Theo sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, Thuận Thiên Cao Hoàng hậu tên là Trần Thị Đang. Bà sinh ngày 27-11 năm Mậu Tý (04-01-1769) là một phi tần của vua Gia Long, mẹ đẻ của Minh Mạng (1820-1840). Bà trở thành Hoàng Thái hậu của triều đình nhà Nguyễn khi vua Minh Mạng lên ngôi. Sau khi vua Minh Mạng qua đời, bà trở thành Thái hoàng Thái hậu dưới thời cháu nội mình là vua Thiệu Trị.
Cùng với Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, bà là một trong hai người vợ gắn bó với Gia Long thuở hàn vi, chưa có cơ nghiệp. Bà hưởng phúc đến đời cháu là Thiệu Trị,hưởng cảnh ngũ đại đồng đường, ở ngôi vị cao quý nhất hậu cung nhà Nguyễn, từ khi Thừa Thiên Cao Hoàng hậu mất vào năm 1814, đến khi bà qua đời vào năm 1846, tổng cộng 32 năm.
Sách Đại Nam liệt truyện chép: Đầu năm 1775, khi quân Trịnh vào đánh chiếm Phú Xuân, thân mẫu của Nguyễn Ánh là Ý Tĩnh Khang Hoàng hậu lánh nạn ở làng An Du, cửa Tùng, thời điểm đó, bà được tuyển vào cung vì là con nhà danh giá. Năm 1778, Nguyễn Ánh sai người rước mẹ vào Gia Định, qua năm Kỷ Hợi (1779), bà cùng các chị em của Nguyễn Ánh cũng vào theo. Năm 1781, được tấn phong là Tả cung tần, được xưng là Nhị phi.
Khi quân Tây Sơn còn mạnh thế, bà theo Nguyễn Ánh phiêu bạt nhiều nơi, đêm thường thắp hương cầu khẩn: “Lúc này vận nước còn khó khăn, chưa được an định, nếu sinh con mà bỏ đi thì bất nhân mà mang theo chỉ bận lòng chúa thượng. Nếu số mệnh có con thì xin thái bình rồi mới sinh, mong trời ban được như thế” (Trích lại từ Nguyễn Phúc tộc thế phả, tr. 220).
Cũng theo Đại Nam liệt truyện, năm 1788, sau khi Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định, một đêm, bà nằm mộng thấy một vị thần dâng lên một cái tỉ và hai cái ấn ngọc; cái tỉ màu sắc đỏ, tươi sáng như mặt trời; một cái ấn thì sắc tía, cái kia thì sắc rất nhạt, bà nhận lấy tất cả.
Năm 1791, bà sinh ra hoàng tử thứ tư đặt tên là Đảm (tức vua Minh Mạng) ở thôn Hoạt Lộc thuộc Gia Định; sau đó là Kiến An Vương Đài (1795); Hoàng tử Hiệu (mất từ nhỏ) và Thiệu Hóa Quận vương Chẩn (1803). Khi Đảm lên 3 tuổi, Nguyễn Ánh đưa vào làm con của vợ cả là Nguyên phi Tống Thị Lan, bà Lan yêu thương Hoàng tử như con đẻ của mình.
Năm 1801, Hoàng tử Cảnh qua đời khi tuổi còn trẻ, bà Nguyên phi họ Tống vô cùng đau buồn, vì thương bà nên Nguyễn Ánh căn dặn Hoàng tử Đảm phải luôn luôn hầu bên trong cung. Sau khi bà Tống Thị Lan mất, Hoàng tử mới trở về bên mẹ đẻ của mình.
Năm Gia Long thứ 6 (1807), cháu đích tôn của bà, tức vua Thiệu Trị sau này, vừa chào đời được 13 ngày thì mẹ mất, được bà đón vào cung nuôi dưỡng.
Năm Gia Long thứ 11 (1812), cháu trai thứ ba của bà là Nguyễn Phúc Yến mất mẹ khi vừa lên 3 tuổi cũng được bà đón vào cung nuôi dưỡng.
Thuận Thiên Cao Hoàng hậu là người rất mến mộ đạo Phật. Dưới thời Minh Mạng, bà đã bỏ tiền của ra để tu sửa nhiều chùa ở khu vực huyện Hương Trà.
Năm Minh Mạng thứ nhất (1820), bắt đầu xây cung Từ Thọ. Các quan cùng vua xin dâng tôn hiệu bà lên làm Hoàng Thái hậu, bà cảm thấy vua Gia Long chưa chôn cất được bao lâu, Hoàng đế nối ngôi lại vì chuyện mà lo buồn, vì thế bà từ chối mà bảo rằng: “Ta biết rõ lòng thành của Hoàng đế và các quan, nghĩ đến ninh lăng của tiên đế mà ăn ngủ không được. Nay trời lại sinh lệ khí khiến quân dân sinh bệnh rất nhiều, thấy Hoàng đế lo lắng suốt ngày, khiến ta không yên mà thương xót khôn xiết. Tai họa vị tất do người làm vua kém đức mà sinh ra, nhưng được thiên hạ, phải có trách nhiệm với thiên hạ. Xin các bậc nguyên lão giúp Hoàng đế hoàn thành những việc chưa trọn để đổi lại ý trời, khiến dân an vui là ta rất mừng”. Mãi đến mùa xuân năm 1821, vua Minh Mạng cùng bá quan mới dâng biểu tấn tôn bà chính thức làm Hoàng Thái hậu.
Bà vốn tính cần kiệm, từng đặt nhà thêu nuôi tằm trong cung, hằng ngày đều đến trông nom. Vua thường bảo quần thần rằng: “Cung Từ Thọ có nhà nuôi tằm, ươm được nhiều tơ. Đó bởi mẹ ta có tính cần cù, biết rõ trồng dâu chăn tằm là nguồn gốc để may mặc, nên tự mình nuôi tằm ươm tơ, để làm gương cho người trong cung và kinh đô. Nếu không thế, ta lấy của thiên hạ nuôi mẹ, còn có thiếu gì mà phải nuôi tằm” (Đại Nam thực lục, tập 4, 2006, tr. 977).
Khi vua Minh Mạng đến hầu cơm, bà thường đứng dậy đi lại để tỏ ra khỏe mạnh, lại dạy rằng: “Ta biết Hoàng đế chăm lo suốt ngày, há nỡ lấy cái tuổi gần 70 mà lại làm lụy cho con, cho nên hàng ngày cố gắng ăn thêm, tự thấy tâm thần thảnh thơi, Hoàng đế nên chớ phải lo”. Vua rất cảm động, khóc lạy tạ.
Năm Minh Mạng thứ 18, (tức năm Đinh Dậu – 1837), nhân dịp thánh thọ 70 tuổi của bà, vua cùng bá quan dâng tôn hiệu là Nhân Tuyên Từ Khánh Hoàng Thái hậu.
Năm Thiệu Trị thứ nhất, tháng 3 ngày Nhâm Tý (tức 18 tháng 4 năm 1841) Hoàng đế Thiệu Trị dâng tôn hiệu cho bà là Nhân Tuyên Từ Khánh Thái Hoàng Thái hậu.
Mỗi khi rảnh việc, vua Thiệu Trị lại đến cung Từ Thọ hỏi han sức khỏe bà. Bà thường dặn dò vua về việc tin dùng người, tuân theo phép nước, tiếp nối ý chí và việc làm của ông cha sao cho xứng đáng. Lại cho bài luận về vua tôi, dạy bảo rất cặn kẽ cho vua nghe.
Bà thường dạo chơi vườn Thường Mậu, lên lầu Ký Ân, xa có thể trông thấy ruộng tịch điền, dụ rằng: “Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (tức Minh Mạng) yêu quý, chú ý đến Hoàng đế (tức Thiệu Trị), khác hẳn những người con khác, tổ mẫu già này biết rõ từ lâu. Năm trước Thánh Tổ Nhân Hoàng đế dựng ra vườn này, vì sợ sự giàu sang dễ thành ra kiêu căng xa xỉ, không biết lo cho dân, thương nhà nông, cho nên dựng nhà phủ đệ cho Hoàng đế ở trước ruộng tịch điền, khiến cho Hoàng đế biết cấy gặt khó nhọc. Hoàng đế nên nghĩ kỹ về tiết kiệm, chớ xa xỉ về ăn uống, sửa sang cung điện nhà vườn để làm vui, thực không phải là chí của người trước”.
Mùa xuân năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), nhà vua tuần du ra Bắc. Vua từng có ý muốn để Hoàng tử thứ hai là Hồng Nhậm lưu lại kinh đô vì lo con trưởng Hồng Bảo không làm được việc. Song Thái hoàng Thái hậu lại cho rằng tuy Hồng Bảo ít học, nhưng Hoàng trưởng tử lưu kinh đã là lệ cũ, hơn nữa bên cạnh vẫn có các đại thần giúp việc, cho nên không cần thay đổi. Vua không dám trái ý bà, cuối cùng để Hồng Bảo ở lại kinh đô, đưa Hoàng tử thứ hai theo mình ra Bắc.
Một lần vào năm Quý Mão (1843), nhân cùng vua Thiệu Trị đến ao Minh Giám câu cá, bà đã dùng chuyện cá nước để khuyên vua: “Cá ở nơi ao này chẳng lo bị vây bắt, đối với các lương thần ở trong nước cũng như thế. Ngày xưa vua Chiết Liệt nhà Hán (tức Lưu Bị) được Gia Cát Vũ Hầu (tức Khổng Minh) giúp sức tựa ví như cá gặp nước. Đạo trị nước của vua cần người hiền, tránh xa kẻ gian, chớ xa xỉ, phải tiết kiệm”.
Tháng 8, ngày 13 năm Thiệu Trị thứ 6 (tức 2 tháng 10 năm 1846), bà lâm bệnh nặng, qua ngày 18 tháng 9 Âm lịch (tức 6 tháng 11 Dương lịch) thì qua đời. Hưởng thọ 77 tuổi, quan tài để ở cung Từ Thọ.
Lăng mộ của Thuận Thiên Cao Hoàng hậu nằm ở bên phải lăng Thiên Thọ, trên núi Thuận Sơn, huyện Hương Trà, gọi là lăng Thiên Thọ Hữu. Bên phải núi Thuận Sơn là núi Mỹ Sơn dựng điện Gia Thành để thờ cúng.
Có thể nói Thuận Thiên Cao Hoàng hậu là người rất cần kiệm, thông thuộc kinh sử, tính tình khiêm nhường, hay lo nghĩ đến dân, nghĩ đến việc nước, khuyên con nhủ cháu mà ít khi nghĩ đến mình. Hơn 60 năm lo cho chồng, rồi đến con, cháu, bà chứng tỏ là một bậc mẫu nghi, được sự kính ngưỡng của tất cả vua quan trong suốt thời gian dài…

Tài liệu tham khảo:
– Nguyễn Phúc tộc thế phả, Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc, Nxb. Thuận Hóa, 1995.
– Đại Nam liệt truyện,tập 2, Quốc sử quán triều Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, 1994.
– Đại Nam thực lục,tập 5, tập 6, Nxb. Giáo dục, 2006.