Việc đắp các Đoạn Trường lũy, dựng các Bảo ông Trấn dọc miền tây Quảng Ngãi dưới thời Bùi Tá Hán (1496-1568) trấn nhậm đất Quảng Nam (nay là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) có thể được xem là sự khởi đầu của việc hình thành Tĩnh man Trường lũy, thường được gọi tắt là Trường lũy – cơ bản thành hình khoảng những năm đầu thập kỷ XX, thế kỷ XIX[1]. Nếu tạm xem năm Thành Thái thứ 11 (1899) – năm tổ chức quân sự có tên là Nghĩa Định sơn phòng bị triệt bỏ, ba châu Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Đức Phổ được thành lập, là thời điểm Trường Lũy chấm dứt về cơ bản vai trò của một hệ thống phòng thủ, thì đến nay đã có hơn một thế kỷ, lũy dài này chỉ còn là hiện thể của một mảnh nhỏ quá khứ lịch sử, hay nói cách khác, bản thân cái vật thể chủ yếu đắp bằng đất mà chúng ta đang nói đến, không còn giữ vị trí, ý nghĩa, công năng mà vì đó nó được tạo tác, cho dù đến nay chúng ta vẫn nhận biết sự hiện diện của nó qua thư tịch, tư liệu, giai thoại và sự tồn tại của những đoạn lũy đang nhòa dần hình hài trong không gian miền Tây Quảng Ngãi, vì tác động của thiên nhiên và dữ dội hơn, là của con người.
Trường Lũy – hẳn là một vật chứng đáng lưu ý của lịch sử, đặc biệt là lịch sử miền cao tỉnh Quảng Ngãi, và vì vậy, tìm hiểu, khảo sát nghiên cứu về Trường Lũy là cần thiết.
Độ lùi của thời gian hiển nhiên khiến người nghiên cứu xa dần hiện trạng lịch sử và đó là một bất lợi, nhưng bù lại, sự lùi này lại có thể mang đến một ưu thế khác khi chúng ta đã có thêm thời gian để dụng đến cách tiếp cận khác, lơi dần sự chi phối của các điều kiện chính trị – xã hội, mà vì đó, quá trình và dẫn theo là thành quả nghiên cứu, những luận giải về lịch sử ít nhiều bị thiên lệch hoặc phải chấp nhận thiên lệch. Từ những thập niên cuối thế kỷ XX, chúng ta đã “nhìn lại”, “đánh giá lại” những con người như Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Tường, Lê Văn Duyệt…; còn trước đó là các đền đài, lăng tẩm của kinh thành Huế, cùng nhiều công trình kiến trúc được xây dựng với mục đích “phục vụ bộ máy cai trị” của nhà nước phong kiến Việt Nam, đặc biệt là triều Nguyễn. Như vậy, có thể nhìn lại Trường Lũy được chăng?
Thử đưa ra một dẫn dụ: Khiêm lăng (Lăng Tự Đức) được xây dựng bằng công sức của hàng vạn phu phen, binh lính, thợ thuyền để làm chỗ cho ông vua Tự Đức rong chơi, nghỉ ngơi khi còn sống và an táng khi qua đời. Ấy vậy mà công trình kiến trúc mỹ lệ và đường bệ này là một bộ phận không thể thiếu trong tổng thể hệ thống kiến trúc kinh thành Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, và là niềm vinh dự cho nhân dân Việt Nam, cho văn hóa Việt Nam. Dĩ nhiên chúng ta cũng biết rằng, trong quá trình xây dựng Khiêm lăng, đã từng nổ ra một cuộc khởi loạn của binh lính, phu phen do hai ông Đoàn Trưng, Đoàn Trực lãnh đạo, mà sử gọi là “Loạn chày vôi”. Les politiques passent, les cultures restent – Chính trị qua đi, nhưng văn hóa thì còn lại, là thế đó!
Chạy dài khoảng đến 177 dặm, từ địa giới phía nam tỉnh Quảng Nam kéo đến phía bắc tỉnh Bình Định, vượt qua bao nhiêu đồi núi, thung lũng, sông ngòi; thời gian xây dựng kéo dài nhiều thế kỷ với hàng vạn ngày công của biền binh, lân dân; dệt quanh mình bao nhiêu giai thoại, gợi nhớ đến nhiều tên tuổi mà lịch sử không thể không nhắc đến dù hay, dù dở theo cách nhìn của thế nhân như Bùi Tá Hán, Nguyễn Cư Trinh, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Tấn, Nguyễn Thân…; chứng kiến bao nhiêu biến động của thời cuộc, lẽ nào Trường Lũy không đáng cho người hôm nay tìm hiểu về nó, suy ngẫm về nó?
Như đã nói trên kia, vai trò của Trường Lũy, đối với những người chủ trương xây dựng nó, đã chấm dứt từ hàng thế kỷ trước. Nhà Nguyễn và giai cấp phong kiến Việt Nam đã vĩnh viễn lùi vào xa xăm lịch sử. Nhưng Trường Lũy còn đó, đang hiện diện trước chúng ta và liệu chúng ta có thể ngoảnh mặt với nó mãi mãi?
Chúng tôi thử nêu ra mấy điều sau đây để nói rằng chúng ta không thể và không nên ngoảnh mặt với Trường Lũy:
1) Đắp một thành đất dài dằng dặc, băng qua một vùng địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là những cơn lũ dữ dội vào mùa mưa, mà chỉ bằng công cụ, phương tiện, sức lao động giản đơn, thì quả thật là một kỳ công. Những kinh nghiệm, những bài học từ ấy chắc không phải là vô ích đối với việc tìm cách hạn chế sự hung hãn của những trận lũ mà chúng ta đang đối mặt hàng năm hiện nay. Trường Lũy có những đoạn được kè đá, với kỹ thuật thô sơ, không dùng chất kết dính bằng xi măng, vôi vữa, vậy mà, vì sao hàng trăm năm qua, trừ những đoạn do con người cố tình phá dỡ, các đoạn thành kè đá vẫn trơ trơ với gió mưa; trong khi không ít những bờ kè, đê bao chống lũ với “đá quy cách”, xi măng, rọ đá chống xói lở mà chúng ta ngày nay xây dựng, chỉ qua một mùa lũ lụt đã sạt lở tan hoang. Nghiên cứu về Trường Lũy chắc chắn có thể cho chúng ta những bài học quý không chỉ về kỹ thuật đắp thành mà còn cả những bài học về cung cách quản lý một công trình quy mô lớn.
2) Khảo sát các đoạn Trường Lũy còn sót lại đến nay, rất dễ nhận thấy, dưới chân bờ lũy đất này, người xưa thường trồng theo đó một lũy tre bằng giống tre gaiđá rất đặc thù của miền núi phía tây của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Giá trị sử dụng của giống tre này không đa dạng như các giống tre, nứa, lồ ô khác, nhưng nhờ đặc tính chắc thân, nhiều gai, có thể sống trên những nền đất cằn cỗi, nên thường được trồng dọc bờ sông, bờ lũy để ngăn xói lở, trồng phía đầu làng để ngăn con nước mùa lũ. Ngày nay, ở miền Tây, các giống tre này đã bị chặt bỏ không thương tiếc để thay vào đó là các giống tre lấy măng, lồ ô, keo lai làm nguyên liệu giấy hoặc trồng mía, trồng mì. Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên nạn xói lở dữ dội ở miền núi, đặc biệt là ở vùng triền đồi, triền sông suối hay không? Tri thức bản địa trong việc trồng giống tre gai đá chống xói mòn, ngăn lũ có thể rất cần cho chúng ta ngày nay.
3) Trường Lũy không phải là một thành dài khép chặt như Vạn Lý Trường Thành (Trung Quốc) mà dọc theo Trường Lũy có nhiều nơi được chừa trống để làm đường qua lại giữa hai bên, làm nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa người Kinh và người Thượng – cuộc buôn bán kéo dài nhiều thế kỷ, góp phần đáng kể vào sự ổn định đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế của đất nước. Nói góp phần đáng kể vào sự phát triển của đất nước, vì quả thật, các loại lâm đặc sản của miền tây như trầm hương, quế, cánh kiến, gỗ quý, mật ong… từng một thời là hàng xuất khẩu chủ yếu, quan trọng của Đàng Trong và sau đó là cả nước. Chính các cuộc buôn bán này cũng đã sản sinh ra câu ca dân gian nổi tiếng: “Ai về nhắn với nậu nguồn / mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên”.
4) Về mặt quân sự, trong một thời gian dài, Trường Lũy gắn liền với việc tổ chức bộ máy và cơ sở quản lý hành chính, quân sự, thuế khóa thời nhà Nguyễn và đi cùng với đó là các thiết chế (Sơn phòng, Quân thứ, Kiên, Cơ, Đồn, Bảo, Lân…), hệ thống quan chức (Tiểu phủ sứ, Kiểm lý, Bang tá…), tráng binh (Biền binh, Dân binh…) trong điều kiện đặc thù của vùng miền núi. Vì vậy, nghiên cứu Trường Lũy cũng là góp phần nghiên cứu về lịch sử quân sự, quản lý hành chính dưới triều Nguyễn, một trong những triều đại phức tạp nhất trong lịch sử Việt Nam, ít nhất là với những gì đang xảy ra với giới sử học trong nhiều thập kỷ qua.
5) Cũng cần lưu ý rằng, trong giai đoạn đầu thực dân Pháp đặt chân lên đất nước ta, từ Sơn phòng, Trường Lũy đã xuất hiện một con người từng đạt đến cực phẩm triều đình, khét tiếng gian hùng, trí trá, một tên người không thể không đề cập khi nghiên cứu về phong trào Cần vương (đặc biệt là các cuộc khởi nghĩa dưới cờ Lê Trung Đình ở Quảng Ngãi, Nguyễn Duy Hiệu ở Quảng Nam, Mai Xuân Thưởng ở Bình Định, Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh), một kẻ bán nước điển hình có tên là Nguyễn Thân. Từ bên kia đại dương, một cuốn sách dày của tác giả Nguyễn Đức Cung đã được xuất bản, mà mục đích không gì khác là kể công, biện bạch cho Nguyễn Thân[2]. Vậy Nguyễn Thân là ai? Kẻ tay sai ngoại bang gian hùng hay người dày công với nước? Thật vô lý, khi chúng ta cứ né tránh, trong khi ai kia lại nhăm nhăm chủ ý đổi trắng thay đen, thậm chí dựng đứng vị đại thần Nguyễn Bá Nghi sống lại để bắt con người chính trực này thành kẻ a tòng với đám mại quốc, hèn mọn, phản phúc. Tìm hiểu về Trường Lũy cũng là lần vào các mối liên hệ phức tạp giữa những sự kiện và con người nêu trên. Sự phức tạp được tạo nên bởi lịch sử và ác thay, bởi các “nhà làm sử” như Nguyễn Đức Cung. Và hành trình này chắc chắn sẽ vừa góp phần soi sáng nhiều góc khuất của lịch sử, lại vừa có thể chỉ đúng những ngụy biện, tráo trở núp dưới chiêu bài “đọc lại lịch sử”.
Suốt một thời gian dài, vì nhiều lý do, mà lý do đáng kể nhất là chiến tranh (và những hệ lụy đi cùng), nên Trường Lũy hầu như không được nhắc đến, hoặc nhắc đến rất hạn hữu, cho dù trước đó, trong các bộ sử, địa chí viết dưới triều Nguyễn, công trình này được đề cập và miêu tả khá cụ thể. Dĩ nhiên, Trường Lũy không hề xa lạ với người dân sống hai bên nó, nhìn thấy nó hàng ngày, cả người Kinh lẫn người Thượng, cho dù cách gọi tên các đoạn lũy còn lại đến ngày nay không giống nhau ở mỗi vùng. Không được nhắc đến hoặc nhắc đến rất hạn hữu, không có nghĩa là giới sử học và các nhà nghiên cứu, trong đó có những nhà nghiên cứu quân sự, không biết về Trường Lũy[3]. Thật nực cười khi một số bài báo, một số phát biểu trong các tọa đàm, tham luận gần đây cho rằng cuộc tìm hiểu, khai quật, nghiên cứu Trường Lũy của một nhóm làm việc thuộc Trung tâm Viễn đông Bác cổ tại Hà Nội (Centre de l’EFEO à Hà Nội) và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam mấy năm qua như thể đã phát hiện ra một Bờ Lũy (cách gọi Trường Lũy của nhóm này) ở miền tây Quảng Ngãi bị khuất lấp trong lịch sử, cho dù các nhà khoa học trực tiếp tham gia nhóm làm việc, trong đó có Andrew Hardy của EFEO và Nguyễn Tiến Đông của Viện KHXHVN, không bao giờ nghĩ hoặc nói như vậy. Cũng cần nói thêm ở đây rằng, với tư cách là những người bạn thân thiết, ít nhiều đã từng cộng tác trong quá trình nghiên cứu Trường Luỹ và trên tinh thần khoa học trong sáng, vô tư, người viết những dòng này sẽ còn tiếp tục tranh luận với A. Hardy và Nguyễn Tiến Đông về những giả thuyết liên quan đến Trường Lũy mà hai người đã và sẽ đưa ra. Những tranh luận “rất sướng” như A. Hardy từng nói, rất sõi, cả âm thanh của ngôn ngữ Việt lẫn cái được biểu đạt không biên giới, nằm ngoài ngôn ngữ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài thơ chữ Hán về Vạn Lý Trường Thành, như sau:
Vịnh Vạn Lý Trường Thành
Thính thuyết Trường Thành vạn lý trường,
Đầu liên Đông hải vĩ Tây Cương
Kỷ thiên bách vạn lao động giả,
Kiến trúc tư thành trấn nhất phương.
Nghe nói Trường Thành vạn dặm trường
Chạy từ Đông Hải đến Tân Cương
Hàng bao nhiêu triệu người lao động
Xây dựng thành này trấn một phương.
(Bản dịch Viện Văn học)
Vạn Lý Trường Thành được xây với mục đích “ngăn rợ Hồ” phương bắc, như cách nói của nhà nước phong kiến Hoa Hạ. Thế nhưng, Vạn lý Trường Thành đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa nhân loại từ năm 1987, thậm chí là một trong 7 kỳ quan thế giới như vừa được bình chọn. Khỏi phải nói, người Trung Quốc đã tự hào như thế nào về tòa thành dằng dặc từng một thời làm công cụ “trấn một phương” – tự hào đến nỗi Mao Trạch Đông từng viết “Bất đáo trường thành phi hảo hán!” và dòng chữ này được khắc vào bia đá dựng dưới chân Trường Thành để du khách đến đây hầu như ai cũng ghé lại, vin lấy tấm bia, chụp một bức hình làm kỷ niệm.
Chúng ta có thể ứng xử với Trường Lũy như người Trung Hoa đã ứng xử với Vạn Lý Trường Thành, như người Anh ứng xử với lũy Offa được chăng?
[1] Nguyễn Bá Trác chủ trương, Quảng Ngãi tỉnh chí – in trên Nam Phong tạp chí năm 1933; mục Sơn Phòng.
[2] Nguyễn Đức Cung, Diên Lộc Quận công Nguyễn Thân 1853 – 1914. Nhật Lệ; New Jersey – USA; 2002.
[3] Trường Lũy được vẽ khá chi tiết trong bản đồ quân sự Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam. Một số đoạn lũy được sử dụng như đường giao liên của quân Giải phóng.