Trong các công thần của triều Nguyễn, chưa có một nhân vật nào lại bị Quốc sử quán triều Nguyễn bỏ quên như Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên. Các bộ sử chính thống do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn viết hết sức sơ sài về ông. Sử gia Ngô Giáp Đậu với tác phẩm để đời là Hoàng Việt long hưng chí kể chuyện chi tiết về quá trình phục quốc của vua Gia Long cũng chỉ có hai dòng thật ngắn về ông. Chính vì vậy đã làm cho các nhà nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn khi tìm hiểu về ông. Từ thực tế đó, chúng tôi xin phác họa một vài chi tiết về thân thế và sự nghiệp của Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên qua các nguồn tài liệu còn sót lại.
1. Xuất thân của Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên
Theo lời kể của dòng họ Nguyễn Hầu tại xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, cho biết thì Nguyễn Văn Tuyên tên thật là Phan Văn Tuyên. Do ông sớm theo Nguyễn Vương Phúc Ánh đánh giặc và lập được nhiều công lao hạng mã cho triều đình nên được vua Gia Long ban cho quốc tính (tức cho theo họ nhà vua). Vì vậy mà ông mới được sử sách của Quốc sử quán triều Nguyễn gọi là Nguyễn Văn Tuyên⁽¹⁾. Ông sinh năm Quý Mùi (1763), nguyên quán làng Kiêm Toàn, huyện Phú Xuân, tỉnh Thừa Thiên. Thân phụ ông tên Phan Văn Hậu, còn thân mẫu ông là Võ Thị Đức. Ông sinh ra trong thời buổi loạn lạc bởi chiến tranh giữa hai họ Trịnh – Nguyễn và cuộc nổi dậy của anh em Tây Sơn chống lại các chúa Nguyễn nên cha mẹ ông buộc lòng phải rời bỏ “nơi chôn nhau cắt rốn” vào Nam lập nghiệp. Lúc đầu, gia đình ông sinh sống ở Gia Định, sau một thời gian, cả nhà chuyển về định cư ở vùng Sa Đéc, rồi Tòng Sơn, thuộc thôn Mỹ An, phủ Tân Thành, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang (ngày nay là xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp)⁽²⁾.

Vốn xuất thân trong một gia đình nông dân, từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Tuyên đã biết phụ giúp cha mẹ làm ruộng để mưu sinh. Nhờ vậy mà thân hình ông trở nên cường tráng, mạnh khỏe, cộng với tánh tình bộc trực, nghĩa hiệp, trọng đạo nghĩa, lại biết võ nghệ⁽³⁾,… nên ông được thanh niên trong làng kính nể. Trước cảnh chiến tranh loạn lạc giữa triều Tây Sơn với lực lượng Nguyễn Ánh, ông đã sớm có chí theo nghiệp binh gia để tạo lập công danh cho bản thân, gia đình và dòng họ. vì tổ tiên ông là người ở làng Kiêm Toàn, huyện Phú Xuân, tỉnh Thừa Thiên, cho nên chịu ơn các chúa Nguyễn tạo dựng vùng đất phương Nam, chăm lo phát triển kinh tế, thành lập làng, ấp cho nhân dân, do vậy mà ông đã chọn lực lượng của Nguyễn Vương Phúc Ánh để đầu quân khi mới 25 tuổi⁽⁴⁾.
Trải qua nhiều trận chiến quyết liệt đánh lại Tây Sơn và lập được nhiều chiến công vang dội, ông được vua Gia Long, rồi sau đó là vua Minh Mạng thăng dần lên các chức vụ như: Phó Vệ úy vệ Hổ Uy quân Thần Sách; Vệ úy vệ Kinh Uy doanh Tiền quân; Vệ úy vệ Chấn Bảo nhất quân Chấn Vũ Khâm sai Chưởng cơ; Vệ úy Hữu Bảo nhất Hữu quân; Phó Đổng lý đào sông Vĩnh Tế; Trấn thủ Định Tường và Vĩnh Thanh; Thống chế coi biền binh thành Gia Định; quyền nhiếp Tổng trấn vụ thành Gia Định và Bảo hộ Chân Lạp quốc ấn, đóng giữ đồn Chu Đốc, kiêm lĩnh việc biên giới Hà Tiên⁽⁵⁾.
Trước những đóng góp của ông cho sự nghiệp chấn hưng triều Nguyễn, năm Minh Mạng thứ 5 (1824), ngày mồng 9 tháng 3, vua liền ban chiếu truy tặng cho thân mẫu ông là bà Võ Thị Đức mỹ hiệu Thục nhân. Đến ngày 25 tháng 6, năm Minh Mạng thứ 9 (1828), vua lại tiếp tục truy phong cho thân phụ của ông là ông Phan Văn Hậu chức Khinh xa Đô úy, Thần Sách Vệ úy Nguyễn Hầu. Việc truy tặng này của vua Minh Mạng cho thấy vua thấu hiểu được tấm lòng hiếu thảo của ông, đồng thời, còn muốn ngụ ý bảo ông hết lòng trung thành với triều đình, đem hết tài năng của mình ra giúp vua bảo vệ giang sơn, bờ cõi của đất nước. Với những ân điển đó, ông đã làm tròn chức trách, nhiệm vụ mà triều đình giao phó. Những chỗ ông kinh qua làm việc đều bình an, không có giặc giã, trộm cướp. Đời sống nhân dân an lành, sung túc. Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông lâm trọng bệnh rồi mất tại Châu Đốc khi mới 68 tuổi. Để ghi nhớ công lao và những đóng góp của ông cho sự nghiệp khai mở triều Nguyễn, vua Minh Mạng ban chiếu sắc phong cho ông tước Tuyên Trung hầu và cấp tiền cho vợ, con của ông xây lăng mộ để thờ phụng tại Tòng Sơn, thôn Mỹ An, phủ Tân Thành, huyện Vĩnh An, tỉnh An Giang (ngày nay là xã Mỹ An Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Song song đó, vua Minh Mạng còn cho hai con trai của ông tên là Cửu được hưởng tập ấm làm quan Phó Lãnh binh ở Hải Tây và con thứ là Trinh làm Ngoại ủy Cai cơ Trung dũng để tiếp nối sự nghiệp bảo vệ quê hương đất nước của ông.
2. Sự nghiệp anh hùng của Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên
Theo ghi chép của Đại Nam nhất thống chí thì sự
nghiệp đánh giặc oai hùng của Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên như sau: “Nguyễn Văn Tuyên… đầu đời trung hưng theo quân đi đánh giặc, lập nhiều chiến công, làm đến Vệ úy Vệ Hữu Bảo quân Chấn Võ, theo Lê Văn Duyệt đi đánh ác man ở Quảng Ngãi, lại đem quân vào đào sông Vĩnh Tế, sau ra làm Trấn thủ hai tỉnh Định Tường và Vĩnh Thanh, lại làm Án thủ Châu Đốc, bảo hộ nước Cao Miên”⁽⁶⁾.
Ngoài Đại Nam nhất thống chí còn có Đại Nam liệt truyện cho biết chi tiết hơn về sự nghiệp của Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên như sau: “Nguyễn Văn Tuyên… đầu năm Mậu Thân (1788) ra tòng quân đi đánh giặc, từng làm Phó Vệ úy vệ Hổ Uy quân Thần Sách, có tội phải cách chức, rồi lại khởi phục nguyên hàm theo quân đi đánh giặc, năm Tân Dậu thăng Vệ úy, bỗng thăng Vệ úy vệ Kinh Uy doanh Tiền quân. Gia Long năm thứ 11, thăng Vệ úy vệ Kiên Uy
doanh Tiền quân. Gia Long năm thứ 11, thăng Vệ úy vệ Chấn Bảo nhất quân Chấn Vũ Khâm sai Chưởng cơ. Năm thứ 15, kiêm quản Vệ úy Hữu Bảo nhất Hữu quân, đem quân hai vệ Hữu Bảo nhất, Hữu Bảo nhị theo Lê Văn Duyệt đi đánh ác man ở Quảng Ngãi, chém được hơn trăm đầu giặc, được thưởng 300 quan tiền. Mùa đông năm thứ 18, đào sông Vĩnh Tế, sung làm Phó Đổng lý. Minh Mạng năm thứ 3, theo chức cũ làm Trấn thủ Biên Hòa, vì có tang cha, xin từ chức, khi hết tang được điệu bổ Trấn thủ Định Tường. Mùa đông năm thứ 4, hội đồng với Thống chế Nguyễn Văn Thụy và Trần Công Lại trông coi việc đào sông Vĩnh Tế, rồi được triệu về kinh. Năm thứ 5, ra Trấn thủ Vĩnh Thanh, rồi bổ Thống chế coi biền binh thành Gia Định. Năm thứ 8, Tổng trấn Lê Văn Duyệt về kinh, quyền nhiếp Tổng trấn vụ. Năm thứ 9, Duyệt trở về, Tuyên lại sung chức như cũ. Năm thứ 10, Bảo hộ Chân Lạp quốc ấn, đóng giữ đồn Chu Đốc. Kiêm lĩnh việc biên giới Hà Tiên. Năm thứ 11 ốm chết, 68 tuổi”⁽⁷⁾.
Trong khi đó, Đại Nam thực lục – một công trình đồ sộ và quy mô nhất của Quốc sử quán triều Nguyễn – cũng chỉ có vài đoạn nhắc về sự nghiệp oai hùng của Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên. Thực lục viết như sau: “Tháng 9, năm Đinh Tỵ (1797), Khâm sai Cai cơ thuộc nội Cai đội Nguyễn Văn Tuyên làm Phó Vệ úy vệ Hổ Oai”⁽⁸⁾. Năm Tân Dậu (1801), mùa hạ, tháng 4, Phó Vệ úy vệ Hổ Uy Hữu dinh là Nguyễn Văn Tuyên làm Vệ úy vệ Kiên Uy⁽⁹⁾. Lấy thuộc nội Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên kiêm quản vệ Chấn Bảo nhất⁽¹⁰⁾.
Bên cạnh Đại Nam thực lục còn có Quốc triều chánh biên toát yếu cũng của Quốc sử quán triều Nguyễn duy nhất chỉ có một câu nói về sự nghiệp của Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên. Quốc triều chánh biên toát yếu viết: “Tháng 6, Thống chế lãnh chức Bảo hộ Chân Lạp Nguyễn Văn Thụy mất, cho quan Thống chế Nguyễn Văn Tuyên lãnh ấn Bảo hộ Chân Lạp⁽¹¹⁾.
Sử gia Ngô Giáp Đậu với công trình để đời Hoàng Việt long hưng chí, kể rất chi tiết quá trình phục quốc của vua Gia Long cũng chỉ có hai câu để nói về sự nghiệp của Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên như sau: Năm Ất Hợi (1815), vua sai Nguyễn Văn Tuyên cai quản vệ binh Hữu Bảo⁽¹²⁾. Hữu quân Vệ úy Nguyễn Văn Tuyên đốc thúc binh dân nạo vét sông Vĩnh Tế⁽¹³⁾.
Từ những công trình đồ sộ trên cho chúng ta một vài câu hỏi: Tại sao các sử gia triều Nguyễn lại viết về sự
nghiệp của Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên vắn tắt quá? Cũng cùng là “tước hầu” như những nhân vật đương thời khác (Thư Ngọc hầu Nguyễn Văn Thư, Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại,…) nhưng phần sự nghiệp của Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên lại không rõ. Do đó, khi tìm hiểu sâu về ông, khiến cho chúng ta gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Tuy nhiên, dựa vào các tài liệu trên, có thể phác họa rằng: Nguyễn Văn Tuyên có một sự nghiệp đánh giặc rất oai hùng cùng với các tướng đương thời. Điều này được thể hiện ở chỗ: Ông đầu quân còn rất trẻ khi mới 25 tuổi (Mậu Thân, năm 1788). Từ năm 1788 đến 1802 là khoảng thời gian chiến tranh nổ ra quyết liệt giữa lực lượng Nguyễn Vương ở Gia Định đánh lại Tây Sơn.
Từ đó có thể dự đoán rằng: Ông có tham gia chiếm lại thành Gia Định về cho Nguyễn Vương Phúc Ánh để làm trung tâm quyền lực về kinh tế, chính trị, quân sự, đóng vai trò một kinh đô (tháng 9-1788), tham gia trận Thị Nại (năm 1792 và năm 1801); trận Quy Nhơn (các năm 1793, năm 1797 và năm 1799), đánh Bình Định (năm 1800), chiếm Phú Xuân (năm 1801) và tiến quân ra Bắc tiêu diệt Tây Sơn (năm 1802).
Để củng cố cho các giả thuyết này, chúng ta thấy rằng Đại Nam thực lục có nhắc: Tháng 9, năm Đinh Tỵ (1797), Khâm sai Cai cơ thuộc nội Cai đội Nguyễn Văn Tuyên làm Phó Vệ úy vệ Hổ Oai⁽¹⁴⁾ và năm Tân Dậu (1801), mùa hạ, tháng 4, Phó Vệ úy vệ Hổ Uy Hữu dinh là Nguyễn Văn Tuyên làm Vệ úy vệ Kiên Uy⁽¹⁵⁾. Trong hai năm 1797 và năm 1801 là năm diễn ra trận đánh Quy Nhơn lần thứ hai và trận đánh chiếm Phú Xuân. Vì vậy, khi phong Nguyễn Văn Tuyên làm Phó Vệ úy vệ Hổ Oai, rồi Vệ úy vệ Kiên Uy, chắc chắn ông có tham gia hai trận đánh trên.
Sau khi lật đổ triều Tây Sơn, Nguyễn Văn Tuyên tiếp tục phục vụ trong quân đội và được lòng tin của vua Gia Long, rồi Minh Mạng. Từ đó, ông được triều đình nhà Nguyễn tiếp tục trọng dụng, rồi bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ quan trọng khác. Từ khoảng thời gian này đã được Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép cụ thể, vì thế chúng ta không cần bàn lại.

3. Kết luận
Tuyên Trung Hầu Nguyễn Văn Tuyên là một nhân vật lịch sử có nhiều công trạng trong sự nghiệp tạo lập triều Nguyễn. Thế nhưng, công lao của ông lại bị Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép thất trách, khiến cho nhân vật này bị lu mờ so với các nhân vật có cùng “tước hầu” lúc bấy giờ. Cũng vì vậy, khi nghiên cứu, tìm hiểu về ông đã làm cho các nhà sử học gặp không ít khó khăn về các nguồn tài liệu. Nhận thấy rằng đây là một nhân vật lịch sử có nhiều đóng góp cho vùng đất Nam kỳ nói chung và hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang nói riêng trong công cuộc đào kênh, khai hoang, lập làng, lập ấp,… Vì vậy, chúng tôi kiến nghị Hội Sử học tỉnh Đồng Tháp và An Giang cần tiếp tục tìm thêm tư liệu để nghiên cứu về Tuyên Trung hầu Nguyễn Văn Tuyên trong thời gian tới.
Chú thích:
1. Nguyễn Văn Tuyên [https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_V%C4%83n_Tuy%C3%AAn_(t%C6%B0%E1%BB%9Bng)]
2. Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp (2009), Đồng Tháp đất và người, tập 2, Nxb Trẻ; trang 75.
3. Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp (2009), Đồng Tháp đất và người, tập 2, Nxb Trẻ; trang 80.
4. Nguyễn Văn Tuyên [https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_V%C4%83n_Tuy%C3%AAn_(t%C6%B0%E1%BB%9Bng)]
5. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, tập 2: Chính biên-Sơ tập, quyển 17, Người dịch: Đỗ Mộng Khương, Nxb Thuận Hóa, Huế, bản điện tử file word; trang 340-341.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 5, Người dịch: Phạm Trọng Điềm, Nxb Thuận Hóa, Huế, bản điện tử file pdf; trang 229.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, tập 2: Chính biên-Sơ tập, quyển 17, Người dịch: Đỗ Mộng Khương, Nxb Thuận Hóa, Huế, bản điện tử file word; trang 340-341.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 1, Thực lục về Duệ tông Hiếu định hoàng đế (thượng), Tổ Phiên dịch Viện Sử học, Người dịch: Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nxb Giáo dục, Hà Nội, bản điện tử file pdf; trang 323.
9. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 1, Thực lục về Duệ tông Hiếu định hoàng đế (thượng), Tổ Phiên dịch Viện Sử học, Người dịch: Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nxb Giáo dục, Hà Nội, bản điện tử file pdf; trang 398.
10. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 1, Thực lục về Duệ tông Hiếu định hoàng đế (thượng), Tổ Phiên dịch Viện Sử học, Người dịch: Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nxb Giáo dục, Hà Nội, bản điện tử file pdf; trang 741.
11. Quốc sử quán triều Nguyễn (1972), Quốc triều chánh biên toát yếu, Chủ biên: Cao Xuân Dục, Nxb Nhóm nghiên cứu Sử Địa Việt Nam; trang 76.
12. Ngô Giáp Đậu (1993), Hoàng Việt Long hưng chí, Nxb Văn học; trang 205.
13. Ngô Giáp Đậu (1993), Hoàng Việt Long hưng chí, Nxb Văn học; trang 210.
14. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 1, Thực lục về Duệ tông Hiếu định hoàng đế (thượng), Tổ Phiên dịch Viện Sử học, Người dịch: Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nxb Giáo dục, Hà Nội, bản điện tử file pdf; trang 323.
15. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, Tập 1, Thực lục về Duệ tông Hiếu định hoàng đế (thượng), Tổ Phiên dịch Viện Sử học, Người dịch: Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nxb Giáo dục, Hà Nội, bản điện tử file pdf; trang 398.
Tài liệu tham khảo
1. Ngô Giáp Đậu (1993), Hoàng Việt long hưng chí, Nxb. Văn học.
2. Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp (2009), Đồng Tháp đất và người, tập 2, Nxb. Trẻ.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn (1972), Quốc triều chánh biên toát yếu, Chủ biên: Cao Xuân Dục, Nxb. Nhóm Nghiên cứu Sử – Địa Việt Nam.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 1, Thực lục về Duệ Tông Hiếu Định Hoàng đế (thượng), Tổ Phiên dịch Viện Sử học dịch, Người dịch: Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, bản điện tử (file pdf).
5. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 5, Người dịch: Phạm Trọng Điềm, Nxb. Thuận Hóa, Huế, bản điện tử (file pdf).
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, tập 2: Chính biên – Sơ tập, quyển 17, Người dịch: Đỗ Mộng Khương, Nxb. Thuận Hóa, Huế, bản điện tử (file word).
7. Nguyễn Văn Tuyên [https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_V%C4%83n_Tuy%C3%AAn_(t%C6%B0%E1%BB%9Bng)]