Trinh Từ Ý Văn Thái hậu – Người mẹ hiền của hoàng đế Lê Thái tổ

Nguyễn Thanh Tuyền

Tạp chí Xưa&Nay, số 572, tháng 2 năm 2025

1. Sơ lược về lý lịch

Trinh Từ Ý Văn Thái hậu là danh hiệu được truy tôn. Bà tên thật Trịnh Thị Ngọc Thương, còn được sử sách gọi là Trịnh Thị Thương. Các sách Đại Việt thông sử, Lam Sơn thực lụcLê triều ngọc phả chép là Trịnh Thị Ngọc Thương. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép là Trịnh Thị Thương. Văn bia Vĩnh Lăng tại lăng mộ Hoàng đế Lê Thái Tổ chỉ viết ngắn gọn: Bà họ Trịnh, tên Thương. Lam Sơn thực lục là tài liệu ra đời sớm nhất, ngay khi Lê Thái Tổ đang trị vì (dù đến thế kỷ XVII được chỉnh lý), nên chúng tôi cho rằng việc chép tên thân mẫu Lê Thái Tổ trong sách này là đáng tin và dựa theo đó cùng các sách khác để xác định họ tên đầy đủ của bà là Trịnh Thị Ngọc Thương. Các tên khác như Trịnh Thị Thương, Trịnh Thương nên hiểu chỉ là cách gọi tắt.

Trịnh Thị Ngọc Thương sinh trưởng ở vùng Thủy Chú, huyện Lôi Dương (nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), xuất thân họ tộc có tiếng ở địa phương. Sách Đại Việt thông sử là tài liệu chép đầy đủ nhất về thân thế, họ tộc của bà. Sách này cho biết: “Hoàng Thái hậu họ Trịnh, tên húy là Ngọc Thương, người xã Thủy Chú, huyện Lôi Dương, tổ tiên húy là Thậm, vốn là người sách Mộc Trưng, phủ Thanh Hoa. Cụ (Thậm) đi bắn chim qua đất Thủy Chú, mến cảnh nơi này rừng cây xanh tốt, ruộng đất màu mỡ, nên dời đến ở đây. Ông nội tên là Tám, làm quan đời Trần, khi đi đánh Chiêm Thành, có công bắt được con voi trắng, được trao chức Đại toát nữu (cũng như làm tướng). Con trai tên là Sai, là cha sinh ra hoàng hậu. Sai nối chức cha làm Đại toát nữu, sinh được một trai một gái. Con trai tên là Thốn nối chức cha, con gái tức là cụ bà Ngọc Thương”⁽¹⁾. Như vậy, từ Trịnh Tám (ông nội) đến Trịnh Thốn (anh trai), dòng họ của bà đã có ba đời liên tục tham gia chính trị, trở thành quan chức triều Trần, được thế tập chức tước và thực tế đã hình thành một gia tộc có uy thế tại vùng Thủy Chú đương thời.

Sử sách không chép năm sinh cũng như năm mất của bà. Sách Lê triều ngọc phả chỉ chép bà mất ngày 17-10 Âm lịch. Dựa theo một số thông tin liên quan về hành trạng của bà, có thể ước đoán bà sinh ra ở nửa sau thế kỷ XIV, mất trước khi khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng.

Đến tuổi thành gia lập thất, bà trở thành dâu con của họ Lê ở Lam Sơn – cũng là dòng họ có uy thế trong vùng. Cả Lam Sơn và Thủy Chú đều thuộc huyện Thọ Xuân ngày nay, việc hai dòng họ biết danh tiếng và liên hôn với nhau cũng là điều dễ hiểu. Đây là cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối của tầng lớp quan lại và địa chủ địa phương đương thời.

 Bấy giờ, họ Lê ở Lam Sơn đã là một dòng họ có danh vọng. Người tạo lập sản nghiệp cho họ Lê tại Lam Sơn là Lê Hối. Con của Lê Hối là Lê Thinh (Đinh) “nối được cơ nghiệp tiền nhân, có lòng yêu người, người các nơi xa gần đều quy phụ, trong nhà đông tới hàng nghìn người”⁽²⁾. Con thứ của Lê Đinh là Lê Khoáng, lớn lên nối giữ cơ nghiệp, “lấy lễ nghĩa nuôi dưỡng tân khách, thương yêu nhân dân, chu cấp cho người nghèo cùng, giúp đỡ người bệnh tật, cả vùng đều phục nghĩa khí”⁽³⁾. Lê Khoáng chính là phu quân của bà Trịnh Thị Ngọc Thương.

Về làm dâu con, Trịnh Thị Ngọc Thương với các đức tính hiếu hạnh có sẵn, đã nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống và nếp sinh hoạt giàu tình cảm, có ân uy với họ tộc và nhân dân trong vùng nơi nhà chồng. Tiếp nối mẹ chồng (bà Nguyễn Thị Ngọc Quách) vốn “cần kiệm trong việc nhà và rất mực hiền đức, có nhiều công lao trong việc giúp đỡ cụ ông trong việc nội trợ”⁽⁴⁾, bà Ngọc Thương cũng nổi danh là người vợ hiền mẹ đảm, có nhiều ơn đức với nhân dân. Bà được sử sách rất mực ngợi ca.

Sách Lam Sơn thực lục có đoạn: “Bà là Trịnh Thị Ngọc Thương, lại chăm chỉ về đạo đàn bà: Thờ cha, mẹ hết lòng hiếu kính; đãi họ hàng có ơn; dạy con, cháu, lấy lễ. Buồng the hòa thuận, đạo nhà ngày một thịnh thêm”⁽⁵⁾. Văn bia Vĩnh Lăng cho biết: “Thân mẫu của vua họ Trịnh, tên húy là Thương, chăm lo giữ đạo đàn bà, khiến cho nhà cửa vui vẻ, gia đạo ngày thêm thịnh vượng”⁽⁶⁾.

Sách Việt sử diễn âm thời Mạc (thế kỷ XVI) tuy có chút nhầm lẫn về thông tin họ tộc nhưng cũng rất ca ngợi đức hạnh của bà:

“Mẹ là Đặng thị nết na ai tày
Phúc lành sinh được con trai
Cả là Lê Học thứ hai Lê Trừ
Thứ ba Lê Lợi là vua”
⁽⁷⁾.

Đến thế kỷ XVIII, Lê Quý Đôn đã tổng hợp các ghi chép và truyền ngôn để nêu lên nhận xét khái quát, đầy đủ về phẩm hạnh cá nhân, vai trò với gia đình, dòng họ và tấm lòng thiện nguyện với dân chúng của bà. Trong phần Hậu phi truyện của sách Đại Việt thông sử, Lê Quý Đôn trân trọng viết về bà: “Hoàng hậu (cụ bà Thương) khéo giữ đạo làm vợ, thờ cha mẹ hết lòng hiếu kính, lấy ơn huệ đối xử với họ hàng, dùng lễ nghĩa dạy con cháu, dốc hầu bao,
nghiêng bồ thóc mà chu cấp cho người nghèo, xót thương kẻ côi cút, mọi người đều ca tụng đức tốt của hoàng hậu; có nhiều người quy phụ, gia nghiệp càng thêm thịnh vượng”⁽⁸⁾.

Bà Trịnh Thị Ngọc Thương trước sau sinh hạ cho Lê Khoáng 6 người con, gồm ba trai (Lê Học, Lê Trừ, Lê Lợi) và ba gái (Ngọc Tá, Ngọc Vĩnh, Ngọc Tiên). Bà chú trọng dùng lễ nghĩa dạy dỗ, giúp các con nên người.

Về sau, Lê Khoáng mất sớm, con trưởng là Lê Học nối giữ gia nghiệp. Bà Ngọc Thương lại cùng con quán xuyến gia đình và giáo dưỡng con em. Đến lượt Lê Học rồi Lê Trừ cũng sớm qua đời, cơ nghiệp họ Lê do con trai út là Lê Lợi gánh vác. Lê Lợi (sinh 1385 – mất 1433) về sau là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) đánh đuổi giặc Minh đô hộ, giành lại nền độc lập cho đất nước vào năm 1427.

Bà Trịnh Thị Ngọc Thương mất trước khi khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng. Tháng 4-1428, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, tức là Lê Thái Tổ, mở ra vương triều Hậu Lê. Lê Thái Tổ đã truy tôn các đời tổ tiên, bà Trịnh Thị Ngọc Thương được truy tôn là Trinh Từ Ý Văn Hoàng Thái hậu. Đến năm 1437, bà được cháu nội là Hoàng đế Lê Thái Tông tôn thêm là Trinh Từ Văn Trang Hiến Hoàng hậu.

Một góc Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa), nơi phụng thờ tổ tiên và an nghỉ các đời hoàng đế, hậu phi nhà Hậu Lê

3. Tấm gương hiền mẫu sáng giá trong lịch sử

Trong hành trình vươn đến đỉnh cao sự nghiệp cứu nước, cứu dân, để lại danh thơm muôn thuở, Lê Lợi đã hội tụ và kết tinh nhiều nhân tố để đạt đến thành công, trong đó không thể không kể đến nhân tố gia đình. Các đời cha ông của Lê Lợi đã miệt mài xây đắp và mở mang cơ nghiệp, khiến họ Lê dần trở thành một thế lực địa phương lớn mạnh. Chẳng những vậy, các thế hệ tiên tổ của Lê Lợi còn dốc lòng thực hiện nếp sống hào hiệp và độ lượng, gần gũi và chan hòa với người trong họ tộc và ngoài xóm làng, đồng thời rất coi trọng giáo dục kiến văn quảng bác và đức tính hiếu nghĩa, yêu nước thương nòi cho con cháu. Hẳn nhiên anh em Lê Lợi từ thuở nhỏ đã được dạy dỗ chu đáo không chỉ trên phương diện học vấn mà còn là lễ nghĩa, là cách ứng xử với đời, mà tấm gương thực tiễn sinh động chính là qua lời nói và hành động của những người phụ nữ thân cận như bà nội Nguyễn Thị Ngọc Quách, thân mẫu Trịnh Thị Ngọc Thương…

Từ thực lực kinh tế và vị thế xã hội cùng truyền thống gia thanh của gia đình, dòng họ, Lê Lợi đã dần trở thành một “bậc trượng phu” tài năng đức độ và có chí lớn, được người đời nể trọng. Đó cũng là cơ sở đầu tiên nâng đỡ ông trên bước đường dựng xây đại nghiệp.

Nhấn mạnh đến nhân tố gia đình với hai khía cạnh chủ yếu là kinh tế và văn hóa – xã hội, để thấy được cội gốc ban đầu rất quan trọng, qua đó cũng góp phần soi chiếu, nhận hiểu rõ hơn vai trò và cống hiến của các đời tiên tổ trong sự hun đúc phẩm chất, vun đắp thành công để tạo nên một bậc anh hùng cái thế của lịch sử nước nhà ở thế kỷ XV. Trong đó, thân mẫu của Lê Thái Tổ xứng đáng có một vị trí trang trọng trong bảng vàng vinh danh các đời tổ tiên của ông.

 Chúng ta không có đủ cơ sở tư liệu để tìm hiểu cặn kẽ các đóng góp và vai trò cụ thể của bà trong việc nuôi dưỡng con cháu, chỉ có thể hình dung gián tiếp qua truyền thống gia đình và gia thanh họ tộc mà bà là một đại diện, cũng như qua các miêu tả ngắn gọn của sử sách về tính cách, tấm gương xử thế, các hoạt động hảo tâm của bà. Bà là một hiền mẫu đã sinh thành, dưỡng dục vị anh hùng khởi
nghĩa Lam Sơn – hoàng đế khai quốc vương triều Hậu Lê là Lê Thái Tổ. Bà cũng là một trong những người thầy đầu tiên nhưng gần gũi nhất để rèn cặp Lê Lợi từ thuở ấu niên, góp phần dần hình thành các phẩm chất hơn người và năng lực phi phàm nơi một vĩ nhân của nước nhà ở mai sau. Bên cạnh một Lê Lợi – Lê Thái Tổ mà danh tiếng và sự nghiệp ngàn đời lưu danh, lấp lánh tỏa sáng trong sử sách, muôn đời còn đó hình ảnh người mẹ hiền thục và nhân đức, lặng lẽ và bình dị đã dõi theo bước chân ông từ những tháng ngày đầu tiên, đã âm thầm và nhiệt thành cổ vũ ông vững bước trên dặm dài cuộc đời và sự nghiệp.

Trinh Từ Ý Văn Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Thương là một hiền phụ và hiền mẫu tiêu biểu trong giới nữ lưu nước Việt thời quân chủ, để lại những dấu ấn đậm sâu và bài học giàu giá trị về cách xử thế, tề gia và nuôi dạy con cho muôn đời sau. 

Chú thích:

1. Lê Quý Đôn, Đại Việt thông sử, bản dịch Viện Sử học, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 2007, tr. 145.

2. Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 35.

3. Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 35.

4. Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 144.

5. Nguyễn Trãi biên soạn, Lê Thái Tổ đề tựa, Lam Sơn thực lục, Mạc Bảo Thần dịch, Tân Việt, 1956, tr. 18.

6. Nguyễn Trãi, “Lam Sơn Vĩnh Lăng bi (Văn bia Vĩnh Lăng ở Lam Sơn)”, in trong Phạm Thị Thùy Vinh (giới thiệu, tổ chức biên dịch, hiệu đính), Văn bia Lê sơ tuyển tập, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2014, tr. 59.

7. Khuyết danh, Việt sử diễn âm, Nguyễn Tá Nhí sưu tầm, giới thiệu và biên dịch, Nxb. Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1997, tr. 159.

8. Đại Việt thông sử, Sđd, tr. 146.

Bài liên quan

Bài đăng mới