Vài nét về bộ “Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ phụ biên”

Cao Tự Thanh

Tạp chí Xưa&Nay, số 354, tháng 4 năm 2010

Trong bài Nhận thức sử liệu trước đi đã trên Tạp chí Xưa và Nay, số 330, tháng 04-2009 tôi có nhắc tới hai bộ Đại Nam Thực lục Chính biên hiện có ở Thư viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tức Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ phụ biên chép lịch sử Việt Nam trong hai đời vua Thành Thái, Duy Tân và Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ thất kỷ chép lịch sử Việt Nam đời vua Khải Định[1]. Hai bộ sách này viết bằng chữ Hán nhưng chưa được phiên dịch nên ít người biết tới, bài này giới thiệu vài nét về Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ phụ biên.

Bộ sách này được chép tay rất sạch sẽ, chữ viết chân phương rõ ràng, tuy có một số chỗ lầm sót nhưng không đáng kể, mỗi trang có 7 dòng, ngoài những chú thích viết theo lối lưỡng cước thì số chữ trong mỗi dòng đều như nhau, từ 17 (những dòng bình thường) đến 20 chữ (những dòng có chữ viết đài), có thể nghĩ là bản mẫu dùng để chuẩn bị khắc in. Ngoài phần đầu (khi khắc in thường được gọi là quyển thủ), bộ sách được chia làm 29 quyển, 19 quyển chép về đời Thành Thái (1889 – 1907) và 10 quyển chép về đời Duy Tân (1907 – 1916). Sau đây xin giới thiệu phần đầu gồm Tờ tâu của Quốc sử quán về thể lệ biên soạn, Phàm lệ, Tổng mục, Bản khai chức danh các quan viên tham gia biên soạn bộ Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ phụ biên.

Tờ tâu của Quốc sử quán về thể lệ biên soạn

Ngày 6 tháng 11 năm Khải Định thứ 7 (1922) bọn thần là Tổng tài, Toản tu ở Quốc sử quán tâu:

Trộm nghĩ ông vua một đời ắt có Thực lục của một đời, Thực lục và sử chi tiết hay đại lược khác nhau nhưng phàm lệ là một. Thực lục về Liệt thánh triều ta mỗi triều đều thành một kỷ, từ Đệ nhất kỷ tới Đệ lục kỷ đã theo thứ tự kính cẩn biên soạn, hiện đều đã đóng in thành tập, đưa vào kho quốc sử. Vẫn phụng chiếu theo Phàm lệ viết sử các đời, phàm người làm vua ai có miếu hiệu thì soạn thành Chính biên, ai không có miếu hiệu thì không được làm thành một kỷ riêng mà phụ vào kỷ trước, gọi là Phụ biên. Năm Hàm Nghi thứ 1 (1884) kính cẩn biên soạn Thực lục Đệ tứ kỷ về Dực tông Anh hoàng đế, phụng chuẩn đưa Lãng quốc công[2] phụ vào cuối kỷ, gọi là Phế đế. Năm Thành Thái thứ 6 (1894) kính cẩn biên soạn Thực lục Đệ ngũ kỷ về Giản tông Nghị hoàng đế, phụng chuẩn chép Xuất đế phụ vào cuối kỷ, gọi là Hàm Nghi đế. Đó là Phàm lệ theo lời đình nghị nhất trí phụng chuẩn tuân hành, biên chép về đời Thành Thái, Duy Tân cũng đều như thế. Nay kính phụng Chính biên Đệ lục kỷ về Cảnh tông Thuần hoàng đế hoàn thành, xin chép nối hai đời Thành Thái, Duy Tân phụ vào cuối kỷ để đầy đủ năm tháng. Duy việc hai vua ấy so với việc Lãng quốc công xuất bôn vì quyền thần bức bách đều có khác nhau, thì thể lệ phần Phụ biên nên xưng hô thế nào (hoặc gọi là Phế đế hoặc gọi theo tước phong bị giáng), Quốc sử quán bọn thần không dám sơ suất, dám xin tâu lên để chờ định đoạt.

Phụng Châu phê: Chuẩn vẫn cho gọi là Phế đế, theo sự thật chép phụ vào cho phù hợp. Tới như tước phong là do trẫm nghĩ không thể không lấy ý ban ơn để an ủi, là muốn bày tỏ hết ý thương xót mà thôi. Kính đấy![3].

Thần Hồ Đắc Trung.

Thần Cao Xuân Tiếu.

* Phàm lệ

1. Phàm tất cả những điều có liên quan về chính sự chế độ có thân định thay đổi cùng những điều phải chép trong Phụ biên đều phỏng theo Chính biên mà chép, nếu là những điều bình thường mà Chính biên đã  chép trước thì nay lược đi trong phần Phụ biên, duy có chỗ nào khác mới chép, đại khái phép tắc ghi chép Phụ biên so với Chính biên có chỗ không hợp mà đồng.

2. Phần Phụ biên này chia theo năm hơi nhiều (Thành Thái 19 năm, Duy Tân 10 năm, tất cả 29 năm), đều theo năm chia thành quyển, nhưng lấy Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ thống thuộc để hợp thể tài mà tiện kê cứu.

3. Những chữ đế (vua) trong Phụ biên châm chước viết đài ở hàng thứ hai để phân biệt với chữ đế trong Chính biên, là tuân theo và chước lượng Phàm lệ đã được phê chuẩn.

4. Vâng chiểu theo dưới niên kỷ trong Đệ lục kỷ Chính biên chia ra chú năm bao nhiêu Tây lịch và niên hiệu nhà Thanh. Nay vì nước ta có quan hệ chặt chẽ với Đại Pháp bảo hộ mà không có liên quan gì với Trung Quốc, xin giữ phần chú thích về Tây lịch, còn phần chú về niên hiệu Trung Quốc thì bỏ đi. Đó đại khái là theo thời đổi lệ vậy.

5. Nếu gặp chữ tôn húy thì hoặc kính cẩn viết thiếu một nét hoặc bỏ trống một nửa để làm rõ sự thận trọng, còn địa danh thì theo tên hiện nay hoặc viết giảm nét, tới như tên người thì đều đổi thành chữ khác. Những chữ húy khác đã vâng lệnh bỏ lệ cấm thì đều viết thẳng.

* Tổng mục

Phụ biên về Phế đế Thành Thái

Từ tháng giêng năm Kỷ sửu Thành Thái thứ 1 (1889) đến tháng 7 năm Đinh mùi Thành Thái thứ 19 (1907) mỗi năm một quyển, tất cả 19 quyển (Tổng mục đính kèm quyển 1).

Phụ biên về Phế đế Duy Tân

Từ tháng 7 năm Đinh mùi Duy Tân thứ 1 (1907) đến tháng 3 năm Bính thìn Duy Tân thứ 10 (1916) mỗi năm một quyển, tất cả 10 quyển (trong đó Duy Tân năm thứ 1 là quyển 20).

* Bản khai chức danh các quan viên tham gia biên soạn Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ phụ biên

Vâng khai tên họ chức quan của các bề tôi

Nhóm thứ nhất:

Tổng tài:

Thái tử Thiếu bảo Đông các đại học sĩ lãnh Thượng thư bộ Lễ sung Cơ mật viện đại thần kiêm quản Khâm thiên giám Quốc tử giám, Khánh Mỹ tử, thần Hồ Đắc Trung.

Thái tử Thiếu bảo Hiệp tá đại học sĩ lãnh Thượng thư bộ Lễ sung Cơ mật viện đại thần kiêm quản Khâm thiên giám Quốc tử giám, Xuân Hòa nam, thần Võ Liêm.

Toản tu:

Thượng thư, thần Cao Xuân Tiếu

Tham tri, thần Nguyễn Văn Lý

Tham tri, thần Nguyễn Đình Tiến

Tuần phủ tạm sung thần, Ưng Bình.

Tuần phủ cải bổ, thần Tôn Thất Chử

Biên tu:

Thị độc, thần Cao Hoằng

Tạm phái:

Hàn lâm viện Thừa chỉ, thần Tôn Thất Vĩ

Hàn lâm viện Tu soạn, thần Nguyễn Xuân Vịnh

Đằng lục:

Hàn lâm viện Trước tác, thần Phan Ngọc Hoàn

Hàn lâm viện Tu soạn, thần Nguyễn Đình Đối

Hàn lâm viện Kiểm tịch, thần Phạm Xuân Chính

Hàn lâm viện Kiểm tịch, thần Nguyễn Đình Bân

Thu chưởng:

Hàn lâm viện Tu soạn, thần Trần Nhã Diễm

Nhóm thứ hai:

Kiêm quản:

Hiệp tá đại học sĩ lãnh Thượng thư bộ Giáo dục quốc dân kiêm sung Ngự tiền văn phòng Tổng lý đại thần sung Cơ mật viện đại thần, thần Phạm Quỳnh

Tổng tài:

Thượng thư, thần Lê Nhữ Lâm

Biên tu:

Hồng lô tự khanh, thần Hoàng Chu Tích

Khảo hiệu:

Hàn lâm viện Thị giảng, thần Nguyễn Gia Đổng

Đằng lục (thừa phái sung):

Hàn lâm viện Biên tu, thần Nguyễn Thước

Hàn lâm viện Kiểm tịch, thần Vũ Đình Cung

Thu chưởng (thừa phái sung):

Hàn lâm viện Kiểm tịch, thần Nguyễn Hiển Thạc

***

Chưa nói tới nội dung hứa hẹn nhiều thông tin hay lạ về lịch sử Việt Nam trong gần 30 năm từ 1889 đến 1916, chỉ riêng phần mở đầu trên đây của bộ Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ lục kỷ phụ biên cũng gợi cho người ta một cách nhìn khác hơn về triều Nguyễn dưới đời Khải Định. Lời Châu phê của (hay nhân danh) Khải Định nói trên là một ví dụ – tuy về chính trị thì lúc bấy giờ cái triều đình này chỉ còn là một con rối trong tay ngoại nhân nhưng trên phương diện văn hóa thì trong tất cả những hiểm nghèo của vị trí lịch sử hai mặt nói trên, nhiều cá nhân trong số vua quan ấy vẫn cố gắng gìn giữ những kỷ niệm về hai vị vua yêu nước Thành Thái và Duy Tân, tìm trong quá khứ nếu không phải một sự vinh quang thì ít ra cũng là một niềm an ủi. Hay nhìn từ khía cạnh học thuật, điều 4 trong Phàm lệ mặc dù viện dẫn lý do chính trị “có quan hệ chặt chẽ với Đại Pháp bảo hộ mà không có liên quan gì với Trung Quốc” để bỏ phần niên hiệu Trung Quốc đi vẫn thể hiện một quan niệm niên biểu vượt ra khỏi tập quán sử học truyền thống, quan niệm này tuy ít nhiều còn bị động nhưng chính phản ảnh một không gian khác của cả lịch sử lẫn sử học Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tất cả những điều nói trên cho phép người ta mong mỏi việc thay đổi nhận thức về triều Nguyễn của giới sử học quan phương Việt Nam sẽ được thể hiện một cách cụ thể hơn nữa, vì cách nay hai ba năm người ta vẫn thấy họ bận rộn với những công trình loại Lược sử Nam Bộ (!), trong khi bản sao ảnh của hai bộ sách quý hiếm nhưng không mấy đồ sộ này đã được đưa về Việt Nam từ 2003…


[1] Trong bài viết nói trên tôi theo lời nhà nghiên cứu Nguyễn Huệ Chi cách nay hơn 20 năm nên nhầm là Đại Nam Thực lục Chính biên Đệ thất kỷ Đệ bát kỷ, nhân đây xin đính chính và cáo lỗi với người đọc Tạp chí Xưa và Nay.

[2] Lãng quốc công: tức vua Hiệp Hòa.

[3] Đây là lời Châu phê của Khải Định trên tờ biểu theo thể thức Châu bản triều Nguyễn, được sao ra như một Chỉ dụ. Nguyên bản chép lại thể hiện theo nguyên bản tờ biểu, nên phần Chỉ dụ này lại được chép trước tên những người dâng biểu.

Bài liên quan

Bài đăng mới