
Kết hôn với bà Vương Thị Thơ (1839-1907) ngày 8 tháng 6 năm 1861, Trương Vĩnh Ký đã có một gia đình viên mãn với chín người con: con trai đầu là Jean Baptiste Trương Vĩnh Thế (1862-1918) và con trai út là Nicolas Trương Vĩnh Tống (1884-1974). Trương Vĩnh Tống thường được xem là người gìn giữ cả “một tủ sách di bút của tiên công [Trương Vĩnh Ký] bằng các thứ chữ Đông, Tây, thảy đều hơn sáu mươi bộ”⁽¹⁾. Năm 1958, trước khi cùng gia đình sang Pháp, Trương Vĩnh Tống đã hiến tặng kho tư liệu quý hiếm này cho Viện Khảo cổ (Sài Gòn). Theo “Bảng kê những giấy tờ do ông Trương Vĩnh Tống đã gửi tặng Viện Khảo cổ”⁽²⁾, bên cạnh bản thảo viết tay các tác phẩm chưa từng công bố, cùng với nhiều thư từ, văn thư giàu thông tin, cũng như những “tài liệu về gia đình và linh tinh”, còn có một tự liệu đặc biệt ở cuối danh sách (đánh số 39), được ghi là “Nhật ký của Trương Vĩnh Ký từ ngày 23-8-1898”, gồm “30 tờ giấy vở nhỏ (đã rách nhiều tờ)”⁽³⁾. Thông tin này cho thấy tập “hành trạng nhựt ký” từng được các học giả tham khảo trước đây rất tiếc đã được chuyển giao không nguyên vẹn. May mắn là phần đầu thất lạc của tập tư liệu này đã được chi trưởng nam J. B. Trương Vĩnh Thế của họ tộc Trương Vĩnh Ký lưu giữ khá tốt. Quá trình lưu giữ và tái phát hiện tư liệu quý này, cùng với phân tích về những giá trị lịch sử quan trọng của nó, sẽ được trình bày dưới đây.
Ngủ yên bên di ảnh
Là trưởng nam của Trương Vĩnh Ký, ông Trương Vĩnh Thế kết hôn với bà Agnès Trần Thị Ngọc (1862-1916) và có cả thảy mười mặt con; ông Trương Vĩnh Trường (1885-1952) là con trai thứ ba trong số đó. Ông bà Trương Vĩnh Trường và Maria Nguyễn Thị Long (1892-1958) có ái nữ là Catherine Trương Thị Đồ (1911-1951). Ái nữ của bà Catherine Trương là bà Monique Nguyễn Kim Hoa (1933-2022). Chính bà Monique Nguyễn là người đã gìn giữ tập bản thảo viết tay của Pétrus Ký, đặt trang trọng trong tủ kính cùng với di ảnh của ông suốt một thời gian dài.
vào những năm cuối đời, khoảng 2018, bà Nguyễn Kim Hoa sắp xếp lại gian tủ này và giao tập bản thảo lại cho các con lưu trữ. Con trai út của bà Hoa là ông Nguyễn Minh Tiến đã số hoá tập tư liệu và chuyển lại cho anh mình là ông Nguyễn Minh Tâm, cất giữ như kỷ vật của gia đình mà không có ý định công bố. Gần đây, nhờ Ts. Phạm Văn Luân (Đại học Văn hoá Tp. Hồ Chí Minh) và Gs. Shimizu Masaaki (Đại học Osaka, Nhật Bản) mà chúng tôi (Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đại học Fulbright Việt Nam) hân hạnh được kết nối với ông Nguyễn Minh Tâm, đồng thời được gia đình cho phép khảo cứu và giới thiệu tác phẩm quan trọng và quý hiếm này.

giữ tập bản thảo của Petrus Ký viết về cuộc đời mình tại tư gia ở đường Barbier (năm 1956 đổi thành Lý Trần Quán, nay là đường Thạch Thị Thanh).

Bản thảo được viết trên nhiều tệp giấy kẻ hàng, khổ vở học sinh 22x17cm, khâu chung lại thành một quyển. Được viết với nhiều màu mực, xanh – đen khác nhau, văn bản cho thấy tác giả đã biên soạn trong thời gian dài, trùng khớp với miêu tả đã trình bày ở phần “Có một bản thảo như thế” của loạt bài trước: tác phẩm được khởi soạn khoảng năm 1870, ghi chép suốt từ thuở bé thơ cho đến những năm cuối cuộc đời. Rìa trái các trang của tập sách đã có dấu xâm hại của thời gian, ố màu vàng nâu, và có vẻ như bị cháy sém nhẹ. Tác phẩm tự truyện/nhật ký này được được viết bằng thể lục bát, có thể ít nhiều đã là nguồn cảm hứng cho Dương Mạnh Huy soạn thảo Trương công Thiệt lục cũng bằng thể thơ đặc thù Việt Nam này.
Do mỗi trang có trung bình khoảng 12 cặp lục bát được đánh số cụ thể, tập sách rõ ràng đã bị mất khoảng bốn trang, vì trang đầu của văn bản hiện còn khởi đi với cặp lục bát 48, kể chuyện từ năm Trương Vĩnh Ký lên chín (1846). Bản văn này được chia làm ba phần như sau.
Phần Một từ lúc mới sinh cho đến năm Giáp thân (1884), khi Trương Vĩnh Ký đang dạy học ở Chợ Quán, vừa sinh con út Trương Vĩnh Tống, lại cũng là “nhằm ngày Tây lấy chính thành Bắc Ninh”. Tuy có số trang và số câu lục bát, việc đánh số có không ít sai sót. Chẳng hạn:
– Trang 71 (bắt đầu với cặp lục bát 790) bị đánh số nhầm lên thành 80, và cứ thế tiếp tục cho đến hết phần này, trang 105 (đúng ra là trang 96).
– Cặp lục bát số 854 bị đánh số nhầm thành 955, và cứ thế tiếp tục cho đến cặp số 1031 (đúng ra theo thứ tự là cặp 932);
– Cặp số 1032 (đúng ra là cặp 933) lại bị đánh số nhầm thành 1034, và cứ thế tiếp tục cho đến cặp số 1070 (đúng ra là cặp 969);
– Số 1071 bị đánh trùng cho cả 2 cặp lục bát liền nhau (tức là cặp 970 và 971 theo đúng thứ tự), kết quả là cứ thế đánh số tiếp từ cặp 1072 (cặp 972 theo thứ tự) cho đến cặp 1185 (cặp 1085 theo thứ tự).
Tóm lại, dù văn bản đánh số trang lên đến 105 với 1185 cặp lục bát, nhưng thực tế chỉ có 96 trang (kể cả 4 trang đầu bị mất), với 1085 cặp lục bát. Nếu cộng thêm hai trang thư giáo huấn con cháu (đã giới thiệu trong bài trước), phần này có tổng cộng 98 trang. Xét về mặt thể loại, có thể xem Phần Một này như một hồi ký, một cái nhìn hồi ức tinh tuyển về những sự kiện trọng đại, đáng nhớ, diễn ra trong 47 năm, hơn hai phần ba cuộc đời của Petrus Ký (từ 1837 đến 1884).
Trước khi đi vào Phần Hai có một trang “Tóm cương”, lược thuật “Sự tích trong thơ trước nầy: Từ khi sanh ra 1837 (Đinh dậu) tới năm Giáp thân 1884”. Đề mục chung cho phần hai là “1886 (Bính tuất) – Đi Kinh (Huế), đi Bắc với Toàn quyền Paul Bert”, tập trung vào những việc diễn ra từ tháng 3 năm 1886 – khi Paul Bert (1833-1886) sang nhậm chức Toàn quyền, cho đến tháng 5 năm 1886, kết lại với việc Trương Vĩnh Ký bất ngờ từ Huế về đến quê nhà trong Nam, “Ghé lên phố mới làm nay — Mẹ trẻ còn đó ai hay rằng về?” Khác với phần một, phần này không ghi số trang và đánh số các cặp lục bát; tuy vậy, thống kê cho thấy tổng cộng có 60 trang với 707 cặp lục bát. Dựa trên tính chất tường thuật từng ngày của nó, phần này có thể được gọi là “nhật ký”, ghi chép khá tường tận những cuộc gặp gỡ thường nhật giữa Trương Vĩnh Ký và các quan triều Nguyễn, cũng như các cuộc yết triều của ông với vua Đồng Khánh, hay hội ngộ với Paul Bert.
Phần Ba cũng bắt đầu với một trang “Cương sự tích”, nói rõ những gì đã kể trong phần trước “Thuật trong thơ trước nầy: (Từ 1886 Bính tuất cho tới tháng Mai 12/4 1886) – Đi ra kinh với Mr. Paul Bert (le 17 Mars tới 15 Mai) từ 1 Avril ở Kinh 1 tháng 15 ngày – rồi về Nam thăm nhà”. Phần này kể tiếp các vụ việc từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1886, khi Petrus Ký “ra kinh ra Bắc lần thứ 2”. Phần này khép lại với sự kiện Paul Bert yêu cầu Trương Vĩnh Ký theo giúp vua Đồng Khánh khi ấy đang phủ dụ phong trào Cần vương ở Quảng Bình, “Tôi xin phải hết tâm tình – Cần vương ái quốc xuất sinh ở đời”. Tương tự như phần hai ở trên, đây cũng có thể xem là một “nhật ký” tiếp nối, kể chuyện từng ngày với chi tiết khá cụ thể. Phần này cũng không đánh số trang và số các cặp lục bát, nhưng tổng cộng có 66 trang với 781 cặp lục bát. Ở cuối trang 66, có viết: “Tập thứ 2 sau sẽ nối kế đây”, nhưng rất tiếc, tập tư liệu chấm dứt ở đây mà không có phần nối tiếp. Thi thoảng, trong phần ba này có mấy chỗ ghi chép nhầm, ví như: Juin 1886 thành Juin 1888 (trang 13, 19, 21), hay Juillet 1886 thành Juillet 1888 (trang 33, 45, 49). Ngoại trừ khả năng viết sai do vô ý, cũng có thể nghĩ đến khả năng Trương Vĩnh Ký soạn phần này trong năm 1888, và do viết theo quán tính, ông đã vô tình tạo ra sai sót này?
Ngoài ba phần tự sự kể trên, văn bản còn có phần niên biểu (bảy trang), ghi lại các sự kiện quan trọng trong cuộc đời và trong gia đình Petrus Ký, chẳng hạn như việc ông vào học với cha Tám (1846), “lên Cao-mên” nhập học (1848), “đi học Pinang” (1852), “được tin mẹ chết” (1857), “ở Vĩnh Long lên Gia Định; Nguyên soái xin, Đức cha Ngãi (Lefèvre) đòi lên” (1859), “xin ra việc đời” (1860), hay “cưới vợ” (1861), cùng với nhiều sự kiện quan – hôn – tang – tế khác trong nhà. Đáng lưu ý là ở trang cuối của phần niên biểu tóm tắt này có bốn năm (1895, 1896, 1897 và 1898) viết bằng màu mực khác, để trống, không có sự kiện đi kèm. Do Trương Vĩnh Ký mất năm 1898, có thể đoán rằng bản niên biểu này đã được soạn và bổ sung trong thời gian, cho đến những năm cuối, thậm chí trước khi ông qua đời. Có lẽ, đây là phần được các học giả trước kia gọi là “Ghi chú của J. B. Pétrus Trương Vĩnh Ký về những sự kiện trong đời ông” (Nguyễn Tiến Lãng). Một tập bản thảo dầy dặn, giàu thông tin, và quan trọng như thế, đã ngủ yên bên di ảnh Petrus Trương Vĩnh Ký trong gian tủ kính qua nhiều thập niên, đến giờ mới được đánh thức để tỏ bày cùng công chúng đương đại.
Hồ sơ hiến tặng
Đến nay, một số nhà nghiên cứu đã ít nhiều nói đến “Trương Vĩnh Ký Di Cảo hay Tài liệu thủ bút còn lại của Trương Vĩnh Ký” đang lưu ở Thư viện Khoa học Xã hội Trung ương Hà Nội (nay là Viện Thông tin Khoa học Xã hội) và ở Thư viện Khoa học Xã hội Tp. Hồ Chí Minh⁽⁴⁾. Ở đây, chỉ tập trung vào bộ “Tài liệu Trương Vĩnh Ký” ở Thư viện Khoa học Xã hội Tp. HCM, do ông Trương Vĩnh Tống trao tặng.
Để hiểu được quyết định của ông Nicolas Trương Vĩnh Tống khi hiến tặng hồ sơ tư liệu cá nhân của Trương Vĩnh Ký cho Viện Khảo cổ, cần duyệt lại những tài liệu liên quan đến kế hoạch tổ chức ngày giỗ “Lục thập chu niên” (60 năm) của Petrus Ký (1 tháng 9 năm 1898-1958) hiện còn lưu trong bộ hồ sơ Trương Vĩnh Ký đang được bảo tồn tại Thư viện Khoa học Xã hội Tp. Hồ Chí Minh. Trong bức thư viết tay của ông Ph. Thuý (chưa rõ tiểu sử) gửi Viện Khảo cổ, ghi ngày 17 tháng 1 năm 1958, với nhiều đề xuất phong phú liên quan đến Nhà Kỷ niệm và tư liệu đang được lưu giữ, có đoạn viết: “Tôi đề nghị năm nay nên tổ chức rầm rộ lễ kỷ niệm Cụ”, và trong tháng 8 và 9 năm 1958, “có thể ra những đặc san để kỷ niệm Cụ, với những tranh ảnh về nhà bảo tàng, các văn thư, và vật kỷ niệm trình bày”.

Tán thành những đề nghị nêu trên, Viện Khảo cổ có công văn số 67/VKC/Btg đề ngày 28 tháng 1 năm 1958 gửi cụ Trương Vĩnh Tống, khi ấy là Phó Hội trưởng Hội Khảo cứu Đông Dương – Bảo tàng viện (Saigon), bày tỏ nguyện vọng “muốn tới thăm nhà Bảo tàng Cụ Cố tại đường Trần Hưng Đạo, để chiêm ngưỡng những di tích của một vị danh nhân nước nhà đến nay đã quá cố được 60 năm. Vậy tôi [Trương Bửu Lâm] rất mong Cụ hẹn cho một ngày vào giờ nào chúng tôi có thể tới thăm, và được Cụ hướng dẫn hoặc Cụ bảo một người nhà chỉ dẫn để giới thiệu những văn thư hoặc kỷ niệm khác do Cụ thân sinh để lại, thì chúng tôi lấy làm hân hạnh lắm.”
Trong công văn số 206/VKC/Btg đề ngày 31 tháng 3 năm 1958, của ông Trương Bửu Lâm, Giám đốc Viện Khảo cổ, kính gửi ông Giám đốc Nha Văn hoá về việc “Sửa soạn lễ kỷ niệm lục thập chu niên nhà văn hào Trương Vĩnh Ký”, ông Lâm viết:
Còn về phần Viện tôi, xin phụ trách về vấn đề trưng bày những đồ kỷ niệm về nhà văn hào Petrus Trương Vĩnh Ký. Viện tôi đã liên lạc với ông Trương Vĩnh Tống là con Cụ, để xét lại việc trưng bầy những bút tích và vật kỷ niệm của Cụ cho được khoa học và bổ ích hơn. Ông Tống cho biết Ông về nhà sẽ bàn bạc lại, để coi có thể tặng cho Viện Khảo cổ nhà bảo tàng riêng cùng những văn thư, để Chính phủ trông nom, khai thác và khỏi thất lạc. Sau khi Ông Tống xác định về việc này, Viện tôi sẽ tường trình lên Bộ và tư Quý Nha rõ.
Phúc đáp những đề nghị của Viện Khảo cổ, ông Trương Vĩnh Tống đã có thư hồi đáp. Lá thư đánh máy được lưu trong bộ hồ sơ Trương Vĩnh Ký tuy không có ngày cụ thể, nhưng ghi rõ là “tháng 7 năm 1958”. Dưới đây là toàn văn để tiện tham khảo:
(Trang 1) Saigon, ngày tháng 7 năm 1958
Kính gửi:
Ông Giám đốc Viện Khảo cổ Việt Nam
Saigon
Tại thủ đô Saigon, trong những nhà văn hào đã quá cố hiện nay chỉ có ông thân sinh tôi Trương Vĩnh Ký còn để lại nhiều bút tích cùng kỷ niệm khác trong một ngôi nhà tại Chợ Quán gần mộ, là nơi phòng văn cũ và nơi người đã qua đời ngày 1-9-1898 (đến nay vừa được 60 năm).
Theo những báo chí đã xuất bản nhất là trong năm 1937 là hồi kỷ niệm nhất bách chu niên ngày sinh nhật ông thân sinh tôi, nhân dân ngưỡng mộ đã nói nhiều đến những kỷ niệm của ông thân sinh tôi. Chính phủ đã lưu ý đến ngôi mộ và nhà kỷ niệm đó, nên đã cho vào danh sách “Cổ tích liệt hạng” [di tích đã được xếp hạng].

Song hiện nay đối với đô thành Saigon tráng lệ, thì tình trạng nhà kỷ niệm ấy không được khả quan lắm, những vật kỷ niệm chưa được trưng bày theo phương pháp mới về Bảo tàng học và những văn thư giấy tờ sắp xếp còn lộn xộn và chưa được khai thác, để in thêm những tài liệu hay tác phẩm chưa xuất bản.
Vậy chúng tôi e rằng sự bảo vệ nhà kỷ niệm đó không (trang 2) được xứng đáng so với những nhà kỷ niệm các văn sĩ ở các nước khác, và du khách hiếu cổ đến đó sẽ không được hài lòng về phương diện thẩm mỹ.
Vì những lý do nói trên, tôi xin cống hiến nhà kỷ niệm, những đồ vật trưng bày, tủ sách và những bút tích của ông thân sinh tôi, làm tài sản quốc gia, để viện khảo cổ phái người đến chỉnh đốn và gìn giữ nhà bảo tàng được chu tất hơn, và soạn các tác phẩm và giấy tờ để khai thác sẽ có lợi cho nền văn học hơn.
Vậy tôi kính xin Quý Viện trình lên Bộ Quốc gia Giáo dục và lên Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà quyết định. (…)
Rõ ràng, phía Viện Khảo cổ, cuối cùng, chỉ tiếp nhận được “tủ sách và những bút tích” từ ông Trương Vĩnh Tống và Gia đình. Được lưu trữ ở Viện Khảo cổ (nay là Thư viện Khoa học Xã hội) gần 70 năm (1958-2025), các tài liệu được viết bằng nhiều thứ tiếng (Việt, Hán, Latin, Pháp) trong bộ hồ sơ có tuổi đời trên dưới 130 năm đã trải qua thử thách khắc nghiệt của thời gian: dù được giữ gìn cẩn thận, chất lượng giấy có acid trên trăm năm trước đang trong quá trình tự huỷ tự nhiên, đổi màu, ố vàng, dòn và dễ vỡ vụn. Toàn bộ hồ sơ tư liệu cá nhân và bản thảo được xếp trong hai hộp giấy khổ lớn, ghi rõ: “Tài liệu Trương Vĩnh Ký”, hộp (1) “Từ số 1-39”, và hộp (2) “Từ số 40-46”.
Nhật ký văn xuôi
Trong hộp (1), có tập hồ sơ ghi số 39, với những thông tin sau: “Viện Khảo cổ – Nhật ký // Tiểu sử 39 – Tủ sách Trương Vĩnh Ký – Nhựt ký của Cụ Trương Vĩnh Ký (từ 23-8-1886 đến 1898)”. Một bức ảnh chân dung Trương Vĩnh Ký in trên giấy cứng được đính kèm một mẩu giấy với chú thích song ngữ Pháp-Việt: “Sổ nhựt ký của Nhà Văn hào Pétrus Trương Vĩnh Ký: Ngày 17 tháng 12 năm Kỷ sửu, tức là ngày 8.1.1889, nhà Văn hào đi ra Huế, vào yết kiến Vua Đồng Khánh…” / “Le Journal de l’écrivain Pétrus Trương Vĩnh Ký: Le Janvier 1889, l’écrivain se trouvant à Huế, vint présenter ses hommages à l’Empereur Đồng Khánh…”. Trang đầu tập nhật ký có chữ ký “P. Trương Vĩnh Ký”, bị một nhãn với mấy dòng chữ Latin (“Memento”), Việt (“Nhựt kí”), và Pháp-Việt (“Du 23 Août (24 tháng 7 – 2) 1886-1887”) dán chồng lên một phần. Dòng chữ ghi chú thời gian theo đúng phong cách của bản tự truyện/nhật ký bằng thơ: ngày Dương lịch được ghi kèm với ngày Âm lịch – nghĩa là “Từ 23 tháng Tám [Dương lịch] (24 tháng 7 [Âm lịch], 1886 – Tháng 2 [Âm-Dương lịch trùng tháng]), 1887”. Tuy vậy, thời gian ghi trên nhãn dán này không phản ánh đúng khung thời gian thực tế có trong văn bản: “Nhựt kí” không dừng lại ở tháng 2 năm 1887, mà mở ra đến tận năm cuối đời của Petrus Ký (1898). Ngoài ra, dù có tên là “Nhựt kí”, bản văn này ghi khá chi tiết một số ngày cụ thể, và bỏ qua nhiều ngày khác không chép. Chính vì vậy mà chỉ với 30 tờ, tập “Nhựt kí” đã bao quát đến 12 năm (1886-1898).
Tập “Nhựt kí” được viết trên cùng một loại giấy học trò – kẻ hàng, giống như đã thấy ở tập tự truyện/nhật ký đã phân tích trên đây. Như miêu tả trong bảng kê khai, một số tư liệu đã ở trong trạng thái không thật toàn hảo khi hiến tặng – “Nhựt ký của Cụ Trương Vĩnh Ký từ ngày 23-8-1886 đến 1898” gồm “30 tờ giấy vở nhỏ (đã rách nhiều tờ)”. Dù có đến khoảng 2/3 số tờ trong tư liệu này đã bị hư hao, phần còn lại (có thể đọc được) cung cấp cho người đọc nhiều thông tin quan trọng để hiểu Trương Vĩnh Ký như một con người trong bối cảnh lịch sử của ông. Những trang của tập “Nhựt kí” chép việc năm 1898 cho thấy một Petrus Ký miệt mài, tâm huyết với công việc ở cả những tháng năm cuối đời:
1898: Bệnh xem đã hết, mà còn yếu mà thôi. Trong mình cũng khoẻ hơn. Đôi khi cảm theo tiết trời. Lại cái chứng cũ là nóng trong lòng và hay uất bón trở đi trở lại, thỉnh thoảng lâu lâu lại có. Cho nên khi làm sách nhắc tích Đức thầy Vêrô giúp Cao hoàng phục nghiệp⁽⁵⁾, quốc ngữ và chữ Nhu [Nho]⁽⁶⁾ rồi mệt mới đi xuống cửa Cap St. Jacques [tức Vũng Tàu ngày nay] hóng gió 5, 6 bữa, có 2 vợ chồng phủ Bình ở Mỹ-tho khó ở cũng đi nữa. (…) Lúc gần khai trường dạy các quan, thì lại nhưng ra đi lên Châu-đốc ở chơi ba bốn bữa; lên đó cũng ở trọ tại ông Kinh là Lê V. Tú. (…) Đến mồng mười tháng Mars [tháng ba] khai trường. Một hai tuần đầu, vì là ban sơ còn mới lạ, nên phải giảng giải diên dẫn, nói cả giờ đồng hồ nên cũng có mệt. Mà khi phá ngu cho họ rồi thì dễ, mình bớt nói, bớt phải cắt nghĩa, cứ ra đề cho họ dịch ra trên bản [bảng], rồi mình sửa cho tinh, cho rành, cho chính tiếng, chính chữ mà thôi.
Mặc cho bệnh tật, khó khăn, Trương Vĩnh Ký đã tỏ ra khá lạc quan với việc soạn sách và dạy học – hai công việc mà ông đã kiên trì theo đuổi không ngưng nghỉ suốt cả đời. Bên cạnh tâm ý tích cực này, còn có một tâm trạng khác được phản ánh ở điều mục Mậu tuất 1898 trong tư liệu “nhật ký” (không ghi rõ nguồn), do Paul Schneider dịch và giới thiệu năm 1994 trên Les Carnets de l’exotisme: Question coloniale et écriture (Những ghi chép về điều lạ kỳ: Vấn đề thuộc địa và ghi ký):

(Phải) Một trang trong “Nhựt ký” đề năm 1898. Trương Vĩnh Ký mất ở Chợ Quán, lúc 4 giờ 30 phút chiều ngày 1 tháng 9 năm 1898, hưởng thọ 62 tuổi.
Lo âu, nợ nần, bệnh tật. Tuổi già đã đến, và cái chết đang cận kề. Là người theo chủ nghĩa hòa giải Pháp-Việt vì hoàn cảnh, là kẻ trung gian tự nguyện (bénévole) bị bắt buộc (obligé) [chỉnh sửa của tác giả] giữa hai dân tộc thù địch và hai nền văn hóa vốn đối lập căn bản, cuối cùng tôi bị cả hai bên ruồng bỏ. Học vấn có ích chi? Mọi tri thức sách vở có ích gì?
Nhà thơ vĩ đại của dân tộc ta, Nguyễn Du, đã viết trong một bài thơ bát cú bằng chữ Nho:
Toạ gia thôn tẩu đa nhàn sự,
Chỉ vị bình sinh bất độc thư.
(Người già trong làng ngồi thảnh thơi,
Bởi suốt đời chẳng đọc sách bao giờ.)
Vì sự học của con cái, tôi để lại cho chúng bài thơ này bằng chữ quốc ngữ:
Quanh quanh, quẩn quẩn lối đường quai,
Xô đẩy người vô giữa cuộc đời,
Học thức giữ tên con mọt sách,
Công danh rút lại cái quan tài.
Dạo hòn lũ kiến men chân bước,
Bò xối con sùng tắc lưỡi hoài.
Cuốn sổ bình sanh công với tội,
Tìm nơi thẩm phán để thừa khai.⁽⁷⁾
Thật đáng tiếc là khi giới thiệu đoạn văn dịch tiếng Pháp này, Schneider đã không ghi rõ nguồn tiếng Việt mà ông sử dụng. Trong khi chờ xác minh nguồn, tư liệu của Schneider có thể được dùng để tham khảo, đối chiếu, giúp làm sáng rõ những góc khác nhau trong cuộc đời Petrus Ký ở một mức độ nhất định.
Đọc để hiểu hơn
Với lai lịch rõ ràng, hai tập tư liệu trên giờ đã thức giấc, sau thời gian ngủ đông dài nhiều thập kỷ. Gộp lại cùng nhau, hai tập tự truyện/nhật ký bằng văn vần lục bát và văn xuôi cho phép phục dựng chân dung tự hoạ bằng ngôn từ của khá hoàn chỉnh, từ khi lên chín cho đến khi mất. Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (ĐH Fulbright Việt Nam) đang biên tập, chỉnh lý, khảo cứu để sớm giới thiệu các văn bản này đến công chúng. Các tự truyện/nhật ký của Trương Vĩnh Ký cần được đọc trong bối cảnh lịch sử của các sự kiện lịch sử đã diễn ra và được ghi lại trong các tư liệu này, và nên được đối chiếu với các sử liệu đã biết trong khi đọc. Khả năng soi chiếu lẫn nhau của các bản tự truyện/nhật ký và các nguồn sử liệu chắc chắn sẽ giúp công chúng thấy được sự đa diện của nhân vật lịch sử nhiều mâu thuẫn này. Các lý thuyết đương đại về quan hệ giữa tự truyện và lịch sử có thể được vận dụng để kiến lập những góc nhìn đa phương về Trương Vĩnh Ký như ông tự kể và như hậu thế kiến tạo và diễn giải. Với các nguồn tư liệu đa dạng đã được số hoá và chia sẻ rộng rãi như những dữ liệu mở của Gallica (Thư viện Quốc gia Pháp), hay các hội đoàn tư nhân (chẳng hạn như Hội Ái hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc châu), việc nghiên cứu Trương Vĩnh Ký chưa bao giờ thuận lợi như bây giờ, nhưng cũng không vì thế mà việc tìm hiểu ông bớt phần phức tạp, hay trở nên đơn giản, dễ dàng hơn.
Phần 1: Có một bản thảo như thế
CHÚ THÍCH:
1. (*) Nếu không có sự giúp đỡ quý báu của Gia đình ông Nguyễn Minh Tâm, sự hỗ tận tình của Thư viện Khoa học Xã hội Tp. Hồ Chí Minh (Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam bộ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), đặc biệt là sự hỗ trợ chu đáo của cô Giám đốc Thư viện Trịnh Thị Thuý Là, cùng với Tiến sĩ Trần Thị Bích Ngọc, tác giả sẽ không thể hoàn tất được bài viết này. Xin bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến Quý Gia đình, Quý cơ quan và Quý đồng nghiệp, thân hữu.
Dương Mạnh Huy (1927). Trương Công Thiệt lục (Truyện ông Trương Vĩnh Ký), Trương Vĩnh Tống xuất bản, Saigon: Imprimerie Bảo Tồn, tr. II.
2. Nay là Thư viện Khoa học Xã hội, trực thuộc Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam bộ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
3. Xem Nguyễn Văn Trung (1993). Trương Vĩnh Ký (1837-1898) – Nhà văn hoá, Hà Nội: Nxb. Hội nhà văn, tr. 92-99.
4. Đoàn Khoách (1999). “Trương Vĩnh Ký di cảo – hay Tài liệu thủ bút còn lại của Trương Vĩnh Ký”, Dòng Việt, số 7 (Mùa Đông năm 1999), tr. 349-370.
5. Tức sách Biên tích Đức thầy Vêrô giúp Đức Cao hoàng phục nghiệp, P. J. B. Trương Vĩnh Ký phụng thuật, Đức thầy Dépierre Giám mục dạy in ra, Cuốn nhứt, Saigon: Claude & Cie., Imprimerie, 1897.
6. Tập tài liệu in thạch bản nhan đề Manuscrits de P.J.B. Trương Vĩnh Ký pas encore édités [Bản thảo chưa biên tập của P.J.B. Trương Vĩnh Ký] 1896 – Chợ Quán – Nhân giang 仁江 南成泰八年 北光緒二年 丙申五月初五日降生一千八百九十六年 [Nam Thành Thái bát niên – Bắc Quang Tự nhị niên Bính thân ngũ nguyệt sơ ngũ nhật giáng sinh nhất thiên cửu thập lục niên (tức ngày 5 tháng 5 năm Bính thân, năm Dương lịch 1896)] có liệt kê sách Grammaire Chinoise en Annamite 漢字話基範 và Cours de littérature Chinoise 漢字話今古源流講集.
7. Nhà Việt Nam học mang hai dòng máu Pháp-Việt Paul Schneider (hay Xuân Phúc, 1912-1998) có dịch và in tư liệu “Le Journal de Petrus Ky (1837-1898)” trong Les Carnets de l’exotisme: Question coloniale et écriture, Alain Quella-Villéger, 01/07/1994, tr. 115-118. Trong tư liệu này, các điều mục “nhật ký” tháng 8 năm Mậu ngọ (tháng 9 năm 1858), Kỷ mùi (1859), Nhâm tuất (1862), Quý hợi (1863), Ất hợi (1875), Bính tuất (1886), và Mậu tuất (1898).