Phan Kế Bính – nhà văn hóa tiêu biểu của nước ta thời cận đại

Phan Hữu Dật

Tạp chí Xưa&Nay, số 356, tháng 5 năm 2010

Phan Kế Bính (1875 – 1921), hiệu Bưu Văn, bút danh Liên Hồ Tử là người làng Thụy Khuê (làng Bưởi), huyện Hoàng Long, nay thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội.

Năm 31 tuổi, ông thi Hương đỗ Cử nhân Hán học khoa Bính Ngọ, Thành Thái thứ 18 (l906) tại trường Hà Nam nhưng không ra làm quan mà đã sớm bước chân vào làng báo từ năm 1907, cộng tác với Đăng cổ tùng báo, Lục tỉnh tân văn, Đông Dương tạp chí…

Từ năm 1907, ông đã hoàn thành bản dịch bộ tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc Tam quốc diễn nghĩa, rồi tiếp đó là các bản dịch Đại Nam điển lệ toát yếu (1915 – 1916), Đại Nam nhất thống chí (1916), Việt Nam khai quốc chí truyện (1917), Đại Nam liệt truyện tiền biên, chính biên (1918 – 1919). Ông là tác giả của các sách truyện ký Nam Hải dị nhân (1909), Hưng Đạo Đại Vương truyện (1916), sách nghiên cứu văn học Việt Hán văn khảo (1918).

Phan Kế Binh (1875 – 1921)

Đặc biệt sách nghiên cứu Việt Nam phong tục (1915) đã đưa ông vào hàng các nhà văn hóa học sớm nhất ở nước ta.

Nhìn thân thế và sự nghiệp của ông, ta thấy ông nổi bật như một nhà văn hóa. Các bài báo ngắn gọn của ông đăng nhiều kỳ trên Đông Dương tạp chí từ năm 1913 đến năm 1914, sau xuất bản thành sách Việt Nam phong tục năm 1915. Trong lịch sử nước ta thời cận đại, dưới thời Pháp thuộc, hưởng ứng phong trào duy tân, trong cuộc tiếp xúc văn hóa Đông – Tây, ông là người có tư tưởng tiến bộ, một mặt ông nêu cao truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mặt khác đả phá hủ tục trên mọi mặt của đời sống dân tộc.

Cuốn sách mang tựa đề Việt Nam phong tục dày 365 trang, có các nội dung: phong tục trong gia tộc, phong tục hương đảng, và phong tục xã hội, mà theo khoa học dân tộc học hay nhân học hay văn hóa học ngày nay, người ta phân loại ra thành các lĩnh vực văn hóa mưu sinh, văn hóa vật chất, văn hóa xã hội, văn hóa tinh thần.

Nội dung cuốn Việt Nam phong tục là bức tranh thu nhỏ về con người và văn hoá Việt Nam thời cận đại. Ngày nay, những ai là người Việt Nam hay người nước ngoài, muốn tìm hiểu con người và văn hóa Việt Nam thời cận đại qua sách báo thì không thể không tham khảo cuốn sách này.

Gần một thế kỷ đã trôi qua sau khi cuốn sách của ông ra đời, cho đến nay đứng về mặt lịch sử tư tưởng và văn hóa Việt Nam, cuốn sách này vẫn còn có giá trị.

Muốn đánh giá giá trị cuốn sách, ta phải đặt nó trong bối cảnh lịch sử cụ thể.

Mọi người biết rằng thời cận đại, nước ta bị thực dân Pháp đô hộ. Chủ quyền quốc gia bị đánh mất, độc lập dân tộc cũng không còn. Tên gọi quốc gia là Việt Nam bị xóa đi trên bản đồ thế giới. Đất nước bị chia cắt thành ba miền, cùng với Lào và Cao Miên được gọi chung là Đông Dương, do vị trí địa lý nằm giữa hai quốc gia lớn là Trung Quốc và Ấn Độ. Một quốc gia tên bị xóa sổ, thì văn hóa dân tộc cũng bị phủ định. Các nhà khoa học Âu Tây ra sức bóp méo sự thật khẳng định rằng người Việt Nam không có một nền văn hóa riêng, mà văn hóa Việt Nam chỉ là sự sao chép văn hóa nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Về nguồn gốc dân tộc Việt Nam, nhiều học giả nước ngoài trước đây cho rằng người Việt Nam không có nguồn gốc bản địa, mà có nguồn gốc từ Trung Quốc, Trung Á, thậm chí từ Đông Âu hay Biển đen.

Đọc xong cuốn sách Việt Nam phong tục, ta nhận thấy, dưới thời Pháp thuộc, Phan Kế Bính, một trí thức uyên thâm Hán học, có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần dân tộc rất cao. Qua nghiên cứu làng xã, tác giả đã đi đến nhận định “người Việt Nam có một nền văn hóa riêng, văn hoá Việt Nam là văn hóa xóm làng, văn minh Việt Nam là văn minh nông nghiệp”. Đánh giá đặc điểm dân tộc Việt Nam, tác giả cho rằng là “một nước có một tính tình riêng”. Quan điểm này không mới, đã được Nguyễn Trãi nêu cao trong áng hùng văn “Bình Ngô Đại Cáo” trước đây, nhưng trong hoàn cảnh của văn hóa Việt Nam đang bị phủ định thì nó rất có ý nghĩa. Nói đến con người Việt Nam, tác giả cho rằng qua việc thờ cúng tổ tiên, “con người một lòng bất vong bản”. Cách dựng gia tộc, viết gia phả như sử ký trong nhà là một phong tục hay. Trong khi không hiếm nhà khoa học nước ngoài, học tập trí tuệ của người Việt Nam để biện minh cho chính sách khai hóa của chế độ thực dân, thì tác giả không ngần ngại nêu rõ: Nước ta là một nước có sẵn tính thông minh dễ dạy, nghĩa lý dẫu cao xa đến đâu cũng có người học được, kỹ nghệ dầu khôn khó đến đâu cũng có người làm được. Giả thực dạy phải phép thì chẳng thiếu nguồn thông minh tài trí, tưởng cũng có thể gây được trong triết học, trong báu vật, trong văn chương hay kỹ xảo chẳng kém gì các nước là mấy. Tìm hiểu các ngành nghề thủ công truyền thống của dân tộc, tác giả viết, qua đó có thể hình dung sự phong phú đa dạng của ngành nghề, sự khéo tay của người dân, qua các tác phẩm thủ công ta còn có thể thấy được óc sáng tạo về tâm hồn của dân tộc.

Có một điều rất thú vị là những nhận xét rất tinh tế của tác giả về các đạo Khổng, đạo Phật, đạo Lão, đạo Thiên chúa ở nước ta, tác giả đã đi đến kết luận các vị thánh ấy đều như nhau, mong muốn con người thương yêu nhau. Quan điểm này của tác giả rất gần gũi với ý kiến của chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng nhân văn, nhân ái của các nhà sáng lập ra các tôn giáo ấy. Nghiên cứu về tiếng nói, ngôn ngữ dân tộc Việt Nam, như là một lĩnh vực đặc thù của văn hóa, tác giả đã nêu lên quan điểm của mình về sự thống nhất của văn hóa dân tộc. Bằng những cứ liệu về ngôn ngữ học, tác giả đã đi đến kết luận rằng: Xem xét ngôn ngữ nước ta, tuy có khác nhau ít nhiều, đại yếu thì thật là một thanh âm, đồng một văn tự, liệu cho bề thông đồng, chỉ khác nhau một tí mà thôi. Mà dẫu khác nhau, nhưng nghe cả câu thì cũng hiểu.

Cuốn Việt Nam phong tục tuy có nhiều ưu điểm, nhưng không tránh khỏi một số hạn chế. Cuốn sách là một tập hợp các bài báo nêu ngắn gọn, không đi sâu được vào từng vấn đề. Tuy tác giả có tư tưởng tiến bộ nhưng chưa vượt ra khỏi ý thức hệ phong kiến về tư tưởng Khổng giáo, nội dung cấu trúc cuốn sách là nói về quân sư phụ. Khi nói về con người, tác giả chia ra làm hai hàng quân tử và tiểu nhân.

Nói về nam giới vẫn nhấn mạnh trung hiếu. Nói về nữ giới vẫn nhấn mạnh tiết trinh, vẫn không quên nhắc đến tam tòng, tứ đức. Kiến nghị về biện pháp xây dựng nền văn hoá mới, vẫn là Âu châu làm trung tâm. Cũng có khi đề nghị noi gương Nhật Bản qua công cuộc Duy tân thì cũng theo mô hình châu Âu.

Phan Kế Bính chỉ thọ 46 năm. Kể từ khi thi đỗ cử nhân Hán học năm 1906, đến khi qua đời năm 1921, chỉ có 15 năm. Tuy vậy, tác giả đã để lại cho hậu thế một di sản văn hóa lớn.

Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hôm nay, chúng ta tưởng nhớ đến Phan Kế Bính, nhắc đến cuốn Việt Nam phong tục không phải là để tìm kiếm trong đó các kiến giải cụ thể của tác giả về sự canh tân đất nước, vì các kiến giải đó đã bị thời đại mới vượt qua, mà chính là để theo gương Phan Kế Bính xác lập và tăng cường lòng yêu nước, niềm tự hào về lịch sử và văn hóa dân tộc, vào con người Việt Nam thông minh, sáng tạo, tài năng, đưa đường lối đúng đắn thì sẽ vươn cao dân tộc Việt Nam để phát triển, quyết không thua kém bất kỳ dân tộc, quốc gia nào trên thế giới.

Qua cuốn Việt Nam phong tục, ta thấy tác giả của nó là một Nhà cải cách xã hội, chưa vươn lên được tầm nhà cách mạng xã hội. Tuy nhiên cuốn sách đó có một ý nghĩa rất quan trọng là trong sự phát triển đất nước hôm nay, chúng ta đi lên không phải bằng văn hóa xóm làng mà là từ văn hóa xóm làng, nghĩa là một mặt phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mặt khác loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lỗi thời do xã hội cũ để lại.

Những năm đầu thế kỷ XXI, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam đã suy tôn, đúc tượng đồng danh nhân Phan Kế Bính, và đã long trọng tổ chức lễ trao tượng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội ngày 29/5/2005. Với sự ủng hộ tích cực của Hội đồng Phan tộc Hà Nội và Hội đồng Phan tộc Việt Nam, hậu duệ danh nhân Phan Kế Bính đã rước tượng về thờ tại nhà thờ của chi họ. Nhân dịp này GS. Vũ Khiêu đã thân bút đề tặng đôi câu đối chữ Hán:

Bác cổ thông kim chân trí giả

Thánh mô hiền phạm đại văn nhân.

Bài liên quan

Bài đăng mới