Sài Gòn, thành phố của tôi

TS. Nguyễn Thị Hậu

Tạp chí Xưa&Nay, số 571, tháng 1 năm 2025

Năm mươi năm, thời gian đó gần hết một đời người. Nhưng với một thành phố có trên 300 năm tuổi, hay hơn 3.000 năm của một vùng đất…. thì khoảng thời gian đó chưa thể gọi là dài. Nhìn lại, Sài Gòn – TP. HCM để lại những gì trong tâm tưởng của thế hệ trưởng thành vào thời hậu chiến, như tôi?

Sài Gòn là địa danh mang tính lịch sử – văn hóa, từ khoảng cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX, địa giới mở rộng dần theo chính nhu cầu phát triển của thành phố. Quá trình khai sinh Sài Gòn là sự hội tụ của những người “nhập cư” từ nhiều vùng miền, trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Quá trình tụ cư cho thấy vùng đất lành Sài Gòn đã là điểm đến, nơi dừng chân, nơi sinh cơ lập nghiệp của biết bao “đàn chim” từ nhiều vùng đất và nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Chỉ kể đến những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, Sài Gòn đã dung chứa trong nó hàng triệu con người, cũng chia sẻ hàng triệu cơ hội kiếm sống, trong đó có hàng ngàn cơ may thành đạt, giàu có. Hiện nay, Sài Gòn là thành phố đông dân nhất nước và cũng là nơi có người nhập cư nhiều nhất.

Ở Sài Gòn có rất nhiều hội đồng hương, gần như có đủ tất cả các tỉnh thành, thậm chí có cả hội đồng hương cấp huyện. Người các tỉnh thành vào đây giữ được “cá tính văn hóa” riêng của quê hương mình, nhất là ngôn ngữ và ẩm thực là hai yếu tố được nhận biết rõ nhất. Ở Sài Gòn, tiếng nói các vùng miền hòa lẫn vào nhau, không phân biệt “quê” hay “thành”, không kỳ thị “Sài Gòn” hay “tỉnh”. Chỉ cần buổi sáng ngồi ở các quán cà phê, bạn có thể nghe thấy giọng nói cả ba miền Nam Trung Bắc, có thể nhận ra tiếng miền Tây, tiếng Hà Nội, tiếng Quảng, tiếng Huế, chưa kể bây giờ còn có nhiều người Hàn, người Nhật, người các xứ Âu Mỹ đến làm ăn tại Sài Gòn.

Sài Gòn năm 1955 – TP. HCM năm 2010 nhìn từ không ảnh. Ảnh : Raymond Cauchetier

Từ những người Sài Gòn và người sống ở Sài Gòn, Sài Gòn đã dung nạp, tiếp nhận tất cả các yếu tố văn hóa khác nhau: Phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, tiếng nói, ẩm thực, trang phục,… Và quan trọng là Sài Gòn không làm thay đổi những nét văn hóa riêng của từng cộng đồng người, vẫn nuôi dưỡng tất cả để tạo nên sự phong phú, đa dạng của văn hóa Sài Gòn. Sự bao dung của Sài Gòn còn là cái nôi cho những tài năng đến đây và phát triển. Nhiều lần tôi thử lý giải về sự bao dung nâng đỡ của Sài Gòn đối với những gì còn yếu thế, mới mẻ, thậm chí còn chưa kịp định hình. Không thể không bắt đầu từ lịch sử. Là vùng đất chưa kịp có ký ức lâu dài nếu ta xem yếu tố thời gian lịch sử là quan trọng nhất trong việc hình thành ký ức và truyền thống: Sài Gòn 300 năm lại là vùng đất “làm ăn”, trung tâm kinh tế, khác tính chất trung tâm chính trị của Thăng Long hay Huế. Do không chịu sự níu kéo của truyền thống quá sâu nặng nên dễ tiếp nhận cái mới, đồng thời chấp nhận và thích nghi để không “đồng hóa” cái mới, cái khác. Người Sài Gòn có tính thực tế cao nhưng không bị chuyển thành sự tư lợi mà ngược lại tính cộng đồng cũng cao, việc xã hội, làm “việc nghĩa” được coi là chuyện bình thường. Lấy hiệu quả việc “làm ăn” là quan trọng nhất, mọi cái khác xem là “chuyện nhỏ”, “làm ăn được” còn để mình có thể chia sẻ, đùm bọc người khác.

Nói chuyện với nhiều người bạn Mỹ, các bạn đều nhận xét rằng, có gì đấy khá giống nhau giữa sự hình thành, phát triển của vùng đất Sài Gòn với nước Mỹ nói chung và với những thành phố lớn như New York chẳng hạn. Và nếu như ở nước Mỹ có một ngày lễ tạ ơn (Thanksgiving) thì tôi luôn mong rằng, những người đã đến Sài Gòn sinh sống và làm ăn, hãy có một lần thôi, nhớ đến sự rộng rãi sẻ chia và tình nghĩa của thành phố và con người vùng đất này.

TP. HCM bước vào một chu kỳ 50 năm nữa với những điều kiện thuận lợi hơn và sẽ phát triển nhanh hơn. Và dù bao nhiêu thời gian qua đi thì tôi vẫn tin rằng, Sài Gòn – TP. HCM luôn là “vùng đất lành” của mọi người.

TP. Hồ Chí Minh, 22-12-2024

Bài liên quan

Bài đăng mới