Tòa nhà “Hàm cá mập” sắp bị tháo dỡ: Hoài niệm hay cơ hội tái sinh?

Thanh Nam

Phóng viên

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin về việc tháo dỡ tòa nhà “Hàm cá mập”, một công trình kiến trúc đặc biệt tọa lạc ngay quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, bên bờ Hồ Gươm, Thủ đô Hà Nội.

Đối với nhiều người, đây là một biểu tượng gắn bó với hình ảnh thủ đô suốt hàng chục năm qua, nhưng với các nhà quản lý và chuyên gia quy hoạch, quyết định này nhằm mang lại không gian công cộng rộng rãi, hiện đại hơn cho người dân.

Câu chuyện về sự hoài niệm và đổi mới không chỉ đơn thuần là vấn đề bảo tồn một công trình kiến trúc, mà còn phản ánh tư duy phát triển của đô thị Hà Nội trong bối cảnh hiện đại. Liệu việc phá bỏ một công trình quen thuộc có đồng nghĩa với mất mát, hay đó chính là cơ hội tái sinh cho một không gian mới, phù hợp hơn với nhịp sống đương đại? 

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng GS.TS Phạm Văn Đức – Phó Chủ tịch thường trực Hội Triết học Việt Nam và PGS.TS Trần Đăng Sinh – Nguyên Trưởng khoa Triết học, trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, để trao đổi về vấn đề này.

Hàm cá mập có phải là 1 công trình kiến trúc không thể thay thế ?

Được biết, tòa nhà Hàm cá mập được xây dựng vào những năm 1990, thay thế cho Cửa hàng tổng hợp Thiếu Nhi, một địa điểm gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ người Hà Nội. Ngay từ khi ra đời, công trình này đã vấp phải không ít ý kiến trái chiều. Một số người cho rằng thiết kế của nó quá hiện đại, không hài hòa với cảnh quan cổ kính của Hồ Gươm. Nhưng theo thời gian, Hàm cá mập dần trở thành một phần quen thuộc của không gian trung tâm Hà Nội, là nơi thu hút nhiều du khách với các quán cà phê, nhà hàng có tầm nhìn đẹp.

Ảnh: NAG Andy Soloman

Theo PGS.TS Trần Đăng Sinh – Nguyên Trưởng khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhận định: “Trước đây, khi cửa hàng tổng hợp thiếu nhi bị dỡ bỏ, nhiều người cũng tiếc nuối. Khi Hàm cá mập được xây dựng, dư luận lại không đồng tình. Nhưng cuối cùng, người ta cũng quen với nó. Hà Nội là một thành phố nghìn năm tuổi, những công trình tồn tại hàng chục năm chưa chắc đã là biểu tượng vĩnh cửu. Những gì thực sự có giá trị bền vững phải là những công trình gắn liền với lịch sử văn hóa lâu đời, như đền Ngọc Sơn hay cầu Thê Húc.”

Có thể thấy, theo chủ trương của UBND TP Hà Nội, việc phá bỏ Hàm cá mập là nhằm mở rộng quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, tạo không gian thông thoáng hơn cho người dân và du khách. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia. 

Riêng GS.TS Phạm Văn Đức – Phó Chủ tịch thường trực Hội Triết học Việt Nam, cho rằng: “Quan trọng là cái mới phải tốt hơn cái cũ, có ý nghĩa hơn và phục vụ cho hiện tại cũng như tương lai. Nếu phá dỡ một công trình không phù hợp để thay thế bằng một không gian công cộng mang giá trị cao hơn thì đó là điều cần thiết. Nhưng nếu thay bằng một công trình không phù hợp thì sẽ là một sai lầm.”

Quan điểm này cho thấy sự cẩn trọng trong cách tiếp cận vấn đề. Việc phá bỏ một công trình quen thuộc cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo không làm mất đi giá trị thẩm mỹ và lịch sử của khu vực trung tâm Hà Nội.

Dư luận không tránh khỏi những tranh luận xoay quanh việc gìn giữ hay thay thế một biểu tượng đô thị. Một bộ phận người dân tiếc nuối khi tòa nhà Hàm cá mập biến mất, nhưng cũng có không ít người mong đợi sự thay đổi này sẽ mang lại một không gian công cộng tốt hơn.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đăng Sinh phân tích: “Hoài niệm không đồng nghĩa với sợ thay đổi. Đó chỉ là một cách con người lưu giữ những ký ức đẹp về quá khứ. Nhưng hoài niệm không có nghĩa là chúng ta phải giữ lại mọi thứ cũ kỹ. Quan trọng là chúng ta biết cách lưu giữ những điều đáng giá, đồng thời tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn.”

Bổ sung cho phân tích trên, GS.TS Phạm Văn Đức cũng đồng tình với quan điểm này: “Ký ức có thể trở thành nguồn cảm hứng cho sự đổi mới. Nhưng không phải ký ức nào cũng có giá trị bảo tồn. Chúng ta cần phân biệt giữa những công trình mang tính biểu tượng lịch sử với những công trình chỉ đơn thuần tồn tại trong một giai đoạn nhất định.”

Buông bỏ để tiến về tương lai 

Ảnh: Lê Minh Tân

Một số người lo ngại rằng việc phá bỏ Hàm cá mập có thể làm mất đi một phần “linh hồn” của Hà Nội. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, linh hồn của Hà Nội không nằm ở một công trình cụ thể, mà là ở những giá trị văn hóa bền vững.

PGS.TS Trần Đăng Sinh khẳng định:“Linh hồn của Hà Nội là Hồ Gươm, là cầu Thê Húc, là đền Ngọc Sơn, là những di sản nghìn năm. Hàm cá mập chỉ mới xuất hiện vài chục năm, không phải là một di sản văn hóa mang tính biểu tượng trường tồn. Nếu nó không còn phù hợp nữa thì việc thay đổi cũng là điều tất yếu.”

Trong khi đó, GS.TS Phạm Văn Đức nhấn mạnh: “Phát triển đô thị là một quá trình kế thừa và đổi mới. Điều quan trọng là phải bảo tồn những giá trị đích thực và xây dựng những không gian mới có giá trị hơn. Nếu quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trở nên rộng rãi, thoáng đãng hơn sau khi dỡ bỏ Hàm cá mập, thì đó là một sự thay đổi tích cực”.

Về khía cạnh triết học phương Đông luôn nhấn mạnh sự cân bằng giữa quá khứ và tương lai. Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng, việc bảo tồn và phát triển cần được thực hiện một cách khoa học và có chọn lọc.

PGS.TS Trần Đăng Sinh chia sẻ: “Chúng ta có thể bảo tồn những giá trị cũ theo nhiều cách khác nhau. Không nhất thiết phải giữ nguyên một công trình nếu nó không còn phù hợp. Công nghệ hiện đại cho phép chúng ta lưu giữ ký ức qua hình ảnh, tư liệu, bảo tàng số. Điều quan trọng là phải biết bảo tồn những gì thực sự có ý nghĩa.”

Trong khi đó, GS.TS Phạm Văn Đức kết luận: “Quá khứ có thể đẹp, nhưng tương lai có thể còn đẹp hơn. Chúng ta không phủ định quá khứ, mà cần học cách trân trọng và phát triển từ những bài học của quá khứ. Thay đổi không có nghĩa là mất mát, mà là một cơ hội để tạo ra một không gian mới, phù hợp hơn với sự phát triển của thời đại.”

Việc phá dỡ tòa nhà Hàm cá mập không chỉ là một quyết định về quy hoạch đô thị, mà còn là một câu chuyện về sự cân bằng giữa hoài niệm và đổi mới. Dư luận có thể tiếc nuối, nhưng quan trọng hơn, chúng ta cần nhìn nhận một cách khoa học và thực tế về giá trị của những công trình trong bối cảnh phát triển đô thị. Nếu sự thay đổi này mang lại một không gian công cộng tốt hơn cho Hà Nội, thì đó là một bước đi hợp lý, hướng tới một thủ đô hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa cốt lõi.

Bài liên quan

Bài đăng mới