Tên người tên đất Tổng Hòa An qua một lá đơn cổ

Lê Văn Tất

Tạp chí Xưa&Nay, số 357, tháng 6 năm 2010

Thời xưa, trước năm 1945, Hòa An là một tổng thuộc về huyện Hòa Vang, nay toàn vùng thuộc về thành phố Đà Nẵng. Phía tây của tổng giáp liền với núi rừng bạt ngàn dãy Trường Sơn, phía đông giáp với cửa biển Đà Nẵng, phía bắc giáp ranh tỉnh Thừa Thiên, phía nam giáp làng xã của các tổng bạn. Toàn tổng có 31 làng xã, đứng đầu làng xã là cai tổng (tức chánh tổng).

Ngày mồng 6 tháng 12 năm Tự Đức thứ 34 (1881), cai tổng Hòa An bấy giờ là Phan Tiến Hạc viết bản điều trần nêu lên những khó khăn của tổng mình, mục đích là xin quan huyện bổ nhiệm cho một chức cai phó tổng để góp sức điều hành công vụ. Đồng thời, ông Hạc tiến cử một người tên Phan Văn Tư ở làng Thanh Sơn, đã làm lý trưởng nhiều năm, có đủ khả năng đảm nhận trọng trách ấy. Dưới bản văn Phan Tiến Hạc ký, tiếp theo Cai tổng Hạc, có 24 lý trưởng đương kim (trong số 31 lý trưởng) ký tên và đóng dấu của xã mình vào bản văn.

Trang đầu của lá đơn
Chữ ký và con dấu lá đơn

Sau đây là dịch âm bản văn ấy từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ:

“Hòa Vang huyện, Hòa An Thượng tổng, Cai tổng Phan Tiến Hạc. Vì bảo kết sự duyên tổng nội tam thập nhất xã thôn, thượng giáp Câu Đê nguyên, hạ giáp Đà Nẵng tấn, xung yếu địa đầu, công vụ phồn đa, tái nhân sử sự hướng lai. Duy hữu cai phó tổng các nhất biện sự pha thuộc nhu nhân sát chi. Y tổng Thanh Sơn xã Lý trưởng Phan Văn Tư nghiệp dĩ hữu niên binh khóa sự hoàn bảo vô giá cưu ngưng ứng lân cử cai vị y tổng, khắc biện phó tổng hiệp dư tạo đẳng thừa hành công vụ.

Nhược cai sở sự phất cần, chuyển can bất tiện vi thử tư bảo kết từ.

Tự Đức tam thập tứ niên, thập nhị nguyệt, sơ lục nhật.

Nội tổng, Cai tổng Phan Tiến Hạc ký.

Các đương kim lý trưởng ký theo và đóng dấu (từ hàng 9 đến 32).

– Phù Nam thượng hạ xã Lý trưởng Tăng Văn Hậu ký.

– Hội Yên thượng hạ xã Lý trưởng Nguyên Văn Phiến ký.

– Trường Định xã Lý trưởng Phan Văn Thân ký.

– Lộc Mỹ thôn Lý trưởng Dương Văn Hòa ký.

– Bảo Sơn xã Lý trưởng Lê Văn Tồn Chiếu ký.

– An Ngãi Tây xã Lý trưởng Nguyễn Văn Tự ký.

– Trung Ngãi xã Lý trưởng Trương Văn Tỗn ký.

– Phú Lộc xã Lý trưởng Phạm Văn Lợi ký.

– Thanh Sơn xã Lý trưởng Phan Văn Chánh ký.

– An Ngãi Đông xã Lý trưởng Nguyễn Văn Liên ký.

– Đông Sơn xã Lý trưởng Nguyễn Văn Trí ký.

– Mỹ Sơn xã Lý trưởng Nguyễn Văn Thiệu ký.

– Trung An xã Lý trưởng Trần Ngọc Cẩm ký.

– Hòa Mỹ xã Lý trưởng Hoàng Văn Công ký.

– Nhơn Hòa thôn Lý trưởng Lê Văn… ký.

– Thạnh Yên xã Lý trưởng Lê Văn Thanh ký.

– Hòa Mỹ phường Lý trưởng Nguyễn Văn… ký.

– Phước Lý xã Lý trưởng (không đọc được) ký.

– Hòa An xã Lý trưởng Vũ Văn… ký.

– Vĩnh Phước xã Lý trưởng Bùi Hữu Trực ký.

– An Ngãi Trung xã Lý trưởng Nguyễn Văn Toán ký.

– Quan Nam xã Lý trưởng Ngô Văn Tạ ký.

– Tùng Sơn xã Lý trưởng Ngô Văn Chung ký.

– Nam Yên (An) xã Lý trưởng Phan Văn Mỹ ký.

Cả tổng có 31 xã thôn đã thuận ký 24, còn 7 xã thôn không ký, có tên sau đây:

– Xã Vân Dương nay thuộc xã Hòa Liên.

– Xã Hưởng Phước… nay thuộc xã Hòa Liên.

– Xã Tân Ninh nay thuộc xã Hòa Liên.

– Xã Trung Sơn nay thuộc xã Hòa Liên.

– Thôn Lệ Mỹ nay thuộc xã Hòa Liên.

– Xã Đa Phước nay thuộc khu Hòa Khánh.

– Thôn Lộc Hòa nay thuộc xã Hòa Sơn.

Vài nhận xét:

Chúng ta thấy bản văn của tổng ngắn, chỉ có 141 chữ nhưng lại có đến 25 chữ ký và có 24 con dấu các lý trưởng đóng vào. Riêng chánh tổng có ký tên mà không đóng dấu (hay là cấp tổng không có con dấu?).

Theo bản danh sách trên, chúng ta thấy người thời xưa, những ai có ăn học thì chọn lựa cho mình một cái tên rất hay, tên nào cũng mang một ý nghĩa riêng và dùng chữ Hán để viết trực tiếp cái tên ấy. Còn những người không “ăn học” thì cha mẹ đặt sao con đành chịu vậy, những cái tên dễ đọc mà khó viết, muốn viết phải dùng chữ Nôm. Ví dụ như: Tèo, Út, Giàu, Có, Vàng, Đủm, Tràu, Diếc,… Chúng ta còn thấy thêm con người thời xưa phần nhiều đều dùng chữ lót. Như 25 người kể trên ai cũng dùng chữ lót. Trong số 25 người có ba chữ lót: Tiến, Hữu, Ngọc. Số còn lại 22 người đều dùng chữ Văn (ngược lại thời nay). Khu vực hành chính thời xưa không cần dính liền một khối như thời nay. Dẫn chứng như các làng Đa Phước, Phú Lộc, Hòa Mỹ, Hòa An, Phước Lý (đều thuộc tổng Hòa An) đã cắt rời tổng Bình Thái Hạ ra thành hai khu rõ rệt. Như làng Nam Ô, Xuân Thiều, Kim Liên, Liên Chiểu,… thuộc tổng Bình Thái không dính liền với Thanh Khê, Hà Kê, Xuân Đáng, Xuân Hòa, Thạch Gián,… cũng thuộc tổng Bình Thái Hạ. Cũng như thời lập tổng Giáo (1887): Làng Hội Yên (Hội An) thuộc xã Hòa Bắc, làng Hòa Mỹ thuộc xã Hòa Liên ngày nay sáp nhập với làng An Ngãi Đông, An Ngãi Tây, Phú Thượng,… để thành tổng Giáo. Còn nhiều vùng khác nữa cũng tương tự như thế.

Bài liên quan

Bài đăng mới