Những nỗ lực cầu viện nước ngoài đầu tiên của nhà Nguyễn chống lại Tây Sơn

Trần Thanh Ái

Tạp chí Xưa&Nay, số 570, tháng 12 năm 2024

Cái chết của Võ Vương năm 1767 đã đánh dấu một bước ngoặt thê thảm chẳng những cho Đàng Trong mà còn gây tác động dây chuyền trên cả xứ Đại Việt suốt nửa cuối thế kỷ XVIII. Được đưa lên ngôi năm 12 tuổi, Nguyễn Phúc Thuần với miếu hiệu là Duệ Tông chỉ là bù nhìn để Trương Phúc Loan lộng quyền làm nhiều chuyện gây phẫn uất trong nhân dân. Chỉ bốn năm sau đó, cuộc nổi dậy của Tây Sơn đã khiến cho vương triều chúa Nguyễn ở Đàng Trong lung lay dữ dội. Lợi dụng tình hình nhiễu nhương, chúa Trịnh xua quân vượt sông Gianh rồi tiến đánh kinh đô Phú Xuân, khiến cả triều đình và hoàng gia phải chạy đi lánh nạn tận vùng bán đảo Cà Mau và các hải đảo trong vịnh Xiêm La.Rơi vào bước đường cùng, vua tôi chúa Nguyễn sẵn sàng nắm bắt bất cứ cơ hội nào khi có dịp để tìm kiếm sự giúp đỡ của ngoại nhân hòng khôi phục vương quyền, dù cho đó chỉ là một tia hy vọng mong manh.

Hai cường quốc Anh – Pháp luôn đối đầu nhau khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Một trong những trận đụng độ tranh giành Chandernagor trên vịnh Bengal.

1. Kế hoạch cầu viện Trung Hoa của Mạc Thiên Tứ

Đại Nam thực lục còn ghi lại: Tháng 2 năm Ất Mùi(1775), khi chúa vào Gia Định, Mạc Thiên Tứ cùng các con từ Trấn Giang đến hành tại bái yết.Tháng 11 năm Bính Thân (1776), Đông cung Dương lên ngôi, xưng là Tân Chính Vương, tôn Duệ Tông làm Thái Thượng Vương.

Tháng 4 năm Đinh Dậu (1777), khi bị truy đuổi, Duệ Tông cùng với đoàn tùy tùng chạy về Cần Thơ, thuộc Trấn Giang,nơi Mạc Thiên Tứ đóng quân. Nhận thấy tình hình tuyệt vọng, Mạc Thiên Tứ bèn vạch ra kế hoạch cầu viện Trung Hoa và được Duệ Tông chấp thuận. Đại Nam liệt truyện ghi như sau:

“Mùa thu năm ấy [1777], Thiên Tứ hầu chúa đi trước, sai con là Duyên vào đất Hiệp Giang(1), đẵn cây to, lấp đường thủy. Chúa ngày càng bồn chồn lo lắng, triệu Thiên Tứ đến, bảo rằng: ‘Thế giặc nay đang dữ dội, việc nước như thế mong sao gây dựng lại được?’. Thiên Tứ khấu đầu lạy khóc, nói rằng: ‘Thế thì nên triệu thuộc thần là Quách Ân(2) đem tấu sức khuyển mã, không ngại gian lao, sang Quảng Đông nhà Thanh, kêu xin Trung Quốc giúp quân đánh giết bọn giặc hung ác, thu phục lấy đất đai của ta? Cứ như thần nghĩ, nếu không tính xa như thế thì không có chỗ trú chân nữa đâu!’. Chúa chuẩn y lời tâu ấy. Rồi chúa đi Long Xuyên” (Quốc sử quán, 1993b, tr. 181).

Sau đó, Mạc Thiên Tứ đi Rạch Giá đón Quách Ân, nhưng giờ cuối thuyền không đến, trong khi ấy, như ta đã biết, đoàn tùy tùng của Duệ Tông bị bắt và giải về Gia Định. Kế hoạch cầu viện nhà Thanh thất bại ngay từ lúc mới manh nha, còn Mạc Thiên Tứ phải chạy ra đảo ẩn náu, rồi cùng Tôn Thất Xuân sang Xiêm và chết bên ấy. Đây là kế hoạch cầu viện nước ngoài đầu tiên của nhà Nguyễn nhằm tìm cách lấy lại ngai vàng. Nếu kế hoạch này được thực hiện suôn sẻ, nước Đại Việt hẳn đã rẽ sang một hướng khác, nhưng chắc là sẽ không có gì hứa hẹn sáng hơn.

Chi tiết đi Quảng Đông cầu viện nhà Thanh có nét tương đồng với ghi chép của nhà truyền giáo Jean de Jésus, trong thư của ông đề ngày 21 tháng 6 năm 1777 gửi về cha Bề trên của Tỉnh dòng ở Manila có đoạn như sau: “Họ đã buộc nhà vua phải chạy trốn về Cân-thu [sic] và ông ấy hiện đang có mặt ở đó cũng như tôi, đang ốm đau trên một con thuyền nhỏ bốn bề là những mối nguy hiểm ngặt nghèo, để chờ chiếc thuyền Macao, nhưng nhiều người bảo là nó đã đi rồi” (Pérez L., 1940, tr. 86). Lúc ấy Đông cung đã lên ngôi, xưng là Tân Chính Vương và bị bắt ở Ba Vát(3) (nay thuộc Bến Tre), còn người chạy về Cần Thơ là Thái Thượng hoàng Duệ Tông. Vì thế có lẽ Jean de Jésus đã nhầm lẫn khi tiếp tục gọi Duệ Tông là vua, do chưa cập nhật thông tin truyền ngôi, vì nội dung trong thư của ông liên quan đến cuộc chạy trốn của Duệ Tông.

Vậy chiếc thuyền Macao(4) mà Jean de Jésus nói và thuyền của Quách Ân là hai chiếc khác nhau, hay chỉ là một? Vì không có thông tin nào về mối liên lạc giữa chúa Nguyễn và thương nhân Macao nên chúng ta có thể tin rằng thuyền của Quách Ân chính là thuyền Macao mà Jean de Jésus nói đến, nghĩa là chỉ có kế hoạch đi Trung Hoa cầu viện nhà Thanh do Mạc Thiên Tứ vạch ra, chứ không có kế hoạch đi Macao cầu viện người Bồ Đào Nha. Và nếu đúng như vậy thì thời gian xảy ra sự việc do Jean de Jésus ghi lại ngay từ thực địa (21 tháng 6 năm 1777) đáng tin cậy hơn lời kể trong Liệt truyện, là những thông tin được điều tra thu thập hơn nửa thế kỷ sau.

Một nguồn tin khác do một thương nhân người Bồ Đào Nha đến từ Macao cung cấp cho Chapman, trưởng phái đoàn Anh, khi ông đang định ngược dòng sông Hậu ngày 26 tháng 6 năm 1778 để tìm hiểu tình hình chúa Nguyễn (sẽ nói rõ hơn trong phần sau). Nguồn tin này hoàn toàn độc lập với cả hai tin trên, cho biết rằng vua Đàng Trong chạy trốn ra Côn Đảo và đã bị bắt ở đó. Tin truyền miệng này chắc hẳn là có những chi tiết không chính xác như thường thấy, nhưng hoàn toàn có thể tin là trước ngày 26 tháng 6 đã xảy ra một sự bắt bớ một vị hoàng thân nào đó và rất có thể đó là Tân Chính Vương.

Tưởng cũng nên nói thêm là Mạc Thiên Tứ được chúa Nguyễn ban cho nhiều ưu ái, như cấp ba chiếc Long-Bài-Thuyền để thông thương với hải ngoại (Trần Kính Hòa, 1958, tr. 34). Và dù đang giữ chức Tổng binh do chúa Nguyễn ban nhưng Mạc Thiên Tứ vẫn được tự do liên lạc thường xuyên với các quan chức ở Quảng Đông và cả triều đình nhà Thanh những khi có biến động trong khu vực, như nhà nghiên cứu người Trung Hoa Xing Hang đã viết:

“Mạc Thiên Tứ cũng xem sự bảo trợ của nhà Thanh như là phương sách cuối cùng. Khi Miến Điện xâm lăng Xiêm và cái chết bi thảm của vua Xiêm vào những năm 1760 đe dọa thế cân bằng quyền lực ở khu vực lục địa Đông Nam Á, Mạc Thiên Tứ thường xuyên trao đổi các đoàn sứ giả với triều đình nhà Thanh và các quan chức Quảng Đông. Ông cung cấp cho họ những tin tức mới nhất và thông tin liên quan đến các vùng lân cận của Hà Tiên. Hơn thế nữa, ông còn tìm cách nhận được sự ủng hộ của nhà Thanh để được lên ngai vàng còn bỏ trống ở Xiêm” (Xing Hang, 2024, tr. 4).

Mối quan hệ khắng khít của Mạc Thiên Tứ với nhà Thanh khiến ta không thể nghi ngờ thông tin về kế hoạch cầu viện nhà Thanh mà Mạc Thiên Tứ đã vạch ra nhằm giúp chúa Nguyễn giành lại ngai vàng. Mặc dù việc cầu viện này thất bại ngay từ đầu, nhưng sự hiện diện của người Trung Hoa trong đội quân phục quốc của Nguyễn Ánh cũng rất đáng kể: Mười năm sau đó (1787), một cướp biển tên là Hà Hỷ Văn đóng ở Côn Đảo cùng với các thuộc hạ Liang Wenying 梁文英 (Lương Văn Anh), Zhou Yuanquan 周遠權 (Châu Viễn Quyền), Zhang Baguan 張八觀 (Trương Bác Quan) đến quy phục Nguyễn Ánh (Chen Boyi, 2022). Sau đó, Hà Hỷ Văn được gia nhập vào đội thủy binh và được cử ra Bắc đến tận Liêm Châu (Quảng Tây), như ghi chép của Quốc sử quán: “Năm Mậu Thân (1788) triệu tới nơi hành tại ban cho 100 quan tiền, 200 phương gạo, hơn 20 tấm lụa vải. Hỷ Văn đem binh thuyền theo quan quân đi đánh giặc. Năm Ất Dậu(5), Hỷ Văn đem chiến thuyền vượt Quy Nhơn qua Thuận Hóa tới Bắc Hà thăm dò tình hình của giặc, rồi đi Liêm Châu chiêu dụ giặc biển Tề Ngôi được 23 chiếc thuyền về quy thuận” (Quốc sử quán, 1993a, tr. 471-472).

Cơ ngơi của công ty Đông Ấn Pháp ở Pondichéry

Chen Boyi còn trích dẫn sách 古代中越關係史資料選編 [Cổ đại Trung – Việt: Quan hệ sử tư liệu tuyển biên] cho biết rằng: “Như Jiting 集亭 [Tập Đình] và Chen Tianbao 陳添保 [Trần Thiêm Bảo], Hà Hỷ Văn cũng bị kết tội nhận ‘chức quan trái phép’ ở hải ngoại. Ông ta và hai hải tặc khác đã được Nguyễn Phúc Ánh gởi trả về nhà Thanh và bị kết tội ‘nhận phẩm hàm trái phép’ và tội ‘cướp bóc một công ty thương mại đường xa’” (Chen Boyi, 2022, tr. 249).

2. Hai lần cầu cứu phương Tây của quần thần chúa Nguyễn

Nếu kế hoạch cầu viện nhà Thanh có sự ưng thuận của Duệ Tông, thì hai lần nhờ đến sự giúp đỡ của tàu thuyền phương Tây chống lại các cuộc tấn công của quân nổi dậy Tây Sơn đều do một số quan lại trong triều tiến hành. Và có lẽ chính vì vậy mà các sử quan triều Nguyễn đã không biết đến những nhờ vả ấy, hoặc cho là những việc ấy không đáng được ghi vào chính sử.

Trước khi kinh đô Huế rơi vào tay quân chúa Trịnh, nhiều thành viên trong hoàng tộc và quần thần trong triều đình lần lượt rời Huế đi vào Gia Định. Một ít chậm chân hơn phải ở lại Đà Nẵng và Hội An để chờ thuyền đi vào Nam, vì Đà Nẵng là nơi tàu thuyền nước ngoài thường ghé lại buôn bán. Năm 1777, quân Tây Sơn bắt đầu tấn công Hội An và Đà Nẵng và ngay lúc ấy thuyền của người Pháp và người Anh cũng có mặt ở đó; thế là các quan trong triều không bỏ lỡ cơ hội đề nghị họ hỗ trợ quân sự để ngăn chặn các cuộc nổi dậy của quân Tây Sơn.

2.1. Quan nhà Nguyễn cậy nhờ thuyền Pháp chống quân Tây Sơn

Ngày 12 tháng 2 năm 1778, ông Chevalier, chỉ huy nhượng địa Chandernagor ở Bengal, viết một bức thư gởi ông De Bellecombe, Toàn quyền Pondichéry, để báo tin tình hình ở Huế và Đà Nẵng mà ông vừa nhận được từ thuyền trưởng Cuny của chiếc Diligente mang về. Trong thư, ông báo cáo chuyện các quan nhà Nguyễn đề nghị chiếc thuyền Pháp Lauriston giúp sức chống lại quân Tây Sơn đang tấn công nơi này khi họ có mặt tại vịnh Đà Nẵng vào tháng 9 năm 1777:

“Thuyền trưởng Lauriston tên là Le Fer cử bác sĩ Philibert lên bờ, ông này vốn là người quen ở đây và được dân địa phương mến mộ vì ngày xưa đã từng làm việc cho thương trạm của công ty Đông Ấn Pháp do Dupleix thành lập ở đây. Các quan tiếp đón Philibert rất nồng nhiệt, trong số đó có nhiều quan đã từng là chỗ thân quen với Philibert; họ cung cấp cho ông tất cả những gì mà ông cần trong khả năng của họ lúc bấy giờ và đề nghị với ông cho chiến hạm vào sông để bảo vệ thành phố và tài sản của nhà vua chống lại quân nổi dậy” (Gaudart M., 1937, tr. 365).

Philibert đã từng đến Đà Nẵng và Huế trước năm 1750 và được Võ Vương sử dụng làm ngự y. Mặc dù đã có thời gian hợp tác thân thiện với triều đình Huế, nhưng khi được yêu cầu tham gia chiến đấu bên cạnh chúa Nguyễn chống lại quân nổi loạn, Philibert phải từ chối, vì lực lượng trên thuyền quá ít, vả lại họ phải lên đường đi Macao ngay cho kịp đợt gió mùa cuối cùng. Các quan khẩn cầu ông trở lại giúp họ cùng với quân đội và vũ khí đạn dược và cam đoan sẽ chi trả các phí tổn đó, cộng thêm những đặc quyền thương mại mà họ có thể dành cho người Pháp (Gaudart M., 1937, tr. 366). Có lẽ đây là lời cầu viện nước ngoài đầu tiên của các quan triều đình chúa Nguyễn kể từ khi cuộc nổi dậy Tây Sơn bắt đầu. Lúc ấy, theo Quốc sử quán triều Nguyễn là vào tháng 8-9 năm Đinh Dậu, tức năm 1777, vua Duệ Tông, Tân Chính Vương và nhiều thành viên hoàng tộc phải chạy vào Gia Định tránh các cuộc truy đuổi ráo riết của quân Tây Sơn, nhưng cuối cùng cũng bị bắt và xử tử, còn Nguyễn Ánh chạy thoát được qua đất Hà Tiên và làm quen với Bá Đa Lộc qua trung gian Linh mục Hồ Văn Nghị.

Khi nhận được thông tin từ Đàng Trong mang về, Chevalier thấy đây là cơ hội vô cùng thuận lợi để mở ra một tương lai rạng rỡ cho nước Pháp và kìm hãm sự bành trướng của người Anh trong khu vực hành lang đến Trung Hoa. Chevalier viết tiếp: “Nếu chính phủ cho phép Ngài tận dụng tất cả những cơ hội để vực dậy sức mạnh của mình và tăng trưởng nền thương mại, […], lúc ấy Ngài sẽ có thể tiến hành nhiều chiến dịch quy mô ở Ấn Độ và trên nhiều quốc gia châu Á khác” (tr. 364). Nhưng thái độ thờ ơ của nước Pháp là nguyên nhân khiến họ chỉ có thể tồn tại lây lất trong vùng vịnh Bengal, như Chevalier ta thán. Mặc dù vậy, ông ta vẫn trình cho De Bellecombe kế hoạch chinh phục Đàng Trong mà ông đã hào hứngvạch ra với viễn cảnh tươi đẹp cho đế quốc Pháp:

“Chúng ta sẽ dễ dàng dành cho Hoàng đế [Pháp] những cống hiến ý nghĩa nhất bằng cách gởi một phân đội đến đó; việc làm đó sẽ giúp chúng ta ngự trị đất nước ấy dưới danh nghĩa của Hoàng thượng và sẽ độc quyền chiếm lĩnh một nhánh của ngành thương mãi giàu có nhất trong vùng Ấn Độ, vì vị trí địa lý của nước này và vì sự đa dạng của những sản phẩm của nó. Chỉ cần huy động 150 lính châu Âu và 200 lính Ấn Độ dưới ngọn cờ của Hoàng thượng cũng sẽ quá đủ để tiêu diệt quân địch, củng cố địa vị của thân vương và vãn hồi hòa bình và yên ổn (Gaudart M., 1937, tr. 366).

2.2. Hai vị quan nhà Nguyễn được người Anh cưu mang

Ngay sau khi chiếc Lauriston của Pháp vừa rời vịnh Đà Nẵng và chiếc Rumbold của Công ty Đông Ấn Anh cập bến, thì quân Tây Sơn chiếm được nơi này. Trên đường từ Macao về Ấn Độ, chiếc thuyền này được lệnh phải dừng lại Đà Nẵng để tìm hiểu vài thông tin thì gặp nhà truyền giáo kiêm ngự y của chúa Nguyễn tên là J. Loureiro xin đi nhờ về Bengal cùng với hai vị quan trong triều đi về Đồng Nai để thoát khỏi sự càn quét của quân nổi dậy. Vì năm 1764, Loureiro đã từng giúp đỡ cho thuyền Admiral Pocock khi sửa chữa ở Đà Nẵng, nên bây giờ thuyền trưởng Rumbold sẵn lòng chấp nhận yêu cầu của họ. Vì thế, vô hình chung, người Anh trở thành ân nhân cứu mạng của họ. Đây là cơ hội thuận lợi bất ngờ cho người Anh để đặt chân lên Đàng Trong, vì như A. Lamb nói, nếu thuyền Pháp Lauriston chậm lên đường một chút thôi thì người Anh không có dịp tiếp cận với người của chúa Nguyễn (Lamb A., 1970, tr. 93).

Nhưng thời tiết xấu đã khiến thuyền Rumbold không thể dừng lại Gia Định cho hai vị quan Đàng Trong lên bờ, nên đành phải chạy thẳng về Calcutta và cập bến vào một ngày đầu tháng 2 năm 1778. Ngay sáng hôm sau, Toàn quyền W. Hastings long trọng tiếp đón đoàn sứ giả Đàng Trong, đồng thời một kế hoạch hành động cụ thể đã được vạch ra nhằm tận dụng cơ hội này để đặt chân lên mảnh đất có nhiều lợi thế không chỉ về thương mãi.

Về phía Pháp, khi nhận được tin về sự có mặt bất ngờ của hai viên quan Đàng Trong và nhà truyền giáo Loureiro, người mà Chevalier cho là rất uyên bác và đồng thời là nhà ngoại giao tài ba, nên ông ta không ngần ngại suy luận là họ đến Calcutta với mục đích cầu viện người Anh. Thế là ông ta liền nhờ một nhà truyền giáo trong xứ đạo ở đó tiếp xúc với Loureiro để mời ông ta đến Chandernagor vài ngày với tư cách cùng là thành viên của Dòng Tên trước đây(6), nhằm mục đích tìm hiểu kế hoạch của người Anh và qua ông ta để thuyết phục hai vị quan Đàng Trong cầu viện nước Pháp. Chevalier liền viết thêm một bức thư nữa cho G. de Bellecombe đề ngày 15 tháng 2 năm 1778, tức chỉ 3 ngày sau bức thư trước, trong đó ông nhấn mạnh:

“Thưa Ngài, ở mọi khía cạnh, vụ này cần phải được xem là có tầm quan trọng tối cao đối với chúng ta và có liên quan đặc biệt đến chính sách của chúng ta, bởi vì một loạt hệ quả mà nó có thể diễn ra từ phía một quốc gia hùng mạnh, năng động và dám hành động như nước Anh. Chúng ta không thể không nhìn nhận là nếu họ gửi quân viện đến Đàng Trong thì chẳng mấy chốc họ sẽ trở thành chủ nhân của cả đất nước ấy như là họ đã làm ở vùng Bengal và trong những phần còn lại của thuộc địa của họ ở Ấn Độ. Sau đó, họ sẽ dễ dàng mở rộng guồng máy thống trị của họ qua Xiêm và ra Đàng Ngoài” (Gaudart M., 1937, tr. 369).

Chevalier còn vạch kế hoạch gửi sang Đàng Trong chiến thuyền Brillant cùng với 150 lính châu Âu, 300 lính Ấn Độ, cùng với súng ống, đại bác và đạn dược, nhất là pháo binh, vì đây là hỏa lực có hiệu quả nhất lúc ấy. Không thấy tài liệu nào nói về số phận của kế hoạch của Chevalier, nhưng không khó để hiểu rằng tiềm lực của Pháp lúc ấy không đủ để thực hiện kế hoạch này và nhất là vì mối đe dọa thường xuyên của người Anh trong khu vực. Thật vậy, chỉ mấy tháng sau đó, các thuộc địa của Pháp trong vùng Bengal cũng rơi vào tay người Anh (ngày 18 tháng 10 năm 1778) và mãi đến năm 1785, người Pháp mới lấy lại được.

2.3. Chuyến công cán năm 1778 của người Anh đến Đàng Trong(7)

Về phía người Anh, họ không thể để vuột mất một dịp may như vậy và càng không thể để cơ hội ấy lọt vào tay người Pháp: Sau khi biết được Chevalier âm mưu mượn tay một nhà truyền giáo ở Chandernagor để tác động đến Loureiro, Toàn quyền Anh Warren Hastings quyết định nhanh chóng đưa hai vị quan triều Nguyễn về nước vừa tạo vỏ bọc nhân đạo, vừa để tìm hiểu tình hình Đàng Trong và cũng để vô hiệu hóa âm mưu hớt tay trên của Chevalier. Ngày 16 tháng 4 năm 1778, Hastings cử Charles Chapman chỉ huy hai chiếc thuyền Amazon và Jenny đi Đàng Trong, mang theo một số hàng để lấy danh nghĩa thiết lập quan hệ thương mại(8). Ngày 26 tháng 6 năm 1778, một chiếc thuyền của đoàn định đi vào sông Hậu để lần theo dấu vết hoàng gia đang ẩn náu, nhưng họ nhận được tin từ thuyền buôn Bồ Đào Nha tới lui cảng Ba Thắc(9) là nhà vua và tất cả thành viên hoàng gia đã bị bắt khi chạy trốn ra Côn Đảo(10) và bị giết.

2.3.1. Phái đoàn tiếp xúc với thủ lĩnh Tây Sơn

Thế là họ từ bỏ kế hoạch đến Ba Thắc, mà đi dọc theo bờ biển lên phía Bắc. Vì tin là vẫn còn một bộ phận của nhà vua đang đương đầu với Nguyễn Nhạc ở Đồng Nai, Chapman quyết định đi đến đó để cho viên quan nhà Nguyễn lên bờ gặp lại đồng đội. Ngày 1 tháng 7, đoàn thuyền phải thả neo ở Vũng Tàu, vì họ không biết đường đi vào Đồng Nai, ngay cả viên quan Đàng Trong và đoàn tùy tùng không ai có thông tin gì, vì chưa ai đặt chân đến đó bao giờ. Họ lấy thuyền nhỏ vào bờ và gặp một số dân trong làng mà Chapman ghi là Huttien(11). Họ chứng kiến cảnh xác xơ của dân chúng sau trận cướp phá hai tháng trước của đội quân do Nguyễn Nhạc cầm đầu. Ở đây họ gặp một cựu binh của chúa Nguyễn, ông ta cũng cho biết tin về cái chết của nhà vua. Vì không có thêm tin gì về quan quân nhà Nguyễn để trao trả viên quan trở về từ Calcutta còn sống (người thứ hai đã chết trên đường trở về), họ đành nhổ neo đi lần ra phía Bắc.

Ngày 13 tháng 7, họ thả neo tại cảng Quy Nhơn. Sau những thủ tục cần thiết, ngày 25 tháng 7, họ được Nguyễn Nhạc tiếp ở triều đình với nghi thức trang trọng để thông báo các quy định cho thương thuyền nước ngoài và sau đó, họ được mời đến vương phủ để trao đổi riêng. Vị thủ lĩnh phong trào Tây Sơn này mong muốn có được tình hữu nghị của nước Anh và tha thiết đề nghị Toàn quyền Bengal gửi một số chuyên gia quân sự đến giúp ông. Trong lúc tiếp chuyện, Nguyễn Nhạc hé lộ mục tiêu của ông là chinh phục Cambodia đến tận biên giới nước Xiêm và các tỉnh phía Bắc Đàng Trong hiện đang bị quân Đàng Ngoài chiếm giữ. Vì vậy, Nguyễn Nhạc đề nghị Anh chi viện một số tàu thuyền để thực hiện mục tiêu ấy, đổi lại, ông sẽ cấp đất cho họ đặt thương điếm ở những nơi nào họ thấy thích hợp (Chapman, 1802, tr. 74).Tuy tham vọng lớn như vậy, nhưng theo nhận định của Chapman, lực lượng bộ binh của Nguyễn Nhạc không đáng kể và rất kém về trình độ tác chiến, đến độ Chapman quả quyết rằng chỉ cần 300 lính được huấn luyện đàng hoàng cũng có thể đánh tan. Còn lực lượng hải quân thì chỉ có mấy chiếc thuyền nhiều chèo và vài chiếc thuyền mành tịch thu của người Trung Hoa cũng rất tàn tạ. Cuối cùng, Chapman đưa ra nhận xét chung:

“Chính quyền của ông ta bị ghét bỏ đến cùng cực, nhưng vì tinh thần của dân chúng đã quá rã rời do phải chịu đựng quá nhiều tai ương, đến độ họ thiếu can đảm để phản kháng lại chính quyền một cách hiệu quả. Nhiều binh lính và hầu như tất cả những người quan trọng mà tôi đã gặp, đã tuyên bố không úp mở với tôi là họ đã phục tùng chính quyền một cách miễn cưỡng và mong rằng người Anh sẽ ra tay che chở cho họ và cam đoan với chúng tôi rằng chỉ cần thoáng thấy một đội quân [của Anh] thì cả nước sẽ đến với họ” (Chapman Ch., 1802, tr. 75).

Để tóm tắt về triều đình Nguyễn Nhạc, Chapman nói bản thân Nhạc được công nhận là có tài, nhưng tài năng ấy được phò tá bởi các quan lại dưới quyền rất kém cỏi và dốt nát. Nạn đói và dịch bệnh đi liền đã giết hại phân nửa dân số của xứ sở này (Chapman Ch., 1802, tr. 75).

Ngày 26 tháng 7, họ giương buồm đi dọc bờ biển lên hướng Bắc. Ngày 2 tháng 8, họ thả neo trong vịnh Đà Nẵng. Sau khi được phép, họ thuê một ngôi nhà trong làng còn sót lại sau trận càn quét năm rồi của quân nổi dậy. Ở đó họ được viên quan cai quản Đà Nẵng của chính quyền Tây Sơn thuật lại những chuyện xảy ra năm 1777 với chiếc thuyền Anh mà chính ông ta là người chỉ huy cuộc nổi dậy.

“Viên chỉ huy của chiếc thuyền Anh bị vài quan lại triều Nguyễn, lúc ấy đang chiến đấu tại Đà Nẵng, thuyết phục hỗ trợ lực lượng và vũ khí cho họ; và một chiếc thuyền nhỏ được cử đi về phía thượng nguồn con sông để rước họ, đã bị người của ông ta tấn công và bắt giữ; một số bị giết, một số nhảy xuống sông và chết chìm và một số chạy trốn vào rừng và chết đói” (Chapman Ch., 1802, tr. 76).

Sau khi nhận được giấy phép buôn bán, ngày 13, họ đi Hội An theo lời mời của quan trấn thủ ở đó. Ông chứng kiến cảnh hoang tàn của thành phố chỉ còn lại những đống gạch vụn mà thôi.Ngày 15 tháng 8, khi về đến thuyền, Chapman gặp một thương nhân Bồ Đào Nha vừa mới từ Huế vào. Ông ta nhận trách nhiệm chuyển lời mời của Phó vương ra Huế bán số hàng còn tồn đọng lại nếu có.

2.3.2. Phái đoàn Anh tiếp xúc với quan chức chúa Trịnh ở Huế

Ở Huế, Chapman xin gặp phó vương của chúa Trịnh(12) để xin phép đặt thương trạm để buôn bán, nhưng ông này dường như không có nhiều quyền hành, bèn sai người dẫn đi gặp viên tướng hoạn quan chỉ huy thủy binh và bộ binh, mà sau đó ông nhận xét là rất thô lỗ. Những ngày tiếp theo, phái đoàn chứng kiến nhiều sự kiện kinh hoàng như lũ lụt khiến nhà cửa và tài sản bị cuốn trôi, vì dân chỉ được phép xây nhà trệt, hoặc nạn đói hoành hành khiến người đói phải ăn cả thịt người.

Ngày 7 tháng 11 năm 1778, họ nhận được tin mật báo của vị quan nhà Nguyễn là quân của chúa Trịnh chuẩn bị tấn công thuyền của phái đoàn, họ liền chuẩn bị rời Huế trở về Calcutta. Tuy nhiên, trên đường xuôi dòng sông Hương ra biển, họ bị nhiều tàu thuyền của quân chúa Trịnh ngăn cản và nhiều cuộc đụng độ xảy ra, khiến một thủy thủ Anh thiệt mạng.

Trên đường về, phái đoàn lại có ý định ghé Đồng Nai, có lẽ là vì Chapman đã cập nhật được thông tin Nguyễn Ánh còn sống và vừa nhận chức Đại Nguyên soái (mùa xuân 1778) sau khi chiếm lại được Sài Gòn. Nhưng vì thời tiết xấu, họ đành phải đi thẳng, một lần nữa bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc với thành viên cuối cùng của nhà Nguyễn. Khi về đến Calcutta, Chapman làm một báo cáo về chuyến đi, trong đó có đoạn cho biết ý định cầu viện của triều đình chúa Nguyễn như sau:

“Ngoài hai viên quan đã đến Bengal, một số người trong hoàng tộc cùng với nhiều tướng lĩnh của triều đình cũ [chúa Nguyễn] đã thúc giục tôi cố sức vận động chính quyền Bengal giúp đỡ họ và hứa sẽ ủng hộ mạnh mẽ khi mà chúng ta hết lòng dấn thân vì chính nghĩa của họ. Đưa vị vua hợp pháp của họ trở lại ngai vàng bây giờ là biện pháp thật hợp lòng dân chúng, nên không thể nghi ngờ sự chân thành của họ trong lời đề nghị ấy” (Chapman Ch., 1802, tr. 88).

Tình trạng Ấn Độ bị Anh, Pháp, Bồ Đào Nha và Hà Lan xâu xé lúc Toàn quyền Anh Warren Hastings cai trị 1772-1785 (Nguồn: Bernstein J., 2000. Dawning of the Raj: The life and trials of Warren Hastings. Chicago: Ivan R. Dee

Ngoài ra, phái đoàn Anh còn thu thập được một số thông tin về tiềm năng kinh tế, dự trữ khoáng sản, vị trí địa chiến lược trong khu vực mà ông đã ghi rõ trong báo cáo:

“Tiềm năng thương mại lớn là vậy, những lợi ích chính trị mà một thương điếm ở Đàng Trong mang lại cũng sẽ không kém. Vịnh Đà Nẵng không chỉ là một nơi trú an toàn cho tàu lớn của công ty trong trường hợp có sự cố trên đường tới Trung Quốc, mà từ đó chúng ta cũng có thể chặn đứng những đội tàu của bất kỳ kẻ thù nào trên đường tới hoặc về từ Trung Quốc. Chúng ta cũng sẽ trở thành láng giềng đáng gờm của người Hà Lan và người Tây Ban Nha và trong trường hợp xảy ra chiến tranh với bất kỳ ai trong số họ, thì chúng ta có thể dễ dàng tấn công những thương điếm quan trọng của họ” (Chapman Ch., 1802, tr. 88).

Sau chuyến đi của Chapman, Hội đồng Nghị viện Calcutta đã nhóm họp và sau đó không thấy tài liệu nào cho biết tại sao họ quyết định không theo đuổi mục tiêu Đông Dương nữa, mặc dù bản báo cáo của Chapman đã vẽ ra một bức tranh hấp dẫn về triển vọng kinh tế ở xứ này. Gaudart ghi nhận rằng Công ty Đông Ấn Anh đã phải xếp lại hồ sơ của Chapman và suy luận rằng có lẽ họ chưa quên chuyến đi Đàng Ngoài xui xẻo mấy năm trước đó (Gaudart M., 1937, tr. 358). Tuy nhiên, có thể nguyên nhân thực sự khiến đế quốc Anh phải gác lại nhiều kế hoạch ở hải ngoại đó là cuộc chiến tranh giành độc lập của Hoa Kỳ (1775-1783) mà Anh là một bên tham chiến chống lại liên minh gồm 13 nước do Pháp đứng đầu. Rốt cuộc, cả hai cường quốc đều không thể nắm bắt được cơ hội này để đặt chân lên Đàng Trong, một mục tiêu hấp dẫn mà họ để mắt tới từ lâu.

Kết luận

Nghiên cứu lịch sử dân tộc vào giai đoạn châu Á tiếp xúc với châu Âu, đặc biệt là từ thế kỷ XVII, không thể đóng khung trong việc nghiền ngẫm quốc sử, mà cần phải mở rộng tầm nhìn ra khỏi biên cương của tổ quốc để bổ khuyết thông tin qua những ghi chép của người nước ngoài. Đó có thể là chính sử các lân bang, mà cũng có thể chỉ là những ghi chép của những nhà hàng hải hay nhà truyền giáo thường tới lui trong khu vực, đặc biệt là những hồ sơ lưu trữ trong các thư khố của các công ty Đông Ấn, hiện vẫn còn nhiều tư liệu chưa được số hóa. Chỉ khi nào đối chiếu các nguồn thông tin ấy với nhau thì người nghiên cứu mới có hy vọng mang đến cho người đọc những điều mới.

Tài liệu trích dẫn

1. Chapman Ch., 1802. “A sketch of the geography of Cochin China”. Tạp chí The Asiatic annual register… for the year 1801. London: Printed for J. Debrett, Piccadilly, and T. Cadell Jun. & W. Davies, Strand.

2. Chen Boyi, 2022. “Qing-Southeast Asian interactions in the contextof border control and sovereignty, 1700s–1800s”. Tạp chí Journal of Chinese Humanities, Vol. 8, Issue 2.

3. Gaudart M., 1937. “Les archivesde Pondichéryet lesentreprisesde laCompagnie Françaisedes IndesenIndochine au XVIIIe siècle”. Tập san B.A.V.H., số 4 Oct.-Déc., 1937.

4. Lamb A., 1970. The mandarin road to old Hue: Narratives of Anglo-Vietnamese diplomacy from the 17th century to the eve of the French conquest. London: Archon Books/Chatto & Windus.

5. Nguyễn Lương Bích & Phạm Ngọc Phụng, 1971. Tìm hiểu thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ. Hà Nội: Nxb. Quân đội nhân dân.

6. Pérez L., 1940. “Les Espagnols dans l’empire d’Annam”. Tạp chí Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, Vol. XV.

7. Phạm Văn Sơn, 1971. Quân dân Việt Nam chống Tây xâm (1847-1945). Quân sử III. Sài Gòn: Nxb. Đại Nam.

8. Quốc sử quán, 1993a. Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập, quyển đầu – quyển 33 (Đỗ Mộng Khương & al. dịch). Huế: Nxb. Thuận Hóa.

9. Quốc sử quán, 1993b. Đại Nam liệt truyện tiền biên, Quyển 1-6 (Đỗ Mộng Khương & al. dịch). Huế: Nxb. Thuận Hóa.

10. Trần Kính Hòa, 1958. “Họ Mạc và Chúa Nguyễn tại Hà Tiên”. Tạp chí Văn hóa Á Châu, số 7, tháng 10 năm 1958.

11. Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm và Lê Mậu Hãn, 2008. Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập. Hà Nội: Nxb. Giáo dục.

12. Xing Hang, 2024. The Port:Hà Tiên and the Mo Clan in Early Modern Asia. Cambridge, United Kingdom & New York, NY: Cambridge University Press.


Chú thích:

(1) Miền Tây không có địa danh nào mang tên là Hiệp Giang. Bản dịch của Cao Tự Thanh (1995) viết là: “Sai Tử Duyên vào các sông hẹp chặt cây cối trên mặt đất vứt xuống để lấp tắc đường sông (1995, tr. 247).

(2) Mạc thị gia phả ghi là Quách Nhân.

(3) Một số tài liêu dịch là “Ba Việt”. Địa danh “Ba Vát” (nay thuộc tỉnh Bến Tre) vẫn còn được sử dụng.

(4) Bản tiếng Pháp thư của Jean de Jésus ngày 21 tháng 6 năm 1777 (M. Villa dịch từ tiếng Tây Ban Nha) là “bateau de Macao”, nhưng các tác giả Nguyễn Lương Bích & Phạm Ngọc Phụng diễn dịch chi tiết này thành “tàu của người Bồ Đào Nha ở Macao” (1974, tr. 54).

(5) Liệt truyện ghi là Ất Dậu, tức 1765, lẽ ra phải là Kỷ Dậu (1789).

(6) Dòng Tên bị Giáo hoàng ra lệnh giải tán năm 1773.

(7) Phạm Văn Sơn lại viết là chuyến đi của Chapman diễn ra vào năm 1777 (Phạm Văn Sơn, 1971, tr. 13).

(8) Trương Hữu Quýnh đã viết: “Bẵng đi một thời gian [kể từ vụ xóa sổ thương trạm Côn Lôn năm 1703 (sic!)], tàu thuyền Anh mới trở lại buôn bán với ĐàngTrong và năm 1777 (sic!) khi thuyền trưởng Anh là Sápman đến Đàng Trong thì ở đây, nghĩa quân Tây Sơn đang làm chủ. Được Nguyễn Nhạc cho phép, Sápman bán và mua một số hàng rồi rút đi” (Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm và Lê Mậu Hân, 2008, tr. 374). Cách giới thiệu quá sơ sài về chuyến đi của Chapman như thế vô hình chung đã che lấp ý định can thiệp của người Anh vào tình hình chính trị của Đàng Trong lúc bấy giờ. Hơn nữa, từ khi thương trạm Côn Lôn bị phá hủy năm 1705 đến khi Chapman đặt chân lên xứ Đàng Trong năm 1778, có ít nhất ba thuyền buôn Anh đến Đà Nẵng – Hội An: Thương nhân R. Kirsop năm 1750, thuyền Đô đốc Pocock của Blomfield năm 1764 và thuyền Rumbold năm 1777.

(9) Nguyên văn tiếng Anh viết là Bathai.

(10) Nguyên văn: “The king having fled to Pulo Condore, had been taken there and put to death”. Chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào khác cho biết là Tân Chính Vương hay Duệ Tông bị bắt tại Côn Đảo như lời kể của thương nhân Bồ Đào Nha.

(11) Bản in năm 1817 viết là Huttain.

(12) Chapman gọi viên quan này là viceroy(phó vương), có lẽ đó là Phạm Ngô Cầu, người thay Bùi Thế Đạt làm Trấn thủ Thuận Hóa từ 1776. Chapman nói là vị phó vương khoảng 60 tuổi.

Bài liên quan

Bài đăng mới