3.2. Hai người Pháp được Bá Đa Lộc tiến cử cho Nguyễn Ánh
Như đã nói bên trên, Sử ký Đại Nam Việt Quấc triều cho biết là người Pháp đầu tiên phục vụ dưới trướng Nguyễn Ánh tên là Gioang ngay từ năm 1777. Sách này không ghi tên tác giả, nhưng được nhà in của Giáo hội (Imprimerie de la Mission) in và xuất bản, lần đầu tại Tân Định năm 1879 (lần hai tại Sài Gòn năm 1885). Vì sách có nhiều thông tin liên quan đến Bá Đa Lộc và những cộng sự của ông mà chỉ những người sống gần gũi mới có thể biết được, nên cho phép người ta nghĩ là tác giả đã chấp bút từ những ghi chép của một vài thành viên nào đó trong nhà dòng thuộc giáo đoàn Đàng Trong thời bấy giờ. Theo ghi chép của sách này, sau khi được tin báo của Linh mục Paul Hồ Văn Nghị về việc ông đã giúp Nguyễn Ánh trốn thoát về Hà Tiên, Giám mục Bá Đa Lộc lúc ấy đang đi thăm giáo dân ở Campuchia, liền trở về gặp mặt và sau đó giới thiệu Gioang đi theo Nguyễn Ánh đánh giặc: “Khi ấy Đức-Thầy Vê-rô [Bá Đa Lộc] ở Cao-mên mà về tìm được ông Nguyễn-anh; người lại đem một người Pha-lang-sa, tên là Gioang, có nghề võ cùng bạo dạn gan đãm và có tài đánh giặc lắm” (Khuyết danh, 1885, tr. 18). Trận đánh đầu tiên mà Gioang tham gia bên cạnh Nguyễn Ánh là trận đánh Long Hồ, mà Quốc sử quán ghi là đã diễn ra vào tháng 11 năm Đinh Dậu (1777): “Ông Gioang cứ phép tây mà làm nhiều trái phá, đoạn xuống thuyền lớn. Bây giờ Nhất-trịnh chưa ngờ điều gì thì vào Long-hồ, là nơi quân Tây-Sơn đóng nhiều tàu lắm. Vậy ông Nguyễn-anh làm tướng cai quân và ban đêm, thình lình, thì xông vào đánh quân Tây-Sơn. Khi ấy ông Gioang chỉ đốt và bắn trái phá, nên quân Tây-Sơn bất thình lình nghe tiếng trái phá và thấy nhiều người chết, thì sợ hãi lắm vì chưa từng biết sự làm vậy, cũng chưa thấy trái phá bao giờ; nên bỏ tàu mà nhảy xuống sông” (Khuyết danh, 1885, tr. 18-19).

Nhưng cả Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện không có dòng nào nói về nhân vật tên Gioang này. Một manh mối hiếm hoi khác dường như có liên quan đến ông ta: Trong thư đề ngày 03 tháng 01 năm 1780 gửi Giám mục Davoust, đại diện tông tòa ở giáo phận vùng Tây Đàng Ngoài, Linh mục Descourvières hé lộ một chi tiết: “Người ta tố cáo Giám mục d’Adran [Bá Đa Lộc] là đã truyền dạy nghệ thuật quân sự và đúc súng ống và vũ khí, điều đó hoàn toàn sai. Người ta cũng nói rằng một thủy thủ người Pháp được cho là trong đoàn tùy tùng của Đức Cha bởi anh ta được Đức Cha cưu mang trong thời gian khá lâu, là một trong những nhân vật chính của cuộc chiến tranh này. Anh ta kiêu hãnh nói là đã xông pha chiến trận là vì Đức Cha. Còn một thủy thủ Pháp khác, mà Đức Cha đã gửi đến đây [Macao] trong vai trò người đưa thư. Cả hai đều trở về Đàng Trong” (Taboulet, G., 1940, tr. 56).
Có thể khẳng định là hai nhân vật trong thư này chính là Gioang và Manuel, vì cho đến khi Descourvières viết thư này (tháng 01 năm 1780) không có ghi nhận về bất cứ người Pháp dân sự nào đi theo Bá Đa Lộc. Hơn nữa, trong sách L’Annam et le Cambodge: Voyages et notices historiques xuất bản tại Paris năm 1874, C. E. Bouillevaux nói là các tác giả viết tin thời sự đã nhắc đến hai cái tên người Pháp Joang (Jean) và Manoe (Manuel), “hai thủy thủ người Bretagne mà chúng tôi không biết hai người này mang họ gì […] đã phục vụ Gia Long ngay từ những năm đầu ngài lên ngôi” (Bouillevaux, C. E., 1874, tr. 381, 393). Sau trận đánh Long Hồ thì không ai còn nghe nói đến tên Gioang nữa, nhưng còn hành trạng của Manuel thì đã tương đối rõ, như ghi chép của Trịnh Hoài Đức: “Man-hòe người là [sic!] nước Lang-sa Tây-dương giúp sức với bản triều, làm quan Khâm sai cai quản Trung khuông-Đội tước An-hòa-Hầu, khi mất được tặng Hiếu-nghĩa Công-thần phụ-quốc thượng-tướng-quân, tòng sự vào miếu Hiển-trung⁽¹⁾” (Trịnh Hoài Đức, 1972, tr. 96). Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện cũng ghi tương tự. G. Aubaret khi dịch Gia Định thông chí thì nhận ra Man-hòe chính là Manuel (Aubaret, G., 1863, tr. 49), còn Sử kZý thì ghi tên tiếng Pháp của Ma-no-e là Em-ma-nu-el (Khuyết danh, 1885, tr. 33).
Sử ký còn bổ sung một số chi tiết khác về Man Hòe: Ông ta đã có mặt trong trận Đỗ Thanh Nhơn đem quân đánh Ốc nha Suất ở Trà Vinh mưu làm phản vào tháng tư năm Canh Tý (1780), nghĩa là ngay sau khi Nguyễn Ánh xưng vương: “ông Nguyễn-anh sai ông Hữu-ngoại đi với người Pha-lang-sa kia, đã sang với Đức-Thầy Vê-rô mà ở lại giúp việc nhà nước, tên Ma-no-e (Em-ma-nu-el)” (Khuyết danh, 1885, tr. 21). Trong Thư khố Bộ Ngoại giao và Bộ Hải quân Pháp hiện còn lưu trữ một tài liệu ghi lại lời phát biểu của Bá Đa Lộc ngày 5 hay 6 tháng 5 năm 1787 khi ông diện kiến vua Louis XVI, tài liệu này cho biết rằng Manuel đã theo Bá Đa Lộc từ Pondichéry đến Đàng Trong và đã tử trận trong một trận thủy chiến với quân Tây Sơn trên sông Cần Giờ (năm 1782): “Trong những ngày đầu loạn lạc, một thần dân của bệ hạ mà hạ thần mang theo từ Pondichéry [đến Đàng Trong], khi chiến đấu vì nhà vua hợp pháp, đã chỉ huy một chiếc thuyền nhỏ trang bị 10 khẩu đại bác nòng nhỏ nhất và vài lính thủy tuyển chọn từ Gia Định chống lại hạm đội của quân nổi dậy gồm gần 100 chiếc thuyền suốt một ngày trời và đã không để bị bắt sống” (Faure, A., 1891, tr. 82-83).
Chúng tôi sẽ cung cấp thêm một số sự kiện liên quan đến Man Hòe trong bài viết sau, phần nói về sự hỗ trợ của người Bồ Đào Nha cho Nguyễn Ánh.
3.3. Bá Đa Lộc cộng tác với Nguyễn Ánh từ khi nào?
Cũng giống như thời điểm Bá Đa Lộc gặp Nguyễn Ánh, ngày tháng mà Bá Đa Lộc dính líu đến các hoạt động phục quốc của Nguyễn Ánh cũng không được rõ. Tuy nhiên, người ta có thể tìm thấy nhiều dấu vết về việc cộng tác này rải rác trong các thư từ của các nhà truyền giáo trong khu vực. Sau trận cướp phá chủng viện Cây Quao (Hà Tiên) do bọn cướp người Campuchia gây ra vào giữa năm 1778, Bá Đa Lộc đã dời chủng viện về xứ đạo Tân Triều, không xa nơi hành tại của Nguyễn Ánh ở Biên Hòa, vì ông nghĩ rằng “có thể tin vào lòng biết ơn của vị hoàng tử đã từng là khách của ông” để thuận lợi hơn trong các hoạt động tôn giáo. Chính từ khi dời về đây, Nguyễn Ánh và Bá Đa Lộc thường xuyên gặp gỡ nhau, khi thì Nguyễn Ánh cho vời Bá Đa Lộc đến hành tại, khi thì nhà vua đi cùng vài vị quan đến nhà Bá Đa Lộc (Launay, A., 1894, tr. 136). Những điều trên đây hoàn toàn phù hợp với ghi chép của Sử ký mà chúng tôi đã trích dẫn bên trên (Khuyết danh, 1885, tr. 21). Và cũng bắt đầu từ đó mà tin đồn lan truyền trong giới tu sĩ Thiên Chúa giáo ở Xiêm về việc Bá Đa Lộc cộng tác với Nguyễn Ánh. Trong thư gởi Bộ Truyền giáo đề ngày 21 tháng 12 năm 1778, Giám mục Le Bon cho biết là từ những ngày gần đây, chính tai ông nghe được ở Bangkok và Linh mục Jacques Tchang nghe được ở Chantaboun (Xiêm) tin đồn là các giáo sĩ ở Đàng Trong và Campuchia đang hỗ trợ cho chúa Nguyễn trong cuộc nội chiến chống quân Tây Sơn. Người ta còn đồn là “một vị hoàng tử Đàng Trong nào đó” (un certain prince Cochinchinois) sẽ lên một chiếc tàu Pháp đi Pondichéry cầu viện, cùng với tu sĩ người bản xứ Paul Nghị vừa được thụ phong linh mục, rằng ông này đang dính líu sâu vào việc phục vụ nhà vua (Launay, A., 1925, tr. 94). Ngay vào thời điểm đó có lẽ không mấy người tin vào tin đồn này, vì Thánh bộ Truyền giáo ở La Mã ban hành huấn dụ⁽²⁾ vào năm 1659 nghiêm cấm các nhà truyền giáo dính líu vào hoạt động chính trị của các vương quốc nơi mà họ đang truyền bá đức tin. Nhưng chỉ mấy năm sau, tin đồn này đã trở thành sự thật: Tháng 12 năm 1784, Bá Đa Lộc cùng với Linh mục Paul Nghị đưa Hoàng tử Cảnh đi Pondichéry cầu viện. Điều đó có nghĩa là kế hoạch cầu viện người Pháp đã được phác họa ngay từ năm 1778, trước cả khi Hoàng tử Cảnh ra đời⁽³⁾ và không biết vì bất cẩn hay do triều đình cố ý phô trương thanh thế mà thông tin nhanh chóng được lan truyền từ triều đình ra ngoài, đến tận Chantaboun và
Bangkok nước Xiêm! Vào lúc bấy giờ, một kế hoạch mang tầm vóc chiến lược như thế không thể có người nào trong triều đình có đủ uy tín và ảnh hưởng đối ngoại để thực hiện, ngoài Bá Đa Lộc.
Cũng trong thư trên, Giám mục Le Bon còn cho biết thêm là Bá Đa Lộc còn bị tố cáo là đã tiếp tay Nguyễn Ánh trong việc tấn công Campuchia năm 1778: “Từ khi rời khỏi vương quốc Xiêm [sang Goa], chúng tôi vẫn còn nghe nói những chuyện về Giám mục Bá Đa Lộc mà người ta đã kể với chúng tôi: Họ còn nói thêm rằng ông ấy là kỹ sư trưởng của mọi chiến dịch quân sự ở Đàng Trong. Hiện nay có lệnh [của Nguyễn Ánh] là phải hỏi ý kiến ông ấy và phải tuân theo lệnh của ông ấy. Họ đã chiếm Campuchia năm vừa rồi (1778)⁽⁴⁾ và người ta đồn rằng vị giám mục này đã giúp những người chiến thắng chống lại người Campuchia là những người bạn đầu tiên của ông, đã rất đỗi tức tối và nguyền rủa ông về vụ ấy” (Launay, A., 1925, tr. 95).
Bức thư ngỏ đề ngày 26 tháng 7 năm 1779 do Giám mục Bá Đa Lộc viết để phân trần về ba điều, trong đó có lời tố cáo liên quan đến vụ tấn công Campuchia, đã hé lộ cho chúng ta thấy ngay từ những năm 1778-1779, ông đã ít nhiều dính líu tới các hoạt động của Nguyễn Ánh, ít ra là dưới nhãn quan của nước láng giềng. Ông giải thích chuyện này như sau: “Đúng là vừa rồi vì tin tưởng tôi mà ông ấy [vua Campuchia] có viết thư cho tôi, xin tôi làm tất cả những gì có thể để mang lại hòa bình giữa vương quốc của ông với Đàng Trong. Tôi đã làm những gì tôi có thể làm, mà không xen vào cuộc tranh chấp của họ và cũng không dây dưa vào những chuyện chính trị” (Launay, A., 1925, tr. 76).
Và cứ thế mà mối quan hệ giữa Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh ngày càng chặt chẽ mặc dù mỗi người lại có nhiều lo toan khác nhau, vì mục đích theo đuổi không phải hoàn toàn giống nhau. Hai người đã cùng trải qua nhiều nỗi gian truân trong cuộc chiến phục quốc, đến nỗi có lúc giới truyền giáo tưởng chừng như ông đã không còn nữa, vì bặt tin ông suốt hai năm.
4. Vai trò của Bá Đa Lộc trong triều đình Nguyễn Ánh
Muốn biết vai trò của Bá Đa Lộc không thể chỉ dựa vào những chức tước được phong tặng, mà còn phải dựa vào những việc làm thật sự thì mới có thể xác định được Bá Đa Lộc đã đóng vai trò gì trong việc phục hưng nhà Nguyễn. Trong thư gửi Descourvières đề ngày 31 tháng 7 năm 1780 để nhờ mua giúp một số mặt hàng có thể làm quà tặng cho vua quan, Bá Đa Lộc cung cấp những chi tiết cho thấy Nguyễn Ánh và Đỗ Thanh Nhơn mà Bá Đa Lộc gọi là “vị đại thần” (nguyên văn “le roi lui-même et le grand mandarin”) đã quý trọng ông đến mức độ nào: “Chính nhà vua và vị đại thần cũng gửi quà cho tôi vào dịp đầu năm, điều mà họ chưa từng làm cho bất cứ ai; nhưng tôi luôn thấy lúng túng khi tìm món gì đó có thể làm quà tặng cho họ […]. Thậm chí, tôi có thể nói rằng nhà vua tặng cho tôi còn nhiều hơn tôi tặng cho ông và thậm chí nếu tôi không tặng cho ông cái gì thì ông vẫn coi tôi thật sự như là bạn bè mà không phật lòng về chuyện ấy. Tuy nhiên, một số người khác lại có thể thấy như thế là tệ hại và cho tôi là keo kiệt và thiếu tôn trọng đối với cá nhân nhà vua, vì đó là tập quán phổ biến ở đây và thậm chí đó còn là quy tắc lịch sự” (Launay, A., 1925, tr. 70-71).


Sau này, trong thư gửi Hồng y Antonelli đề ngày 8 tháng 4 năm 1787, nhà truyền giáo Boiret đã trình bày những nguyên nhân khiến ông tin vào tương lai của Thiên Chúa giáo ở Đàng Trong, trong đó có việc nhà vua “tin tưởng hoàn toàn ở Giám mục d’Adran và giao toàn quyền cho giám mục rửa tội cho con trai ông, người kế vị ngai vàng (Launay, A., 1925, tr. 165).
4.1. Vai trò liên lạc với nước ngoài
Vì uy tín của một giám mục rất lớn đối với người châu Âu, nên ban đầu Nguyễn Ánh đã sử dụng Bá Đa Lộc trong việc liên lạc với phương Tây để tìm kiếm các nguồn cung cấp khí tài quân sự nhằm xây dựng lực lượng chống lại Tây Sơn.
Qua bức thư ngỏ gửi “tất cả những ai cần biết” do Bá Đa Lộc viết ngày 26 tháng 7 năm 1779, để phân trần về ba lời tố cáo của hai viên thuyền trưởng Bồ Đào Nha đến bán hàng tại cảng Bãi Xàu, người ta có thể hiểu được phần nào vai trò liên lạc của Bá Đa Lộc. Bức thư mở đầu bằng việc tường thuật lại ngọn nguồn của sự việc đã xảy ra vào đầu năm 1779: “Năm nay, lúc hai chiếc tàu Macao đến Bãi Xàu để buôn bán, một người Hoa liền báo tin cho vị đại quan Đàng Trong⁽⁵⁾”. Bá Đa Lộc cho biết là vị đại quan này rất thân với ông, hiện đang rất cần súng ống, đạn dược, thuốc nổ và các loại khí cụ khác, nên vị quan ấy thúc giục ông viết thư liên lạc với các thuyền trưởng này, yêu cầu họ bán cho ông ấy cả thuyền hay một phần cũng được (Launay, A., 1925, tr. 75). Sau khi làm xong việc được nhờ cậy, Bá Đa Lộc cho biết là ông liền đi thăm một số xứ đạo “đã chờ ông hơn một tháng nay” (Launay, A., 1925, tr. 73). Có lẽ là vì không có mặt Bá Đa Lộc nên việc buôn bán không được suôn sẻ như mong đợi, nên hai viên thuyền trưởng Bồ Đào Nha tố cáo Bá Đa Lộc cố ý gây trở ngại cho họ.
Nỗ lực đầu tiên liên lạc với nước ngoài để tìm kiếm cơ hội cầu viện của Bá Đa Lộc được ghi nhận là đã diễn ra vào năm 1779, sau khi Nguyễn Ánh nhận lãnh trách nhiệm Đại Nguyên soái. Nỗ lực này được người Anh tình cờ phát hiện ngay vào đầu năm 1780 và đã công bố năm 1784 cho mọi người cùng biết chuyện này trong quyển 4 của bộ sách A voyage to the Pacific Ocean do hai thuyền trưởng J. Gore và J. King đứng tên tác giả như đã nói bên trên. Điều đó cho thấy rằng trước đó Bá Đa Lộc đã tìm cách liên lạc với người Pháp ở nhượng địa Pondichéry, trước khi thành phố này lọt vào tay người Anh (Toàn quyền Bellecombe đầu hàng quân Anh ngày 18 tháng 10 năm 1778 và mãi đến năm 1785 mới được trao trả cho Pháp sau khi hai bên ký kết Hiệp ước Versailles).
4.2. Vai trò ngoại giao
Cũng qua bức thư ngỏ nói trên, trong đó có phần trả lời một tố cáo Bá Đa Lộc đã tiếp tay Nguyễn Ánh tấn công Campuchia năm 1778, mặc dù giám mục luôn phủ nhận các cáo buộc liên quan đến chuyện chính trị, nhưng chúng ta có thể biết được ảnh hưởng của ông trong chính sách đối ngoại trong khu vực của Nguyễn Ánh. Điển hình là vua Campuchia cậy nhờ Bá Đa Lộc can thiệp vào việc vãn hồi hòa bình giữa hai nước, như ông đã thố lộ (Launay, A., 1925, tr. 76). Không biết Bá Đa Lộc đã làm gì để đáp lại sự tin tưởng của vua Campuchia, nhưng điều chắc chắn là việc nhờ cậy này cũng đủ nói lên vai trò của giám mục trong nền ngoại giao Đàng Trong lúc bấy giờ!
Hoặc vào tháng 4 năm 1780, ông có nhận một bức thư của Toàn quyền Macao, ông Fran. Xavier de Castro, khẩn khoản nhờ ông xin vua Đàng Trong viết một bức thư gửi cho toàn quyền Goa hứa hẹn sẽ tạo nhiều điều kiện hậu hĩnh trong giao thương, đổi lại, thì ông ta sẽ chịu trách nhiệm cung cấp tất cả những thứ cần thiết để đưa nhà vua trở lại ngai vàng (Launay, A., 1925, tr. 154-155).
Vai trò ngoại giao nổi bật của Bá Đa Lộc thể hiện qua kế hoạch cầu viện Pháp, được hội đồng triều chính thảo luận và ra quyết định vào ngày thứ 10, tháng thứ 7 năm Cảnh Hưng 43, nhằm ngày 18 tháng 8 năm 1782. Trong văn bản này⁽⁶⁾, Bá Đa Lộc được đề nghị trao quyền hành không giới hạn thay mặt vua xứ Đàng Trong để thương thuyết (Launay, A., 1925, tr. 159). Không hiểu Bá Đa Lộc có nằm trong hội đồng ấy không, nhưng việc phân tích văn bản sẽ cho thấy nhiều dấu ấn rõ rệt của ông còn lưu lại trên văn bản này.
Quốc sử quán có ghi lại là vào năm 1783, khi chạy ra các đảo trong vịnh Xiêm La để trốn quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh được tin Bá Đa Lộc đang ở Chantabun (Xiêm), nên sai người đến mời: “Khanh có thể vì ta đi sứ sang Đại Tây, nhờ đem quân sang giúp ta được không?” (Quốc sử quán, 2002, tr. 218). Và như chúng ta đã biết, tháng 12 năm 1784, Nguyễn Ánh đã giao Hoàng tử Cảnh cùng với quốc ấn cho Bá Đa Lộc đi thương thuyết bên trời Tây.
Như vậy là lời đồn năm 1778 ở Xiêm mà Giám mục Le Bon đã nói không phải đợi đến năm 1784 mới thành sự thật, mà ngay từ 1782 và 1783, kế hoạch đã được khởi động, lần lượt từng bước một. Lúc ấy, không thấy ông phân bua như thế nào về kế hoạch đưa “một vị hoàng tử Đàng Trong nào đó” sang Pondichéry cầu viện, nhất là về vụ người Anh tình cờ phát hiện năm 1780 Bá Đa Lộc cử người đặt trạm tiền tiêu ở Côn Đảo chờ tàu Pháp đến. Có lẽ vì thế mà ai cũng thấy được rằng những thanh minh của Bá Đa Lộc chỉ nhằm đối phó với lời tố cáo của những người không tán thành quan điểm của ông về thái độ dấn thân trong khi truyền giáo mà thôi. Sau này, năm 1785, khi đã đặt chân đến Pondichéry cùng với Hoàng tử Cảnh, Bá Đa Lộc mới có thư đề ngày 6 tháng 7 năm 1785 gửi Descourvières để giải thích về chuyện này. Ông cho biết là vì lo sợ Đàng Trong lọt vào tay người Hà Lan và Anh (là những nước theo đạo cải cách) nên đã buộc Nguyễn Ánh giao Hoàng tử Cảnh cho mình để đi tìm kiếm viện trợ ở một cường quốc Thiên Chúa giáo nào đó. Ban đầu đương nhiên là ông nghĩ đến nước Pháp, nhưng vì viên toàn quyền tại Pondichéry luôn phải xin ý kiến của triều đình về mọi việc trước khi ra quyết định và cũng vì thấy rằng người Pháp ngày càng nghịch đạo và thù hằn tôn giáo, nên ông đã quyết định đề nghị người Bồ Đào Nha ra tay giúp đỡ, vì dù sao nước này ít ra còn có bề ngoài sùng đạo (Launay, A., 1925, tr. 154). Trong thư đề ngày 8 tháng 7 năm 1785, Bá Đa Lộc đề nghị Thượng thư đề ngày 6 tháng 7 năm 1785 gửi Descourvières để giải thích về chuyện này. Ông cho biết là vì lo sợ Đàng Trong lọt vào tay người Hà Lan và Anh (là những nước theo đạo cải cách) nên đã buộc Nguyễn Ánh giao Hoàng tử Cảnh cho mình để đi tìm kiếm viện trợ ở một cường quốc Thiên Chúa giáo nào đó. Ban đầu đương nhiên là ông nghĩ đến nước Pháp, nhưng vì viên toàn quyền tại Pondichéry luôn phải xin ý kiến của triều đình về mọi việc trước khi ra quyết định và cũng vì thấy rằng người Pháp ngày càng nghịch đạo và thù hằn tôn giáo, nên ông đã quyết định đề nghị người Bồ Đào Nha ra tay giúp đỡ, vì dù sao nước này ít ra còn có bề ngoài sùng đạo (Launay, A., 1925, tr. 154). Trong thư đề ngày 8 tháng 7 năm 1785, Bá Đa Lộc đề nghị Thượng viện Macao tiếp nhận Hoàng tử Cảnh và đoàn tùy tùng: “Chính vì lý do đó [tôn giáo], tôi đề nghị chuyển lại cho quý vị trong Thượng viện vua Đàng Trong, con trai ông ta, bảy tám vị quan triều đình, các phương tiện để khôi phục địa vị của hoàng tử và không chỉ những phương tiện dễ dàng để thu hồi phí tổn sẽ phải bỏ ra, mà còn cả những thứ để thiết lập nền thương mại vừa làm nên sự vẻ vang cho Bồ Đào Nha, vừa sinh lời cho thành phố Macao” (Launay, A., 1925, tr. 155).
Trong thư, Bá Đa Lộc còn viết thêm, nếu Bồ Đào Nha nghĩ đến việc thiết lập một thương điếm có lợi cho họ, “vậy thì phải cần đến sự hỗ trợ của chính phủ, một số binh lính, vài chiến thuyền. Tháng 9 tới [1785], tôi sẽ viết thư cho lãnh đạo ở Goa về việc này; nhưng tôi chỉ có thể chờ câu trả lời đến tháng 1 hoặc tháng 2 [năm 1786] mà thôi” (Launay, A., 1925, tr. 156).
Thế nhưng cuối năm 1785, Bá Đa Lộc tình cờ gặp chỉ huy trưởng hải quân Pháp phụ trách vùng biển Ấn Độ, Đại tá Bruni d’Entrecasteaux, dừng chân ở Pondichéry khi đang trên đường thám hiểm các vùng biển Bắc Á. Vì tầm nhìn châu Á của hai người rất tương đồng với nhau nên d’Entrecasteaux thuyết phục Bá Đa Lộc đi thẳng sang Paris. Trong thư gửi Jacques Liot viết vào tháng 2 năm 1786, Bá Đa Lộc cho biết là ông đang chuẩn bị lên đường đi Pháp (Faure, A., 1891, tr. 71), điều đó có nghĩa là cơ hội dành cho Bồ Đào Nha không còn nữa.
Về phía Vatican, cuối cùng Đức Giáo hoàng cũng chuẩn nhận những lý do đã khiến Bá Đa Lộc phải sang Pháp: Hồng y Antonelli đã thông báo tin này cho Boiret trong thư đề ngày 21 tháng 3 năm 1787 (Launay, A., 1925, tr. 164-165). Điều này có nghĩa là sự cộng tác của Bá Đa Lộc với Nguyễn Ánh sẽ không còn bị chỉ trích nữa.

4.3. Vai trò cố vấn
Trong thư đề ngày 19 tháng 7 năm 1780 gửi Linh mục Descourvières, Bá Đa Lộc có viết một câu phân trần giúp người đọc hình dung ra những lời đồn đãi xung quanh việc cộng tác với Nguyễn Ánh: “Mặc dù còn lâu mới đạt được những phẩm hạnh mà vị trí của tôi đòi hỏi, nhưng tôi chưa hề quên thân phận của mình đến mức trở thành tướng lĩnh hay quan lại triều đình” (Launay, A., 1925, tr. 93). Lời phân trần này cho phép người ta hình dung ra những dị nghị đang lan truyền trong khu vực và đến tận Paris và Rome, rằng Bá Đa Lộc là cố vấn quân sự và chính trị của Nguyễn Ánh. Thật vậy, trong thư đề ngày 21 tháng 12 năm 1778, Giám mục Le Bon cho biết “hiện nay có lệnh [của Nguyễn Ánh] là phải hỏi ý kiến ông ấy [Bá Đa Lộc] và phải tuân theo lệnh của ông ấy”. Cần nhớ là lúc nhận chức Đại Nguyên soái năm 1778, Nguyễn Ánh chỉ là một thiếu niên 16 tuổi, lại thân cô thế cô, lực lượng chưa đủ mạnh để đương đầu với Tây Sơn và nhiều thế lực khác, thì việc tin tưởng và tham khảo ý kiến một người thông thái, có thế lực tiềm tàng là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Trong một bức thư, nhà truyền giáo Liot có ghi lại chi tiết như sau: “Tiếng đồn xuất phát từ việc khi còn sống, vị quan đại thần [Đỗ Thanh Nhơn] vì muốn phô trương và động viên các quan chức và dân chúng, đã tung tin khắp nơi là Đức Cha là thầy của mình, ông ấy biết tất cả những gì mà người ta có thể tưởng tượng ra và dưới tay một người thầy như vậy, chắc chắn rằng ông ta sẽ dẹp tan bọn nổi loạn trong vương quốc” (Launay, A., 1894, tr. 138).
Trong một ghi chép⁽⁷⁾ đề năm 1799 còn lưu ở Thư khố Hội Truyền giáo Hải ngoại ở Paris, người ta có thể biết được vai trò đứng giữa của Bá Đa Lộc trong thời gian mà mối quan hệ giữa Nguyễn Ánh và Đỗ Thanh Nhơn rất căng thẳng. Khoảng 10 giờ tối một hôm, Nguyễn Ánh kín đáo đến nhà Bá Đa Lộc để tham khảo ý kiến của ông về một việc hết sức quan trọng. Nguyễn Ánh hỏi: “Giám mục biết tình trạng của trẫm đó; trẫm không được tôn trọng ngay trên vương quốc của trẫm. Viên quan thượng thư đã thâu tóm mọi quyền hành. Trẫm chỉ sợ một cuộc lật đổ sẽ xảy ra. Trẫm phải làm gì trong hoàn cảnh này?”. Bá Đa Lộc trả lời rằng ông không thể khuyên được gì cả, rằng Thiên Chúa giáo cấm ông tham dự vào việc giết người và thật là ghê tởm khi người đứng đầu các tín đồ Thiên Chúa giáo lại đi khuyên giết người (Launay, A., 1925, tr. 313).
Sử ký là tài liệu tiếng Việt hiếm hoi nói đến các chi tiết liên quan đến mối xung đột giữa Nguyễn Ánh và Đỗ Thanh Nhơn, dẫn đến việc kết liễu cuộc đời Đỗ Thanh Nhơn một cách không chính danh: “Vua phải cực khốn thể ấy [bị Đỗ Thanh Nhơn lộng quyền] thì buồn lắm, cũng đã năng nói truyện với Đức-Thầy Vê-rô, mà bàn cho biết phải liệu làm sao. Vua chỉ quyết lo mưu chước mà giết ông ấy khi xuất kì bất ý, vì ông ấy [ăn] ở vô phép làm vậy chẳng còn chịu đặng. Đức-Thầy Vê-rô hết sức khuyên bảo vua đừng làm sự quái gở thể ấy, chẳng những vì là đều [điều] chẳng phải, mà lại vì là đều chẳng khôn nữa” (Khuyết danh, 1885, tr. 24).
4.4. Vai trò truyền đạt kiến thức và kỹ năng mới
Trong thư ngỏ đã nói bên trên, khi trả lời cho tố cáo thứ ba “đã dạy cho người Đàng Trong cách thức đúc súng đại bác, cách làm bom và nhiều loại vũ khí khác”, Bá Đa Lộc chỉ nhìn nhận là “vì vị quan đã hỏi tôi cách nạp thuốc nổ cho một quả lựu đạn mà ông ấy mang từ Campuchia về và nhiều thứ linh tinh khác thuộc loại này, tôi đã chỉ cho ông ta qua chuyện vãn. Tôi đã khắc độ giúp ông ấy hai loại thước đo góc và nhờ người làm cho ông ta một ống loa phóng thanh, một dụng cụ đo thiên văn và vài dụng cụ toán học khác” (Launay, A., 1925, tr. 75). Chắc chắn rằng trong quá trình tiếp xúc lâu dài với một người như Bá Đa Lộc, dù nhiều dù ít, ai cũng có thể học hỏi được nhiều thứ về văn hóa, khoa học, kỹ thuật phương Tây để dần cải thiện các mặt hoạt động trong xã hội, tùy theo mục đích của mỗi người.
Kết luận
Những tố cáo của hai thuyền trưởng Bồ Đào Nha và những tin đồn lan truyền trong giới truyền giáo về hành trạng của Bá Đa Lộc có thể không đúng hoàn toàn, nhưng những ghi nhận của nhiều nhân chứng khác nhau, trong nhiều tình huống khác nhau ít nhiều đều khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh bắt đầu ngay từ cuối năm 1778. Qua những chứng cứ ấy, người ta thấy là Bá Đa Lộc có một vị trí đặc biệt không thể chối cãi trong chính quyền Nguyễn Ánh mới vừa hồi sinh. Đặc biệt là những ghi chép của thuyền trưởng tàu Anh J. Cook và J. King năm 1780 ở Côn Đảo hoàn toàn độc lập với những tố cáo và tin đồn ấy, nên không ai có thể phủ nhận được sự tham dự khá sâu vào việc triều chính trước năm 1780 của Bá Đa Lộc, dù ông đã ra sức phủ nhận, ngoại trừ một số cây bút muốn viết lịch sử theo ý mình.
Khi viết về sự đóng góp của Bá Đa Lộc cho nhà Nguyễn, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính đã kết luận: “Triều Nguyễn đã không công bằng với lịch sử. Không nói gì họ đã xuyên tạc, bóp méo và bịa đặt nhiều điều về thành phần đối nghịch với họ [Lê-Trịnh, Tây Sơn], ngay chính những người giúp đỡ triều đình – nói đúng hơn giúp cho chúa Nguyễn khôi phục vương vị – cũng không được nhắc đến một cách chính xác” (Nguyễn Duy Chính, 2011, tr. 31). Vậy đâu là nguyên nhân thật sự của thái độ thiếu công bằng này? Thiết nghĩ cần phải có thêm nhiều nghiên cứu nghiêm túc và khoa học, để các thế hệ mai sau không còn bị chi phối bởi những sử gia đầy định kiến thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau.
CHÚ THÍCH:
1. Bản dịch của Đại Nam thực lục (2002, tr. 212) và của Đại Nam liệt truyện (1993, tr. 477) ghi là “Hiệu nghĩa công thần…”; bản dịch của Đại Nam liệt truyện (1993, tr. 477) ghi là “đền Hiển Trung”.
2. Đó là Huấn dụ Instructio Vicariorum Apostolicorum ad regna Sinarum, Tonchini et Cocincinae proficiscentium (1659) (Huấn dụ các đại diện tông tòa đi các nước Trung Quốc, Đàng Ngoài và Đàng Trong năm 1659).
3. Nguyễn Phúc tộc thế phả ghi Tống Thị Lan được tiến cung năm Mậu Tuất (1778), rồi sinh hai người con, Nguyễn Phúc Chiêu (mất sớm) và Nguyễn Phúc Cảnh (1995, tr. 219-220). Đại Nam liệt truyện ghi Hoàng tử Cảnh sinh năm Canh Tý (1780).
4. Thư đề ngày 21 tháng 12 năm 1778, nên “năm vừa rồi” lẽ ra phải là năm 1777. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu là thư này được bắt đầu viết vào cuối năm 1778 và khi chuẩn bị kết thúc thư thì đã sang năm mới 1779.
5. Thụy Khuê phản bác Tạ Chí Đại Trường, cho rằng vị quan lớn Đàng Trong (au grand mandarin) nói ở đây “chỉ có thể là Mạc Thiên Tứ, […] không thể là Đỗ Thanh Nhơn”. Suy luận của Thụy Khuê là vì Bá Đa Lộc dùng chữ “grand mandarin” nên muốn nói đến Mạc Thiên Tứ, còn nếu muốn chỉ Đỗ Thành Nhơn thì phải dùng “grand général” (đại tướng quân). Thụy Khuê không biết rằng năm 1779, Mạc Thiên Tứ và Tôn Thất Xuân đang bị vua Xiêm Thaksin giam lỏng ở Bangkok ngay sau khi bị Tây Sơn truy đuổi ráo riết năm 1777 và chết ở đó năm 1780.
6. Nhiều tác giả nghi ngờ tính xác thực của văn bản này, vì hiện nay chưa ai thấy được bản chính viết bằng chữ Hán – Nôm và Quốc sử quán cũng không nhắc đến cuộc họp đưa ra văn bản này. Nếu ngày tháng ghi trên văn bản là đúng thì lúc ấy Nguyễn Ánh đang lánh nạn tại Phú Quốc cùng với một nhóm người và chắc chắn rằng hội đồng triều chính cũng không có được mấy người.
7. Có lẽ những ghi chép này được các nhà truyền giáo túc trực bên giường bệnh Bá Đa Lộc thực hiện trước khi ông qua đời.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1. Aubaret, G., 1863. Histoire et description de la Basse Cochinchine (Pays de Gia-Dinh). Paris: Impression Impériale.
2. Bouillevaux, C. E., 1874. L’Annam et le Cambodge: Voyages et notices historiques. Paris: Victor Palmé, libraire-éditeur.
3. Faure, A., 1891. Mgr Pigneau de Behaine, Évêque d’Adran. Paris: Augustin Challamel éditeur.
4. Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, 1995. Nguyễn Phúc tộc thế phả. Huế: Nxb. Thuận Hóa.
5. Khuyết danh, 1885. Sử ký Đại Nam Việt Quấc triều. Sài Gòn: Imprimerie de la Mission.
6. Launay, A. 1894. Histoire générale de la Société des Missions étrangères, tome 2. Paris: Téqui libraire-éditeur.
7. Launay, A., 1925. Histoire de la mission de Cochinchine, documents historiques, vol. III (1771-1823). Paris: Librairie Orientale et Américaine, Maisonneuve Frères editeurs.
8. Nguyễn Duy Chính, 2011. Sự đóng góp của Bá Đa Lộc. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 4 (87).
9. Quốc sử quán, 1993. Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập (quyển đầu – quyển 33). Huế: Nxb. Thuận Hóa.
10. Quốc sử quán, 2002. Đại Nam thực lục, tập 1. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.
11. Taboulet, G., 1940. Sur le matelot Manuel mort au champ d’honneur en combattant pour Gia-Long. Tạp chí Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, số XV, năm 1940.
12. Taboulet, G., 1955. La geste Française en Indochine, quyển 1. Paris: Adrien-Maisonneuve.
13. Thụy Khuê, 2015. Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long. Tại địa chỉ http://thuykhue.free.fr/mucluc/gialong.html.
14. Thụy Khuê, 2017. Vua Gia Long và người Pháp. Nxb. Hồng Đức (bản pdf không có số trang).
15. Trịnh Hoài Đức, 1972. Gia Định thành thông chí, tập Trung (bản tiếng Việt của Tu Trai Nguyễn Tạo). Sài Gòn: Nha Văn hóa.