Vấn đề chống gian thương trong bộ luật Hồng Đức

Phạm Đình Điểu

Tạp chí Xưa&Nay, số 359, tháng 7 năm 2010

Khi nói đến pháp luật trong lịch sử Việt Nam thì không thể không nói đến Quốc triều hình luật, được ban bố vào triều Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1470-1497), nên còn có tên gọi là Luật Hồng Đức.

Bộ Luật Hồng Đức là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất của sự nghiệp Lê Thánh Tông và của cả thời đại ông. Bộ Luật Hồng Đức là bộ luật tổng hợp bao gồm nhiều quy phạm pháp luật thuộc nhiều ngành luật khác nhau: Luật hình sự, luật dân sự, luật tố tụng, luật hôn nhân và gia đình, luật hành chính,…

Chợ kinh thành xưa

Sự ra đời của bộ Luật Hồng Đức được xem là sự kiện đánh dấu trình độ văn minh cao của xã hội Việt Nam hồi thế kỷ XV.

Đây là bộ luật hoàn chỉnh có giá trị đặc biệt trong lịch sử pháp luật Việt Nam, là một trong số các bộ luật của một số nước trên thế giới đang được dùng làm tài liệu giảng dạy tại trường Đại học Harvard – Mỹ.

Bộ Luật Hồng Đức được lưu lại đến ngày nay bao gồm 13 chương với 722 điều, nội dung cơ bản của bộ luật như sau:

– Giữ cho đất nước luôn ở thế phòng bị đối với quân xâm lược nước ngoài.

– Giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.

– Chấn hưng nông nghiệp, coi nông nghiệp là nền tảng của sự ổn định kinh tế xã hội.

– Mở rộng giao lưu khuyến khích thương nghiệp lành mạnh.

– Bảo vệ quyền sở hữu tài sản của muôn dân, bảo vệ quyền lợi tài sản của dân chống lại sự đục khoét của quan lại sâu mọt.

– Khuyến khích nuôi dưỡng thuần phong mỹ tục.

– Bênh vực và bảo vệ quyền lợi phụ nữ.

– Chính sách hình sự nghiêm nhưng độ lượng.

Trong bộ Luật Hồng Đức có những điều đặt ra với mục đích để bảo vệ thuần phong mỹ tục; bênh vực và bảo vệ quyền lợi phụ nữ; khuyến khích tình thương yêu đồng loại, đồng tộc, đồng bào; bảo vệ quyền lợi, tài sản của dân; giữ nghiêm kỷ cương, phép nước; chống gian thương, gian quan, gian dân, gian thợ; chống lại sự đục khoét của quan lại sâu mọt.

Trong 13 chương của bộ luật, có chương 10 (Chương Trá ngụy) gồm 38 điều quy định các tội giả mạo, lừa dối.

Luật Hồng Đức là một bộ luật khá hoàn chỉnh, cho thấy kỹ thuật lập pháp lúc bấy giờ đã đạt tới trình độ rất cao. Trong 722 điều của bộ luật đó, có khá nhiều điều liên quan đến việc chống gian thương bảo vệ người tiêu dùng. Trước hết cần phải nói nhà nước thời bấy giờ coi những hành vi làm hàng giả, cân, đong, đo, đếm không đúng quy định của nhà nước để kiếm lời và hành vi ăn trộm phải được xử đúng tội danh ăn trộm(điều 94). Chúng ta có thể tham khảo một số điều tiêu biểu của Luật Hồng Đức về chống gian thương, gian quan, gian dân, gian thợ sau đây:

Điều 91 – Trong các chợ tại kinh thành và thôn quê, những người mua bán không theo đúng cân, thước, thăng, đấu của nhà nước mà làm riêng của mình để mua bán thì xử tội biếm chức (giáng chức quan) hoặc đồ hình (tội giam cầm bắt làm khổ sai).

Điều 94 – Những người thợ làm cái thăng, cái đấu, cái cân, cái thước không đúng phép, bị tội xuy hình(đánh roi) biếm một chức. Nếu quan giám coi thợ mà không biết thì phạt tiền 10 quan. Người dùng thăng, đấu, cân, thước riêng để thêm bớt của công thì bị tội thêm một bậc. Người dùng thăng, đấu, cân, thước để mua bán lấy lợi riêng thì tội cũng như tội ăn trộm.

Điều 95 – Những người làm đồ khí dụng giả dối, vải lụa ngắn, hẹp để đem bán thì người đứng đầu không xem xét cố ý cho thợ làm giả dối thì bị phạt tiền hoặc biếm, bãi chức. Tùy theo mức độ sai phạm nặng nhẹ mà định mức phạt, nếu làm việc công thì tội thêm một bậc, tiền phạt thu được sẽ thưởng cho người cáo giác.

Điều 96 – Những người coi chợ và lính thấy trong chợ có người làm đồ vật giả dối hay phá hủy tiền đồng mà tha thứ không bắt trình quan thì bị tội biếmhoặc phạt. Người ăn hối lộ dung túng việc đó thì tội cũng giống như chính phạm.

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trong luật đã đề cập những vấn đề như các hành vi sai lệch, dối trá, tuyên bố dối trá, quảng cáo không trung thực và các hành vi không lành mạnh; tính không an toàn của hàng hóa dịch vụ, vấn đề bảo hành hàng hóa, giải quyết khiếu nại kiện tụng của người tiêu dùng,…

Xuất phát từ yêu cầu thực tế hiện nay, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam rất cần có luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Từ năm 2007, Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đã chủ trì và cùng với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nghiên cứu xây dựng Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong năm 2009, Cục Quản lý cạnh tranh đã phối hợp với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức Hội thảo để lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ trình Quốc hội thông qua trong năm 2010.

Bài liên quan

Bài đăng mới