Trần Văn Năng nhân vật bị lãng quên

Nguyễn Hữu Hiếu

Tạp chí Xưa&Nay, số 71B, tháng 1 năm 2000

Lâu nay nhân dân địa phương chỉ biết Trần Ngọc Thượng tướng Quận công qua ông Đốc Binh Vàng. Vậy vị tướng quân họ Trần này là ai, có phải là Thái phó Tân Thành Quận công Trần Văn Năng? Và tại sao có đền thờ của vị tướng này ở vàm Đốc Vàng? Đó là một số vấn đề thiết tưởng cần được làm sáng tỏ về một nhân vật lịch sử tầm cỡ đã bị lãng quên

Trần Văn Năng là nhân vật như thế nào mà khi qua đời, vua Minh Mạng phải bãi triều ba ngày và có chỉ dụ:

“Trần Văn Năng là tưng cũ triều trước rõ rệt có công cao. Lâu nay giúp ta vẫn kính cẩn giữ lòng trung hậu, nết tốt không đổi. Trước đây khâm sai việc quân, lại đem lòng địch khái, khích lệ quân sĩ, nhiều lần dâng được công to. Nay giặc Xiêm hiện đã dẹp yên, mầm giặc Phiên An chẳng mấy ngày nữa sẽ bị bắt. Công lớn sắp làm xong, nhân vì khó nhọc chồng chất, mắc thành bịnh đến chết. Nghe tin, ta rất thương tiếc! Vậy truy tặng làm Thái phó, tấn phong Tân Thành Quận công, ban cho tên thụy là Trung Dũng, thưởng thêm gấm màu, nhiễu màu, sa màu mỗi thứ 10 tấm và 3.000 quan tiền. Chuẩn cho tướng Nguyễn Văn Trọng đến tuyên dụ làm lễ”. Rồi truyền chỉ cho từ Bình Thuận trở ra Bắc theo từng địa hạt, hộ tống đi đường bộ, đưa quan cữu về ngụ sở ở kinh đô. Hôm an táng cho tế một tuần, vua thân làm bài thơ để viếng. Khi đám tang đến kinh, vua sai hoàng tử Thọ Xuân đến chỗ nhà đám tuyên chỉ và ban cho ba nậm rượu”.

Đoạn văn này chẳng những được chép trong Đại Nam thực lục mà còn chép trong Đại Nam liệt truyện. Riêng trong liệt truyn còn chép thêm: “Đến năm Tự Đức thứ 10, được chuẩn đưa vào thờ ở đền Hiền Lương, Hai con trai là Văn Thọ được tập ấm làm cai đội, làm quan đến Phó vệ úy; Văn Liên làm quan đến Vệ úy. Cháu là Văn Chính làm quan đến cai đội, tập phong là Tân Thành tử”.

Quận công là tước cao nhất trong 5 tước (công, hầu, bá, tử, nam) mà triều đình nhà Nguyễn dành để phong tặng cho những người có công. Do ông lập được công lớn và qua đời trên địa phận phủ Tân Thành (tỉnh An Giang), theo chuẩn định phong ấp ăn lộc cho công thần của triều Nguyễn, tước công phải lấy tên phủ đặt kèm theo, nên tước công của ông là Tân Thành Quận công. Công lao lớn như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Thoại… cũng chỉ được phong tước hầu (Lễ Thành hầu, Thoại Ngọc hầu…); được phong tước công cho thấy công trạng của Trần Văn Năng to lớn đến cỡ nào đối với triều đình và sự nghiệp giữ nước của dân tộc.

Hiện bia Hiền Lương không còn, nên ta không biết bia ghi thế nào về ông, còn về việc ông không được ghi tên vào bia Võ Công, Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết là vì ông chết tại trận tiền khi chưa hoàn thành công việc. Trong 10 vị được ghi tên ở bia Võ Công có một số vị nguyên là tướng dưới trướng của ông; cụ thể là Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Phạm Hữu Tâm… đã từng là quan tham tán hoặc tán tương của ông khi ông sung chức Bình Khấu tướng quân có nhiệm vụ đánh dẹp cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi và đánh đuổi bọn can thiệp Xiêm La, khi chúng đã chiếm được hai thành Hà Tiên và An Giang. Để thấy rõ công trạng của Trần Văn Năng đối với nhà Nguyễn và lịch sử giữ nước của dân tộc; qua hai bộ Đại Nam thực lụcĐại Nam liệt truyện, xin được tóm lược tiểu sử của ông như sau:

Trần Văn Năng người huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa sanh năm Quý Hợi (1763), có sức vóc, giỏi võ nghệ, quy thuận chúa Nguyễn rất sớm, lập nhiều công to, được thăng chức vệ úy, rồi Đô thống chế.

Dưới triều Gia Long, khi vào Nam, lúc ra Bắc giữ vững biên cương. Năm 1812, gặp lúc quân Xiêm xâm lấn Chân Lạp, Nặc Chân chạy xuống Gia Định; ông được sung chức Chấn Vũ quân phó tướng mang quân trấn thủ Tân Châu, nghiêm mật phòng thủ. Xiêm không dám xâm phạm biên giới nước ta. Năm sau cùng Lê Văn Duyệt đưa Nặc Chân về nước.

Dưới triều Minh Mạng, là quyền chưởng Tiền quân Ấn vụ, kiêm lĩnh Thị vệ đại thần; phụ trách xây dựng Từ Thọ cung. Năm 1822, trời mưa to làm hỏng 2.057 trượng tường thành (gần 8.228m) của kinh thành, ông được vua giao cho việc huy động nhân sự sửa chữa; năm sau trùng tu Thái Miếu. Năm 1824, là Phó Tổng Trấn Gia Định thành, góp phần quan trọng cùng với Thoại Ngọc Hầu trong việc tổ chức, mộ dân đào kinh Vĩnh Tế; sau thăng hự Tiền quân Thống chế, Chưởng Doanh kiêm quyền lĩnh Thương Bạc…

Năm 1833, thăng Tiền quân độ thống phủ chưởng phủ sự, năm sau được tấn phong Lương tài hầu. Gặp lúc Lê Văn Khôi nổi dậy cướp Gia Định thành, cầu cứu quân Xiêm. Quân Xiêm gồm 5 cánh xâm phạm biên cương nước ta; hung hãn nhất là ở Gia Định, chúng chiếm được thành Hà Tiên và An Giang. Ông được phong làm Bình Khấu tướng quân thống lĩnh quân đội cùng các tham tán Trương Minh Giảng, Nguyễn Xuân, Hồ Văn Khuê… và các tán tương Trương Phúc Đỉnh, Phạm Hữu Tâm… đánh đuổi quân xâm lược. Ông bố trí quân phá tan thế mạnh của chúng ở Cổ Hổ, cửa Thuận (Vàm Nao), giết được tướng giặc là Phi Nhã Khổ Lạc, rồi cho lệnh cho Trương Minh Giảng tiến đánh chiếm lại thành An Giang chặn đường rút của chúng. Trương Minh Giảng quần thảo với giặc suốt ngày mà không chiếm được thành. Ông liền cho quân đánh và chiếm lại được thành Hà Tiên. Sợ bị chận đường rút lui, giặc hoảng hốt lui binh ra khỏi biên giới. Thừa thắng, ông cho quân kéo sang giải phóng Nam Vang đuổi quân Xiêm ra khỏi biên cương Chân Lạp.

Bỗng lâm trọng bịnh, ông giao binh quyền cho Trương Minh Giảng, rồi về nước dưỡng bịnh. Thuyền đến Bến Siêu thì ông qua đời, thọ 72 tuổi, lúc ấy là năm Minh Mạng thứ 16 (1835).

Thật đáng ngạc nhiên, một nhân vật lịch sử có tầm cỡ như vậy mà ngoài các bộ sách của Quốc Sử quán nêu trên, các sử sách sau này không thấy ở đâu viết về ông, kể cả loại từ điển nhân vật; chỉ trong Quốc Sử tạp lục của Nguyễn Thiệu Lâu dành cho ông được 7 trang và trong năm 1960, ở Sài Gòn, Bao La cư sĩ chép lại tiểu sử của ông trong Đại Nam thực lục cho đăng trên tạp chí Phổ Thông (số 110) .

Tất cả đường phố trên toàn quốc trước kia và hiện nay, không có đường nào được mang tên Trần Văn Năng, Mộ ông bà Trần Văn Năng này chỉ là “Sè sè nắm đất bên đàng” trên triền núi Hoàng Long thuộc thôn Thượng II xã Thượng Xuân, thành phố Huế. Một mộ bia chung khiêm tốn cỡ 0,50 x 0,70m, vẻn vẹn hai dòng chữ Hán; một cho ông, viết “Thái Phó Tân Thành Quận Công Trần Trung Dũng công chi mộ” và một cho bà, viết “Nhất Phẩm Ý Thục phu nhân chi mộ” . Trên đầu bia là hai chữ Đại Nam, viền chung quanh là hoa văn kiểu hoa lá cách điệu của thế kỷ XIX; cuối cùng bên trái, dòng lạc khoảng cho biết mộ do cháu là Văn Chương lập. Rõ ràng đây là cụm mộ dân dã, hoàn toàn tương phản với nội dung văn bia của một đại thần có công to được tấn phong tước quận công. Con cháu ông hiện không còn ai ở Huế, nên việc thờ tự gởi vào chùa Quảng Tế ở xã Thủy Xuân (thành phố Huế). Tại bản quán, quê hương Khánh Hòa, việc thờ tự ông cũng không vượt ra ngoài khuôn khổ thờ cúng trong gia đình.

Trong khi đó, ở Đồng Tháp, tại vàm Đốc Vàng thuộc xã Tân Thạnh (huyện Thanh Bình) có một đền thờ khá bề thế, hàng năm có đến hàng vạn người đến chiêm bái. Ở cổng vào phía đường bộ (quốc lộ 30) có thượng tấm bảng ghi “Đền thờ Trần Ngọc Thượng Tướng Quân Công”, trước đền có đôi liễn, viết: “Trần Ngọc trinh trung thiên cổ Thượng tướng oai linh vạn thế tồn”.

Trong chính điện có thờ bài vị “Trần Ngọc Thượng tướng Quận công”. Song, sát bờ rạch Đốc Vàng lại có tấm bảng, viết “Dinh Ông – Đốc Vàng” và trong dân gian từ lâu đã lưu truyền truyện Ông Đốc Binh Vàng. Theo đó, thì cách đây khoảng hơn một trăm năm, nông dân khi phá hoang vùng ven vàm rạch Đốc Vàng phát hiện một ngôi miếu cổ đổ nát trong đó có thờ bài vị “Trần Ngọc Thượng tướng Quận công”. Hỏi những người cao tuổi mới biết đây là miếu thờ ông Đốc Binh Vàng, người có công đánh giặc Xiêm ở sông Cổ Hổ, cửa Thuận (Vàm Nao) dưới triều Minh Mạng; khi nghe tin thành Châu Đốc thất thủ, đã đốt thuyền lương và tự tử tại đây để lương phạn không rơi vào tay giặc. Vua thương tiếc phong tặng tước quận công, dân làng lập miếu thờ; từ đó, vàm rạch nơi ông qua đời được gọi là Đốc Vàng”. Trải qua năm tháng, việc thờ phụng chìm trong quên lãng. Nay biết được, dân làng rủ nhau xây lại miếu; qua nhiều lần trùng tu, miếu ngày một to rộng hơn và được tôn lên thành dinh mà nhân dân quen gọi là Dinh Ông-Đốc Vàng.

Đền thờ Thái Phó Tân Thành Quận Công Trần Văn Năng tại huyện Thanh Bình, Đồng Tháp. Nguồn: Internet

Thế nên, lâu nay nhân dân địa phương chỉ biết Trần Ngọc Thượng tướng Quận công qua ông Đốc Binh Vàng. Vậy vị tướng quân họ Trần này là ai, có phải là Thái phó Tân Thành Quận công Trần Văn Năng? Và tại sao có đền thờ của vị tướng này ở vàm Đốc Vàng?

Đó là một số vấn đề thiết tưởng cần được làm sáng tỏ về một nhân vật lịch sử tầm cỡ đã bị lãng quên.

CHÚ THÍCH:

  1. Đại Nam thực lục chính biên, Nxb KHXH, Hà Nội, 1966, Q. XIV, tr. 61.
  2. Đại Nam liệt truyện chính biên, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1997, tập II, tr. 255-256.
  3. Đại Nam thực lục, Q. XXVII, tr. 310-311.
  4. Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1993, tập 10,  tr. 110.
  5. Trong sách Minh Mạng chính yếu (phần Phấn Võ) cũng có đề cập đến Trần Văn Năng.
  6. Trong Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, tập Thượng 21 có nói đến địa danh Đốc Vàng.

Bài liên quan

Bài đăng mới