Về ngôi đình cổ không còn tại 61 Hàng Ngang

Ngô Thế Long & Đặng Trần Dũng

Tạp chí Xưa&Nay, số 572, tháng 2 năm 2025

Có một số bưu ảnh (carte postale) xưa còn lưu lại tấm hình ngôi đình ở góc phố Hàng Ngang – Hàng Bạc có tên là Hương Thượng Linh Từ  (祠靈上香), trên dòng chữ này là Đài sảng tại thiên (天在爽臺).

 Đó là ngôi đình của dòng họ Đặng Trần – Phù Đổng, sinh sống tại Hà Nội, được gọi là giáp Hương Thượng (上香甲, giáp là một đơn vị dân cư, nhỏ hơn làng)⁽¹⁾. Năm Gia Long thứ nhất (1802), các cụ tổ dòng họ đã mua mảnh đất 135mvà xây dựng ngôi đình một tầng tại 61-63 Hàng Ngang và 144-146 phố Hàng Bạc, khi đó thuộc thôn Dũng Thọ, tổng Hữu Túc, sau đổi thành tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (các văn bản thời Pháp thuộc ghi là số nhà 114, rue des Changeurs, nay là phố Hàng Bạc). Đất này là nơi linh ứng, thờ Đại Vương tôn thần – Thánh Hậu Phu nhân (Đức bản thổ Thành hoàng và Đức Phu nhân). Trên bài bia do Đặng Xuân Hải làm vào ngày 19 tháng tám năm Gia Long thứ nhất (1802) có ghi: “Công đức ông thần rất to, cùng với trời đất cũng bền lâu, lễ nghĩa là một sự lớn, làm người ta ai cũng phải tôn kính”, “Giáp ta thờ hai vị ông bà Thành hoàng, giúp nước hộ dân, trừ tai, giải nạn, cả một xứ nhờ ơn thần, đều được thịnh lợi, tuy rằng thời thượng cúng tế tưởng cũng tỏ lòng thành kính, như là gặp đâu cúng đấy, sợ ra ý khinh mạn quỷ thần, nay giáp ta quân bổ được 2257 quan tiền kẽm, tậu được một khu đất tư ở tại phố Hàng Bạc thôn Dũng Thọ, cùng lòng nhau vẽ kiểu đo đất dựng làm miếu mạo rộng rãi đẹp đẽ”.

Hương Thượng Linh Từ (chú thích của bức ảnh này viết nhầm là phố Hàng Buồm)

 Theo bài tựa của Nguyễn Như Giang vào ngày 16 tháng tám năm Tự Đúc thứ 21 (1868): “Đình Hương Thượng ở thôn Dũng Thọ, giáp ta thật là một nơi linh ứng, đình ấy làm từ năm Gia Long thứ nhất (1802), năm qua tháng lại, gió tốc mưa soi, xưa kia vàng biếc rõ ràng, nay đã rêu che mờ mịt, bấy lâu đội đức tôn thần, thấy thế nín đi sao tiện, nay hội bàn quân bổ trong giáp được cả thảy là 2842 quan tiền, cứ như thức cũ mà sửa sang lại, chỗ nào nát thì thay đi, chỗ nào đổ thì dựng lên, chả mấy lúc đã làm nên cửa nhà miếu mạo đẹp đẽ, cũng đều nhờ ơn thần phù hộ cho, chả phải sức người ta hay làm được như vài trăm năm sau này, mà trong giáp chúng ta có người khá lên, thì sẽ có thể làm rộng rãi cao lớn thêm lên”.

Năm 1889, ông Đặng Trần Châu, con trưởng của dòng họ với sự đóng góp kinh phí của các con cháu trong dòng họ, đã đứng ra xây lại ngôi đình thành hai tầng mái ngói theo giấy phép số 72 ngày 11-3-1889 của Đốc lý Thành phố Hà Nội. Tầng trên để thờ cúng, còn tầng dưới cho thuê lấy lợi. Việc trông nom đình Hương Thượng do ông trưởng họ chịu trách nhiệm, được hưởng lợi từ việc cho thuê tầng dưới, nhưng phải chi phí cho việc tế lễ và tiền thuế thổ trạch. Từ năm 1933, Đốc lý Hà Nội yêu cầu phải lập Hội đồng Quản trị trông nom đình. Ngày 29-4-1933, Hội đồng Quản trị được thành lập gồm chánh hội (trưởng giáp), phó chánh hội (phó trưởng giáp), thủ quỹ, thư ký, hai kiểm soát và các thành viên hội đồng, đều là người dòng họ Đặng Trần tại Hà Nội⁽²⁾. 

Trang thứ nhất điều lệ của giáp Hương Thượng
Đơn gửi ông chánh Ủy ban nhân dân Cách mạng Thành phố Hà Nội ngày 28-8-1945

Đình Hương Thượng đã được các nhà vua ban tặng sắc phong thần của đình là Đức Bảo Trung hưng Tinh phù Đại Vương (Dực bảo trung hưng linh phù chi thần) vào các năm Thành Thái nguyên niên (1889), Duy Tân thứ 3 (1909) và Khải Định thứ 9 (1924)⁽³⁾.

Ngày 26-9-1934, Đốc lý Hà Nội Henri Virgitti đã gửi công văn số 4157-D cho ông Đặng Trần Cư, Trưởng Ban Hội đồng trị sự đình Hương Thượng yêu cầu cung cấp một số thông tin về “Hội đồng trị sự, tên thủ từ, các khoản thu và chi của đình từ tháng Giêng năm 1934 đến 01-10-1934, tiểu sử đình,… để xét đoán giá trị đình về phương diện tôn giáo và những việc cần sửa sang để cảnh đình thêm phong quang”. Ngày 16-10-1934, ông Đặng Trần Cơ đã cung cấp những thông tin theo yêu cầu của Đốc lý Hà Nội, khẳng định “đình Hương Thượng là của riêng họ Đặng”, “ngày 23-8-1909, Hội đồng Thành phố đã công nhận cho là tư thổ của họ chúng tôi” và “về việc tế lễ dân chúng tôi (con cháu họ Đặng Trần tại Hà Nội – NTL chú thích) mỗi năm vào đám 2 kỳ: 11, 12 tháng Hai Âm lịch (gọi là Xuân tế) và 11, 12  tháng  tám Âm lịch (gọi là Thu tế) và các tuần tiết⁽⁴⁾. Đình Hương Thượng chúng tôi quanh năm không có thiện nam, thiện nữ nào đến lễ cả”.

Ngôi đình này có điều lệ riêng gồm 7 thiên và 16 điều. Vì là đình của dòng họ nên trong thiên thứ 6, điều 13, 14 có Thể lệ vay học bổng, tiền vay tương trợ dành cho con cháu dòng họ đi học đại học hoặc tương trợ những hội viên nào “xét ra thật túng quẫn trong gia đình hay cần phải lo liệu một việc gì quan trọng xảy ra như hiếu, hỷ, tai nạn bất thường,…”.

Tuy mảnh đất xây dựng đình này là các cụ tổ dòng họ đã mua từ năm 1802, nhưng ngày 14-9-1906, chính quyền Pháp tại Đông Dương đã ban hành Nghị định về đình chùa, đã sáp nhập mảnh đất này thành đất công, dòng họ phải thuê lại. Chính vì vậy, ngày 28-8-1945, chỉ sau Cách mạng tháng Tám hơn 1 tuần, ông trưởng họ đã viết đơn gửi ông chánh Ủy ban nhân dân Cách mạng Thành phố Hà Nội, mong “xem lại sự sáp nhập đó và sẵn lòng mua lại mảnh đất mà tổ tiên đã mua và xây dựng đình Hương Thượng”. Đơn này chính quyền Hà Nội đã nhận vào ngày 30-8-1045, có dấu và tem công chứng.

 Năm 1953, đình Hương Thượng là một trong những tổ chức quyên góp cho việc trùng tu cầu Thê Húc.

Năm 1960, cùng với ông bà Trịnh Văn Bô hiến ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang và ông bà Trịnh Văn Bính hiến ngôi nhà số 3 và hai tầng nhà số 7 phố Hàng Ngang, ông bà Đặng Trần Hoàn và bà Đặng Thị Giá là cháu nội của ông Đặng Trần Châu giao toàn bộ ngôi đình Hương Thượng ở số 61 phố Hàng Ngang cho nhà nước.

Vài nét về dòng họ Đặng Trần – Phù Đổng tại Hà Nội:

Theo gia phả, họ Đặng Trần vốn là họ Trần, cụ tổ (đời thứ nhất) là Trần Văn Vy, tự hiệu là Đặng Hiên, chắt của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, lớn lên vào thời nhà Minh xâm lược Việt Nam. Cụ đỗ Tiến sĩ năm 1442 thời vua Lê Thái Tông và đã từng giữ chức Thượng thư Bộ Hình và Bộ Binh. Cụ có con gái lớn là hoàng hậu của vua Lê Nhân Tôn. Các đời sau các cụ đều làm quan trong triều. Đến đời thứ 5 có cụ Trần Công Toàn đỗ Tiến sĩ và từng làm Tham chính Kinh Bắc, Binh bộ Tả Thị lang, tước phong An Xuyên Bá. Dựa theo tên hiệu Đặng Hiên của cụ tổ, từ đây, cụ Công Toàn đã đổi họ Trần thành họ Đặng Trần. Cụ có bà vợ ba, con gái một viên quan quê ở làng Phù Đổng và hai cụ có con là Đặng Trần Như Khuê. Cụ Như Khuê sống tại làng quê của mẹ là làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) và ở lại đó. Như vậy, dòng họ Đặng Trần – Phù Đổng có chính thức từ đời thứ 6. Đời thứ 8 có cụ Đặng Trần Công Chất (1622-1683), đỗ Trạng nguyên khoa Tân Sửu, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1661) thời vua Lê Thần Tông và đã từng là Thượng thư Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Lại. Tháng 12-2020, tên cụ đã được đặt cho một tên phố ở huyện Gia Lâm.

Đến đời thứ 13, cụ Đặng Trần Quốc Kinh, hiệu Thận Trai, làm nghề thầy lang, có bà vợ hai là con gái duy nhất của một gia đình ở phố Hàng Bồ. Hai cụ có người con trai là Đặng Trần Quang. Cụ Đặng Trần Quang (hiệu Mai Hiên (1836-1901)) ở với mẹ và sau đó là thừa kế toàn bộ gia sản của ông bà ngoại tại số 43 phố Hàng Bồ. Như vậy, dòng họ Đặng Trần chính thức ở Hà Nội vào những năm 1840. Sống ở phố phường Hà Nội, gia đình không theo con đường thi cử làm quan lại mà chuyển sang kinh doanh. Ngoài việc kinh doanh vải vóc, tơ lụa và sợi bông là mặt hàng chính, vào đúng thời điểm mà đèn Hoa Kỳ thay thế cho đèn dầu lạc, cụ còn là đại lý cho Công ty Tâm Đạt (Standard oil Cie), là một công ty sản xuất, vận chuyển, tinh chế và tiếp thị dầu mỏ của Mỹ. Cửa hàng tặng đèn dầu (thời đó gọi là đèn Hoa Kỳ) miễn phí cho khách mua dầu. Những chiếc đèn này có công dụng rất thiết thực, đã nhanh chóng thay thế những đĩa dầu lạc cũ. Cũng nhờ kinh doanh mặt hàng này, cụ Mai Hiên đã giàu lên nhanh chóng. Cụ mua thêm nhà ở phố Hàng Bồ và cho ba con trai và hai con gái mỗi người một ngôi nhà để tiếp tục sự nghiệp kinh doanh với tên các cửa hiệu là: Đặng Trần Châu (Gia Tường), Đặng Trần Sán (Phát Tường), Đặng Trần Vỹ (Trịnh Tường), Thụy Tường. Hai cô con gái được gả cho dòng họ Phạm Gia ở Đông Ngạc. Cùng với đó, với suy nghĩ “không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời”, cụ đã cho ba cháu nội là con của ba con trai sang Pháp học về luật, y khoa và từ đó có thêm dòng họ Đặng Trần tại Pháp.

Chú thích:

1. Điều 2 của điều lệ đình Hương Thượng có viết: “Mục đích là dựng nên một nhà thờ riêng để phụng sự nhà Thánh, dân hàng giáp được hưởng phúc lành, sau để con cháu được họp mặt luôn để thêm phần thân ái nên lập thành đình, nhưng vì tiếng đình nó có ý nghĩa công cộng nên gọi là giáp. Vì thế, các cụ tổ ta mới đặt là Hương Thượng giáp”.

2. Theo điều 5, thiên thứ Ba của điều lệ đình Hương Thượng về thể lệ vào hàng giáp Hương Thượng phải là con trai bên nội và ít nhất là 1 tuổi (đủ 12 tháng) và phải sửa lễ phẩm gồm 1 thẻ hương, 1 bao nến, 1 gói hoa và số tiền 50 đồng. Tuy nhiên, theo biên bản lập Ban Quản trị giáp Hương Thượng ngày 07-9-1954, do “một số đông các hội viên cũ nay đã tản đi xa, không người trông nom phụng sự nhà Thánh cùng các công việc hàng giáp” nên đã bầu bà quả phụ Đặng Trần Huy tức Nguyễn Thị Nghiêm tham gia Ban Quản trị và làm thủ quỹ. Thậm chí đến tháng 5-1956, các thành viên Ban Quản trị đã “cùng đồng ý để bà quả phụ Đặng Trần Huy, tức Nguyễn Thị Nghiêm được quyền quản trị thay mặt hàng giáp trông coi việc thờ phụng nhà Thánh và những căn hàng số 144-146 phố Hàng Bạc và số 61, 61A, 61B và 63 phố Hàng Ngang”. Văn bản này đã được Ban đại diện Hành chính khu 16, Thành phố Hà Nội chứng thực ngày 26-5-1956.

3. Theo đơn của ông Chánh hội Đặng Trần Cư gửi Đốc lý Hà Nội ngày 16-10-1934.

4. Theo điều 4, thiên thứ Hai của điều lệ Đình Hương Thượng, các tuần tiết là những ngày sóc vọng và tứ thời bát tiết (ngày sóc là ngày đầu tháng, ngày vọng là ngày giữa tháng; tứ thời là bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông, bát tiết là tám tiết khí hậu đặc biệt trong một năm: Xuân phân, Thu phân, Hạ chí, Đông chí, Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông), mùng 1 tháng Giêng (Tết Nguyên đán), mùng 7 tháng Giêng (Khai hạ), mùng 15 tháng Giêng (Thượng Nguyên), mùng 3 tháng ba (Hàn thực), 15 tháng tư  (Vào hè), 5 tháng năm (Đoan Ngọ), 15 tháng bảy (Trung nguyên), 15 tháng tám  (Trung Thu), 9 tháng chín (Trùng cửu), 10 tháng 10 (Trùng thập), 15 tháng một (Đông chí), 15 tháng Chạp (Tất niên), 30 tháng Chạp (Trừ tịch). Trong đó các ngày lễ Thượng nguyên, Vào hè, Trung nguyên, Tất niên và Trừ tịch đều là lễ tam sinh (lễ tế thần dùng ba con vật là ngưu (bò hoặc trâu), thỉ (lợn), dương (dê) và các loại bánh. Tam sinh còn có thể đơn giản là kê (gà), ngư (cá), thỉ (lợn). Nếu không có cá thì có thể thay bằng tôm hay cua, nếu không có gà thì thay bằng trứng). Còn những ngày lễ khác và các ngày sóc vọng (mùng 1 và 15 mỗi tháng) chỉ cúng oản chuối hương hoa.

Tài liệu tham khảo:

1. Các văn bản được lưu tại dòng họ và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1.

2. Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873-1954, tập 2, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, Đào Thị Diến chủ biên. H.: Nxb. Hà Nội, 2010  (tr. 562, 563).

3. Lịch sử Đảng bộ và nhân dân phường Hàng Đào, 1930-2000. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2005. 4. Gia phả họ Đặng Trần do cụ Đặng Trần Cung viết vào năm 1981, 50 trang bằng tiếng Pháp (Aperçu généalogique des Đặng Trần).

Bài liên quan

Bài đăng mới