Trao đổi về nước Vạn Xuân

Nguyễn Thanh Tuyền

Tạp chí Xưa&Nay, số 569, tháng 11 năm 2024

Sự ra đời của nhà nước Vạn Xuân vào mùa xuân năm 544 sau thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lý Bí (542-544) là một dấu mốc vẻ vang trong hơn ngàn năm trường kì đấu tranh chống Bắc thuộc, giành lại nền độc lập của nhân dân ta. Nhiều vấn đề lịch sử liên quan đến khởi nghĩa Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân đến nay đã được giải mã, phục dựng khá thoả đáng. Tuy nhiên, xung quanh thời điểm sụp đổ của nhà nước này, hiện nay vẫn tồn tại hai mốc thời gian khác nhau: năm 602 và năm 603. Điều này được thể hiện trong nhiều công trình sử học, kể cả sách giáo khoa và sách phổ cập tri thức lịch sử(1).

Đâu mới là mốc thời gian chính xác và vì sao có sự chỉ định sai khác như vậy? Trên cơ sở khảo sát một số tư liệu lịch sử có liên quan, bài viết này sẽ xác minh lại vấn đề nêu trên.

Chân dung Lý Nam Đế và Hoàng hậu (Tranh cổ thế kỷ XVIII)

1. Sự kết thúc của quốc gia Vạn Xuân trong ghi chép của cổ sử Việt Nam và Trung Hoa

            Các bộ cổ sử quan trọng của Việt Nam như Đại Việt sử lược (Việt sử lược, thế kỉ XIV), Đại Việt sử kí toàn thư (thế kỉ XV-XVII), Đại Việt sử kí tiền biên (thế kỉ XVIII), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (thế kỉ XIX)… đều ghi nhận nước Vạn Xuân kết thúc vào năm Nhâm Tuất (602), tương ứng với niên hiệu Nhân Thọ năm thứ hai của Tùy Văn Đế – vị hoàng đế mở nghiệp nhà Tùy trong lịch sử Trung Quốc.

            Việt sử lược viết: “Năm thứ hai hiệu Nhân Thọ (602) đời Tùy Văn Đế, châu súy là Nguyễn (Lý) Phật Tử giữ thành Việt Vương làm loạn… Văn Đế lấy Phương (tức Lưu Phương – người dẫn) làm Hành quân Tổng quản đi dẹp Phật Tử. Phật Tử sợ xin hàng”(2).

            Đại Việt sử kí toàn thư chép: “Nhâm Tuất, năm thứ2 [602] (Tùy Văn Đế Dương Kiên, Nhân Thọ năm thứ 1(3)). Vua (tức Lý Phật Tử – người dẫn)sai con của anh là [Lý] Đại Quyền giữ thành Long Biên, Biệt súy là Lý Phổ Đỉnh giữ thành Ô Diên (bấy giờ vua đóng đô ở Phong Châu).

Dương Tố nhà Tùy tiến cử Thứ sử Qua Châu là Lưu Phương người Trường An, có tài lược làm tướng. Vua Tùy xuống chiếu lấy Phương làm Giao Châu đạo Hành quân Tổng quản, thống lĩnh 27 doanh quân sang xâm chiếm. Quân lệnh của Phương rất nghiêm, ai phạm tất chém. Nhưng Phương tính nhân ái, binh sĩ người nào ốm đau đều thân đến thăm viếng nuôi dưỡng, quân lính ai nấy đều mến đức và sợ uy. Đến núi Đô Long gặp giặc cỏ, Phương đánh tan hết, rồi tiến quân sang đến cạnh dinh của vua, trước lấy họa phúc mà dụ. Vua sợ xin hàng, bị đưa về Bắc rồi chết”(4).

            Đại Việt sử kí tiền biênKhâm định Việt sử thông giám cương mụccũng chép tương tự Đại Việt sử kí toàn thư(5).

            Trong các bộ sử vừa dẫn, Việt sử lược là cuốn sử xưa nhất còn giữ được đến nay. Ba bộ quốc sử sau còn ra đời muộn hơn. Vì vậy, khi ghi chép về lịch sử nước nhà thời Bắc thuộc, các sử gia nước ta thời trung đại chủ yếu dựa vào nguồn sử thư Trung Hoa. Về sự kiện nhà Tùy xâm lăng nước Vạn Xuân, cổ sử nước ta đều dựa theo các sách như Tùy thư (thế kỉ VII), Bắc sử (thế kỉ VII), Tư trị thông giám (thế kỉ XI)…

            Tùy thư gồm 85 quyển, do Ngụy Trưng (580-643) thời Đường làm chủ biên. Bộ sử viết theo thể kỷ truyện, ghi chép toàn bộ diễn biến lịch sử vương triều Tùy từ khi thành lập đến lúc diệt vong (581-618). Đây là bộ chính sử được xếp vào hàng Nhị thập tứ sử của nền sử học Trung Hoa thời phong kiến.

            Trong Tùy thư, việc nhà Tùy xâm lược nước Vạn Xuân được ghi chép khá rõ ở quyển 2 và quyển 53. Cụ thể như sau:

            – Quyển 2 (Đế kỷ đệ nhị, Cao Tổ hạ) cho biết: Nhâm Tuất, Nhân Thọ năm thứ hai,  “tháng 12… người Giao Châu là Lý Phật Tử dấy binh làm phản, sai Hành quân Tổng quản là Lưu Phương đi đánh, dẹp được”(6).

            – Quyển 53 (liệt truyện 18), phần liệt truyện về Lưu Phương có đoạn: “Trong niên hiệu Nhân Thọ, gặp lúc người Lý ở Giao Châu là Lý Phật Tử gây loạn, chiếm cứ thành cũ của Việt Vương, sai con người anh là (Lý) Đại Quyền giữ thành Long Biên, Biệt súy là Lý Phổ Đỉnh giữ thành Ô Diên. Tả Bộc xạ là Dương Tố tâu rằng (Lưu) Phương có tài lược làm tướng soái, hoàng thượng do đó xuống chiếu lấy (Lưu) Phương làm Giao Châu Đạo Hành Quân Tổng Quản, Độ chi Thị lang là Kính Đức Lượng làm Trưởng sử, thống lĩnh 27 doanh tiến phát. (Lưu Phương) có pháp lệnh nghiêm túc, quân dung chỉnh tề, kẻ nào phạm điều cấm liền chém ngay, nhưng nhân từ và thương yêu quân sĩ, người nào bệnh tật (thì) tự mình đến vỗ về, chăm sóc. Trưởng sử Kính Đức Lượng theo quân đến Doãn Châu thì bệnh nặng, không thể đi tiếp, (bèn) ở lại châu quán. Lúc từ biệt, (Lưu) Phương buồn thương (Kính Đức Lượng) lâm trọng bệnh, nghẹn ngào rơi lệ, (ôm theo niềm) xúc động mà lên đường. (Lưu Phương) có ân và uy như thế, được dư luận khen là lương tướng. Đến núi Đô Long, gặp hơn 2000 quân giặc tấn công quan quân, (Lưu) Phương sai Doanh chủ là bọn Tống Toản, Hà Quý, Nghiêm Nguyện đánh phá được. (Khi) tiến binh đến chỗ (Lý) Phật Tử, trước tiên sai người đem điều họa phúc để dụ bảo, (Lý) Phật Tử sợ hãi mà quy hàng, (được) đưa về kinh sư. (Dưới trướng Lý Phật Tử) có nhiều người kiệt hiệt, (Lưu Phương) sợ về sau sẽ gây loạn, đều chém cả”(7).

* Bắc sử gồm 100 quyển, do Lý Đại Sư và Lý Diên Thọ – hai học giả, cũng là hai cha con sống dưới thời Tùy và đầu thời Đường – nối nhau biên soạn và hoàn thành trong thế kỷ VII. Bộ sách viết theo thể kỷ truyện, trình bày lịch sử các nước Bắc triều (Bắc Ngụy, Tây Ngụy, Đông Ngụy, Bắc Chu, Bắc Tề và Tùy) kể từ năm 386 đến năm 618. Đây là bộ chính sử được xếp vào hàng Nhị thập tứ sử của nền sử học Trung Hoa thời phong kiến. Trong Bắc sử, việc nhà Tùy tiến đánh nước Vạn Xuân được chép ở quyển 11 (Tùy bản kỷ thượng 11) và quyển 73 (Liệt truyện 61, phần viết về Lưu Phương). Nội dung các ghi chép hoàn toàn trùng khớp với ghi chép đã dẫn ở trên trong Tùy thư(8).

            *Tư trị thông giám gồm 294 quyển, do Tư Mã Quang (1019-1086) thời Bắc Tống làm chủ biên. Đây là bộ sử biên niên quan trọng của sử học Trung Quốc thời phong kiến, ghi chép các sự kiện tiêu biểu của lịch sử Trung Quốc trong hơn 1300 năm, từ năm 403 TCN đến năm 959.

            Ở quyển 179 (Tùy kỷ 3), sách này chép rằng: “Cao Tổ Văn Hoàng Đế trung. Nhân Thọ nhị niên (Nhâm Tuất)…, tháng 12…, chủ súy người Lý ở Giao Châu là Lý Phật Tử làm loạn, chiếm cứ thành cũ của Việt Vương, sai con người anh là (Lý) Đại Quyền giữ thành Long Biên, Biệt súy là Lý Phổ Đỉnh giữ thành Ô Diên. Dương Tố tiến cử Qua Châu Thứ sử, (người) Trường An là Lưu Phương, có tài lược làm tướng soái; xuống chiếu lấy (Lưu) Phương làm Giao Châu đạo Hành quân Tổng quản, thống lĩnh 27 doanh tiến phát. (Lưu) Phương (thi hành) quân lệnh nghiêm túc, kẻ vi phạm ắt bị chém; tuy nhiên lại nhân từ, thương yêu sĩ tốt, người nào bệnh tật (thì) thân đến thăm hỏi, vỗ về, sĩ tốt cũng do đó mà nhớ ơn. (Quân Lưu Phương) đến núi Đô Long thì gặp giặc, đánh phá được, (rồi) tiến quân đến quân doanh của (Lý) Phật Tử, trước tiên lấy điều họa phúc để dụ bảo. (Lý) Phật Tử sợ, xin hàng, (bèn) đưa về Trường An”(9).

            Như vậy, cả ba bộ sách trên đều cho biết việc nhà Tùy cử tướng Lưu Phương tấn công Lý Phật Tử diễn ra vào năm Nhâm Tuất, niên hiệu Nhân Thọ thứ hai hoặc trong những năm Nhân Thọ (601-604).

            Các ghi chép kể trên cho thấy sự tương đồng thông tin về niên điểm thất bại của Lý Phật Tử, đồng thời là mốc diệt vong của quốc gia Vạn Xuân trong các sử thư của Việt Nam và Trung Hoa. Tuy nhiên, nếu đối sánh về thời điểm cụ thể thì thông tin trong sử sách Trung Hoa tường minh hơn dù có sự bất nhất về thời gian tấn công Lý Phật Tử trong cùng một bộ sách như trong Tùy thư hay Bắc sử (Bản kỷ thì chép tháng 12 năm Nhân Thọ thứ hai, còn Lưu Phương truyện chỉ cho biết trong những năm Nhân Thọ), nhưng sự chỉ định mốc thời gian xuất binh thảo phạt nước Vạn Xuân vào tháng 12 năm Nhâm Tuất thuộc niên hiệu Nhân Thọ năm thứ hai của Tùy Văn Đế đã cung cấp cho chúng ta manh mối quan trọng để xác định chính xác hơn về thời điểm kết thúc của chính quyền Lý Phật Tử – nước Vạn Xuân.

2. Tháng 12 năm Nhâm Tuất – niên hiệu Nhân Thọ thứ hai thuộc năm 602 hay năm 603?

            Đối sánh Âm lịch với Dương lịch thì năm Nhâm Tuất đang xét ở đây tương ứng với năm 602. Nhiều công trình nghiên cứu hiện nay căn cứ vào việc nguồn cổ sử Việt Nam chỉ ghi chép về năm Nhâm Tuất thời Lý Phật Tử để chỉ định năm Vạn Xuân sụp đổ là 602. Cách xác định như vậy tuy đúng nhưng chưa đầy đủ, nhất là đã bỏ qua thời điểm tháng 12 năm Nhâm Tuất như ghi chép của thư tịch cổ Trung Quốc.

            Vậy tháng 12 năm Nhâm Tuất có phải vẫn thuộc về năm 602?

            Trong công trình Lịch và niên biểu lịch sử hai mươi thế kỉ (0001-2010), Lê Thành Lân đã dựa theo lịch Trung Hoa để xác định tháng 12 năm Nhâm Tuấtmà chúng ta đang nói đến kéo dài từ ngày 18/01/603 đến ngày 15/02/603(10).

            Kết quả chuyển đổi từ Âm lịch sang Dương lịch như trên đã khiến quan điểm cho rằng nước Vạn Xuân sụp đổ năm 602 không thể đứng vững – theo cách quy đổithời gian các sự kiện lịch sử sangDương lịch của giới sử học Việt Nam hiện nay.

            Bằng vào ghi chép niên đại chính xác và cụ thể về sự thất bại của chính quyền Lý Phật Tử trong sử sách Trung Quốc, kết hợp với việc đối chiếu Âm- Dương lịch, chúng ta có đủ cơ sở khoa học để minh định đúng thời điểm diệt vong của nhà nước Vạn Xuân. Thời điểm đó theo can chi là tháng 12 năm Nhâm Tuất, tức là từ tháng 01 đến tháng 02/603; hay khái quát hơn là đầu năm 603. Việc minh định này góp phần giúp nhận diện chân xác hơn về quá trình tồn tại và ý nghĩa của quốc gia Vạn Xuân trong lịch sử Việt Nam nói chung và trong lịch sử hơn ngàn năm chống ách đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc nói riêng. Một số công trình sử học đang lưu hành hiện nay cũng có sự xác minh tương tự để điều chỉnh mốc chấm dứt của chính quyền Lý Phật Tử và nhà nước Vạn Xuân.

3. Đôi điều kết luận           

Sự bất nhất về thời điểm diệt vong của nước Vạn Xuân trong nhiều công trình nghiên cứu hiện nay chủ yếu là do việc quy đổi giữa năm Can chi với năm Dương lịch dựa theo cổ sử Việt Nam (quan niệm năm 602) hoặc dựa theo cổ sử Trung Quốc (quan niệm đầu năm 603). Sử sách Trung Quốc chép tường tận hơn và xuất hiện gần với thời gian diễn ra sự kiện hơn sử sách nước ta, vì vậy có độ xác tín cao hơn. Quan niệm cho rằng nước Vạn Xuân tồn tại đến năm 602 rất cần thiết phải được điều chỉnh rộng rãi trong các công trình nghiên cứu chuyên sâu, giáo trình giảng dạy, sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông và các ấn phẩm phổ biến kiến thức lịch sử Việt Nam đang lưu hành ngày nay.

Nhà nước Vạn Xuân ra đời đầu năm 544 từ vinh quang chiến thắng của cuộc quật khởi do Lý Bí phát động và lãnh đạo. Con thuyền Vạn Xuân đã vượt qua mọi phong ba bão táp ở buổi đầu thành lập, hiên ngang đứng vững suốt gần 60 năm, là minh chứng cho tinh thần yêu nước thiết tha và ý thức mãnh liệt về nền độc lập dân tộc của các thế hệ người Việt trong cuộc trường chinh chống Bắc thuộc suốt từ năm 179 TCN đến năm 938. Mãi đến đầu năm 603, tức cách ngày nay 1421 năm, do nhiều nguyên nhân mà chủ yếu là sự yếu kém, không đủ năng lực lãnh đạo kháng chiến của Hậu Lý Nam Đế (Lý Phật Tử), con thuyền Vạn Xuân mới bị kẻ thù bạo tàn làm cho chìm đắm.

CHÚ THÍCH

(1) + Một số công trình sử học cho rằng năm 602 là mốc kết thúc của nước Vạn Xuân, tiêu biểu như:

– Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn (Đồng Chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam toàn tập (từ thời nguyên thủy đến năm 2000), NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2008 (tái bản lần thứ 9).

– Nguyễn Quang Ngọc (Chủ biên), Tiến trình lịch sử Việt Nam, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2007 (tái bản lần thứ 7).

– Phan Huy Lê, Lịch sử và văn hoá Việt Nam tiếp cận bộ phận, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2007.

+ Một số công trình sử học lấy năm 603 là thời điểm kết thúc của nước Vạn Xuân, tiêu biểu như:

– Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam, tập I (thời kì nguyên thủy đến thế kỉ X), NXB. Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1991 (In lần thứ ba có bổ sung).

– Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỉ XX, Nguyễn Nghị dịch, Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính, NXB. Thế giới, Hà Nội, 2014.

– Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam, tập 1 (từ khởi thủy đến thế kỉ X), NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017.

– Nguyễn Thanh Tuyền, Những điều cần biết về lịch sử Việt Nam (hỏi – đáp), Tủ sách xã, phường, thị, trấn, NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020.

– Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lịch sử 6, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2019 (tái bản lần thứ 17). Kể từ năm học 2021-2022, thực hiện việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và lộ trình thay sách giáo khoa, toàn bộ sách giáo khoa lớp 6 được thay mới với việc lưu hành 3 bộ sách giáo khoa khác nhau trên cả nước, mỗi bộ sách có tên gọi chung khác nhau (Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều). Điều đáng lưu ý là trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí 6 (phần Lịch sử) ở cả ba bộ sách kể trên, khi viết về nước Vạn Xuân, các tác giả lại cho rằng niên điểm sụp đổ của nó là năm 602.

(2) Khuyết danh, Việt sử lược, Trần Quốc Vượng dịch, NXB. Thuận Hoá, Huế, 2005, tr. 31-32.

(3) Nguyên bản chữ Hán chép lầm, năm Nhâm Tuất ở đây thực ra là năm thứ hai của niên hiệu Nhân Thọ đời Tuỳ Văn Đế.

(4) Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử kí toàn thư, tập I, Ngô Đức Thọ dịch và chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đính, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr. 185-186.

(5) Xem thêm: Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Đại Việt sử kí tiền biên, bản dịch của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB. Văn hoá Thông tin, Hà Nội, 1997; Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, bản dịch của Viện Sử học, NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2007.

(6) Tuỳ thư, quyển 2 (Đế kỉ đệ nhị, Cao Tổ hạ). Nguyên văn: 十二月… 交州人李佛子舉兵反,遣行軍總管劉方討平之。Nguồn: http://www.guoxuedashi.net/a/43a/132721t.html

(7) Tuỳ thư, quyển 53 (liệt truyện 18 – Lưu Phương truyện). Nguyên văn: 仁壽中,會交州俚人李佛子作亂,據越王故城,遣其兄子大權據龍編城,其別帥李普鼎據烏延城.左僕射楊素言方有將帥之略,上於是詔方為交州道行軍總管,以度支侍郎敬德亮為長史,統二十七營而進.方法令嚴肅,軍容齊整,有犯禁者,造次斬之,然仁而愛士,有疾病者,親自撫養.長史敬德亮從軍至尹州,疾甚,不能進,留之州館.分別之際,方哀其危篤,流涕嗚咽,感動行路.其有威惠如此,論者稱為良將.至都隆嶺,遇賊二千餘人來犯官軍,方遣營主宋纂、何貴、嚴願等擊破之.進兵臨佛子,先令人諭以禍褔,佛子懼而降,送於京師.其有桀黠者,恐於後為亂,皆斬之. Nguồn: http://www.guoxuedashi.net/a/43a/132772m.html

(8) Xem thêm: Bắc sử, quyển 11 (Nguồn: http://www.guoxuedashi.net/a/41w/101555q.html);

quyển 73 (Nguồn: http://www.guoxuedashi.net/a/41w/101617s.html)
(9) Tư trị thông giám, quyển 179 (Tùy kỉ 3). Nguyên văn: 高祖文皇帝中仁壽二年(壬戌)… 十二月 … 交州俚帥李佛子作亂,據越王故城,遣其兄子大權據龍編城,其別帥李普鼎據烏延城。楊素薦瓜州刺史長安劉方有將帥之略,詔以方為交州道行軍總管,統二十七營而進。方軍令嚴肅,有犯必斬;然仁愛士卒,有疾病者親臨撫親,士卒亦以此懷之。至都隆嶺,遇賊,擊破之。進軍臨佛子營,先諭以禍福。佛子懼,請降,送之長安。Nguồn: http://www.guoxuedashi.net/a/55f/145176i.html

(10) Theo Lê Thành Lân, Lịch và niên biểu lịch sử hai mươi thế kỷ (0001-2010), NXB. Thống kê, Hà Nội, 2000.

Bài liên quan

Bài đăng mới