Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II tại TP.HCM. Nằm ở trung tâm TP.HCM (2ter Lê Duẩn). Trong hơn 20 năm qua, Trung tâm đã phục vụ được gì cho xã hội, và thành phần tài liệu hiện nay đang lưu trữ gồm có những gì? Thủ tục đọc tài liệu lưu trữ như thế nào? Đó cũng chính là mối quan tâm rất lớn của giới nghiên cứu nói chung.

Từ khi thành lập đến nay (1976-2000), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II đã tiếp quản, thu thập, bảo quản, chỉnh lý và phục vụ khai thác một khối lượng tài liệu đồ sộ bao gồm:
– Tài liệu thời kỳ phong kiến-Pháp thuộc từ năm 1802-1954. Tài liệu viết bằng chữ Hán Nôm như Châu Bản triều Nguyễn, Mộc Bản, Địa Bạ. Tài liệu viết bằng tiếng Pháp như Tòa Đại biểu Chánh phủ Nam Việt, Thống đốc Nam kỳ, Khâm sứ Trung kỳ…
– Tài liệu của các Cơ quan Trung ương thuộc chính quyền thời kỳ Mỹ ngụy. Có những phông tài liệu đặc biệt quan trọng, là tài liệu của các cơ quan đầu não như: Phủ Tổng thống đệ I, đệ II Cộng hòa, Phủ Thủ tướng, Tài liệu của Bộ Phát triển Sắc tộc, Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên v.v…
-Tài liệu của Cơ quan Trung ương thời kỳ sau 1975 đến nay như tài liệu của Tổng Công ty Cao su, Bộ Y tế…
– Tài liệu bản đồ, tài liệu phim ảnh, đĩa hát.
– Ngoài ra Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II còn thu thập, bảo quản và phục vụ khai thác một kho tư liệu quý như Công báo Đông Dương, Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ và Công báo Việt Nam Cộng hòa, các loại sách, báo, tạp chí, các loại bản tin trước và sau 1975…
Điểm qua thành phần tài liệu nói trên, chúng ta thấy được giá trị tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Mặc dù tài liệu Châu bản, Địa Bạ, sách Hán Nôm chuyển ra Trung tâm đã được chuyển ra Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia I tại Hà Nội để phục chế và phục vụ khai thác từ năm 1992. Nhưng với một khối lượng tài liệu rất lớn còn lại (khoảng trên 12km chiều dài), toàn những tài liệu quan trọng những tài liệu được sản sinh ra trong quá trình hoạt động của Cơ quan Trung ương thuộc chính quyền cũ và mới, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II đã và đang góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước về mọi mặt.
Những đề tài đã được nghiên cứu từ tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II từ 1976 đến nay:
Rất nhiều đề tài nghiên cứu về chính trị như: tình hình Đảng phái chính trị thời Mỹ ngụy – Chủ nghĩa Thực dân mới-Phong trào công nhân TP. Hồ Chí Minh-Phong trào sinh viên học 1930-1975 – Phong trào đấu tranh của công nhân đường sắt – Phong trào kháng Pháp ở Nam kỳ – Phong trào đấu tranh của Phụ nữ – Tài liệu về nhà tù Phú Lợi – Tài liệu về Cách mạng tháng 10 Nga – Vấn đề bình định và chống bình định – Chính sách cai trị và bóc lột của thực dân Pháp – Tổ chức hoạt động của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam – Phong trào yêu nước – Phong trào đấu tranh chính trị ở Huế – Chính sách khai thác đồn điền cao su và phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân Tây Nguyên – Cách mạng tháng 8/ 1945 – Chính sách thực dân cũ và mới ở Đông dương – Phong trào Đông Du – Tình hình chính trị Đông Dương – Tài liệu về Nam kỳ khởi nghĩa – Tài liệu về Cao su Phú Riềng – Tài liệu về Bà Rịa-Vũng Tàu-Côn Đảo…
Các đề tài nghiên cứu về kinh tế như: Sản xuất và buôn bán nông sản ở Nam kỳ thời kỳ Pháp thuộc – Tình hình xuất nhập khẩu của VNCH – Thị trường chứng khoán…
Các đề tài nghiên cứu về lịch sử như: Lịch sử Đảng 1945-1975 – Lịch sử Việt Nam cận đại…
Nghiên cứu về lịch sử các đơn vị, lịch sử địa phương và lịch sử các ngành như Địa phương chí các tỉnh – Lịch sử Đảng các tỉnh – Truyền thống cảng Sài Gòn – Tư liệu về Hà Nội – Lịch sử kiến tạo TP.Đà Lạt – Lịch sử điện ảnh Việt Nam – Lịch sử về Khảo cổ học – Lịch sử lưu trữ Việt Nam thời Pháp thuộc – Sưu tầm ảnh Sài Gòn 300 năm – Lịch sử báo chí Việt Nam – Lịch sử chữ Quốc ngữ – Lịch sử văn bản hành chánh Việt Nam – Lịch sử về nhà Bảo tàng Cách mạng – Lịch sử ngành in, Nhà xuất bản ở Việt Nam – Lịch sử nông thôn Việt Nam…
Tài liệu về các nhân vật lịch sử như Nguyễn Sinh Huy, Bác Hồ, Tôn Đức Thắng, Phan Bội Châu, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Phan Đăng Lưu…
Các đề tài nghiên cứu về biên giới như tài liệu về Hoàng Sa – Trường Sa, Biên giới Việt Nam – Campuchia, Việt Nam- Trung Quốc. Biên giới Việt-Lào…
Các đề tài nghiên cứu về tôn giáo như: Phong trào đấu tranh của Công giáo miền Nam năm 1954-1975 – Chính sách của vua quan nhà Nguyễn đối với Thiên Chúa giáo – Phong trào Phật giáo Sài Gòn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc 1954-1975.
Các đề tài nghiên cứu về văn hóa xã hội như: Nghiên cứu về nhà ở của người Việt Nam – Nhà ở của người dân tộc thiểu số – Tình hình văn học miền Nam năm 1954 -1975 – Tệ nạn xã hội cũ – Nông thôn Việt Nam – Nông dân Nam bộ trước và sau 1975 – Các dân tộc thiểu số – Tình hình hoạt động thư viện ở TP Hồ Chí Minh – Nho học và văn hóa Việt Nam – Tâm lý nông dân và tâm lý tôn giáo ở An Giang – Kiến trúc cổ Sài Gòn – Thảo Cầm Viên trước 1975 – Báo chí Sài Gòn giải phóng – Vấn đề pháp y cổ xưa – Tình hình kinh tế xã hội trước 1945 – Y tế Nam kỳ – Tình hình kính tế làng xã Nam bộ – Kiến trúc đô thị ở Việt Nam – Vấn đề người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn…
Các đề tài nghiên cứu về giáo dục như: Vấn đề giáo dục tiểu học trước 1975 -Chế độ thi cử triều Nguyễn…
Các đề tài nghiên cứu về ngoại giao như: Quan hệ Việt – Lào, Quan hệ Việt Nam với Úc, Việt Nam với các nước Đông Nam Á, Việt Nam với Indonesia, Việt-Mỹ. Việt – Thái Lan, Chính sách ngoại giao thời Tự Đức, Việt Nam-Hàn Quốc…
Các đề tài nghiên cứu về chiến tranh như: Đề tài nghiên cứu về không quân Mỹ ngụy – Chất độc hóa học và tội ác Mỹ ngụy – Tổng kết chiến tranh Quân khu 7 chống Pháp – Ấp chiến lược trong hệ thống chiến tranh đặc biệt của Mỹ – Âm mưu thủ đoạn và tội ác của Mỹ – Tội ác của Pháp – Mỹ trong 2 cuộc chiến tranh – Cuộc chiến tranh chống Mỹ 1954-1975…
Các đề tài nghiên cứu về chế độ Mỹ ngụy ở miền Nam trước 1975 như: Cơ cấu tổ chức của Phủ Tổng thống đệ I và đệ II Cộng hòa – Tìm hiểu nguyên nhân sụp đổ của chế độ Ngô Đình Diệm và hậu quả của nó – Chế độ chính trị thời Ngô Đình Diệm…
Ngoài ra Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II còn cung cấp nhiều Giấy chứng nhận Lưu trữ Văn bằng, Chứng chỉ tốt nghiệp trước năm 1975 cho cán bộ, nhân dân để họ bổ túc hồ sơ công chứng hoặc tiếp tục học hành…
Nhiều giáo sư, nhiều nhà nghiên cứu nhờ có tài liệu lưu trữ hiện còn tại Trung tâm Lưu trữ mà đã hoàn thành việc khảo cứu, nhiều công trình khoa học có giá trị, được dư luận hoan nghênh như cuốn Tổng kết nghiên cứu Địa ba Nam kỳ lục tỉnh của ông Nguyễn Đình Đầu, Việt Nam thế kỷ XIX của giáo sư Nguyễn Phan Quang, Nam kỳ khởi nghĩa của Nhà sử học Trần Giang…
Hiệu quả của việc phục vụ nghiên cứu tài liệu lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II còn nhiều. Trên đây chỉ là một phần tiêu biểu.
Thủ tục xin đọc và nghiên cứu tài liệu lưu trữ quốc gia:
Mỗi công dân đều có quyền nghiên cứu, khai thác tài liệu lưu trữ quốc gia. Thủ tục thật giản đơn.
Đối với độc giả nước ngoài, chỉ cần có đơn xin đọc tài liệu lưu trữ gởi Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II và giấy giới thiệu của Cơ quan bảo lãnh tại Việt Nam (nếu có). Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II sẽ có công văn gửi Cục trưởng Cục Lưu trữ để xin ý kiến. Cục trưởng duyệt xong sẽ được đọc mục lục và tài liệu lưu trữ.
Đối với độc giả trong nước thì chỉ cần có giấy giới thiệu của Cơ quan (nếu độc giả đang công tác tại Cơ quan Nhà nước hay tổ chức xã hội). Trong giấy giới thiệu cần ghi rõ đề tài, mục đích nghiên cứu đề tài. Đối với độc giả không làm việc trong các cơ quan nhà nước hay tổ chức xã hội thì chỉ cần có đơn xin đọc tài liệu hay xin sao chụp gửi Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II. Đơn này do chính quyền địa phương xác nhận.
Lâu nay, nhiều độc giả ái ngại khi muốn đến đọc tài liệu lưu trữ quốc gia vì sợ thủ tục phiền hà. Thực tế, việc đọc tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II nhiều năm đã được những người làm công tác phục vụ khai thác ở đây giải quyết rất đúng nguyên tắc nhưng lại rất đơn giản, nhanh gọn.