Giáo sư Trần Đức Thảo sinh ngày 26-6-1917, tại xã Song Tháp, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Chưa học hết năm thứ nhất trường Luật tại Hà Nội, năm 1939 ông đã được nhận học bổng sang Paris để thi vào trường Cao đẳng sư phạm phố Ulm – cái nôi của các danh nhân và các nhà khoa học nổi tiếng châu Âu khi đó. Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ II, vượt qua mọi gian nan, thiếu thốn, ông vẫn xuất sắc giành tấm bằng cử nhân triết học, rồi thạc sĩ triết học với đề tài về hiện tượng học của Husserl. Năm 1943 đến 1944, ông tiếp tục theo đuổi các ý đồ khoa học của mình và viết luận án tiến sĩ. Trong quá trình nghiên cứu ông đã đến với hiện tượng học tinh thần của Hégel và tiếp cận với lập trường triết học Mácxít. Nhưng bầu không khí cách mạng nóng hổi trong nước đã kéo ông khỏi những suy tư trừu tượng để trở về với mảnh đất thực tại.
Trần Đức Thảo đã viết bài Les condements du conflit Vietnamien (Nguyên do của cuộc xung đột Việt Pháp) đăng tạp chí Les Temps Modernes của Jean Paul Sartre, tháng 2-1946, phân tích rõ quan điểm của thực dân Pháp và quan điểm của người Việt Nam về sự kiện thuộc địa, hoặc rõ hơn về thực chất của những công trình của thuộc địa, đã có tác dụng giác ngộ nhiều trí thức Pháp thiện chí như Paul Mus, ông này thường nhắc đến bài báo sâu sắc trên và hết lời ca tụng trong các tác phẩm biên khảo của ông. Bài báo được dịch ra tiếng Việt, in thành sách tựa đề Vấn đề Đông Dương (Văn hóa Tùng thư xuất bản, Sài Gòn, 1948). Trong đó Trần Đức Thảo vạch trần thực chất của cái chiêu bài “khai hóa văn minh” của thực dân Pháp, ông nói ở Việt Nam người Pháp có thực hiện được một vài công trình như mở mang đường sá, cầu cống, trường học, nhưng không vì thế mà phải nhớ ơn họ. Công trình được thực hiện do ba yếu tố: văn minh, sức lao tác và ý hướng xây dựng công trình đó. Văn minh ở đây chỉ ý kiến, họa đồ, cách trình bày. Nếu không có người Pháp, dân tộc Việt Nam vẫn đủ khả năng để học hỏi các cách xây dựng, bởi vì: “Cái văn hóa ngày nay không thuộc riêng của một nước nào. Nó có sức bành trướng bên trong, cuộc thực dân chỉ có trấn áp sức ấy và xoay chiều để lợi dụng về quyền lợi ích kỷ mà thôi” (Vấn đề Đông Dương, tr.12).
Trần Đức Thảo tố cáo chính sách ngu dân của thực dân Pháp ở Việt Nam.
“Khi chiến tranh bùng nổ ở Âu châu, Đông Dương đã phải ra một sự cố gắng phi thường, gửi sang Pháp 150.000 người với một số chiến cụ và vật thực to tát do tiền của Đông Dương trả. Chính chính phủ bảo hộ phải có một nghĩa cử. Cho nên năm 1918, sau 20 năm đòi hỏi, trung đẳng học mới mở cửa cho dân Việt Nam. Người ta cũng tạo ra một Đại học chưa thành hình… Năm 1924, Toàn quyền Merlin tuyên bố chỉ nên mở mang về sơ đẳng. Lời tuyên bố ấy đã gieo bất bình trong dân gian”.
Ông vạch rõ: “vì người Việt Nam tốt nghiệp Đại Học chiếm hết chỗ làm trong các công sở nên Pháp để bảo vệ quyền lợi các quan hạ cấp Pháp đã chỉ cho mở mang ở bậc sơ đẳng”. Ngoài ra còn một nguyên nhân: vì sợ người Việt Nam được mở mang tri thức, sẽ giác ngộ ý thức tự do dân chủ, nên hạn chế trường tư, làm khó dễ, bắt bớ với lý do các trường này là ổ đào tạo cách mạng: “Về bậc sơ đẳng, kém một phần mười con nít đến tuổi đi học, đi học được. Nhiều ít hương thôn toan lo lấy việc học cho con em như hồi còn chính thể quân chủ. Việc ấy gặp rất nhiều trở ngại. Merlin lật đật ký nghị định hết sức hạn chế trường tư” (Sđd, tr.27).
Trần Đức Thảo còn tố cáo chính quyền thực dân đã không săn sóc đến nghề nông, không chỉ dạy nông dân phương pháp canh tác, cho nên “số thu hoạch ở Việt Nam kém nhất thế giới” (Sđd, trang 27).
Ông sớm trở thành Ủy viên của Tổng liên đoàn người Việt tại Pháp, chuyên trách các vấn đề chính trị. Ông thực sự là người phát ngôn cho khát vọng độc lập và tự do dân tộc của 25.000 kiều dân Việt Nam trên đất Pháp. Trong một cuộc họp báo, trước câu hỏi của một phóng viên: “Những người Đông Dương sẽ làm gì khi quân đội viễn chinh đổ bộ?”, ông đã thản nhiên trả lời: “Phải nổ súng”. Mấy ngày sau, mẩu đối thoại ngắn ngủi này xuất hiện trên tờ Le Monde. Ông lập tức bị bắt rồi bị giam cầm trong tù Prison de la Santé, với tội danh “xâm phạm an ninh nước Pháp”. Trong thời gian ông bị giam, nhiều tờ báo tiến bộ đã lên tiếng đòi trả tự do cho ông. Tổng biên tập tạp chí Les Temps Modernes đã viết một bản kiến nghị gửi tới tay mấy nghìn trí thức Pháp, tạo sức ép dư luận để bảo vệ tính mạng cho nhà triết học trẻ tuổi này. Tuy nhiên ba tháng trong tù không hoàn toàn là quãng thời gian bất hạnh. Mất tự do thể xác nhưng ông lại tìm được tự do cho tư duy: ông viết được mấy bài báo và một công trình nổi tiếng sau này của ông đã hình thành, đó là công trình “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng” (Phénoménologie et matérialisme). Hiện tượng học do Gabriel Marcel chủ trương, bề ngoài có vẻ khoa học vì căn cứ vào những hiện tượng cụ thể xác định của từng cá nhân trong từng thời điểm mà nhận định phán xét. Trần Đức Thảo lại vận dụng hạt nhân biện chứng để chứng minh quan hệ giữa người và người, quan hệ xã hội đều có quy luật hỗ tương bao gồm cả 2 mặt bản chất và hiện tượng chứ không phải chỉ là một chuỗi hiện tượng lẻ tẻ, rời rạc không có liên quan với nhau.
Khoảng năm 1949-1950, nhà triết học hiện sinh J.P.Sartre nổi tiếng nhất thế giới chủ động đưa lời mời “tranh luận” với Trần Đức Thảo. Cuộc tranh luận được tổ chức thành những buổi luận đàm trực tiếp có nhiều người nghe. Lúc đó thuyết Hiện sinh của Sartre có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Pháp, lôi kéo được rất nhiều trí thức và giới sinh viên đi theo.
Bằng tâm hồn Việt Nam trí tuệ Việt Nam và tư tưởng Việt Nam trong con người ông lúc đó, Trần Đức Thảo đã chứng minh chất ưu đẳng của chủ nghĩa duy vật biện chứng theo cảm nhận của cá nhân mình. Ông đã bẻ gãy những “đòn” lập luận lắt léo của Sartre với vốn Pháp văn tuyệt vời… Ngày cuối cùng, hai bên đi đến việc định nghĩa lại những khái niệm nền tảng của triết học về “ý thức đầu tiên” khởi sinh trong con người được bà Husserl – nhà hiện tượng học nổi danh bấy giờ – trình bày trong cuốn Trải nghiệm và luận giải, Sartre không nắm rõ cuốn đó nên cuộc tranh luận tạm ngừng. Trần Đức Thảo hào hiệp đồng ý không kể lại cuộc trao đổi này. Sau đó trong thời gian ông bị tù, môn đồ của Sartre hậm hực đã tung tin đồn thất thiệt với báo chí rằng cuộc tranh luận đã bị triết gia Việt Nam phá hỏng. Để bảo vệ quan điểm và uy tín của mình, Trần Đức Thảo buộc lòng phải lên tiếng đề nghị cho in bản tốc ký cuộc tranh luận. Lúc này cả Châu Âu bàng hoàng hiểu rằng Trần Đức Thảo chính là người chiến thắng.
Cuốn sách đầu tay của Trần Đức Thảo là Triết lý đã đi đến đâu?do nhà xuất bản Minh Tân (7, Rue Guénégaud – Paris VIe in năm 1950) gồm 60 trang in, chia làm 4 chương, viết bằng tiếng Việt: Căn bản thiết thực của triết lý – Âu và Á; từ Platon đến Gia-tô; giai đoạn trưởng giả cách mệnh, từ đời trung cổ đến Hégel, thời đại trưởng giả phát triển và Mác-xít phát triển.
Năm 1951 ông tiếp tục công bố Hiện tượng học và phép duy vật biện chứng, dày 368 trang viết bằng tiếng Pháp. Trần Đức Thảo nói về cuốn sách này như sau: “Quyển sách này ghi nhận sự chuyển biến của tôi về muôn hiện tượng học đối với phép duy vật biện chứng. Trên thực tế tôi mới chỉ đạt tới ngưỡng cửa chủ nghĩa Mác, đi tới sự nhận biết sức mạnh chân lý của học thuyết duy vật biện chứng, chưa có nhận thức đầy đủ những nguyên bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin và Chủ nghĩa duy vật lịch sử nói riêng… Tuy vậy trên bình diện triết học, những lập trường về nguyên tắc được khẳng định rõ ràng…).
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh là thượng khách sang thăm hữu nghị chính thức nước Pháp năm 1946, Trần Đức Thảo đã làm thư ký cho Người trong một thời gian. Trong buổi Hồ Chủ Tịch tiếp chuyện Trần Đức Thảo hồi 10 giờ ngày 25-6-1946, triết gia này đã bày tỏ nguyện vọng trở về nước hoạt động.
Năm 1951, Trần Đức Thảo từ bỏ các giảng đường, các thính phòng triết học đang hứa hẹn cả một sự nghiệp danh giá, dùng tiền nhuận bút cuốn sách Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng để mua vé máy bay bí mật về nước theo một lộ trình khá vòng vèo từ Paris sang Luân Đôn – Praha -Matxcơva – Bắc Kinh để về nước. Giáo sư Nguyễn Đình Chú cho biết ngày đó Tổng Bí thư Trường Chinh đã cử ông Vương Hoàng Tuyên, cán bộ Văn phòng Tổng bí thư sang tận khu học xá Nam Ninh – Trung Quốc đón ông về Việt Bắc. Bắt đầu từ đây, Trần Đức Thảo tham gia công tác tại Ban Văn – Sử – Địa Trung ương (tiền thân của Ủy ban Khoa học Xã hội và Nhân văn Việt Nam). Thời gian này ông đã viết nhiều bài nghiên cứu liên quan đến lịch sử văn học Việt Nam.
Hòa bình lập lại, ông trở thành giáo sư Triết học và là phó giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, chủ nhiệm khoa Lịch sử – Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Các bài báo nổi tiếng của ông như Khuyến khích tinh thần tự do dân chủ, Nội dung xã hội và những hình thức của tự do cùng một số bài khác công bố trong hai năm 1955-1956 thực chất chỉ là những suy nghĩ tìm tòi rất tự nhiên chân thành của một học giả quen viết bằng tiếng Pháp và quen khái quát trừu tượng hóa những vấn đề vốn rất rối rắm trong thực tế.
Sau vụ “Nhân văn giai phẩm”, giáo sư Trần Đức Thảo phải chia tay với giảng đường về làm công tác dịch thuật cho Nhà xuất bản Sự thật (Nxb Chính trị Quốc Gia ngày nay) Ông tiếp tục nghiên cứu, dịch và hiệu chỉnh lại các tác phẩm kinh điển của Mác-Ăng-ghen, viết bài, in sách ở nước ngoài và cộng tác thường xuyên với một số tạp chí Pháp.
Từ năm 1958 đến năm 1986, ông đã viết cho tạp chí La Pensée: Hạt nhân hợp lý của phép biện chứng Hégel (1965), sự vận động của tín hiệu như là hình thái nguyên thủy của xác thực cảm quan (1966), Từ tác động định hướng đến hình ảnh điển hình (in 3 kỳ trong năm 1969-1970)… hoặc viết cho tạp chí La nouvelle critique: Từ hiện tượng học đến phép biện chứng duy vật của tri thức (in 2 kỳ số tháng 1 và tháng 9 năm 1975) hoặc viết cho nhà xuất bản Éditions sociales: Nghiên cứu về nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức (1973)…
Trong khoảng thời gian này, tác phẩm Hiện tượng học và phép duy vật biện chứng của ông viết năm 1951 đã được những nhà xuất bản ỡ Mỹ, Hà Lan, Anh, Ý dịch và tái bản, tác phẩm Nghiên cứu về nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức được nhà xuất bản Gondolat ở Budapest dịch ra tiếng Hunggari.
Năm 1980, Trần Đức Thảo rời Hà Nội vào sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh.
Năm 1988, tác phẩm Vấn đề con người và chủ nghĩa “Lý luận không có con người” (Nxb Thành phố Hồ Chí Minh) đã gây được tiếng vang lớn trong công chúng, qua năm sau sách tái bản.
Năm 1992 ông ngã bệnh, được sang Pháp chữa bệnh và cũng là dịp ông lấy thêm tư liệu để viết công trình bằng tiếng Pháp Lô-gich của hiện tại sống động. Nhưng sách chưa hoàn thành thì ông mất tại Paris ngày 19-4-1993, thi hài được đưa về an táng tại nghĩa trang Văn Điển trong sự thương tiếc của mọi người.
Trần Đức Thảo được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 2 năm 2000.
(1) Lời đánh giá của GS. Trần Văn Giàu.