Tìm hiểu môn Địa lý học – Lịch sử ở Việt Nam

Đặng Đức Thi

Tạp chí Xưa&Nay, số 352, tháng 3 năm 2010

Tuy mãi đến giữa thế kỷ XX, mới thấy xuất hiện thuật ngữ “Địa lý học – Lịch sử” ở nước ta. Nhưng sự thực là ở nước ta, các tác phẩm Địa lý học – Lịch sử đã ra đời khá sớm (có thể là ở thế kỷ XIV – XV). Như thế khoa Địa lý học – Lịch sử ở Việt Nam cũng đã có một lịch sử trải qua mấy thế kỷ. Bài viết này bước đầu tìm hiểu một cách đại quát quá trình phát sinh và phát triển của môn Địa lý học – Lịch sử ở nước ta.

Sự phát sinh

Tài liệu xưa nhất có phần viết về địa lý – lịch sử nước ta là sách An Nam chí lược của Lê Tắc. Sách gồm 20 quyển, hoàn thành vào khoảng năm 1333. Quyển nhất gồm 10 mục, mục 1 có tên là Địa lý đồ (đã khuyết), không biết nội dung và hình thức của nó ra sao. Nhưng mục 3 có tựa là Quận ấp, ở mục này, Lê Tắc kể ra các lộ, phủ, châu, huyện các đời. Chính nhờ mục này mà sách An Nam chí lược có đặc điểm của một sách Địa lý học – Lịch sử. Vậy, phải chăng Lê Tắc là người khai sinh ra môn Địa lý học – Lịch sử ở Việt Nam. Nhưng sách An Nam chí lược lưu lạc ở Trung Hoa nhiều thế kỷ và mãi cuối đời Thanh, người ta mới phát hiện ra nó nên An Nam chí lược không có ảnh hưởng gì nhiều tới quá trình phát sinh, phát triển của môn Địa lý học – Lịch sử ở nước ta.

Cuốn sách Địa lý học – Lịch sử đầu tiên mở đường cho môn Địa lý học – Lịch sử ở nước ta chính là cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Sách gồm 54 mục, được hoàn thành vào năm 1435.

Ở những mục đầu, Nguyễn Trãi dành để nói khái quát về lịch sử nước ta đã trải qua các triều đại nào, rồi quốc hiệu, nơi đóng đô, tên các quận, huyện, lộ, phủ, huyện, xã, rồi núi sông ra sao, đất đai các vùng tốt xấu thế nào, ở đó có những sản phẩm vật quý gì… Ngoài phần viết của Nguyễn Trãi, sách còn có những phần được ghi là “Lời tập chú” (chú thích mở rộng) của Nguyễn Thiên Túng, các “Lời cẩn án” (kể rõ phủ, huyện, xã của vùng đó) của Nguyễn Thiên Tích và “Lời thông luận” của Lý Tử Tấn (ghi là Lời Lý thị). Các tác giả này đều là các Tiến sĩ sống cùng thời với Nguyễn Trãi hay muộn hơn chút ít. Những “Lời tập chú”, “Lời cẩn án”, “Lời thông luận” của họ đã bổ sung và mở rộng Dư địa chí ra rất nhiều.

Quá trình phát triển

1. Các thế kỷ XVI, XVII, XVIII không có cái may được chứng kiến sự ra đời của các tác phẩm Địa lý học – Lịch sử. Nhưng lại có những tác phẩm địa lý, địa chí có giá trị rất nhiều về mặt lịch sử. Có thể kể ra một vài tác phẩm tiêu biểu:

– Vào cuối thế kỷ XV, (Hồng Đức thứ 14: 1483), vua Lê Thánh Tông sai Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận làm sách ghi chép đủ các chế độ luật lệ, điều lệ văn thơ… thành sách Thiên Nam dư hạ tập gồm 100 quyển. Sách đã bị thất lạc phần lớn, hiện ở Thư viện Khoa học xã hội (Hà Nội) chỉ còn chừng mươi quyển. Trong số các quyển còn lại, có quyển ghi chép về địa lý hành chính dưới thời Hồng Đức. Đây là một ghi chép có hệ thống, cụ thể, đáng tin cậy. Tập ghi chép này là tài liệu gốc cho những nghiên cứu Địa lý học – Lịch sử của nước ta về sau này.

– Một bộ sách địa chí ra đời vào khoảng năm 1555, do Dương Văn An nhuận sắc có tên là Ô Châu cận lục. Sách gồm 6 quyển. Trong đó các quyển 1 có tên là Môn núi sông, quyển 3 có tên là Môn bản đồ và quyển 4 có tên là Môn thành thị là những quyển có liên quan nhiều đến môn/khoa Địa lý học – Lịch sử. Điều đáng lưu ý đây là những tài liệu thành văn xưa nhất về xứ Thuận Hóa còn lại đến ngày nay.

– Một bộ sách địa chí khác ra đời vào năm 1776 của Lê Quý Đôn, là sách Phủ biên tạp lục. Sách gồm 6 quyển. Trong đó, quyển 1 có tựa là Sự tích khai thiết, khôi phục hai xứ Thuận Hóa; Quảng Nam. Danh số phủ, huyện, tổng, xã, thôn hai xứ Thuận Hóa, Quảng Nam và quyển 2 có tựa là Hình thế, núi sông, thành lũy, trị số, đường sá, bến đò, nhà trạm. Với quyển 1 và quyển 2, sách Phủ biên tạp lục đã cung cấp nhiều tư liệu có giá trị, đáng tin cậy không chỉ cho việc tìm hiểu nghiên cứu về hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam mà còn rất có ích cho môn/khoa Địa lý học – Lịch sử nói chung.

– Một năm sau sự ra đời của sách Phủ biên tạp lục, vào năm 1777, sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn được biên soạn. Sách gồm 12 thiên. Trong đó thiên thứ 5 là Phong vực, Lê Quý Đôn ghi chép về địa lý, kinh tế các trấn Sơn Tây, Hưng Hóa và Tuyên Quang (đặc biệt về đường đi lối lại ở trong từng xứ). Như vậy, Kiến văn tiểu lục đã cung cấp một nguồn tư liệu quan trọng cho Địa lý học – Lịch sử nước ta.

2. Sang đầu thế kỷ XIX, đất nước được thống nhất, nội chiến chấm dứt, cương vực và lãnh thổ nước ta rộng lớn hơn bao giờ hết. Vấn đề biên cương và vấn đề quan hệ với các nước láng giềng phức tạp hơn các thời kỳ trước đó. Trong bối cảnh đó, môn Địa lý nói chung và Địa lý hành chính nói riêng phát triển mạnh như là sự đòi hỏi của công cuộc trị nước. Một loạt các sách địa lý, địa lý – lịch sử có quy mô lớn đã ra đời. Riêng về sách địa lý, đã có các bộ:

Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (của Lê Quang Định). Sách gồm 10 quyển, được hoàn thành vào năm 1806. Sách gồm 2 phần. Sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí là sách địa lý, chủ yếu là về đường sá. Với quy mô lớn, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí cung cấp cho Địa lý học – Lịch sử một lượng tư liệu lớn.

Gia Định thành thông chí (của Trịnh Hoài Đức). Sách được hoàn thành hồi đầu thế kỷ XIX. Gồm 6 quyển chép về địa lý tự nhiên, địa lý hành chính, địa lý kinh tế,… của năm trấn thuộc Gia Định thành. Đặc biệt quyển 3 của Gia Định thành thông chí nói về cương vực và quyển 6 nói về thành trì. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức là một bộ sách đầy đủ nhất về đất Gia Định xưa. Riêng về địa lý hành chính thì có đầy đủ danh sách các phủ huyện, tổng, thôn, phường, ấp của cả năm trấn và là nguồn tư liệu lớn rất có ích cho môn/khoa Địa lý học – Lịch sử.

Các trấn, tổng xã danh bị lãm (không có tên tác giả), được biên soạn trong khoảng thời gian từ 1820 đến 1819 (dưới triều Gia Long). Sách Các trấn, tổng xã danh bị lãm không phải là sách Địa lý học – Lịch sử, mà là một bộ sách ghi chép các địa danh làng xã của 15 trấn, xứ và đạo ở nước ta, nó chứa đựng những tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu Địa lý học – Lịch sử Việt Nam.

Bắc Thành dư địa chí, vốn do Lê Chất, Tổng trấn Bắc Thành và nhiều người cùng tham gia biên soạn dưới thời Minh Mạng. Về sau này, năm 1845, Nguyễn Văn Lý hiệu đính và bổ sung. Sách gồm 12 quyển, mỗi quyển là 1 tỉnh. Nội dung sách có danh sách các phủ, huyện, tổng, xã của các trấn (11 trấn của Bắc Thành và Thăng Long). Bắc Thành dư địa chí như thế là có chứa đựng những tư liệu có ích cho Địa lý học – Lịch sử.

Khâm định Việt sử thông giám cương mục, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ giữa thế kỷ XIX, đến cuối thế kỷ XIX thì hoàn thành. Sách gồm 53 quyển, là bộ thông sử đầy đủ nhất của nước ta cho đến lúc đó. Sách đã ghi chép khá đầy đủ những thay đổi về việc phân chia các đơn vị hành chính, thay đổi địa danh. Ở các thời kỳ trong mục lời chú, trong nhiều trường hợp, các tác giả truy lại nguồn gốc của các địa danh trải qua các đời. Do vậy, Địa lý học – Lịch sử có thể tìm thấy ở Cương mục nhiều tài liệu quý giá cho mình.

Cùng với sự phát triển mạnh của môn Địa lý, môn/khoa Địa lý học – Lịch sử cũng phát triển một cách dồn dập.

Sớm nhất và nổi bật nhất là chí Dư địa chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, ra đời vào năm 1819. Lịch triều hiến chương loại chí gồm 10 chí, chí đầu tiên là Dư địa chí. Ở phần nói về sự khác nhau về bờ cõi qua các đời, Phan Huy Chú đã ghi lại và trình bày thật rõ và đầy đủ quá trình “biến thiên diên cách” của tên nước, kinh đô, cương vực, các đơn vị hành chính từ đạo, lộ, phủ tới huyện qua các đời suốt từ thời Hùng Vương cho đến thế kỷ XVIII.

Dư địa chí trong sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đúng là sách địa lý – lịch sử đầy đủ nhất, quan trọng nhất của nước ta cho đến lúc đó (đầu thế kỷ XIX). Dư địa chí cũng là biểu hiện điển hình nhất của sự phát triển, sự tiến bộ của môn Địa lý học – Lịch sử ở nước ta hồi đầu thế kỷ XIX.

Tiếp theo sau Dư địa chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú là sách Đại Việt địa dư toàn biên (cũng gọi là Phương Đình dư địa chí) của Nguyễn Văn Siêu và Bùi Quỹ. Đại Việt địa dư toàn biên được viết xong năm 1882, nhưng mãi đến năm 1900 mới được khắc in. Đọc Phương Đình dư địa chí, sẽ thấy rõ là các tác giả Nguyễn Văn Siêu, Bùi Quỹ đã viết sách này bằng phương pháp Địa lý học – Lịch sử. Và như vậy, Phương Đình dư địa chí đã là một đóng góp lớn cho sự phát triển môn/khoa Địa lý học – Lịch sử ở nước ta.

Cũng ở cuối thế kỷ XIX, một bộ sách địa lý – lịch sử có quy mô lớn hơn rất nhiều so với bộ Đại Việt địa dư toàn biên đã được hoàn thành, đó là bộ Đại Nam nhất thống chí. Sách do Quốc sử quán tổ chức biên soạn, hoàn thành vào năm 1882 đời Tự Đức, có đủ các tỉnh thuộc Bắc, Trung, Nam kỳ từ Lạng Sơn đến Hà Tiên gồm tất cả là 31 quyển (29 tỉnh, 1 phủ Thừa Thiên và kinh sư, mỗi tỉnh 1 quyển). Ở mỗi tỉnh, đều có mục Diên cách, ở mục này, Đại Nam nhất thống chí chỉ rõ những thay đổi về tên gọi, về phạm vi thông thuộc của từng tỉnh, từng huyện qua các thời kỳ. Chính nhờ mục này, tính chất địa lý – lịch sử của tác phẩm thể hiện ra rõ nhất. Đại Nam nhất thống chí là bộ sách địa lý – lịch sử lớn nhất, tiêu biểu nhất của nước ta dưới thời phong kiến.

Bộ sách Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng được hoàn thành vào khoảng năm 1910 (đầu thế kỷ XX) nhưng nó vẫn thuộc phong cách của thế kỷ XIX. Trong bộ sách này, quyển 2 và quyển 3 dành cho Địa lý khảo (thượng) và Địa lý khảo (hạ). Đề tài khảo cứu của hai quyển địa lý này là: Núi sông – Đầm hồ – Nước thủy triều – Đường bộ đường thủy xưa nay – Các nơi đô hội xưa nay – Đô thành nước ta – Duyên cách tên đất xưa nay – Cột đồng – Đê điều. Với các đề tài trên, đặc biệt là các mục Duyên cách tên đất xưa nay, Đường bộ đường thủy xưa nay và Các nơi đô hội xưa nay, thực sự là Địa lý học – Lịch sử. Sách Sử học bị khảo của Đặng Xuân Bảng đích thực là một bộ sách địa lý – lịch sử có nội dung phong phú, trong đó có nhiều nội dung mà các sách trước đó chưa đề cập tới, đính chính được nhiều sai sót của nhiều sách khác.

3. Đầu thế kỷ XX, vào năm 1909, xuất hiện một tác phẩm rất đặc biệt, cuốn Việt Nam quốc sử khảo của Phan Bội Châu. Sách gồm 10 chương, trước chương 3 có tên là Địa lý – sản vật nước ta. Ở chương này, Phan Bội Châu đã chỉ rõ cương vực nước ta qua các đời cùng với sự thay đổi tên gọi của các đơn vị hành chính nước ta. Điều thú vị là người đọc có thể tìm thấy ở đây những biến thiên diên cách về tên gọi các quận huyện một cách rõ ràng, có hệ thống và khá đầy đủ.

Cũng ở đầu thế kỷ XX (1908), Cao Xuân Dục viết Đại Nam dư địa chí ước biên. Nhưng sách này chỉ là sách tóm lược bộ Đại Nam nhất thống chí (do Cao Xuân Dục làm Tổng tài) mà thôi.

4. Giữa thế kỷ XX (vào năm 1964), Đào Duy Anh đã cho xuất bản bộ sách Địa lý – Lịch sử Việt Nam có tựa là Đất nước Việt Nam qua các đời. Đây là một tác phẩm Địa lý – Lịch sử công phu, kế thừa được các thành tựu khảo cứu của các sử gia dưới thời phong kiến, kết hợp với các thành tựu nghiên cứu của chính mình, hình thành nên diện mạo địa lý – lịch sử Việt Nam từ đầu đến giữa thế kỷ XIX một cách rõ ràng. Do đấy, có thể khẳng định rằng, Đào Duy Anh đã có đóng góp to lớn cho môn Địa lý học – Lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, sách Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh mới chỉ đi vào mặt chủ yếu của Địa lý học – Lịch sử tức là mặt địa lý hành chính, chứ chưa bao quát được phần lớn đối tượng của Địa lý học – Lịch sử Việt Nam.

Cuối thế kỷ XX, Nguyễn Đình Đầu cho xuất bản cuốn Việt Nam – Quốc hiệu và cương vực qua các thời đại. Đây là một cuốn sách Địa lý – Lịch sử Việt Nam được trình bày một cách vắn tắt, nhưng cơ bản giúp người đọc có được một cái nhìn đại quát hơn, rõ ràng hơn về địa lý – lịch sử nước ta từ xưa đến nay. Đó là một đóng góp quan trọng vào môn/khoa Địa lý học – Lịch sử Việt Nam.

Thông qua các tác phẩm địa lý – lịch sử Việt Nam tiêu biểu đã hiện lên diện mạo của môn/khoa Địa lý học – Lịch sử Việt Nam, ta cũng thấy rõ rằng môn/khoa Địa lý học – Lịch sử có thể đã ra đời từ thế kỷ XIV-XV. Đến thế kỷ XIX thì Địa lý học – Lịch sử Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh với nhiều công trình địa lý – lịch sử lớn và sau đó nó đã tiếp tục phát triển. Các nhà Địa lý học – Lịch sử Việt Nam đã nhận ra tính chất trung gian, sự nằm giữa hai môn/khoa Lịch sử và Địa lý để xác định thế nào là Địa lý học – Lịch sử, nhưng tiếc rằng lại chưa có một sự thống nhất tương đối nào về đối tượng của môn/khoa Địa lý học – Lịch sử. Do vậy, mỗi công trình mỗi vẻ và do đó hạn chế sự phát triển của Địa lý học – Lịch sử Việt Nam. Vậy phải chăng việc xây dựng, xác lập một hệ thống lý thuyết hoàn chỉnh là nhu cầu bức xúc của môn/khoa Địa lý học – Lịch sử Việt Nam.

Bài liên quan

Bài đăng mới