Thành phố Hồ Chí Minh giờ khắc số 0

Thành phố Hồ Chí Minh giờ khắc số 0

Tạp chí Xưa và Nay giới thiệu

Lời nhà xuất bản

Chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào ngày 30/4/1975 không chỉ kết thúc thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà còn kết thúc thắng lợi của cuộc chiến tranh giành độc lập, tự do kéo dài suốt 30 năm của nhân dân Việt Nam.

Phóng viên các báo phương Tây UPI, AP, BBC, AFP, Đài truyền hình Italia, Đài truyền hình Pháp, Radio Đan Mạch, báo Guardian, Daily telegraph, Der Spiegel, Stern…có mặt tại Việt Nam đã có dịp ghi lại những sự kiện nóng hổi có tính thời sự dồn dập diễn ra trong những ngày tháng đó. Dưới góc nhìn của những người không thuộc về bên nào của cuộc chiến, các bài tường thuật đã ghi lại những hình ảnh hào hùng của các đoàn quân Giải phóng hành quân vào miền Nam, mang theo tinh thần kiên định “dân tộc Việt Nam là một” và niềm tin tất thắng; cũng như phản ánh chân thực những cảnh tượng hỗn loạn của cuộc di tản do người Mỹ tổ chức, khi trực thăng nối đuôi nhau rời Sài Gòn, để lại một thành phố hoang tàn. Và chỉ sau một tuần, lại có những bài báo ghi lại một Sài Gòn khác – bình tĩnh, trật tự và tràn đầy biểu tượng của một thời đại mới.

Chỉ 5 tháng sau sự kiện ngày 30/4, nhà báo Đức Börries Gallasch – nhà báo phương tây duy nhất có mặt trong sự kiện đầu hàng của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh tại Dinh độc lập – đã tập hợp các bài phóng sự của đồng nghiệp, xuất bản bằng tiếng Đức cuốn sách có tựa đề “Ho- Tschi-Minh-Stadt – Die Stunde Null Reportagen vom Ende eines dreiβigjährigen Krieges”, được Nhà xuất bản Rowohlt – Rororo phát hành tại Hamburg.

Một trong những đặc điểm của cuốn sách chính là cách nhà báo mô tả sự thay đổi con người và không khí trong thành phố trước và sau ngày 30/4/1975. Đó là những chiến sĩ Quân Giải phóng với bộ quân phục màu xanh lá cây cùng với đôi dép cao su Hồ Chí Minh trò chuyện cởi mở với người dân. Đó là hình ảnh những học sinh trong tà áo dài trắng, những bà mẹ, những người thân ôm nhau khóc trong ngày đoàn tụ. Người dân Sài Gòn, sau những ngày đầu lo lắng, đã trở lại cuộc sống thường nhật, dẫu biết rằng trước mắt họ là một hành trình đầy thách thức để xây dựng lại đất nước.

Bên cạnh những câu chuyện của từng cá nhân, cuốn sách phản ánh một sự thật sâu sắc: Chiến thắng của Việt Nam không chỉ đơn thuần là một thắng lợi của một ý thức hệ hay một lực lượng quân sự, mà đó là một chiến thắng của cả dân tộc – những con người đã chịu đựng quá nhiều mất mát, chia cắt và đau thương để giành lại độc lập, tự do. Những người lính miền Bắc vào Nam không chỉ giành lại hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, mà còn tìm lại gia đình, người thân – những người đã bị chia lìa bởi chiến tranh suốt hàng chục năm. Khoảnh khắc gặp lại cha mẹ, anh chị em sau bao năm xa cách đã trở thành một trong những biểu tượng hòa bình, thống nhất đất nước.

Nhân ngày kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Thành phố Hồ Chí Minh – giờ khắc số 0 – Những phóng sự về kết thúc chiến tranh 30 năm với bản dịch tiếng Việt của dịch giả Dương Đình Bá. Trong cuốn sách, tên gọi “Thành phố Hồ Chí Minh” được sử dụng ở một số chỗ, dù các sự kiện đều diễn ra trước thời điểm thành phố mang tên này (2/7/1976). Đây là cách gọi mà chính Börries Gallasch lựa chọn. Nhà xuất bản giữ nguyên cách gọi này cũng như nội dung của bài báo nằm tôn trọng bản gốc và nội dung của người viết; đồng thời, hy vọng cách gọi này không gây hiểu nhầm về mặt lịch sử, mà thay vào đó giúp bạn đọc tập trung vào nội dung và thông điệp mà cuốn sách muốn gửi gắm.

Đây là một cuốn sách không chỉ dành cho những bạn đọc quan tâm đến lịch sử Việt Nam, mà còn cho những bạn đọc muốn tìm hiểu sâu hơn về sự chuyển mình của một dân tộc sau chiến tranh – về nỗi đau, niềm vui và cả những hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.

Lời giới thiệu

Với dung lượng khiêm tốn hơn 200 trang, cuốn sách Thành phố Hồ Chí Minh – Giờ khắc số 0 – Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm sẽ lọt thỏm trong bộ sưu tập ngày một nhiều, ngày một đồ sộ của những cây bút nước ngoài viết về cuộc chiến tranh Việt Nam. Song giá trị của cuốn sách nổi bật hơn cả bởi thời điểm xuất bản của nó là tháng 9/1975, tức chỉ 4 tháng sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc bằng sự kiện diễn ra vào ngày 30/4/1975.

Với nhân dân Việt Nam, đó là thời điểm mở ra một kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất. Cả dân tộc phấn đấu xây dựng lại đất nước sau những năm chiến tranh tàn khốc trên một Tổ quốc đã thống nhất vẹn tròn. Còn với các nhà báo đã lăn lộn trên chiến trường Việt Nam thì đây cũng sẽ là thời điểm khép lại một trong những môi trường hành nghề sôi động nhất, một trải nghiệm “Việt Nam” mang lại nhiều bài học nghề nghiệp và cả những suy tư về thế giới.

Trong bài viết ngắn thay cho lời tựa của cuốn sách này, nhà báo Công hòa Liên bang Đức Börries Gallasch, cũng là người tổ chức bản thảo cuốn sách này, cho biết ông đã có ý tưởng và kịp thời tập hợp những bài viết của các đồng nghiệp thành một ấn phẩm vào ngay thời khắc cuộc chiến tranh kết thúc.

Những bài viết ngắn của nhiều tác giả thuộc các quốc tịch, làm việc cho các tờ báo khác nhau với cách tiếp cận khác nhau đã được tập hợp tức thời sau sự kiện 30/4/1975 và ra mắt sau đó vài tháng, vẫn nóng bỏng tính thời sự cùng những cảm xúc sâu sắc trước một biến cố lớn lao của thời cuộc và sự nghiệp, đã tạo nên giá trị của cuốn sách này để hôm nay bản in tiếng Việt được ra mắt bạn đọc ở Việt Nam.

Bài viết thay lời tựa sách có tựa đề Việt Nam – một cuộc chiến tranh dành cho các nhà báo kèm theo một dấu chấm hỏi (?) như để bỏ ngỏ rằng thời gian sẽ trả lời. Còn với những người làm ra cuốn sách này, “nhà xuất bản và các tác giả nhất trí với nhau dù với những sự đánh giá khác nhau rằng: Đây là cuốn sách cuối cùng về cuộc chiến tranh Việt Nam”.

Có lẽ đây là nhận định duy nhất sai với sự thật đã diễn ra cách đây 50 năm tiếp theo kể từ khi cuốn sách ra mắt bạn đọc. Bời vì đề tài cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp tục được xuất hiện trên nhiều trang sách gắn với những diễn biến của thời cuộc diễn ra trên hành tinh của chúng ta.

Những người hoạt động trong lĩnh vực sử học chúng tôi trân trọng các nhà báo có mặt trong cuộc chiến này. Vì khi hành nghề họ là nhà báo, nhưng thời gian đã khiến cho những điều họ viết trở thành lịch sử. Bởi lẽ, các nhà báo chính là những người chép sử đương đại.

Riêng với Börries Gallasch, ông là nhà báo hiếm hoi đã tận mắt chứng kiến những gì diễn ra trong Dinh độc lập vào phút cáo chung của chế độ Sài Gòn, cũng là thời khắc kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam trong niềm vui toàn thắng của dân tộc Việt Nam. Chính nhờ những điều ông viết trên báo giấy và cả báo hình, cũng như những bức ảnh trung thực của nhà báo người Pháp, bà Françoise Demulder chụp lại – những hình ảnh những chiếc xe tăng đầu tiên của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng tiến vào Dinh Độc lập buổi trưa ngày 30/4/1975, đã giúp cho giới sử học xác minh được nhiều chi tiết lịch sử quan trọng, làm tôn thêm giá trị trung thực của sự kiện được coi là biểu tượng chiến thắng của ý chí thống nhất, của nguyên lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của dân tộc Việt Nam.

Sau cuốn sách này, Börries Gallasch đã có dịp trở lại Việt Nam để kiểm chứng những điều mình đã suy nghĩ trong thời chiến. Sau khi ông qua đời, bà quả phụ Gallasch cũng nhiều lần đến Thành phố Hồ Chí Minh, nơi ghi dấu nhiều kỷ niệm và thăm lại những nhân chứng lịch sử có mặt trong những tác phẩm báo chí của chồng mình. Và chính bà đã cho phép chúng tôi được dịch cuốn sách này để giới thiệu với công chúng Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xin trân trọng được giới thiệu với bạn đọc cuốn sách nhiều ý nghĩa này.

Tháng 4/2025
Dương Trung Quốc

Bài liên quan

Bài đăng mới