Núi Bút hay Thiên Bút nằm cách trung tâm tỉnh lỵ Quảng Ngãi 2km về phía nam, thuộc địa phận làng Chánh Lộ, nay là phường Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi.
Thiên Bút có độ cao hơn 60m so với mặt nước biển, là một hòn núi nhỏ, hình chóp, cân đối đều đặn, đỉnh núi vút cao thanh thoát, trông xa tựa như quản bút nho, ngòi bút hướng lên trời thẳm. Có những chiều cuối hạ đầu thu, sương lam lãng đãng che khuất sườn non, để lại chóp đỉnh ẩn hiện trong nắng cuối ngày, lẩn khuất bóng mây dát bạc, từ xa trông lại như ai đó đang phóng tay, vung bút thảo mấy dòng hoa lên bầu trời cao rộng. Các cụ ngày xưa bảo ấy là lúc đấng vô biên cầm lấy quản bút thiêng mà phê vào mang mang thiên địa. Trí tưởng tượng sánh tầm tạo hóa mà lại thấm nhuần tình yêu xứ sở quê hương đã sinh ra mỹ từ “Thiên Bút phê vân” cho ngọn núi này chăng?
Chếch sườn nam Thiên Bút là một quả đồi thấp, dáng tựa như nghiên mực nên được gọi hòn Nghiên. Trải rộng về đông, dưới chân núi Bút – hòn Nghiên là cánh đồng Ngọc Án. Có bút, có nghiên, lại thêm án ngọc. Trời đất khéo tạc cơ đồ còn trí tưởng tượng của con người lại biết bao kỳ diệu!
Đường thiên lý bắc nam, chạy ngang mé tây Thiên Bút. Xưa kia nơi ấy có một quán nhỏ bên đường mà khách bộ hành xuôi ngược thường dừng lại nghỉ chân, uống bát nước chè xanh, bàn đôi câu chuyện vãn. Cái tên Quán Đàng sinh ra từ đó. Ca dao Quảng Ngãi có câu:
Ngó lên núi Bút, Quán Đàng
Núi bao nhiêu đá dạ thương chàng bấy nhiêu
Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, chép về ngọn núi này như sau: “Núi Thiên Bút ở cách huyện Chương Nghĩa chừng 4 dặm về phía bắc. Hình núi bốn mặt thấp, mà ở giữa cao vọt lên, trông như cây bút dựng, nên gọi tên thế. Xưa Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh làm tuần phủ Quảng Ngãi đề vịnh Quảng Ngãi thập cảnh, có một đề là Thiên Bút phê vân”.
Theo các bậc cao niên, đâu đó trên núi Thiên Bút vẫn lưu dấu vết một phế tháp của người Chăm. Còn ở hòn Nghiên, ông Thượng đàm Nguyễn Hữu Chuyên (thầy Thượng Nguyễn) có xây ngôi chùa đặt tên là Quy Sơn tự. Ngôi chùa nhỏ, mang nét thâm u, tịch mịch của một chốn lánh trần. Cổng chùa có khắc câu đối của cụ Tạ Tương ( 1857 – 1942), đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Nhâm Thìn – 1892, đề tặng. Về sau, dưới chân Thiên Bút, hướng phía tây, tăng ni Phật tử còn thiết dựng ngôi chùa của phái Cổ Sơn môn có tên là Thiên Bút tự.
Xét về địa cuộc, núi Thiên Bút nằm trên trục xuyên tâm qua các danh thắng Quảng Ngãi: từ Cổ Lũy cô thôn phía đông đến Thạch Bích tà dương phía tây, tận Thiên Ấn niêm hà phía bắc về La Hà thạch trận phía nam. Các đền miếu nổi tiếng ở Quảng Ngãi như đền Văn Thánh (Văn miếu Quảng Ngãi), chùa Thiên Ấn, đình Chánh Lộ, đình Ba La đều lấy Thiên Bút làm án…
Các nhà nho ngày trước xem núi Thiên Bút là địa cuộc tượng trưng cho văn chương, phong hóa của vùng đất Quảng Ngãi, tương ứng với núi Thiên Ấn tượng trưng cho uy vũ, vương quyền.
Thiên Bút được Tân Minh hầu Nguyễn Cư Trinh (1716 – 1767), một danh sĩ thế kỷ XVIII và nhiều văn gia, thi sĩ xưng tụng là một trong những thắng cảnh tiêu biểu của Quảng Ngãi. Ngọn danh sơn này còn gắn liền với nhiều giai thoại kỳ thú và là đối tượng ngâm vịnh trong những cuộc xướng họa thơ ca của nhiều tao nhân, mặc khách khắp Bắc Trung Nam mà tài hoa và chí khí còn lưu truyền trong sử sách, như Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Thông, Nguyễn Bá Nghi, Huỳnh Thúc Kháng, Tạ Tương… Đọc bài thơ thất ngôn Vịnh Thiên Bút của cụ Diệp Trường Phát, quả nhiên thấy hiện ra tứ lạ:
Dựng ngược giữa trời bút một cây
Chữ là hàng nhạn, giấy là mây.
Sao vì chấm hẳn từng câu rõ
Trăng cứ khuyên lần mấy chữ hay.
Nước mực mưa chan nào có giậm
Cái ngòi gió thổi cũng không lay.
Nghìn thu cao ngất hình còn tạc
Tạo hóa vì ai khéo đắp xây.
Tương truyền, trên núi Thiên Bút có cây quế rừng rất quý, dân hiếu kỳ quanh vùng nhiều lần ra công tìm kiếm nhưng chưa hề ngộ. Vậy mà thỉnh thoảng người có cơ duyên vẫn nhặt được vài chiếc lá quế rụng để làm thuốc chữa bệnh, hay như thần dược. Lại nghe, có nhiều đêm trăng thanh, hương quế thoang thoảng lan ra khắp một vùng, như hư như thực. Chuyện kể rằng, lâu lắm rồi có người phu xe nghèo sống với bà mẹ trong một ngôi nhà đơn sơ dưới chân núi Bút. Người con hiếu thảo, dẫu khổ cực vì mưu sinh nhọc nhằn nhưng vẫn tận tụy chăm sóc mẹ già trong lúc ốm đau. Ngặt vì cảnh nhà túng bấn, đồng tiền ít ỏi kiếm được từ cái nghề tổn hao nhiều sức lực của anh không đủ mua thuốc trị bệnh cho bà mẹ. Đêm nọ, anh ngồi rầu rĩ dưới ánh trăng, vừa thương mẹ già, vừa tủi phận mình đơn côi. Bỗng từ đâu đó, mùi hương quế dịu dịu tan lẫn vào ánh trăng bay vào căn nhà mái tranh vách đất của mẹ con anh. Như có ai đưa lối, người phu xe lặng lẽ men theo con đường nhỏ dẫn lên đỉnh núi và nhặt được một chiếc lá quế đã ngả vàng, tỏa mùi hương ngào ngạt. Anh đem chiếc lá quế về sắc thuốc cho mẹ, lòng thầm cầu khấn ơn trên phù hộ cho mẫu thân sớm qua bệnh trọng. Không biết vì lá quế có dược tính quý hay vì tấm lòng thành của người con hiếu đã cảm động đến cõi trên mà bà mẹ nghèo đã khỏi bệnh sau khi uống hết 3 chén thuốc sắc từ chiếc lá quế vàng. Núi Thiên Bút được người xưa xếp vào hàng danh sơn, gắn với nhiều giai thoại kỳ thú lưu truyền nhân thế, quả là của hiếm trời đất ưu ái ban cho người Quảng Ngãi. Vậy mà tiếc thay, nơi đây vẫn còn là chốn hoa cỏ nhạt mờ, dấu xưa hoang phế. Hình ảnh ngọn núi thiêng từng làm say lòng bao tâm hồn mộng mơ, đa cảm đã hút xa vào dĩ vãng. Hay là cao xanh đã bắt chước người đời vất quản bút lông mà cầm sang bút sắt, nên Thiên Bút hóa bơ vơ!