Những tên gọi khác và sự hình thành tên gọi của Phố Hiến

Nguyễn Văn Chiến

Tạp chí Xưa&Nay, số 369, tháng 12 năm 2010

Từ lâu, câu ca “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” như một minh chứng khẳng định cho vị thế của cảng sông Phố Hiến ở Đàng Ngoài. Dù tên gọi Phố Hiến đã quen thuộc với đại đa số người dân Việt Nam, nhưng không mấy người biết được sự ra đời và thay đổi tên gọi của vùng đất này diễn ra như thế nào? Suốt nhiều năm qua, câu hỏi này đã trở thành tâm điểm chú ý của nhiều nhà nghiên cứu về Phố Hiến trong và ngoài nước.

Theo các nhà nghiên cứu nước ngoài thì Phố Hiến ra đời khá muộn, G. Dumoutier cho rằng với việc thương nhân Hà Lan đặt thương điếm ở đây vào năm 1637 Phố Hiến mới ra đời. Quan điểm này cũng được A. Shreiner, tác giả của Lược sử Annam tán đồng. Kim Vĩnh Kiện, một nhà nghiên cứu về ngoại thương của Trung Quốc cũng đồng tình và cho rằng Phố Hiến ra đời không sớm hơn năm 1663 là năm chúa Trịnh dồn dân Hoa Kiều về khu vực riêng.

Phố Hiến xưa. Ảnh tư liệu

Thực chất, Phố Hiến đã xuất hiện và phát triển thành cảng sông sớm hơn thời gian mà các nhà nghiên cứu nước ngoài nhận định rất nhiều. Ngược dòng lịch sử, chúng ta có thể thấy ngay từ thế kỷ X, Phố Hiến đã manh nha phát triển thành trung tâm buôn bán khi Tướng quân Phạm Phòng Át chọn nơi đây làm thủ phủ cát cứ. Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư)viết: “Bính Dần, năm thứ 16 [966], (Tống Càn Đức năm thứ 4). Nam Tấn [Vương] mất, các hung trưởng đua nhau nổi dậy chiếm cứ quận ấp để tự giữ: … Phạm Bạch Hổ (xưng là Phạm Phòng Át) chiếm Đằng Châu…”. Tuy nhiên, thời gian này vùng đất đô hội sau Kinh kỳ vẫn chưa được định danh bằng tên Phố Hiến mà được gọi với tên Đằng Châu.

Đến đời Lý, một địa danh mang tên Cư Liên được nhắc tới trong Toàn thư: “Vào năm 1069, vua  Lý Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành không được phải rút về; nhưng khi đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi Ỷ Lan thay vua ở nhà coi việc triều đình rất uy nghiêm, bèn trở lại chiến trường và đã thắng được quân giặc”. Trong Phương Đình dư địa chí, Nguyễn Văn Siêu viết: “Vua Lê Đại Hành lấy sông Càn Đà huyện Cư Liên phong cho con là Kính làm thực ấp, nay trong các xã An Chiếu, Thiện Phiến, Triều Dương có một đoạn sông cạn, tức là sông Càn Đà cũ”. Hiện nay, cửa sông Càn Đà nằm ở vị trí phường Hồng Châu, thành phố Hưng Yên. Vì thế, rất có thể địa danh Cư Liên mà Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại là tên gọi của vùng đất Phố Hiến thời đó.

Sang thế kỷ XIII, dưới triều Trần, Phố Hiến đã có bước chuyển mình tạo đà cho ngoại thương phát triển khi những người Hoa lánh nạn giặc Nguyên sang đây thành lập nên làng Hoa Dương và người Việt từ các địa phương khác cũng lần lượt đổ về buôn bán, sinh sống trên mảnh đất này. Khi đó, người ta vẫn còn biết đến một Phố Hiến với tên gọi Xích Đằng.

Sang đến thế kỷ XVI, một danh xưng mới cho Phố Hiến bắt đầu xuất hiện, đó là Vạn Lai Triều và danh xưng này tồn tại một thời gian khá dài. Đại Nam nhất thống chí có chép như sau:“Phàm người nước ngoài đến buôn bán ở đây thì gọi là Vạn Lai Triều, phong vật phồn thịnh, nhà ngói như bát úp”. Trên tấm bia khắc năm Bảo Thái thứ 4 (1723)[1], do Trần Đế Đào soạn (quê huyện Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, nguyên là tàu trưởng tàu Hải Nam đến cư trú ở Vạn Lai Triều) có ghi: “Người ta thường nói: có núi cao ắt có sông lớn, có núi cao sông lớn tất có bậc kỳ vĩ tuấn kiệt sinh ra để cho đầy đủ khí chất bay bổng trong sáng. Điều đó không cứ ở trong nước (Trung Quốc) hay ngoài nước, dẫu ở đâu cũng thế. Bọn chúng tôi đáp thuyền biển sang làm việc ở nước Nam cũng thấy được điều đó. Những khi rỗi rãi chúng tôi từng du lãm các nơi núi sông cảnh đẹp ở chốn đô ấp đây để mở rộng tầm hiểu biết. Thấy non sông này văn nhân tài giỏi, võ sĩ siêu quần, quốc thể âu vàng bền vững, bọn chúng tôi thường cùng nhau tấm tắc ca ngợi. Về chỗ tàu thuyền ra vào tấp nập thì Vạn Lai Triều là nơi thuyền buôn dừng đậu, người Bắc quốc sang buôn bán đến nay đã mấy chục năm được an cư lạc nghiệp, không kể xa gần đều vui đến quần tụ nơi đây. Ơn trạch của Thái bảo Anh Linh vương Lê Tướng công thật lớn lao, không ghi hết được”.

Vạn Lai Triều là tên gọi quen thuộc đầu tiên dùng để chỉ vùng đất Phố Hiến mà sử sách còn ghi lại; ngoài sử sách, chúng ta có thể gặp địa danh Vạn Lai Triều trong văn thơ như:

Bến Nễ Độ gió nâng buồm gấm

Phố Bắc Hòa nguyệt ngắm rèm thưa

Thú đô hội trong ngoài chẳng thiếu

Vạn Lai Triều là tiểu kinh đô.

Ngoài tên gọi Vạn Lai Triều, chúng ta còn gặp một tên gọi quen thuộc thứ hai nữa là Hiến Nam dùng để chỉ vùng đất Phố Hiến. Năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), trên bia đá chùa Hiến mặt bia Thiên ứng tự bi ký có chép về sự sầm uất của vùng đất Hiến Nam khi đó như sau: “Hiến Nam danh thị tứ phương tiểu Tràng An dã”(Phố Hiến Nam nổi tiếng là nơi tiểu Tràng An của bốn phương tụ hội). Với việc định danh cho khu tiểu Tràng An này, lịch sử đã bác bỏ luận thuyết cho rằng Phố Hiến ra đời sau năm 1637. Trong Đại Nam nhất thống chí, phần ghi về chợ và phố cũng có đoạn chép:“Đời Lê, Vạn Lai Triều và dinh Hiến Nam đều ở đây; hai phố này nhà ngói như bát úp”. Như thế, đời Lê, hai danh xưng đã được ghi lại trong Đại Nam nhất thống chí là Vạn Lai Triều và Hiến Nam để chỉ Phố Hiến.

Khoảng năm 1637, Phố Hiến còn có một tên gọi khác là Phố Khách. G. Dumoutier có viết:“Harsink không xin mở được thương điếm ở Thăng Long nên đành xuôi xuống Phố Khách lập một thương điếm cho công ty Đông Ấn Hà Lan và thương điếm này nhanh chóng làm ăn thinh vượng”. Như vậy, thời gian ấy Phố Hiến được người nước ngoài quen gọi bằng tên Phố Khách (tức là phố của người Hoa) vì người Hoa đã sinh sống rất đông đúc ở đây.

Khoảng cuối thế kỷ XVII, Phố Hiến đã được các sử gia gọi bằng một danh từ khá gần gũi với cách gọi của người dân bản địa lúc đó là Hiến Nội. Trong An Nam kỉ du, Phan Đỉnh Khuê có viết:“Mùa đông năm thứ 27 đời Khang Hy (1688)… ba ngày là tàu đi từ Hiến Nội tới kinh thành”. Như thế Hiến Nội là danh xưng thứ ba của Phố Hiến, và danh xưng Hiến Nội không chỉ xuất hiện trong sách sử mà chúng ta còn thấy xuất hiện khá nhiều trong thơ, phú. Ở bài Hoa Dương hoài cổ, ngay câu mở đầu, Phạm Đình Hổ có viết:

Tự thiếu tằng văn Hiến Nội hảo

Ti lai Hiến Nội quá điêu hao.

Có nghĩa:

Từ nhỏ từng nghe Hiến Nội rất đẹp

Đến nay Hiến Nội quá điêu tàn, sa sút.

Còn trong Nguyệt Hồ phú, Lê Cù không chỉ nói đến danh xưng Hiến Nội mà ông còn nhắc lại danh xưng Hiến Nam từng vang bóng một thời trong tiềm thức của người dân bản địa:

Dấu Đằng Giang còn nức tiếng sứ quân

Chữ Hiến Nội hãy ghi lời bác Khách.

Và câu:

Đền phủ Khoái chỉn[2] bậc nhì danh thắng

Cảnh Hiến Nam giành đệ nhất phong quang.

Ngoài việc nhắc đến địa danh Hiến Nội trong tác phẩm An Nam kỉ du, Phan Đỉnh Khuê còn ghi lại Phố Hiến bằng một tên gọi khác là phố Thiên Triều.

Vào khoảng năm 1709, Phố Hiến có một tên gọi nữa là Hiến Doanh, trên bia chùa Chuông mặt ghi Nhân Dục xã, cổ tích truyện có ghi địa danh Hiến Doanh. Trong Trịnh gia phả kí cũng có một bài thơ Nôm do Gia Quận công từng làm trấn thủ Sơn Nam viết dâng chúa Trịnh có đoạnnhư sau:

Vâng mệnh Sơn Nam trấn Hiến Doanh

Khổn thần tưởng vọng lấy lòng thành

Song mai hiệu đặt vài bàn thiếc

Tứ quý danh xưng bốn bức tranh.

Đến năm 1717, khi vẽ bản đồ về địa danh Phố Hiến, Robert đã dùng danh từ Hean để chỉ cho vị trí thương cảng nổi tiếng ở Đàng Ngoài này. Như thế, danh từ Hean cũng được người phương Tây dùng để chỉ thương cảng Phố Hiến.

Sang triều Nguyễn, Phố Hiến đã được định danh bằng tên gọi của tỉnh khi vua Minh Mệnh cho thành lập tỉnh Hưng Yên vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831). Từ đó, tên gọi Phố Hiến không còn được biết đến như một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh và cũng không còn được sử dụng để ghi trong các công văn hành chính đương thời. Lịch sử sang trang, sông Hồng đổi dòng, Phố Hiến mất dần vị thế của một thương cảng. Tên gọi Phố Hiến chỉ xuất hiện lại là đơn vị hành chính, thủ phủ của tỉnh Hưng Yên vào ngày 12-5-1950 khi Đổng lý văn phòng Thủ hiến Bắc Việt Vũ Quý Mão ký Nghị định số 1979 THP-ND thành lập quận Phố Hiến trực thuộc tỉnh Hưng Yên, thủ phủ của tỉnh Hưng Yên do thực dân Pháp cai quản.

Tuy nhiên, trước thời Pháp thuộc, chúng ta chưa thấy tác phẩm nào ghi danh hai từ Phố Hiến riêng biệt mà danh từ này chỉ được dân gian quen gọi, như đồng bào ta vẫn gọi Hội An là Phố Hội.

Trên đây là những nét sơ lược nhất về quá trình thay đổi và đan xen tên gọi của cảng sông Phố Hiến trong từng giai đoạn lịch sử. Mặc dù, tên gọi Phố Hiến không còn tồn tại như một đơn vị hành chính của tỉnh và không được dùng trong các văn bản hành chính nữa nhưng danh xưng Phố Hiến vẫn là tên gọi quen thuộc của người Hưng Yên nói riêng và đồng bào cả nước nói chung.


[1] Tên bia: Đỉnh Kiến Tả đô đốc Thiếu bảo tước Quận công tặng Thái bảo Anh linh vương Lê Công từ bi ký.

[2] Từ cũ: vốn, vẫn.

Bài liên quan

Bài đăng mới