Sông Cầu: Từ thủ phủ xưa đến thành phố trẻ du lịch hôm nay

Trần Qưới - Phan Thanh

Tạp chí Xưa&Nay, số 571, tháng 1 năm 2025

Trước thềm xuân mới 2025, ngày 08-12-2024, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Phú Yên thông qua Nghị quyết thành lập năm phường mới trực thuộc thị xã Sông Cầu và quyết định thành lập thành phố Sông Cầu trình cấp có thẩm quyền xét duyệt.

Đô thị Sông Cầu – điểm nhấn độc đáo của chuỗi đô thị ven biển miền Trung khoác tấm áo mới lung linh, đậm nét đặc trưng đô thị du lịch biển với khu danh thắng quốc gia vịnh Xuân Đài, khu đô thị mới Bắc Lục Khẩu, khu đô thị bờ kè Tam Giang, khu đô thị mới đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài và đôi bờ hạ lưu Tam Giang. Thành phố trẻ Sông Cầu xanh điệp trùng núi biển đứng chen nhau, mở ra cơ hội phát triển đột phá mới trong bản đồ du lịch tỉnh Phú Yên và cả nước.

Một góc vịnh Xuân Đài – thiên nhiên như tranh vẽ. Ảnh: Dương Thanh Xuân

Đôi nét về tiến trình lịch sử

Đô thị Sông Cầu từng là tỉnh lỵ của Phú Yên hơn nửa thế kỷ (1889-1946). Lịch sử để lại trên đất Sông Cầu một kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng, gắn với quá trình mở nước và đấu tranh chống áp bức, xâm lược.

Nơi đây, thời kỳ tiền sử và sơ sử đã để lại hai di chỉ khảo cổ độc đáo là di chỉ Cồn Đình, di chỉ Gò Ốc, minh chứng cho văn hóa Sa Huỳnh và các dấu vết văn hóa độc đáo sau này của cư dân bản địa, các tộc người anh em trên địa bàn.

Nơi đây, năm 1578, Trấn biên quan Phù Nghĩa hầu Lương Văn Chánh đưa lưu dân (người nghèo không sản nghiệp) vượt đèo Cù Mông và vượt biển vào đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài khai khẩn vùng đất Bà Đài (Xuân Đài), hình thành làng mạc, góp phần quan trọng hình thành phủ Phú Yên có tên trên bản đồ tổ quốc năm 1611.

Nơi đây, hình thành những làng mạc đầu tiên của người Việt trên hành trình Nam tiến vĩ đại của dân tộc thế kỷ XVII, trong đó, hình thành ba làng muối nổi tiếng cả nước: Tuyết Diêm, Trung Trinh, Lệ Uyên, một loại thực phẩm thiết yếu được cung cấp cho cộng đồng dân cư rộng lớn.           

Nơi đây, thiên tài quân sự Nguyễn Huệ lập chiến công hiển hách đầu tiên đánh tan đội quân Ngũ dinh của tướng Tống Phước Hiệp tại vịnh Xuân Đài năm 1775 (khi vừa 23 tuổi), mở ra căn cứ Tây Sơn trung đạo vững chắc tại Phú Yên, đóng góp nhân tài, vật lực đáng kể cho đội hùng binh Tây Sơn thời khởi nghiệp.

Sau khi vua Quang Trung băng hà (năm 1792), Sông Cầu là chiến trường khốc liệt giữa hai lực lượng tương tranh Tây Sơn và chúa Nguyễn Ánh, để lại những địa danh đến ngày nay như: Đèo Nại, đèo Vận Lương, Hòn Nần (Biểu Trung Từ),…

Sông Cầu là nơi tổ chức sự kiện giao ban thương mại Việt – Mỹ đầu tiên trong lịch sử hai quốc gia, diễn ra vào ngày 05-01-1933 khi vua Minh Mạng cử Nguyễn Tri Phương và Lý Văn Phức cùng tỉnh thần Phú Yên thay mặt triều đình tiếp Đặc sứ Mỹ Edmund Roberts làm trưởng đoàn cùng Đại úy Georges Thompson đi trên chiếc thuyền Peacock thả neo tại Vũng Lấm trong vịnh Xuân Đài, thăm chính thức nước Việt Nam, đệ trình bút thư của Tổng thống Hoa Kỳ Andrew Jackson lên vua Minh Mạng.

Sông Cầu là quê hương của danh tướng Đào Trí, quyền Tổng trấn Nam Ngãi – người anh hùng có công lớn lãnh đạo quân dân chặn đứng giặc Pháp xâm lược Đà Nẵng năm 1858-1859. Mộ và đền thờ của danh tướng Đào Trí tại quê hương Sông Cầu được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Sông Cầu gắn với cuộc khởi nghĩa Võ Trứ vào năm cuối cùng thế kỷ XIX, mà thực dân Pháp gọi là “giặc rựa”, “giặc thầy chùa”, còn Giáo sư Trần Văn Giàu trong tác phẩm Chống xâm lăng, ca ngợi con đường cứu nước mới của Võ Trứ dựa vào Phật giáo để kháng chiến và không đem thành bại luận anh hùng.

Từ năm 1889 đến 1946, thực dân Pháp chọn Sông Cầu là thủ phủ tỉnh Phú Yên, một đô thị ven biển tuyệt đẹp mà nhà thơ Xuân Hoàng khi đi qua đây đã ca ngợi trong bài thơ Qua Sông Cầu: “…Thị xã đẹp như một lời tiễn biệt/Xanh điệp trùng núi biển đứng chen nhau…”.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật neo đậu tàu chiến ở vịnh Xuân Đài và bị quân Đồng Minh bắn chìm.

Tỉnh lỵ Sông Cầu trong những năm 1930-1945 là địa bàn hoạt động trọng yếu của những chiến sĩ Cộng sản. Lá cờ Đảng tung bay trên bầu trời Sông Cầu những năm 1930-1931, nhân ngày Quốc tế lao động 01-5. Ngày 25-8-1945, lá cờ đỏ sao vàng tung bay tại Tỉnh đường, Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng tỉnh Phú Yên.

Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc (1945-1975), quân dân Sông Cầu lập nhiều chiến công xuất sắc trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc và cùng cả tỉnh Phú Yên cắm lá cờ chiến thắng ngày 01-4-1975 trên đỉnh Tháp Nhạn, TP. Tuy Hòa.

Sông Cầu non xanh nước biếc – điểm đến du lịch nghỉ dưỡng xanh

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nguyên Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, trong chuyến về thăm Sông Cầu năm 1982 đã ca ngợi đoạn Quốc lộ 1 qua Sông Cầu là cung đường đẹp nhất Việt Nam. Trước đó, Giáo sư Trần Văn Giàu ví vịnh Xuân Đài như vịnh Subic (Philippines) nổi tiếng thế giới, mà dưới góc độ lịch sử, đất và người Sông Cầu gắn rất nhiều sự kiện lịch sử mà Giáo sư đặc biệt quan tâm, được thể hiện đậm nét trong tác phẩm Chống xâm lăng.

Sông Cầu non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình, cảnh quan kỳ thú, núi vươn dài và choãi ra biển xanh ôm lấy vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông tạo nên nhiều danh thắng say đắm lòng người như: Vịnh Xuân đài, đầm Cù Mông và các điểm đến của hai đầm vịnh này như: Gành Đỏ, Nhất Tự Sơn, cù lao Ông Xá, Vũng La, Vũng Dông, Vũng Sứ, Vũng Chào, Bãi Ôm, Bãi Nồm, Bãi Rạng, Bãi Bầu, bãi biển Từ Nam, bãi biển Vịnh Hòa, Bãi Tràm,… Nơi đây gắn với những địa danh cổ, mang nhiều ấu tích văn hóa lịch sử: Làng cổ Tân Thạnh, làng cổ Long Bình, cánh đồng muối Tuyết Diêm, đèo Vận Lương, đèo Cây Cưa, hồ Xuân Bình, thác Cây Da, làng dừa Mỹ Phụng, lâu đài Mô-cheo, hành cung Sông Cầu,…

Vịnh Xuân Đài có diện tích 60,8km², được dãy núi Cổ Ngựa bao bọc, hình thành bán đảo Xuân Thịnh. Bờ vịnh Xuân Đài dài 50km, quanh khúc khuỷu, có nhiều địa hình kỳ thú. Trong lòng vịnh có nhiều vũng, như: Vũng La, Vũng Lấm, Vũng Sứ, Vũng Chào,…        

Vịnh Xuân Đài đa dạng về địa hình, địa mạo, địa chất đã hòa quyện cùng nhau tạo nên cảnh quan hài hòa và những điểm nhấn nổi trội về hình thái gắn với đặc trưng văn hóa, lịch sử phát triển.

Đầm Cù Mông có diện tích 30,2 km², chiều dài 17,6km, chỗ rộng nhất 2,2km. Cửa đầm rộng 3,2km, sâu 5km là một hải khẩu (cửa biển) nổi tiếng trong lịch sử.

Đầm Cù Mông tĩnh lặng, trong xanh, soi bóng những làng chài, làng dừa thơ mộng, yên bình, là điểm đến lý tưởng của du khách ưa chuộng thiên nhiên xanh hoang sơ, trầm mặc.

Vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông là hai viên ngọc bích lung linh, tạo hồn cốt thăm thẳm, vừa dịu dàng, vừa lộng lẫy kiêu sa cho đô thị biển Sông Cầu.

Vịnh Xuân Đài được xếp hạng Di tích thắng cảnh cấp quốc gia (ngày 20-01-2011). Năm 2014, vịnh Xuân Đài được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là top 10 vịnh đẹp nhất Việt Nam.         

Ngày 29-12-2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2127 QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài. UBND tỉnh Phú Yên đã tổ chức công bố Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài với kỳ vọng khu du lịch này sẽ trở thành trung tâm nghỉ dưỡng biển, điểm nhấn quan trọng trên tuyến du lịch quốc gia, điểm dừng chân lý tưởng của du khách để có những trải nghiệm tốt nhất về các giá trị sinh thái cảnh quan.

trên sông Tam Giang. Ảnh: Dương Thanh Xuân

Thực hiện Quy hoạch tổng thể tỉnh Phú Yên giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1746 QĐ-TTg, ngày 30-12-2023), TX Sông Cầu ban hành kế hoạch đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng thương hiệu Khu du lịch quốc gia vịnh Xuân Đài điểm ngắm bình minh hấp dẫn nhất Việt Nam.

Tại hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư do UBND tỉnh Phú Yên tổ chức ngày 03-3-2024, với chủ đề “Phú Yên khát vọng phát triển”, trong các dự án du lịch có vốn đầu tư trên 1.000 tỉ đồng được UBND tỉnh trao quyết định chủ trương chứng nhận đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, có ba dự án du lịch trên địa bàn Sông Cầu, gồm: Dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng Vũng Lấm (gần 2.000 tỷ đồng), dự án khu du lịch biển Hòa Thịnh resort (gần 1.050 tỷ đồng), dự án khu du lịch sinh thái Bãi Nồm (hơn 1.000 tỷ đồng).

Những dự án lớn này cùng nhiều dự án du lịch khác đã và đang đầu tư, khai thác, như: Tổ hợp thương mại du lịch và dịch vụ nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay (gần 800 tỷ đồng), khu nghỉ dưỡng cao cấp Casanova bãi San Hô (Bãi Tràm, gần 200 tỷ đồng),… sẽ tạo nên bức tranh lớn với những gam màu sáng đầy ấn tượng cho thành phố Sông Cầu đã và đang hình thành, tạo bước chuyển mình đón vận hội mới.

Trung tâm đô thị Sông Cầu. Ảnh: Dương Thanh Xuân

Bài liên quan

Bài đăng mới