Năm 1883, khi đội quân viễn chinh Bắc kỳ (Corps expéditionnaire du Tonkin) của Pháp bắt đầu chiến dịch quân sự tại miền Bắc Việt Nam, họ phải đối mặt với một vùng lãnh thổ rộng lớn ngoài Hà Nội, phần lớn vẫn chưa được vẽ bản đồ. Để hỗ trợ chiến dịch chống lại các lực lượng quân Cờ Đen và các đơn vị của quân đội nhà Thanh ở Trung Hoa, Cục Trắc địa đã dựa vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau, bao gồm bản đồ Việt Nam, cũng như các bản đồ lộ trình (itinéraires) và những phác thảo do binh lính vẽ khi thám sát. Một số bản đồ độc đáo loại này đã được sử dụng trong thời kỳ xung đột, có thể tìm thấy trong bộ sưu tập Adam Hérold tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.(1)
Đặt trong bối cảnh lịch sử cùng với các bản đồ từ nhiều nguồn khác nhau, chúng cung cấp một cái nhìn tổng quan về những giai đoạn đầu của quá trình lập bản đồ của người Pháp tại miền Bắc Việt Nam.
Khúc dạo đầu cho chiến tranh – giấc mơ về sự giàu có, giấc mơ về đế chế
Kể từ khi thành lập thuộc địa tại Nam kỳ vào năm 1850, chính quyền Pháp ở Sài Gòn đã ấp ủ giấc mơ mở ra một tuyến đường thương mại để tiếp cận sự giàu có huyền thoại của miền Nam Trung Hoa. Sau khi cuộc thám hiểm do Lagrée/Garnier thực hiện (1866-1868) chứng minh tuyến đường thương mại đó không thể là dòng Mê Kông, sự chú ý chuyển sang sông Hồng, chảy từ tỉnh Vân Nam của Trung Hoa ra biển, đi qua Bắc kỳ (miền Bắc Việt Nam). Tuy nhiên, Bắc kỳ vẫn là một phần của Việt Nam dưới sự cai trị của nhà Nguyễn tại Huế. Chính quyền Việt Nam ở Hà Nội đã cố gắng ngăn cản các nỗ lực của Pháp nhằm mở cửa sông Hồng cho thương mại, nhưng họ quá yếu để có thể đối phó hiệu quả với các động thái của Pháp. Để duy trì sự kiểm soát, vào những năm 1870, triều đình Huế đã quay sang dựa vào quân Cờ Đen, một đội quân tư nhân đến từ miền Nam Trung Hoa do Lưu Vĩnh Phúc chỉ huy ⁽²⁾.
Francis Garnier, viên sĩ quan hải quân không ngại hiểm nguy từ cuộc thám hiểm Mê Kông, đã tử trận tại Bắc kỳ trong một cuộc đụng độ với quân Cờ Đen vào năm 1873. Một thập kỷ sau, Henri Rivière ra Bắc cùng một đơn vị nhỏ quân Pháp để bảo vệ sông Hồng khỏi quân Cờ Đen và vào tháng 4-1882, Rivière đã chiếm được thành Hà Nội sau một trận giao
tranh ngắn. Cũng trong tháng mà Rivière chiếm thành Hà Nội, Thanh triều do lo ngại trước sự hiện diện ngày càng lớn của người Pháp tại biên giới phía Nam, đã quyết định can thiệp. Các đạo quân địa phương từ Vân Nam và Quảng Tây bắt đầu tiến vào miền Bắc Việt Nam để hợp lực với quân Cờ Đen⁽³⁾. [Hình 1]

Người lính này thường được nhận diện là lính Cờ Đen, nhưng đồng phục của anh ta cho thấy
có thể thuộc đạo quân Quảng Tây (Wikimedia Commons).
Tháng 6-1883, đội quân viễn chinh Bắc kỳ được thành lập sau khi Rivière tử trận trong một trận giao tranh với quân Cờ Đen. Đô đốc Alexandre-Eugène Bouët được chỉ định chỉ huy đạo quân viễn chinh này, chống lại lực lượng phối hợp của quân Cờ Đen và các đạo quân địa phương của nhà Thanh (Trung Hoa). Cuộc chiến Bắc kỳ, còn được gọi là Chiến tranh Pháp – Thanh, đã bắt đầu⁽⁴⁾.
Nhu cầu về bản đồ
Đội quân viễn chinh phải đối mặt với một khu vực phức tạp cho các hoạt động quân sự, càng thêm khó khăn do thiếu kiến thức địa lý và bản đồ chính xác. Một bản đồ quan trọng của Pháp năm 1881 cho thấy vấn đề mà đạo quân viễn chinh gặp phải. Dutreuil de Rhins đã dành hai năm làm việc tại xưởng bản đồ và kế hoạch hải quân (Dépôt des cartes et plans de la marine) để hoàn thành bản đồ Đông Ấn Độ (Carte de
L’Indo-Chine Orientale) của ông⁽⁵⁾. Phần bản đồ của ông về Bắc kỳ cung cấp chi tiết đáng kể về khu vực đồng bằng sông Hồng, đến tận Hà Nội, dựa trên công việc của các nhà hải dương học thuộc hải quân Pháp. Tuy nhiên, phần lớn khu vực phía đông bắc, bắc và tây của Hà Nội ở Bắc kỳ chủ yếu là các vùng trống, lác đác địa danh với những dấu chấm hỏi.
Sử dụng bản đồ Việt Nam
Việc chuyển sang sử dụng bản đồ của Việt Nam là một bước đi hợp lý đối với người Pháp. Việt Nam có truyền thống phong phú trong việc biên soạn các bộ địa chí và vẽ bản đồ để hỗ trợ hoạt động quản lý của chính quyền tại những vùng lãnh thổ phức tạp. Được thiết kế dựa theo phương thức bản đồ học của Trung Hoa và viết bằng chữ Hán, các bản đồ này có tính minh họa, thể hiện ranh giới hành chính, các lỵ sở, sông ngòi, đường sá và núi non.

Trong bài viết quan trọng về bản đồ học Việt Nam, John Whitmore suy đoán rằng chiến dịch quân sự của Pháp vào thập niên 1880 “có thể thậm chí đã sao chép hoặc ủy thác một số bản đồ này [bản đồ Việt Nam] nhằm thu thập kiến thức địa phương về địa hình”⁽⁶⁾. Nhà sử học Marie de Rugy cũng trích dẫn bằng chứng về việc quân đội Pháp sử dụng bản đồ của Việt Nam⁽⁷⁾.
Các bản đồ trong bộ sưu tập Adam Hérold và Thư viện Quốc gia Pháp, cũng như trong các ghi chép tại hiện trường của các sĩ quan Pháp, đã cung cấp thêm bằng chứng xác nhận rằng đạo quân viễn chinh đã sử dụng bản đồ Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động của họ. Quân Pháp thu thập được một số lượng lớn bản đồ Việt Nam, nhiều bản đồ trong số này được mang về Hà Nội, có nguồn gốc từ văn khố nhà Nguyễn ở Huế. Tuy nhiên, các bản đồ này rất khó để giải mã và các nhà trắc địa Pháp phải tham khảo ý kiến rộng rãi với các quan chức Việt Nam để chuyển đổi thông tin thành bản đồ của Pháp⁽⁸⁾. Một yêu cầu cấp thiết để làm cho các bản đồ này hữu dụng cho các sĩ quan Pháp, là phải chuyển đổi các chữ Hán trên đó sang chữ quốc ngữ, hệ thống chữ viết La-tinh hóa của tiếng Việt.
Chiến dịch Sơn Tây (tháng 8 – tháng 12-1883)
Thị trấn Sơn Tây nằm ven sông Hồng, một cứ điểm của quân Cờ Đen, là mục tiêu trước tiên của đội quân viễn chinh. Sau những thất bại ban đầu tại Phủ Hoài trên sông Đáy, thủy quân lục chiến Pháp rời Hà Nội vào ngày 11-12-1883, tiến lên Sơn Tây bằng cả đường bộ và bằng tàu chiến dọc theo sông Hồng. Để chuẩn bị, Tham mưu trưởng quân Pháp là Trung tá Pierre de Badens đã chỉ đạo các sĩ quan của mình tìm kiếm bản đồ của Việt Nam⁽⁹⁾. Ba bản đồ trong bộ sưu tập Adam Hérold, dựa trên các bản sao của bản đồ Việt Nam, miêu tả về Sơn Tây trước thềm trận chiến.


Mười ngày trước khi cuộc tấn công của Pháp bắt đầu, hai sĩ quan thủy quân, Trung úy Goldschoen và Launay, đã lập một bản đồ về Sơn Tây và vùng phụ cận từ một bản sao của bản đồ Việt Nam (Copie d’une carte Annamite). Bản đồ này, được đánh số Bản đồ số 7 trong loạt bản đồ trên, đề ngày 01-12-1883, trong khi một bản sao khác của bản đồ Việt Nam cùng ngày (Bản đồ số 7 bis) thể hiện khu vực phía tây sông Đáy mà quân Pháp sẽ vượt qua để tiến tới Sơn Tây⁽¹⁰⁾.
Bản đồ Goldschoen/Launay (Bản đồ số 7) tập trung vào tỉnh thành Sơn Tây và các lớp tường phòng thủ của nó, với các con đường và lối mòn dẫn đến tòa thành, cung cấp thông tin hữu ích cho đội quân. Giống như nhiều tỉnh thành tại Bắc kỳ, Sơn Tây nổi bật với thành lũy kiểu Vauban, được xây dựng vào năm 1822 và là một trong 32 tỉnh thành được xây dựng trên khắp Việt Nam trong những thập kỷ đầu thời Nguyễn. Sơn Tây và các thành lũy khác ở Bắc kỳ phản ánh ảnh hưởng mạnh của công nghệ quân sự Pháp mà các nhà cầm quyền Việt Nam vào thế kỷ XIX đã tiếp thu⁽¹¹⁾. Có thể các sĩ quan Pháp được lệnh chiếm giữ những công trình này lúc bấy giờ cũng nhận thấy sự mỉa mai trong tình thế này.
Bản đồ Goldschoen/Launay mô tả địa hình quanh thành lũy với nhiều tên làng xã ghi bằng chữ quốc ngữ, cùng hai huyện đường và mấy ngôi chùa. Con sông chảy về phía nam và phía tây tòa thành (Tích Giang hay sông Tích) được đánh dấu rõ ràng với các cầu vượt sông quan trọng về mặt quân sự. Bản đồ cũng chỉ ra các địa điểm về sau sẽ trở thành chiến trường chính. Tuy nhiên, khó xác định chính xác tất cả các địa điểm vì một số từ ghi trên bản đồ bằng quốc ngữ bị thiếu các dấu thanh thông thường và có thể mang nhiều nghĩa khác nhau. Ví dụ, từ “dồn” xuất hiện ở nhiều chỗ trên bản đồ. Nó có thể chỉ một trạm, hoặc đồn binh, nhưng lại không có thanh ngang trên chữ d như trong từ “đồn” chỉ đồn binh⁽¹²⁾.
Tấm bản đồ thứ ba về Sơn Tây (Bản đồ số 5), được sao chép bởi Trung úy Launay, thể hiện sự tương phản rõ với hai bản đồ trước đó. Được ghi chú là “bản sao” của một bản đồ Việt Nam về Sơn Tây, bản đồ này mang nhiều thể thức biểu tượng truyền thống của bản đồ Việt Nam, với các biểu tượng núi, nhà cửa và cây cối. Tuy nhiên, nó được vẽ thô sơ hơn so với bản đồ của triều đình và tiêu danh bằng chữ quốc ngữ thay vì chữ Hán, có thêm một số chú thích bằng tiếng Pháp. Bản đồ này có hướng nam nằm ở phần trên, chứa đựng nhiều thông tin quân sự quan trọng, bao gồm các ụ pháo, cổng làng, các tuyến đường chính của làng và các lũy tre che chắn bên ngoài và bên trong lớp tường phòng thủ ngoài cùng của tòa thành. Bản đồ này cũng cho thấy quân Pháp sẽ phải đối mặt với một hệ thống phòng thủ kiên cố từ quân Cờ Đen, được hỗ trợ bởi năm tiểu đoàn quân chính quy của nhà Thanh và một lực lượng lớn binh lính nhà Nguyễn do Hoàng Kế Viêm chỉ huy, với tên và lá cờ của ông được ghi rõ trên bản đồ⁽¹³⁾. Cuộc chiến diễn ra ác liệt, nhưng cuối cùng quân Pháp đã chiếm được thành Sơn Tây⁽¹⁴⁾.
Trận Bắc Ninh (tháng 3-1884)
Sau chiến thắng của Pháp tại Sơn Tây, sự chú ý chuyển sang tỉnh thành Bắc Ninh, thủ phủ của tỉnh này, nằm ở phía đông bắc Hà Nội trên “con đường cái quan” dẫn đến tỉnh Quảng Tây của Trung Hoa. Bắc Ninh lúc đó là một căn cứ lớn của quan quân nhà Thanh, với khoảng 20.000 binh sĩ do Tổng đốc Quảng Tây Xu Yanxu chỉ huy. Ngoài ra, một số ít quân Cờ Đen đã tham gia cùng quân chính quy nhà Thanh. Vào ngày 12-3-1884, hai lữ đoàn Pháp với khoảng 10.000 lính đã tấn công thành Bắc Ninh, một lữ đoàn đến từ phía đông và lữ đoàn còn lại đến từ phía đông nam.


Bộ sưu tập Adam Hérold lưu giữ ba bản đồ của Bắc Ninh, được vẽ khoảng ba tháng trước khi chiến dịch bắt đầu⁽¹⁵⁾. Trung úy Goldschoen và Launay một lần nữa phải dựa vào các bản sao từ bản đồ Việt Nam. Bản phác thảo tình báo của Goldschoen (Bản đồ số 4), tỷ lệ khoảng 1:35.000, đề ngày 26-11-1883, tập trung vào tòa tỉnh thành và các tuyến đường dẫn tới đó. Tên của các làng xung quanh và dòng sông Cầu gần đó, được ghi trên bản đồ này. Bản đồ còn có các chú thích chi tiết, xác định các công sở cấp tỉnh tọa lạc bên trong tòa thành⁽¹⁶⁾. Tỉnh thành Bắc Ninh được xây dựng theo phong cách Vauban rất đồ sộ. Được xây dựng vào năm 1805 và được gia cố bằng tường gạch vào năm 1813, tòa thành có hình lục giác và khống chế các vùng nông thôn bao quanh⁽¹⁷⁾.
Goldschoen cũng sử dụng một bản đồ Việt Nam để tạo ra một “bản phác thảo tình báo” (Bản đồ số 6) về tuyến đường dẫn đến Bắc Ninh. Bản đồ này đề ngày 30-11-1883, tập trung vào con kênh Gành, tuyến đường mà Lữ đoàn 1 của tướng Brière de l’Isle từ Hà Nội đi về phía tỉnh thành Bắc Ninh. Nó cũng hiển thị các đường đồng mức của các điểm cao ở Trung Sơn, phía đông nam của tòa thành, nơi Lữ đoàn 1 sẽ chiến đấu trong trận chiến quyết định với quan quân nhà Thanh⁽¹⁸⁾.
Bản đồ thứ ba trong bộ bản đồ Bắc Ninh là Croquis de Bac-Ninh (Phác họa Bắc Ninh) của Trung úy Launay, dựa trên các bản vẽ của Việt Nam và cũng tập trung vào tòa thành. Có lẽ là dự đoán được nhu cầu bao vây tòa thành, nên bản đồ này gồm hai bản phác thảo cho thấy mặt cắt ngang của các bức tường thành. Bản đồ cũng đánh dấu các vị trí kiên cố xung quanh, gồm một dải các pháo đài được đánh số bao quanh các tuyến phòng thủ bên ngoài của tòa thành⁽¹⁹⁾. Mặc dù không ghi ngày tháng, nhưng có khả năng bản đồ được vẽ vào cùng thời điểm với các bản đồ của Goldschoen, tháng 11-1883. Cả ba bản đồ đều sử dụng chữ Pháp kết hợp chữ quốc ngữ.

Người Pháp đã giành chiến thắng trong hai cuộc giao chiến lớn ở vùng nông thôn bên ngoài tòa thành, khiến việc tấn công trực tiếp vào tòa pháo đài kiên cố này trở nên không cần thiết. Sau khi Lữ đoàn 1 chiếm được các cao điểm của Trung Sơn, các pháo đài dọc theo sông Cầu và các ngọn đồi kiên cố quan trọng tại ngã ba sông Đáp Cầu đã bị Lữ đoàn 2 của tướng de Négrier chiếm giữ. Vào ngày 13-3-1884, lá cờ Pháp tung bay trên tỉnh thành Bắc Ninh.

Sau Bắc Ninh, quân Cờ Đen rút về Hưng Hóa và đạo quân chính quy của Quảng Tây tiến về phía đông bắc, hướng tới Lạng Sơn. Quân đội Pháp đã đánh bại quân Cờ Đen tại Hưng Hóa vào tháng 4-1884 và qua tháng 5, quân đồn trú của nhà Thanh tại Thái Nguyên cũng thất thủ. Vào tháng 6 và tháng 10-1884, quân Pháp đã giao chiến với đạo quân Quảng Tây tại Bắc Lệ và Kép.
Tiến sát biên giới Trung Hoa – Chiến dịch Lạng Sơn
Vào tháng 01-1885, quân Pháp bắt đầu tiến công về thủ phủ tỉnh Lạng Sơn và biên giới Trung Hoa. Đội quân viễn chinh Lạng Sơn (Colonne expéditionnaire de Lang-Son) được thành lập với hai lữ đoàn, Lữ đoàn 1 do Đại tá Giovanninelli chỉ huy và Lữ đoàn 2 do tướng de Négrier lãnh đạo. Các bản đồ rất cần thiết để tìm hiểu địa hình núi non ở những khu vực chưa được biết đến. Một lần nữa, Cục Trắc địa tại Hà Nội phải tìm đến các nguồn tài liệu bản địa. Trong ghi chép về chiến dịch, Đại úy Jean François Alphonse Lecomte, sĩ quan tình báo phụ trách giám sát các thành viên của Cục Trắc địa trong đạo quân, nhấn mạnh cần nhiều tháng nghiên cứu để xác định lộ trình tốt nhất đến biên giới Lạng Sơn, nơi mà quân đội Pháp sẽ tiến vào lần đầu tiên. Thông tin tình báo ban đầu được thu thập từ bản đồ Việt Nam và những người thông thạo khu vực này⁽²⁰⁾.

Một trong những bản đồ được sử dụng là bản đồ Việt Nam thu giữ từ dinh thự của Lưu Vĩnh Phúc sau khi [quân Pháp] chiếm được Hưng Hóa⁽²¹⁾. Một bản đồ quan trọng khác cung cấp chi tiết về các tuyến đường hoặc tuyến liên lạc trong địa bàn Lạng Sơn, “theo các bản đồ Việt Nam”. Bản đồ do Cục Trắc địa phát hành vào tháng 01-1885 mô tả một mạng lưới các con đường và sông ngòi, cũng như các lỵ sở, làng mạc, một vài đồn binh và các đặc điểm địa hình khái quát trên tuyến đường từ Kép đến Lạng Sơn. Bản đồ này theo sát đường biên giới phía tây bắc, dọc theo biên giới Trung Quốc đến thị trấn Thất Khê, hướng đông đến Chi Ma và Mẫu Sơn, dãy núi chính trong vùng. Phần chú thích ghi rõ khoảng cách giữa các điểm chính trên lộ trình đến Lạng Sơn, dựa trên thông tin từ một bản đồ của Trung Hoa [do quân Pháp] thu được trong trận Núi Bóp (ngày 03 và 04-01-1885).

Trong quá trình lập kế hoạch cho chiến dịch, Đại úyLecomte và Cục Trắc địa dường như cũng sử dụng một bản đồ trước đó do Achille Aumoitte, một viên chức trong lãnh sự quán Pháp tại Hà Nội, thực hiện. Vào mùa hè năm 1881, Tổng lãnh sự, Bá tước de Kergaradec, đã cử Aumoitte đi vẽ bản đồ “con đường cái quan” từ Hà Nội đến Lạng Sơn và tiếp tục đến Thất Khê, thể hiện các trại lính của nhà Thanh từ một chiến dịch xuyên biên giới trước đó⁽²²⁾. Trong nguồn sử liệu về cuộc chiến, Lecomte có nhắc đến thông tin hữu ích của tờ bản đồ do Aumoitte vẽ về địa lý của “con đường cái quan” và dòng chảy của sông Kỳ Cùng, con sông chảy qua Lạng Sơn và Thất Khê dọc theo biên giới Việt – Thanh⁽²³⁾.
Bản đồ hành trình hoặc bản đồ tuyến đường
Các bản đồ lộ trình (itinéraires), như bản đồ của Aumoitte, là một nguồn tài liệu quan trọng khi đội quân viễn chinh tiến vào xứ lạ. Các bản đồ này được bổ sung bằng những bản đồ vẽ trong các cuộc thám sát. Theo lệnh của chỉ huy đội quân viễn chinh, tướng Charles-Théodore Millot, mỗi lữ đoàn phải có một sĩ quan tiến hành khảo sát địa hình vào năm 1884: “Sĩ quan này sẽ đồng hành trong mọi chiến dịch và cuộc thám sát của tiểu đoàn hoặc nhóm của mình và sẽ vẽ bản đồ địa hình đã khảo sát với tỉ lệ 1:20.000”⁽²⁴⁾. Bộ sưu tập Adam Hérold chứa các ví dụ về những bản đồ lộ trình, trong đó có một số mô tả khu vực biên giới Trung Quốc.
Một bản đồ lộ trình mô tả tuyến đường từ Đồng Đăng đến Thất Khê. Quân Pháp đã chiếm được thành Lạng Sơn vào giữa tháng 2 và sau đó giành thắng lợi tại Đồng Đăng, buộc quan quân nhà Thanh phải rút về Quảng Tây và phá hủy Trung Hoa môn tại trấn Nam Quan. Đội hình chính của quân Pháp không tiến quá xa dọc đường biên giới ở bên ngoài Đồng Đăng, nhưng vào đầu tháng 3, một lực lượng thám sát nhỏ được cử đi theo tuyến đường đến Thất Khê⁽²⁵⁾. Bản đồ lộ trình trong bộ sưu tập Adam Hérold không ghi ngày tháng, nhưng là loại bản đồ mà lực lượng thám sát có thể đã vẽ ra. Có khả năng cao là nó được vẽ vào năm 1885.
Một ví dụ khác về bản đồ lộ trình từ bộ sưu tập Adam Hérold là Itinéraire de Pho-Vi à Dong-But (Bản đồ lộ trình từ Phố Vị đến Đông Bút). Bản đồ này, có tỉ lệ 1:50.000, thể hiện tuyến đường đi về phía đông bắc từ Phố Vị, nơi diễn ra trận chiến giữa đội quân viễn chinh Lạng Sơn và đạo quân Quảng Tây vào tháng 02-1885 ⁽²⁶⁾. Bản đồ cho thấy các con đèo vượt qua địa hình hiểm trở, sông ngòi, tên các làng mạc và hai pháo đài nhà Thanh. Một bản đồ lộ trình khác về khu vực biên giới Bắc kỳ – Trung Quốc là Itinéraire de Quang-Tong à
Dinh-Lap par la porte de Qui-Ma (Bản đồ lộ trình từ Quang Tống đến Đình Lập qua ải Chi Ma) có tỉ lệ 1:50.000. Nơi vượt qua là Qui Ma (Chi Ma) là một cửa ải phụ.

Cuộc giải vây Tuyên Quang
Tỉnh thành Tuyên Quang nằm ở phía tây các chiến trường chính của cuộc chiến, trong một vị trí khá cô lập bên bờ sông Lô. Kể từ năm 1884, một đơn vị nhỏ quân Pháp tại Tuyên Quang, phần lớn là lính lê dương (Legionnaires), đã bị cô lập và bao vây bởi lực lượng lớn quân Cờ Đen và các đơn vị thuộc đạo quân Vân Nam. Đến đầu năm 1885, tình hình trở nên nguy cấp đối với lực lượng đồn trú của Pháp, trong đó có Thiếu úy Adam Hérold. Vào tháng 02, Lữ đoàn 1 của đội quân viễn chinh Lạng Sơn rời biên giới Việt – Thanh với nhiệm vụ giải cứu đơn vị đang bị vây hãm tại Tuyên Quang⁽²⁷⁾. Sau trận chiến khốc liệt tại Hòa Mộc trên đường tới Tuyên Quang, đội quân giải cứu cuối cùng đã đến được với lính Pháp đồn trú kiệt sức vào ngày 03-3, buộc quân Cờ Đen và đạo quân Vân Nam phải rút lui về phía tây⁽²⁸⁾. Cho đến hiện nay, lực lượng lê dương Pháp vẫn coi trận Tuyên Quang là một trong những trận chiến huyền thoại của họ.
Tuyến đường đến Tuyên Quang đã được lập bản đồ khi đơn vị đồn trú được thiết lập vào năm 1884 và vị trí của quân Cờ Đen và đạo quân Vân Nam đã được chỉ huy của Lữ đoàn 1 nắm rõ. Bộ sưu tập Adam Hérold có ba bản đồ vẽ tay và một bản vẽ bằng bút chì mô tả tòa thành và khu vực phụ cận vào thời điểm bị vây hãm. Một bản đồ đặc biệt cho thấy tình hình nguy hiểm mà đơn vị đồn trú phải đối mặt vào thời điểm đội quân giải cứu tiếp cận vào ngày 03-3-1885. Bản đồ này có tỉ lệ 1:5.000, thể hiện các tuyến phòng thủ của quân Pháp ở trong thành, cũng như các chiến hào và mìn do quân nhà Thanh cài đặt, các vọng gác bỏ hoang, ụ pháo, nơi đặt súng cối và các yếu tố khác của chiến trường. Một bản đồ khác trong bộ sưu tập thể hiện khoảng cách từ tòa thành đến các điểm quan trọng (tỉ lệ 1:10.000) và một bản đồ vẽ tay khác là sơ đồ của tòa thành (tỉ lệ 1:1.000)⁽²⁹⁾.
Trận Tuyên Quang là trận đánh lớn cuối cùng của cuộc chiến. Chiến tranh Pháp – Thanh chính thức kết thúc vào tháng 6-1885 với việc ký Hiệp ước Thiên Tân, theo đó nhà Thanh đồng ý công nhận sự bảo hộ của Pháp đối với Bắc kỳ. Các đạo quân của các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam và quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc rút về Trung Hoa⁽³⁰⁾.
Một bản đồ mới và tốt hơn đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến
Trong báo cáo thường niên năm 1885, Société de
Géographie (Hội Địa lý Pháp quốc) đã ghi nhận những tiến bộ quan trọng trong việc lập bản đồ Bắc kỳ trong năm đó⁽³¹⁾. Báo cáo đặc biệt ca ngợi công việc của các sĩ quan trắc địa thuộc đội quân viễn chinh Bắc kỳ và bản đồ do họ vẽ vào năm 1885, Carte du Tonkin (Bản đồ xứ Bắc kỳ). Bản đồ này mới được vẽ khi cuộc chiến Pháp – Thanh kết thúc, theo lệnh của tướng Brière de l’Isle, chỉ huy đội quân viễn chinh. Đại úy Lecomte, thuộc Bộ Tổng Tham mưu tại Hà Nội, chỉ đạo việc in ấn bản đồ. Các sĩ quan trắc địa tham gia đóng góp gồm có Trung úy Launay (thủy quân lục chiến), Pierron (lính lê dương Pháp), Vernet (Trung đoàn 23 Bộ binh) và Guignabaud (lính Algeria). Bản đồ này trích dẫn nhiều nguồn: Các cuộc thám sát của sĩ quan quân đội, bản đồ của hải quân, bản đồ của Việt Nam và tác phẩm của các nhà truyền giáo.
Báo cáo của Société de Géographie ghi nhận rằng việc lập bản đồ của đội quân viễn chinh dựa trên bản đồ của Aumoitte khi khảo sát tuyến đường từ Bắc Ninh đến Lạng Sơn. Báo cáo ca ngợi sự nghiên cứu kỹ lưỡng các khu vực cụ thể ở phía đông của “con đường cái quan”, quanh căn cứ của Pháp tại [làng] Chũ, nơi đã diễn ra nhiều cuộc giao tranh và nhiều bản phác thảo địa hình đã được thực hiện⁽³²⁾. Báo cáo cũng lưu ý đến các đặc điểm địa hình tương đối rõ dọc theo dòng sông Hồng và sông Đà. Báo cáo công nhận rằng bản đồ đã xác định chính xác vị trí của Tuyên Quang và Thất Khê ở phía bắc, nhưng cũng lưu ý rằng thông tin địa lý của những vùng xa hơn những nơi này, là phụ thuộc vào dữ liệu từ các giáo sĩ Dòng Tên và thông tin từ các “lữ khách hiếm hoi”⁽³³⁾.
Lời kết – lấp đầy những khoảng trống
Bản đồ năm 1885 của Lecomte đã tạo nền tảng cho việc lập bản đồ Bắc kỳ một cách chi tiết hơn sau đó. Cục Trắc địa mở rộng thành Văn phòng Trắc địa vào năm 1886 và nhanh chóng bắt đầu sản xuất các bản đồ Bắc kỳ riêng lẻ với các tỉ lệ 1:100.000, 1:300.000 và 1:1.000.000, một số trong đó có trong Bộ sưu tập Adam Hérold⁽³⁴⁾.
Các bản đồ liên tục được cập nhật với các tuyến đường của các đội quân và các cuộc thám sát trong thời kỳ nổi dậy kéo dài cho đến cuối thế kỷ XIX. Các nhiệm vụ đo đạc bằng phương pháp tam giác bắt đầu được thực hiện từ năm 1886 trở đi⁽³⁵⁾. Một Ủy ban Phân định biên giới Trung – Pháp đã làm việc trên biên giới Việt – Thanh từ năm 1885 đến năm 1887. Đến năm 1890, Văn phòng Trắc địa có cơ sở in ấn riêng và bắt đầu xuất bản bản đồ tại Hà Nội thay vì phụ thuộc vào Paris⁽³⁶⁾. Cuối thập niên 1880, bản đồ Bắc kỳ đã được lấp đầy nhanh chóng, như minh họa trong Carte Générale du Tonkin (Bắc kỳ toàn đồ) (tỉ lệ 1:500.000), do các sĩ quan trắc địa của Bộ Tổng Tham mưu tại Bắc kỳ thực hiện và được Service Géographique de l’Armée (Cục Địa lý quân đội) phát hành vào tháng 9-1889⁽³⁷⁾. Những dấu chấm hỏi và các khoảng trống rộng lớn trên bản đồ năm 1881 của de Rhins đã hầu như biến mất.
H.M.
Trần Đức Anh Sơn dịch từ: “INTO THE UNKNOWN – French Military maps from the Tonkin War (1883-1885)”, The Portolan, Issue 120, fall 2024.
* Nhà nghiên cứu độc lập, Washington, DC (Hoa Kỳ).
(Vì khuôn khổ, tạp chí chỉ chọn đăng một số bản đồ tiêu biểu và chất lượng tốt. mong bạn đọc thông cảm).
Về tác giả
Harold E. Meinheit là cựu viên chức ngoại giao Hoa Kỳ với kinh nghiệm phong phú ở Đông Nam Á, bao gồm cả thời gian phục vụ tại Việt Nam. Ông là cộng tác viên thường xuyên của The Portolan, với bài viết mới nhất là “Bản đồ sông Mekong: Cuộc thám hiểm của Pháp từ năm 1866-1868” (Portolan số 113, mùa xuân 2022).
Lời cảm ơn
Cảm ơn Anthony Mullan đã giới thiệu một cái nhìn tổng quát về bộ sưu tập Adam Hérold tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Pháp thế kỷ XIX ở Washington, D.C. vào ngày 29-10-2021. Cảm ơn Tony đã hào phóng chia sẻ bản ghi chú của ông cho tôi khi tôi bắt đầu làm việc với bộ sưu tập này. Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn tới Phòng Địa lý và Bản đồ của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ vì sự hỗ trợ tích cực cho tôi. Cảm ơn Diane Schug-O’Neill đã kịp thời cung cấp hình ảnh độ phân giải cao của các bản đồ sử dụng trong bài viết này và cảm ơn Amelia Raines đã giúp tôi vượt qua sự phức tạp của bộ sưu tập Adam Hérold.
Chú thích:
1. Bộ sưu tập Adam Hérold về Tài liệu liên quan đến Chiến tranh Pháp – Thanh tại Bắc kỳ, G8021.S1 coll.H4 Herold Vault shelf. Phòng Địa lý và Bản đồ, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Washington, D.C., 2020. Bảng hướng dẫn tại: https://hdl.loc.gov/loc.gmd/eadgmd.gm020001. Adam Hérold sinh năm 1855, tại Fénétrange, Moselle và gia nhập đạo quân lê dương Pháp vào năm 1870. Sau khi phục vụ ở châu Phi, Trung sĩ Hérold được điều động đến Bắc kỳ cùng đội quân viễn chinh vào năm 1883. Năm 1884, ông đồn trú tại Tuyên Quang và trải qua cuộc bao vây suốt bốn tháng bởi đạo quân Vân Nam của nhà Thanh và quân Cờ Đen. Trong thời gian bị vây hãm, Hérold được thăng cấp Thiếu úy. Ông tiếp tục phục vụ ở nhiều vị trí trong thời gian Pháp bình định Bắc kỳ và được tặng huân chương Bắc Đẩu bội tinh vào năm 1891. Năm 1893, khi đang giữ cấp bậc Đại úy, ông được điều đến Benin, nơi ông phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến trong Chiến tranh Pháp – Dahomey lần 2 (1892-1894) và sau đó là trong thời gian Pháp chiếm đóng nước này. Ông trở lại Bắc kỳ vào năm 1902, nơi ông chỉ huy một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Bộ binh thuộc địa thứ 3. Ông được trao tặng Bắc Đẩu bội tinh năm 1905 và nghỉ hưu tại Pháp năm 1909. Adam Hérold qua đời ngày 19-7-1937 tại Chartres.
2. Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ Đen xuất phát từ vương quốc Diễn Linh, một phong trào vũ trang chống nhà Thanh ở tỉnh Quảng Tây, Trung Hoa. Vào thập niên 1860, Lưu và những người theo ông tách ra khỏi vương quốc Diễn Linh đang suy yếu và thâm nhập vào miền Bắc Việt Nam. Xem Bradley Camp Davis, Imperial bandits: Outlaws and rebels in the China – Vietnam borderlands (Seattle: University of Washington Press, 2017), 33-34.
3. Davis, Imperial bandits, 93.
4. Henry McAleavy, Black Flags in Vietnam: The story of a Chinese intervention (New York: The Macmillan Company, 1968). McAleavy cung cấp cái nhìn toàn cảnh về mặt ngoại giao và chính trị của cuộc xung đột ngoài cuộc chiến ở Bắc kỳ, bao gồm mối quan hệ của Pháp với triều đình nhà Nguyễn ở Huế và các hoạt động hải quân của Pháp ở bờ biển Trung Hoa và Đài Loan.
5. Marie De Rugy, Imperial borderlands: Maps and territory-building in the Northern Indochinese peninsula (1885-1914), do Saskia Brown dịch sang tiếng Anh, (Leiden; Boston: Brill, 2022), 43-44.
6. John K. Whitmore, “Cartography in Vietnam”, trong J. B. Harley và David Woodward (chủ biên), History of Cartography, tập 2, sách 2 (Chicago: University of Chicago Press, 1992), 506.
7. Marie De Rugy, Imperial borderlands, 176-178. Ghi chú về năm thực hiện bản đồ ở trên các trang 177-180.
8. Chỉ huy Lecomte, Lang-Son: Combats retraite et négociations (Paris; Limoges: Henri Charles-Lavauzelle, 1895), 214. Jean François Alphonse Lecomte (1850-1919) là một cựu sinh viên trường Saint-Cyr, từng phục vụ trong đội quân viễn chinh Bắc kỳ trong Chiến tranh Bắc kỳ và sau đó đã viết nhiều về các chiến dịch. Trong Bộ Tổng Tham mưu, ông đóng vai trò là một sĩ quan tình báo và làm việc chặt chẽ với các sĩ quan của Cục Trắc địa.
9. Pierre de Badens (1847-1897) là một sĩ quan thủy quân lục chiến, chỉ huy lực lượng Pháp chiếm giữ Nam Định, thành phố lớn thứ hai của Bắc kỳ, trước khi đảm nhận chức Tham mưu trưởng.
10. Hồ sơ 3, Mục 7, Bộ sưu tập Adam Hérold, Phòng Địa lý và Bản đồ, Thư viện Quốc hội, Washington, D.C.
11. Frédéric Mantienne, “The transfer of Western military technology to Vietnam in the late eighteenth and early nineteenth centuries: The case of the Nguyen”, Journal of Southeast Asian Studies, 34/3 (Tháng mười, 2003), 519-534.
12. Một số địa điểm có từ “quan” theo sau là các con số. Nếu viết là “quân”, từ này có thể chỉ số quân đóng tại địa điểm, nhưng cũng có thể ám chỉ số nhà hoặc công trình nếu viết là “quán”.
13. Hoàng Kế Viêm là quan khâm sai của triều đình Huế với quân Cờ Đen. Ông giữ vai trò Tổng chỉ huy quân sự của Việt Nam tại Bắc kỳ và đóng tại Sơn Tây, nơi ông đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quân Cờ Đen huấn luyện các đơn vị dân quân.
14. James Scott, một “phóng viên đặc biệt” ở Bắc kỳ trong thời kỳ xung đột, đã ghi lại một miêu tả sinh động về trận chiến. Xem các trang 76-86 trong France and Tongking: A narrative of the campaign of 1884 and the occupation of further India của James George Scott (London: T. Fisher Unwin, 1885). Cuốn sách này có tái bản hai bản đồ trong loạt bản đồ trên giấy dó mà các sĩ quan Pháp đã sử dụng trong chiến dịch. Một trong số đó là bản sao của Bản đồ số 7 vẽ Sơn Tây của Goldschoen/Launay. Anh trai của Scott đã viết trong lời giới thiệu của cuốn sách: “Những bản đồ này được biên soạn từ các nguồn bản địa và vì thế chúng có giá trị riêng của mình”.
15. Bộ chỉ huy Pháp cũng sở hữu một bản đồ Việt Nam truyền thống về Bắc Ninh, được viết bằng chữ Hán, với phần chú thích bằng tiếng Pháp để nhận diện các địa điểm quan trọng. Bản sao của Pháp về bản đồ này được tái bản dưới dạng “Carte 8” trong Lang-Son: Combats retraite et négociations của Lecomte.
16. Các chức quan chủ chốt của Việt Nam trong tỉnh thành được liệt kê (với các lỗi chính tả được sửa lại cho đúng chữ quốc ngữ) là tổng đốc (governor-general), án sát (judicial commissioner) và bố chánh (financial commissioner). Bắc Ninh là một trong những trung tâm chính trị quan trọng của Bắc kỳ và quản lý các tỉnh phụ là Lạng Sơn và Thái Nguyên. Để biết chi tiết về cơ cấu hành chính của Bắc kỳ, xem Chương 1 trong sách Mandarins et subalterns au Nord du Viet Nam: Une bureaucratie à l’épreuve, 1820 – 1918 của Emmanuel Poisson (Paris: Maisonneuve & Larose, 2004).
17. Mantienne, “The transfer of Western military technology”, 526.
18. Bác sĩ Charles-Édouard Hocquard, một sĩ quan quân y thuộc Lữ đoàn 1, mô tả các cao điểm của Trung Sơn với hai ngọn đồi lớn có các công trình phòng thủ bằng đất nhìn ra đồng bằng như hai “trạm gác tiền phương”. Các pháo đài của Trung Hoa treo cờ nhiều màu sắc, nằm trên các ngọn đồi này. Miêu tả sống động của Hocquard về cuộc đánh chiếm các cao điểm của Trung Sơn được ghi lại trong Une campagne au Tonkin (Paris: L. Hachette, 1892), 88-89.
19. Paul Bourde, một phóng viên của Le Temps, đã mô tả các pháo đài xung quanh thành lũy như sau: “Những pháo đài biệt lập nổi tiếng của Bắc Ninh phần lớn có hình tròn và không có hào, đường kính nhỏ đến mức 60 người hầu như không thể di chuyển trong đó… Tóm lại, những công sự này, với khối lượng công việc khổng lồ cần thiết và tất cả đất đá đã đào lên, trông giống như một sự chế giễu khổng lồ”. Trích dẫn từ: Le Général Ardant du Picq, “Histoire d’une citadelle Annamite Bắc-Ninh” trong Bulletin des Amis du Vieux Huế, số 3-4, tháng 7 – tháng 12, 1935, 363-364. Bài viết dài này chứa đựng một lịch sử chi tiết về Bắc Ninh, bao gồm mô tả việc đánh chiếm tỉnh này của quân Pháp vào năm 1884.
20. Lecomte, Lang-Son: Combats retraite et négociations, 213.
21. Lecomte, Le guet-apens de Bac-Lé (Paris; Nancy: Berger-Levrault et Cie, 1890), 24.
22. Davis, Imperial bandits, 92.
23. Lecomte, Lang-Son: Combats retraite et négociations, 212. Ngoài bản đồ của mình, Aumoitte còn viết một báo cáo chi tiết về hành trình, mà Lecomte có thể cũng đã sử dụng.
24. Theo de Rugy, Imperial borderlands, 51.
25. 24 lính chasseurs d’Afrique từ Lữ đoàn 2 đã rời Đồng Đăng vào ngày 07-3-1885 trong một nhiệm vụ do thám tới Thất Khê. Họ đến nơi vào ngày 09-3 và phát hiện một đơn vị đồn trú nhỏ của nhà Thanh nhưng không đụng độ. Le Capitaine Armengaud, Lạng Son: Journal des opérations qui ont précédé suivi la prise de cette citadelle (Paris: Librairie Militaire R. Chapelot et Cie, 1901), 36-38.
26. Armengaud, Lang-Son: Journal des opérations, 20-21.
27. Lữ đoàn còn lại ở Lạng Sơn gặp khó khăn và rút về căn cứ của quân Pháp tại Chũ, trong khi đạo quân Quảng Tây truy đuổi. Cuộc rút lui từ Lạng Sơn đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị lớn ở Pháp, dẫn đến sự sụp đổ của chính phủ Jules Ferry.
28. Một mô tả chi tiết về cuộc giải cứu (kèm theo bản đồ) có thể được tìm thấy trong: Capitaine Lecomte, marche de Lang-Son à Tuyen-Quan (Paris; Nancy: Berger-Levrault et Cie, 1888).
29. Hồ sơ 1, Mục 3 và 5, Bộ sưu tập Adam Hérold.
30. Kết thúc cuộc chiến Pháp – Thanh không chấm dứt xung đột tại Bắc kỳ. Pháp phải đối mặt với phong trào Cần Vương ủng hộ vua Hàm Nghi sau khi kinh đô thất thủ và nhiều nhóm thổ phỉ hoạt động trong địa hình núi non hiểm trở. Một phần lớn bộ sưu tập Adam Hérold đề cập đến giai đoạn này, khi Thiếu úy sau đó là Đại úy Adam Hérold đóng vai trò tích cực.
31. Ch. Maunoir, “Báo cáo về công việc của Hiệp hội Địa lý và Tiến bộ của Khoa học Địa lý trong năm 1885,” trong Bulletin de la Société de Géographie (Paris, 1886), 57-58.
32. Nhiều bản đồ trinh sát này được tái bản trong Lang-Son: Combats retraite et négociations của Lecomte.
33. Maunoir, “Rapport sur Les Travaux”, 58.
34. Ví dụ về các tấm bản đồ tỷ lệ 1:100,000 bao gồm Carte de la IXme Région (Tháng 4.1888), Haï-Duong (Tháng 12.1886), và Haï-Phong (Tháng 12.1886).
35. “Travaux du Bureau Topographique des Troupes de l’Indo-Chine”, trong Annales de Géographie, tập 7, số 36, 1898, 457-462.
36. De Rugy, Imperial borderlands, 52.
37. Carte Générale du Tonkin, Dressée à l’Etat-Major de la Division d’Occupation par les Officiers du Service Topographique, Tháng 9-1889. http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb407286507.