Quanh những lời đồn đại về kho vàng Ninh Tốn ở Tam Điệp

Lê Xuân Quang

Tạp chí Xưa&Nay, số 0, tháng 3 năm 1994

Truyền thuyết nói Tiến sĩ Ninh Tốn người xã Côn Trì, huyện Yên Mỹ, trấn Thanh Hoa ngoại, nay là thôn Côn Trì, xã Yên Mỹ, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, phụng mệnh vua Lê đem số vàng bạc trong kho ở kinh thành Thăng Long về cất giấu ở vùng Tam Điệp, trước khi quân Tây Sơn ra Bắc. Hiện nay có nhiều bản ghi chép số lượng vàng bạc chôn giấu (ta quen gọi là gia phả), không nhất quán, trong phạm vi một bài báo, tôi xin đơn cử một bản gia phả ghi vàng bạc chôn giấu là 72 nghìn dật, mỗi dật là 10 lạng, tính ra 720 ngàn lạng (mỗi lạng 16 đồng cân). Số vàng này đối với vua các triều khác thì không to, nhưng đối với vua đời Lê Trung hưng thì là con số kỷ lục, mà nhà vua không thể có. Vì các vua đời Lê Trung hưng đều là bù nhìn, việc nước đều do chúa Trịnh nắm giữ. Chúa cho vua ăn lộc 1.000 xã, thiếu thốn đến nỗi ngay ngày lễ giỗ ở Thái Miếu và điện Lam Kinh, một người gánh 2 con trâu, một người gánh 4 mâm xôi, thậm chí bánh đồ đường, dùng nước quả dành dành, mật thì thay bằng nước chè tươi, nên chỉ có màu vàng mà không có vị ngọt, như vậy, vua Lê làm gì có nổi 720 nghìn lạng vàng bạc.

Hệ thống núi đá ở phòng tuyến Tam Điệp

Lại có thuyết cho rằng Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc diệt chúa Trịnh trả lại quyền chính cho vua Hiển Tông, vua mới sai Ninh Tốn đem đi giấu.

Theo chính sử, vua Lê Hiển Tông mất sau khi chúa Trịnh bị diệt, Nguyễn Huệ bấy giờ đã lấy Công chúa Ngọc Hân và ông thân tiễn đoàn thuyền đưa quan tài vua Lê về chôn cất ở Thanh Hóa. Nếu được trả lại quyền vị, được trả lại kho tàng vàng bạc có nhiều chăng nữa, vua Lê cũng không vội gì phải cất giấu, vả lại tướng chỉ huy quân Tây Sơn diệt Trịnh phù Lê bấy giờ đã là con rể vua đang có mặt ở kinh thành Thăng Long.

Lại có thuyết cho rằng Tiến sĩ Ninh Tốn chôn vàng đời vua Chiêu Thống (vua nối ngôi Hiển Tông), trước khi quân Tây Sơn ra Bắc lần thứ hai, thuyết này càng không ổn, vì vua Chiêu Thống lên ngôi, kho tàng rỗng tuếch, đã phải vét hết chuông đồng, tượng đồng trong nước để đúc tiền thì làm gì có số lượng vàng bạc lớn như trên đem chôn giấu.

Lại có thuyết cho rằng Ninh Tốn theo Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc đánh đuổi chúa Nguyễn, thu lại xứ Đàng Trong, Ninh Tốn được giữ chức Hiệp trấn, thu được nhiều vàng bạc đem về chôn giấu ở quê hương. Gia phả ghi lại bao giờ dòng họ Ninh sa sút, con cháu mới đào số vàng bạc này, chia làm ba phần. Một phần cho người thừa tự nối dõi ông, một phần chia đều cho cả họ, một phần cúng vào việc tu sửa các đền, chùa, miếu mạo. Thuyết này càng không thể tin được, vì Lê Quý Đôn đã ghi ở Phủ biên tạp lục là triều đình khôi phục hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam, Lê Quý Đôn được triều đình Lê – Trịnh sai vào làm Tham thị quân vụ, rồi lĩnh chức Hiệp trấn, còn Ninh Tốn là một viên quan nhỏ thì làm sao có thể lấy vàng bạc ở xứ Đàng Trong đem về quê hương?

Kho vàng truyền thuyết muôn vẻ nghìn màu, vô cùng hấp dẫn này, trước Cách mạng Tháng 8, một người trong họ Ninh đem gia phả bán cho Huyện Hưng, người Kim Sơn. Huyện Hưng đã tổ chức đồn điền làm bình phong che đậy, để đào bới tìm kiếm, nhưng đã hoàn toàn thất bại và bị phá sản.

Năm 1993, nhân dân khai hoang phát hiện hai bài thơ của Đông Các Đại học sĩ Ninh Tốn khắc trên những phiến đá cao hơn 1 mét nhô trên mặt đất ở khu đồi vải, rộng khoảng 30ha, một cao nguyên núi non trùng điệp, thuộc xã Yên Đồng, huyện Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, cách thị trấn Tam Điệp 7km về phía đông nam. Hai bài thơ khắc trên hai phiến đá có giá trị đặc biệt, cho ta biết đồi vải xưa có tên là Bãi Vũ Vu (Vũ Vu nguyên), bên cạnh những phiến đá khắc thơ, còn có nhiều phiến đá nhỏ hơn khắc các chữ “Tiên tỉnh”, “Ngọc tỉnh”, “Liên tỉnh”; và đã thông báo phát hiện mới khảo cổ học năm 1985, với đầu đề Quần bia đồi vải.

Ấy thế mà nay lại có thuyết, những bài thơ và chữ khắc trên đá mới chính là chìa khóa mở kho vàng, vì khi chôn giấu xong, Ninh Tốn khắc thơ, trong thơ có ngụ ý bí mật chỉ dẫn lấy vàng.

Tôi là người sưu tầm, phiên âm, dịch nghĩa, tác giả bài Quần bia đồi vải, xin có vài ý kiến về thuyết này, trước hết là nội dung.

Ninh Hi Tăng (hàm Thị độc) thân phụ Tiến sĩ Ninh Tốn, ẩn cư ở hai bãi Vũ Vu (Vũ Vu nguyên) để nghiên cứu Lý học và viết tập Vũ Vu thiển thuyết, tập Phong vịnh. Khi Ninh Hi Tăng mất, bấy giờ Ninh Tốn đang giữ chức Đông Các Đại học sĩ, xây miếu thờ ngay chỗ ở của Ninh Hi Tăng và khắc vào đá hai bài thơ, vào mùa thu, năm Tân Sửu (1751), bấy giờ chúa Trịnh Sâm đang cầm quyền, ngang ngược ức hiếp vua Lê thậm tệ, giết cả thái tử, đến nỗi Hiển Tông – ông vua một nước chỉ còn có việc dạy bọn cung nữ tập trận chia hai bên đánh nhau và vua chỉ còn có chơi với đám mèo trong cung, thì làm gì có vàng bạc nhiều phải đem đi chôn giấu, càng không có quyền sai người chuyển vàng bạc trong kho nhà nước của chúa Trịnh đi giấu? Dãy núi Tam Điệp là ranh giới giữa quận Cửu Chân và quận Giao Chỉ, có ải Cửu Chân (Cửu Chân quan), có thể là nơi đắc địa cho việc chôn cất kho tàng. Ở đây, tôi không bàn đến cái giả thuyết cho rằng trong thời gian một ngàn năm Bắc thuộc, quan thái thú và các viên huyện lệnh, đô úy quận Cửu Chân khi mãn hạn trở về Trung Quốc, không thể đem số vàng bạc vơ vét trong lúc làm quan, mà phải tìm cách chôn giấu, để sau này con cháu theo gia phả đem lấy về. Còn giả thuyết về những kho vàng do người Việt Nam chôn giấu nếu có cũng ít, riêng kho vàng Tiến sĩ Ninh Tốn chôn giấu cho vua Lê thì chỉ là bịa tạc

Bài liên quan

Bài đăng mới