Quan hệ giữa tân đế Minh Mạng và cựu thần Trịnh Hoài Đức

Nguyễn Hải Định

Tạp chí Xưa&Nay, số 569, tháng 11 năm 2024

Mở đầu

Quan hệ quân thần là một nội dung quan trọng trong thể chế quân chủ ở các nhà nước Đông Á thời trung đại. Điều này càng thu hút nhiều sự chú hơn trong những cảnh huống nhạy cảm như quan hệ giữa hoàng đế sáng nghiệp và công thần khai quốc hoặc giữa tân đế và cựu thần. Vấn đề này ở Việt Nam vào triều Nguyễn cũng nhận được nhiều sự quan tâm, nhất là quan hệ chứa mâu thuẫn giữa vua Minh Mạng với các đại thần tiền triều như Lê Văn Duyệt, Lê Chất. Tuy nhiên, quan hệ giữa Minh Mạng với cựu thần không phải lúc nào cũng như vậy. Bài viết này nhằm chỉ ra quan hệ giữa tân đế Minh Mạng và cựu thần Trịnh Hoài Đức theo chiều hướng hòa hảo được xem xét trên ba phương diện: Triều chính, hoàng tộc và cá nhân. Điều này có thể bổ sung cho nghiên cứu quan hệ quân thần dưới thời Minh Mạng được đa chiều, toàn diện hơn.

Tượng vua Minh Mạng tại đền thờ Nam phương Linh từ, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Ngọc Vũ

1. Cơ sở tiền đề cho quan hệ giữa vua Minh Mạng và Trịnh Hoài Đức

Trịnh Hoài Đức (1765-1825) là một trong Gia Định tam gia gồm Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh và Trịnh Hoài Đức. Tuy sinh trưởng trong thời chiến loạn nhưng ông được theo học sử sĩ Võ Trường Toản danh tiếng. Đại Nam liệt truyện (Liệt truyện) mô tả Hoài Đức “là người cẩn thận, phong độ, trầm tĩnh, nghiêm chỉnh, học vấn rộng rãi, nghị luận thường giữ đại thể”[i].Đến khi chúa Nguyễn Phúc Ánh làm chủ vùng Gia Định năm 1788 thì Hoài Đứcmới đi thi đỗ, được bổ chức Hàn lâm viện Chế cáo. Với chiến trận quân sự thì Hoài Đức nhiều lần theo quân coi việc vận tải cấp quân lương[ii]. Trong quá trình trung hưng, dựng nghiệp của chúa Nguyễn Phúc Ánh, Hoài Đức đã dốc lòng phụng sự nhà Nguyễn bởi việc đảm đương các nhiệm vụ dân sự ở hậu phương và công tác hậu cần cho tiền tuyến.

Dưới thời Gia Long, Hoài Đức từng làm Chánh sứ sang nhà Thanh và kinh qua thượng các bộ Hộ, Lễ và Lại.Ông từng nắm giữ chức vụ lớn ở vùng Gia Định khi một lần làm Hiệp Lưu trấn và hai lần làm Hiệp Tổng trấn tổng cộng khoảng 12 năm[iii]. Hoài Đức cũng được Smith xếp vào trong nhóm 5 trọng thần nổi bật trong triều đình Huế vào hai thập niên đầu của thế kỷ XIX gồm Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng, Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định[iv]. Trước khi đến triều Minh Mạng, Hoài Đức là đại thần có nhiều công lao và từng nắm những chức vụ cao trong chính quyền triều Nguyễn.

Sự kiện vua Gia Long sách lập hoàng thái tử năm 1816 có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ của vua Minh Mạng với các cựu thần. Trịnh Hoài Đức lúc ấy đang ở Huế cũng rất thận trọng trong vấn đề nhạy cảm này nhưng ông từng vô tình bị lôi vào bàn luận chuyện sách lập thái tử. Có lần Nguyễn Văn Thành mời các quan trong triều uống rượu ở nhà riêng và nói rằng: “Hoàng tôn Đán [con thái tử Cảnh] nối ngôi, tôi sắp tâu xin lập đấy”. Hoài Đức sợ bị vạ lây nên vội vàng nhắc nhở rằng: “Việc lớn của nhà nước, quyết định do ở lòng vua, nếu người bầy tôi định kế riêng, tham lấy công to thì tội lại lớn”[v]. Trong lễ tuyên bố lập hoàng thái tử, vua Gia Long đã triệu Trịnh Hoài Đức đến trước giường ngự và sai viết “lập Hoàng tử Hiệu [vua Minh Mạng] làm Hoàng thái tử” để đưa cho quần thần xem[vi]. Thái độ của Hoài Đức đối với việc chọn Minh Mạng kế vị tuy không rõ nhưng có thể thấy là ông cũng không phản đối và khá thận trọng. Có lẽ, quan điểm của Hoài Đức là thuận theo ý của vua Gia Long trong việc chọn thái tử như lời mà ông đã nói với Văn Thành.

2. Quan hệ giữa Vua Minh Mạng và Trịnh Hoài Đức trên phương diện triều chính

Việc lựa chọn dùng người trong buổi đầu chuyển giao quyền lực là vấn đề rất quan trọng với một tân đế. Đối với những cựu thần vốn có tầm ảnh hưởng trong chính quyền thì tân đế càng cần phải có sự khéo léo hơn vì họ có thể yểm trợ hoặc cản trở dự án chính trị của mình. Ngay sau khi lên ngôi, Minh Mạng đã triệu Trịnh Hoài Đức đang quyền lãnh ấn vụ Tổng trấn Gia Định thành trở về kinh, làm việc ở Lại bộ[vii]. Minh Mạng lúc ấy đã đánh giá về Hoài Đức như sau: “Phẩm vọng vốn tốt, vào loại đáng được chú ý chọn dùng, ta buổi mới lên ngôi, cần người phò tá, chuẩn cho về kinh chầu hầu”[viii]. Hoài Đức về kinh trong bối cảnh mà triều đình Huế đang thiếu những người có học vấn Nho giáo cao mà vua Minh Mạng thì đang chuộng đường văn trị để xây dựng vương quốc theo hình mẫu Trung Hoa[ix].

Đối với một nhà nước Đông Á trung đại theo Nho giáo thì điển lễ, giáo dục là một điều cực kỳ quan trọng. Trong giai đoạn đầu triều Minh Mạng, có thể thấy Hoài Đức đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong số các văn thần về việc cố vấn và thực thi những vấn đề này. Ông khá hợp ý với vua Minh Mạng, Liệt truyện cũng ghi nhận: “Đức mỗi khi nhân việc, dâng lòng trung, Thánh Tổ [vua Minh Mạng] phần nhiều khen nhận”[x]. Hưởng ứng chiếu tìm sách ngay trong những ngày đầu lên ngôi của Minh Mạng, Hoài Đức đã dâng sách Gia Định thông chí, Minh Bột di ngư văn thảo và tiếp sau đó là một bộ Lịch đại kỷ nguyên và một bộ Khang tế lục[xi]. Việc làm ấy ắt hẳn đã ghi điểm với một người yêu thích sách như vua Minh Mạng và cũng chứng thực tài năng cho một văn quan kỳ cựu. Hoài Đức đã được Minh Mạng tin cậy cho làm chủ khảo trường thi Hội lần đầu tiên được tổ chức dưới triều đại của một vị vua trọng thị khoa cử. Trong chuyến Bắc tuần vào năm Minh Mạng thứ hai, sứ thần nhà Thanh báo lấy ngày thụ phong trùng vào lễ Đại tường của Gia Long tiên đế. Lúc ấy Minh Mạng đã hỏi ý kiến Hoài Đức về việc vua sẽ dâng tuần rượu cho tiên đế trước để bày tỏ lòng hiếu rồi sau mới tiếp sứ nhà Thanh thì có hợp lễ không. Nghe xong thì Hoài Đức đã đáp rằng: “Được”[xii]. Nhận được sự đồng tình của vị cựu thần, Minh Mạng mới an tâm thực hiện ý định của mình. Trong một số trường hợp có thể nói Minh Mạng xem Hoài Đức như một bậc thầy về lễ nghi.Vị tân đế lại nhờ đến Hoài Đức kiêm lãnh Thượng thư Lễ bộ và bày tỏ sự kỳ vọng rằng: “Bộ Lễ gần đây việc làm nhiều điều sai lầm, khanh là người lão luyện từng trải, nên vì trẫm chia lo, hết sức chớ phụ ơn tri ngộ”[xiii]. Sự trọng dụng Hoài Đức để thực thi đường lối văn trị trong thời kỳ này của Minh Mạng thậm chí còn khiến một số cựu thần võ biền như Lê Văn Duyệt, Lê Chất sinh ra hiềm khích[xiv]. Từ những diễn biến này có thể thấy Minh Mạng rất trọng dụng Hoài Đức trong nhiều lĩnh vực cả nội trị lẫn ngoại giao. Đối lại, Hoài Đức cũng dốc lòng phò tá, trung thành với vua Minh Mạng.

Đỉnh cao trong sự nghiệp của Hoài Đức được đánh dấu vào năm 1821 khi Minh Mạng cho ông làm Hiệp biện Đại học sĩ, vẫn lãnh Thượng thư Lại bộ và kiêm lãnh Thượng thư Binh bộ. Triều đình lúc bấy giờ chưa có quan văn nhất phẩm, Minh Mạng muốn trao vinh dự ấy cho Hoài Đức. Vị cựu thần tính vốn từ tốn nên khi nhận được mệnh đã dâng biểu từ chối ngay nhưng Minh Mạng đã nhủ khuyên rằng: “Hiện nay ban văn không có ai hơn ngươi, nên cố gắng làm hết chức vụ, để giúp trẫm những điều chưa biết tới, ngươi chớ nên từ”[xv]. Lời nói ấy đã thừa nhận tài năng và vị trí của Hoài Đức trong lòng của nhà vua và triều đình. Bấy giờ, Hoài Đức trở thành văn quan có phẩm trật cao nhất trên toàn vương quốc. Ngoài ra, trong suốt khoảng sáu năm cuối đời, Hoài Đức phụng sự dưới triều Minh Mạng, hầu như không có lần nào ông bị vua Minh Mạng quở trách. Ngược lại, vị cựu thần ấy gần như không bất mãn hay có ý kiến chống đối nhà vua. Trong vấn đề triều chính, họ có mối quan hệ khá hòa hợp, ít có quan điểm bất đồng.

3. Quan hệ giữa Vua Minh Mạng và Trịnh Hoài Đức trên phương diện hoàng tộc

Theo đuổi một mô hình Trung Hoa trong việc xây dựng thể chế cho triều đại, Minh Mạng rất chú trọng đến việc soạn thuật. Vì thế ngay sau khi lên ngôi, năm 1821, Minh Mạng cho soạn sách Liệt thánh thực lục và giao cho Hoài Đức làm Phó Tổng tài biên soạn[xvi]. Tiếp sau đó, năm 1824, Minh Mạng lại sai Hoài Đức làm Tổng tài soạn Ngọc điệp tôn phả với chủ trương “ghi chép dòng dõi hoàng phái của quốc triều ta từ bao đời đến nay, xếp đặt tôn ty trưởng ấu phân biệt đích thứ thân sơ, biên vào sổ sách lưu lại mãi mãi về sau”[xvii]. Sau khi Ngọc điệp tôn phả làm xong thì Minh Mạng lại sai Hoài Đức soạn tiếp Tôn thất phả[xviii]. Qua những sự kiện này có thể thấy Minh Mạng rất tin dùng Hoài Đức về vấn đề hoàng tộc.

Dưới thời Minh Mạng đã diễn ra một cuộc “cải cách” trong hoàng tộc, nhà vua đặt cho con cháu của chúa Nguyễn Hoàng vào Nam và dòng các vua làm tôn thất họ Nguyễn Phúc, con cháu chúa Nguyễn Hoàng ở Bắc và các phái trước làm công tính họ Nguyễn Hựu[xix]. Minh Mạng từng lập luận “dòng dõi thế vương, gọi là Tôn thất, tức là Công tính, Công tộc mà Kinh Thi đã nói”[xx]. Về sự kiện này, nhiều sử liệu thường cho thấy dường như đó là ý riêng của vua Minh Mạng. Tuy nhiên, trong Liệt truyện, phần chép về Lê Chất, ở đoạn hạch tội cố Tổng trấn Bắc thành của Tả Thị lang Lại bộ Lê Bá Tú có nhắc chuyện Lê Chất từng nói: “Quốc tính đổi gọi làm Tôn thất đều lũ Trịnh Hoài Đức y a xui dục”[xxi]. Mặc dù đây chỉ là lời cáo buộc Lê Chất từ phía của Bá Tú được đưa ra vào năm 1835 sau khi Hoài Đức và Lê Chất mất đã nhiều năm. Đại Nam thực lục thì cũng không xác nhận việc ấy là do Hoài Đức xui khiến hay cố vấn cho vua Minh Mạng. Tuy nhiên, nếu như đối chiếu lời cáo buộc ấy với các dữ kiện ở phần trên, Hoài Đức đã được Minh Mạng giao làm Phó Tổng tài Liệt thánh thực lục, Tổng tài Ngọc điệp tôn phả, rồi được sai soạn tiếp Tôn thất phả. Do đó, rất có thể Trịnh Hoài Đức đã đóng một vai trò nhất định trong cuộc “cải cách” nội bộ hoàng tộc của vua Minh Mạng. Hoặc chí ít, Hoài Đức cũng là một trợ thủ đắc lực giúp Minh Mạng thực thi ý tưởng này của mình.

Bên cạnh đó, Minh Mạng từng tâm sự những vấn đề nhạy cảm của hoàng gia với Hoài Đức như “nay trẫm muốn phong tước công cho các con, đợi khi trưởng thành, xét ai có đức tốt mới lập làm hoàng thái tử cũng là phải”[xxii]. Minh Mạng cũng tin tưởng Hoài Đức khi giao cho ông tìm người giảng dạy cho các hoàng tử của mình[xxiii]. Ngoài ra, Liệt truyện còn cho biết Hoài Đức có người con tên Cận lấy công chúa, làm quan Phò mã Đô úy[xxiv]. Qua những sự kiện trên phương diện triều chính và hoàng tộc thì Hoài Đức cũng có thể được xem là một “sủng thần” của vua Minh Mạng trong giai đoạn đầu triều đại mới.

4. Quan hệ giữa vua Minh Mạng và Trịnh Hoài Đức trên phương diện cá nhân

Sự quan tâm đến đời sống cá nhân của quân vương đối với thần tử cũng có thể xem là một dấu hiệu tiết lộ quan hệ giữa họ. Hoài Đức dù chức cao, quyền trọng nhưng không phô trương, xa xỉ. Minh Mạng từng khen ngợi rằng Hoài Đức “có tiếng thuần lương”[xxv]. Dù đã phò tá nhà Nguyễn từ buổi trung hưng, từng đảm đương nhiều chức vụ lớn dưới triều Gia Long, đến thời Minh Mạng, ông lại là quan nhất phẩm của triều đình, đứng đầu văn quan, từng kinh qua thượng thư bốn bộ (Lại, Hộ, Lễ, Binh) nhưng Liệt truyện cho biết đến năm 1822, lúc Hoài Đức 57 tuổi vẫn không có nhà riêng. Vua Minh Mạng thấy vậy mới cho ông 3000 quan tiền và gỗ, gạch, ngói, cho làm nhà ở kinh để làm chỗ nghỉ ngơi, tắm gội[xxvi]. Có lẽ Hoài Đức đã khá tiệm cận với hình mẫu văn quan mà Minh Mạng mong muốn với những đặc điểm hiền tài, tận trung và thanh liêm.

Minh Mạng cũng tỏ ra quan tâm đến sức khỏe của vị lão thần này. Hoài Đức trước khi mất khoảng một năm vì già yếu nên có xin vua cho nghỉ việc và về quê ở Gia Định thành nhưng Minh Mạng không đồng ý và bày tỏ sự luyến tiếc: “Khanh người trung thành sáng suốt, há không lượng lòng trẫm mà vội xin đi!”. Minh Mạng ban nhân sâm nhục quế để vị lão thần dưỡng bệnh và căn dặn Hoài Đức “nên tự giữ lấy thân vàng ngọc chờ trông thấy tuổi bảy tám mươi yên lành mạnh khỏe, để yên lòng mong mỏi của trẫm là phải”[xxvii]. Đến khi Hoài Đức mất, Minh Mạng rất thương tiếc, ban cho “điển lệ cấp tuất rất hậu; các bầy tôi không ai sánh kịp”[xxviii]. Như vậy, về cơ bản Hoài Đức đã duy trì mối quan hệ hòa hảo với vua Minh Mạng cho đến sau cùng. Đồng thời cũng không phát sinh thêm cuộc luận tội nghiêm trọng nào của triều đình về ông sau khi tạ thế như một vài trường hợp cựu thần võ biền thường được biết đến.

Kết luận

Quan hệ giữa tân đế Minh Mạng và cựu thần Trịnh Hoài Đức có thể xem là khá hòa hợp. Điều này được thể hiện trên cả ba phương diện triều chính, hoàng tộc và cá nhân. Minh Mạng tin cậy giao phó cho Hoài Đức những nhiệm vụ quan trọng mà phần lớn vị cựu thần đều hoàn thành theo như ý muốn của nhà vua. Bên cạnh đó, Minh Mạng cũng tin tưởng chia sẻ những vấn đề của hoàng tộc với Hoài Đức và giao cho ông viết sách về hoàng tộc. Ngoài ra, vị tân đế cũng quan tâm đến đời sống cá nhân, sức khỏe của vị lão thần và cho đến khi Hoài Đức mất đều ban cho điển lễ rất trọng hậu. Bên cạnh những mối quan hệ căng thẳng với một số đại thần huân cựu thì quan hệ giữa Minh Mạng với Trịnh Hoài Đức có thể xem là khá điển hình khi diễn ra theo chiều hướng hòa hảo.


[i]Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện, tập 2, Tổ Phiên dịch Viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.186,192.

[ii]Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Sđd, tr.186-187.

[iii]Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Sđd, tr.187-188; Trịnh Hoài Đức (2019), Gia Định thành thông chí, Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, TP. HCM, tr.295.

[iv]Smith, R. B. (1974), “Politics and society in Viet-Nam during the early Nguyen period (1802-62)”, The Journal of the Royal Asiatic Society of Great Britain and Ireland, No.2, tr.155.

[v]Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, Tổ Phiên dịch Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.912-913.

[vi]Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Sđd, tr.920.

[vii]Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (2010), Mục lục Châu bản triều Nguyễn, tập I, Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam, Viện Đại học Huế và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I biên soạn, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, tr.551,567.

[viii]Nội các triều Nguyễn (2005b), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 2, Tổ Phiên dịch Viện Sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.299.

[ix] Xem thêm Woodside, Alexander Barton (2022), Việt Nam và hình mẫu Trung Hoa: Nghiên cứu so sánh về chính quyền dân sự nhà Nguyễn và nhà Thanh nửa đầu thế kỷ XIX, Ngô Thị Mai Diên, Phan Thị Thu Huyền, Nguyễn Thị Lê và Nguyễn Thị Minh Trung dịch, Nxb. Thế giới, Hà Nội, tr.164.

[x]Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Sđd, tr.189.

[xi]Quốc sử quán triều Nguyễn (2007a), Đại Nam thực lục, tập 2, Tổ Phiên dịch Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.63,231.

[xii]Quốc sử quán triều Nguyễn (2007a), Sđd, tr.176,197.

[xiii]Quốc sử quán triều Nguyễn (2007a), Sđd, tr.244.

[xiv]Xem thêm Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Sđd, tr.421,426.

[xv]Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Sđd, tr.189.

[xvi]Quốc sử quán triều Nguyễn (2007a), Sđd, tr.133.

[xvii]Nội các triều Nguyễn (2005a), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 1, Tổ Phiên dịch Viện sử học dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.88.

[xviii]Quốc sử quán triều Nguyễn (2007a), Sđd, tr.385.

[xix]Quốc sử quán triều Nguyễn (2007a), Sđd, tr.276.

[xx]Quốc sử quán triều Nguyễn (2007b) Đại Nam thực lục, tập 3, Tổ Phiên dịch Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.406.

[xxi]Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Sđd, tr.425-426.

[xxii]Quốc sử quán triều Nguyễn (2007a), Sđd, tr.211.

[xxiii]Quốc sử quán triều Nguyễn (2007a), Sđd, tr.237.

[xxiv]Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Sđd, tr.192.

[xxv]Quốc sử quán triều Nguyễn (2007a), Sđd, tr.402.

[xxvi]Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Sđd, tr.190.

[xxvii]Quốc sử quán triều Nguyễn (2007a), Sđd, tr.297-298.

[xxviii]Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Sđd, tr.192.

Bài liên quan

Bài đăng mới