Quyết sách sử dụng  nhân tài của  Nguyễn Huệ – Quang Trung

Đỗ Bang

Tạp chí Xưa&Nay, số 571, tháng 1 năm 2025

Nắm được quy luật của lịch sử và chiến tranh cùng dự báo chính xác, quân đội Tây Sơn đã đánh tan 5 vạn quân Xiêm dưới vương triều Rama hùng mạnh vào đầu năm 1785 và 29 vạn quân Thanh dưới triều vua Càn Long bất khả chiến bại vào đầu Xuân Kỷ Dậu (1789); Nguyễn Huệ – Quang Trung trở thành thiên tài quân sự, anh hùng dân tộc. Sau khi đánh bại giặc ngoại xâm, vua Quang Trung xây dựng Phú Xuân thành kinh đô thống nhất, hùng mạnh, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước là nhờ nhà vua có chính sách sử dụng nhân tài sáng suốt, đúng đắn, phù hợp với yêu cầu của đất nước lúc bấy giờ.

Nguyễn Huệ có một đội ngũ tướng lĩnh, quan chức tài ba, trung thành phò tá ngay từ buổi đầu khởi nghĩa tại phủ Quy Nhơn cho đến lúc đạt đến đỉnh cao chiến thắng và quyền lực tại Thăng Long và Phú Xuân là nhờ có quyết sách đúng đắn.

1. Một số trường hợp tiêu biểu:

Đại Tư mã Ngô Văn Sở (?-1785)

Đại tư mã Ngô Văn Sở. ảnh: Bảo tàng Quang Trung cung cấp

Ngô Văn Sở tham gia Tây Sơn ngay từ đầu, là công thần bậc nhất của vương triều này⁽¹⁾, là tướng chỉ huy đánh quân Thanh tại Thăng Long, người được vua Quang Trung giao trông coi 11 trấn Bắc Hà sau khi vua Lê Chiêu Thống xuất kinh. Ngô Văn Sở cũng là nhà ngoại giao dẫn đầu đoàn sứ sang nhà Thanh năm 1790.

Thiếu phó Trần Quang Diệu (?-1802)

Thiếu phó Trần Quang Diệu. ảnh: Bảo tàng Quang Trung cung cấp

Trần Quang Diệu quê ở Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, là chồng Đô đốc Bùi Thị Xuân, tham gia khởi nghĩa Tây Sơn trong buổi đầu.

Tài năng Trần Quang Diệu được phát huy cao độ khi ở dưới trướng Nguyễn Huệ đã góp phần quan trọng trong các chiến thắng quân Nguyễn, quân Trịnh, đội quân xâm lược Xiêm, Thanh. Năm 1790, Trần Quang Diệu được vua Quang Trung cử làm Trấn thủ Nghệ An, xây dựng Phượng Hoàng Trung đô và được giao bảo hộ Ai Lao.

Tháng 9 năm 1792, trước khi qua đời, vua Quang Trung cho gọi Trần Quang Diệu từ Nghệ An về kinh để chuẩn bị dời đô ra Trung đô (Nghệ An), phó thác triều đình cho Trần Quang Diệu. Vua Quang Trung căn dặn Trần Quang Diệu: “Ta mở mang cương giới, khai thác đất đai trùm cõi Nam phục, nay ta bệnh ắt không dậy được. Thái tử tư chất khá cao nhưng tuổi còn bé, ngoài thì có mối cừu thù ở Gia Định, vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) tuổi già ham dật lạc tạm yên không lo hậu loạn. Sau khi ta mất rồi, phải trong một tháng lo chôn cất sơ sài cho xong việc mà thôi. Bọn ngươi phải phò tá Thái tử sớm dời đô về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Không như thế, khi quân Gia Định kéo ra, bọn người không có chỗ chôn đấy”⁽²⁾.

Không hiểu lý do gì, Trần Quang Diệu không thuyết phục được triều thần dời đô ra Nghệ An, lại không phải mình mà là Bùi Đắc Tuyên làm nhiếp chính cho vua trẻ Cảnh Thịnh nên triều đình Tây Sơn từ đó sinh biến.

 Đại Tư đồ Võ Văn Dũng (?-1835)

Đại tư đồ Võ Văn Dũng. Ảnh: Bảo tàng Quang Trung cung cấp

Võ Văn Dũng người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn⁽³⁾, tham gia phong trào Tây Sơn từ buổi đầu. Dưới trướng Nguyễn Huệ, Đô đốc Võ Văn Dũng chỉ huy nhiều trận đánh quân Nguyễn, quân Trịnh trong Nam, ngoài Bắc được ban tước hiệu Vũ hầu. Ông chỉ huy trận đánh quân Thanh ở đồn Khương Thượng, góp phần tạo nên chiến thắng oanh liệt vào đầu Xuân Kỷ Dậu (1789). Danh tướng Võ Văn Dũng cũng là nhà ngoại giao tham gia sứ đoàn giả vương Phạm Công Trị sang Trung Quốc chúc thọ vua Càn Long 80 tuổi (1792). Sau sự kiện này, Võ Văn Dũng được phong làm Đại Tư khấu, giao trấn thủ Bắc Hà.

Đô đốc Bùi Thị Xuân (?-1802)

Đô đốc Bùi Thị Xuân. Ảnh: Bảo tàng Quang Trung cung cấp

Bùi Thị Xuân người thôn Xuân Hòa⁽⁴⁾, tham gia Tây Sơn từ buổi đầu, là một danh tướng chỉ huy tượng binh tham gia nhiều trận mạc lập chiến công lừng lẫy. Với 100 voi chiến, Đô đốc Bùi Thị Xuân cho tiến vào thành Thăng Long làm quân Thanh khiếp sợ, góp phần tạo nên chiến thắng vào đầu Xuân Kỷ Dậu (1789).

Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết (?-1802)

Nguyễn Văn Tuyết quê ở Nhơn Ân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Dưới trướng Nguyễn Huệ, Nguyễn Văn Tuyết là một danh tướng kiêu hùng lập nhiều chiến công hiển hách.

Năm 1788, Nguyễn Văn Tuyết được Nguyễn Huệ giao trấn thủ Bắc Hà cùng Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhậm. Khi quân Thanh chuẩn bị tiến vào Thăng Long, Nguyễn Văn Tuyết đã phi ngựa vào Phú Xuân cấp báo cho Nguyễn Huệ để có phương lược phản công. Ngày 22 tháng 12 năm 1788, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi Hoàng đế tại Bân Sơn và hạ lệnh xuất quân ra Bắc đánh quân Thanh. Nguyễn Văn Tuyết được vua Quang Trung giao giữ đạo quân vu hồi đánh tập hậu sau khi quân Thanh thua trận rút khỏi thành Thăng Long về nước. Đội quân vu hồi do Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy đã hoàn thành xuất sắc trên chiến trường Thăng Long vào đầu Xuân Kỷ Dậu (1789).

Đô đốc Nguyễn Văn Lộc

Nguyễn Văn Lộc quê ở Kỳ Sơn, huyện Tuy Viễn⁽⁵⁾, tham gia khởi nghĩa Tây Sơn từ đầu, là tướng lĩnh được Nguyễn Huệ giao đánh thành Phú Xuân năm 1786. Sau đó, ông được giao trấn tướng ở Thanh Hóa.

Trong chiến dịch Xuân Kỷ Dậu (1789), Đô đốc Nguyễn Văn Lộc được vua Quang Trung giao chỉ huy một đội quân thủy tiến thẳng ra cửa Thái Bình rồi cho quân đổ bộ chặn viện và truy diệt quân Thanh thất bại trong trận Thăng Long bôn tẩu về nước. Trong nhóm tàn binh tháo chạy, Đô đốc Nguyễn Văn Lộc phát hiện ra Tôn Sĩ Nghị. Trong nguy kịch, Nghị vội vàng phóng ngựa tẩu thoát, Đô đốc Lộc đã bỏ mất cơ hội bắt sống chủ tướng của quân Thanh.

Nội hầu Phan Văn Lân

Phan Văn Lân là một trợ tướng đắc lực của Nguyễn Huệ, tham gia Tây Sơn ngay từ đầu. Phan Văn Lân là tướng chỉ huy chiến dịch Phú Xuân – Thăng Long năm 1786. Năm 1787, khi giao Bắc Hà cho Võ Văn Nhậm cai quản, Nguyễn Huệ dặn với Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân: “Nhậm trong chuyến này cầm trọng binh chuyên coi sóc việc nước lớn (nhà Lê) thì việc biến không thể nào dò được. Điều ta lo không phải ở Bắc Hà mà chỉ có Nhậm thôi. Bọn người hay xem xét hắn, cũng như lửa vậy, dập tắt từ lúc mới nhen nhóm thì sức dễ làm”⁽⁶⁾.

Sau khi giết Võ Văn Nhậm, giao Bắc Hà lại cho Ngô Văn Sở, Nội hầu Phan Văn Lân trấn giữ, Nguyễn Huệ nói với tướng lĩnh: “Sở, Lân là nanh vuốt của ta”⁽⁷⁾.

Tháng 11 năm 1788, khi 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta, bộ chỉ huy quân Tây Sơn ở Bắc Hà tìm phương kế đánh giặc. Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhậm đề nghị cho lui quân. Phan Văn Lân nói: “Binh không cần đông, nước không cần lớn. Nay cầm binh ở ngoài, địch đến lại không đánh, lại bị lời đồn đãi đe dọa không có căn cứ, lại vội rút lui như thế thì lấy gì làm tướng được”⁽⁸⁾.

Khi vua Quang Trung ra Tam Điệp (Ninh Bình), giao cho Đại Tư mã Ngô Văn Sở và Nội hầu Phan Văn Lân làm tướng chỉ huy đội Tiền quân đánh quân Thanh đã góp phần tạo nên chiến thắng Thăng Long vào đầu Xuân Kỷ Dậu (1789). Quân Thanh khiếp sợ Phan Văn Lân nên gọi ông là “Phi tướng quân” (tướng trời bay xuống).

Đô đốc Lý Văn Mưu

Ông còn có tên là Lý Văn Bưu, người thôn Đan Khoang, huyện Phù Ly⁽⁹⁾. Lý Văn Mưu giỏi phóng lao, bắn cung, phi ngựa nên được mệnh danh “Phi vân báo” (con báo bay trong mây).

Đô đốc Lý Văn Mưu tham gia nhiều trận mạc với chủ tướng Nguyễn Huệ, trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh, ông chỉ huy Hữu quân, phụ trách đội tượng binh và kỵ binh cho quân tiến lên phía Chương Đức, Nhơn Mục, huyện Thanh Trì, hợp binh với đội quân của Đô đốc Đông và Đô đốc Long đánh vào sở chỉ huy của Sầm Nghi Đống ở Khương Thượng, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ truy quét quân Thanh ra khỏi đất nước ta.

Tiết chế Võ Văn Nhậm (?-1788)

Ông quê Quảng Nam, vốn là một tướng quân chúa Nguyễn, rất giỏi võ và bắn cung, tham gia Tây Sơn, được Nguyễn Nhạc gả con cho.

Trong chiến dịch Phú Xuân – Thăng Long năm 1786, Võ Văn Nhậm được Nguyễn Huệ giao chỉ huy Tả quân. Năm 1787, cử ra Thăng Long giết Nguyễn Hữu Chỉnh. Vua Lê trốn khỏi kinh thành, Nguyễn Huệ giao Bắc Hà cho Tiết chế Võ Văn Nhậm trấn giữ. Năm 1788, do lộng quyền và có ý đồ cát cứ Bắc Hà, Nguyễn Huệ đưa quân từ Phú Xuân ra giết chết.

Đô đốc Đặng Văn Long

Đặng Văn Long người huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn, rất giỏi về môn quyền, ra trận mặc áo trắng. Sau chiến thắng quân Thanh, Đặng Văn Long được ban danh hiệu Bạch y tướng quân (tướng quân áo trắng), được Nguyễn Huệ cấp hai chiến mã.

2. Tính độc đáo trong việc dùng người của Nguyễn Huệ – Quang Trung

Độc đáo về dùng người của Nguyễn Huệ được thể hiện trong việc sử dụng hai nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh⁽¹⁰⁾ là hàng quan của chúa Trịnh và Võ Văn Nhậm vốn là danh tướng của chúa Nguyễn trong trận đánh quân Trịnh tại Phú Xuân và Thăng Long năm 1786 làm quân Trịnh liên tiếp bị thất bại, phủ chúa ở Thăng Long trở thành bản doanh của quân đội Tây Sơn.

Những chiến thắng vang dội này của Nguyễn Huệ phải kể đến người có công đầu là Nguyễn Hữu Chỉnh, nhưng cũng từ đó, Nguyễn Hữu Chỉnh không những đã bộc lộ sự tự kiêu mà còn có mưu đồ làm phản. Thấy được dã tâm phản phúc của Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ tuyên bố trước toàn quân: “Nguyễn Hữu Chỉnh là đứa cùng đinh trôi nổi.

Ta đã vẽ mặt, vẽ mày cho hắn, nay hắn bay liệng ở Bắc Hà, sai khiến cả một nước, ngang nhiên ở vào địa vị của chúa Trịnh, lại muốn tranh chấp lấy Nghệ An để đối địch với ta. Thế mà không giết hắn thì lấy gì sai khiến quân sĩ được”⁽¹¹⁾.

Viên tướng được Nguyễn Huệ cử từ Phú Xuân ra Thăng Long giết Nguyễn Hữu Chỉnh là Võ Văn Nhậm. Võ Văn Nhậm vốn có mâu thuẫn với Nguyễn Hữu Chỉnh trong lần cùng ra Bắc năm 1786. Võ Văn Nhậm lại là con rể của Nguyễn Nhạc, mà Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đã mâu thuẫn kịch liệt sau chuyến cùng ra Bắc vào mùa hè năm 1786, nên Võ Văn Nhậm đã hăng hái nhận mệnh lên đường ra Thăng Long giết Chỉnh. Nguyễn Huệ cử hai viên tướng tài ba đi theo hỗ trợ, nhưng thực chất là để giám sát Võ Văn Nhậm là Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân.

Khi Võ Văn Nhậm cho quân tiến vào Thăng Long, Nguyễn Hữu Chỉnh và vua Lê Chiêu Thống bỏ kinh thành chạy trốn; Nguyễn Hữu Chỉnh bị bắt và bị giết.

Võ Văn Nhậm được Nguyễn Huệ trao chức Tiết chế để cai quản Bắc Hà nên càng khích lệ tham vọng của Nhậm, sinh ra lộng quyền muốn cát cứ một phương. Ngô Văn Sở không can ngăn được đành cho người vào Phú Xuân báo cho Nguyễn Huệ biết mưu đồ của Võ Văn Nhậm. Tháng 4 năm 1788, Nguyễn Huệ lại lên đường ra Thăng Long. Võ sĩ Hoàng Văn Lợi được lệnh đột nhập vào phòng ngủ đâm chết Võ Văn Nhậm. Kẻ phản bội bị giết, mầm mống tái lập cát cứ đất Đàng Ngoài bị dập tắt; những tướng lĩnh và quan chức thân tín là Đại Tư mã Ngô Văn Sở, Nội hầu Phan Văn Lân, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết, Chưởng phủ Nguyễn Văn Dụng, Học sĩ Ngô Thời Nhậm, Hộ bộ Trần Thuận Ngôn,… được giao giữ thành Thăng Long, ổn định chính trị tại Bắc Hà⁽¹²⁾.

Qua việc chung cục của hai nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh và Võ Văn Nhậm cho thấy tài dùng người tài của Nguyễn Huệ là tinh tường, chính xác, nhìn đúng bản chất của từng người và dự báo về một khả năng phát triển tài năng và nhân cách để sử dụng vào việc có ích.

Sau chiến thắng Phú Xuân – Thăng Long, rất nhiều sĩ phu, quan chức ở Thuận Hóa – Đàng Ngoài ra cộng tác với Nguyễn Huệ, trở thành những viên ngọc quý trong thể chế chính trị mới của chính quyền Tây Sơn tại Phú Xuân như Trần Văn Kỷ, Nguyễn Thiếp, Ngọc Hân Công chúa (sau là Bắc Cung Hoàng hậu), Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Ninh Tốn,… Trường hợp Ngô Thời Nhậm là một dẫn chứng về trọng dụng nhân tài của Nguyễn Huệ: “Có quan Thị lang Ngô Nhậm, người làng Tả Thanh Oai, Tiến sĩ của nhà Lê cũ, vì mắc tội phải trốn tránh, đến lúc ấy mới xuất đầu lộ diện, đầu tiên nhờ Trần Văn Kỷ xin yết kiến. Nguyễn Huệ vốn nghe tiếng tài năng của Ngô Nhậm mà trọng dụng trao chức Thị trung Trực Học sĩ, nói với Trần Văn Kỷ: ‘Đó là người mà ta tái tạo đấy’”⁽¹³⁾.

Trong một xã hội mà kẻ sĩ, đặc biệt người có học vị Tiến sĩ được tôn vinh cao quý tột bậc và bất cứ ai, nếu chống lại triều đình đều xếp vào giặc cỏ, là tặc, ngụy; thế mà Tiến sĩ Ngô Thời Nhậm không những không mặc cảm về sự khác biệt đẳng cấp này mà tự nguyện ra cộng tác với Nguyễn Huệ, thủ lĩnh của phong trào nông dân vốn xuất thân từ Đàng Trong mới thấy năng lực cảm ứng thời cuộc của Tiến sĩ họ Ngô. Qua sự việc này cũng cho thấy uy thế, sự cảm hóa và phẩm chất, tài năng của Nguyễn Huệ trong việc trọng dụng nhân tài.

Binh bộ Thượng thư Ngô Thời Nhậm. ảnh: Bảo tàng Quang Trung cung cấp

Nguyễn Huệ – Quang Trung là thiên tài quân sự, hoàng đế anh minh, người có công đầu trong công cuộc xóa bỏ Đàng Trong – Đàng Ngoài, cơ sở để tái lập  nền thống nhất đất nước, phục hồi văn hóa dân tộc trên phạm vi cả nước. Có được sự nghiệp hiển hách này là nhờ khả năng quy tụ nhân tài và bí quyết dùng người trong quá trình xây dựng phong trào Tây Sơn cho đến lúc thành lập triều đại Quang Trung tại Phú Xuân.

Trung thủ Trần Văn Kỷ. ảnh: Bảo tàng Quang Trung cung cấp

Những tướng lĩnh, văn thần theo Nguyễn Huệ đều là những gương mặt quen thuộc từ buổi đầu của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn do Nguyễn Nhạc cầm đầu và phần lớn quê ở phủ Quy Nhơn (nay là Bình Định). Nhưng trong số nhân vật tham gia Tây Sơn từ đầu chỉ rất ít người ở lại cộng tác với Nguyễn Nhạc – Thái Đức tại thành Hoàng Đế (1778-1793)⁽¹⁴⁾. Vị thế của Thái Đức và của thành Hoàng Đế mất hết vai trò cũng từ đó.

Qua nghiên cứu về hai nhân vật Nguyễn Nhạc – Thái Đức và Nguyễn Huệ – Quang Trung cho thấy chỉ có người tài trong thiên hạ mới quy tụ được nhân tài của đất nước và người tài mới là nguồn lực quyết định mọi thắng lợi trong tiến trình lịch sử của dân tộc.

Chú thích:

1. Ngô Văn Sở còn nhiều vấn đề chưa được sáng tỏ như gia thế, hậu duệ, mồ mả. Về quê quán, trong các đợt khảo sát năm 1996, 1997, chúng tôi tạm xác nhận là thôn Bình Thạnh, phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

2. Đại Nam chính biên liệt truyện, “Nhà Tây Sơn”, bản dịch (1970), Tủ sách Viện Khảo cổ, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, Sài Gòn, tr. 173.

3. Nay là thôn Phú Mỹ, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

4. Nay là thôn Phú Xuân, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

5. Nay là xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

6. Đại Nam chính biên liệt truyện, “Nhà Tây Sơn”, bản dịch (1970), Sđd, tr. 113.

7. Đại Nam chính biên liệt truyện, “Nhà Tây Sơn”, bản dịch (1970), Sđd, tr. 119.

8. Đại Nam chính biên liệt truyện, “Nhà Tây Sơn”, bản dịch (1970), Sđd, tr. 129.

9. Nay thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

10. Năm 1775, Nguyễn Hữu Chỉnh được vua Lê giao dẫn đầu đoàn sứ giả vào Quy Nhơn ban sắc phong cho Nguyễn Nhạc. Đến năm 1782, Nguyễn Hữu Chỉnh đưa cả nhà vào Quy Nhơn tham gia Tây Sơn.

11. Đại Nam chính biên liệt truyện, Nhà Tây Sơn, bản dịch (1970), Sđd, tr. 109.

12. Đại Nam chính biên liệt truyện, Nhà Tây Sơn, bản dịch (1970), Sđd,  tr. 119.

13. Đại Nam chính biên liệt truyện, “Nhà Tây Sơn”, bản dịch (1970), Sđd,  tr. 117. 14. Số liệu nghiên cứu về thành Hoàng Đế cho biết chỉ có hai nhân vật tiêu biểu là Thái úy Võ Đình Tú và Trung Thư lệnh Võ Xuân Hoài ở lại với Thái Đức, nhưng sự nghiệp hai vị này cũng tiêu tan từ đó. Trong thời gian cai trị của Thái Đức tại thành Hoàng Đế không thấy có cải cách, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa đáng kể (Đỗ Bang (2024), “Thành Hoàng Đế – Trung tâm chính trị của vương triều Tây Sơn thời Thái Đức (1788-1793)”, Tạp chí Xưa & Nay, số 560, tháng 2 năm 2024, tr. 15).

Bài liên quan

Bài đăng mới