây thường gọi là cha Paul, là cựu học viên chủng viện của Bá Đa Lộc, được phong linh mục năm 1775. Sau đó, trong một tài liệu xuất bản năm 1955, G. Taboulet nói rõ rằng cha Nghị đã tiếp tế lương thực cho Nguyễn Ánh trong tháng 10 năm 1777 (Taboulet, G., 1955, tr. 174).
Ngoài ra còn nhiều chi tiết khác hoàn toàn phù hợp với lời xác nhận trên đây: Trong một bức thư đề ngày 15 tháng 6 năm 1789, Linh mục Le Labousse viết cho Letondal có đoạn như sau: “Đã đến lúc báo cho ông biết việc thăng tiến vừa rồi của cha Paul. Mặc dù không phải là quan triều đình, nhưng cha ấy được hưởng tất cả đặc quyền của quan lại; tôi không biết có đúng là cha Paul thậm chí còn cao hơn một chút; điều mà tôi biết, đó là cha có một bức thư của vua, nói đúng hơn, đó là một sắc phong, lệnh cho tất cả quan chức phải tuân lời cha và phải cung cấp cho cha những gì mà cha yêu cầu. Điều đó đã làm con người tuyệt vời này trẻ ra một chút. Các quan đến vái chào cha; chúng tôi cũng đã được đối xử tử tế hơn nhờ tước vị của cha Paul” (Launay, A., 1925, tr. 227).
Hoặc trong thư báo tin Linh mục Paul qua đời viết ngày 20 tháng 4 năm 1801, Le Labousse nói rõ hơn: “Vua Đàng Trong lúc khốn khổ, đã may mắn gặp được cha Paul cung cấp những vật phẩm tối cần thiết. Vì thế mà nhà vua vẫn luôn giữ nhiều tình cảm trìu mến với cha” (MEP, 1823, tr. 210).
3.1.3. Bá Đa Lộc quen Nguyễn Ánh trong trường hợp nào?
Theo Sử ký, khi đưa Nguyễn Ánh về tới Hà Tiên thì gặp lúc Bá Đa Lộc vắng nhà, Linh mục Paul Nghị liền nhắn tin cho giám mục biết tình hình (Ngày 12 tháng 6 năm 1777, Bá Đa Lộc có viết một bức thư từ Bethfamo⁽¹⁰⁾ gửi về cha bề trên ở Macao). Ẩn náo tại nhà Bá Đa Lộc được một tháng, sợ bị lộ nên Paul Nghị đưa Nguyễn Ánh vào rừng ở “hai ba tháng”. Khi từ Campuchia về, Bá Đa Lộc mang theo một người Pháp tên là Gioang và giới thiệu cho Nguyễn Ánh. Nói cách khác, theo Sử ký, Bá Đa Lộc đã gặp Nguyễn Ánh trong khoảng thời gian sau ngày 12 tháng 6 và ít lâu trước tháng 11 năm 1777 là ngày diễn ra trận đánh Long Hồ có Gioang tham dự.
Sự thân thiết giữa Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh được nhiều nhà truyền giáo chứng kiến: Trong thư đề ngày 6 tháng 7 năm 1778 gởi Boiret, nhà truyền giáo Faulet đã diễn đạt như sau: “Cuộc chiến này không hề có dấu hiệu kết thúc; nó tồi tệ hơn bao giờ hết. Người ta vừa cho tôi biết rằng quân nổi dậy chiếm Sa Đéc một địa điểm nằm trên một dòng sông gần Campuchia: Họ đã bao vây vị hoàng thân hợp pháp [Nguyễn Ánh] là người bạn lớn [Nguyên văn: Grand ami] của Đức Giám mục ở Sài Gòn; họ có trong tay đội quân hùng mạnh với vũ khí trong tay. Quả đúng là dân chúng rất ghê tởm họ” (Launay, A., 1925, tr. 68).
Bên cạnh đó, trong thư Bá Đa Lộc gửi cho Steiner là quản thủ ở Macao đề ngày 10 tháng 7 năm 1778 có chi tiết cho chúng ta biết vào thời điểm ấy Bá Đa Lộc rất thân thiết với Nguyễn Ánh và với cả các quan đại thần trong triều: “Tôi cảm ơn cha rất nhiều vì đã gửi cho giáo đoàn chúng tôi hai nhà truyền giáo. Nếu hoàng gia [Đàng Trong] giành lại được ngai vàng như tình hình cho thấy, tôi sẽ còn có thể cần thêm nhiều nhà truyền giáo khác vì tôi quen biết rất đặc biệt [Nguyên văn: Très particulièrement] với vị hoàng thân sẽ lên ngôi vua và các quan đại thần. Xin hãy cầu Chúa phù hộ thật nhiều cho chuyện này, vì có lẽ việc cải đạo xứ Đàng Trong tùy thuộc vào đó” (Launay, A., 1925, tr. 17).
Khi Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định năm 1778 và ngay sau đó Bá Đa Lộc dời chủng viện và cơ sở từ Hà Tiên về Tân Triều (Bình Dương) sau khi bị người Campuchia cướp phá vào tháng 6 năm 1778 (MEP, 1821, tr. 310-311). Nơi ở mới này gần nơi đóng đô của triều đình, khiến mối quan hệ giữa hai người càng thêm khăng khít, như Sử ký viết: “Đức-Thầy Vê-rô đã trốn sang Cao-mên với thầy cả Phao-lồ và mười tám học trò. Song khi nghe tin ông Nguyễn-anh⁽¹¹⁾đã lấy lại đặng xứ Đồng-Nai, thì trở về xứ ấy và đem học trò về theo nữa […]. Đức-Thầy Vê-rô lập nhà-trường trong Gò-Mít: Người đã kết nghĩa với ông Hữu-ngoại, nên ông ấy đã giúp mà làm nhà-thờ rất trọng thể. Nhà Đức Thầy Vê-rô ở thì gần ông Nguyễn-anh lắm, cho nên Đức-Thầy và ông ấy năng qua lại. Chẳng mấy ngày mà chẳng thăm viếng nhau. Ông Nguyễn-anh có ý liệu việc gì thì quen bàn việc ấy với Đức-Thầy trước đã” (Khuyết danh, 1885, tr. 20-21).
(Còn tiếp kỳ sau)
Chú thích:
1. Vì không biết thông tin này nên Thụy Khuê trong chương 11 (2017, tr. 266-268) đã phê bình G. Aubaret “đã bỏ hẳn chữ thành” khi đọc trên bìa sách dịch của ông dòng chữ nhỏ GIA-DINH-THUNG-CHI, bên dưới tựa chữ Hán 志通定嘉 [Gia Định thông chí] mà Thụy Khuê diễn nôm là Gia Định Tùng chi và giải thích tùy tiện là “Gia Định, nhiều chi họp lại,” rồi suy luận ra nhiều chuyện khác. Sự bất cẩn này lại tái diễn khi Thụy Khuê phê phán Aubaret không ghi tên tác giả, trong khi ở ngay trang đầu của phần Introduction, Aubaret đã giới thiệu: “Quyển sách này đã được vị đại quan Trang-hoï-duc (Hiệp trấn Gia Định năm 1810) biên soạn” (Aubaret, G. 1863, tr. i). Vì mãi đến năm 1892 cách ghi âm Wade-Giles mới phổ biến, nên Aubaret đã phỏng âm chữ 鄭懷徳 theo cách của mình, tuy khác với cách ghi âm Hán Việt (Trịnh Hoài Đức), nhưng người đọc vẫn có thể nhận ra tên tác giả. Vị trí ghi tên tác giả không đúng với thông lệ ngày nay, có lẽ vì tài liệu này được phát hành để phục vụ cho quan chức Pháp, chớ không phải để phục vụ đại chúng.
2. Trong các lịch vạn niên không thấy có năm Đinh Thìn. Nếu là năm 1784 thì đó là năm Giáp Thìn. Theo nhiều ghi chép thì trận đại bại của quân Xiêm ở Rạch Gầm – Xoài Mút xảy ra khoảng tháng Chạp năm Giáp Thìn (tháng 1 năm 1785). Chúng tôi không thể xác định đây là lỗi của các tác giả hay của người dịch.
3. Bản dịch ra tiếng Pháp của D*** [Demeunier] năm 1785 (và được William Smith tuyển chọn in lại năm 1849 trong bộ Voyages autour du monde, quyển 5) đã chuyển tên hai thuyền này thành Résolution và Découverte. Đây là chuyến đi vòng quanh thế giới từ năm 1776 đến 1780, ban đầu do thuyền trưởng J. Cook chỉ huy. Sau khi ông qua đời ngày 14 tháng 2 năm 1779 thì thuyền trưởng Clerke thay. Clerke chết ngày 3 tháng 8 cùng năm thì thuyền trưởng Gore chỉ huy đoàn. Đoàn ghé Côn Đảo từ ngày 21 đến ngày 28 tháng 1 năm 1780.
4. Thụy Khuê chỉ đọc bản dịch tiếng Pháp đã qua trích dẫn nhiều lần rồi nghi ngờ những ghi chép của J. Cook và J. King là không chính xác và đưa ra một số suy luận không có cơ sở về thời điểm Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc làm quen với nhau, về thời gian thuyền này đến Côn Đảo có lẽ là 1789 chớ không phải 1780,… (trong Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long, 2015, chương 16 tựa là “Chúa Nguyễn đuổi quân Hòa Lan và quân Anh” tại địa chỉ http://thuykhue.free.fr/mucluc/gialong.html (đọc ngày 24 tháng 9 năm 2024).
5. Nhiều tài liệu ghi là Bá Đa Lộc đến cảng L’Orient (Pháp) vào “đầu tháng 2 năm 1787” mà không cho biết ngày nào. Nhưng thư trả lời của Bộ trưởng Hải quân đề ngày 14 tháng 2 năm 1787 cho Bá Đa Lộc đã nói rõ là bức thư thứ ba ông đã nhận được từ Bá Đa Lộc đề ngày 5 tháng 2 năm 1787 khi ông đến cảng L’Orient (Maybon, Ch. B., 1919, tr. 225).
6. Barrow đã kể lẫn lộn tình tiết của nhiều trận đánh khác nhau: Trận hành quân ra miền Trung năm 1781 (hai thuyền buôn được vũ trang của Bồ Đào Nha bỏ chạy), trận quân Tây Sơn tấn công Gia Định năm 1782 (Manuel chết), trận đánh úp hạm đội của Nguyễn Nhạc ở cảng Quy Nhơn năm 1792… Trong bài sau, chúng tôi sẽ trình bày chi tiết hơn về sự tham gia của người Bồ Đào Nha và Mạn Hòe.
7. Bản tiếng Anh chỉ nói là “an armed vessel commanded by one
Manuel, a Frenchman”, nhưng khi dịch ra tiếng Pháp, Malte-Brun, sử gia người Pháp gốc Đan Mạch, đã biến thành “un bâtiment deguerre Français, commandé par un nommé Manuel” (một tàu chiến Pháp, được một người tên Manuel chỉ huy) (Barrow, J., 1807, tr. 201). Một số nhà nghiên cứu đã dựa vào bản dịch này mà không kiểm chứng lại.
8. Thụy Khuê (2017) đã dựa vào bản tiếng Pháp của Malte-Brun nên dịch là “người thư ký của chính phủ Trung Hoa sống tại đây”, trong khi nguyên văn là “a Chinese secretary to the government at that place” (Barrow, J., 1806, tr. 271). Có lẽ đây là nhân viên người Trung Hoa được Ty Tào vụ thuê để giúp quản lý tàu thuyền đến từ Trung Hoa như thường thấy. Đã không kiểm chứng bản gốc tiếng Anh, cũng không hề thắc mắc tại sao thư ký của chính phủ Trung Hoa lại sống tại Đà Nẵng, Thụy Khuê lại trách Taboulet “chỉ chép lại cái sai của Maybon” và cho là cái sai của Tạ Chí Đại Trường thì “tệ hại hơn cả” vì đã liên tưởng đến Trịnh Hoài Đức. Vậy cái sai nào “tệ hại” hơn cái sai nào?
9. Nguyên văn: “C’est le P. Paul qui a nourri et caché le jeune roi dans son petit bateau, qui a fait connaître Monseigneur et la sainteté de notre religion”. Thụy Khuê dịch là: “Chính cha Paul [Paul Nghị] đã nuôi ăn và giấu ông vua trẻ trong chiếc thuyền nhỏ của ông và báo cho Đức Thánh Cha [Bá Đa Lộc] biết” (2017, tr. 137-138). Thụy Khuê đã hiểu sai mấy chi tiết. Thứ nhất, Faulet đã dùng chữ “Monseigneur” [Đức Cha] để gọi giám mục, còn chữ “la sainteté” liên quan đến một ý khác chứ không cùng quy chiếu với chữ “Monseigneur” (nếu muốn xưng hô tôn kính với giám mục thì Faulet phải dùng “Sa Grandeur” hay “Votre Grandeur” tùy theo tình huống giao tiếp, khi “nói về” hoặc “nói với” ông). Thứ hai, chữ “Đức Thánh Cha” chỉ để gọi Đức Giáo hoàng và tiếng Pháp là “Sa Sainteté”, “le Saint-Père” hay “Votre Sainteté” (viết hoa). Thứ ba, “faire connaître” ở đây không phải là “báo tin”, mà là “nói cho biết”, nghĩa là “giới thiệu”, “nói về”: Khi đưa Nguyễn Ánh về nhà Bá Đa Lộc lúc ông đi vắng, cha Paul nói cho Nguyễn Ánh biết qua về giám mục và về “la sainteté” (tính chất thánh khiết) của đạo Thiên Chúa.
10. Chúng tôi chưa biết địa điểm này ngày nay được gọi là gì, chỉ biết rằng nó thuộc địa phận Campuchia.
11. Có lẽ Sử ký là một trong số không nhiều tài liệu gọi vua Gia Long thời trẻ là Nguyễn Anh như Nguyễn Phúc tộc thế phả (1995), chớ không phải là Nguyễn Ánh như nhiều tài liệu khác.
Tài liệu trích dẫn:
1. Aubaret, G., 1863. Histoire et description de la Basse Cochinchine (Pays de Gia-Dinh). Paris: Impression Impériale.
2. Barrow, J., 1806. A voyage to Cochinchina, in the years 1792 and 1793. London: T. Cadell and W. Davies.
3. Barrow, J., 1807. Voyage à Cochinchine…, Tome Second. Paris: Chez François Buisson, Libraire.
4. Cao Xuân Dục (chủ biên, 1998). Quốc triều chính biên toát yếu, tập 1. Huế: Nxb. Thuận Hóa.
5. Cook, J. & King, J., 1784. A voyage to the Pacific Ocean: Undertaken by command of his majesty, for making discoveries in the Northern Hemisphere performed under the direction of captains COOK, CLERKE, and GORE, in the years 1776, 1777, 1778, 1779, 1780. Volume 4. London, Printed for John Stockdale, Scatcherd and Whitaker, John Fielding and John Hardy.
6. Cook, J. & King, J., 1785. Troisième voyage de Cook, ou voyage a l’océan pacifique, ordonné par le roi d’Angleterre, bản dịch từ tiếng Anh của M. D*** [J. N. Demeunier]. Paris: Hôtel de Thou, Rue des Poitevins.
7. Khuyết danh, 1885. Sử ký Đại Nam Việt Quấc triều. Sài Gòn: Imprimerie de la Mission.
8. Launay, A., 1925. Histoire de la mission de Cochinchine, documents historiques, vol. III (1771-1823). Paris: Librairie Orientale et Américaine, Maisonneuve Frères editeurs.
9. Maître, Cl. E., 1913. “Documents sur Pigneau de Béhaine, Évêque d’Adran”. Trong tạp chí Revue Indochinoise, tome XX, tháng 7-12 năm 1913.
10. Maybon, Ch. B., 1919. Histoire moderne du pays d’Annam (1592-1820). Paris: Librairie Plon.
11. MEP, 1821. Nouvelles lettres édifiantes des missions de la Chine et des Indes Orientales, Tome sixième. Paris: Chez Ad. Le Clere.
12. MEP, 1823. Nouvelles lettres édifiantes des missions de la Chine et des Indes Orientales, Tome huitième. Paris: Chez Ad. Le Clere.
13. Ngô Anh Lân, 2022. “Các chính nhân Công giáo trong thời kỳ nhà Nguyễn trung hưng”. Tạp chí Khoa học Đại học Đông Á, tập 1, số 2, tháng 6-2022.
14. Nguyễn Duy Chính, 2011. “Sự đóng góp của Bá Đa Lộc”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (87).
15. Quốc sử quán, 1993. Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập (quyển đầu – quyển 33). Huế: Nxb. Thuận Hóa.
16. Quốc sử quán, 2002. Đại Nam thực lục, tập 1. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
17. Staunton, G., 1797. An authentic account of the embassy from the King of Great Britain to the Emperor of China, vol. 1. London: W. Bulmer & Co..
18. Taboulet, G., 1940. “La vie tourmentée de l’Évêque d’Adran”. Tạp chí Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, số XV năm 1940.
19. Taboulet, G., 1955. La geste Française en Indochine, quyển 1. Paris: Adrien-Maisonneuve.
20. Thụy Khuê, 2015. Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long. Tại địa chỉ http://thuykhue.free.fr/mucluc/gialong.html.
21. Thụy Khuê, 2017. Vua Gia Long và người Pháp. Nxb. Hồng Đức (bản pdf không có số trang).
22. Trần Mỹ-Vân, 2005. A Vietnamese Royal Exile in Japan: Prince Cường Để (1882-1951). London & New York: Routledge.
23. Trần Thanh Ái, 2020. “Nguyễn Ánh xưng vương, Bá Đa Lộc tham chính”. Tạp chí Xưa & Nay, số tháng 1 năm 2020.
24. Trịnh Hoài Đức, 1972. Gia Định thành thông chí, tập Thượng (bản tiếng Việt của Tu Trai Nguyễn Tạo). Sài Gòn: Nha Văn hóa.
25. Vũ Thế Dinh, 2002. Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả (Nguyễn Khắc Thuần dịch và chú thích). Hà Nội: Nxb. Văn hóa Thông tin.
26. Vũ Thế Dinh, 2006. Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả (Nguyễn Văn Nguyên dịch và chú thích). Hà Nội: Nxb. Thế giới.