Thế kỷ X là thế kỷ hái lượm thành quả của hơn một nghìn năm vun trồng ý thức quốc gia tự chủ, chống ách đô hộ Bắc phương sao cho:
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Cổ Loa, cố đô Âu Lạc Việt cổ trở thành tân đô của triều đại Ngô Vương Quyền với triết lý “tỏ ý nối tiếp quốc thống xưa của An Dương Vương Thục Phán”. (Việt sử thông giám cương mục).
Hoa Lư, với những thung Cau, thung Lá… trở thành kinh đô của nhà Đinh, nhà Tiền Lê là bởi sau loạn Thập nhị sứ quân, đấy là đất bản bộ, quê nhà vừa thân quen, vừa dễ giữ, chứ chưa thể mong ngay sự qui phục tuyệt đối của các thủ lĩnh vùng mà thống nhất hẳn nước Việt. Giữa đồng bằng Bắc bộ cái nôi của người Việt, có một nơi được đất trời qui định một cách tự nhiên và được dân gian ngày sau nói lên nét qui hoạch một cách hồn nhiên:
Nhị Hà quanh bắc sang đông
Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này.
Sông Cái và hai nhánh sông con tạo nên một vùng bãi bằng ở giữa: Đó là cốt lõi của Kinh thành Đại Việt ngày sau, của Hà Nội đến tận bây giờ…
Vùng đất ấy được bắt đầu khai thác từ đầu thời đại kim khí. Trên ba ngàn năm trước đã có một làng nông ở chân thềm sót – núi Nùng ven sông Tô và một vạn chài ở cửa sông Tô. Dấu tích (Ngọc Hà) và dấu tích huyền thoại là “Thần tổ tiên hiền” Tô Lịch, hay sau này gọi là thần Long đỗ (Rốn rồng). Làng Hà Nội gốc ở ngã ba Tô – Nhị đó có chợ búa trên bến dưới thuyền và lớn lên nhanh thành một thị trấn từ thế kỷ thứ tư, mang tên phố huyện Tống Bình…
Chính Lý Bí Nam đế – người đầu tiên xưng “Đế” ở cõi nam – là người đầu tiên nhận ra cái vị thế địa lý thủ đô tự nhiên của đồng bằng châu thổ sông Nhị.
Các thế núi đều dồn về đây rồi lan tỏa: đi theo đường nét sơn văn, các dòng chảy vũng tụ thủy nơi đây rồi dàn trải mãi tới biển đông. Trên bờ vàm Tô Nhị đã mọc dựng chùa Khai Quốc (Trấn Quốc ngày sau) và tòa thành tre gỗ đá của đô thành Vạn Xuân thế kỷ VI. Cũng trên cái nền đó mà có La Thành rồi Đại La Thành của An Nam đô hộ phủ đời Đường…
Bỏ sau lưng thế kỷ X nửa đầu tạo nền tự chủ, nửa sau dẹp loạn sứ quân dựng nên thống nhất Đinh Lê, Lý Thái tổ Công Uẩn đã nhận thức lại cái vị thế của thành Đại La “Tiện hình thế núi sông sau trước… ở giữa bốn phương nam bắc đông tây… muôn vật giàu thịnh đông vui. Xem khắp nước Việt ta, đấy là nơi hơn cả, thật xứng đáng là Thượng Đô của muôn đời” mà tuyên dương cái ý định chiến lược: “chính trung đồ đại” (đóng nơi trung tâm, mưu toan việc lớn cho muôn đời con cháu ngày sau) và hạ chiếu hỏi ý kiến quần thần về việc đời đô với câu kết luận nổi danh: “Trẫm nghĩ như vậy, ý các khanh thế nào?”. Sáng suốt mà không độc đoán, thuyết phục bằng lí lẽ minh triết mà không chuyên chế, cuối cùng triều đình nhà Lý đã nhất trí quyết định việc lớn dời đô, khẳng định 2 hằng số chính trị của nền quân chủ dân tộc Đại Việt: Tự chủ và thống nhất.
Tư duy lý tính của bài Chiếu được bổ sung và thăng hoa bằng tư duy huyền thoại, hợp với tâm thức một dân tộc tiểu nông về Rồng vàng xuất hiện trên bến sông rồi bay lên trời, để kinh thành Đại Việt mang cái tên độc đáo và tuyệt đẹp Thăng Long: “Thành phố Rồng bay” là biểu tượng rất biện chứng của một dòng tư tưởng xoay chiều: Trở về cội nguồn “Rồng tiên” Việt cổ và kiên quyết vươn lên bay tới những ngày mai sáng láng…
Đó là những bài học lịch sử lớn để lại cho con cháu Việt Nam…
Thăng Long Lý-Trần văn hiến: biết trọng hiền tài và thần dân. Cấm thành nhỏ hẹp, lầu gác phải chăng. Hoàng thái tử Lý ra ở với dân “để biết việc dân”, Thái thượng hoàng Trần trở về với dân để vua quan trẻ tuổi tập quen việc nước, vua quan già lão càng hiểu thấu lòng dân mà răn bảo lớp đương quyền “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức thì giặc chịu bị bắt… Khoan dung, nhân hậu nới lỏng sức dân là thượng sách giữ nước”. Phá Tống, bình Nguyên đều thắng lợi. Văn hóa giáo dục mở mang: chùa Phật, quán Đạo, miếu Nho, Quốc Tử Giám, Thái học viện… đều đua nở. Nhân tài đến từ mọi phía, hội tụ nơi Thăng Long 61 phố phường…
Hồ Quý Ly vì ý đồ riêng mà dời đô vào xứ Thanh (Tây đô) đổi mới nửa vời, không qui tụ được lòng dân nên để mất nước. Dân gian và trí thức phải làm lại một cuộc khởi nghĩa và một cuộc kháng chiến dài để giành lại nước, trải 10 năm.
Bốn phương muôn dặm thu phục
Chợ búa Đông đô chẳng thay
(Nguyễn Trãi)
Thăng Long Lý Trần của Quân chủ Phật giáo chuyển thành Đông kinh Hậu Lê của Quân chủ Nho giáo. Nhưng trước sau 36 phố phường vẫn là Kẻ Chợ của dân gian. Hoàng thành Hậu Lê vẫn là hoàng thành xưa cũ được nới rộng ra. Bao quanh thành phố hoàng gia và thành phố thị tứ vẫn là khu thập tam trại rau quả và những chợ ô. Có thanh bình và nội chiến, nhưng sao chăng nữa, đây vẫn là đất “phồn hoa đệ nhất”:
Phồn hoa thứ nhất Long thành
Phố giăng mắc cửi đường quanh bàn cờ
Với mùa thu đẹp bất tận:
Lý Trần thiên tải phồn hoa địa
Tịnh tác hồ dầu nhất dạnh thu
(Lý Trần nghìn thuở phồn hoa cũ
Để lại bên hồ một dáng thu)
(Vũ Tông Phan)
Triều Nguyễn chối bỏ vị trí trung tâm đất nước, hạ Thăng Long xuống cấp tỉnh lỵ Hà Nội (1831). Nhưng tâm thức dân gian Bắc hà vẫn khẳng quyết:
Long thành thật xứng cố đô
Kim âu chẳng mẻ, cơ đồ dài lâu
Và học giả Pháp cũng nhận: “Hà Nội là trái tim của nước Nam” (Le Grand de Liraye 1889). Rồi triều Nguyễn ký giấy bán Hà Nội cho Tây thực dân làm “nhượng địa”. Và Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX là thành phố thuộc địa, thủ phủ của 5 xứ Đông Dương thuộc Pháp.
Với Cách mạng mùa thu Ất Dậu 1945, Hà Nội đổi đời trở thành thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng cũng còn phải trải qua một “cơn gió bụi” 9 năm kháng chiến, sau Điện Biên, Hà Nội mới đích thực lâu dài là thủ đô mới của Việt Nam mới. Lịch sử vốn trớ trêu: Thế kỷ XVII – XVIII, Đông Kinh trên danh nghĩa là kinh thành Đại Việt nhưng trên thực tế chỉ là trung tâm của Đàng Ngoài, để có Huế là trung tâm đích thực của Đàng Trong. 1945-1975 cũng vậy: “Lòng ta chỉ một thủ đô, lòng ta chỉ một cơ đồ Việt Nam” (Tố Hữu) nhưng trên thực tế, thời gian đó, Sài Gòn là trung tâm đích thực của miền Nam.
Người cách mạng trong thực tế thì lấy Hà Nội – Huế – Sài Gòn kết nghĩa, là ba của một Việt Nam.
Sau 1975, Hà Nội phải và vẫn đang cố vươn lên để “ danh xứng kỳ thực” là thủ đô duy nhất của một Việt Nam thống nhất. Tôi sẽ không nói về những cố gắng 15 năm qua của Hà Nội.
Cái khuyết tật lớn nhất mấy chục năm qua là chúng ta không có một quy hoạch đích thực và vững chắc cho thủ đô Hà Nội . Có một thời gian dài tư duy cấp trên còn chao đảo về sự “dời đô” nào lên Xuân Hòa, nào sang Xuân Mai… Cũng may, lương tri dân tộc đã thắng: Đó là Nghị quyết của Bộ Chính trị về việc xây dựng thủ đô Hà Nội. Mọi sự tự phê bình và phê bình đã hàm trong đó để cuối cùng vẫn khẳng định Ba Đình là trung điểm của trung tâm đất nước. Thủ đô là của cả nước và cả nước phải cùng chung xây dựng thủ đô.
Chúng ta đã có Hội bảo vệ môi trường Hà Nội và Hội lịch sử và bảo trợ các di tích lịch sử của Hà Nội. Có phá hủy mà cũng phải có bảo tồn cái xưa cũ nghìn năm, trong khi sáng tạo cái mới cho hôm nay và ngày mai Hà Nội. Hà Nội đang ra khỏi cơn khủng hoảng toàn diện, đang hồi sức ra khởi sắc theo phương hướng đa dạng hóa các thành phần kinh tế và dân chủ hóa các sinh hoạt xã hội.
Hà Nội đang và sẽ tiếp tục cởi mở về mọi mặt kinh tế chính trị văn hóa để hòa điệu và hội nhập với quốc tế hòa bình, với loài người tiến bộ, để xóa dần đi cảnh tượng và lối sống quê mùa tỉnh lẻ, để ngày càng quốc tế hóa trong khi vẫn lắng hồn sông núi nghìn năm.
Mùa thu 1010, ta có Thăng Long tự chủ và thống nhất.
Mùa thu 1945, ta có Hà Nội độc lập và dân chủ.
Mùa thu 1954, ta có Hà Nội giải phóng cùng miền Bắc xóa chủ nghĩa thực dân…
Hà Nội có duyên với mùa thu như vậy và mùa thu Hà Nội là mùa đẹp nhất nước.
Phải chăng đến mùa thu 2010 khi Hà Nội tròn nghìn tuổi, ta có thể hy vọng thấy một Hà Nội hiện đại mà dân tộc, tự do mà kỷ luật, giàu sang mà hạnh phúc?
Tôi luôn luôn sống với “Bài ca hy vọng” về “Hà Nội mùa thu”…