Quân Pháp trên cửa biển Thuận An tháng 8 năm 1883

Tôn Thất Thọ

Tạp chí Xưa&Nay, số 569, tháng 11 năm 2024

Ngày 18-8-1883, Đô đốc Hải quân Amédée Courbet đã chỉ huy lực lượng hải quân Pháp ở Bắc kỳ tấn công, đổ bộ vào cửa biển Thuận An (Huế), từ đó gây áp lực buộc triều đình Huế phải ký Hiệp ước Quý Mùi (1883).

Diễn biến cuộc tấn công này được tường thuật trên tờ Le Temps (Thời đại) số ra ngày 29-9-1883, nội dung trích đăng bản báo cáo của Đô đốc Courbet. Bài báo cho biết trước đó, Pháp đã cho tiến hành trinh sát các công sự phòng ngự của triều đình Huế tại cửa biển Thuận An. Theo thông tin tình báo, bấy giờ, các công sự của triều đình Huế đều ở trong tình trạng tốt, ngoài ra còn có công sự phòng ngự trên đỉnh các ngọn núi hướng ra cửa biển. Binh lính phòng thủ cũng được lệnh đào các vị trí ẩn nấp trên bãi biển và đào hào lũy. Triều đình Huế cũng cho dựng đập phòng ngự nhằm chặn bước tiến của thủy quân Pháp ở cửa Thuận An.

Quân Pháp đánh chiếm các đồn ở Thuận An bằng các pháo hạm (Ảnh tư liệu)

Từ tối 16-8, tàu thiết giáp Bayard, tuần dương hạm Château Renaud, Annamite và Lynx tập kết tại cửa Thuận An. Ngày hôm sau, tiếp đến là các tàu thiết giáp Atalante, pháo thuyền Vipère và tàu hộ tống Le Drac. Tàu Annamite chở 600 lính hải quân đánh bộ cùng 100 lính khố đỏ từ Nam kỳ ra, một dàn pháo cùng 100 binh phu. Các tàu chiến chuẩn bị tấn công được lệnh néo im(tàu nằm theo một phương nhất định, thường bằng cách thả hai neo đằng mũi và đằng lái).

Vào lúc 4 giờ 30 phút sáng ngày 18-8, lệnh khai hỏa được quân Pháp đưa ra. Quân lính triều đình Nguyễn ào lên tấn công nhưng vấp phải đạn đại bác của quân Pháp. Khói pháo và bụi bay mù mịt. Hải đồn của triều đình Nguyễn bốc cháy. Binh lính triều đình chống trả quyết liệt, nhiều đại bác của họ (chỉ quân Việt – TTT chú) bắn đi quá xa, vượt qua cả vị trí tàu chiến Pháp, tàu Bayard bị trúng đạn nhiều lần. Tàu Vipère bị trúng đạn ở vị trí gần hải đồn phía bắc, đạn quân triều đình bắn liên tiếp quanh tàu. Tàu Vipère tuy bị trúng đạn nhưng vẫn tiếp tục khai hỏa dưới sự chỉ huy của Trung úy Lejard. Các đợt bắn pháo kết thúc khi đêm xuống.

Ngày 19-8, trận đánh tiếp tục và kéo dài trong 1 giờ. Lúc 5 giờ 30 phút sáng ngày 20-8, quân Pháp tiếp tục tấn công và 15 phút sau, các toán quân Pháp dưới sự chỉ huy của Đại úy Hải quân Parrayon rời tàu đổ bộ lên bãi biển. Số quân đổ bộ gồm hai phân đội và một số đại đội lính đổ bộ của hải đội. Lúc 6 giờ 10 phút, dưới sự yểm trợ của hai tàu chiến Lynx và Vipère, được giao nhiệm vụ quét sạch bãi biển, lính Pháp đổ bộ lên bãi biển. Quân triều đình Huế từ dưới hào lũy xông lên chiến đấu quyết tâm đẩy lùi quân Pháp, nhưng bất chấp mọi nỗ lực của họ, các hải đồn tại cửa biển nhanh chóng bị quân Pháp bao vây.

Trung úy Hải quân Poidloue dẫn đầu lính hải quân của tàu Atalante cùng dàn pháo gồm hai khẩu tiếp tục truy đuổi quân triều đình Huế. Với sự yểm trợ của một toán lính hải quân đánh bộ, chỉ huy Parrayon hành quân tiến về hải đồn chính, nơi đặt khẩu pháo đại bác cỡ nòng 65mm và bắt đầu cuộc tấn công.Quân Pháp nhanh chóng giành chiến thắng.

Tác giả – Đại úy Hải quân Pierre Loti.
Sách Ba ngày chiến trận ở xứ An Nam.

Vào lúc 8 giờ sáng ngày 20/8, toàn bộ quân Pháp đã đổ bộ lên bờ, thủy thủ và lính hải quân đánh bộ tập hợp lại cùng với số lính Pháp đổ bộ trước đó hiện đóng quanh các hải đồn. 9 giờ sáng, Đại úy Parrayon chỉ huy toàn bộ quân Pháp, cùng với hai sĩ quan Gourdon, Olivieri thuộc tàu chiến Bayard và De la Bastide là những người đầu tiên đi vào các hải đồn và vào lúc 9 giờ 5 phút, cờ Pháp bay trên các công sự của quân triều đình Huế. Trung úy Curzon bị thương, trong khi có đến 600 quân triều đình Huế bị chết.

Chiều ngày 20/8, hai tàu Vipère và Lynx vượt qua bãi phòng ngự dựng chặn ở cửa Thuận An và vấp phải đạn pháo bắn trả của quân triều đình Huế đang cố thủ trong số hải đồn chưa bị chiếm tiếp tục chiến đấu ngoan cường. Cùng với hai chiến thuyền Bayard và Château Renaud, hai tàu Vipère và Lynx nhanh chóng dập tắt những loạt đạn bắn trả cuối cùng của quân triều đình Huế. Đêm và sáng hôm sau (ngày 21-8), quân Pháp chiếm được toàn bộ hải đồn phòng thủ ở cửa biển Thuận An. Vài ngày sau, triều đình Huế cử đại thần phụ trách ngoại giao đến xin ngừng giao tranh và các thương lượng bắt đầu.

Sau khi hay tin quan quân thua trận, thành bị mất, triều đình Huế buộc phải nghị hòa. Hai vị đại thần được phái đi ngoại giao xin giảng hòa lần này là Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp. Sách Thực lục chép: “Vua sai triệu gia Hiệp biện Đại học sĩ hưu trí là Trần Đình Túc (ở xã Bàn Môn, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên) cho lĩnh Thượng thư bộ Lễ sung chức Toàn quyền đại thần; Thượng thư bộ Lại sung Cơ mật viện đại thần là Nguyễn Trọng Hợp làm Phó, để đến sứ quán bàn định hòa ước… Nguyễn Trọng Hợp từ cửa Thuận An về nói: Nước ấy hẹn đến sứ quán kinh thành định hòa ước…” [ĐNTL, T8, sđd, tr. 604].

Liên quan đến chiến trận này, tháng 10 năm 2023 vừa qua, Nxb. Tri Thức đã xuất bản một tập sách mỏng của tác giả người Pháp – ông Piere Loti với tựa là Trois  journées de guerre en Annam (Ba ngày chiến trận ở xứ An Nam). Sách do bà Phan Hồng Hạnh dịch.

Theo lời giới thiệu của Giáo sư, nhà văn Francy Brethenoux-Seguin ở đầu sách thì bà Phan Hồng Hạnh là người Việt đang định cư ở miền Nam nước Pháp, một dịp tình cờ bà đã tiếp cận được một tập sách nhỏ này. Sau khi đọc xong, bà vô cùng xúc động và quyết định phải dịch tập sách này ra tiếng Việt với mục đích là để những người đã hy sinh cho đất nước Việt Nam sẽ không bao giờ bị lãng quên.

Qua những trang đầu, người đọc đã bị chấn động bởi giọng điệu lạnh lùng của tác giả. Ông đã mô tả cách tổ chức cuộc đổ bộ vào cửa Thuận An (Huế) rất quy củ. Ông viết để giải thích những gì mình đã thuật lại: “Chúng tôi có được đặc ân ngồi ở vị trí ưu thế để theo dõi tất cả diễn biến của cuộc tấn công…”.

Và ông đã nhận xét cuộc đổ bộ đó là : “Người ta chém giết gần như với một niềm vui”. Và ông đã biện minh: “Khi chỉ mang một nhóm lính nhỏ đến chinh phục một xứ sở bao la, (…), họ phải tàn sát thật nhiều, gieo rắc thật nhiều hãi hùng, nếu không thì chính mình sẽ bị triệt hạ”.

Tác giả đã nhiều lần nghe thấy tiếng rên rỉ vì đau đớn không dứt của những binh lính giữ đồn Thuận An đã thúc thủ trong việc bảo vệ cửa đồn; những tiếng kêu cứu “Han! Han!” của rất nhiều binh lính Việt gục ngã vì quân Pháp đã tàn sát họ bằng cách đâm lưỡi lê thẳng vào cổ, vào tim của họ.

Xin được trích vài đoạn tác giả mô tả một cách lạnh lùng cảnh sát hại người Việt rất tàn bạo, sau khi binh lính Việt đã bất lực sau các cuộc chống trả:

-“Cácthủy thủ vượt lên những đụn cát, thấy quân lính An Nam trang bị một cách sơ sài, họ bắn và lấy báng súng đập vào đầu lính An Nam như trò đùa trẻ con. Bọn người da vàng đào tẩu”(Ba ngày …, sđd, tr. 32).

“Làng Thuận An phút chốc sáng rực và bốc cháy như một đống rơm khổng lồ” (tr. 37).

– “Lính Pháp đã leo lên được trên bờ và từ trên bắn xuống, ở cự ly rất gần và bắn hàng loạt người. Nhóm người dưới nước, một cách ngây thơ, che mình bằng những manh chiếu, những chiếc khiên mây, hay những tấm tôn; nhưng đạn của quân Pháp xuyên qua tất cả.

Người An Nam chết từng đống, tay chân sõng soài, ba hay bốn trăm người đã bị sát hại trong không đầy năm phút vì những loạt đạn bắn nhanh hay những loạt đạn lửa” (tr. 38).

-“Họ (chỉ lính Việt) chẳng có dáng dấp của những kẻ thù đáng sợ; thủy quân đã giết gần hết tại trận, bằng lưỡi lê, khi họ còn đang bàng hoàng.Một vài người chạy trốn về phía bắc, bỏ lại lương thực, những rổ cơm nho nhỏ, giỏ trầu cau.

 Có những người bị đâm lũng phổi hét lên những tiếng rùng rợn và máu phun xối xả trên cát. Một người bị lưỡi lê của một lính thủy đâm vào họng, dùng hết sức tàn, nghiến chặt hàm răng đã nhuốm máu lấy ngọn giáo để không cho nó toác cuống họng. Nhưng cuối cùng người lính thủy mạnh hơn và những chiếc răng bỏ cuộc, lưỡi lê đâm thẳng đến tận ót đóng chặt người da vàng vào mặt cát.

Người ta chém giết gần như với một niềm vui, họ say sưa vì những tiếng reo hò, bởi cuộc rượt đuổi và bởi màu máu. Tất cả những sự kiện đó đã diễn ra rất nhanh, quá nhanh, chỉ trong vòng vài giây, bây giờ từ từ diễn lại với đầy đủ những chi tiết tàn bạo” (tr. 47).

-“Bỗng tiếng “Ôi! Ôi” đáng sợ lại vang lên và lần này ở rất gần, ngay dưới chân ghế, đồng thời có cánh tay vươn ra, cố ôm lấy gối của một sĩ quan… Thì ra là một người An Nam bị thương, cậu ta bị thủng ngực, có trời mới biết được bằng cách nào đã lết được về đây!”.

– “Vì thấy những lưỡi lê sáng loáng của người Pháp, toán lính An Nam chờ đợi một cuộc tấn công bằng gươm giáo. Thế nhưng không, những nòng súng đã nạp đạn, liên hồi nhã đạn, trong những cỗ súng bắn nhanh như sét đánh này, có những khẩu Kropatschek trút xuống lính An Nam như mưa. Đạn xới tung đất cát và giờ đây những người An Nam cũng lấy lại được giọng dữ dội để hét; họ ngồi thụp xuống, không dùng được ngay cả giáo gươm. Vũ khí của chúng ta đã làm họ sững sờ…

Cả bọn vừa chạy vừa la hét, xô đẩy nhau trong những đường hầm chật hẹp. Và các thủy thủ như bị lên cơn sốt vì khói, vì mặt trời, vì mùi máu đuổi theo phía sau, những lưỡi lê đâm thẳng vào lưng quân An Nam và cứ thế các thủy thủ thẳng đà tiến” (tr. 51-52).

– “Người ta không còn nhận ra những người lính bình thường nữa. Họ trở nên say máu. Chúng tôi muốn cản lại. Chúng tôi bảo: ‘Các bạn khốn khổ ơi, các bạn có biết hành động như thế là bẩn thỉu và hèn hạ không?’” (tr. 54).

Đó là những trang sách viết về những sự thật không thể chối cãi do một sĩ quan Pháp ghi lại. Có thể nói sự tàn sát người Việt của quân đội Pháp khi họ tấn công vào cửa Thuận An cách đây hơn 140 năm là rất dã man và tàn bạo.

Bên cạnh đó, tác giả cũng phải thừa nhận tinh thần chiến đấu, sự kháng cự dũng mãnh của binh lính đồn trú tại cửa biển Thuận An trước sự tấn công của đối thủ bằng những vũ khí hiện đại:

“Năm giờ rưỡi chièu ngày 18-8-1883

Trái pháo đầu tiên bắn ra từ chiến hạm Bayard, báo hiệu cuộc chiến đã bắt đầu. Pháo rơi ngay vào đồn trại người An Nam làm bắn tung một cơn lốc cát sỏi màu vàng nhạt. Các tàu khác của hạm đội cũng bắt đầu oanh tạc đều đặn và có chiến thuật, mỗi tàu bắn vào một địa điểm chính xác đã được chỉ dẫn hôm qua. Vài phút trôi qua, phía đất liền án binh bất động. Nhưng bỗng từ các đồn lũy, qua các ổ châu mai, những tia sáng xẹt ra, cuộn theo khói trắng; cuộc phản công bắt đầu; người ta bắn trả chúng tôi.

Bọn họ (chỉ quân Việt) thậm chí có một lượng khá lớn đại bác và nhiều ụ pháo nhỏ đặt từng chặng, vùi trong cát chạy dọc bờ biển không dễ gì phát hiện, đạn bắn ráo riết, bắn hết công suất.

Nhưng những viên đạn đại bác tròn tròn không với được đến chúng tôi (chỉ quân Pháp), Chúng rơi tõm nửa đường và chỉ khuấy động mặt nước. Riêng chỉ có tàu hộ tống là tiến gần bờ hơn và một vài trái pháo gặp may mới rơi trúng họ; các tàu thiết giáp ở xa hơn nhìn những trái pháo vụt đến mà dửng dưng, chúng tôi thấy những trái pháo nhảy thia lia trên mặt nước. Chẳng mấy chốc, lửa bắt đầu bốc lên sau đồn Thuận An, đó là những đám cháy do các trái pháo của chúng tôi gây ra, làng mạc bốc cháy; và rất nhanh, lửa bùng lên thật cao cùng với khói dày đặc.

 Cuộc oanh tạc vẫn tiếp diễn. Mặc cho các chiến hạm bị sóng vỗ tròng trành rất khó điều khiển đường đạn, nhưng pháo vẫn tiếp tục trút xuống đám người An Nam như mưa bão, làm họ ngã dúi ngã dụi, nhưng họ vẫn kiên cường bắn trả không khoan nhượng. Hiển nhiên họ là những người dũng cảm…

Vào lúc bảy giờ tối, bóng tối đã buông xuống, làng mạc cháy rực, dẫn đường bắn cho chúng tôi. Mây dày đặc bao phủ núi đồi xứ An Nam, như trùm một màn đen mênh mông trên ấy chỉ còn thấy những đường đạn đang rong chơi, dưới kia, sát mặt biển, những tia lửa như chớp rạch từ các khẩu đại bác vẫn nhắm về phía chúng tôi. Vầng trăng vành vạnh từ từ vén mây hiện ra, không đủ soi sáng tình thế chiến trận – chúng tôi bắt đầu chẳng còn nhìn ra được cảnh trí. Đô đốc ra lệnh ngừng bắn. Tất cả rơi vào tĩnh lặng.

Nhưng phía An Nam vẫn bắn trả đến cùng, họ kháng cự với một sức mạnh không lường và quốc kỳ của vua Tự Đức vẫn tung bay trên bãi biển” (sđd, tr. 22-23).

Được biết, tác giả tập sách – ông Pierre Loti (1850-1923) là một  Đại úy Hải quân Pháp. Ông đã lên tàu Atalante để tham gia chiến dịch ở cửa biển Thuận An do Jules Ferry chỉ huy. Trước khi đến xứ Việt Nam, Pierre Loti là một tiểu thuyết gia chuyên viết về các đất nước xa và được nhiều người tìm hiểu. Tập sách gồm 3 bài đã được đăng tải trên tờ Le Figaro. Ông thuật lại từng ngày từng giờ cuộc đánh chiếm Thuận An, mô tả sự “say máu” của các thủy thủ Pháp đối với binh lính Việt. Các bài báo của ông lúc đó đã gây chấn động nước Pháp và toàn châu Âu. Sau đó, ông bị chính phủ Pháp thải hồi khỏi quân đội, bị khiển trách vì không giữ đúng bổn phận “trung lập” và vì đã mô tả các hành động của binh lính Pháp với sự hung bạo và ác tính.

 Sau khi bị thải hồi và kỷ luật khiển trách từ phía chính phủ Pháp, tác giả đã viết cho văn hào Alfonse Daudet một bức “tâm thư”, trong đó có đoạn: “Tôi chẳng biết họ sẽ xử tôi ra sao, nhưng có một điều bất công đáng phẫn nộ là họ buộc tội tôi đã mô tả những thủy thủ đáng thương của chúng ta như bọn người man rợ. Những người ở Paris đã gửi những thủy thủ qua đây để tham sát, họ là những đứa con của xứ Bretagne can đảm trăm, nghìn lần hơn các ngài, những người lúc nào cũng sống trong hoan lạc, thế mà các ngài lại gửi họ đi viễn chinh ở xứ An Nam này, rồi các ngài lại cảm thấy lợm giọng, nhao nhác như gà phải cáo… khi người ta kể cho các ngài biết sự tình đã xảy ra thế nào”.

Năm 1897, Loti quyết định xuất bản ba bài báo này và cắt bỏ những cảnh gây sốc nhất. Tập sách Ba ngày chiến trận ở xứ An Nam được bà Phan Hồng Hạnh biên dịch và Nxb. Tri Thức xuất bản lần này là trọn vẹn bản thảo gốc chưa bị ông cắt bỏ.

Được biết, vào năm 1919, ba mươi năm sau, ông có nhắc lại sự kiện này trong Hồi ký Prime Jeunesse (Tuổi thanh xuân):

       “Cuộc viễn chinh điên cuồng và tai hại qua xứ An Nam được một trong những nhà cầm quyền tồi tệ nhất của chúng ta ra lệnh, họ gởi qua đó, nhằm một mục đích xấu xa, hàng nghìn đứa con của nước Pháp để rồi những đứa con đó không bao giờ được trở về quê hương” (sđd, tr. 11).

Tài liệu tham khảo:

– Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 8, Viện Sử học dịch, Nxb. Giáo dục, 2004.

Ba ngày chiến trận ở xứ An Nam, Pierre Loti, Phan Hồng Hạnh dịch, Nxb. Tri Thức, 2023.

Bài liên quan

Bài đăng mới