Trương Vĩnh Ký: Chuyện đời tự kể – Có một bản thảo như thế

Nguyễn Nam

Tạp chí Xưa&Nay, số 572, tháng 2 năm 2025

– Năm 21 tuổi đoạt giải thưởng của thống đốc Anh (thuộc địa Mã Lai) cho luận văn viết bằng tiếng Latin khi đang theo học tại Đại chủng viện Penang.

– Năm 26 tuổi làm phiên dịch cho sứ đoàn Phan Thanh Giản qua Paris thương thuyết với triều đình Napoléon III. Trong chuyến đi này Trương Vĩnh Ký nhận viết bài báo khoa học cho tạp chí Hội Địa lý Paris, trở thành hội viên thông tấn của Hội Nhân chủng học Pháp.

– Năm 32 tuổi làm chủ bút người Việt đầu tiên của tờ Gia Định báo (tờ công báo bằng chữ quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam).

– Năm 36 tuổi được Le Biographe (Tạp chí Tiểu sử) xếp vào danh sách 18 văn hào của thế giới trong năm.

– Năm 39 tuổi được làm hội viên Hội Á Châu (Société Asiatique). Cũng năm này Trương Vĩnh Ký là người Việt Nam duy nhất được cử vào làm thành viên Hội đồng thị xã Sài Gòn (Conseil de la
commune de Saigon).

– Trương Vĩnh Ký đã dịch, soạn, viết ra hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong suốt cuộc đời.

tượng Trương Vĩnh Ký được trưng bày
ở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Ảnh: Quế Lâm

Sinh thời, Gs. Trần Hữu Tá có chia sẻ bức thư của Gs. Trần Văn Giàu, viết ngày 23 tháng 9 năm 2002, gửi Gs. Hoàng Như Mai, nhân lễ khai giảng trường Trương Vĩnh Ký, liên quan đến bức tượng đồng Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn thời thuộc Pháp.  Theo thư này, tối 24 tháng 8 năm 1945, trong căn nhà số 6 đường
Colombert (nay là đường Alexandre de Rhodes) ở Sài Gòn, có cuộc hội nghị kín để truyền lệnh tổng khởi nghĩa.  Khi ấy, trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ, Trần Văn Giàu đã dặn riêng thuộc cấp về việc sau khi khởi nghĩa thành công, cần phải xử lý các pho tượng đồng được dựng lên dưới sự kiểm soát của chính quyền thực dân Pháp như thế nào. Đặc biệt, với pho tượng Trương Vĩnh Ký toạ lạc phía trước căn nhà ấy, ông yêu cầu phải “đưa vào gara Zancông Dênsinh” [Établissements Jean Comte, nay là một phần của Diamond Plaza], còn “để làm gì” thì “sau sẽ biết”.  Cũng trong thư này, Gs. Trần Văn Giàu bày tỏ: “Tôi nhớ tượng Trương Vĩnh Ký không mấy gì làm đẹp nhưng đủ vẻ trang nghiêm với bộ khăn đóng áo dài. Nay anh và các bạn lập trường trung học mang tên Trương Vĩnh Ký, tôi rất bằng lòng!” ⁽¹⁾ 

Nhờ chỉ đạo ngày ấy, pho tượng Pétrus Ký do người dân quyên góp đúc nên⁽²⁾ đã được bảo toàn nguyên vẹn cho đến ngày nay. Phát biểu tại cuộc toạ đàm “Trương Vĩnh Ký với Văn hoá” do tạp chí Xưa và Nay tổ chức năm 2001 tại Tp. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhắn nhủ: “Trương Vĩnh Ký đã lựa chọn con đường riêng cho cuộc đời mình (…) Tuy nhiên chính do sự lựa chọn con đường đi của Trương Vĩnh Ký coi như nghịch lý, đó là một trong những vấn đề gút mắc lớn nhất của Trương Vĩnh Ký “Bi kịch muôn đời’”⁽³⁾. Vậy nên, Trương Vĩnh Ký đến giờ hãy còn là một nhân vật lịch sử gây nhiều tranh biện.  Hai câu cuối trong bài thơ tuyệt mệnh của ông, Cuốn sổ bình sanh công với tội – Tìm nơi thẩm phán để thừa khai, dồn nén uẩn ức, xót xa.  Rốt cuộc, Trương Vĩnh Ký nghĩ gì về “công tội” đời mình vẫn là một ẩn số, mà nay vẫn chưa có đáp án: nguyên nhân chính yếu là do thiếu vắng nguồn tự sự nguyên cấp (primary sources) từ chính nhà bác học bi kịch này.  May mắn thay, đã tồn tại một tự truyện như thế và lại đáng mừng hơn, hậu bối ngày nay may mắn được chạm tay trên những dòng chữ do Pétrus Ký viết về chính ông ngày trước. Cũng tựa như bức tượng đồng nọ, bản thảo tự sự của ông đã kiên tâm, lặng lẽ chờ ngày được chia sẻ tiếng lòng cùng công chúng. Phần đầu trong loạt bài “Trương Vĩnh Ký: Chuyện đời tự kể” sẽ điểm qua những công trình biên khảo đầu tiên của các học giả trong và ngoài nước về Trương Vĩnh Ký, xuất bản trong ba thập kỷ – từ những năm 1920 đến 1940, qua đó diện mạo của một tác phẩm tự truyện đã phần nào được hé lộ.

Hai đợt kỷ niệm danh nhân lịch sử

Việc khánh thành pho tượng Trương Vĩnh Ký ngày Chủ nhật 18/12/1927 ở Sài Gòn là sự kiện quan trọng kỷ niệm 90 năm ngày sinh của ông (1837-1927). Bên cạnh đó, còn có một sự kiện khác, tuy ít được chú ý hơn, nhưng cũng không kém phần quan trọng. Đó là việc xuất bản sách Trương Vĩnh Ký hành trạng của Đặng Thúc Liêng⁽⁴⁾.  Trong phần “Tự ngôn” đầu sách, Đặng Thúc Liêng đã gắn kết việc dựng tượng với chuyện in sách với số lượng lớn như sau:

Nhơn dịp này, hình ngài sẽ sắm dựng trước đường Norodom, ngang dinh Toàn quyền, Saigon.  Vậy cũng thỏa lòng công chúng hy vọng bấy lâu, nên bổn lịch sử của ngài tôi đã soạn rồi, chẳng lẽ dám giấu để riêng; vậy xin xuất bản cho nhiều phần (10.000 bổn), đặng dưng cho công chúng tường lãm⁽⁵⁾. 

Con số một vạn bản in quả thật rất lớn, đặc biệt trong hoàn cảnh dân số ở Nam kỳ khi đó chỉ khoảng 4 triệu người và cả nước chỉ có khoảng 17 triệu dân với trình độ đọc-viết quốc ngữ còn rất hạn chế⁽⁶⁾. Việc phát hành tập tiểu sử này liên quan mật thiết đến việc khánh thành tượng đài. Trong cuộc họp ngày 9 tháng 10 năm 1927, ủy ban dựng tượng Trương Vĩnh Ký đã cân nhắc đề nghị của ông Đặng Thúc Liêng về việc mua 1.000 bản sách Trương Vĩnh Ký với giá ưu đãi 0.25 đồng mỗi cuốn (giá gốc in trên bìa sách là 0.50 đồng). Hiện diện tại buổi họp, ông Đặng Thúc Liêng đã tuyên bố tặng thêm 1.000 bản sách để phân phát cho học sinh ở các trường; cũng trong phiên họp này, ông Trương Vĩnh Tống – thành viên gia đình Pétrus Ký, cũng ngỏ ý tặng 200 bản sách miễn phí cho công chúng trong ngày khánh thành tượng⁽⁷⁾. Qua đây có thể thấy việc công bố những khảo cứu có tính hệ thống đầu tiên bằng chữ quốc ngữ về tiểu sử Trương Vĩnh Ký đã được xuất bản đồng thời với việc dựng tượng đài. Cùng với Đặng Thúc Liêng còn có Huyền Mặc Đạo nhân Dương Mạnh Huy với những biên khảo về Trương Vĩnh Ký ra đời cùng một năm (1927; xem dưới đây).   

Mười năm sau, nhân 100 năm năm sinh Pétrus Ký
(1837-1937), một loạt hoạt động kỷ niệm đã diễn ra ở Sài Gòn⁽⁸⁾, bao gồm việc công diễn “Tuồng ông Trương Vĩnh Ký được vua Đồng Khánh tống tặng 9 vật báu” tại Nhà hát Tây đêm thứ bảy 4/12, và triều đình Huế đã cử vào “năm nhà tai mắt” để tham dự các sự kiện này⁽⁹⁾. Một buổi lễ long trọng vào ngày 6/12 thu hút đến trên 5.000 người, khai trương “lễ dựng bia kỷ niệm bách châu niên sanh nhựt cho cụ Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký” ngay tại  quê nhà Cái Mơn của ông, dưới sự chủ trì của Thống đốc Nam kỳ Pierre Pagès⁽¹⁰⁾.  

Trong buổi lễ kỷ niệm cử hành đặc biệt long trọng tại Chợ Quán ngày 7/12, một loạt diễn văn “rất dài và rất cảm động” đã được các yếu nhân như Thống đốc Pagès, Jacques Lê Văn Đức⁽¹¹⁾, Hồ Đắc Hàm⁽¹²⁾ và Trương Vĩnh Tống⁽¹³⁾  trình bày tại “Nhà thờ và Nhà mồ cụ Sĩ Tải ở Chợ Quán”.  Ở Hà Nội, Hội Uẩn hoa⁽¹⁴⁾ tổ chức lễ kỷ niệm tại hội quán Hội Khai trí Tiến đức “trong một bầu không khí nghiêm trang phưởng phất mùi trầm đưa từ chiếc đỉnh khói tỏa nghi ngút, trước di tượng bậc vĩ nhân ở khép vào giữa hai lá cờ Nam-Pháp.  Số người dự chật cả trên lầu dưới nhà”⁽¹⁵⁾.   Một lễ kỷ niệm khác tại Hội Trí tri (Société d’Enseignement Mutuel de l’Annam, S.E.M.A.) diễn ra vào ngày 6/12/1937 ở Huế với sự tham dự của Thượng thư Bộ Lại Thái Văn Toản và Khâm sứ Trung kỳ Maurice F. Graffeuil⁽¹⁶⁾. So với năm 1927, quy mô lễ kỷ niệm 100 năm Trương Vĩnh Ký lần này mở rộng ra cả ba miền với những hoạt động phong phú và long trọng hơn rất nhiều.  Đáng chú ý là trong tất cả các sự kiện, tiểu sử của Trương Vĩnh Ký đều được các diễn giả thuật lại cùng với những diễn giải, nhiệt liệt tán dương công nghiệp ông.      

Có một bản thảo như thế

Các khảo cứu về tiểu sử Trương Vĩnh Ký đã thiết lập nền tảng cho những diễn giải khác nhau về nhân vật lịch sử này.  Thế nhưng ngoài các tư liệu hiện tồn, những người viết tiểu sử Pétrus Ký trước đây còn có được nguồn tài liệu nào khác mà chúng ta ngày nay chưa tiếp cận được?  Trên bìa sách Trương công Thiệt lục (Truyện ông Trương Vĩnh Ký) in năm 1927, bên cạnh ảnh chân dung Trương Vĩnh Ký, có in bốn câu thơ của Huyền Mặc Đạo nhân Dương Mạnh Huy⁽¹⁷⁾: Mày râu thiệt đứng bậc làm trai – Đức
nghiệp văn chương đóng một vai – Bức ảnh lưu hình đà tỏ mặt – Bút truyền tâm sự đó là ai?
⁽¹⁸⁾ Nhân vào chơi Nam kỳ quý xuân năm Bính Dần (1926), Dương Mạnh Huy đã có dịp gặp Trương Vĩnh Tống, con trai út của Trương Vĩnh Ký.  Khi được hỏi chi tiết về tiểu sử Pétrus Ký, ông Tống đã “đem ra một tập hành trạng nhựt ký do thủ bút tiên sanh biên lại” [NN nhấn mạnh].  Được xem những tài liệu (bao gồm cả tập “hành trạng nhựt ký”) được Trương Vĩnh Tống giới thiệu, Dương Mạnh Huy đã bộc bạch trong “Mấy lời tự thuyết của ký giả” in đầu sách rằng: “không dè dật mình lên mà hối hận rằng: trước kia mình đem cái mực kiến văn “bì tướng”⁽¹⁹⁾ bàn người, mà chưa thấu hiểu chốn tâm lý cao sâu của người.”⁽²⁰⁾ Trên nền tảng tư liệu nguyên cấp quý hiếm được san sẻ, với ước vọng thông qua thể loại văn chương tiểu sử để khắc họa chân dung, dùng ngòi bút để truyền tải tâm sự của nhân vật lịch sử, Dương Mạnh Huy đã soạn Trương công Thiệt lục và biên khảo “Lịch sử” mang tên “Một người tốt của nước Việt Nam” viết theo lối chương hồi, đăng thành nhiều kỳ trên Lục tỉnh Tân văn nhân 90 năm năm sinh Trương Vĩnh Ký (1837-1927)⁽²¹⁾. Đáng lưu ý là cùng viết về Trương Vĩnh Ký, Dương Mạnh Huy đã sử dụng hai văn thể khác nhau: ông viết “Một người tốt của nước Việt Nam” theo thể văn xuôi chương hồi, nhưng lại soạn Trương công Thiệt lục theo thể lục bát.  Tác giả chọn viết tiểu sử bằng thơ lục bát, phải chăng chỉ vì chất văn chương mềm mại của thể thơ này, thuận tiện cho việc bày tỏ tâm tình, cảm xúc, và giúp người xem dễ đọc, dễ nhớ; hay còn do ông lấy cảm hứng từ một tư liệu tham cứu sẵn có nào khác?   

Trong không khí sôi động chung của cả ba kỳ nhân dịp kỷ niệm 100 năm Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Tiến Lãng (1909-1976) đã trình bày một tham luận có tựa đề “Pétrus Trương Vĩnh Ký – Sage et apotre” (Hiền triết và tông đồ) tại lễ kỷ niệm Trương Vĩnh Ký vào ngày 6/12/1937 ở Huế.  Tham luận này sau được đăng thành bốn kỳ tên tuần báo La Patrie annamite, từ ngày 18 tháng 12 năm 1937 đến ngày 8 tháng 1 năm 1938.  Trong kỳ thứ ba (đăng ngày 1 tháng 1 năm 1938), Nguyễn Tiến Lãng đã nhắc đến việc Trương Vĩnh Tống cho xem một tập bản thảo chép tay (un
manuscrit autographié)
của Trương Vĩnh Ký. So với những gì đã được Dương Mạnh Huy ghi nhận, miêu tả của Nguyễn Tiến Lãng về văn bản này chi tiết hơn rất nhiều:

Tôi mắc nợ ông Trương Vĩnh Tống vì đã có cơ hội lật xem một bản thảo viết tay có tựa đề: “Ghi chú của J. B. Pétrus Trương Vĩnh Ký về những sự kiện trong đời ông” [Note de J. B. Pétrus Trương Vĩnh Ký sur les événements de sa vie] gồm một chuỗi các mốc thời gian và những ghi chú rất ngắn gọn, khô khan, ngoại trừ một phần mở đầu giống như lời tựa chứa đựng những lời khuyên đạo đức.

Tuy nhiên, qua đó, ta có thể thấy Pétrus Trương Vĩnh Ký ghi chép các sự kiện trong đời mình theo cùng một cách thức, đồng thời dành cho mỗi sự kiện một mức độ quan trọng ngang nhau về mặt diễn đạt. Ông ghi lại những mốc thời gian như: những năm tháng học tập tại Pinang, ngày mất của mẹ, ngày cưới của ông, ngày sinh của các con, hôn lễ của các con gái, những lần xuất phát hoặc trở về từ các nhiệm vụ hay sứ mệnh ngoại giao, những huân chương được trao tặng, cũng như những sự kiện quan trọng trong lịch sử thế giới xảy ra trong khoảng thời gian đó—chẳng hạn như tuyên bố chiến tranh giữa Pháp và Phổ vào ngày 19 tháng 7 năm 1870, hay sự kiện thành lập Đệ Tam Cộng hòa Pháp vào ngày 4 tháng 9…

Và đây là một số câu tôi đã trích từ phần mở đầu của bản ghi chép về những sự kiện trong đời Pétrus Ký—trang đầu tiên của bản thảo này, vốn đã được sao chụp nguyên bản trong một số của Extrême-Asie, tháng 12 năm 1925⁽²²⁾.

Tài liệu được Nguyễn Tiến Lãng nhắc đến trong trích dẫn trên đây được đăng trong kỳ thứ hai của loạt bài bốn kỳ “Un Érudit Cochinchinois – Pétrus J. B. Trương Vĩnh Ký” (không ghi tên tác giả) trên nguyệt san Extrême-Asie số 14 (12/1925)⁽²³⁾. Theo bài đăng ở kỳ hai, sau cái chết của con trai thứ tám Trương Vĩnh Tiên vừa sinh chưa đầy tháng, Petrus Ký đã cố gắng tìm quên trong công việc:

Ông [Trương Vĩnh Ký] lao vào công việc với tất cả sức lực, vì chỉ có công việc mới có thể làm vơi đi nỗi buồn vô hạn: ngày 17 tháng 5 năm 1883, ông nhận được danh hiệu hàn lâm học sĩ, phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực to lớn và kiến thức uyên thâm, là sự công nhận của nước Pháp đối với những tác phẩm mà ông đã cống hiến cho đất nước này.

Người châu Âu chiếm Sơn Tây và Bắc Ninh vào ngày 12 tháng 3 năm 1884, đúng vào ngày đứa con thứ chín của ông ra đời, Nicolas Trương Vĩnh Tống, người mà chúng ta có được tất cả những thông tin mà gia đình còn lưu giữ. Đó cũng là những chi tiết duy nhất mà Pétrus Ký cung cấp về cuộc sống trong giai đoạn từ 1882 đến 1886 trong Ghi chép về những sự kiện của đời ông [Notes sur les événements de sa vie], ngoài những lần sinh nở và hôn lễ diễn ra liên tục trong gia đình ông vào thời điểm đó⁽²⁴⁾.

Kèm theo những ghi chép về sự kiện và tâm trạng được trích dẫn, bài báo còn cung cấp ảnh chụp hai trang tư liệu thủ bút của Trương Vĩnh Ký, mà theo Nguyễn Tiến Lãng, đấy là những trang đầu của tập tư liệu.  Nội dung của hai trang này gần như trùng khớp với “lá thư của ông Pétrus Ký viết cho con cháu để dạy cách sống trên đời”⁽²⁵⁾ viết ở Sài Gòn, đề ngày 23 tháng 7 năm 1872 hiện đang lưu truyền phổ biến (mà xuất xứ, tiếc thay, chưa thật rõ ràng).  Thực ra, tài liệu đăng trên Extrême-Asie có lời kết rất khác, và được viết vào “Năm Canh ngũ [ngọ] tháng 10 ngày mồng 10 (le 3
novembre 1870),” sớm hơn bức thư vừa nêu đến gần hai năm⁽²⁷⁾.   

Năm 1943, Lê Thanh (1912-1944) từ Bắc vào Nam, “có đến tận quê hương ông Trương Vĩnh Ký, xem những gia thư của ông và trích lục”, soạn thành sách Trương Vĩnh Ký biên khảo⁽²⁸⁾. Phần “Những sách báo đã tham khảo để viết tập này” trong sách có nhắc đến Trương Vĩnh Ký truyện (bằng thơ, chưa xuất bản – tài liệu gia đình)⁽²⁹⁾. Chính nhờ tài liệu này mà Lê Thanh cung cấp cho người đọc một số tình tiết tinh tế, bất ngờ với người đọc, ví như những miêu tả về khổ nạn mà Trương Vĩnh Ký, Cố Long cùng những vị linh mục khác đã từng trải⁽³⁰⁾. Lê Thanh xem tập bản thảo này là “nhật ký chép những sự xẩy ra trong đời” Trương Vĩnh Ký, và trích dẫn toàn văn hai trang mở đầu đã giới thiệu ở trên⁽³¹⁾. Viết về những ngày cuối đời của Pétrus Ký, Lê Thanh bộc bạch: “Tôi đã được đọc tập nhật ký của ông chép những việc về quãng đời này.  Không trang giấy nào là không mang dấu vết của cái nghèo, sự khổ tâm về hoàn cảnh, tật bệnh”⁽³²⁾. Từ tập “nhật ký”, Lê Thanh đọc được nỗi niềm của “một người tuy tuổi đã cao, sức đã kiệt nhưng còn muốn sống để làm nốt những công việc chưa làm xong”.   Theo Lê Thanh, khi ấy “tập nhật ký của Trương Vĩnh Ký còn gửi ở nhà kỷ niệm C.Q. [Chợ Quán]”⁽³⁴⁾.  

Hình dung “Nhật ký”

Những ghi chép trên đây đã khẳng định sự tồn tại của một bản thảo với thủ bút của Trương Vĩnh Ký về đời mình.  Trong ba thập niên, từ những năm 1920 cho đến đầu những năm 1940, tập bản thảo này đã được ông Trương Vĩnh Tống giới thiệu cho các nhà nghiên cứu như Dương Mạnh Huy, Nguyễn Tiến Lãng, và Jean Bouchot tham khảo trong quá trình phục dựng tiểu sử Trương Vĩnh Ký của họ.  Dường như do không có tựa đề ghi chính thức trên văn bản, nên các nhà nghiên cứu đã tuỳ theo cảm nhận của mình mà định danh cho nó bằng nhiều cách khác nhau, ví như “tập hành trạng nhựt ký” (Dương Mạnh Huy), “Ghi chú của J. B. Pétrus Trương Vĩnh Ký về những sự kiện trong đời ông” (Nguyễn Tiến Lãng), “Ghi chép về những sự kiện của đời ông” (Jean Bouchot), hay “Trương Vĩnh Ký truyện” (Lê Thanh).  Tập bản thảo tự thuật chuyện đời bằng thơ này đã có hai trang đầu đề ngày 3 tháng 11 năm 1870, được viết như lời giáo huấn cháu con phải sống sao cho đúng đạo làm người, “trai thì trung hiếu nắm giữ tam cương ngũ thường”, “gái thì lo giữ tam tòng tứ đức cho vẹn toàn tử tế”.  Theo đây, có thể đoán định rằng bản thảo này được khởi soạn năm 1870, thuật lại chuyện đời của Trương Vĩnh Ký từ thuở ấu thơ cho đến tận những ngày cuối đời.  Nhiều thập niên sau khi Pétrus Ký quá vãng, văn bản này được ông Trương Vĩnh Tống gìn giữ cẩn thận như “tài liệu gia đình” riêng tư, được bảo tồn ở nhà kỷ niệm Chợ Quán, và hầu như không có ý định xuất bản.  Dẫu thế, qua miêu tả của các học giả đã có dịp tìm hiểu tác phẩm này, sự phong phú của các sự kiện cùng với những tâm tư, tình cảm mà tác giả tự truyện đã gửi gắm trong đó đã khẳng định tầm quan trọng của nó: đây là một tài liệu quý hiếm, có thể giúp hậu thế hiểu hơn về Trương Vĩnh Ký như một con người, ở những góc độ đa dạng: gia đình, chính trị, văn hoá – xã hội, qua lời tự thuật của chính ông.  Cho đến nay, học giới trong và ngoài nước đã và đang tiếp tục tranh biện về Trương Vĩnh Ký, nhưng hầu như không một ai chú ý đến sự hiện diện của một tài liệu quan yếu đến thế.  Câu hỏi đặt ra là: bản tự truyện của Trương Vĩnh Ký hiện nay đang ở đâu, và chúng ta ngày nay liệu còn có cơ may tiếp cận những lời tâm can của ông hay không?     

Phần 2: Giũ bụi tìm về — Tự truyện Trương Vĩnh Ký   

Chú thích

1. Theo Trần Hữu Tá (2016). “Trương Vĩnh Ký: Người thầy, Nhà văn hoá lớn của dân tộc”, Công an Nhân dân, 3/1, truy cập https://shorturl.at/nJM8Q (30/1/2025).

2. Trên Lục tỉnh Tân văn số ra ngày 15 tháng 5 năm 1908 có bài “Hội quyên tiền dựng hình ông Đốc Ký”, kêu gọi: “Nay nhà nước đã cho phép, nên chúng tôi cúi xin đồng bào quảng cố kẻ ít người nhiều, đặng cho có một vị Annam được vinh quang thì càng ngày càng tấn bộ cho rạng danh Nam Việt (…) Ai cúng bao nhiêu thì bổn quán sẽ in vào trương phụ mà rao cho Lục châu biết rõ tên họ và số bạc đã phụng cúng.”  Xem chương “Vụ dựng tượng Trương Vĩnh Ký” trong Nguyễn Văn Trung (1993). Trương Vĩnh Ký (1837-1898) – Nhà văn hoá, Hà Nội: Nxb. Hội nhà văn, tr. 34-44.

3. Nhiều tác giả (2006). Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký,
Tp. Hồ Chí Minh: Tạp chí Xưa & Nay – Nxb. Văn hoá Sài Gòn, tr. 10.

4. Đặng Thúc Liêng (1927). Trương Vĩnh Ký hành trạng, Saigon: Xưa Nay.

5. Như trên, không số trang.

6. Theo niên giám thống kê Đông Dương, vào năm 1926, An Nam (Trung kỳ) có 5 triệu 6, Nam kỳ 4 triệu 1, và Bắc kỳ 7 triệu 4; truy cập: https://shorturl.at/atcrx (1/2/2025).  Cho đến năm 1945, tình trạng mù chữ trên cả nước rất cao, lên đến 95%; xem Jonathan London. “Education in Vietnam – Historical Roots, Recent Trends,” trong Jonathan London, chủ biên (2011). Education in Vietnam, Singapore Institute of Southeast Asian Studies, tr. 11.

7. “Comité d’érection de la statue Pétrus Ky – Procès-verbal de la séance du 9 octobre 1927”, La Tribune Indochinoise, 21/10/1927.

8. Chương trình kỷ niệm Trương Vĩnh Ký diễn ra trong nhiều ngày, bắt đầu với “một buổi hát đặc biệt” ở Nhà hát Tây tối thứ bảy (4/12/1937).  Lễ kỷ niệm ở Cái Mơn (Bến Tre) vào thứ hai 6/12/1937 khởi đầu với 21 tiếng súng chào, tiếp theo với cuộc “lễ rước vong linh cụ Pétrus Trương Vĩnh Ký do đức giám mục Dumortier”, khánh thành đài/bia kỷ niệm, và học sinh Bến Tre được nghỉ trong ngày này.  Sang ngày thứ ba 7/12, lễ kỷ niệm ở Chợ Quán cũng diễn ra với 21 phát súng chào với sự tham dự của nhiều vị chức sắc và đại diện gia đình.  Chương trình kỷ niệm kết thúc lúc 10 giờ tối cùng ngày, “đốt pháo tại miền đất sau trường Pétrus Trương Vĩnh Ký ở Chợ Quán”. Xem “Chương trình cuộc lễ kỷ niệm đệ bách châu niên sanh nhựt cụ Pétrus Ký”, Công luận, 3/12/1937.    

9. Xem Văn Lang (1937). “Cuộc hát long trọng tại nhà hát Tây đêm thứ bảy – Tuồng ông Trương Vĩnh Ký được vua Đồng Khánh tống tặng 9 vật báu được công chúng hoan nghinh nhiệt liệt” và “Nhơn cuộc lễ kỷ niệm bách châu niên của Tiên hiền Pétrus Trương Vĩnh Ký”, Công luận, ngày thứ hai 6/12.  Năm nhà “tai mắt” của Trung kỳ là Thượng thơ hồi hưu Hồ Đắc Hàm, Giáo sư Léon Richard, Thị lang Bộ Lại Hà Văn Ngoan, Hội trưởng Hội Khuyến học Huế Đào Văn Vy, và Hội viên Hội Khuyến học Nguyễn Học Sỹ.

10. Cao Thượng Thinh (1937). “Cái Mơn làm kỷ niệm ông P. Trương Vĩnh Ký rất long trọng”, Công luận, 7/12.

11. Jacques Lê Văn Đức: Doanh nhân và soạn giả các tuồng hát bội, cải lương; từng chu du qua nhiều nước và đăng du ký trên L’Écho
Annamite
, sau tập hợp lại thành sách, như  Tây hành lược ký (1923), Đông phương du lịch (1923), Du lịch ba ngày xe hơi (1925), Bên Xiêm (1926), Cách đi Tây (1931).  Xem thêm: Minh Châu (2022). “Điều ít biết về tour du lịch xuyên Việt đầu tiên do người Việt tổ chức”, ZNewsVN Tạp chí Tri thức, truy cập: https://shorturl.at/SAqic (31/1/2025).

12. Hồ Đắc Hàm (1879-1963): Thượng thư triều đình Huế; là một trong những học sinh khóa đầu tiên (1896) của trường Quốc học Huế thi đậu thành chung năm 1900.  Xem: Trần Phương Trà (2013). “Về bộ sách Quốc học Huế Xưa và Nay”, VOV, 31/8, truy cập: https://shorturl.at/1OIA9 (31/1/2025).

13. Nicolas Trương Vĩnh Tống (1884-1974): Con trai út của Trương Vĩnh Ký; từng giữ chức Tổng trưởng Ngoại giao Quốc gia Việt Nam dưới quyền Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm năm 1952.

14. Hội Uẩn hoa: Vào khoảng thập niên 1920, những người ước muốn xây dựng sân khấu kịch Việt Nam ở Hà Nội đã họp nhau lại, thành lập Hội Uẩn hoa “nhằm học tập, tạo dựng nên một nền văn học, nghệ thuật tân tiến”.  Xem Phạm Duy Khuê (2023). “Cùng trông lại một thời kịch nói”, Tạp chí điện tử Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, 21/7, truy cập: https://shorturl.at/mmSNW (31/1/2025); “À la société Uan-hoa”, L’Avenir du Tonkin, 27/5/1929.

15. “Lễ kỷ niệm ông Trương Vĩnh Ký ở Hà-nội do hội Uẩn-hoa tổ chức”, Công luận, 11/12/1937.

16. “L’Hommage à Pétrus Ký de S.E. Thái Văn Toản Ministre de l’Intérieur”, La Dépêche d’Indochine, 15/12/1937.

17. Huyền Mặc Đạo nhân là tiểu hiệu của Dương Mạnh Huy.  Theo “Thi viện”, Huyền Mặc Đạo nhân (1881-?) “là một vị túc nho lão thành, chưa rõ tên thật, người làng Ỷ La, tổng La Nội, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Xuất thân trong một gia đình nho học, ông học chữ Hán rất tinh thông, nhưng không dự khoá thi nào. Sau ông theo học quốc ngữ, rồi vào Sài Gòn từ năm 1926, sống bằng nghề báo và phiên dịch chữ Hán”; truy cập https://shorturl.at/cO37W (30/1/2025).

18. Dương Mạnh Huy (1927). Trương Công Thiệt lục (Truyện ông Trương Vĩnh Ký), Trương Vĩnh Tống xuất bản, Saigon: Imprimerie Bảo Tồn.

19. “Bì tướng” ở đây chỉ những sự việc nông cạn, trên bề mặt, ngoài da, ngoại biểu.

20. Như trên, tr. II.

21. “Một người tốt của nước Việt Nam,” Lục tỉnh Tân văn, từ ngày 5 tháng 7 đến 24 tháng 8 năm 1927. 

22. Nguyễn Tiến Lãng (1938). “Pétrus Trương Vĩnh Ký – Sage et Apotre”, La Patrie Annamite, 1/1.

23. “Un érudit cochinchinois – Pétrus J. B. Trương Vĩnh Ký (1837-1898)”, Extrême-Asie, Novembre 1925 (No. 13), 441-448; Décembre 1925 (No. 14), 477-483; Janvier 1926 (No. 1), 29-36; và Février 1926 (No. 2), 57-66.  Lưu ý rằng Jean Bouchot (1886-1932) có in Petrus Trương Vĩnh Ký – Érudit cochinchinois (1837-1898), Saigon: Impr. Commerciale C. Ardin.  Loạt bài 4 kỳ trên Extrême-Asie có đăng kèm nhiều ảnh tư liệu quan trọng liên quan đến Trương Vĩnh Ký và gia đình.

24. “Un Érudit Cochinchinois – Petrus J. B. Trương Vĩnh Ký”, Extrême-Asie số 14 (12/1925), tr. 480-481.

25. Winston Phan Đào Nguyên (2018). Petrus Key và Petrus Ký – Chuyện một lá thư mạo danh Trương Vĩnh Ký vào thế kỷ 19, Chương VII: “Hình thức lá thư Petrus Key”, truy cập: https://shorturl.at/c3og3 (2/2/2025).

26. “Nét bút và chữ ký của Cố Trương Vĩnh Ký”, truy cập: https://shorturl.at/BOHlC (2/2/2025).

27. Trong sách Trương Vĩnh Ký (1837-1898) – Nhà văn hoá (Hà Nội: Nxb. Hội nhà văn, 1993), Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã so sánh hai tài liệu và nhận xét: “Cũng trang bút tích như hình 11 [tức là tài liệu trên
Extrême-Asie, NN.], Bouchot chú thích là trang đầu bản thảo chép tay cuốn ‘Hồi ký’ của Trương Vĩnh Ký, nhưng có chi tiết khác (so với hình 11) là có phần thêm ở cuối” (tr. 61).

28. Lời Nguyễn Văn Tố viết ở bài “Tựa” trong Lê Thanh (1943). Trương Vĩnh Ký biên khảo, Phổ thông chuyên san, Hà Nội: Tân Dân, không số trang.

29. Như trên, tr. 8.

30. Như trên, tr. 15, 17.

31. Như trên, tr. 24-25.

32. Như trên, tr. 68.

33. Như trên, tr. 69.

34. Như trên, chú thích (1).

Bài liên quan

Bài đăng mới