…”Với một thiết chế cực quyền gần như vô biên dành cho hoàng đế, nhưng triều Nguyễn tồn tại khá bền vững hơn 80 năm trước khi Pháp chiếm kinh đô Huế và tiếp tục tồn tại song song với hai quyền lực khác là chế độ thực dân Pháp và thiết chế tự trị của làng xã cho đến năm 1945 là cả giá trị khoa học và thực tiễn đối với tổ chức bộ máy nhà nước ở Việt Nam, cho đến nay vẫn là bài học bổ ích”.
Hoàng đế là ngôi vị cao nhất của các triều đại quân chủ ở Trung Quốc và Việt Nam. Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng, sau khi bình định được toàn cõi, xưng đế vào năm 211 trước Công nguyên phân phong cho các vương hầu thể hiện đầy đủ quyền lực của một chế độ phong kiến điển hình. Ở Việt Nam, Hùng Vương thứ nhất lên ngôi trong khoảng từ năm 696- 682 trước Công nguyên là vị vua đầu tiên của nhà nước sơ khai tiền quân chủ không trải qua chế độ chiếm hữu nô lệ. Các vua An Dương Vương (208- 179 trước Công nguyên), Trưng Vương (40-43), Ngô Quyền (938- 965) đều lên ngôi sau Hoàng đế nhà Tần, nhưng cũng chỉ xưng vương. Hai vị Hoàng đế lên ngôi trong buổi đầu của Việt Nam là Lý Nam Đế năm 544 và Mai Hắc Đế năm 722. Đó là kết quả của quá trình đấu tranh giành quyền tự chủ với các đế chế Trung Quốc nên tự nhận mình là Hoàng đế mang tính tự tôn của dân tộc, chứ không do xuất phát từ cuộc chiến tranh giành ngôi bá chủ với sự phân phong quyền lực theo định danh của chế độ phong kiến.

Các triều đại Đinh (968-890), Tiền Lê (980-1009), Lý (1010-1225), Trần (1225-1400), Hồ (1400-1407), Lê (1427-1788) đều xưng Đế ngay trong năm đầu của triều đại mới. Tây Sơn là một phong trào nông dân, trong quá trình khởi nghĩa tuy chưa thành, nhưng vào năm 1778 Nguyễn Nhạc đã xưng Đế, tiếp theo Nguyễn Huệ cũng xưng Đế (1788). Vua Gia Long lên ngôi vào năm 1802, sau khi đánh bại vương triều Tây Sơn, nhưng đến năm 1806 mới xưng Đế. Vị hoàng đế có quyền lực cao nhất trong chế độ quân chủ Việt Nam là Minh Mạng (1820-1840). Như vậy, quyền lực của hoàng đế triều Nguyễn có gì đặc biệt, khác thường, là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Việc xưng Đế của vua Gia Long giống với các vị hoàng đế triều trước là tự suy tôn mang tính bình đẳng với Hoàng đế Trung Quốc và để có chính danh là người nắm quyền lực duy nhất đối với thần dân ở trong nước, nhưng lại không giống với Lý Nam Đế, Mai Hắc Đế và cũng rất khác với Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ, Trần Thái Tông, Lê Thái Tổ, Thái Đức, Quang Trung.
Vua Gia Long có thế xưng Đế sau khi loại bỏ được vương triều Tây Sơn vào năm 1802 ngay khi mới lên ngôi, để thỏa mãn lòng tự tôn và có chính danh với các phe phái cùng thần dân trong nước. Nhưng, Gia Long là một quân vương có nhiều trải nghiệm về đối nội và đối ngoại trước khi lên ngôi nên ông đã không xưng Đế trong năm đầu lập vương triều.
Ông hỗ trợ lương thực để lấy lòng nhà Thanh[i], nhưng không cầu viện quân Thanh để đánh Tây Sơn là đúng, vì nhà Thanh đã phong vương và bảo trợ cho nhà Tây Sơn. Ông cầu viện Xiêm bị thất bại, là một sai lầm trong mục tiêu khôi phục chủ quyền của dòng họ mâu thuẫn với lợi ích dân tộc; còn cầu viện Pháp, tuy không thành công về phương diện nhà nước được ký qua hiệp ước Versailles vào năm 1787, nhưng Tây viện đã góp phần giúp ông lấy lại ngôi vương vào năm 1802.
Để cơ đồ không bị mất với nguyên nhân không đáng có trong thời điểm nhạy cảm như lòng tự tôn với nhà Thanh, chính danh với trong nước. Vua Gia Long cần thận trọng, mềm dẻo trong mọi tình huống và cần thời gian thăm dò đối phương để có quyết sách phù hợp và kịp thời. Tháng 6 năm 1802, sau khi lên ngôi, vua Gia Long cử đoàn sứ do Trịnh Hoài Đức làm Chánh sứ sang nhà Thanh: “ đem quốc thư và phẩm vật, lại đem cả ấn sách đã bắt được do người Thanh phong cho nhà Tây Sơn”[ii] để báo Tây Sơn không còn và xin nhà Thanh nghiêm phong biên giới nhằm chặn quân Tây Sơn bôn tẩu. Cuối năm 1802, vua Gia Long lại cử một đoàn sứ khác do Lê Quang Định làm Chánh sứ sang Trung Quốc để xin nhà Thanh phong vương cho vua mới và đổi quốc hiệu[iii]. Quốc thư có đoạn: “ Các đời trước mở mang cõi việm bang, mỗi ngày một rộng, bao gồm cả nước Việt Thường, Chân Lạp dựng quốc hiệu Nam Việt, truyền nối hơn 200 năm[iv]. Nay đã quét sạch miền Nam, vỗ yên được toàn cõi Việt, nên khôi phục lại hiệu cũ để chính danh tốt”[v].

Biết được ý đồ của vua Gia Long nên vua Gia Khánh không chấp nhận việc đổi tên nước là Nam Việt, vua Gia Long nhiều lần gửi thư giải bày, nhưng rất cương quyết và đã thành công: “Nếu vua Thanh không cho thì không chịu phong. Vua Thanh sợ mất lòng nước ta, mới dùng chữ Việt Nam để đặt tên nước”[vi]. Đầu năm Giáp Tý (1804), Nhà Thanh sai Bố Sâm làm Chánh sứ sang hành cung Thăng Long để làm lễ tuyên phong. Vua Gia Long tiếp sứ và đón nhận lễ vật tại điện Kính Thiên[vii].
Cuộc đấu tranh ngoại giao về đặt quốc hiệu này phải mất gần hai năm, hai bên mới đồng thuận với tên nước là Việt Nam.
Đây là một thành công về đối ngoại chưa từng có về đặt quốc hiệu nước ta trong thế ứng xử với Thiên triều Trung Hoa.
Sau khi đã có đủ cơ sở pháp lý là quốc vương một nước có chủ quyền đối ngoại và bình ổn trong nước, đến năm 1806, Gia Long mới xưng Đế.
Sau lễ đăng quang, Gia Long mới nhân danh là Hoàng đế, được xưng là Trẫm, thần dân từ đó mới được tôn xưng là Hoàng thượng hay Bệ hạ[viii].
Quyền của Hoàng đế triều Nguyễn là một quyền lực tuyệt đối. Hoàng đế triều Nguyễn vừa nắm Chính quyền, Pháp quyền và cả Giáo quyền. Chính quyền Trung ương triều Nguyễn có các Bộ và các Nha, tuy là trực thuộc Hoàng đế nhưng đều là cơ quan tư vấn cho Hoàng đế.
Ở các nước Phương Tây thời trung đại, nhà vua chỉ nắm về Chính quyền (Nhà nước), ruộng đất thuộc về các lãnh chúa còn Giáo quyền lại thuộc về Giáo hội đứng đầu là Đức Giáo hoàng. Chính quyền không những tôn trọng Giáo quyền mà còn tuân thủ các quy ước của Giáo quyền. Ở Pháp, các tu sĩ Thiên Chúa giáo được hành xử không thuộc quản chế luật pháp của nhà nước Pháp hoàng.
Quan niệm của vua Nguyễn ở Việt Nam về Đạo Trời cũng như một số nước ở Phương Đông khác cho rằng, Hoàng đế là Thiên tử, tức con của Trời. Hoàng đế là Giáo chủ thay Trời để trị dân. Dân dưới gầm Trời là thuộc về Hoàng đế, họ vừa là Công dân vừa Thần dân nên sinh mệnh của dân là do Hoàng đế định đoạt. Chống lại vua là chống lại ngôi chủ của Đạo Trời, là nghịch tặc, Trời không dung, Đất không tha, bị ghép vào tội phản nghịch.
Không những đối với thần dân mà ngay cả quỷ thần, phúc thần, nhà vua cũng có quyền ban sắc phong, lập đền thờ hay ra lệnh thu hồi sắc phong, triệt phá cơ sở thờ tự.
Pháp quyền của Nhà nước đứng đầu là Hoàng đế kết hợp với Giáo quyền đứng đầu là Thiên tử tạo thành một quyền uy tuyệt đối mang tính ngự trị vừa hữu hình, vừa siêu hình trên các phương diện của đời sống người dân.
Hoàng đế triều Nguyễn không chỉ đứng đầu về nền hành pháp mà cả về đất đai, “đất của vua, chùa của làng”. Tuy có lực lượng địa chủ, nhưng trước sự kiểm soát của nhà vua và bộ máy Nhà nước, trước sự ưu tiên của nhà vua đối với ruộng đất thuộc sở hữu trực tiếp của Nhà nước và ruộng đất công làng xã nên vị thế của địa chủ hết sức bé nhỏ và năng lực cũng rất hạn chế.
Luật pháp và các điển lệ của Triều Nguyễn rất nghiêm khắc và chặt chẽ đã hỗ trợ đắc lực cho Hoàng đế thực hiện một nền quân chủ độc tôn. Do vậy, các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức luôn ở vị thể cực tôn quyền lực trong bộ máy cai trị và sự cung kính của thần dân.
Đại Nam hội điển sự lệ được ban hành dưới triều vua Tự Đức có quy định: Tên vua không được lấy làm tên đất, tên người; nếu đã đặt tên từ trước, nay gặp tên húy của vua phải đổi tên. Khi đọc gặp tên vua phải đọc trại ra. Khi viết gặp tên húy của vua phải tìm chữ đồng nghĩa hoặc “chiết tự tị âm” để viết[ix].
Hoàng đế là người đứng đầu quân đội, có quyền tuyên chiến hoặc nghị hòa, quyền quyết định về các sắc thuế và đối ngoại.
Hoàng đế nhà Nguyễn tuy đã ở vị trí độc tôn của một nước quân chủ Phương Đông, nhưng Minh Mạng đã có nhiều biện pháp mạnh mẽ, đưa triều Nguyễn trở thành triều đại quân chủ chuyên chế cực tôn quyền lực hàng đầu trong các triều đại vua chúa ở Việt Nam.
Chỉ có trực hệ với vua Minh Mạng thì con cháu mới được truyền ngôi vua thông qua bài thơ Đế hệ do Minh Mạng soạn và truyền đạt:
Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Tường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương
Bài thơ này sau khi được Hoàng đế Minh Mạng ban ra, Nguyễn Phúc Miên Tông là người đầu tiên được nối ngôi lấy niên hiệu Thiệu Trị (1840-1847); cháu 5 đời của Hoàng đế Minh Mạng kế tục ngôi vua là Bảo Đại, có tên Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy (1913-1997), là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn.
Các dòng khác, kể cả dòng đích là con trưởng của vua Gia Long (con cháu Thế tử Cảnh) cũng không được kế thế làm vua.
Phòng ngừa ngôi vua rơi vào họ bên ngoại, vua Minh Mạng không sách lập Hoàng hậu. Triều Nguyễn có hai vị vua ngoại lệ trong việc sách lập Hoàng hậu là vua đầu triều Gia Long và vua cuối cùng Bảo Đại.
Dưới triều Nguyễn không đặt các chức vụ tương đương Tể tướng như các triều trước, quan chức chỉ được phong các tước bá, tử, nam, ít người được phong tước công, hầu. Tước vương chỉ phong cho các hoàng thân, nhưng sau khi đã qua đời như Tùng Thiện vương, Tuy Lý vương…Các quy định này đã tạo ra một khoảng cách quyền lực giữa Hoàng đế và các thuộc quan, một ngôi cực quyền không thể chia sẻ.
Từ năm 1822, năm mở khoa thi Hội đầu tiên đến năm 1919 là khoa thi cuối cùng, triều Nguyễn có 39 khoa thi lấy được 293 Tiến sĩ, không có Trạng nguyên, rất khác với các triều đại trước. Bởi vì, học vị Trạng nguyên là đỉnh cao của học vấn, là bậc thầy của thiên hạ, được xã hội trọng vọng, tôn kính. Trạng nguyên có tiếng nói trung tính, có khả năng dự báo của xã hội. Trạng nguyên được quyền bất khả xâm phạm. Với đặc quyền mang tính sùng bái, tôn vinh đó nên các Trạng nguyên sẽ chi phối xã hội bằng hệ tư tưởng, quan điểm chính trị, luận điểm giáo dục, văn hóa mà Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm vào thời Lê – Mạc với lời khuyên chúa Nguyễn Hoàng vào Nam vào năm 1558 là một bằng chứng. Do vậy, Triều Nguyễn không lấy học vị Trạng nguyên.
Thái giám là một đội ngũ cận thần đặc biệt của các triều đại quân chủ, trong đó có Triều Nguyễn. Vì sự trung thành với triều đại đang phụng sự, Thái giám hy sinh cuộc đời thường kể cả thể xác và tương lai nòi giống để phục vụ trong Nội cung. Đội ngũ Thái giám trở thành các phe nhóm siêu quyền lực ở trong triều, là người ở vị thế trung gian giữa vua và các đại thần, là người phát ngôn và lưu bút cho Hoàng đế, Thái hậu, Hoàng hậu trong các công vụ nên dễ tạo ra quyền biến, lộng hành, hình thành các phe nhóm mâu thuẫn trong triều đình. Thấy rõ nguy cơ này, nên Triều Nguyễn cấm các quan Thái giám, nhất là Thái giám Thừa bút, nếu không được phép của nhà vua thì không được phê duyệt công văn.
Giáo quyền kết họp với vương quyền là đặc trưng của chế độ quân chủ Việt Nam và một số nước ở Phương Đông. Các học thuyết chính trị ở Phương Đông với quan niệm ĐẠO TRỜI, nhà vua được mệnh danh là THIÊN TỬ, là con của Trời, làm Giáo chủ để cai trị thiên hạ.
Nhà vua độc quyền tế Trời ở Đàn Nam Giao và trị nước với mục đích để hợp lòng dân và thuận ý trời”. Khoa Thiên văn xem xét các hiện tượng trong trời đất chiếu mệnh hoặc báo hiệu cho Thiên Tử nhận biết để điều hòa giữa Người với Trời-Đất cho phù hợp với quy luật Thiên-Địa-Nhân. Hoàng đế với danh hiệu Thiên Tử là vị Thánh sống có ngôi vị cao hơn các Thượng đẳng thần với sức quyền biến vô hạn, là người điều hành chính quyền vượt lên tất cả các thế quyền với một quyền uy gần như tuyệt đối. Do đó, người dân vừa là công dân, vừa là thần dân; họ trở nên bé nhỏ và chịu sự phục tùng tuyệt đối trước nhà vua. Chống lại vua là chống lại Đạo Trời, là làm nguy hại đến xã tắc sơn hà nên đều bị xếp vào loại giặc, là làm loạn.
Pháp quyền của Nhà nước với giáo quyền của Thiên tử kết hợp để thống trị nhân dân nên chế độ quân chủ Phương Đông kéo dài mà ít thấy các cuộc cải cách hoặc cách mạng xã hội thành công triệt để. Di sản phong kiến nặng nề và nguy cơ tái lập chế độ quân chủ là trở lực của nhiều nước Phương Đông trước ngưỡng cửa công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nưóc.
Với một thiết chế cực quyền như dưới thời Minh Mạng, nhưng Triều Nguyễn vẫn tồn tại 143 năm kể cả sức ép qua 60 năm dưới thời Pháp thuộc (1885-1945). Trong khi đó, vào thời sơ kỳ của chế độ quân chủ, kỷ cương phép nước còn lỏng lẻo, triều Ngô (939-965), Đinh (968-980), Tiền Lê (980- 1009), mỗi vương triều tồn tại trên dưới hai mươi năm là vấn đề đáng bàn.
Ngoài pháp trị làm chuẩn mực để quản lý xã hội theo phép nước, các vua Nguyễn rất đề cao đức tri, lấy giáo hóa để cảm hóa dân chúng, lấy nhân tâm để thu phục mọi người, lấy chính đạo để chinh phục bá đạo. Mỗi lời nói, việc làm của vua đều có ý răn dạy mọi người. Thiên tai, dịch bệnh, mất mùa, đói kém, dân nổi dậy…Các vua Nguyễn đều cho do mình đức mỏng, tài hèn nên không được Trời chiếu giám, không được dân ủng hộ nên ra sức tu luyện, hướng thiện, khoan thư cho dân để hợp lòng dân, ngôi vị mới lâu bền.
Hoàng đế là Thiên tử giáng thế thay Trời trị dân theo thuyết Tam tài THIÊN- ĐỊA- NHÂN trong quan niệm ĐẠO TRỜI. Trời cao luôn giám sát ngôi Thiên tử để răn đe, bảo trọng cho Đế vương được lâu bền.
Dân vi quý là một trong những quan niệm trị nước lâu đời của các vua chúa Việt Nam, dân là quý nhất, là gốc của nước. Các Hoàng đế nhà Nguyễn thường thể hiện tư tưởng thương dân, quý dân trong các văn kiện của triều đình.
Các vua Nguyễn cũng luôn chú trọng đến khai thông luồng dân ý, cho lâp chiếu cầu ngôn, để có lời nói thật, có hiền tài ra giúp nước. Lúc Nguyễn Ánh xây dựng chính quyền tại Gia Định đã cho mở hòm thư Dân ý, ai có khiếu nại, thắc mắc, nguyện vọng đều được đưa thư tỏ bày. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long ban chiếu Cầu ngôn. Năm 1804, vua Gia Long ra Bắc thành, Nguyễn Công Trứ lúc đó là một thư sinh nghèo đã dâng Thái bình thập sách.
Năm 1832, Minh Mạng cho lập Đô Sát viện, với chức năng: “ Phàm hoàng thân, quốc thích, quan viên lớn nhỏ có làm điều bất công, bất pháp, thực trạng tham nhũng hay liêm khiết, hay hoặc dở của quan chức trong ngoài, cùng các chương tấu có ý kiến không theo công lý đều được tham hặc” [x]. Như vậy, dù là một thiết chế đề cao cực quyền của nhà vua, nhưng triều Nguyễn tự giám sát, kiểm soát bằng một cơ quan của triều đình là Đô Sát viện để cân bằng về độc đoán và các hành vi phi pháp của cơ quan hành pháp.
Làng xã Việt Nam với thiết chế tự trị lâu đời theo hương ước, lệ làng, người đứng đầu do dân bầu để thực thi nhiệm vụ và quyền lợi của xã dân. Triều Nguyễn thu thuế, bắt phu dịch, tuyển lính đều thông qua bộ máy quản lý làng xã. Làng xã có ruộng đất công của làng, ở đây, người dân bảo vệ làng xã như chính sự sống của mình về cả hai phương diện vật chất và tinh thấn, là vấn đề mà Triều Nguyễn không thể không tôn trọng mà còn sử dụng như một mã lực cho cổ xe nhà nước trong quá trình vận hành. Một bộ luật như Quốc triều luật lệ được ban hành vào thời Gia Long uy lực đến thể, nhưng nông thôn vẫn sống trong môi trường cộng đồng truyền thống, vì có nơi Phép vua vẫn thua lệ làng. “ Mọi cố gắng của Triều Nguyễn nhằm can thiệp vào làng xã, nhưng cuối cùng cũng phải thừa nhận một hương thôn là tiểu triều đình xuất hiện khắp mọi nơi”[xi].
Với một thiết chế cực quyền gần như vô biên dành cho Hoàng đế, nhưng Triều Nguyễn tồn tại khá bền vững hơn 80 năm trước khi Pháp chiếm Kinh đô Huế và tiếp tục tồn tại song song với hai quyền lực khác là chế độ thực dân Pháp và thiết chế tự trị của làng xã cho đến năm 1945 là cả giá trị khoa học và thực tiễn đối với tổ chức bộ máy Nhà nước ở Việt Nam cho đến nay vẫn là bài học bổ ích.
[i] Quốc Sử quán triều Nguyễn (2022), Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Hà Nội, tr. 263.
[ii] Quốc sử quán triều Nguyễn (1963), Đại Nam thực lục, tập 3, Chính biên, Đệ nhất kỷ II, Nxb. Sử học, Hà Nội, tr. 30.
[iii] Quốc sử quán triều Nguyễn (1963), Đại Nam thực lục, tập 3, Sđd, tr. 91.
[iv] Ý nói, nước Nam Việt thời nhà Triệu bắt đầu từ năm 207 TrCN- 111 TrCN (chỉ 96 năm)
[v] Quốc sử quán triều Nguyễn (1963), Đại Nam thực lục, tập 3, Sđd, tr. 157.
[vi] Quốc sử quán triều Nguyễn (1963), Đại Nam thực lục, tập 3, Sđd , tr. 158.
[vii] Quốc sử quán triều Nguyễn (1963), Đại Nam thực lục, tập 3, Sđd, tr. 159.
[viii] Đỗ Bang (Chủ biên) (1997), Tổ chức bộ máy nhà nước triều Nguyễn, giai đoạn 1802-1884, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 9.
[ix] Nội các triều Nguyễn (1992), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Bộ Lễ, Q.12, Bản dịch, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 148, 144-146.
[x] Nội các triều Nguyễn (1992), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Sđd, tập 14, tr. 130-131.
[xi] Đỗ Bang (Chủ biên-1997), Tổ chức bộ máy nhà nước triều Nguyễn, giai đoạn 1802-1884, Sđd, tr. 19.