Thúc Ngọc Trần Văn Giáp – Nhà thư mục học xuất sắc nhất Việt Nam thế kỷ XX

Hoài Anh

Tạp chí Xưa&Nay, số 353, tháng 4 năm 2010

Thúc Ngọc Trần Văn Giáp sinh ngày 26-11-1898 ở Từ Ô, Thanh Miện, Hải Dương (nay thuộc xã Tân Trào, huyện Thanh Miện, Hải Dương, là con trai của cử nhân Trần Văn Cận (1858-1938), một nhà nho thanh bạch, dù đỗ đạt nhưng không ra làm quan mà tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.

Trần Văn Giáp (1902-1973)

Thuở trẻ Trần Văn Giáp học chữ Hán và đỗ tam trường kỳ thi Hương năm 1915 tại Nam Định, song chuyển sang học chữ Pháp tại trường Pháp – Việt ở Yên Phụ, Hà Nội.

Từ năm 1916, Trần Văn Giáp xin vào chép thuê cho Trường Viễn Đông Bác Cổ và tranh thủ học tập thêm chữ Pháp.

Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) ra đời ngày 20-1-1900 kế tục công việc của đoàn khảo cổ thường trực Đông Dương được thành lập hai năm trước. Đây là một tổ chức nghiên cứu khoa học có nhiệm vụ tập hợp phân loại và phân tích các yếu tố văn hóa của lục địa châu Á, đặt dưới sự bảo trợ của Viện Hàn Lâm Văn bản học và Văn học; có ý đồ mở rộng phạm vi nghiên cứu đến các nước châu Á, mà hiện nay còn bị giới hạn trong việc nghiên cứu thư tịch cổ điển; từ nay nó phải đi vào cuộc sống của cư dân, cộng tác với trí thức địa phương và xây dựng những phương pháp nghiên cứu trên thuộc địa một cách khoa học. Lúc đầu đặt tại Sài Gòn, năm 1902 mới chuyển ra Hà Nội. EFEO bắt đầu xây dựng cơ sở cho công cuộc nghiên cứu: một bảo tàng để lưu giữ các bộ sưu tập được xây dựng năm 1926, được gọi là Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) lấy tên người giám đốc đầu tiên của EFEO. Thư viện của EFEO được đặt ở phố Lý Thường Kiệt (nay thuộc Viện Thông tin Khoa học Xã hội). EFEO còn đảm nhận trách nhiệm quản lý và giám sát về mặt khoa học với Bảo tàng Đà Nẵng Sài Gòn.

Năm 1920, Trần Văn Giáp được bổ dụng chính thức làm việc cho E.F.E.O.

Sau sáu năm làm việc ở trường, ông đã lập được “Mục lục sách Trung Quốc ở thư viện trường Viễn Đông Bắc Cổ” bằng  tiếng Pháp. Thấy ông là người hiếu học, có ý chí tiến thủ nên năm 1927, vị giám đốc của trường đã đưa ông sang đào tạo bên Pháp. Tại đây, ông đã theo học và tốt nghiệp các trường Cao đẳng thực hành Sorbonne, Khoa Thư mục thuộc Viện Hán học, Đại học Văn khoa Paris (môn văn minh Trung Quốc) và trường đại học Pháp (Môn ngữ âm thực hành). Năm 1932, ông tốt nghiệp với những luận văn của các trường nói trên là: Phật giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII Những thiên thư mục của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú. Như vậy, xét về thời gian và nghề nghiệp được đào tạo thì Trần Văn Giáp là người Việt Nam đầu tiên của thế kỷ XX có chuyên môn về thư viện – thư mục học. Lúc học ở Pháp, ông từng dạy ở trường Quốc gia Ngôn ngữ Đông phương Paris.

Sau khi trở về nước, Trần Văn Giáp phụ trách kho sách Hán Nôm của E.F.E.O. Năm 1938, ông tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công rồi toàn quốc kháng chiến, ông công tác ở Bộ Giáo dục và từng viết một cuốn “sách trắng” kể tội ác thực dân Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông là người đầu tiên tham gia xây dựng trường Cao học kháng chiến ở Phú Thọ và cũng là người đầu tiên dạy môn lịch sử và văn học tại trường này. Có lúc công cán Trung Quốc ông thường làm việc ở các thư viện Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Tây và Quế Lâm, sưu tầm được nhiều cổ thư và tư liệu quý nước nhà, như Nguyễn An người Việt Nam đời Hồ bị bắt sang Trung Quốc đã là kiến trúc sư xây dựng thành Bắc Kinh của nhà Minh và Lưu Vĩnh Phúc, tướng Cờ Đen đã hợp tác với quân dân ta đánh thực dân xâm lược Pháp.

Trong các năm 1957-1959, ông tham gia đàm phán giữa E.F.E.O và chính quyền Việt Nam về việc tiếp quản bảo tàng Louis Finot, trực tiếp chỉ đạo việc tiếp nhận các kho hiện vật, sách, ảnh và các bản in rập bia.

Ông còn tham gia Ban nghiên cứu Văn Sử Địa, Viện Sử học Việt Nam tích cực đóng góp nhiều công trình nghiên cứu sử học, văn học rất sáng giá cho nền học thuật Việt Nam như: Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi (hợp soạn với Phạm Trọng Điềm, Nxb Văn Sử Địa, 1957), Bích Câu kỳ ngộ khảo thích (Nxb Văn hóa, 1958), Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn (2 tập, biên dịch, khảo thích, Nxb Văn hóa, 1962), Ngọc Kiều Lê (biên dịch, chú thích, Nxb Khoa học Xã hội, 1976).

Năm 1957, được sự khuyến khích của ông Nguyễn Văn Xước – Giám đốc thư viện Quốc gia – Trần Văn Giáp đã dành nhiều thời gian để biên soạn cuốn sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm – nguồn gốc của văn học, sử học Việt Nam (2 tập). Đây là tác phẩm có tầm vóc lớn nhất mà Trần Văn Giáp đã thực hiện được. Ông đã giới thiệu cả thảy 429 tác phẩm – gấp đôi số sách mà nhà bác học Phan Huy Chú giới thiệu trong Văn tịch chí. Qua tác phẩm này, Trần Văn Giáp đã thực hiện một số bộ thư mục độc đáo mà nay ta quen gọi là thực hiện theo “Mô hình Trần Văn Giáp”. Ông tâm niệm: “Muốn phát huy những tinh hoa của nền văn hóa dân tộc thì phải tìm đến kho sách rất phong phú đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đây là một việc làm cần thiết đầu tiên để tìm hiểu giá trị văn minh một dân tộc, một đất nước”.

Trần Văn Giáp còn cùng Nguyễn Tường Phượng, Nguyễn Văn Phú, Tạ Phong Châu, Đỗ Thiện biên soạn bộ sách Lược truyện các tác gia Việt Nam (Nxb Khoa học Xã hội – Hà Nội, tập I, 1962, tập II, 1972).

Lời nói đầu bộ sách Lược truyện các tác gia Việt Nam:

Lược truyện các tác gia Việt Nam là một cuốn sách ghi rõ tên tuổi, sự nghiệp văn chương các nhà trứ thuật của Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX chúng tôi quan niệm tác gia là tất cả các vị nào đã có làm sách, về bất cứ một môn loại nào, từ thi văn, sử truyện cho đến bút ký, phiên dịch…

… Sách này như tên của nó đã nói, chỉ giới hạn trong lĩnh vực lược ghi tiểu truyện từng nhà đã có sáng tác, nhất là các tác phẩm về đủ mọi ngành học thuật: sử học, văn học, triết học, kỹ thuật, y dược, nghệ thuật… Chúng tôi ghi tên các tác gia người Việt Nam đã sáng tác các sách viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ và cả các sách viết bằng chữ Pháp, chữ Anh…

Mục đích nghiên cứu và biên soạn sách này chỉ giới hạn trong việc ghi chép lược truyện các tác gia và những tác phẩm của từng tác gia, viết thật gọn, thật đủ để giúp cho việc nghiên cứu được nhanh và tương đối vững chắc. Trong quá trình sưu tầm và nghiên cứu ấy, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn. Đối với các tác gia xưa, có vị thì biết rõ họ tên, quán chỉ, nhưng lại không biết được quá trình học tập, quá trình sáng tác, có vị biết rõ sự nghiệp văn chương, hoàn cảnh sáng tác thì lại thiếu niên canh quán chỉ. Đối với các tác phẩm còn lại, phần thì tàn khuyết, lẫn lộn, phần thì có tên không có sách, có sách không có niên đại. Cho nên chúng tôi giới hạn sách này trong một phạm vi nhỏ hẹp, chỉ nói những điều thật cần, thật rõ rệt. Ngoài ra chỉ nhận xét tổng quát một vài nét bằng một vài chữ về tác gia và tác phẩm, theo trào lưu tư tưởng thực trạng xã hội… qua các thời đại mà không trình bày tỉ mỉ, lấn vào lĩnh vực văn học sử hay lĩnh vực khoa học khác, phẩm bình từng tác gia, phê phán từng tác phẩm.

Theo hiện trạng thực tế các thư tịch Việt Nam, chúng tôi chia sách Lược truyện các tác gia Việt Nam làm hai tập.

Tập I, lược truyện những tác gia các sách viết bằng chữ Hán và chữ Nôm, nghĩa là trong hệ thống chữ khối vuông, bắt đầu từ đời Lý, Trần đến khi chữ Hán, chữ Nôm không còn có tác dụng lớn ở Việt Nam nữa) không được phổ biến lắm nữa. Nói gọn lại là đến năm 1945, đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập đã được 15 năm, 27 năm sau khi bỏ các trường thi hương ở toàn quốc Việt Nam.

Tập II, lược truyện những tác gia các sách viết bằng chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, chữ Anh… nghĩa là trong hệ thống chữ La-tinh.

Về mỗi tập các tác gia đều được xếp theo niên đại, lấy từng thế kỷ làm giới hạn, và có chia rõ các thời đại cũ, như Lý, Trần, Lê, Tây Sơn… cho mãi đến cận đại để tiện việc khảo cứu.

Về mỗi tác gia của chung hai tập, chúng tôi đều cố gắng sưu tầm, ghi đủ những phần cốt yếu: tên tự, hiệu, biệt hiệu, bút hiệu, tước phong, quan chức, quê quán, năm sinh, năm mất, thành phần gia đình, quan hệ xã hội, sự nghiệp chính trị, văn chương… Chú trọng nhất là tên những tác phẩm đã sáng tác những sách viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ Quốc ngữ ghi đúng theo trong bản thư mục hiện có của các Thư viện khoa học Trung ương và Thư viện Quốc gia Trung ương, có ghi ký hiệu riêng của từng thư viện ấy”.

Trần Văn Giáp cũng tham gia viết bài cho bộ sách Danh nhân Hà Nội (Hội Văn nghệ Hà Nội). Trần Văn Giáp qua đời ngày 25-11-1973 tại Hà Nội – trong phòng tá túc của trường Viễn Đông Bác Cổ – người ta không tìm thấy tài sản gì của ông để lại ngoài những pho sách. Đó là một thứ tài sản quý báu mà không phải ai, dù giàu có nhất cũng có được.

Bài liên quan

Bài đăng mới