Ngài sinh năm 1890, thế danh là Nguyễn Văn Kỉnh, tên chữ là Chân Thường, quê ở xã Dưỡng Mông Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên; xuất thân trong một gia đình Nho giáo – Phật giáo lâu đời, thân mẫu thuộc dòng tôn thất nhà Nguyễn. Từ thuở thiếu thời, Ngài đã mến mộ cửa Thiền, năm 15 tuổi, cùng anh trai xuất gia tu học tại chùa Tường Vân (Huế), được hòa thượng trụ trì hết lòng giáo huấn nên đạo hạnh tinh thuần. Từ năm 1916 đến năm 1934, được Giáo hội Phật giáo bổ trụ trì chùa Phước Huệ thuộc phủ Tuy Lý Vương Miên Thẩm, con trai thứ 10 vua Minh Mạng. Sau khi hòa thượng Tịnh Hạnh viên tịch năm 1934, Ngài lại về trông coi tổ đình Tường Vân. Thời kỳ Chấn hưng Phật giáo ở nước ta, Ngài cùng cư sĩ Lê Đình Thám, pháp danh Tâm Minh, một trí thức tân học, uyên thâm Hán học, Phật học và các cư sĩ trí thức thành phố Huế như Ưng Bàng, Nguyễn Khoa Tân, Nguyễn Đình Hũe… sáng lập An Nam Phật học hội tức Hội Phật học Trung kỳ do bác sĩ Lê Đình Thám làm Hội trưởng, Ngài ở ngôi Chứng minh đạo sư. Thơ, kệ của Ngài được chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu lúc bị thực dân Pháp giam lỏng ở Huế tán thán. Cụ Phan có thơ tặng Ngài.
Nguyên văn chữ Hán Tiền thân chủng xuất tự Bồng lai, Duy hướng bồ đề viện lý tài. Tố nhuỵ quang tranh đông dạ tuyết, Kỳ phương phẩm đoạt lãnh đầu mai. Hương chân vương giả thiên thùy thưởng, Trang tỉ thường nga nguyệt ám xai Duy Phật tùng lai năng thức Phật, Ân cần huệ ngã thử hoa khôi | Bản dịch quốc ngữ Thân trước vốn người tự cõi tiên Sau vì giác ngộ đến cửa Thiền Sắc mầu đông tuyết còn thua lắm, Hương chất hoàng mai lại kém duyên. Dáng vẻ hoàng vương trời ái mộ, Thường nga trang tử nguyệt ưu phiền. Phật duyên từ ấy mà tương cảm, Cành ngọc lan trao tới cựu hiền. |
Năm 1940, Hội Phật giáo Trung kỳ mở trường Cao đẳng Phật học đặt tại chùa Tường Vân và chùa Báo Quốc, Ngài giữ chức Giám đốc. Trường đã đào tạo được nhiều vị cao tăng thạc đức như các hòa thượng Thiện Hòa, Thiện Hoa, Thiện Siêu, Trí Tịnh, Hành Trụ, Minh Châu…
Năm 1947, Ngài được suy tôn Tùng lâm Pháp chủ Trung Việt, rồi đảm nhiệm chức vụ Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam. Năm 1955, Ngài cùng các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo đi thăm Ấn Độ, Tích Lan, dự Đại hội Phật giáo thế giới tại Colombo. Chuyến công du Tích Lan này không ngờ lại có giá trị cao. Vì khi cao trào Phật giáo, phong trào sinh viên học sinh chống chế độ độc tài, dã man Ngô Đình Diệm năm 1953 thì chính quyền họ Ngô vội vàng thương lượng với một số tăng lữ, cư sĩ trong phái Lục Hoà Tăng lập ra Tổng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn chống lại Tổng hội Giáo hội Việt Nam, họ gửi điện văn đến Hội Phật giáo Tích Lan lên án Giáo hội Phật giáo Việt Nam lợi dụng danh nghĩa Phật giáo để hoạt động chính trị và yêu cầu Phật giáo Tích Lan phản đối. Ngay sau khi nhận được điện văn, Ngài Tổng Thư ký Trung tâm Phật giáo Tích Lan đã trả lời ngay: “Tổng hội Phật giáo Việt Nam không bao giờ làm một việc gì hoặc có một thái độ nào có thể gọi là phản Phật giáo cả”. Phật tử Tích Lan “phản đối mạnh mẽ những hành động kỳ thị tôn giáo và những đối xử có tính lăng nhục”. Thời gian này, ở miền Nam nước ta, dưới ách thống trị của gia đình họ Ngô, vốn dân đạo gốc lâu đời, Giám mục Ngô Đình Thục, dựa vào đế quốc Mỹ để mở rộng nước Chúa, củng cố thế lực lại cũng khát vọng được tấn phong chức Hồng y Giáo chủ. Vì thế, chính quyền họ Ngô ra sức chèn ép, đàn áp Phật giáo trắng trợn, dã man. Năm 1957, ra lệnh loại ngày lễ Phật đản ra khỏi các ngày nghỉ chính thức hàng năm. Đây là một đòn lớn đánh vào Phật giáo, vào tăng ni Phật tử và cả dân bên lương. Chính quyền dùng công quỹ xây Thánh đường, trường Giáo lý, ban hành chính sách ưu tiên ưu đãi giáo dân trong bộ máy công quyền, quân đội, cảnh sát, khuyến khích lôi kéo dân bên lương theo đạo. Tiếp theo, lại ra lệnh cấm treo cờ Phật, chỉ ngày Phật đản mới được treo trong khuôn viên chùa. Đối với tăng ni, Phật tử, lễ Phật đản là lễ lớn nhất, từ xưa đã được xếp vào Quốc lễ; Phật kỳ quốc tế 5 sắc tươi sáng rực rỡ tượng trưng cho Ngũ lực của Đạo là: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ.

Không dừng ở hai việc thất nhân tâm trên, chính quyền Sài Gòn lại bỏ buổi truyền thanh tường thuật lễ Phật đản của đài phát thanh Huế. Vì thế, ngày Rằm tháng tư khoảng 10.000 người tập trung tại đài để tìm hiểu nguyên do, chính quyền đàn áp làm 4 người bị thương, 8 người thiệt mạng trong đó có 2 thiếu niên bị xe tăng cán nát đầu. Để bảo vệ đạo, bảo vệ Phật tử, Thiền sư Tịnh Khiết thành lập Ủy ban Liên Phái đại diện tất cả các hệ phái Phật giáo toàn miền Nam, ủy ban quyết nghị kêu gọi tăng ni Phật tử tuyệt thực 48 giờ, kể từ 14h ngày 30/05/1963. Không chỉ hàng ngàn Phật tử tự nguyện tham gia mà nhiều sinh viên, học sinh Huế cũng tích cực hưởng ứng. Ngày 31/05/1963, tất cả các phân khoa thuộc Viện Đại học Huế gửi kiến nghị yêu cầu Tổng thống và Chính phủ thực thi “Một chính sách tự do, dân chủ và bình đẳng thực sự”, “Chấm dứt những mánh lới trẻ con và thiếu trí thức của cán bộ đối với tín đồ Phật giáo”. Ngày 04/06/1963, chính quyền đàn áp cuộc tuyệt thực Huế, làm 142 người bị thương, lại ra lệnh phong tỏa tất cả các chùa trụ sở của Hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Tăng Già toàn miền. Chủ trương chính sách thâm độc, tàn bạo của chính quyền Sài Gòn như lửa đổ thêm dầu dẫn đến những cuộc tự thiêu của các nhà tu hành đáng kính ở nhiều tỉnh thành miền Nam, mở đầu là cuộc tự thiêu của Thiền sư Thích Quảng Đức tại trung tâm đô thành Sài Gòn gây ảnh hưởng rộng khắp trong, ngoài nước. Chính quyền Sài Gòn cố ý bưng bít xuyên tạc nhưng báo đài Sài Gòn, Mỹ và nhiều nước vạch trần sự thực, chính quyền Mỹ bực bội về hành động tàn bạo ngu muội của gia đình Tổng thống Diệm. Anh em ông Diệm – Nhu dùng kế hoãn binh, đề nghị với Thiền sư Tịnh Khiết mở cuộc hội đàm. Ủy ban Liên Bộ của chính quyền do Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ lãnh đạo, Ủy ban Liên Phái bảo vệ Phật giáo do Thiền sư Thiện Minh làm trưởng phái đoàn họp từ ngày 14/6 đến 16/6/1963 mới ra được Thông cáo chung gồm 5 điểm: Quy định treo cờ Quốc gia, cờ Phật; Tách các hiệp hội có tính cách tôn giáo ra khỏi Dụ số 10; Cam kết không trả thù Phật tử…; Bảo đảm quyền tự do truyền giáo và hành đạo của Phật tử; Trừng phạt những người có trách nhiệm trong vụ thảm sát ở đài phát thanh Huế và bồi thường các gia đình nạn nhân.
Thông cáo chung được sự khán duyệt của Tổng thống Ngô Đình Diệm, của Hòa thượng Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, lãnh đạo tối cao Ủy ban Liên Phái bảo vệ Phật giáo Thích Tịnh Khiết.
Nhưng chính quyền không thực thi Thông cáo chung mà tiếp tục nhiều thủ đoạn chia rẽ, đàn áp. Ngày 18/6/1953, họ tranh thủ một số nhà sư thân cận lập ra Tăng hội Phật giáo Cổ Sơn Môn nhưng thiếu uy tín, nên họ dựa vào một số thiền sư, cư sĩ lập ra Ủy ban Phật giáo Thuần túy và các cuộc vây ráp, khủng bố tàn sát tiếp diễn trên quy mô rộng.
Thấy rõ bộ mặt thực tàn bạo mất dân chủ của chính quyền Sài Gòn, đông đảo trí thức trong đó có nhiều vị nổi danh như Linh mục Cao Văn Luận, Viện trưởng Viện Đại học Huế, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Giáo sư Phạm Biểu Tâm, Cư sĩ Mai Thọ Truyền nguyên Quốc vụ khanh, đặc trách văn hóa, Ni sư Diệu Huệ, thân mẫu nhà bác học Bửu Hội… Đồng thời, các giáo chức Đại học Huế từ chức. Dư luận thế giới chấn động. Ngày 7/10/1963, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định cử một phái đoàn điều tra tình hình Việt Nam; Đoàn đến Sài Gòn ngày 24/10/1953, nhưng đang điều tra thì ngày 01/11/1953 cuộc đảo chính đã nổ ra dẫn đến cái chết bi thảm của hai ông Diệm – Nhu. Nhân dân tin ác giả ác báo.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Đạo, đấu tranh cho nền dân chủ, ngày 31/12/1963, các tổ chức Phật giáo mở Đại hội Phật giáo tại chùa Xá Lợi quyết định thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, suy tôn Thiền sư Tịnh Khiết lãnh đạo Viện Tăng Thống và thông qua một bản Hiến chương của Giáo hội.
Thiền sư Tịnh Khiết, một bậc danh tăng Việt Nam thời hiện đại viên tịch tại tổ đình Tường Vân (Huế) ngày 23 tháng Giêng năm Quý Sửu (25/2/1973)