Phan Văn Trường: Một nhân vật lịch sử chưa được biết mấy

Trần Thái Bình

Tạp chí Xưa&Nay, số 6 (16), tháng 6 năm 1995

– Người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ luật ở Pháp.

– Cùng Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn Thế Truyền hợp thành một nhóm “ngũ long” (5 con rồng) đại diện cho phong trào yêu nước của người Việt trên đất Pháp.

– Người đầu tiên đăng Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Marx và Engels trên báo chí ở Việt Nam.

– Người khước từ mọi danh lợi để đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân và đòi quyền dân chủ cho dân Việt Nam.

Vậy mà cho đến nay, tại quê hương ông (Hà Nội) hay nơi ông hoạt động sôi nổi nhất (Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh) vẫn chưa có một con đường nào được đặt tên của ông.

Nhân 120 năm ngày sinh của ông (1875-1995) xin giới thiệu đôi nét về nhà trí thức yêu nước này.

Chân dung tiến sĩ luật khoa Phan Văn Trường

Ở đầu thế kỷ XX, Phan Văn Trường là một nhà hoạt động yêu nước đã được các cơ quan mật thám Pháp đánh giá là “cực kỳ kín đáo và khôn ngoan, không để lộ một chứng tích nào của cá nhân bằng văn bản”.

Ông hơn Bác Hồ 15 tuổi, sinh năm Ất Hợi (1875), quê làng Đông Ngạc (làng Vẽ) nay thuộc huyện Từ Liêm, Hà Nội, trong một gia đình Nho học có truyền thống yêu nước. Trong hồ sơ mật của Bộ Thuộc địa Pháp ở Paris Série III – Carton – 10 thì ghi là sinh ở Hà Nội năm 1878, con ông Phan Huệ Kiệt và bà Phạm Thị Nghiêm. Hai người anh là Phan Tuấn Phong và Phan Trọng Kiên hoạt động trong Đông Kinh Nghĩa thục, đều bị bắt, đày đi Tân Đảo.

Phan Văn Trường đã học ở trường Thông ngôn (École des Interprètes), làm phiên dịch ở văn phòng phủ Thống sứ, rồi sang Pháp dạy ở trường Viễn Đông Bác ngữ học (École des Langues Orientales); đồng thời, học thêm và đỗ cử nhân Luật. Năm 1917, lại đỗ Tiến sĩ Luật khoa, làm luật sư Tòa Thượng thẩm Paris.

Từ 1910, ông ở thuê một phòng trong nhà số 6 Villa des Gobelins với tiền thuê hàng năm 750 Francs, ngôi nhà sau này trở thành điểm gặp gỡ của những người Việt yêu nước ở Pháp.

Năm 1911, Phan Châu Trinh thoát án tử hình của triều đình Huế sau vụ bạo động chống thuế ở Trung kỳ; nhờ sự can thiệp của Hội Nhân quyền Pháp, cụ đã rời nước sang Pháp và được ông mời đến ở cùng nhà.

Năm 1912, ông cùng Phan Châu Trinh lập một tổ chức Việt kiều lấy tên là Đồng bào thân ái, được nhiều người hưởng ứng.

Nhưng đến 1913, khi ở Hà Nội nổ ra vụ đánh bom hồi tháng 4 làm chết hai viên quan tư nhà binh Pháp, mà trong đó hai người anh ruột của Phan Văn Trường có tham gia và đã bị bắt, thì cả hai ông – Phan Văn Trường và Phan Châu Trinh ở Pháp – cũng bị theo dõi giám sát chặt chẽ. Tháng 9-1913, cả hai bị gọi ra trước tòa án binh để trả lời bản cáo trạng buộc tội hai người có âm mưu chống phá an ninh quốc gia và đến 1914 thì bị bắt giữ ở nhà ngục La Santé về tội danh “làm gián điệp cho địch và đã kích động các sinh viên cùng chủng tộc ở Pháp căm thù đối với chính phủ Pháp, tập hợp họ trong một hội ấp ủ âm mưu nổi loạn”.

“Ông hãy cho tôi mở các hồ sơ, tôi muốn vạch cho ông thấy nó trống rỗng vì chả có gì”. Trước Moutet, Viviani cho gọi người đứng đầu tòa án binh đến, truyền lệnh ấy. Moutet sau đó ra trước Nghị viện thông báo rằng: “Thưa các ngài, tôi đã mở các hồ sơ về hai bị cáo, nó trống trắng không có gì! Người ta đã bảo tôi: ‘Đúng là nó trắng trống, không có gì, nhưng những hồ sơ thực thì là ở bên Đông Dương kia’”.

Và rồi, do sự buộc tội không có chứng cứ, Phan Văn Trường đã được trả lại tự do, cùng với Phan Châu Trinh vào năm 1915. Ông ra mở văn phòng luật sư ở Paris và lại tích cực hoạt động cho phong trào yêu nước và dân chủ.

Trong biên bản các cuộc thẩm vấn năm 1914 của nhà đương cục Pháp còn ghi một câu của Phan Văn Trường nói: Ông đã có sang Luân Đôn nhiều lần. Nguyễn Tất Thành khi ấy cũng đã ở Luân Đôn và rất có thể Phan Văn Trường có gặp Nguyễn ở quận 13 Paris.

Phan Văn Trường là người dịch ra tiếng Pháp những tư tưởng của Phan Châu Trinh. Và rồi khi Bác Hồ đến Pháp, gặp Phan Văn Trường, thì chính nhà luật sư Việt kiều yêu nước này đã hỗ trợ Bác trong việc diễn đạt ra Pháp văn những ý tưởng chính luận của Bác. Trần Dân Tiên trong cuốn hồi ký của mình viết về Bác cũng có ghi nhận điều đó. Ngay từ đấy, tên của Phan Văn Trường cùng với Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc đã hợp thành bộ ba thường xuyên có mặt trong các báo cáo mật của cơ quan an ninh Pháp.

Thật vậy, ngay sau khi đến Paris, Bác Hồ đã tìm gặp Phan Văn Trường, người đã hơn 10 năm sống ở Paris với tư cách một luật sư tiến sĩ và có tinh thần dân tộc, dân chủ, tự diễn đạt được ý tưởng của mình một cách tuyệt vời và hùng hồn. Một phóng viên Mỹ trong một bài phỏng vấn Nguyễn Ái Quốc, đã ghi nhận sự có mặt của cả Phan Văn Trường và hai nhà yêu nước trong “chính phủ lâm thời Triều Tiên chống Nhật” lúc ấy sang ở Pháp là Kim Tchong Wen và Kim Koei Tcho. Sự sát cánh bên nhau trong sinh hoạt đời thường và hoạt động yêu nước giữa Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh với Nguyễn Ái Quốc lúc ấy sẽ còn tiếp tục khắng khít cho đến khi Nguyễn Ái Quốc sang Liên Xô và Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường về nước, hoạt động mỗi người một hướng.

Phan Văn Trường có tham gia Đảng Cộng sản Pháp mà Nguyễn Ái Quốc đã dự vào việc thành lập ở Đại hội Tours hay không? Không có một tài liệu nào chính thức ghi nhận, ngoài những quan chức Bộ thuộc địa liệt Phan Văn Trường vào hạng “Cộng sản cần để ý”. Chỉ có điều rõ ràng, có trong tư liệu các báo cáo của mật thám Pháp từ ngày 18 đến 28 tháng 11 năm 1919 là: “Nguyễn Ái Quốc ở nhà số 6 Villa des Gobelins, quận 13 Paris, nhà của luật sư Phan Văn Trường. Mật thám báo rằng ở nhà số 6 ấy có những cuộc họp người Việt Nam có khi đến 1 giờ sáng để tranh luận sôi nổi”.

Pierre Guesde, trong một văn bản ở tập hồ sơ SI, Carton 21 của Bộ thuộc địa có ghi nhận: “Tôi đã tiếp M. Babut. Ông ta nói với tôi rằng những bài viết ký tên Nguyễn Ái Quốc là có sự gợi ý của Phan Văn Trường. M. Babut khẳng định rằng Phan Văn Trường đã là nhân vật chính của ngôi nhà số 6 Villa des Gobelins”.

Ngoài những hoạt động ở Paris, bên cạnh Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc, Phan Văn Trường còn nhiều lần sang Đức làm thương mại (để kiếm vốn cho nhóm người yêu nước cần?). Một bản báo cáo ký tên Jean ngày 03-02-1920 ghi nhận điều ấy, báo cáo còn lưu trữ trong tập SII, Carton 14 ở Bộ Thuộc địa Pháp.

Pierre Guesde trong một báo cáo dài, lưu trữ ở tập hồ sơ SII, Carton 87 viết ngày 12-10-1920 còn nhận xét: “Có thể khẳng định rằng Phan Văn Trường là người thông minh và có tư tưởng xấu nhất trong nhóm”.

Sau này khi Nguyễn Ái Quốc ra báo Le Paria, Phan Văn Trường là người nhiệt tình ủng hộ.

Một báo cáo riêng ký tên De Villier lưu trong hồ sơ Série I, Carton 27 còn cho biết: Ngày thứ ba (27-3-1923), Phan Văn Trường, Nguyễn Văn Ái và Després đã gặp nhau ở phòng thường trực của Hội Liên minh các thuộc địa (Union Intercoloniale) và cùng tiếp xúc với Nguyễn Ái Quốc. Mấy người đã trao đổi ý kiến về các sự kiện nổi dậy ở Dahomey. Nguyễn Ái Quốc muốn rằng những sự kiện như thế sẽ diễn ra ở tất cả các thuộc địa”.

Như thế là, tuy không có bằng chứng gì về việc Phan Văn Trường có gia nhập Đảng Cộng sản hay không, nhưng chí ít chúng ta cũng biết rằng ông thường cùng Nguyễn Ái Quốc dự các buổi hội họp do Đảng Cộng sản Pháp (PCF) và Hội Liên minh các thuộc địa (Union Intercoloniale) tổ chức. Có thể nghĩ rằng sự hội tụ quan điểm giữa ông với Nguyễn Ái Quốc đến mức độ không một vấn đề gì chia rẽ được hai người trong thời kỳ ấy. Ý kiến hai người phù hợp nhau, nếu không muốn nói là như nhau. Còn đối với Phan Châu Trinh, khoảng cách có khác. Trong một bức thư dài từ Marseille ngày 18-02-1922 gửi Nguyễn Ái Quốc, nhà chí sĩ Nho học có viết: “Tôi không tán thành quan điểm lý thuyết của Phan Văn Trường rằng cần ưu tiên tranh thủ trái tim của những người dân thường”. Câu viết ấy càng cho ta biết rõ thêm về nhà luật sư Tây học tân tiến.

Mật thám Pháp sẽ còn theo dõi sát hai người trong các cuộc gặp gỡ và hội họp. Sự cộng tác của Phan Văn Trường với Nguyễn Ái Quốc còn tiếp tục chặt chẽ cho đến cuối năm 1923. Phan Văn Trường có ý định rời Pháp về nước.

Ngày 12-12-1923, Tổng Kiểm soát viên quân lực Đông Dương ở Pháp (Contrôleur Genéral des troupes Indochinoises en France) trong một công hàm gửi cho Toàn quyền Đông Dương đã thông báo cho biết Phan Văn Trường dự định rời Pháp về Việt Nam: “Một nhóm 13 người Việt đã thết đãi ông một bữa cơm chia tay tối 25 tháng 11”.

Những ngày đầu tháng 12, Phan Văn Trường đã nhận được một bức thư rất thân tình của bác sĩ trong bệnh viện Saint-Paul, Giám đốc Sở Y tế quân đội hạt Sarre chúc mừng cho chuyến đi của Phan Văn Trường và xin ông gửi cho một vài số báo Le Paria. Bức thư cần được đặc biệt chú ý, bởi vị thế của người viết.

Phan Văn Trường rời Pháp để về Sài Gòn khoảng ngày 23-12, trên một chuyến tàu Nhật có tên Aki Maru. Trong hành lý có một cái hòm và 13 gói bọc vải sơn rộng 30cm, dài 40cm chắc là đựng sách báo, Hội Nhân quyền đã có những cố gắng vận động giúp đỡ ông cho cuộc ra đi được trót lọt. Người ta biết rằng, khi ấy Nguyễn Ái Quốc cũng đã rời Pháp đi sang Liên Xô từ tháng 6. Một báo cáo khác đánh số 992 SR của Sở Kiểm soát những người bản xứ (Service de Contrôle et d’assistance des indigènes) ngày 26-12-1923 gửi cho toàn quyền Đông Dương cho biết: “Việc ra đi của Phan Văn Trường đã thành sự đã rồi. Tôi cũng đã báo cho Ngài biết, theo những tin tức mà chúng tôi nhận được thì Phan Văn Trường đã mang về theo ông ta một số tờ báo Le Paria với nhiệm vụ giao nó cho những người Annam để phát hành trong nước.

Phan Văn Trường chưa gặp lại được Nguyễn Ái Quốc bởi sau ngày đi Liên Xô, chưa thấy Nguyễn trở lại Pháp. Nhưng những mối liên hệ của Phan Văn Trường với những người lãnh đạo Liên minh các thuộc địa (Union Intercoloniale) khiến tôi tin chắc rằng ông ta không phải không có ý định tổ chức một cách toàn vẹn hoàn hảo hơn sự liên lạc giữa những người hoạt động Annam trên đất mẫu quốc với những người hoạt động ở thuộc địa”.

Lời viết ấy quả không sai. Về đến Sài Gòn, Phan Văn Trường tham gia tích cực vào các hoạt động của phong trào vận động dân chủ trong nước chống chính sách phản động của chính quyền thực dân phong kiến, đấu tranh mạnh mẽ bằng công luận trên hai tờ báo La Cloche fêléel’Annam. Trên tờ La Cloche fêlée, từ số 53 đến số 60, Phan Văn Trường đã dịch và đăng trọn vẹn tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Các Mác và F. Ănghen. Tờ báo bị đình bản nhiều lần và ông đã bị tòa án thực dân kết án tù. Nhưng sau khi ra tù, ông tiếp tục mở văn phòng luật sư và lại tích cực tham gia các hoạt động đòi dân chủ ở Sài Gòn cho đến khi mất (ngày 23-4-1933). Đám tang lớn, được nhiều người thương tiếc. Phan Bội Châu có đôi câu đối điếu ông:

Tự tùng phân thủ, lục tải dư tượng ức đáng tương văn, vọng Balê, vọng Tây Cống, chuyển vọng Đông Kinh, thiên hải thượng mang duy lão luỵ.

Tổng cả thương tâm, bách niên trung đồng sinh nghi đồng tử, khấp Tây Hồ, khấp Tập Xuyên, hựu khấp phu tử, giang san tịch mịch mãn bi phong”.

Nhà Nho chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng cũng đã dịch ra văn Nôm:

Sáu năm cách mặt, nhớ nhau mà ít được gặp nhau, trông Balê, trông Sài Gòn, rồi trông ra Hà Nội, mấy giọt lệ già mênh mông trôi biển.

Một kiếp thương tâm, sống vậy nên cùng nhau chết vậy, khóc Tây Hồ, khóc Tập Xuyên, nay lại khóc huynh ông, một luồng gió thẳm bát ngát non sông”.

Cuộc đời hoạt động của Phan Văn Trường cho đến nay ít được biết đến và mới được biết qua một số ít tư liệu. Nó xứng đáng là một đề tài đáng quan tâm, nếu muốn khôi phục lại được cho đúng và đủ diện mạo tinh thần những nhân vật lịch sử chủ yếu của chúng ta đầu thế kỷ XX.

Bài liên quan

Bài đăng mới