Thánh đô Pô Nagar (Nha Trang) là một trong những quần thể kiến trúc đền tháp vào loại lớn nhất của vương quốc Chămpa xưa. Ngôi tháp chính cao 22,48m là nơi đặt tượng thờ Yang Pô Inư Nagar — vị nữ thần đáng kính và quan trọng nhất của dân tộc Chăm. Pho tượng này thật ra đã được tạo dựng nhiều lần, bằng nhiều chất liệu khác nhau ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, nhất là sau những cơn binh lửa bị kẻ thù cướp phá.
Ngược dòng thời gian, người Chăm là một bộ phận của nhóm tộc nói ngôn ngữ Mã Lai-Pôlinêdi vốn cư trú từ rất sớm trên dải đồng bằng ven biển Trung bộ VN, có thể từ những thế kỷ trước Công nguyên. Trước khi dựng nước, người Chăm gồm 2 thị tộc lớn: thị tộc Dừa sinh sống ở miền Bắc (từ đèo Ngang đến Bình Định ngày nay) và thị tộc Cau ở miền Nam (từ Phú Yên đến Thuận Hải ngày nay ). Năm 192, sau khi thoát khỏi ách thống trị của nhà Hán, nhà nước Chămpa được thành lập với tên gọi ban đầu là Lâm Ấp. Kinh đô đầu tiên của vương quốc là Simhapura (thành phố Sư Tử) đóng tại Trà Kiệu (nay thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Đến thế kỷ VIII, với vương triều Panduranga và việc xây dựng thánh đô Pô Nagar “ở cạnh Kauthara và cạnh biển”, trung tâm quốc gia chuyển vào miền Nam. Năm 774, người Mã Lai và Java “sinh sống ở những kinh thành khác, trông khủng khiếp và hung dữ như thần chết”, đi thuyền đến cướp phá và thiêu hủy ngôi đền thờ mukhalinga (hình tượng sinh thực khí nam có trang trí đầu thần) của thần Sri Sambhu ở xứ Kauthara (nay thuộc thành phố Nha Trang). Sau khi đánh đuổi được ngoại xâm, năm 784, trên nền cũ của ngôi đền bằng gỗ tương truyền do ông vua truyền thuyết Vichitrasagara xây dựng, vua Satyavarman dựng lên một ngôi đền tráng lệ bằng gạch. Ông đặt ở đó cái mukhalinga đáng kính của nữ thần Bhagavati (vợ của thần Siva), “vị nữ thần của xứ Kauthara, được tôn thờ lộng lẫy với thân hình kiều mỹ dát vàng, với nét mặt đẹp như hoa sen, lóng lánh đồ trang sức” (bia Pô Nagar). Vua Satyavarman là người đã có công xây dựng và phát triển Pô Nagar thành một thánh đường quốc gia, nơi thờ tượng nữ thần bảo hộ vương quyền.
Từ giữa thế kỷ IX, với vương triều Indrapura, kinh đô Chămpa lại chuyển ra miền Bắc trong khi Pô Nagar mờ nhạt hẳn đi. Năm 918, vị vua thứ bảy của vương triều Indrapura là Indravarman III dựng một pho tượng nữ thần Bhavagati “thân thế bằng vàng, thờ trong đền Yang Po Nagar”. Được ít lâu, năm 945, vua Chân Lạp cất quân đánh Chămpa, phá hủy đền Pô Nagar, “pho tượng thần chú bằng vàng mà vua đã dụng lên với vẻ đẹp uy nghi vượt bậc đã bị người Khơme do lòng tham và những thói xấu khác chi phối lấy cắp đi mất” (bia Pô Nagar). Năm 965, vị vua kế ngôi là Jaya Indravarman I xây lại ngôi đền bị phá và dựng lại tượng nữ thần, có điều là bằng đá vì không còn đủ sức đúc tượng bằng vàng nửa. Trong những thế kỷ tiếp theo, các vua Chămpa đã nhiều lần sửa sang, xây dựng thêm đền thờ, ngẫu tượng tại thánh đô Pô Nagar, dâng cúng cho thần nhiều báu vật, ruộng đất, nô lệ, trâu bò và cả những chiến lợi phẩm sau những cuộc chiến tranh. Tuy nhiên không thấy bia ký ghi chép gì thêm về việc dựng tượng nữ thần. Như vậy, có thể đoán định rằng pho tượng Pô Nagar bằng đá còn thấy hiện nay tại khu di tích chính là pho tượng đã được chế tác vào năm 965 dưới triều vua Jaya Indravarman I nói trên. Điều này cũng phù hợp với ý kiến chung của giới nghiên cứu, dựa trên các yếu tố phong cách, đã xác định tượng thờ ở Pô Nagar có niên đại thế kỷ X.

Tượng Po Nagar cao 1.2m được tạc nguyên khối từ sa thạch, thể hiện nữ thần đang ngồi trong tư thế bán kiết già trên đài sen. Nhìn chính diện thần có mười tay biểu thị tính vạn năng. Hai cánh tay chính đặt trên đầu gối, bàn tay trái mở ra, lòng bàn tay ngửa lên trên trong tư thế ban phát, bàn tay phải dựng đứng, lòng bàn tay ngửa ra trước trong tư thế trấn an. Đằng sau là 2 cánh tay phụ, mỗi tay cầm một vật khác nhau tỏa ra thành hình rẽ quạt rất sinh động. Bốn tay bên phải, theo thứ tự từ dưới lên, cầm một đoản kiếm, một mũi tên, một chùy, một mũi lao. Bốn tay bên trái lần lượt cầm một quả chuông, một lưỡi giáo, một tù và, một cánh cung. Tất cả những vật đó tượng trưng cho trí tuệ, quyền uy và sức mạnh của thần. Đáng tiếc là đầu tượng đã bị mất, cái đầu hiện nay là đầu được gắn vào về sau và không phù hợp với tượng. Ngực tượng để trần, hai bầu vú căng tròn với nhiều nếp nhăn ở bụng. Sau lưng tượng là tấm tựa hình lá để được chạm trổ tinh vi, hài hòa, tôn thêm sự uy nghi của tượng chính. Mặt trước tấm tựa là hình tượng Kala- Makara (đầu Kala (hắc thần) ở giữa, hai bên là hai đầu thủy quái Makara nhìn nghiêng). Đây là mô típ khá phổ biến trong các công trình kiến trúc và điêu khắc Chămpa. Phần dưới chân tượng là một bệ đá hình cánh sen. Toàn thân tượng được đặt trên một yôni lớn (hình tượng sinh thực khí nữ), Nhìn chung, tượng được tạc bằng những khối tròn, khỏe, tràn trề sinh lực, tạo cảm giác gần gũi mà vẫn giữ được về tôn nghiêm, kì vĩ. Pô Nagar có nghĩa là Quốc Mẫu, nữ thần tạo lập và khai sáng trong tín ngưỡng dân gian dân tộc Chăm. Chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, hình tượng Pô Nagar đã được thể hiện dưới dáng vẻ nữ Uma, vợ của thần Siva. Đáng chú ý là nghệ nhân tạc tượng đã cố tình nhấn mạnh những chi tiết đặc biệt biểu thị hình tượng Mẹ đó là đôi Vú nỡ nang căng sữa đã sệ xuống; ba nếp nhăn ở bụng – dấu hiệu của sự sinh đẻ nhiều lần. Hai chi tiết này khác cơ bản với những chuẩn trắc trinh nữ của Uma: vú căng tròn và bụng thon nhỏ không gợn nếp nhăn. Ở đây, biểu tượng về người mẹ thị tộc trong tâm thức và tín ngưỡng bản địa của người Chăm hiện diện rõ nét, tuy dưới vỏ bọc của tôn giáo ngoại lai.