Khoảng đầu năm 1907, để hưởng ứng phong trào Duy Tân và Đông du ở miền Bắc và miền Trung do Phan Bội Châu khởi xướng; ở miền Nam, một phong trào cải cách có nội dung dân tộc dân chủ ra đời gọi là Minh Tân hội. Người đứng đầu là Trần Chánh Chiếu (1867-1919). Hội chú trọng chấn hưng nông, công, thương; vận động tẩy chay hàng hóa của Hoa kiều, Ấn kiều; Minh Tân hội đã tổ chức được nhiều cơ sở kinh doanh và sản xuất ở Sài Gòn, Gia Định và nhiều đô thị ở Nam kỳ. Hội cũng tổ chức quyên góp ủng hộ học sinh sang Nhật du học. Phong trào bị ngừng trệ sau khi Trần Chánh Chiếu bị thực dân bắt (1908), phong trào chuyển hướng sang hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, cho ra tủ sách “Trứ thơ viện” năm 1910.
Trong thời gian hoạt động, hội có sáng kiến dựng tượng danh nhân Trương Vĩnh Ký (1837-1898) thông qua việc quyên góp tiền của, đây là cuộc vận động xã hội lớn trong tất cả mọi giới ở thành thị và nông thôn, trên cơ sở khai thác một điểm mà mọi người dù xu hướng chính trị khác nhau đều nhất trí; coi ông Trương Vĩnh Ký là quân tử, hiền nhân, ông thầy đạo lý của Nam kỳ.
Bấy giờ, tất cả hoạt động của Trần Chánh Chiếu, của phong trào Minh Tân tuy mang danh nghĩa làm kinh tế, thương mại, nhưng thực ra chỉ nhằm che đậy những hoạt động chống Pháp như mượn các khách sạn làm nơi sinh hoạt, gặp gỡ các nhà làm chính trị, cất giấu và phổ biến tài liệu yêu nước gởi từ nước ngoài sang. Tất cả đều không qua mặt mật thám Pháp và cuối cùng họ bắt giữ Trần Chánh Chiếu. Việc bắt giữ này đã gây sửng sốt, bất mãn đặc biệt cho Jeantet, người đã bao che, biện minh cho ông trước những ngờ vực của mật thám.
Trở lại cuộc vận động dựng tượng Trương Vĩnh Ký của tổ chức yêu nước này, trên báo Lục tỉnh Tân văn số 29 (4-1908) có bài viết như sau:
“Ông này sinh tiền tuy là nhà nước tin cậy mặc dù vậy chứ không hề ỷ thế mà hại quê hương, chỉ vẽ cho các quan Lang sa biết phong tục lễ nghĩa của người An Nam cho khỏi chỗ xích mích nhau, làm cho mẹ gà pahir thương con vịt. Đêm ngày lo nghĩ đặt sách này, dịch sách kia ra cho kẻ hậu sinh dễ học.
Thật là quan thầy của cả Nam kỳ.
Nay ông phủ Minh Tân nghĩ thương kẻ hiền ngõ hầu cậy các quan hợp nhau lập hội quyên tiền, đặng dựng hình ông mà dương danh hậu thế, thì chúng ta thảy thảy phải vui mừng, nên cũng kẻ ít người nhiều đặng giúp cho nên việc thì cũng đặng vinh hiển chung nhau.
Bổn quán cúi xin Lục châu quân tử quảng cổ mau mau trợ lực thì bổn quán đội ơn chẳng cùng” (Lục tỉnh Tân văn).
Cuối cùng, chính phủ thuộc địa cũng chấp thuận cho việc tiến hành dựng tượng nhà bác học này.
Nhưng sự việc không chỉ đơn giản như vậy, phải đợi đến… 20 năm sau, ngày 18-12-1927 thì tượng của ông mới chính thức được dựng tại Sài Gòn!
Điều đó được giải thích là sau khi bắt Trần Chánh Chiếu, thực dân Pháp không thể cho phép tiếp tục thực hiện việc dựng tượng vì chúng nghi ngờ Trương Vĩnh Ký bị những người chống Pháp lợi dụng. Ngoài ra, chính bản thân Trương Vĩnh Ký cũng bị một xu hướng trong giới cầm quyền từ P. Vial, người thay Paul Bert nghi ngờ, đã đưa đến việc Trương Vĩnh Ký bỏ hết mọi dính líu đến chính trị, và có thể giả thuyết sự nghi ngờ đó vẫn còn sau khi Trương Vĩnh Ký chết mới 10 năm. Phải đợi 20 năm sau (1927) người Pháp mới thay đổi lối nhìn, đánh giá Trương Vĩnh Ký như một người “có công” với nước Pháp. Việc quyết định dựng tượng năm 1927 là người Pháp muốn kéo Trương Vĩnh Ký về phía họ, như họ đã làm với nhiều người khác, kể cả Gia Long…
Năm 1937, tờ La Patrie Annamite ở Bắc kỳ có nêu lên một thắc mắc của một độc giả và tòa soạn tỏ ra tán đồng:
“Ai nấy đều biết Sài Gòn có dựng tượng tưởng nhớ Pétrus Ký, nhà thông thái làm vinh dự cho tất cả mọi người An Nam. Nhưng gần đây một người bạn của báo Patrie Annamite thường hay vào Nam đã đưa ra nhận xét sau đây về tượng Trương Vĩnh Ký:
“Tôi tự hỏi tại sao thay vì ghi dưới chân tượng những công trình đã được nhà bác học thực hiện, ngày sinh hay một tư tưởng nào mà ông chắt chiu; người ta lại chỉ khắc những phẩm hàm, chức tước không ăn nhằm gì đến tượng kỷ niệm cả”.
Chức hàm, phẩm tước là do người Pháp “trao” cho ông, chính vì thế đây là hàm ý chỉ trích, đả kích người Pháp trong ý đồ muốn lợi dụng uy tín của ông. Và mặc dù tượng Trương Vĩnh Ký do người Pháp giành lại sáng kiến từ tay người Việt Nam thực hiện, nhưng cuối cùng dân chúng cũng đã chấp nhận Trương Vĩnh Ký có tượng dựng ở trung tâm thành phố, và vào tháng 8-1945, trong cao trào Cách mạng tháng Tám, dân chúng xuống đường biểu tình giật đổ các tượng người Pháp, nhưng lại không đụng tới tượng Pétrus Ký, mặc dù tượng đó ở ngay chỗ nhân dân tập trung biểu tình.
Năm 2002, nhân buổi tọa đàm khoa học “Trương Vĩnh Ký với văn hóa” tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư Trần Văn Giàu đã có ý kiến bên lề tọa đàm: Tôi bấy giờ, là Xứ ủy Nam kỳ đã ta lệnh đồng bào Sài Gòn trong cuộc biểu tình sau Cách mạng tháng Tám là phải đập bỏ tất cả tượng của người Pháp đổ xuống sông Sài Gòn, riêng tượng Trương Vĩnh Ký thì để lại…
Nhà báo Đặng Thúc Liêng của tờ Lục tỉnh Tân văn trong lời tựa cuốn Trương Vĩnh Ký hành trạng (nhà in Xưa nay, Nguyễn Háo Vĩnh, Sài Gòn, 1927) đã viết:
“Trương Vĩnh Ký là một vị tân quân tử thật của nước Việt Nam ta, ai ai cũng đều biết cả. Chúng ta muốn dựng tượng hình quân tử, thời nên đọc truyện quân tử mới trọn tình cảm mộ, được bắt chước theo quân tử hành vi mà sửa nhân cách cho hoàn toàn thời xã hội ta ngày nay biết bao nhiêu là hạnh phúc”.
Cuối cùng xin được ghi lại đây ý kiến của Gs. Nguyễn Văn Trung, một người đã có hơn 20 năm nghiên cứu về văn hóa, văn học Việt Nam:
“Chính sách người Pháp kéo về hàng ngũ của họ những người như Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản và các vua quan triều Nguyễn, kể cả Gia Long, qua các sách sử ký dạy ở trường học, hay qua việc dựng tượng, đặt tên đường, tên trường và tổ chức long trọng các ngày kỷ niệm, ngày sinh, ngày mất… và vì thế,chúng tôi đã kết luận: nếu chúng ta tiếp tục chống những người trên, tức là vẫn mắc mưu thực dân, bị chính sách thực dân đầu độc bằng sách vở, mặc dù chế độ thực dân không còn nữa.
Vậy ngày nay, có nên giành lại Trương Vĩnh Ký về phía Việt Nam không, như các nhà yêu nước đầu thế kỷ đã làm? Một cách cụ thể, dựng lại tượng Trương Vĩnh Ký và nhất là phục hồi tư cách, sự nghiệp của ông trong tâm tư con cháu chúng ta”. (Trương Vĩnh Ký, cuộc đời sự nghiệp… , Sđd, tr. 49).
Thiết tưởng, suy nghĩ của Gs. Nguyễn Văn Trung cũng là nguyện vọng của đa số nhân dân, nhất là tại vùng đất Bến Tre quê hương ông. Vừa qua, chính quyền huyện Chợ Lách và tỉnh Bến Tre đã quyết định đặt tượng Trương Vĩnh Ký tại ngôi trường mang tên ông tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, đúng như mong muốn của người dân địa phương tại vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi đã sản sinh ra một người con ưu tú, uyên bác và tài năng, đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp văn hóa nước nhà.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Văn Trung, Trương Vĩnh Ký, con người và sự nghiệp, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội,1993.
- Vương Hồng Sển, Hơn nửa đời hư, Nxb TP. HCM, 1994.