Trong khoảng một thế kỷ nay, triều đại Tây Sơn được coi như một thiên “Anh Hùng Ca” của dân tộc. Tuy không phải ai ai cũng cùng một quan điểm nhưng đây là một giai đoạn khen nhiều, chê ít, có lẽ cũng là vì tự ái nên nhất loạt tung hô việc chống ngoại xâm, điển hình là chiến thắng đầu năm Kỷ Dậu mà kể từ sau trận Chi Lăng đời Minh thì trong suốt 350 năm chưa thấy võ công nào được lập lại. Tài liệu để soi sáng giai đoạn về thời kỳ cuối thế kỷ XVIII có một bất lợi lớn. Đó là rất khó kiếm tiên nguyên – primary sources – tức là tài liệu gốc liên quan đến thời kỳ này.Điều đó cũng dễ hiểu vì sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, đã có nhiều đợt hủy hoại giấy tờ, sổ sách liên quan đến ngụy triều nên việc “đãi cát tìm vàng” để nhìn lại một thời kỳ “tưởng rõ nhưng mờ” thật thiên nan vạn nan. Đây không phải là lúc để chúng ta than vãn hay oán trách vì gần như thông lệ, kẻ thắng luôn luôn là kẻ có thẩm quyền để chép sử, dù xưa hay nay, nước này hay nước khác. Tài liệu của chính người Việt có nhiều điểm đáng ngờ vì vấn đề nào cũng cần lật qua, lật lại để xem xét dưới nhiều góc cạnh, chỗ nào dùng được, chỗ nào không, nhất là phương pháp ghi chép của người xưa không tuân theo những qui tắc mà ngày nay tôn trọng.
Tài liệu triều Nguyễn Liệt truyện
Các bộ sử quan trọng nhất đều là sử khâm định (do triều đình ra lệnh soạn thảo) của triều Nguyễn. Đó là Đại Nam thực lục và Việt Sử thông giám cương mục nhưng chủ yếu viết về Tây Sơn thì chi tiết lại căn cứ vào bộ Đại Nam chính biên liệt truyện. Những bộ sử này được khởi công dưới triều vua Minh Mạng khi nước ta đổi tên từ Việt Nam sang Đại Nam tức là khoảng hơn 30 năm sau, còn Đại Nam chính biên liệt truyện Sơ Tập, quyển 30 nhan đề Ngụy Tây Liệt Truyện (Nguyễn Văn Nhạc, Nguyễn Văn Huệ, Nguyễn Quang Toản) thì còn soạn sau hơn nữa.

Trước đây, khi việc tìm kiếm tài liệu bên ngoài chưa phổ cập, Liệt truyện quyển 30 được coi bản gốc để những nhà nghiên cứu viết về đời Tây Sơn dùng làm cơ sở. Đầu thế kỷ thứ XX, một số tác giả mới tham khảo thêm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô Gia Văn Phái nhưng lại thêm bớt ít nhiều nên lịch sử đời Tây Sơn không còn là những nghiên cứu hàn lâm mà trở thành một cuốn tiểu thuyết được nhào nặn theo ý kiến từng người.
Tuy viết về Tây Sơn chỉ vài chục trang, riêng về Nguyễn Huệ trong Liệt truyện cũng chứa đựng đầy mâu thuẫn và sai lầm khi đối chiếu với những văn bản gốc nay tìm thấy trong văn khố nhà Thanh, cũng khác biệt với những di văn của các nhà nho đồng thời như Dụ Am văn tập, Bang Giao Hảo Thoại… nên nhiều chi tiết và sự việc phải xét lại, nhất là không ăn khớp với tên người tên đất và điển lệ thời đó. Sự thiếu am tường đưa đến những suy đoán, nhất là thêm bớt theo chủ kiến cá nhân đã tạo ra không chỉ một thời kỳ khuyết sử mà còn so le với toàn cảnh, toàn vùng.
Đấy là cách sưu tầm tài liệu và soạn sử đầu đời Nguyễn, lại tùy theo mức độ quan trọng của đề tài nên những gì viết về triều đại Tây Sơn cũng cần hết sức dè dặt. Thế nhưng vì tài liệu hiếm hoi, hiện nay sách viết tham khảo không nhiều, chép luôn cả những điều người ta tưởng tượng ra để phục vụ nhu cầu tôn vinh thần tượng.
Thực lục và Cương mục
Ngoài ra, sử viết về đời Tây Sơn cũng được trích từ các chi tiết chiến tranh còn chép trong Đại Nam thực lục và bộ sử đời Lê là Việt Sử thông giám cương mục. Một điều đáng để ý là tuy tài liệu rất phong phú nhưng cũng vẫn còn nhiều câu hỏi, nhất là giai đoạn Tiền Biên. Theo như sử của chính triều Nguyễn thì khi Tây Sơn chiếm được Phú Xuân, giấy tờ, sách vở cũng bị phá hủy rất nhiều. Mấy trăm năm triều các chúa Nguyễn hầu như không còn gì nên khi vua Gia Long lên ngôi, việc sưu tầm, thu nhặt gần như phải bắt đầu lại. Đời Minh Mạng, nhà vua cần tài liệu về thuở vua Gia Long bôn đào, ông phải yêu cầu các quan trước đây đã từng lưu lạc theo vua Thế Tổ bôn ba phải chép lại hành trạng để làm tài liệu viết sử. Từ khi vua Gia Long nay đây mai đó đến khi vua Minh Mạng lên ngôi thì việc cũng đã trên 20 năm, phần nhiều các tướng sĩ cũ đã qua đời. Thu thập tài liệu vì thế chắc không được bao nhiêu, sai sót không phải ít. Vả lại những gì nhớ lại để viết có gì chắc chắn, trung thực nên đến nay chỉ còn cuốn Lý Lịch sự vụ của Nguyễn Đức Xuyên nhưng cũng bị tàn khuyết một phần.
Tài liệu triều Lê
Nhiều nhà nho miền bắc cố gắng ghi chép lại những gì mắt thấy tai nghe trong giai đoạn rối ren khi quân Tây Sơn ra Thăng Long. Một số tham dự trực tiếp nên ghi nhận nhiều chi tiết cụ thể nhưng phần nhiều chỉ nghe qua lời đồn và không thể không bị chi phối bởi thiên kiến của họ. Chính vì thế khi đối chiếu tài liệu, những sai lệch khiến cho chúng ta không thể biết được rằng đâu là đúng, đâu là sai.
Tài liệu tương đối linh động và kỹ càng là bảy hồi đầu trong Hoàng Lê nhất thống chí mà người ta có nhiều lý do để tin rằng đây là chính văn của Ngô Thì Chí viết cuối đời Lê, là lúc tác giả còn sống và tình hình chưa đến nỗi căng thẳng lắm. Chính cái tên An Nam Nhất thống chí cũng cho thấy Ngô Thời Chí viết để xưng tụng bản triều chủ yếu viết về thời kỳ nhiễu nhương bắt đầu từ khi chúa Trịnh sủng ái Đặng Thị Huệ và kết thúc khi phủ chúa bị lật đổ, quân Tây Sơn giao trả quyền hành, đất đai cho nhà Lê. Vì thế nên có hai chữ “nhất thống” ý chỉ mọi quyền hành, đất đai đã qui về triều đình chứ không còn chia thành hai như thời chúa Trịnh tại quyền nữa. Nhất thống cũng là ý nghĩa mà vua Hiển Tông bố cáo ở cửa Đại Hưng sau khi Nguyễn Huệ dâng hộ tịch lên để tỏ việc trả lại cơ đồ chứ không có ý chiếm đoạt.
Tuy nhiên, mọi việc không ngừng lại ở đó dù Ngô Thời Chí qua đời năm 1788 là khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai. Sau đó bộ sách này được nhiều người viết tiếp nên không ai biết rõ nguyên bản như thế nào, chỉ có thể căn cứ vào những bản gồm bảy hồi đầu coi như chính tác giả viết, những bản dài hơn do người khác tục biên. Nếu đọc tiếp theo cho đến khi Tây Sơn diệt vong, thì ý nghĩa “nhất thống” không còn nguyên vẹn mà đã thành “thống nhất” tức giang sơn từ nam chí bắc qui về một mối và cũng không phải do nhà Lê làm được việc đó.
Đối chiếu những tác phẩm viết về cuối đời Lê, với khung cảnh mà rất ít tin tức được chứng kiến tận mắt, để bù đắp vào những gì không tường tận, nếu không do tin đồn thì cũng thường chép lại từ sách hay truyện của người khác. Những tường thuật về việc bên ngoài biên giới, những liên lạc bí mật giữa vua Lê và thân nhân ở Long Châu đều từ tài liệu ngoài chứ không phải là kinh nghiệm của chính tác giả.
Tài liệu của quần chúng
Một trong những chi tiết mới xuất hiện gần đây, tuy được khai thác nhiều nhưng lại là một chứng cớ bông bênh. Ấy là anh em Nguyễn Nhạc có gốc họ Hồ ở Nghệ An, tên cha nguyên gốc là Hồ Phi Phúc. Khi nổi dậy anh em Nguyễn Nhạc đổi sang họ Nguyễn để thu phục nhân tâm. Đến khi các nhà nghiên cứu văn học ở miền Bắc khai thác bộ gia phả nhà họ Hồ ở Quỳnh Đôi (là gia phả trong đó có nữ sĩ Hồ Xuân Hương) đã tìm ra một người có tên là Hồ Phi Phúc nên suy đoán rằng Hồ Phi Phúc đó chính là cha Nguyễn Nhạc. Việc suy đoán không kiểm chứng rồi trở thành khẳng định không dị nghị không thiếu gì trong các nghiên cứu về đời Tây Sơn, nhất là tác giả những khám phá này là người có tên tuổi trong giới học thuật.
Tìm hiểu sâu xa hơn, việc gán cho anh em Nguyễn Nhạc có gốc họ Hồ cũng không thấy một tài liệu Hán văn nào nói đến, trừ trích dẫn từ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim và một bản dịch Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô Tất Tố (không có nguyên tác). Vì chi tiết này không tìm được nguồn nên có lẽ chỉ là dã sử và Ngô Tất Tố cũng lại mượn từ VNSL chứ không phải từ trong bản gốc chữ Hán. Khi gán cho gốc họ Hồ ở Nghệ An, các nhà nghiên cứu lại kéo ngược lên đến tận Hồ Quí Ly, một triều đại ngắn ngủi khác ở đầu thế kỷ XV, nay được tôn vinh vì những cải cách quân sự và xã hội. Quá khứ thì lên 4 thế kỷ, tương lai lại nối đuôi thành một chuỗi rất dài, xuất hiện cái tên Nguyễn Huệ khi còn nhỏ vốn là Hồ Thơm và từ đó nảy ra vô số chi lưu hậu duệ của Nguyễn Huệ lưu lạc trong Nam, không khác gì những bộ bí sử Trung Hoa mà quần chúng hằng ưa thích.
Thế nhưng điều đáng nói là ngay trong vài trang vẫn được coi như chính sử của nhà Nguyễn cũng đầy rẫy những hư cấu nhưng trước đây không ai để ý (hay thấy mà lơ đi) vì không có gì để so sánh, nay càng lúc càng lộ ra như sỏi đá trồi lên sau cơn mưa. Từ Ngụy Tây trong Liệt truyện, vô số những sự việc được miêu tả khác hẳn với sự thực biến một giai đoạn lịch sử bình thường thành một chuỗi dài trí trá và lừa dối. Cái tâm lý Trạng Quỳnh chọi trâu ấy không phải chỉ hiện diện trong giới sử gia tài tử mà ngay cả những học giả tiếng tăm cũng lập lại tạo thành một nếp nhăn khó tẩy rửa.
Việc khôi phục những sự thật bị chôn vùi đòi hỏi nhiều công lao truy tầm tài liệu gốc, đối chiếu so sánh từng trường hợp. Tuy đời Tây Sơn thuộc về thế kỷ XVIII nhưng việc chép về triều đại này lại bắt đầu rất trễ. Nếu tính thời gian hoàn thành và được in ra, chúng ta thấy những câu truyện đó chỉ được hoàn tất vào đời Tự Đức và khắc bản đời Thành Thái, tính ra sau khi sự việc xảy ra gần 100 năm. Những tài liệu dân gian khác đều thuộc dạng sao chép viết tay và dĩ nhiên số người được biết đến càng ít hơn nữa, nhất là tài liệu liên quan đến Ngụy Triều vốn dĩ không ai muốn dây dưa.
Cũng vì quan điểm chính thống ngụy triều nên việc phổ biến tài liệu viết về Tây Sơn chỉ xuất hiện từ khoảng thập niên 1920 trong tạp chí Nam Phong sau khi các nhà nho trong nhóm biên tập sao chép được từ các gia đình thế phiệt ở miền bắc. Những tài liệu đó rất quí vì mang nhiều tính nguyên thủy hơn cả những bản mới xuất hiện sau này và cải chính được nhiều dị sử mà người ta thêm thắt. Chúng ta cũng loại trừ được nhiều sai lầm, bôi bác như bão kiến thỉnh an trong Bang Giao Hảo Thoại (trong Ngụy Tây Liệt Truyện ghi là lễ bão tất), việc đòi đất Bảy Châu Hưng Hóa (trong Liệt truyện ghi là đòi đất Lưỡng Quảng), việc cầu hôn công chúa nhà Thanh (Liệt Truyện chép là để chọc tức triều đình Trung Hoa) vốn là những biến cố cần nghiên cứu kỹ càng trên phương diện lịch sử.
Tài liệu Trung Hoa
Tài liệu của Trung Hoa liên quan đến Việt Nam rất nhiều, không thể nào biết hết được. Tuy nhiên riêng về cuối thế kỷ XVIII, các văn bản gốc còn tàng trữ trong Cố Cung Bác Vật Viện là đáng kể nhất, mặc dầu không ít những tài liệu đã được công bố từ thời Dân Quốc cho đến khi chạy sang Đài Loan. Những văn bản đó ở rải rác nhiều nơi với đủ loại tài liệu gốc như Cung Trung Đáng, Thượng Dụ Đáng, Tấu Triệp Đáng … của mọi triều vua nhà Thanh. Theo những nhà nghiên cứu, tài liệu trong cung qua những năm biến động sau khi nhà Thanh sụp đổ và thời kỳ quân phiệt, tài liệu và các đồ khí mãnh trong cung bị cướp phá nên mất mát nhiều, nhiều văn bản quí bị ăn cắp bán ngoài chợ. Việc hủy hoại tài liệu đó xảy ra nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều cấp độ … mà chính chúng ta cũng đã từng chứng kiến nên có thể hiểu được những gì chúng ta biết ngày nay chỉ là một phần nhỏ của lịch sử.
Tuy nhiên, vì thể chế, nguyên tắc, định lệ nhà Thanh nghiêm nhặt và chu đáo, nhiều văn bản mất ở chỗ này lại có thể tìm ra một bản sao ở nơi khác, khi thì chính ở tại một nha môn địa phương, khi thì trong một di cảo của một người đương thế nên nếu có công, nếu may mắn chúng ta vẫn phát hiện được một chi tiết lâu nay bị lãng quên hay lẩn khuất.
Cũng nhờ đọc được những tài liệu của Cố Cung nay được phổ biến trong sách vở, qua các web-sites hay do tư nhân, nhất là nhiều công trình biên khảo mang tính hàn lâm của các học giả được đào tạo rất cơ bản mà chúng ta tìm lại được rất nhiều sử liệu đã không còn tồn tại ngay trên đất nước mình.
Lẽ dĩ nhiên, tài liệu bên ngoài chỉ là một mặt được công bố, tiến trình khúc mắc nhiều khi còn tồn tại trong các tài liệu của chính mình nên cần phối hợp nhiều nguồn, nhiều bên để tìm được giải thích thỏa đáng.
Tài liệu nước ngoài
Giai đoạn cuối thế kỷ XVIII thì khu vực Đông Á nói chung và vùng bán đảo Đông Dương nói riêng đã có nhiều cơ hội tiếp xúc với bên ngoài. Những lãnh chúa và sứ quân thì mong mua được súng ống và vũ khí ngõ hầu củng cố thêm sức mạnh của mình. Cái tâm lý đem đất đổi súng tương đối phổ biến chứ không riêng một ai. Trong các vương quốc ở vùng Đông Nam Á hầu hết đều có tâm lý mua bán đó nếu cảm thấy có lợi cho mình, chẳng phải chỉ một ai riêng biệt. Những người bên ngoài đến Đông Nam Á đều ghi chép lại những gì mắt thấy tai nghe, đóng góp không nhỏ vào việc tìm hiểu thực trạng xã hội, kinh tế và cả chính trị thời kỳ đó mặc dầu không phải việc gì cũng đáng tin, nhất là những việc họ nghe được qua tin đồn mà giới hạn của ngôn ngữ, hiểu biết khiến khó có thể tìm ra được sự thực. Một điều đáng nói khác, tài liệu đi sau thường sao chép lại tài liệu có sẵn và thêm vào những điều mới chứ không phải là một bản thảo hoàn toàn nguyên thủy và bởi vì trước đây người ta chưa theo những nguyên tắc biên khảo như ngày nay nên việc truy tầm thường không mấy khi tìm được gốc tích. Do đó, tài liệu luôn luôn cần kiểm chứng để biết đâu là chi tiết đáng tin, đâu là ngụy tạo.
Tài liệu đáng kể nhất mà ngày nay chúng ta có thể dùng được là những điều ghi chép mắt thấy tai nghe của các nhà truyền giáo đang hoạt động trong khu vực. Tuy nhiên, hàng rào ngôn ngữ và nguồn tin tức cũng khiến cho sự kiện bị lệch lạc theo thiên kiến nhất là những việc mà họ chỉ nghe nói chứ không chứng kiến.
Những khác biệt nổi bật triều Tây Sơn đối phó ngoại xâm
Trước đây, các nhà nghiên cứu đều dựa theo một tâm điểm gần như bất biến. Đó là Tây Sơn chống Tàu nên mọi động thái đều được bẻ lái theo hướng đó. Mọi lập luận đều dựa trên một vài định hướng theo sử triều Nguyễn và người ra cho rằng mọi việc liên quan đến giao thiệp An Nam – Thanh chỉ là một “Trận Kỷ Dậu” kéo dài. Cũng với tâm điểm chống ngoại xâm nên ngoài Trung Hoa, các thế lực khác nếu có xung đột với triều đình Tây Sơn thì cũng được giải mã theo khía cạnh đó dù là người Tây phương hay Xiêm La, Nam Chưởng.
Cũng không tác giả nào đề cập đến những chuyển biến chính trị và ngoại giao theo thời gian. Sau khi kết thúc chuyến đi phô trương và hào nhoáng sang Trung Hoa – chuyến đi vô bổ đã cầm chân Nguyễn Huệ trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của miền bắc – chỉ trong hai năm ngắn ngủi Nguyễn Huệ đã liên tiếp phải đối phó với bên ngoài, không biết vì ông muốn phô trương võ công với nhà Thanh (như nhà Nguyễn đánh giá) hay chỉ vì trong những ngày tháng vắng nhà, các đối phương của ông đã chuyển mình một bước rất xa. Tuy lúc này đã yên với phương bắc nhưng triều đình Tây Sơn lại lậm vào cái văn hoá “phùng xoè” của nhà Thanh, bận rộn khá nhiều với lễ nghi phiền toái trong khi nhiều việc cấp bách lửa cháy lông mày bùng lên tứ phía.

Các văn quan có thể làm công việc trả lời thay ông vì họ đã quen với lối văn thù tạc nhưng đối phó với kẻ thù “tứ bề quật khởi” thì chính ông phải đảm trách. Dù là Nguyễn Nhạc ở sau lưng hay liên minh Bangkok-Gia Định-Phnom Penh đang ép vào yết hầu Nguyễn Huệ đều không bỏ cho ai được. Những trận mưa dầm và muỗi mòng rắn rết ở Bắc Lào khi đem quân đánh sang phía tây để giải tỏa áp lực đã khiến ông bị lam chướng và qua đời ở tuổi chưa đầy tứ tuần. Ngôi vua nay sang tay cho đứa con trai mới hơn mười tuổi. Vì đã tản quyền cho nhiều trung tâm hành chánh và quân sự ở Thăng Long, Nghệ An, Phú Xuân nên cái chết của Nguyễn Huệ không đưa tới những cuộc đảo chính cung đình nhưng thời kỳ huy hoàng cũ không còn nữa.
Biết mình không thể tiếp tục đối phó với nhiều kẻ thù cùng vây đánh nên triều đình Cảnh Thịnh đã gửi phái đoàn sang tìm cách giải hoà với Bangkok và cho người liên lạc với Gia Định xin ngưng chiến nhưng không thành công. Nguyễn Quang Toản cũng tìm cách bắt liên lạc với Tây phương hầu mong trang bị vũ khí mới nhưng chưa đạt được kết quả gì cụ thể, vẫn phải dựa vào lực lượng cướp biển Trung Hoa để đối phó với bên ngoài. Sau những trận thuỷ chiến khốc liệt, lực lượng thủy quân tan rã, không còn đủ sức bảo vệ cạnh sườn duyên hải dài hàng nghìn dặm nên triều đình Cảnh Thịnh lâm vào thế che đầu thì hở chân, che chân thì hở đầu. Lực lượng trên bộ nay tập trung vào một vài tòa thành trọng yếu nhưng không thể bảo vệ toàn bộ trận tuyến đưa đến việc bị cắt nhỏ thành nhiều mảnh, đầu đuôi không cứu ứng được nhau. Nguyễn Quang Toản chạy ra bắc đưa người sang cầu viện Trung Hoa. Nhà Thanh lúc đó đang suy yếu nên dục hoãn cầu mưu, chờ biến chuyển ở An Nam rồi tuỳ cơ mà nắm lấy kết quả nên sau cùng công nhận một nước Việt Nam thay cho An Nam, Cựu Nguyễn thay cho Tân Nguyễn (Tây Sơn).