TP. Hồ Chí Minh trước kỷ nguyên vươn mình: Diễn trình 400 năm lịch sử

Lý Anh Trung

Tạp chí Xưa&Nay, số 574, tháng 4 năm 2025

Từ đầu thế kỷ XVII đến ngày nay, vùng đất Bến Nghé – Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh đã có trọn 400 năm lịch sử. Trong hầu hết chiều dài lịch sử đó, Bến Nghé – Sài Gòn là một khu đô thị công thương nhưng nắm giữ cả vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính và chính trị của vùng đất Nam bộ và có một số giai đoạn còn trở thành thủ phủ của cả miền Nam. 400 năm ấy không chỉ có hòa bình – xây dựng mà xen kẽ nhiều cuộc chiến tranh, tàn phá. Một số nhóm cư dân đã đến rồi đi. Một số nhóm khác đến rồi ở lại. Cho dù là ai, họ đều để lại những dấu ấn trong lịch sử – văn hóa của Bến Nghé – Sài Gòn xưa và thành phố Hồ Chí Minh nay.

Thời nhà Nguyễn: Hình thành và phát triển

Quá trình thành lập Bến Nghé – Sài Gòn được ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử là vào đầu thế kỷ XVII. Năm 1620, chúa Nguyễn Phúc Nguyên của vương quốc Đàng Trong gả công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chettha II, đồng thời giúp chiến thuyền và binh lính cho vua Chân Lạp đánh đuổi quân Xiêm xâm lược. Sang năm 1621, chúa Nguyễn Phúc Nguyên sai sứ sang gặp vua Chey Chettha II, yêu cầu cho người Việt được buôn bán ở Đồng Nai (còn được phiên là Nông Nại, ở tỉnh Đồng Nai ngày nay). Năm 1623, vua Chey Chettha II chấp thuận cho chúa Nguyễn Phúc Nguyên tiếp quản vùng đất Mô Xoài (còn được phiên là Mỗi Xoài, Mỗi Xuy, ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay) để lập khu dinh điền và lập hai thương điếm (đồn thu thuế) tại Kas Krobei (người Việt gọi là Bến Nghé, Ngưu Chử, ở khu vực phường Bến Nghé, quận 1, TP. Hồ Chí Minh ngày nay) và Prei Nokor (được Việt hoá thành Raygon, Sài Gòn, Sài Côn, ở khu vực phường 12, quận 5, TP. Hồ Chí Minh ngày nay).

Chi tiết ấy nói lên rằng ngay từ buổi ban sơ, Đồng Nai – Bến Nghé – Sài Gòn đã ra đời với tư cách những trung tâm thương mại xuyên quốc gia, mà chủ thể chính là doanh nhân người Việt ở Đàng Trong. Khi ấy, do vương quốc Champa vẫn còn cai quản địa bàn cực nam Trung bộ, thương nhân người Việt phải theo đường biển đưa hàng hóa từ Đàng Trong vào trao đổi với người Khmer và người Việt ở Đồng Nai – Bến Nghé – Sài Gòn.

Năm 1679, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần sai tướng mở đất dựng đồn dinh ở lân Tân Mỹ (khu vực chợ Thái Bình, quận 1, TP. Hồ Chí Minh ngày nay). Cùng năm đó, chúa Hiền cho các tướng “phản Thanh phục Minh” Dương Ngạn Địch, Trần Thắng Tài và 3.000 tùy tùng vào Nam bộ để khai khẩn, định cư. Dương Ngạn Địch đưa tướng sĩ đến Mỹ Tho, lập nên Mỹ Tho Đại phố (khu vực phường 2, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang ngày nay). Trần Thượng Xuyên và tùy tùng lập ra Nông Nại Đại phố (cù lao Phố, TP. Biên Hoà, Đồng Nai ngày nay). Sau đó, lưu dân người Hoa cũng đến định cư trên bờ bắc sông Sài Gòn (kinh Tàu Hủ ngày nay), hình thành xã Minh Hương ở phía nam phố chợ Sài Gòn. Từ lúc này, trên địa bàn Bến Nghé – Sài Gòn đã có mặt ba tộc người đông nhất của Nam bộ về sau là Việt, Khmer và Hoa. Với những sở trường văn hóa sẵn có, người Việt và người Hoa đã biến Bến Nghé – Sài Gòn thành những phố thị phồn thịnh chuyên về thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lý Đồng Nai – Gia Định. Trên cơ sở những lưu dân đã tới khu vực Đồng Nai – Gia Định gồm khoảng 40.000 hộ với 200.000 khẩu, Nguyễn Hữu Cảnh thành lập phủ Gia Định, gồm hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, với hai huyện Phước Long và Tân Bình. Theo đó, Bến Nghé – Sài Gòn thuộc huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn. Năm 1772, quan Điều khiển Gia Định là Nguyễn Cửu Đàm, sau khi đánh thắng quân Xiêm, đã tổ chức phòng thủ cho Bến Nghé – Sài Gòn bằng cách xây lũy Bán Bích và đào nắn kinh Ruột Ngựa (Mã Trường Giang) từ cửa rạch Cát thẳng lên phía bắc đến Lò Gốm. Đây là con kinh được khơi đào sớm nhất trên địa bàn Bến Nghé – Sài Gòn, kết nối khu vực Sài Gòn với sông Bến Lức, sông Vàm Cỏ Đông.

Năm 1778, khi Nông Nại Đại phố bị quân Tây Sơn càn quét, thương nhân và dân chúng đã đổ xô về Bến Nghé – Sài Gòn để làm ăn, biến nơi đây thành những khu đô thị tập trung hàng vạn dân cư. Năm 1787, sau khi đánh lui quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã chọn Bến Nghé làm kinh đô mới của Đàng Trong, đặt tên là Gia Định Kinh. Năm 1790, Nguyễn Phúc Ánh cho xây dựng ở Bến Nghé một thành trì theo hình bát giác, bên trong xây điện gác, gọi là thành Bát Quái, tức thành Quy. Năm 1791, bên cạnh Bến Nghé, Nguyễn Phúc Ánh lập xưởng thủy sư từ bờ sông Tân Bình (nay là sông Sài Gòn) đến sông Bình Trị (nay là rạch Thị Nghè), đóng chiến thuyền lớn; và dựng trường hải quan, thu thuế thuyền buôn nước ngoài vào Gia Định.

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, cho dời kinh đô về lại Phú Xuân. Nhưng thành Quy vẫn tiếp tục là lỵ sở của Gia Định trấn và Gia Định thành (1800-1832). Năm 1819, Phó tổng trấn Gia Định thành là Huỳnh Công Lý đốc suất hơn 11.460 nhân công, đào nắn khúc sông Sài Gòn cũ, dài 5.181m, từ cầu Bà Thuông thẳng đến kinh Ruột Ngựa, khai thông thủy lộ giữa Bến Nghé với Sài Gòn và với miền Tây, được vua Gia Long ban tên là kinh An Thông (nay là kinh Tàu Hủ). Năm 1832, vua Minh Mạng giải thể Gia Định thành, lập tỉnh Phiên An, rồi sang năm 1833 đổi thành tỉnh Gia Định. Do đó, sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833-1835), thành Quy đã bị phá bỏ để xây lại một tòa thành nhỏ hơn cho phù hợp với vai trò mới là lỵ sở của tỉnh Gia Định, được gọi là thành Phụng, tức thành Gia Định.

Thời Pháp thuộc: Tàn phá và tái thiết

Từ năm 1859 đến năm 1861, thực dân Pháp liên quân với Tây Ban Nha tấn công và lần lượt đánh bại lực lượng quan quân nhà Nguyễn bảo vệ thành Gia Định và chiến lũy Kỳ hoà, chiếm đóng Bến Nghé – Sài Gòn rồi đánh ra các tỉnh miền Đông. Trước quốc nạn, đa số người Việt ở Bến Nghé – Sài Gòn phải tản cư hoặc tham gia kháng chiến. Hầu hết thành trì, đình chùa, phố xá, nhà cửa ở Bến Nghé – Sài Gòn đều bị tàn phá hoặc bỏ hoang trong những năm khói lửa ngắn này. Sau cuộc chiến, khi quay trở lại Bến Nghé – Sài Gòn để mưu sinh, những tín đồ Công giáo bị nhà Nguyễn bức hại, những người Việt cộng tác với Pháp và những người Hoa sở tại hoặc di dân từ Trung Hoa (lánh nạn Thái Bình Thiên Quốc, 1850-1865), hầu như phải làm lại từ đầu. Nhập cuộc muộn hơn một chút, là kiều dân người Ấn, với sở trường cho vay lãi, cung cấp vốn làm ăn cho cả người Pháp, người Hoa và người Việt. Từ thập niên 1940 thì có thêm cộng đồng người Chăm di cư từ An Giang.

Ngày 5/6/1871, bốn năm sau khi chiếm được Nam kỳ, thực dân Pháp thành lập hạt Chợ Lớn, gồm hai huyện Tân Long và Phước Lộc xưa. Ngày 5/1/1876, Tổng chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp tại Nam kỳ, Đô đốc Duperré, ra Nghị định phân chia Nam kỳ thành 4 vùng hành chính (circonscription administrative) là Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bát Xắc, bao gồm 19 hạt (arrondissement administratif). Năm 1877, trên địa bàn Bến Nghé, thực dân Pháp thành lập thành phố Sài Gòn, thành phố cấp 1 đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương, được điều hành theo quy chế của nước Pháp. Năm 1879, trên địa bàn phố chợ Sài Gòn cũ và những phần đất đã đô thị hóa phía nam kinh Tàu Hủ (thuộc quận 8 ngày nay), thực dân Pháp thành lập thành phố Chợ Lớn. Năm 1880, Sài Gòn – Chợ Lớn được hợp nhất, gọi là hạt thứ 20, nhưng đến năm 1888 thì xóa bỏ. Từ năm 1887 đến năm 1901, thành phố Sài Gòn được chọn làm thủ phủ đầu tiên của Liên bang Đông Dương (Union Indochinoise). Vì vậy mà bắt đầu từ thập niên 1870, vùng đất Bến Nghé đã mang tên mới là Sài Gòn, còn vùng đất Sài Gòn được đổi gọi là Chợ Lớn.

Để khai thác tài nguyên thuộc địa, năm 1860, ở lân cận Bến Nghé, thực dân Pháp thiết lập cảng Sài Gòn. Để mở rộng giao thông đường thủy từ cảng Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây, thực dân Pháp tổ chức đào vét 6 tuyến kinh rạch: nạo vét sông Bến Lức (1875-1876), đào kinh Chợ Gạo (1877), nạo vét kinh Tàu Hủ (1887, 1895), đào kinh Lò Gốm và kinh Tẻ (1905), đào kinh Đôi (1906-1908). Các tuyến giao thông này đã tạo điều kiện cho việc hình thành một loạt bến bãi, kho hàng, nhà máy dọc theo các dòng kinh để tàng trữ, chế biến nông sản, ngũ cốc từ miền Tây đưa về. Tiếp theo, thực dân Pháp xây dựng các tuyến đường sắt kết nối Sài Gòn với Chợ Lớn (1881), Sài Gòn với Mỹ Tho (1881), Sài Gòn với Lộc Ninh (1933), Sài Gòn với Hà Nội (đường sắt xuyên Việt, 1936); xây dựng sân bay Tân Sơn Nhất (1930).

Do những diễn biến đó, Sài Gòn – Chợ Lớn đã trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp, thương nghiệp, xuất nhập khẩu của toàn vùng. Đây cũng là vùng đất tiếp nhận văn hóa, kinh tế, khoa học, công nghệ của Pháp và phương Tây sớm nhất Việt Nam. Những biến đổi ấy thể hiện rõ trong nghề nghiệp của cư dân và cấu trúc xã hội thời Pháp thuộc. Đầu tiên là sự hình thành tầng lớp doanh nhân ngoại kiều: Pháp, Hoa và Ấn. Với sự hậu thuẫn của người Pháp, doanh nhân người Hoa đã vươn lên nắm độc quyền thu mua xay xát lúa gạo dành cho xuất khẩu. Trên địa bàn Chợ Lớn, nếu từ năm 1869 đến năm 1876 chỉ mới có một nhà máy xay lúa đầu tiên của công ty Renard et Gie, thì đến năm 1895 đã tăng lên 9 nhà máy, năm 1925 là 46 nhà máy. Đến năm 1927, Chợ Lớn có 70 nhà máy xay lớn nhỏ, tổng cộng 13.000 sức ngựa, công suất mỗi năm 2.900.000 tấn gạo, trong khi mức xuất cảng tối đa chỉ 1.300.000 tấn. Doanh nhân người Hoa cũng nắm độc quyền vận chuyển hàng hóa từ miền Tây về Sài Gòn – Chợ Lớn, từ Sài Gòn – Chợ Lớn lên cao nguyên và độc quyền mua bán hàng hóa với Cao Miên và Lào. Bên dưới họ là giai cấp công nhân, ra đời ở Bến Nghé – Sài Gòn từ thập niên 1860, sớm nhất Việt Nam. Vào cuối năm 1920, Công hội bí mật được hình thành ở Sài Gòn – Chợ Lớn, cũng sớm nhất Việt Nam. Bên cạnh đó là các tầng lớp khác như viên chức, trí thức, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, tiểu thương, thợ thủ công, nông dân…

Ngày 27/4/1931, trên địa phận hai thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn và một phần đất thuộc tỉnh Chợ Lớn (trên địa bàn quận 8 ngày nay), tổng thống Pháp ra Sắc lệnh thành lập khu Sài Gòn – Chợ Lớn, bao gồm 5 quận cảnh sát, và chia thành 18 đơn vị hành chính cơ sở gọi là hộ
(quartier). Sau Cách mạng tháng Tám, ngày 23/09/1945, Sài Gòn – Chợ Lớn là nơi đầu tiên trong cả nước mở đầu cuộc kháng chiến chống Pháp khi chúng tái xâm lược Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám. Khi thành lập Quốc gia Việt Nam, chính quyền Bảo Đại đã đặt thủ đô ở khu Sài Gòn –
Chợ Lớn (1949-1955).

Thời độc lập: Phát triển và đổi mới

Ngày 22/10/1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh 143-NV, phân chia địa giới và đặt tên lại cho các tỉnh thành Nam Việt (địa danh hành chính được chính quyền Sài Gòn sử dụng trong những năm 1949-1956 để chỉ địa bàn Nam bộ). Theo đó, Sài Gòn – Chợ Lớn có tư cách mới và được gọi là đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn, bao gồm 7 quận. Ngày 22/10/1957, đổi gọi đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn là đô thành Sài Gòn. Ngày 27/03/1959, Ngô Đình Diệm ban hành Nghị định 110-NV, chia đô thành Sài Gòn làm 8 quận, thành lập quận 7 và quận 8 trên vùng đất phía tây nam đô thành. Ngày 22/04/1959, Ngô Đình Diệm ban hành tiếp Nghị định 504-BNV/NC/8, xóa bỏ đơn vị hộ, chia 8 quận của đô thành Sài Gòn thành nhiều phường và ấn định ranh giới các phường.

Trụ sở Ủy ban Nhân dân TP.HCM được xếp hạng di tích quốc gia.

Kết thúc chiến tranh, ngày 03/05/1975, Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Quyết định thành lập Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định. Đây là lần đầu tiên Sài Gòn mang tên gọi mới này, với địa phận gồm thêm tỉnh Gia Định cũ. Ngày 10/05/1975, Ban Thường vụ Thành uỷ họp bàn, xác định địa giới và thống nhất tên gọi đối với các quận của thành phố Sài Gòn – Gia Định, theo đó thành phố có 14 quận nội thành và 07 quận ngoại thành. Ngày 20/05/1976, Ủy ban Nhân dân Cách mạng thành phố Sài Gòn – Gia Định ra Quyết định số 301/UB, chia thành phố thành 12 quận nội thành và 05 huyện ngoại thành, sáp nhập quận Nhứt và quận Nhì thành quận 1, quận 7 và quận 8 thành quận 8. Tháng 02/1976, Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra Nghị định về việc giải thể khu, hợp nhất tỉnh ở miền Nam, trong đó gọi thành phố Sài Gòn – Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 02/7/1976, việc đặt tên thành phố Hồ Chí Minh được Quốc hội chính thức thông qua. Lúc này, địa phận thành phố đã bao gồm bốn khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định – Củ Chi, chia làm 12 quận, 05 huyện; và đến năm 1978 thì sáp nhập thêm huyện Duyên Hải của tỉnh Đồng Nai (nay là huyện Cần Giờ). Đến năm 1999, thành phố Hồ Chí Minh có 22 quận huyện, diện tích 2.093km2, dân số 5.073.800 người. Và năm 2004, thành phố có 19 quận, 05 huyện, dân số tăng lên 6.062.993 người. Vùng đất Bến Nghé – Sài Gòn của 400 năm trước trở thành hai quận trung tâm (1, 5) của thành phố mới.

Như vậy, từ đầu thế kỷ XVII đến ngày nay, vùng đất Bến Nghé – Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh đã có trọn 400 năm lịch sử. Trong hầu hết chiều dài lịch sử đó, Bến Nghé – Sài Gòn là một khu đô thị công thương nhưng nằm giữ cả vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, hành chính và chính trị của vùng đất Nam bộ và có một số giai đoạn còn trở thành thủ phủ của cả miền Nam. 400 năm ấy không chỉ có hòa bình – xây dựng mà xen kẽ nhiều cuộc chiến tranh, tàn phá. Một số nhóm cư dân đã đến rồi đi. Một số nhóm khác đến rồi ở lại. Cho dù là ai, họ đều để lại những dấu ấn trong lịch sử – văn hóa của Bến Nghé – Sài Gòn xưa và thành phố Hồ Chí Minh nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Đỗ Đức Hùng – Nguyễn Đức Nhuệ – Trần Thị Vinh – Trương Thị Yến (2001), Việt Nam những sự kiện lịch sử (Từ khởi thuỷ đến 1858),
Nxb. Giáo dục.

2. Lê Thị Kim Dung – Lý Tùng Hiếu chủ biên (2010), Lịch sử truyền thống Đảng bộ và nhân dân phường 15 quận 8 (1930-2005), Nxb. Tổng hợp
TP. Hồ Chí Minh.

3. Lý Tùng Hiếu (2012), Ngôn ngữ – văn hóa vùng đất Sài Gòn và Nam bộ, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh.

4. Lý Tùng Hiếu (2019), Các vùng văn hóa Việt Nam, Nxb. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

5. Nguyễn Cẩm Thúy chủ biên (2000), Định cư của người Hoa trên đất Nam bộ (từ thế kỷ XVII đến năm 1945), Nxb. Khoa học Xã hội.

6. Nguyễn Quang Ân (2003), Việt Nam: Những thay đổi địa danh và địa giới hành chính 1945-2002, Nxb. Thông tấn.

7. Quốc sử quán triều Nguyễn (1959), Đại – Nam nhất – thống – chí, Lục – tỉnh Nam – Việt, Tập Hạ, nguyên tác chữ Hán hoàn tất năm 1882, bản dịch tiếng Việt của Tu Trai Nguyễn Tạo, Nha Văn – hóa, Bộ Quốc – gia
Giáo – dục Sài Gòn.

8. Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, nguyên tác chữ Hán hoàn tất năm 1882, bản dịch tiếng Việt của Phạm Trọng Điềm, Nxb. Thuận Hoá.

9. Trần Thuận (2014), Nam Bộ vài nét lịch sử – văn hóa, Nxb. Văn hóa –
Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh.

10. Trịnh Hoài Đức (1999), Gia Định thành thông chí, nguyên tác chữ Hán hoàn tất năm 1820, bản dịch tiếng Việt của Đỗ Mộng Khương – Nguyễn Ngọc Tỉnh, Đào Duy Anh hiệu đính và chú thích, Nxb. Giáo dục.

Bài liên quan

Bài đăng mới