Trong các cuộc tiếp xúc giữa người Việt và người nước ngoài, ngay từ thế kỷ XVI đã có nhiều người đến Việt Nam với hai mục đích: truyền bá đạo Gia-tô và giao lưu thương mại. Sự tiếp xúc đó là kết quả của sự bành trưởng chủ nghĩa tư bản phương Tây sang các nước phương Đông.
Năm 1802, Gia Long lên ngôi và cho lập ra một bộ phận gọi là “Nghinh tân quán” đặt ở Sài Gòn với mục đích để tiếp khách nước ngoài tới giao thương. Sau đó Minh Mạng lên ngôi, vào tháng 2 năm 1826 ông đã cho lập một cơ quan gọi là “Tứ dịch quán” với mục đích để người Việt Nam học tiếng của các nước phương Tây và chuẩn bị cho việc bang giao với nước ngoài, đồng thời quyết định lấy cảng Đà Nẵng làm thương cảng chính để buôn bán và trao đổi hàng hóa với người nước ngoài. Trong bối cảnh đó, người Mỹ bắt đầu đặt chân đến Việt Nam.

Năm 1819, người Mỹ đầu tiên đã đặt chân đến Việt Nam, đó là John White. Trong thời gian từ Mỹ đến Đông Dương, John White đã viết một cuốn sách về hành trình của mình có tựa đề là Hành trình sang Nam Kỳ (A Voyage to Conchin-China) nhưng khi xuất bản năm 1823 tại Boston lại có tựa khác là Lịch sử một chuyến du hành trong biển Đông (History of a Voyage through the China Sea). Cuốn sách có tất cả 21 chương viết đầy đủ về hành trình của ông. Trong đó từ chương IV, V trở đi, ông đã ghi lại rõ ràng các cuộc tiếp xúc của ông với quan lại và người dân ở Việt Nam. Sau chuyến đi này, ông đã mang về nước rất nhiều tình cảm tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam.
Vào năm 1832, phái đoàn Mỹ đầu tiên đã đến đặt quan hệ thông thương với Việt Nam. Chính phủ Hoa Kỳ thời bấy giờ, do Tổng thống Andrew Jackson lãnh đạo đã bổ nhiệm Edmund Robert tới hiệp thương với nước ta. Ông Edmund Robert vốn là một nhà hàng hải nhiều kinh nghiệm, ông đã nhiều lần mở các chuyến viễn du sang các khu vực phương Đông. Đi cùng với ông sang Việt Nam còn có viên chỉ huy tàu Peacock là Đại úy George Thompson. Sứ mạng của Ed. Robert là thương thuyết cùng triều đình Huế việc thương mại giữa hai nước. Ở đây, tàu Peacock thả neo tại một cảng gọi là Vũng Lâm thuộc vịnh Xuân Đài tỉnh Phú Yên ngày nay. Ông đã tìm cách liên lạc với chính quyền địa phương cũng như với triều đình Huế. Sau đó, ông được chính quyền địa phương đón tiếp và ông đã trao bức quốc thư của Tổng thống Mỹ Jackson cho vua Minh Mạng, trong đó đại cương giới thiệu chức vụ của Ed. Robert:

Andrew Jackson, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
Kính gửi Hoàng đế Đại quý hữu
Thư này sẽ được đệ trình lên hoàng thượng do Edmund Robert, một công dân ưu tú của Hợp chủng quốc. Ông này đã được đề cử vào chức Đặc ủy viên của chính phủ chúng tôi để thương nghị với quý quốc về các vấn đề quan trọng.
Kính mong Hoàng thượng che chở và đối đãi tử tế với đương sự trong khi thừa hành nhiệm vụ. Tôi tin cậy hoàn toàn những điều mà đương sự sẽ đề đạt lên Hoàng thượng nhất là tình thân hữu hoàn toàn và tất cả thiện chí của chúng tôi đối với Hoàng thượng. Tôi cầu xin Thượng đế luôn luôn phù hộ Đại quý hữu.
Để chứng minh các điều nói trên, tôi cho kèm theo quốc ấn của Hợp chủng quốc trên văn kiện này lập với bổn ấn tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn ngày 31 thánh giêng Dương lịch 1832 là năm thứ năm mươi của nền độc lập Hợp chủng quốc.
Andrew Jackson
Phó thư
Edw. Livingston Quốc vụ khanh
Xét nội dung bức thư do ông Robert mang tới có đặc điểm thuần túy thương mại. Nhờ khéo léo và lễ phép, Robert thu được nhiều cảm tình của các viên chức triều đình ở đây, Chính Chaigneau khi còn giữ chức lãnh sự ở Việt Nam tiếp xúc với người Mỹ cũng công nhận rằng “họ có sắc thái hòa bình và thuần túy thương mại hơn người Anh với người Pháp”
Tại Huế, Vua Minh Mạng cho rằng lời lẽ trong bức thư không rõ ràng nên từ chối. Sau đó sai quan Thương bạc (quan trông coi về công việc ngoại giao) viết thư trả lời đồng ý cho phái đoàn Mỹ được buôn bán ở đây nhưng phải tuân theo luật pháp của quốc gia áp dụng cho người nước ngoài. Ngoài ra, Minh Mạng còn chỉ định nếu người Mỹ tới lần nữa thì cho tàu đậu tại Sơn Trà, thuộc cửa Hàn tỉnh Quảng Nam (nay thuộc Đà Nẵng), họ được phép thông thương ở đây nhưng không được xây nhà ở hay mở phố mua bán. Sau đó, Ed. Robert được các quan chức ở đây dẫn đi thăm quan Sài Gòn, Đà Nẵng và Hội An. Mấy ngày sau, tàu Peacock rời Vũng Lâm để đi Tiêm La (Thái Lan) và thả neo ở cửa sông Ménam ngày 18-2-1833.
Tuy kết quả thương thuyết không như ý muốn của phái đoàn Mỹ nhưng họ đã chiếm được nhiều cảm tình của triều đình Huế. Đây là lần thứ hai người Mỹ sang giao thiệp với nước ta nhưng tiếc là họ không biết luật pháp Việt Nam. Mặc dù tàu Peacock không có ý dò xét hay chở giáo sĩ đến truyền đạo, nhưng tàu lại đến đậu tại Vũng Lâm cũng đủ gây mối lo ngại cho triều đình Huế.
Bốn năm sau, năm 1836, Chính phủ Hoa Kỳ một lần nữa lại cử Edmund Robert tới Việt Nam. Việc này chứng tỏ Chính phủ Mỹ rất chú ý tới việc thông thương với các nước ở khu vực châu Á. Phái đoàn của Robert đến Việt Nam lần này gồm Robert giữ chức trưởng đoàn, Đại úy E.J. Kennedy-Thuyền trưởng tàu Peacock và một vị bác sĩ hải quân chuyên trách giải phẩu W.S.W Ruschenberger. Tàu khởi hành từ New York ngày 23-4-1835 và đến ngày 20-4-1836 thì đến Việt Nam. Mục đích của phái đoàn lần này vẫn là ký kết với nước ta một hiệp ước thương mại.
Lần này tàu theo đúng quy định của Triều đình Huế đến đậu ở tại bán đảo Sơn Trà. Tại đây, phái đoàn tiếp xúc với các giới chức tại địa phương và nhân viên của Ty thương bạc. Quan chức của tỉnh Quảng Nam thông báo về triều nhận xét về phái đoàn Mỹ. Họ cho biết phái đoàn Mỹ tỏ ra lễ phép cung kính nhưng do bất đồng ngôn ngữ nên không hiểu ý của phái đoàn Mỹ.
Tại triều đình Huế, sau khi nhận đầy đủ tin tức về sứ mệnh của Ed. Robert, các giới chức có thẩm quyền ở đây lại có hai khuynh hướng đối ngoại khác biệt, đối lập nhau, tập trung theo hai khuynh hướng rõ rệt Một phái gồm những quan lại thủ cựu, đại diện là các quan lại trong Nội các đứng đầu là quan Thị lang Nội các Hoàng Quýnh, họ không muốn quan hệ với người nước ngoài.
Phái còn lại do quan Thị lang bộ Hộ Đào Tri Phú đứng đầu, gồm những người đã từng ra nước ngoài thông thương, thấy được nền văn minh phương Tây nên hiểu được cái lợi của việc quan hệ và thông thương với người nước ngoài. Họ khuyên triều đình nên áp dụng chính sách ngoại giao mở rộng cho người Mỹ tới Huế tìm hiểu thái độ của họ sau đó sẽ giao thiệp với họ.
Vua Minh Mạng có thái độ rộng rãi, hòa dịu, thuận lời yêu cầu của Đào Tri Phú và muốn đối xử tốt với sứ giả của Tổng thống Jackson, vua nói: “Họ xa cách trùng đường trên bốn vạn dặm, nay ngưỡng mộ uy đức triều đình mà đến sao lại cự tuyệt, chẳng hóa tỏ cho người ta thấy mình không rộng rãi ư?”. Vì thế Minh Mạng ra lệnh cho sứ Quảng Nam tiếp phái đoàn Mỹ thật trọng hậu, chứng tỏ cho họ biết nước ta rất hiếu khách và bổ nhiệm quan Thị lang bộ Hộ Đào Tri Phú với quan Thị lang bộ Lại Lê Bá Tú đại diện Ty thương bạc tới nghị thuyết với phái đoàn Mỹ
Hai ông từ Huế tới Đà Nẵng, xuống tàu Peacock thăm Ed. Robert. Khi phái đoàn Triều Nguyễn tới thăm thì gặp lúc Robert đang bị bệnh, không thể tiếp kiến được. Ông gửi lời cảm ơn phái đoàn của ta và cho người đến đáp lễ. Robert thấy bệnh không thuyên giảm nên tới ngày 21-5-1836 cho tàu rời Quảng Nam đến Quảng Đông (Trung Quốc) chữa bệnh. Nhưng do cơn bệnh quá nặng nên Ed. Robert đã mất tại Macao ngày 12-6-1936. Theo báo cáo của chỉ huy tàu Pea-cock là Kennedy gởi từ Quảng Châu về Bộ trưởng Hải quân cho biết “Chúng tôi phải ở lại Vịnh Đà Nẵng nhưng vì chứng bệnh qua 10-03 01/03/2025 quá nặng của ông Robert, chúng tôi không làm gì được ở đây cả và chúng tôi phải rời cảng ấy ngày 21-5”.
Việc ra đi đột ngột của phái đoàn Mỹ khiến cho vua quan triều Nguyễn bất ngờ, Vua Minh Mạng lại không giận cho là họ không hiểu lễ phép của người Á Đông. Ông nói: “Họ đến, ta không ngăn cản, họ đi, ta không đuổi theo, lễ phép văn minh có trách gì man di cõi ngoài”.
Có thể nói sứ bộ của triều đình Huế lúc đó gồm những vị quan có tầm nhìn xa trông rộng, có tinh thần phóng khoáng, biết nhận thức việc lợi hại trong chính sách ngoại giao. Rất tiếc số này trong triều lại quá ít, vì thế chính sách đối ngoại dưới thời Minh Mạng gặp nhiều sai lầm thiếu sót.
Về phía Mỹ, tuy hai lần sang Việt Nam không đạt kết quả gì đáng kể, có lẽ nếu Ed. Robert không lâm bệnh, cuộc thương thuyết có thể sẽ tốt đẹp và nước ta giao thiệp với Mỹ sớm hơn lịch sử sau đó. Bức thư của Ed. Robert đưa cho vua Minh Mạng được coi như là công hàm đầu tiên của Tổng thống Mỹ gởi cho Chính phủ nước ta.
CHÚ THÍCH:
- Ưng Trình, Việt Nam ngoại giao sử cận đại, Văn Đàn xuất bản, S.,1970, tr 27
- Xem thêm Cao Xuân Dục, Quốc triều chính biên, tập I, quyển III, tr 192, 203.
- Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đại Nam thực lục, tập 11, Chính biên đệ nhị kỷ VII, Minh Mệnh năm thứ 13 (1832), NXB KHXH, H., 1964, tr 231.
- Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, Sài Gòn, 1961, tr 376-377. Bức thơ của Tổng thống Mỹ Jackson cấp cho Edmund Robert là bức thư được dùng chung để đi đến các nước ở khu vực phương Đông nên không để rõ nơi đến. Đây có lẽ là cơ sở để vua Minh Mạng từ chối mối quan hệ thông thương với phái đoàn Mỹ.
- Henri Cordier, Le consulat de France à Hué sous la Restauration, tr 124. Dẫn theo Nguyễn Đắc Chí, Việc bang giao giữa Đại Nam và các nước Tây dương dưới triều vua Thái Tổ (1820-1840), Tiểu luận cao học Sử,S., 1973, tr 193.
- Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đại Nam thực lục, tập 11, Sách đã dẫn, tr 231.
- Sougny, “Une mission Américaine en Annam sous Minh Mang”, Bulletin des Amis du Vieux Hué, N°1, Janvier-Mars, 1937, tr 64-66.
- Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đại Nam thực lục. Tập 18. Chính biên đệ nhị kỷ XIV. Minh Mệnh năm thứ 17 (1836), NXB KHXH, H. 1967, tr 110.
- Thái Văn Kiểm, Đất Việt trời Nam, Nguồn Sống, S., 1960, tr432.
- Tổ phiên dịch Viện Sử học, Đại Nam thực lục, Tập 18. Sách đã dẫn, tr 110.