Về hình tượng rồng trên cột đá chùa Dạm

Ngô Văn Doanh

Tạp chí Xưa&Nay, số 71B, tháng 1 năm 2000

Tại thông Tự, xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Hà Bắc, hiện còn lại dấu tích của một ngôi chùa cổ được xây dựng vào thời Lý có tên chữ là Đại Lãm Sơn mà dân gian vẫn quen gọi là chùa Dạm. Những công trình kiến trúc của ngôi chùa cổ này đã đổ nát và mất từ lâu, nay chỉ còn lại bốn lớp nền đồ sộ (dài 120 mét, rộng 70 mét) mà trên khu nền ấy vẫn còn vết tích các móng nhà, gạch, ngói, và đặc biệt là cây cột đá chạm rộng khá lớn – một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc độc đáo của nền mỹ thuật cổ Việt Nam.

Các thư tịch cổ và truyền thuyết chỉ cho chúng ta biết về niên đại và quy mô của ngôi chùa chứ không hề nói gì về chức năng này hay hình tượng của chiếc cột đá đặc biệt này. Lần giở lại những trang sử cũ, chúng ta chỉ cần biết, năm 1086 của Lý Nhân Tông ra lệnh “làm chùa Đại Lãm Sơn”. Năm 1807 “vua ngự đến chùa Lãm Sơn, đến đêm ban yến cho các quan. Vua thân làm bài thơ Lãm Sơn dạ yến” (Đại Việt sử ký toàn thư 1967: 240-241). Năm 1094 “chùa Lãm Sơn làm xong, vua ban tên chùa là “Cảnh Long Đồng Khánh”. Năm 1105, lại “xây ba tháp bằng đá ở Lãm Sơn” (Việt sử lược 1960: 117).

Cột đá chùa Dạm được xây dựng vào thế kỉ thứ 11, được coi là hiện vật điêu khắc hoành tráng, hoàn mỹ nhất của nhà Lý còn tồn tại đến nay
Đôi rồng theo đồ án “lưỡng long hiến châu” được chạm nổi. Đây chính là điểm nhấn của phần thân cột đá, và cũng là nét đặc trưng mỹ thuật thời Lý
Toàn thân rồng có vẩy khép, uốn lượn nhịp nhàng, mềm mại. Chân rồng có 5 móng, cong và nhọn sắc như móng chim
Đôi rồng ngoắc đuôi vào nhau, uốn quanh thân cột
Ở những khe trống, người thợ xưa còn dùng những chi tiết hoa văn cúc dây để “trám” vào những chỗ trống cho thêm phần hài hòa, sinh động

Như đã trình bày ở trên, vì không có một nguồn tài liệu nào nói tới cột đá chùa Dạm, nên bắt buộc chúng tôi phải sử dụng phương pháp đối chiếu, so sách các hình tượng điêu khắc và kiến trúc Phật giáo để đi đến kết luận của mình.

Trong nghệ thuật kiến trúc phật giáo Đại Thừa, có một dạng đền thờ rất đặc biệt gắn liền với việc thờ Avalokitesvara (Quán Thế Âm Bồ Tát) là đền thờ hình rắn nhô khỏi mặt nước. Một trong những công trình kiến trúc điển hình của kiểu đền thờ này là Đền Rắn hay Niếc Pan ở Campuchia. Đền do vua Jayavarman VII xây dựng vào đầu thế kỷ 13 để thờ Avalokitesvara. Cả ngôi đền được dựng trên hòn đảo giữa một cái hồ vuông. Hai con rắn Naga khổng lồ cuốn mình làm bệ cho kiến trúc. Từ xa nhìn vào, ta cảm thấy ngôi tháp thờ như mọc lên từ một đóa hoa sen khổng lồ 16 cách đang dập dình trên sóng nước.

Một kiến trúc của người Chăm cuối thể kỷ 9 có nhiều nét rất gần với cột đá chùa Dạm là cột rắn Xuân Sơn (Quảng Nam – Đà Nẵng) cách thánh đường Phật giáo Đồng Dương chừng 1km về phía Đông Bắc. Hiện nay, cột Xuân Sơn đã mất, nhưng theo mô tả của Parmentier, cột làm bằng đá cát nguyên khối cao 5 mét, than hình trụ, đỉnh hình chóp làm giá đỡ một đài sen. Quanh thân hình trụ của cột đá có tạc 4 hình rắn Naga (Parmentier 1918: 118).

Trong nghệ thuật điêu khắc Phật giáo, Avalokitesvara (Quan Âm) được thể hiện dưới rất nhiều dạng khác nhau: một đầu, ba đầu, năm đầu, mười một đầu… Mỗi dạng tượng Quan Âm đều gắn với một sự tích nào đó đã được kinh sách Phật giáo ghi lại. Kinh “Thủ Lăng nghiêm”, quyển 6 nói tới 32 cách ứng nghiệm của Quan Âm (Quan thế âm tam thập nhị ứng). Mỗi cách ứng nghiệm của Quan Âm đều được nghệ thuật Phật giáo thể hiện với những đặc trưng riêng.

Sau khi nghiên cứu các hình tượng khác nhau của Quan Âm trong điều khắc Phật giáo Đại Thừa, chúng tôi nhận thấy cột đá chùa Dạm mang hầu hết những yếu tố đặc trưng cho loại tượng “Quan Âm Nam Hải”. Trong điêu khắc và hội họa Phật giáo, Quan Âm Nam Hải thường được thể hiện ngồi tọa thiền trên đài sen nhô cao khỏi mặt sóng biển. Từ các đợt sóng đang trào dâng, một cặp rồng vươn mình nhô cao đầu dâng viên “dạ minh châu” cho Quan Âm Bồ Tát (Alice Getty 1962: 78).

Theo các nhà nghiên cứu, một số hình tượng Quan Âm của điêu khắc Phật giáo trong đó có hình tượng “Quan Âm Nam Hải” bắt nguồn từ truyền thuyết “Chúa Ba Diệu Thiện”. Truyền thuyết kể lại như sau: “Xưa kia, vào thời kỳ Hoàng đế, có một ông vua tên là Diệu Trang Vương, ngài không có con trai mà chỉ có ba cô con gái. Diệu Thiện là thứ ba. Hai chị của nàng là Diệu Thanh, Diệu Âm. Khi ba chị em tới tuổi lấy chồng, vua cha đã chọn cho họ những người chồng xứng đáng. Nhưng Diệu Thiện từ chối không muốn lấy chồng. Nàng muốn hiến cả cuộc đời cho việc tu hành và bỏ vào chùa “Bạch Ma Tước[i]”. Dùng mọi cách gọi con về không được, Diệu Trang Vương sai bắt nàng chúa Ba đem chém đầu. lúc lưỡi rìu của đao phủ giơ lên thì đất trời sầm tối, gió bão nổi lên và một ánh hào quang lóe sáng bao bọc lấy Diệu Thiện[ii]. Vì thần thổ địa biến thành hổ cõng cái xác bất động của nàng đem vào núi.

Chúa Ba Diệu Thiện tới yết kiến Diêm Vương. Bằng phép thuật của mình, nàng đã giải thoát cho các linh hồn tội lỗi. Trên đường trở về, Diệu Thiện gặp Đức Phật hiện ra trên đám mây. Phật khuyên nàng lánh ra một hòn đảo để tu hành. Đức Phật ban cho nàng quả đào tiên. Nhờ ăn quả đào đó mà Diệu Thiện trở thành bất tử và không bao giờ cảm thấy đói, khát. Vị thần đảo biến thành hổ cõng Diệu Thiện bay theo gió ra đảo[iii]. Sau 9 năm tu hành trên đảo, Chúa Ba Diệu Thiện đạt được chính quả và tiếp nhận Thiện Tài làm người hầu thứ nhất.

Một hôm, con trai thứ ba của Long Vương biến thành cá đi chơi và bị dân chài bắt được đem bán. Bằng cặp mắt nhìn thấu mọi vật, Diệu Thiện biết được việc đó. Bà sai Thiện Tài ra chợ mua con cá đem thả về biển[iv]. Long Vương vô cùng cảm kích trước tấm lòng nhân ái của chúa Ba. Ngài dâng tặng bà viên ngọc tỏa sáng ban đêm (Dạ minh châu) để bà đọc sách. Long Vương còn cho cô gái cả tên là Long Nữ theo hầu Diệu Thiện.

Sau khi đã cải đạo cho cha mẹ, Diệu Thiện được phép vào cõi cực lạc của Adiđà. Nhưng bà đã từ chối để ở lại cứu vớt chúng sinh đau khổ” (Waley 1925: 11).

Hình tượng “Quan Âm Nam Hải” bắt nguồn từ sự tích Long Vương dâng viên Dạ minh châu cho Chúa Ba Diệu Thiện.

Ở cột đá chùa Dạm có mặt tất cả những chi tiết chủ yếu gắn với hình tượng “Quan Âm Nam hải”: sóng biển, viên ngọc Dạ minh châu, đôi rồng. Theo suy nghĩ của chúng tôi, phần nằm trên của cột đá chùa Dạm là hình ảnh Quan Âm đang ngồi trên tòa sen. Phần này có thể được làm riêng bằng gỗ cho nên thời gian hoặc một lý do nào đó đã làm mất đi. Hình ảnh “Quan Âm Nam hải” ở chùa Dạm được thể hiện không phải dưới dạng một tác phẩm điêu khắc tượng mà dưới hình thức một đài thờ khá lớn. Đài thờ”Quan Âm Nam hải” của chùa Dạm tuy có chức năng như một kiến trúc, nhưng lại được trình diện như một tác phẩm điêu khắc lớn sinh động. Nền tròn bó bằng những tảng đá khắc hình những cột sóng cao gây ra ấn tượng bao la, dạt dào của biển cả. Thân cột đá khá cao vừa có tác dụng làm chân đỡ đài sen vừa mô phỏng hình ảnh của hòn đảo nhô lên giữa biển cả sóng trào – nơi chúa Ba Diệu Thiện tu hành. Cặp rồng tạc nổi uốn lượn ở phần trên của cột đang ngẩng cao đầu cùng chầu vào viên ngọc tỏa sáng có thể hiểu như sau: Long Vương cùng vợ dâng viên Dạ minh châu cho chúa Ba Diệu Thiện để đền ơn. Còn bà chúa Ba Diệu Thiện tức Phật Bà Quan Âm thì ngực trên đài sen phía trên (nay đã mất).


[i] Một trong tên hiệu của Quan Âm là “Bạch y đại nhân” (mahasattva) – Cách ứng nghiệm thứ 4 của Bồ Tát.

[ii] Cách ứng nghiệm thứ 5 của Quan Âm: Quan Âm hào quang.

[iii] Cách ứng nghiệm 12: Quan Âm Quá Hải.

[iv] Từ việc này sinh ra cách ứng nghiệm thứ 10: Quan Âm ngư thủy.

Bài liên quan

Bài đăng mới