Những trò chơi do cọp trình diễn

Hoài Anh

Tạp chí Xưa&Nay, số 349+350, tháng 2 năm 2010

Thời cổ đại, ở Trung Quốc, Ấn Độ, người ta đã trình diễn những tiếc mục đặc sắc như đưa đầu vào miệng cọp.

Ở Việt Nam, thời Trần, theo An Nam chí lược của Lê Tắc: Thượng hoàng thường làm chuồng cọp ở thềm vọng lâu, sai quân sĩ đánh nhau với cọp. Thượng hoàng ngồi trên lầu để xem.

Thời Mạc, các nghệ sĩ đã biểu diễn ôm báo vào lòng, cầm đuôi cọp mà kéo. Ở đình Tây Đằng (xây dựng năm 1583 tại Kẻ Đằng, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây xưa, nay là xã Tây Đằng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội) có bức phù điêu, chạm khắc một người mình trần đóng khố, đang đùa giỡn với một con cọp. Lại có bức chạm khắc một người mình trần, đóng khố, một tay cầm mác, một tay đang kéo đuôi một con cọp về phía mình, con cọp đầu quay lại nhìn con người với vẻ mặt bực tức, dữ tợn, nhung vẫn lộ vẻ sợ hãi, chịu lép vế.

Đến thời các chúa Nguyễn (1558-1775), lúc tượng binh còn là lực lượng chiến đấu hàng đầu, những cuộc đọ sức vừa mang tính giải trí, vừa có ý nghĩa tập trận, thường được tổ chức giữa những bãi bằng thuận lợi. Một lần vào năm 1750, chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với triều thần đi trên 12 chiếc thuyền đến cồn Dã Viên trên sông Hương để xem 40 con voi giết chết 18 con cọp. Bởi cọp là mục tiêu, đồng thời để hạn chế sức mạnh của chúng, người ta đã mài móng những con cọp bắt được và trói chúng vào một cây cột để hạn chế tầm hoạt động.

Thời Gia Long, đấu trường tự nhiên được lựa chọn là một dải đất trước kinh thành và “hàng rào sống” là binh lính cầm khí giới đứng bao quanh. Có lần một con cọp bứt được dây trói, nhảy lên đầu voi tát ông nài rơi xuống đất chết, binh lính bị thương, vua quan hoảng sợ.

Năm 1829, vua Minh Mạng ngự trên chiếc thuyền rồng để xem, cọp lại bứt dây, nhảy sông, bơi tới thuyền rồng. Vua phải dùng sào đẩy ra để binh lính ập tới giết con cọp nguy hiểm giữa dòng sông. Để có thể xem voi cọp đấu nhau một cách an toàn, một năm sau, năm 1830, đúng năm Canh Dần, vua Minh Mạng đã cho xây dựng Hổ quyền cạnh đồi Long Thọ, phía nam sông Hương.

Hổ quyền là đấu trường hình vành khăn cao 5,8m, dày 4,5m, đường kính 44m, hai mặt trong và ngoài được xây bằng gạch, ôm lấy mô thành bằng đất ở giữa. Chỗ vua ngồi quay mặt về hướng nam theo nguyên tắc Dịch học, đối diện 5 chuồng cọp xây ngay trong thân thành. Cách chuồng cọp không xa có một cửa cao rộng để đi vào.

Hằng năm, các cuộc đấu giữa voi và cọp được tổ chức đều đặn. Trận đấu cuối cùng xảy ra năm 1904 dưới thời Thành Thái: Trong trận này, cả voi và cọp đều chết.

Tạ Duy Hiển sinh ngày 10-10-1889 tại phố Cầu Gỗ (Hà Nội). Sau mấy năm kinh doanh với người anh trong nghề trồng răng, Tạ Duy Hiển rút vốn đứng ra thành lập gánh xiếc. Ngày 05-12-1922, gánh xiếc của Tạ Duy Hiển dưới cái tên Xiếc Việt Nam chính thức ra mắt công chúng tại chợ Hàng Da, Hà Nội.

Ngay từ buổi ra mắt đầu tiên, Tạ Duy Hiển đã bộc lộ được năng khiếu dạy thú và khả năng quản lý một gánh xiếc. Nhờ khả năng đặc biệt đó, gánh xiếc của Tạ Duy Hiển không ngừng lớn lên, phình ra. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Tạ Duy Hiển khi đó đang biểu diễn ở Sài Gòn, đã nhờ người em ruột của mình là Tạ Duy Hiền làm nghề trồng răng ở Vinh đứng ra mua lại toàn bộ số thú vật gồm 18 con cọp, báo, gấu ngựa đã được huấn luyện kỹ của đoàn xiếc Hamston do vị vợ nỡ ở Vinh phải bán đấu giá.

Khi mua được cọp, Tạ Duy Hiển đã dùng thức ăn, tình cảm và những lời ngọt ngào để dụ dỗ, mua chuộc nó; nhưng vẫn không sao tới gần được nó, bởi nó là con cọp đã trưởng thành. Nó bị những người thợ săn Ê-đê bắt trong khi đang ngủ. Do đó, nó rất căm tức, hằn học với người. Tạ Duy Hiển nghĩ ra một cách. Ông tự gò một chiếc thùng phuy đã méo và làm một nắp đậy có chốt an toàn cẩn thận ở trong.

Khi huấn luyện, nghệ sĩ mang thùng phuy đặt giữa chuồng thú, đứng vào bên trong nói, rồi ra lệnh thả cọp.

Cầm chiếc roi và một cây gậy xâu thịt, Tạ Duy Hiển chỉ trỏ, ra hiệu dụ dỗ con thú đi tới đi lui. Mỗi lần con cọp tấn công, nghệ sĩ lại thụt đầu vào, đậy nắp thùng lại. Khi cọp dữ hết cơn giận (do có người đứng ngoài chuồng thông báo), Tạ Duy Hiển lại mở nắp thùng đứng dậy. Sau vài hôm, nghệ sĩ nhận thấy làm việc với thú như thế không ổn. Bởi nhiều lần con cọp đã xô đổ thùng phuy hoặc nhảy lên nắp thùng cào cấu một hồi rồi nằm luôn hằng giờ trên đó.

Muốn bắt được cọp phải vào hang cọp! Tạ Duy Hiển quyết định cất thùng phuy. Ông đặt sẵn sáu chiếc nĩa bằng gỗ hơn cổ tay vào quanh chuồng thú, rồi cầm roi da và một chiếc nĩa đứng chờ con cọp.

Khi vừa nhảy qua cánh cửa ngăn cách chiếc cũi với chuồng trung tâm, con cọp gầm lên một tiếng vang dội. Nó sửng sốt đứng nhìn con mồi vừa mới hôm qua còn được bảo vệ trong chiếc “áo giáp sắt” nay đã đứng đối diện với nó trong bộ quần áo mỏng manh. Cọp dữ co mình, lao vào Tạ Duy Hiển. Đã được chuẩn bị, nghệ sĩ đứng thế lên tấn, giơ chiếc nĩa ra chống đỡ. Chiếc nĩa gãy “rắc”. Con cọp bị cản, ngã sang một bên. Tạ Duy Hiển nhảy sang góc khác của chuồng thú, cầm lấy chiếc nĩa dự trữ đặt sẵn ở đó. Con cọp nhảy tới, người nghệ sĩ lại giơ chiếc nĩa ra đỡ và nhảy sang góc khác. Trò ú tim lặp lại vài lần như thế cho đến khi chiếc nĩa thứ ba được dùng tới. Tạ Duy Hiển chuyển từ phòng ngự sang thế tấn công. Ông không giơ chiếc nĩa ra cản con hổ như lần trước, mà nhằm đúng cái mõm đang há hốc của nó mà chọc mạnh vào khi nó đang lao tới. Bị đòn bất ngờ, con cọp đau đớn liền rống lên. Nó cảm thấy bắt đầu cần phải thận trọng. Nhưng nó chưa kịp “nghĩ” nhiều về ngón đòn vừa rồi thì Tạ Duy Hiển đã xông tới trên đầu nó. Một tiếng nổ khác lại vang lên. Con cọp nhận thấy một vật loang loáng bay qua mặt nó. Đó là chiếc roi có thể tạo ra được tiếng nổ trong tay Tạ Duy Hiển. Nó vội giơ chân, chộp lấy và giằng từng đoạn roi. Tạ Duy Hiển bất ngờ buông roi, hai tay cầm chiếc nĩa nện mạnh vào gáy con cọp. Cọp dữ nhả roi, nó kêu một tiếng đau đớn rồi quay đầu chạy trốn. Nhưng trốn đi đâu? Tất cả các cửa vẫn bị đóng. Con thú dậm bừa vào các song sắt. Cuối cùng, nhận thấy không thể trốn được, nó đành sợ hãi đứng vào thế thủ ở một góc chuồng.

Không cần vội vàng, Tạ Duy Hiển đứng nhìn con vật với đôi mắt đầy thông cảm, như nói: “Đủ rồi!”.

Sau hai phút im lặng, khi thấy con cọp chịu công nhận sự hơn hẳn của con người, Tạ Duy Hiển nói với nó mấy câu “động viên” rồi ra khỏi chuồng thú…

Sáu tháng sau, Tạ Duy Hiển đã luyện con cọp hung dữ thành một con cọp “biết điều”. Nó biểu diễn xuất sắc các động tác nhảy vòng lửa, vượt chướng ngại vật, đứng thăng bằng trên bàn, vật nhau với chủ…

Bài liên quan

Bài đăng mới