Vai trò của Đinh Tiên Hoàng  trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước và phục hưng dân tộc sau hơn 1000 năm Bắc thuộc

PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học)

Tạp chí Xưa&Nay, số 570, tháng 12 năm 2024

Thế kỷ X là một cột mốc rất quan trọng của lịch sử Việt Nam. Đó là “Thế kỷ bản lề”, khép vĩnh viễn thời kỳ hơn 1000 năm Bắc thuộc (179 TCN – 905 SCN), và mở ra thời đại độc lập dân tộc lâu dài.

Thế kỷ X là thế kỷ xây dựng quốc gia Việt Nam – một quốc gia dân tộc và thống nhất.

Chúng ta đều biết sau hơn 10 thế kỷ bị chiếm đóng và đồng hóa, Việt Nam không biến thành một tỉnh của Trung Quốc như bao quốc gia dân tộc cổ đại đã từng tồn tại trên lãnh thổ Trung Quốc, mà trở thành một quốc gia dân tộc.

Quốc gia dân tộc Việt đã được tự tạo trong những cuộc nổi dậy và chiến tranh của người Việt chống Trung Quốc đô hộ.

Họ Khúc (905-930), họ Dương (931-937), còn giữ chức Tiết độ sứ, có nghĩa là chưa công khai tuyên bố nền độc lập, cố giữ thái độ hòa hoãn với đối phương để tranh thủ thời gian xây dựng chính quyền và lực lượng về mọi mặt.

Sau chiến thắng Bạch Đằng (938), đập tan mộng xâm lược trở lại của Nam Hán, Ngô Quyền tiến lên dựng Vương hiệu 王 號 tự khẳng định là một vương quốc độc lập.

Như vậy, thế kỷ X hiểu theo nghĩa bao quát, vừa là kết quả, vừa là nguồn gốc của quốc gia dân tộc Việt Nam, của Văn minh Việt Nam.

Vua Đinh Tiên Hoàng cho đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt vào năm Mậu Thìn (968)
(Mộc bản sách
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 1 mặt khắc 1)

Thế kỷ X đã đóng góp vào lịch sử Việt Nam mấy khẳng định sau:

  1. Khẳng định độc lập dân tộc
  2. Khẳng định thống nhất quốc gia
  3. Khẳng định Văn minh Đại Việt[i].

Quá trình khẳng định nền độc lập dân tộc đi suốt thế kỷ X và diễn ra chủ yếu ở giai đoạn từ Khúc Thừa Dụ đến Ngô Quyền.

Sau Ngô Quyền, khi nền độc lập đã được xác định vững chắc, thì nhiệm vụ thống nhất quốc gia được đưa lên hàng đầu, từ Đinh Tiên Hoàng đến nhà Tiền Lê.

Ở đây, theo chúng tôi: Cần khẳng định vị trí và vai trò to lớn của Đinh Tiên Hoàng trong sự nghiệp xây dựng một quốc gia thống nhất và tạo những tiền đề để xây dựng một nền văn hóa, văn minh Việt Nam.

Chúng ta đều biết, Ngô Q uyền (898-944), tuy đã xưng Vương hiệu, là sự khẳng định nền độc lập dân tộc về mặt chính trị, nhưng một quốc gia với đầy đủ: quốc danh, cương vực, niên hiệu, tiền tệ… và hệ thống chính quyền các cấp là chưa thật sự rõ ràng. Sức mạnh của chính quyền Trung ương Cổ Loa khi ấy, chủ yếu dựa vào uy tín, tài năng của Ngô Vương Quyền. Chính vì vậy, mà sau khi Ngô Quyền mất vào năm 944, Ngô Xương Xí, Ngô Xương Văn kế vị không đủ uy đức, nên không có khả năng thu phục các thủ lĩnh địa phương, quyền điều hành chính trị lại trở về tay các hào trưởng – Đó là hiện tượng “Cục diện 12 sứ quân”, kéo dài từ năm 945 đến năm 967.

Có thể nói, trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, vào thế kỷ X, Đinh Tiên Hoàng với “tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời…” (Lê Văn Hưu), đã thực sự có công phục hưng dân tộc sau hơn 1000 năm Bắc thuộc.

Dưới đây, chúng tôi xin trình bày khái quát công lao phục hưng dân tộc của Đinh Tiên Hoàng nhìn từ hai phương diện “Quản trị quốc gia” và “Quốc học” như sau:

I. Đóng góp của Đinh Tiên Hoàng trong công cuộc quản trị quốc gia, xây dựng một Nhà nước Văn minh

Chúng ta đều biết, dân tộc Việt Nam có mấy ngàn năm lịch sử, trong đó Nhà nước đã ra đời từ trước đây hơn 2000 năm. Nhà nước Văn Lang đời Hùng Vương với tư cách là một Nhà nước phôi thai ra đời vào khoảng thế kỷ VII TCN, tức là vào giai đoạn phát triển của nền Văn hóa Đông Sơn. Nhà nước Văn Lang ra đời trên cơ sở tập hợp 15 bộ lạc[ii], là một hình thức Nhà nước sơ khai, in đậm dấu ấn của chế độ bộ lạc – công xã, trên bước đường chuyển hóa từ xã hội nguyên thủy tan rã sang xã hội phân hóa giai cấp sơ kỳ.

Có thể nói trong tiến trình lịch sử hình thành Nhà nước dân tộc Việt Nam, phải đến thời Đinh Tiên Hoàng mới thực sự đặt được những nền móng vững chắc để xây dựng một Nhà nước Văn minh.

Giáo sư Nguyền Hồng Phong từng khẳng định: “Đóng góp lớn nữa của thế kỷ X là xây dựng một Nhà nước Văn minh. Một Nhà nước Văn minh là thế nào? Đó là một Nhà nước mà chức năng đã được phân chia do các tổ chức (thuộc thiết chế chính trị) đảm nhiệm”[iii]. Sau đó, căn cứ vào ý kiến của Enghen nhận định về chức năng của Nhà nước châu Á (trong đó có Việt Nam), Giáo sư Nguyễn Hồng Phong cho rằng Nhà nước châu Á, gồm có 5 chức năng dưới đây:

  1. Quân sự
  2. Tài chính
  3. Công trình công cộng
  4. Kinh tế
  5. Tư tưởng – văn hóa[iv].

Nhà sử học Lê Văn Hưu cũng ghi nhận sự nghiệp to lớn của Đinh Tiên Hoàng trên phương diện Quản trị quốc gia, như sau:

“Vua mở nước dựng đô, đổi xưng Hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà lại sinh bậc thánh tiết, để tiếp nối quốc thống của Triệu vương[v] chăng?”[vi].

Đinh Tiên Hoàng xưng Hoàng đế 皇 帝, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt 大 瞿 越 (968), đặt niên hiệu là Thái Bình 太 平 (970), định đô mới ở Hoa Lư, và tiến thêm một bước “bắt đầu quy định cấp bậc văn, võ, tăng đạo”. Lấy Nguyễn Bặc làm Định Quốc công, Lưu Cơ làm Đô hộ phủ sĩ sư[vii], Lê Hoàn làm Thập đạo Tướng quân[viii]. Tăng thống[ix] Ngô Chân Lưu, được ban hiệu là Khuông Việt đại sư 匡 越 大 師 (tức vị Đại sư khuông phò nước Việt). Trương Ma Ni làm Tăng lục[x]. Đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng Chân uy nghi[xi]. Gả Công chúa Minh Châu cho Trần Thăng, cho Thăng làm Phò mã Đô úy (Thăng là em Trần Minh công – Trần Lãm)[xii]. Những chức quan văn, võ trên đã có trong quan chế nhà Đường (618-907), hoặc trước đó.

Việc Đinh Tiên Hoàng xưng Hoàng đế 皇 帝, vào năm 968, rõ ràng là có hàm ý so sánh với các Hoàng đế Trung Hoa.

Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt 大 瞿 越, tức “Nước Việt to lớn” (968). Có nhà sử học, gần đây chủ trương, Đinh Tiên Hoàng ngay từ đầu đã đặt quốc hiệu là Đại Việt 大 越, là căn cứ vào dòng chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên – 大 越 國 軍 城 塼 (nghĩa là: Gạch xây quân thành của nước Đại Việt). Cho dù quốc hiệu là Đại Cồ Việt, hay Đại Việt, do Đinh Tiên Hoàng đặt ra, thì đều có ý đối sánh với tinh thần Đại Hán của hàng ngũ vua, quan Trung Quốc thời bấy giờ. Chúng ta đều biết đồng thời với Vương triều Đinh (968-980) của nước ta, thì ở Trung Quốc là Vương triều Tống (960-1279). Đến đời Đường (618-907), đời Tống (960-1279), tinh thần Đại Hán hình thành rất sâu sắc trong đầu óc những người cầm quyền của cái quốc gia rộng lớn ấy. Và, cũng từ đó, tư tưởng kỳ thị dân tộc trong những kẻ cầm quyền Đại Hán càng lớn dần.

Người Hán coi nước họ là trung tâm của thiên hạ (Trung Quốc), cho mình là văn minh, đẹp đẽ hơn cả (họ gọi nước mình là Hoa Hạ: Hoa là đẹp đẽ, Hạ là văn minh). Và, họ gọi các nước xung quanh Trung Quốc là Tứ Di: phía Bắc là “Địch”, phía Đông là “Di”, phía Tây là “Nhung”, phía Nam là “Man”.

Các chữ Địch – Di – Nhung – Man, đều hàm nghĩa là man di, mọi rợ, kém phát triển. Trong các Chiếu, Dụ của Hoàng đế Trung Hoa, thường thường họ gọi nước ta là Nam Man, hoặc An Nam, gọi dân tộc Việt là “Man dân” là hàm ý nghĩa ấy.

Qua đó, ta thấy, việc Đinh Tiên Hoàng tự xưng quốc hiệu là Đại Cồ Việt (hay Đại Việt (?) ), một mặt thể hiện sự tự tin ở sức mạnh dân tộc Việt đã trở thành hùng mạnh, lớn lao, mặt khác, Đinh Tiên Hoàng còn muốn đối chọi lại cái tinh thần Đại Hán của các Hoàng đế Trung Hoa.

Sau khi đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt được 2 năm, năm 970, Đinh Tiên Hoàng bỏ không dùng niên hiệu của các Hoàng đế trên đất nước Trung Hoa nữa mà đặt niên hiệu mới là Thái Bình 太 平.

Bộ sử xưa nhất của nước ta còn lại cho đến ngày nay là Việt sử lược ghi rõ: “庚 午 三 年, 改 元 ⽈ 太 平 元 年”[xiii] (Canh Ngọ, tam niên, cải nguyên viết: Thái Bình nguyên niên; nghĩa là: Canh Ngọ năm thứ 3 (970), cải nguyên là năm đầu niên hiệu Thái Bình).

Dòng chữ trên, tuy chỉ là chi tiết nhỏ được chép trong sử cũ, nhưng nó mang một ý nghĩa lớn lao: Nó biểu hiện ý chí độc lập, tự chủ, không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc của tầng lớp đứng đầu quốc gia Đại Cồ Việt ngày đó.

Gần đây, năm 1987, giới nghiên cứu Hán Nôm đã tìm thấy một quả chuông thời Ngô ở Văn chỉ thôn Nhật Tảo, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (nay thuộc phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Quả chuông sau đó được đem về cất giữ ở đình Đông Ngạc, vì thế chuông có tên là “Chuông đình Nhật Tảo – Hà Nội[xiv].

Đáng chú ý trên 4 ô chuông, có khắc bài Minh chữ Hán, có khoảng 210 chữ. Dòng niên đại Chuông Nhật Tảo vẫn sử dụng niên hiệu của Lưu Thạnh, vua Nam Hán, thời Ngũ đại – Thập quốc (Trung Quốc).

Nguyên văn như sau: “交 阷 縣 下 慈 廉 村 時 乾 和 六 年 戊 申 歲 四 月 二 十 九 日…” (Giao Chỉ huyện, Hạ Từ Liêm thôn, thời Càn Hòa lục niên; Mậu Thân tuế, tứ nguyệt, nhị thập cửu nhật… Nghĩa là: Thôn Hạ Từ Liêm, huyện Giao Chỉ, vào ngày 29, tháng Tư, năm Mậu Thân, niên hiệu Càn Hòa thứ 6 (tức tháng 6 năm 948)[xv]. Niên hiệu Càn Hòa, từ năm 943 đến năm 957.

Bài Minh được viết năm Càn Hòa thứ 6 (năm 948). Tuy Càn Hòa là niên hiệu của Lưu Thạnh, vua nước Nam Hán, nhưng đây là chuông Việt Nam, chứ không phải chuông Trung Quốc. Tên địa điểm (thôn Hạ Từ Liêm, huyện Giao Chỉ) ghi ở bài Minh xác nhận điều đó.

Năm 948 là năm Dương Bình Vương (Dương Tam Kha) đã ở ngôi vua được 4 năm. Năm Giáp Thìn (944) Ngô Vương Quyền qua đời, Dương Tam Kha chiếm ngôi vua, xưng là Bình Vương. Như vậy, ta có thể biết là tuy Ngô Quyền đã giành lại nền độc lập, xưng vương, nhưng vẫn chưa có niên hiệu. Và tình trạng không có niên hiệu là kéo dài hết cả đời Ngô (939-965). Cho nên để ghi năm tháng cho các văn bản trong nước ta thời đó, người ta phải sử dụng niên hiệu của Nam Hán (917-971), dẫu rằng đạo quân xâm lược của nước này đã bị Ngô Quyền đánh bại ở sông Bạch Đằng, năm 938. Như vậy, ta thấy điều ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư rằng chỉ đến thời Đinh Tiên Hoàng, năm Canh Ngọ (970), mới có niên hiệu (Thái Bình) là hoàn toàn chính xác.

Bây giờ, chúng ta tìm hiểu về 5 chức năng của Nhà nước Đại Cồ Việt, dưới 2 triều đại Đinh và Tiền Lê, để thấy việc quản trị quốc gia đã từng bước đi vào ổn định và có nề nếp hơn trước.

Sự tìm hiểu tổ chức Nhà nước ở thế kỷ X, về đại thể, chúng ta có thể chia làm 2 thời kỳ lớn:

1. Thời kỳ các Tiết độ sứ và các vương, từ Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ, đến Ngô Quyền, Dương Tam Kha… Nhà nước về cơ bản dựa vào bộ máy quân sự (Appareil militaire). Ngoài ra, có một bộ phận thực hiện chức năng tài chính (tha bỏ lực dịch, bình quân thuế ruộng…). Thời này, chúng ta chưa thấy xuất hiện các chức năng khác.

2. Đến Đinh Tiên Hoàng, và sau đó là Lê Đại Hành, Nhà nước đã chuyển dần từ chỗ là một Bộ máy quân sự, thành một Bộ máy nửa quân sự – nửa quan liêu (Appareil militaire – bureaucratique).

Và từ đây, ta thấy Nhà nước xuất hiện thêm các chức năng (hay bộ phận) mới.

a. Chức năng công trình công cộng: Thời Đinh chưa có, mãi tới thời Tiền Lê mới xuất hiện. Đó là việc khai cừ và đào kênh, để “thuyền bè đi lại dễ dàng” (983 – Việt sử lược). Đó là việc xây dựng rất nhiều cung điện lộng lẫy ở Kinh đô Hoa Lư (984 – Đại Việt sử ký toàn thư).

b. Chức năng kinh tế: Dưới thời Đinh – Tiền Lê, Nhà nước đã quan tâm phát triển kinh tế, cho nên ngành thủ công nghiệp nói chung và nghề dệt nói riêng tiếp tục phát triển. Vì vậy, hai vương triều này đã sử dụng nhiều loại sản phẩm đặc biệt, trong quan hệ bang giao với Trung Quốc. Năm 975, Đinh Tiên Hoàng sai Trịnh Tú đem vàng, lụa, sừng tê, ngà voi sang biếu nhà Tống[xvi]. Trong An Nam chí, tác giả Cao Hùng Trưng cho biết những sản phẩm đặc biệt nghề dệt của Việt Nam, gồm có: sa, the, lụa, là, lĩnh…[xvii]. Số lượng cống phẩm là những sản phẩm thủ công nghiệp dưới thời Tiền Lê đem sang Trung Quốc có nhiều đồ quý hiếm hơn trước. Một trong những chức năng kinh tế quan trọng là việc nhà Đinh và nhà Tiền Lê cho đúc tiền riêng của quốc gia Đại Cồ Việt. Năm 970, Đinh Tiên Hoàng cho đúc tiền Thái Bình Hưng Bảo 太 平 興 寶[xviii]. Năm 984 vua Lê Đại Hành cho đúc tiền Thiện Phúc Trấn Bảo 天 福 鎮 寶[xix].

Các vua Tiền Lê đã có hành vi biểu lộ sự quan tâm đối với nông nghiệp. Đó là sự việc, năm 987, vua Lê Đại Hành “lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi Sơn và ở núi Bàn Hải…”[xx].

c. Chức năng tư tưởng và văn hóa: Nhà Đinh và Tiền Lê đều coi trọng Phật giáo, và thời kỳ này Phật giáo trở thành Tôn giáo Nhà nước (Quốc giáo). Nhiều thiền sư như: Khuông Việt Đại sư (Ngô Chân Lưu), Vạn Hạnh, Pháp Thuận… đã trở thành cố vấn cho các ông vua Đinh, Tiền Lê về đường lối đối nội và đối ngoại. Có thể nói vai trò của các thiền sư dưới hai triều Đinh, Tiền Lê là hết sức quan trọng. Họ vừa là cố vấn chính trị của nhà vua, vừa là quan liêu cao cấp, được sử dụng trong công việc hành chính, ngoại giao và tư tưởng văn hóa.

Như vậy, cho tới thời Đinh và Tiền Lê, Nhà nước quân chủ Đại Cồ Việt đã phát triển đầy đủ các bộ phận – chức năng Nhà nước điển hình ở khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Đó là biểu hiện trình độ phát triển của Văn minh Đại Cồ Việt. Một Nhà nước văn minh là một Nhà nước mà chức năng được phân chia và chuyên môn hóa.

II. Đóng góp của Đinh Tiên Hoàng trong công cuộc xây dựng nền “Quốc học” Việt Nam

Trước tiên, chúng ta cần tìm hiểu khái niệm Quốc học 國 學 nghĩa là gì?

Theo Từ Hải thì Quốc học, có 2 nghĩa:

1. “Quốc học”, đồng nghĩa với Quốc Tử giám, trường Nho học cao cấp của Nhà nước quân chủ phương Đông như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam…

2. 國 學 犹 言 國 故 指 本 國 固 有 的 學 術 文 化[xxi] (Quốc học, do ngôn Quốc cố, chỉ bản quốc cố hữu đích học thuật, văn hóa – nghĩa là: Quốc học, còn gọi là Quốc cố, dùng để chỉ các môn học thuật, văn hóa lâu đời, bền vững căn bản của đất nước).

Như vậy, trong bài luận văn này, chúng tôi sử dụng từ Quốc học, theo nghĩa thứ hai trên đây.

Chúng ta đều biết rằng, trước thời kỳ Bắc thuộc, trên địa bàn sinh tụ của người Việt cổ, ở thời đại Hùng Vương, vào khoảng 4000 năm trước, đã hình thành một nền Văn minh lớn là: Văn minh Sông Hồng (hay còn gọi là Văn minh Đông Sơn). Tuy nhiên, với những phát hiện khảo cổ học mới, chúng ta biết rằng “Đông Sơn”, chỉ là chặng cuối của nền Văn minh Sông Hồng.

Có thể khẳng định, trước thời Bắc thuộc (179 TCN – 905), vào buổi đầu dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã có một nền văn hóa, văn minh riêng của mình. Đó là cái gốc của Văn hóa Việt Nam.

Bàn về vị trí của thế kỷ X trong tiến trình lịch sử văn hóa Việt Nam, Giáo sư Trần Quốc Vượng nhận định rằng: “Đó là sự kết thúc một thời cũ (thời Bắc thuộc) và sự mở đầu của một thời đại mới: Thời đại độc lập dân tộc, phục hưng dân tộc, phục hưng Văn hóa Việt. Thế kỷ X làm nhiệm vụ lịch sử kết thúc chặng đường dài gian khổ ngàn năm chống Bắc thuộc về chính trị – quân sự và tái cấu trúc hóa nền văn minh Việt Nam, với những “mảnh vụn” của nền văn minh Việt cổ và những nhân tố ngoại sinh, ảnh hưởng của Trung Quốc, Ấn Độ”[xxii].

Vua Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt
(Mộc bản sách
Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên, quyển 3 mặt khắc 20).

Chúng ta sẽ cố gắng bám chắc vào sử liệu, dù là ít ỏi để tìm hiểu sự phục hưng Văn hóa Việt, cụ thể hơn là việc xây dựng nền “Quốc học Việt Nam” ở thế kỷ X diễn ra như thế nào?

Trước hết, ta cần khẳng định rằng: Từ năm 905 đến năm 967, tức dưới thời họ Khúc (905-930), họ Dương (931-937), Vương triều Ngô (939-965) và Cục diện 12 sứ quân (965-967) do rất nhiều nguyên nhân, những vị đứng đầu quốc gia thời bấy giờ chưa thể nghĩ đến vấn đề “Quốc học”. Việc xây dựng nền Quốc học là bắt đầu từ vua Đinh Tiên Hoàng khởi xướng, sau đó, được các vua Tiền Lê, kế thừa và phát triển.

Trong điều kiện tư liệu hiện có, chúng tôi cho rằng, cái mà sau này chúng ta gọi là Quốc học, ở thế kỷ X, bao gồm các môn học thuật và loại hình văn hóa, cụ thể là:

Tư tưởng tôn giáo: Phật giáo, Đạo giáo

Văn học viết và văn học dân gian

Kiến trúc

Điêu khắc

Nghệ thuật Hoa Lư

v.v…

Về tư tưởng tôn giáo: Ở trên đã nói, Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành đều coi trọng Phật giáo. Các vị vua ấy đã suy tôn Phật giáo vào hàng Quốc giáo 國 教, và sử dụng nó vào việc ổn định trật tự xã hội, phát triển chế độ quân chủ. Cần lưu ý: chữ Giáo 教 trong Quốc giáo 國 教, không chỉ có nghĩa là “Tôn giáo”, mà còn có nghĩa là: Giáo dục, Ý thức hệ, Học thuyết…, thậm chí cả Văn hóa nữa. Ở Kinh đô Hoa Lư, hình thành một trung tâm Phật giáo lớn, nhiều chùa tháp được xây dựng. Năm 1007, vua Tiền Lê sai em là Minh Xưởng và Hoàng Thành Nhã sang nhà Tống, xin kinh Đại Tạng 大 藏[xxiii]. Đại tạng là danh từ chỉ tất cả những kinh sách, luận giải về Đạo Phật, còn gọi là Tam tạng 三 藏. Đó là ba phần cốt tủy của kinh sách Đạo Phật.

Kinh tạng 經 藏: gồm các bài giảng của Đức Phật và các đại đệ tử.

Luật tạng 律 藏: gồm các giới luật của người xuất gia, tu hành.

Luận tạng 論 藏: chứa đựng các quan niệm Đạo Phật về triết học và tâm lý học.

Việc thỉnh kinh Đại tạng (hay Tam tạng) trên đây, cho thấy trước đó, việc học tập kinh điển Phật giáo đã phát triển và thường xuyên trong giới tăng lữ Đại Cồ Việt.

Ở thời Đinh và Tiền Lê, bên cạnh Phật giáo đã có bước phát triển, thì Đạo giáo cũng đã có vị trí của nó. Chính vì thế mà vua Đinh Tiên Hoàng đã phải định ra chức Tăng quan (Phật giáo) và Đạo quan (Đạo giáo). Năm 971, đạo sĩ Đặng Huyền Quang được trao chức Sùng chân uy nghi[xxiv], có lẽ là chức quan đứng đầu Đạo giáo của quốc gia Đại Cồ Việt thời bấy giờ.

Về văn học: Từ đầu thế kỷ X, chữ Hán được người Việt năm vững và sử dụng trong các văn bản hành chính, tôn giáo và văn học. Những tiếng Hán được nhập vào ngôn ngữ Việt, đã được chuyển hóa và đọc theo thanh điệu tiếng Việt, thường được gọi là âm “Hán – Việt”.

Việc tiếp nhận chữ Hán là một yếu tố mới để xây dựng nên nền học thuật, nền văn hóa nước nhà, tức nền Quốc học Việt Nam. Chữ Hán là thứ chuyển ngữ cần thiết để người Việt Nam, sau khi giành lại quyền tự chủ, có thể đọc và hiểu sâu hơn Đạo Phật, Đạo Khổng, Đạo Lão – Trang và để xây dựng nền văn học mới.

Văn học của Đại Cồ Việt ở thế kỷ X, thời Đinh, Tiền Lê cũng bao gồm hai dòng: Dòng văn học viếtDòng văn học dân gian[xxv].

Thời Đinh, Tiền Lê, các tác giả chủ yếu là Thiền sư, không phải là nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp. Họ là những con người có chức năng chính trị, văn hóa, tôn giáo nhất định và sáng tác với họ chỉ là việc sử dụng sức mạnh của văn học nghệ thuật để truyền đạo, thuyết giáo, giáo huấn, tuyên truyền cho Đạo Phật.

Thời Đinh, Tiền Lê, nhiều nhà sư là nhà thơ – Thi tăng. Do vậy, những thơ ca của họ sáng tác ra đều nhuốm màu triết lý đạo Thiền. Nhưng trong những bài thơ chứa nhiều chất “đạo” đó, vẫn có những bài thơ gắn với đời sống xã hội, gắn với vận mệnh của đất nước, của con người. Đó là trường hợp những bài thơ như “Quốc tộ” của Thiền sư Pháp Thuận, bài từ “Vương lang quy” của Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu, bài “Thị đệ tử” của Thiền sư Vạn Hạnh, v.v…

Dòng văn học dân gian thời Đinh, Tiền Lê, có một hiện tượng khá đặc biệt là sự xuất hiện những bài “Sấm ký” 讖 記. Sấm thời kỳ này là sản phẩm của Thiền sư. Trong đó, thường được sử sách nhắc tới là bài Thơ sấm[xxvi] (Sấm thi 讖 詩): “ĐỗThích thí Đinh, Đinh”, được chép trong Việt sử lược. Hoặc hai bài Tán Đằng châu thổ thần Yếu thắng được chép lại trong Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên.

Văn học viết của Việt Nam, bắt đầu trở thành một dòng văn học viết, kể từ thế kỷ X, manh nha vào đời Đinh, hình thành đời Tiền Lê.

Bài thơ Quốc tộ 國 祚

國 祚 如 滕 絡

南 天 裏 太 平

無 為 居 殿 閣

處 處 息 刀 兵[xxvii]

Phiên âm:

Quốc tộ như đằng lạc

Nam thiên lý thái bình

Vô vi cư điện các

Xứ xứ tức đao binh.

Dịch thơ:

Vận nước như dây quấn

Trời Nam mở thái bình

Vô vi trên điện các

Chốn chốn dứt đao binh

      (Phan Duy Tiếp dịch)

Thiền uyển tập anh cho biết Thiền sư Pháp Thuận làm bài thơ này để trả lời vua Lê Đại Hành, khi “Vua từng hỏi sư về vận nước ngắn dài[xxviii]. Như vậy, bài “Quốc tộ”, có thể được Thiền sư Pháp Thuận sáng tác vào khoảng các năm 980-981, những năm đầu thời kỳ Tiền Lê (980-1009). Cho đến nay, Quốc tộ là tác phẩm sớm nhất, mở đầu cho văn học viết Việt Nam thời kỳ tự chủ. Bài thơ Quốc tộ làm theo thể Ngũ ngôn tứ tuyệt – Đường luật, tuy là tác phẩm mở đầu trong văn học sử Việt Nam thời Trung đại, nhưng nghệ thuật đã tỏ ra điêu luyện. Phép đối được sử dụng ở cả hai cặp câu đầu và câu cuối tạo nên sự trầm tĩnh, đăng đối trong tư duy triết luận. Đặc biệt, ở câu cuối “Xứ xứ tức đao binh”, dùng từ láy (xứ xứ) và không ngắt nhịp, gây âm hưởng thôi thúc, như một tác động tâm lý góp phần thuyết phục người nghe, trong khi tiếp nhận châm ngôn của tác giả.

Về kiến trúc, điêu khắc: Thời Đinh, Tiền Lê, chủ yếu diễn ra ở Kinh đô Hoa Lư. Năm 968, vua Đinh Tiên Hoàng cho xây dựng kinh đô mới ở Hoa Lư[xxix], đắp thành, đào hào, làm nhiều cung điện. Đến năm 984, vua Lê Đại Hành lại cho xây dựng nhiều cung điện tại Kinh đô Hoa Lư, như: điện Bách Thảo Thiên tuế, cột giát vàng bạc, phía đông là điện Phong Lưu, phía tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên hữu là điện Cực Lạc. Tiếp đó lại làm lầu Đại Vân, dựng điện Trường Xuân làm nơi vua nghỉ. Bên cạnh điện Trường Xuân, lại dựng điện Long Lộc, mái lợp ngói bạc[xxx].

Về nghệ thuật điêu khắc: Thời Đinh, Tiền Lê chủ yếu thể hiện trên những viên gạch hoa lát nền. Nghệ thuật bố cục hoa văn trang trí của những viên gạch lát nền thời Đinh – Tiền Lê là hết sức độc đáo, thể hiện óc thẩm mỹ cao của người Việt thời bấy giờ. Nổi bật hơn cả là 2 loại gạch lát nền trang trí: Hình hoa cúc 16 cánhHình 2 chim phượng[xxxi].

Nghệ thuật trang trí gạch lát nền thời Đinh, Tiền Lê, thể hiện phong cách sớm, mở đầu cho nghệ thuật trang trí hoa văn lát nền thời quân chủ Việt Nam. Tiếc rằng, những chứng tích nghệ thuật điêu khắc thời Đinh – Tiền Lê chưa tìm thấy nhiều. Dấu ấn duy nhất của nghệ thuật dân tộc thời này, cho đến nay vẫn chỉ thấy đọng lại trên mặt gạch lát nền. Vì vậy nghệ thuật điêu khắc gạch lát nền, vừa tiêu biểu cho nghệ thuật của một thời đại – thời Đinh – Tiền Lê, vừa là nét chấm phá đầu tiên báo hiệu sự phục hưng của nghệ thuật dân tộc ở các thời kỳ tiếp theo.

Nền nghệ thuật kịch hát cổ truyền của dân tộc là hát ChèoTuồng, có thể đã dần dần được hình thành trên cơ sở những hình thức ca, múa, nhạc dân gian ở thời kỳ Đinh – Tiền Lê. Thời kỳ này, chắc chắn đã có những nghệ sĩ chuyên nghiệp, như trường hợp bà Phạm Thị Trân, đời Đinh, là nghệ sĩ múa hát có tiếng được phong chức “Ưu Bà”, dạy múa hát trong quân đội[xxxii].

III. Kết luận

Vai trò, vị trí và công lao của Đinh Tiên Hoàng trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước là vô cùng to lớn. Ông là người có “tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời”, thu phục các hùng trưởng (tức 12 sứ quân), thống nhất quốc gia, chấm dứt tình trạng ly tâm, cát cứ, thu giang sơn về một mối.

Đinh Tiên Hoàng cũng là vị vua đầu tiên ở thế kỷ X, thực sự tiến hành, đặt cơ sở cho công cuộc Phục hưng dân tộc, Phục hưng văn hóa Việt, sau hơn 1000 năm bị chìm đắm trong đêm trường Bắc thuộc.

Về phương diện “Quản trị quốc gia”, Đinh Tiên Hoàng là người xây nền, đắp móng cho hình mẫu của một quốc gia độc lập, với đầy đủ Đế hiệu, quốc danh, niên hiệu, cương thổ, tiền tệ… Và đặc biệt là công lao khởi dựng một thiết chế tập quyền vững mạnh – một Chính quyền Trung ương đủ sức mạnh để quản lý toàn bộ đất nước trong mọi hoàn cảnh yên bình, hay chiến tranh.

Chính quyền trung ương tập quyền thời Đinh Tiên Hoàng, được các vương triều sau này của Đại Cồ Việt, Đại Việt, Việt Nam… tiếp tục kế thừa và hoàn thiện hơn nữa. Đó là một trong những cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta tiến hành công cuộc dựng nước và giữ nước trong lịch sử Việt Nam.

Về phương diện xây dựng nền “Quốc học”, Đinh Tiên Hoàng cũng có công lao không hề nhỏ. Có lẽ, ông hiểu rằng: Người ta chỉ có thể “ngồi trên mình ngựa” (ý nói sử dụng nhiều đến Võ bị) để “thu phục thiên hạ” (tức thu phục 12 sứ quân, thống nhất quốc gia), chứ không thể “ngồi trên mình ngựa” để cai trị thiên hạ được[xxxiii]. Cần xây dựng một nền “Quốc học”, góp phần để “Quản trị quốc gia” hữu hiệu hơn, tốt hơn.

Có thể nói nền Quốc học nói riêng, hay nền Văn hóa nói chung dưới thời Đinh – Tiền Lê là cơ sở của nền văn hóa Thăng Long (tức văn hóa Lý – Trần, thế kỷ XI-XIV) sau này.

Biện chứng pháp của lịch sử cho thấy: Không một nền văn hóa nào lại tự nhiên sinh ra, mà không chịu ảnh hưởng của nền văn hóa trước đó, và cũng không một nền văn hóa nào bị biến mất, không để lại một chút gì cho nền văn hóa kế tiếp, kể cả nền văn hóa sau này.

Và trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể nói rằng trong Văn hóa Cố đô Hoa Lư hôm nay và mai sau vẫn còn in đậm dấu ấn của nền “Quốc học” do vua Đinh Tiên Hoàng khởi dựng. Tôi thiết nghĩ điều đó đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Như vậy ở tại nơi vĩnh hằng, xa xôi kia, vị Vua anh hùng cái thế Đinh Tiên Hoàng chắc hẳn là vui lòng, vừa lòng, khi thấy lớp con cháu của Người vẫn hàng ngày, hàng giờ kế thừa và phát huy nền “Quốc học” ấy để ngày một thêm đơm hoa, kết trái hơn nữa.


[i]. Viện Sử học (1984), Thế kỷ X những vấn đề lịch sử, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.16.

[ii]. Theo sách Việt sử lược thì 15 bộ lạc của nước Văn Lang gồm có: Giao Chỉ, Việt Thường thị, Vũ Ninh, Quận Ninh, Gia Ninh, Ninh Hải, Lục Hải, Dương Tuyền, Tân Xương, Bình văn, Văn Lang, Cửu Chân, Nhật Nam, Hoài Hoan, Cửu Đức (xem: Việt sử lược (2005), Trần Quốc Vượng dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.17).

[iii]. Viện Sử học (1984), Thế kỷ X những vấn đề lịch sử, Sđd, tr.19.

[iv]. Viện Sử học (1984), Thế kỷ X những vấn đề lịch sử, Sđd, tr.19-20.

[v]. Triệu Vương: ở đây là chỉ Triệu Đà, tức Triệu Vũ Đế (179 TCN – 137 TCN). Đây là quan điểm của các sử thần thời quân chủ, từ Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên đến Phan Phu Tiên, Phạm Công Trứ…, đều coi nhà Triệu là triều đại chính thống của Việt Nam. Sử gia Ngô Thì Sỹ (1726-1780) là người đầu tiên phê phán nhận thức sau lầm nói trên, trong bộ Việt sử tiêu án của ông, Ngô Thì Sỹ chứng minh Triệu Đà là người Chân Định (Trung Quốc), lập ra triều đình Nam Việt – đóng đô ở Phiên Ngung (Quảng Châu – Quảng Đông) – là một triều đình cát cứ trên đất Trung Quốc, đã tiến hành chiến tranh thôn tính nước Âu Lạc của An Dương Vương, vào năm 179 TCN.

[vi]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tập 1, tr.211.

[vii]. Đô hộ phủ sĩ sư: chức quan coi việc hình án ở Phủ đô hộ, tức là trong cả nước. Nhà Đinh dùng tên Phủ đô hộ, thời thuộc Đường.

[viii]. Thập đạo Tướng quân: tướng chỉ huy 10 đạo quân, tức quân đội cả nước.

[ix]. Tăng thống: chức quan phong cho vị sư đứng đầu Phật giáo cả nước.

[x]. Tăng lục: chức quan trông coi Phật giáo dưới chức Tăng thống.

[xi]. Sùng chân uy nghi: chức quan trông coi về Đạo giáo.

[xii]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 1, tr.212.

[xiii]. Việt sử lược (2005), Sđd, tr.276.

[xiv]. Ban Quản lý di tích Hà Nội (1995), Hội thảo khoa học bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử văn hóa của Thủ đô Hà Nội (Kỷ yếu Hội nghị khoa học), Hà Nội, tr.218.

[xv]. Hà Văn Tấn (2019), Chữ trên đá, chữ trên đồng, minh văn và lịch sử, Nxb Tri thức, Hà Nội, tr.70-71.

[xvi]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 1, tr.213.

[xvii]. Cao Hùng Trưng (1932), An Nam chí, bản dịch của Hoa Bằng, bản in Viễn Đông Bác cổ, Hà Nội, quyển 1.

[xviii]. Đỗ Văn Ninh (1992), Tiền cổ Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.34-35.

[xix]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 1, tr.222.

[xx]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 1, tr.224.

[xxi]. Từ Hải (1999), Thượng Hải từ thư xuất bản xã – Thượng Hải, tr.922.

[xxii]. Trần Quốc Vượng (2003), Một cái nhìn tổng quát về thế kỷ X với văn minh thế giới và Việt Nam, trong Văn hóa Việt Nam – tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.145.

[xxiii]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 1, tr.235.

[xxiv]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 1, tr.212.

[xxv]. + Dòng văn học viết: có một thời kỳ người ta hay gọi là “Văn học bác học” (chủ yếu để gọi Văn học chữ Hán).

+ Dòng văn học dân gian: cũng có khi gọi là “Văn học bình dân” (chỉ các tác phẩm dân gian và các tác phẩm của nho sĩ nghèo có liên hệ gần gũi với nhân dân).

[xxvi]. Thơ sấm (Sấm thi): chỉ những bài thơ, dự đoán việc xẩy ra trong tương lai.

[xxvii]. Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga (dịch, chú giải – 2014), Thiền uyển tập anh, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, phần chữ Hán, tr.330

[xxviii]. Ngô Đức Thọ – Nguyễn Thúy Nga (dịch, chú giải – 2014), Thiền uyển tập anh, Sđd, tr.167.

[xxix]. Năm 939, Ngô Vương Quyền sáng lập Vương triều Ngô, định đô ở thành Cổ Loa, kinh đô cũ của An Dương Vương.

[xxx]. Đại Việt sử ký toàn thư (1998), Sđd, tập 1, tr.222, 223.

[xxxi]. Tống Trung Tín (1982), Gạch lát nền và hoa văn trang trí gạch lát nền thời phong kiến, trong Tạp chí Khảo cổ học, số 2, tr.44.

[xxxii]. Đặng Đức Siêu (2006), Sổ tay Văn hóa Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội, tr.318.

[xxxiii]. Tư Mã Thiên (2003), Sử ký, Phan Ngọc dịch, Nxb Văn hóa Thông tin – Trung tâm Văn hóa – Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr.760. Truyện Lịch Sinh, Lục Giả, ghi chép lời khuyên có nội dung đại ý như trên của Lục Giả với Hán Cao Tổ (Lưu Bang).

Bài liên quan

Bài đăng mới