Sự ra đời của tên gọi Đông Dương

Daniel Hémery

Tạp chí Xưa&Nay, số 71B, tháng 1 năm 2000

Khái niệm Đông Dương (Indo-Chine) được dùng đến ngày nay không phải là một tên gọi tất yếu. Đó là một từ được hình thành từ những năm 1800, dùng để chỉ nhiều khái niệm khác nhau, từng tồn tại song song, nhưng không loại trừ lẫn nhau. Trong một thời gian dài đó là tên gọi chỉ khu vực Đông Dương địa lý, không đồng nhất với khái niệm Đông Dương thuộc địa. Lúc đầu là dùng để chỉ vùng lục địa và bán đảo rộng lớn nằm giữa Ấn Độ và Trung Hoa (China). Từ cuối thế kỷ XIX nó thu hẹp lại để chỉ không gian địa -chính trị của Đông Dương thuộc Pháp (còn gọi  là xứ Đông Pháp), để đến 1954 thì bị xóa bỏ vì không còn lý do tồn tại nữa. Từ Chiến tranh thế giới thứ hai, khái niệm Đông Nam Á nổi lên khiến cho tên gọi Đông Dương bị lu mờ dần.

Từ Ngoại n đến Đông Dương.

Chính dưới ngòi bút của Malte-Bruun mà khái niệm Đông Dương được xuất hiện lần đầu năm 1804. Conrad Malte Bruun (1775-1826) sinh ở Đan Mạch, trong một gia đình sĩ quan, đã trở thành một gương mặt của phong trào địa lý đầu thế kỷ XIX, một người tiên phong của địa lý học, mặc dầu ông chưa bao giờ rời khỏi châu Âu. Giống như những nhà địa lý tiền bối của ông từ ba thế kỷ trước, ông là nhà địa lý học trong văn phòng, tìm cách tiếp cận một cách khoa học và toàn diện về sự chiếm lĩnh không gian mặt đất của con người, dưới ảnh hưởng của Alexandre Humboldt, nhà bác học lớn của nước Đức đương thời. Ông là người đầu tiên đã soạn cuốn Địa lý thế giới được dịch sang tiếng Pháp năm 1804. Thoạt đầu ông theo học môn thần học ở đại học Copenhagen, nhưng rồi từ bỏ để học ngoại ngữ và thi ca. Đặc biệt ông có cảm tình với Cách mạng Pháp và đã xuất bản một tờ báo có khuynh hướng tự do năm 1795, nhưng rồi phải lưu vong sang Stockholm (Thụy Điển), rồi lại sang Hambourg (Đức) năm 1799. Ở Đan Mạch ông bị kết án vắng mặt vì bị coi là người cầm đầu tổ chức bí mật “Các nước Bắc Âu hợp nhất”, bị trục xuất vĩnh viễn năm 1800, nên phải dời đến Paris.

Bấy giờ nhà địa lý nổi tiếng Edme Mentelle đang dạy môn địa lý ở Trường Cao đẳng Sư phạm, nhưng lại không biết ngoại ngữ, nên đã gọi Malte-Bruun về làm người cộng sự.

Nhờ nắm được các ngôn ngữ chính của châu Âu, có trí nhớ đặc biệt và có óc phê phán, ông đã dịch và công bố những tác phẩm đầu tiên của Humboldt, viết nhiều bài báo về các nước ngoài châu Âu và thế giới, dịch sang tiếng Pháp cuốn Hành trình đến Đàng Trong của John Barrow năm 1807. Năm 1808 ông sáng lập tờ Biên niên Lữ hành, địa lý và lịch sử (1808-1814), rồi tờ Biên niên lữ hành mới (1819-1826). Nhà bác học Humboldt đã đánh giá ông là “nhà địa lý uyên bác và chính xác”.

Malte-Bruun gắn với truyền thống các nhà Bách khoa, tìm cách đưa kiến thức địa lý vượt khỏi sự ghi chép về một quốc gia, vượt qua các biên giới và dân tộc. Ông muốn mở ra một nền địa lý mới, nhiều tham vọng hơn và khoa học hơn. Vào thời đó người ta chưa có những dữ liệu về địa chất và càng không biết về khí hậu học, không có những mô tả về tự nhiên, kinh tế, nhân học và chính trị. Nói tóm lại chưa coi địa lý là một khoa học tổng hợp của nhiều kiến thức. Ông trở thành một trong những người sáng lập Hội Địa lý Paris, một thời gian dài là tổ chức quan trọng nhất của châu Âu, ông đảm nhiệm chức vụ tổng thư ký cho đến khi qua đời. Từ 1803 đến 1807, hợp tác với Edme Mentelle, ông cho ra mắt cuốn Địa lý toán học, hình thể và chính trị của các nơi trên thế giới, gồm 16 tập, do ông biên soạn một phần ba, trong đó tập XII xuất bản năm 1804 có một phần về “Các nước Indo-Chine (Ấn Độ-Chi na) hay vương quốc Tonquin (Đàng Ngoài), Cochinchine (Đàng Trong), Lào v.v…” (hồi đó ở Pháp người ta chưa biết hai vương quốc này vừa mới được thống nhất). Ông viết: “Tất cả các tỉnh này xưa kia thuộc đế chế Trung Hoa… Người Trung Hoa gọi xứ Đàng Ngoài và Đàng Trong và có thể là cả Campuchia dưới cái tên An Nam, có nghĩa là “phương Nam yên ổn”.

Từ ngữ  “Indo-Chine” được lưu hành ở Pháp từ 1804, nhưng có lẽ nó đã được dùng trong giới công chức, nhà truyền giáo và các nhà Đông phương học Anh sống tại Ấn Độ. Dù sao thì bốn năm sau nó cũng xuất hiện lại trong một bài báo của John Leyden năm 1808 “Về ngôn ngữ và Văn học của các nước Indo-China” (từ đây chúng tôi dùng từ Đông Dương), trong tập X của tạp chí Nghiên cứu châu Á của hội châu Á vùng Bengal, xuất bản ở Calcutta. Leyden là một nhà bác học khác hẳn nhà địa lý học ngồi một chỗ như Malte-Bruun, ông là một nhà Đông phương học trên thực địa, có kiến thức bách khoa, sinh năm 1775 ở Scotland. Từ 1796-1798 ông ghi tên theo Đại học Edinburgh, học môn tiếng Do Thái cổ, tiếng A Rập, Ba Tư, y học và giải phẫu học-nhận bằng giải phẫu năm 1802 – theo học triết học, thần học và say mê cả khoa học tự nhiên. Năm 1802 ông làm việc tại công ty Đông Ấn và đến Ấn Độ năm 1803 với tư cách là bác sĩ và phụ mổ. Tại đây ông quan tâm học ngôn ngữ “các dân tộc Ấn Độ phía bên kia sông Hằng” và đã đến Mã Lai năm 1805, ở lại Penang nhiều tháng. Năm 1810 ông viết bài báo “So sánh từ vựng của ngôn ngữ Miến Điện, Mã Lai và Thái” và bài “Lục địa Đông Dương”, mà theo ông ngoài những nước khác còn bao gồm các nước “Aracan”, Xiêm và Lào. Trong một bài nghiên cứu trước đó năm 1808 “Về Ngôn ngữ và Văn học các nước Đông Dương” John  Leyden đã xác định cương vực của cái mà ông gọi là “Đông Dương”. Theo ông Đông Dương bao gồm cả khái niệm về nhân học và ngôn ngữ.

Lối vào Dinh Toàn quyền Đông Dương và Vườn Bách thảo, ký hiệu tra tìm N52-00347, ngăn 47 – 00347, VTTKHXH

Ông đưa ra một định nghĩa văn hóa bằng sự nhấn mạnh đến những cộng đồng vay mượn tôn giáo, pháp luật và phong tục của Ấn Độ và Trung Hoa, khiến các quốc gia trên lục địa Đông Dương gần gũi nhau, trong khi vẫn gìn giữ những đặc trưng dân tộc. Cuối cùng trong công trình nghiên cứu 13 ngôn ngữ (Mã Lai, Miến Điện, Môn, Thái, An Nam, Pali…) ông đã tập hợp vào loại “ngôn ngữ Đông Dương” những ngôn ngữ chịu ảnh hưởng của tiếng Phạn, Pali, A Rập và Trung Hoa.

“Đông Dương” đối với ông trước hết có ý nghĩa ngôn ngữ và văn hóa. Đáng tiếc là ông đã mắc phải một căn bệnh bí ẩn khi đến công cán tại Batavia và qua đời năm 1811 lúc mới 36 tuổi.

Trong thời gian đó Malte-Bruun tiến hành biên soạn tác phẩm chủ chốt Giản yếu địa lý thế giới gồm 18 tập xuất bản tại Paris từ 1810 đến 1829. Công trình này có tiếng vang lớn, được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Trong tập sách này ông dùng lại khái niệm Đông Dương từ năm 1804, nhưng lần này xác định rõ nội dung. Trong tập III nó chỉ là một trong những vùng ở Nam Á. Trong quyển 72 của tập IV nó nằm trong mục “Khảo tả vùng Ngoại Ấn hay Đông Dương. Khảo tả riêng Đế chế Braghmans hay Miến Điện”. Ông giới hạn “Đông Dương” ở phần lục địa của Đông Nam Á và tìm cách khoanh vùng sự đồng nhất của không gian Đông Dương, được hoạch định bằng sự phân giới giữa hai nền văn minh Ấn Độ và Trung Hoa. Ông viết: “Trong toàn châu Á, chúng ta còn phải mô tả phần đất bao gồm Đế chế Braghmans hay Miến Điện, các Vương Quốc Đàng Ngoài, Đàng Trong, Campuchia, Lào, Xiêm và Mã Lai. Vùng này không mang một cái tên chung mà mọi người đều gọi. Khi thì được gọi là bán đảo bên kia sông Hằng, mà đây thực sự không phải là một bán đảo. Nhiều nhà địa lý gọi là “Ngoại Ân”, tên gọi này còn có ý nghĩa hơn. Nhưng vì các quốc gia này thường phụ thuộc vào đế chế Trung Hoa và các dân tộc ở đây giống người Trung Hoa nhiều hơn về hình dáng, tầm vóc và màu da, hoặc về phong tục, tôn giáo và ngôn ngữ, từ nhiều năm trước, tôi đã đề nghị gọi vùng rộng lớn này của địa cầu bằng tên gọi mới, nhưng rõ ràng và có ý nghĩa, có âm hưởng hơn, “Indo-Chine” (Đông Dương). Chúng tôi định từ bỏ sáng kiến này thì biết rằng một nhà bác học Anh ở Calcutta cũng có cùng một ý nghĩ (ở đây Malte-Bruun muốn nhắc đến bài báo của John Leyden). Sự trùng hợp tình cờ đó khiến tôi phải giữ lại tên gọi này trong khi chờ đợi người ta đưa ra được một tên gọi khác hay hơn”.

Được đưa ra từ đầu thế kỷ XIX, khái niệm “Đông Dương” được trình bày như một nhận thức mới. Thật vậy, trong hai thế kỷ trước, các nhà địa lý, các nhà du hành và truyền giáo đều không có một tên gọi chung để chỉ vùng Đông Nam Á lục địa này. Trong ngôn ngữ phương Tây, khái niệm Đông Dương không xuất hiện trước năm 1804. Bộ Bách khoa toàn thư của Diderot không nói đến. Trong tập “Thư khuyến thiện và kỳ lạ về châu Á, châu Phi và châu Mỹ với những tường thuật mới của các giáo sĩ thừa sai và các ghi chép về địa lý lịch sử” của các giáo sĩ Dòng Tên xuất bản ở Paris từ năm 1702, được L.Aimé-Martin tái bản bằng trích đoạn năm 1843, cũng không nói đến. Tuy nhiên trong tập tái bản có những ghi chú có thể do Aimé-Martin hay những người cộng sự viết thêm, có nói đến “Đoàn truyền giáo Đông Dương”. Nhưng trong các bức thư của các vị thừa sai viết từ thế kỷ XVII không bao giờ dùng từ đó mà chỉ gọi “Đàng Ngoài”, “Đàng Trong”, “Xiêm”, “Philippin”, “Đông Ấn”, “Campuchia”, “Lào”.

Trong các tác phẩm của thế kỷ XVII và XVIII, khi nói đến vùng Đông Nam Á, người ta thường dùng tên gọi “Ngoại Ân” (Indeextérieure) hay “Ấn Độ bên kia sông Hằng” (Inde au-delà du Gange), hoặc như các tác giả người Anh là “Ấn Độ siêu sông Hằng” (Ultra-Ganges India). Trong cuốn Từ điển địa lý và lịch sử thế giới của Thomas Corneille năm 1708, đã dùng tên gọi trên để phân biệt với vùng “Indostan” chỉ phạm vi nằm giữa sông Hằng và Trung Hoa, trong đó bao gồm cả các hải đảo phía Nam và Nhật Bản. Trong cuốn này “Keccio” hay “Kece” hoặc “Checho” – Hà Nội ngày nay – là một “thành phố của Ấn Độ bên kia sông Hằng”… “kinh đô của vương quốc Đàng Ngoài”. Nhiều bản đồ, sách hướng dẫn đường đi của người Hà Lan, Bồ Đào Nha và Anh trong thế kỷ XVII và XVIII đã dùng khái niệm “Ấn Độ siêu sông Hằng”.

Bản đồ của Mercator năm 1636 ghi “Đông Ấn Độ” và “Ấn Độ Đông phương”. Từ điển địa lý rất chính xác của La Martinière năm 1768 thì dùng khái niệm “Ấn Độ bên kia sông Hằng”. Pierre Poivre, nhà du hành từng đến Việt Nam, trong cuốn Chuyến du hành của một triết gia (1797) đã nói đến “bán đảo thuộc Ấn Độ bên kia sông Hằng”. Còn Pinkerton trong cuốn Địa lý hiện đại trình bày trên bình diện mới (1804) đã có ý thức khi dùng một “tên gọi mơ hồ chỉ vùng đất rộng lớn và đa dạng nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc”, nghĩa là Miến Điện, Xiêm, Đàng Trong và Đàng Ngoài. Rõ ràng đó là những khái niệm địa lý chỉ khu vực này nhằm xác định vùng đất thời đó thuộc phạm vi Ấn Độ hóa.

Có thể nói khái niệm Đông Dương đã được nhà địa lý học Đan Mạch và Pháp Malte-Bruun và nhà Đông phương học Anh John Ley-den đưa ra đồng thời, trong đó Malte-Bruun có nói đến sớm hơn, nhưng không quan trọng. Cả hai đều tìm cách xác định những điều họ cảm nhận trong một sự lắp ghép ngôn từ mang một nội dung hợp lý, với tính chất chủ yếu là nhân học, để tồn tại trong các văn bản của châu Âu và châu Mỹ cho mãi đến những năm 1950.

Bài liên quan

Bài đăng mới